Na Uy: Phát hiện nhiều hiện vật quý hiếm thời Trung cổ

Na Uy: Phát hiện nhiều hiện vật quý hiếm thời Trung cổ

Các nhà khảo cổ học của Viện NIKU trong một cuộc khai quật tìm kiếm các hiện vật thời Trung cổ. (Nguồn: NIKU).

Mới đây, các nhà nghiên cứu Na Uy trong một cuộc khai quật ở bến cảng Oslo cổ xưa đã tìm được chiếc găng tay sắt rất quý hiếm, có thể là một phần của bộ giáp trụ hiệp sĩ thời Trung cổ vào thế kỷ XIV.

Các nhà khảo cổ thuộc Viện Nghiên cứu di sản văn hóa Na Uy (NIKU) đã phát hiện chiếc găng tay sắt nói trên trong khi dò tìm kim loại quanh khu vực bến cảng Oslo cổ xưa.

Thời Trung cổ, khoảng năm 1050, Oslo vốn là một thành phố cảng. Nhưng vào năm 1624, sau một trận hỏa hoạn tàn phá, vua Na Uy Christian IV đã ra lệnh chuyển bến cảng qua nơi khác.

Các chuyên gia đã thực hiện hai cuộc khai quật lớn ở khu vực bến cảng cũ Oslo, lần một vào năm 2019-2020 và lần hai năm 2022-2023.

Theo nhà khảo cổ học Håvard Hegdal của Viện NIKU, họ đã phát hiện nhiều đồ vật có từ thời Trung cổ và Phục hưng, bao gồm xác tàu đắm, đồ gốm, giày dép, dây thừng, hài cốt của động vật bị giết thịt và một số lượng lớn vũ khí.

Ông Hegdal nói với Live Science: “Chiếc găng tay sắt này được tìm thấy cách bờ khoảng 40 mét. Vì vậy, nó có thể đã được ném rơi từ một con tàu xuống biển, mặc dù chúng tôi chưa thể giải thích tại sao chuyện này có thể xảy ra”.

Những chiếc găng tay kim loại này dùng để bảo vệ bàn tay và cổ tay của chiến binh, được phát minh vào đầu thế kỷ XIV, khi các binh lính và hiệp sĩ châu Âu nâng cấp áo giáp của họ, từ áo dạng mắt xích lên dạng tấm (gồm nhiều tấm thép nguyên khối, nặng hơn nhưng có tác dụng bảo vệ tốt hơn áo giáp mắt xích).

Những găng tay kiểu này rất hiếm khi được tìm thấy, vì sắt thép thường bị gỉ sét ăn mòn nhanh chóng và dễ dàng bị tiêu hủy khi nằm trong lòng đất.

Các nhà khoa học của NIKU cũng khai quật được nhiều loại vũ khí, phần lớn là dao găm, kiếm, giáo và rìu.

Ông Hegdal cho biết: “Giả thuyết của chúng tôi là những thứ này đã bị vứt bỏ do một lệnh cấm sử dụng vũ khí, dựa trên các quy định tương tự ở các thành phố khác vào thời Trung cổ. Hoặc có thể chúng đã bị vứt bỏ do người ta tránh né bị kiểm tra hải quan ở bến cảng”.

Việc tìm hiểu đầy đủ về Oslo thời Trung cổ rất phức tạp, do nhiều tài liệu cổ của Na Uy đã bị tiêu hủy bởi trận hỏa hoạn lớn năm 1728. Theo chuyên gia Hegdal, cuộc khai quật của NIKU, dự kiến kết thúc vào tháng 11 năm nay, có thể làm sáng tỏ quá khứ thời Trung cổ của Oslo.

(theo Live Science)

Hoàng Trung Hiếu

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây