Sau khi giả trai để tham dự kỳ thi Hội, bà bị vua phát hiện. Tuy nhiên, thay vì trừng phạt, vua đã mời bà vào cung để chuyên dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ.
1. Bà là ai?
Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654) là nữ danh sĩ Việt Nam vào thế kỷ XVI – XVII. Bà sinh ra tại Kiệt Đặc (phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay), nổi tiếng thông minh, xinh đẹp. Năm 1594, bà lấy tên Nguyễn Ngọc Du và giả làm trai để dự kỳ thi Hội. Bà đỗ tiến sĩ nhưng bị phát hiện. Sau đó, vua Mạc Kính Cung đã xóa tội khi quân đồng thời mời bà vào cung giảng dạy cho các phi tần.
2. Bà được dân gian gọi với danh hiệu gì?
Dân gian bấy giờ gọi bà là Tinh Phi hay Bà chúa Sao, ngụ ý khen bà xinh đẹp và sáng như vì sao. Cũng vì dáng vẻ mảnh mai, gương mặt thanh tú của bà, vua nhà Mạc đã ngờ vực và phát hiện ra bà là nữ giả trai để đi thi.
3. Sau khi nhà Mạc bị diệt, chúa Trịnh đã làm gì sau khi bắt được bà?
Nguyễn Thị Duệ đỗ tiến sĩ và làm quan dưới thời vua Mạc Kính Cung. Khi nhà Mạc bị chúa Trịnh đánh đuổi lên Cao Bằng, bà cũng đi theo. Năm 1625, bà rơi vào tay quân Trịnh. Vì tài đối đáp xuất sắc, bà được chúa Trịnh tiếp tục trọng dụng. Trịnh Tráng phong bà làm Nghi ái quan, trông coi việc học trong phủ chúa.
4. Bà có chính sách gì để thúc đẩy phong trào học tập trong dân chúng?
Thời làm quan, để thúc đẩy phong trào học tập trong dân chúng, bà thường cùng các bậc túc nho đến giảng dạy tại các khu vực ấn định rồi tự soạn đề, tổ chức thi. Bài thi được chính tay bà chấm và gửi kết quả ngược lại địa phương. Phương pháp này đã giúp nâng cao trình độ học vấn tại làng, xã xa kinh thành.
5. Khi nghỉ hưu, vua Lê đã trọng thưởng cho bà bằng cách nào?
Khi tuổi đã cao, Nguyễn Thị Duệ từ quan về lại quê nhà ở Kiệt Đặc (Hải Dương ngày nay). Bà dựng am Đào Hoa để làm nơi đọc sách, chỉ bảo cho các sĩ tử trong làng.
Vua Lê ưu ái giao cho bà số thuế hàng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc. Bà chỉ giữ lại một chút, phần còn lại dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo khổ.