Nam Bộ là một vùng đất mới, có trên dưới 300 năm tuổi. Nói đến văn hóa Nam Bộ là nói đến văn hóa Việt đã được phát triển ở vùng đất này. Do những đặc điểm riêng, vùng đất Nam Bộ trở thành không gian mở, thành nơi hợp lưu những dòng chảy văn hóa.
Là người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, so với các vùng đất khác trên cả nước, tuy là vùng đất mới nhưng Nam Bộ đã tích hợp nhiều yếu tố mới – cũ, từng bước làm giàu thêm văn hóa chung của dân tộc theo thời gian.
Thưa ông, văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Nam bộ nói riêng trong lịch sử là quá trình giao thoa của nhiều luồng văn hóa khác nhau. Từ sự giao thoa ấy, cha ông ta đã tiếp nhận, “gạn đục khơi trong”, phát triển nên bản sắc của mình. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
– Do những đặc điểm riêng, vùng đất Nam Bộ đã trở thành một không gian mở, là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa và biến đổi không ngừng. Những dòng chảy văn hóa ấy chính là yếu tố hợp thành cái mà nhiều người đã gọi là “kho báu” của vùng đất Nam Bộ
Tuy nhiên, dù cho cái kho báu ấy có quý đến thế nào mà vẫn bị chôn vùi thì cũng thành ra vô ích. Nó chỉ thực sự là quý báu khi mỗi một con người Nam Bộ biết tìm tòi và đọc ra được ý nghĩa của nó trong đời sống thường ngày của mình.
Theo ông diễn tiến của lịch sử có ảnh hưởng và tác động như thế nào đến sự giao thoa và hình thành nét văn hóa vùng Nam Bộ?
– Từ thế kỷ XVI – XVII, lưu dân Thuận – Quảng đã rời quê hương vào lập nghiệp ở phương Nam và dần hình thành nên văn hóa của Nam Bộ.
Trong Gia Định thành thông chí viết vào đầu thế kỷ XIX, rất dễ nhận ra những tập tục của vùng đất này thuộc văn hóa Thuận – Quảng như đêm 23 tháng Chạp có tục hát sắc bùa; bữa trừ tịch thượng nêu, mùng bảy hạ nêu. Cùng với đó là các kiêng kỵ khác như sinh con, làm lễ đầy tháng cúng 12 bà mụ, thờ ông táo, thờ cá ông…
Từ những yếu tố của lịch sử và điều kiện địa lý, vùng đất này trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận – Quảng thì tiếp đó là sự giao lưu với văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Âu Tây.
Sự giao thoa ấy thể hiện qua các nghệ thuật dân gian, dân tộc còn lưu giữ đến ngày nay. Từ nhạc lễ đến đờn ca tài tử, từ hát bội đến ca kịch cải lương, những biến đổi về âm nhạc, nghệ thuật diễn xuất trong cải lương…
Vậy theo ông, Nam Bộ đã định hình những nét đặc sắc về văn hóa như thế nào?
– Nét đặc sắc về văn hóa của vùng đất Nam Bộ là một giao điểm động, luôn tiếp xúc với cái mới nên hầu như không một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Chúng luôn luôn và nhanh chóng đổi mới để tạo nên một dạng thức mới đáp ứng nhu cầu (và thị hiếu) của từng thời đại. Ngoài hai yếu tố trên thì còn là tính thời thượng và tính hiếu kỳ trong thị hiếu của văn hóa Nam Bộ.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu với các độc giả tại chương trình “Viết nên những trang sử” do LEON DIO và BÁ TÂN SÁCH phối hợp tổ chức.
Nếu không dạy, trẻ làm sao biết mạch nguồn văn hóa dân tộc
Dành rất nhiều tâm huyết với văn hóa dân gian, ông tâm niệm ra sao về công việc đã qua của mình?
– Trong đời, có 2 việc tôi thực sự ham muốn, xem đó là chí nguyện. Đó là làm việc liên quan đến nghệ thuật – hội họa và dạy trẻ em. Từ nhỏ tôi đã rất thích vẽ, nhưng lại không có cơ duyên theo hội họa. Sở thích đó lại dẫn dắt tôi viết sách, dịch sách phần lớn về mỹ thuật, kiến trúc.
Bộ Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ được chia theo thể loại làm 7 bộ, là thành quả của mấy mươi năm sưu tầm của tôi. Bộ sách đó, có duyên may được quỹ Hoa Sen tài trợ nên tôi bỏ thêm 3 năm để biên soạn lại, mong góp phần bảo tồn văn hóa miền Nam.
Tôi cũng tham gia từ ngày đầu ở thư viện số Nguyễn An Ninh, và chính tôi nêu ý tưởng thực hiện thư viện số khi nghĩ đến văn học dân gian miền Nam. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian để đi nói chuyện với các bạn trẻ, các trường đại học về văn hóa mong các em sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa Nam Bộ.
Hiện nay, đối với những người trẻ thì có vẻ như các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc đang mai một dần, làm sao để có thể giữ gìn được, để thế hệ trẻ không quên đi những giá trị vốn đã định hình nên bản sắc?
– Điều này thì phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan có vai trò, được giao nhiệm vụ giáo dục. Phải “làm cho tri rồi mới mộ”, nếu như người trẻ không biết được những giá trị cội nguồn, những bản sắc trong lịch sử, quá khứ thì làm sao mà họ ái mộ được. Trong khi đó, ngày nay nhiều hình thức giải trí, nhiều dòng văn hóa thế giới đang hàng ngày, hàng giờ giao thoa với văn hóa Việt. Cải lương, hò Quảng, tuồng, chèo… nếu không hiểu làm sao mà yêu, thích rồi thì có trách nhiệm bảo tồn được.
Do đó, trách nhiệm của người lớn, của Nhà nước, của giáo dục là phải làm sao dạy cho thế hệ trẻ hiểu về văn hóa lịch sử, về cội nguồn dân tộc. Làm sao để những giá trị tốt đẹp của cha ông vận dụng được vào đời sống hiện đại, tiếp biến nó và “gạn đục khơi trong”, làm giàu thêm vốn văn hóa đất nước.
Nhiều năm gắn bó với nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Nam Bộ, ông mong muốn điều gì nhất?
– Tôi kỳ vọng những người nghiên cứu, các trường đại học, ngành văn hóa địa phương dành thêm nguồn lực, quan tâm hơn đến công tác sưu tầm văn hóa dân gian. Rồi sau đó với những dữ liệu ghi chép được lưu giữ bằng những giải pháp mới, ứng dụng công nghệ, phổ biến đến xã hội. Cuộc sống đang thay đổi rất nhanh, rất nhiều vốn quý trong dân gian đang mai một, cần được lưu giữ lại trong thư viện số đồng thời với việc tìm phương cách duy trì, bảo tồn trong đời sống.