Nhạc sĩ Văn Cao trong ký ức của PGS Đặng Thị Hạnh

Nhạc sĩ Văn Cao trong ký ức của PGS Đặng Thị Hạnh
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Một buổi chiều trước cách mạng, sau quyết định nhận công tác mới, nhạc sĩ Văn Cao lang thang quanh Bờ Hồ. Đêm ấy về căn gác, ông viết những nét nhạc đầu tiên của “Tiến quân ca”.

Trong thời kỳ này, bạn làng văn của ba tôi đến chơi nhà chưa nhiều. Ba tôi cũng như mọi người, đều bị hút vào công việc thời sau cách mạng.

Lần đầu tiên gặp Văn Cao trong một ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Bông – nhà của bà mẹ vợ tương lai của ông, tôi chỉ thấy một người nhỏ bé, mặt mũi hiền lành, hoàn toàn không có “mẽ”: Đó là ý nghĩ của một cô bé mười lăm tuổi vốn dễ bị ảnh hưởng về dung mạo bên ngoài. Mặc dù mỗi lần đi từ Hà Nội về Liễu Trang qua phố Khâm Thiên, không lúc nào tôi không như nghe văng vẳng:

Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma
Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa…

Tôi không hề đặt dấu nối giữa người thanh niên nhỏ bé ấy và các bài thơ, bản nhạc từng mê hoặc cả một thế hệ do ma lực của chất thơ và hào khí. Nhưng tôi cũng tin rằng vào lúc ấy, khó ai có thể đoán được ở ông, người nghệ sĩ có lẽ tài hoa nhất thế kỷ. […]

Văn Cao cũng đã nói đến bối cảnh sáng tác Tiến quân ca của mình: Một buổi chiều trước cách mạng, sau quyết định nhận công tác mới, ông đi lang thang quanh Bờ Hồ.

“Bên một gốc cây bóng mấy người đói khổ trần truồng, loang trên hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì, trong một ống bơ sữa bò… Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân… Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của Tiến quân ca“.

Có những nét song hành nào đó trong xuất phát điểm cuộc đời cách mạng và trong tài năng của Nguyễn Đình Thi và Văn Cao. Và cả những nét đối kháng, không chỉ trong số phận.

Khi nghe nói một nhà thơ tài năng đã có thể chỉ chữa lại ít chữ trong một bài thơ tình rất hay, trước đây đã được dâng tặng, để dâng tặng lần nữa cho một người thứ hai, mà cúi mình xuống ngắm dòng thơ, người này vẫn hài lòng soi thấy đúng bóng mình trong đó, ta không khỏi mỉm cười thú vị và thông cảm.

Trái tim nghệ sĩ là đơn nhất và muôn hình. Hư cấu của nghệ sĩ cũng vậy, vả chăng đó là luật của hư cấu, sao có thể trách ông? Tuy nhiên, thuộc một thế hệ lớn lên qua nhiều nền văn hóa, tôi vừa tự do trong ý nghĩ, vừa duy nhất trong lý tưởng: Tôi vẫn đầy ngưỡng mộ khi nhận ra rằng chỉ có một gương mặt duy nhất in hình trong thơ và họa của Văn Cao qua nhiều năm tháng:

Giữa những ngày dài dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng…

Cuối những năm 70, tôi gặp lại Văn Cao, nhưng là trên một bức tranh, chân dung ba tôi vào dịp sinh nhật lần thứ bảy mươi lăm của ba tôi.

Sau này, ông nói ông đã vẽ ba tôi bằng trí nhớ, không chỉ của lúc ấy mà còn bằng kỷ niệm một thời kỳ dài giữ lại từ tuổi thanh niên. Và ông đã vẽ ba tôi với một cái can, mặc bộ đồ trắng (tôi vẫn còn nhớ bộ complet bằng đũi trắng và cái ca-ra-vát đen ba tôi thường dùng khi còn dạy ở trường Thăng Long).

Ông đã đặt tên cho bức vẽ Người cầm can – người đi tìm đường. Chính bức vẽ này khiến tôi đã phải vừa buồn cười vừa suy nghĩ về tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật, về độ chênh giữa ý định người sáng tác và cách đọc của người xem. […]

Thực sự, trong chân dung mà Văn Cao coi là thành công nhất của mình, nét mặt ba tôi không hề giận giữ mà chỉ rất sâu lắng trong cái nhìn, có phần ưu tư nữa, tất nhiên. Bức vẽ Đặng Thai Mai u uẩn và lắng đọng.

Tôi chỉ lấy làm lạ tại sao với những nét rất đơn sơ, có khi còn tách ra khỏi nguyên mẫu (khuôn mặt ba tôi dài, không rộng ngang đến thế, còn bàn tay ba tôi dài, ngón thon), Văn Cao lại biểu hiện đúng vẻ mặt và dáng người của ba tôi đến thế.

 Đặng Thị Hạnh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây