Những bảo vật quốc gia mới: Bát sứ ngự dụng tinh mỹ Hoàng thành Thăng Long
Hai chiếc bát được sản xuất bằng kỹ thuật cao, thấu quang và có chữ quan. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là bát ngự dụng.
Ngoại giao… bát sứ
Hai chiếc bát sứ ngự dụng ở Hoàng thành Thăng Long đã nổi tiếng trước cả khi trở thành bảo vật quốc gia, thậm chí trước cả khi Hoàng thành trở thành Di sản văn hóa UNESCO công nhận. Từ năm 2004, khi Tổng thống Pháp Jacques René Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, hai chiếc bát sứ men trắng thời Lê này đã được đưa ra để hai vị khách quý chiêm ngưỡng.
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, cho biết: “Từ khi phát hiện, chiếc bát đã trở nên rất nổi tiếng, trở thành di sản quý giá của Hoàng thành Thăng Long và nó đã được công bố nhiều trên các sách và tạp chí trong, ngoài nước. Hai vị khách đều thán phục, ngợi ca về phẩm cấp cao quý, chất lượng tuyệt hảo, vẻ đẹp tinh mỹ của đồ án hình rồng khi chiêm ngưỡng chiếc bát này”.
Hai chiếc bát có kích thước khác nhau, nhưng cùng lớn hơn so với loại bát thường dùng để ăn cơm phổ biến hiện nay. Bát có dáng hình cầu, thân cong tròn đều, miệng loe, mép miệng vê tròn và hơi bẻ ra bên ngoài. Chân đế cao, thành rất mỏng, thường được ví như vỏ trứng, xương trắng đục, men trong, hoa văn in nổi trong lòng trước khi phủ men. Mép chân đế vê tròn và cạo men nhằm giảm diện tiếp xúc và giảm độ dính khi kê xếp lên vật khác khi nung.
Khi được tìm thấy, bát nằm trong lớp trầm tích chứa nhiều hiện vật gồm đồ sành, gốm men thời Lê sơ. Một trong hai chiếc bị vỡ và mất một số mảnh, các mảnh vỡ còn nằm tại vị trí, điều đó chứng tỏ bát bị vỡ do sức ép của các lớp đất phía trên. Sau khi được nhấc lên, các mảnh vỡ đã được ghép lại, phần mảnh bị mất đã được phục nguyên bằng chất liệu bột đá và keo.
Năm 2017, Viện Nghiên cứu kinh thành bàn giao hiện vật này cùng với một số hiện vật khác cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phục vụ trưng bày giới thiệu tại Phòng trưng bày đồ gốm trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê.
Hình rồng và chữ quan
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Hoa văn được trang trí trong lòng bát. Đồ án hoa văn chính là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ. Giữa lòng bát in nổi một chữ quan.
Rồng được thể hiện ở tư thế bay lượn, đầu ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây. Chân rồng có 5 ngón dang rộng như đang muốn cầm nắm lấy ngọc báu ở phía trước. “Mặc dù thân rồng không còn uốn tròn kiểu thắt “túi vải” như rồng thời Lý, Trần, nhưng tư thế vận động hết sức mạnh mẽ được mô tả qua những chi tiết giải phẫu của thân và hoạt động của các bắp chân”, hồ sơ bảo vật nêu.
Hồ sơ cũng nhấn mạnh việc chân rồng có 5 ngón với móng vuốt sắc nhọn. Đây là hình tượng rồng tiêu biểu dành riêng cho hoàng đế. Thêm vào đó, lòng bát in hình chữ quan, có nghĩa là sản phẩm của lò quan, là lò do quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình.
Nguyên liệu tinh khiết, kỹ thuật nung cao cho sản phẩm thấu quang
Kỹ thuật gốm đỉnh cao thời Lê sơ
PGS-TS Bùi Minh Trí cho biết bát có xương gốm rất mỏng, được ví như vỏ trứng. Độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua. Điều này cho thấy trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ đã đạt đến trình độ rất cao. “Nguyên liệu được lựa chọn cẩn thận, quá trình xử lý, gạn lọc tạp chất được tiến hành rất kỹ càng, tạo dáng bằng phương pháp chuốt dáng trên bàn xoay, lớp men rất mỏng và trong”, PGS-TS Trí cho biết.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết hiện mới chỉ tìm thấy bát sứ men trắng trang trí rồng có xương mỏng ở Lam Kinh và Hoàng thành Thăng Long. Tại Lam Kinh, vốn được coi là kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê cũng phát hiện một số mảnh bát sứ trắng in nổi hình rồng 5 móng giống như hai hiện vật này. Tuy nhiên, tất cả hiện vật phát hiện tại Lam Kinh đều bị vỡ, cũng không đủ mảnh để ghép đủ dáng. Các bát sứ trắng trang trí rồng thời Lê sơ tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long là những hiện vật còn đầy đủ dáng nhất trong bộ sưu tập bát sứ trắng cao cấp trang trí rồng và đồ ngự dụng thời Lê sơ hiện có.
Hồ sơ bảo vật cũng cho thấy hai chiếc bát là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Nguyên liệu của bát là cao lanh có độ tinh khiết cao, được nung nhiệt độ cao giúp cho sản phẩm có xương rất mỏng mà vẫn đảm bảo độ bền và thấu quang. Thêm vào đó, để in được các chi tiết hoa văn nhỏ thì việc in ấn phải diễn ra khi cốt còn ướt. Trong bối cảnh xương rất mỏng như vậy việc in ấn hoa văn khi cốt còn ướt với yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối cho thấy trình độ tuyệt vời của người thợ gốm.
Phân tích hóa học còn cho thấy trên cả hai bát đều xuất hiện nguyên tố vàng. Việc xuất hiện vàng ở đây đặt ra vấn đề, có thể bát vốn còn được vẽ vàng. Cũng không thể loại trừ khả năng này bởi đây vốn là các đồ cao cấp và người thợ gốm thời Lê sơ hoàn toàn làm chủ công nghệ vẽ vàng trên đồ sứ. (còn tiếp)
Trinh Nguyên