Việc phát lộ hàng nghìn mũi khoan đá cùng hàng nghìn chuỗi hạt thủy tinh được chế tạc tinh xảo và những tín hiệu của hoạt động chế tác quy mô lớn bước đầu có thể cho thấy khu di tích khảo cổ học Thác Hai (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác quy mô lớn cách ngày nay 2.000 – 3.500 năm.
Đánh thức giấc ngủ 3.500 năm
Những kết quả khai quật di tích khảo cổ học Thác Hai vừa được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLS) phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk công bố gây rất nhiều chú ý nhờ khối lượng rất lớn các di vật khảo cổ được tìm thấy qua hai đợt khai quật cuối năm 2021. Sự chú ý càng lớn hơn trong giới chuyên môn bởi di tích khảo cổ học Thác Hai (thuộc Thôn 6 xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) chỉ mới được các cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk phát hiện đầu năm 2020, và ngay cuối năm đó được Bảo tàng Lịch sử Quốc và Bảo tàng Đắk Lắk tiến hành khảo sát.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk ngay sau đó thống nhất tiến hành khai quật di tích Thác Hai lần thứ nhất vào đầu năm 2021 do sớm nhận thấy những tiềm năng nghiên cứu rất cao. Ngay trong đợt khai quật đầu tiên, giới chuyên gia phát hiện ra một di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan có niên đại trên dưới 3.000 năm. Nhìn nhận di tích Thác Hai có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung và quan trọng là di tích này đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với sự xâm lại từ mưa lũ, cho nên ngay từ cuối năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục phối hợp khai quật lần thứ 2 nhằm một mặt thu thập thêm các thông tin khoa học giá trị, mặt khác kịp thời đưa lên khỏi lòng đất những di tích, di vật quý giá nhằm bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị phục vụ nhân dân.
Hạt chuỗi thủy tinh ở Thác Hai. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Theo TS Trương Đắc Chiến (chủ trì khai quật), trong lần khai quật thứ hai, các nhà khảo cổ tiến hành mở 3 hố khai quật với tổng diện tích gần 60m2. Các hố khai quật đều có địa tầng sâu trên 2m được chia thành 5 lớp đất phản ánh sự cư trú lâu dài và liên tục của cư dân cổ. Trong các hố khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện được tổng cộng 16 ngôi mộ táng cùng với 1 cụm gốm, 1 hố đất đen và đặc biệt là sự xuất hiện của một phế tích lò dạng ống trong hố khai quật thứ 3.
Các nhà khảo cổ học cũng thu được một số lượng lớn các hiện vật với các chất liệu đá, gốm, thủy tinh, mã não… Trong đó, chiếm vị trí chủ đạo là bộ sưu tập mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Các mũi khoan chưa có dấu vết sử dụng cùng với phôi, phác vật, vảy tước được tìm thấy đã phản ánh đầy đủ 1 quy trình sản xuất mũi khoan ở Thác Hai. Một loại hình hiện vật mới chiếm số lượng đáng kể của lần khai quật này là các hạt chuỗi thủy tinh. Tổng số 1.244 hạt chuỗi thủy tinh đã được thu thập lại, trong đó có tới 1.058 hạt (85%) phát hiện ở hố khai quật H3, với mật độ 78 hạt/m2. Các hạt chuỗi có màu đơn sắc, phổ biến là màu nâu đỏ, màu xanh lam, xanh lá, cam, vàng, nâu… Ngoài ra còn có khá nhiều hạt thuộc dạng thứ phẩm, phế phẩm, bị gãy vỡ nằm trong tầng văn hóa. Đây đều là các hạt chuỗi đơn sắc dạng Indo-Pacific điển hình ở Việt Nam và Đông Nam Á thời Sơ sử.
Mỏ vàng khảo cổ học
Theo TS Trương Đắc Chiến, sau gần 5 tháng tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ thu thập được một khối lượng di tích, di vật phong phú, với những thông tin khoa học rất quan trọng, góp phần làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di tích Thác Hai. Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn. Tính chất cư trú thể hiện rõ qua địa tầng dày trên dưới 2m, ken dày đặc mảnh gốm và đồ đá cùng các dấu vết sinh hoạt khác như than tro, hố đất đen.
Các nhà khảo cổ học nhận định, tiềm năng khảo cổ học của Đắk Lắk là rất lớn. Ảnh: daklak.gov.vn
Điều đó cho thấy cư dân cổ đã cư trú tại khu vực này lâu dài và liên tục. Tính chất mộ táng cũng rất rõ nét, thể hiện qua việc các mộ táng xuất lộ trong mọi độ sâu của tầng văn hóa, với táng thức khá thống nhất. Tính chất công xưởng lại càng nổi bật hơn nữa, với sự xuất hiện của mũi khoan với số lượng lớn, đi kèm với nó là các hiện vật liên quan đến chuỗi chế tác (la chaîne opératoire) như đá nguyên liệu, mảnh tước, phác vật, phế vật…
Một điểm mới trong đợt khai quật này, đó là những tín hiệu của hoạt động sản xuất hạt chuỗi thủy tinh ngay tại di chỉ Thác Hai. Di tích Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 3.500 năm cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc Hậu kì Đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi và mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ Sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh.
Với các kết quả khai quật trên đây, các nhà khảo cổ học nhận định, tiềm năng khảo cổ học của Đắk Lắk là rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ di tích khảo cổ ở Đắk Lắk khá đậm đặc, nhưng cho đến nay việc lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học vẫn chưa được để tâm đúng mức. Do không có quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ, nên nhiều di tích đã ít nhiều bị xâm hại bởi các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó với một di chỉ tiền sử quan trọng như Thác Hai, Bảo tàng lịch sử Quốc gia kiến nghị phải nhanh chóng xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ và tiến hành nghiên cứu lâu dài. Đồng thời tiếp tục khai quật di chỉ Thác Hai trên quy mô lớn hơn để thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất để có thêm nhận thức một cách toàn diện về di chỉ cực kỳ quan trọng này. Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm lập một đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đầu tư cho công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn hiệu quả.
Vết tích lò ở di tích Thác Hai. Ảnh: BTLS
Tỉnh Đắk Lắk cũng cần tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, bài bản và có hệ thống. Hoạt động hợp tác cũng không chỉ giới hạn trên phương diện khảo sát, khai quật khảo cổ học mà còn cả trên các lĩnh vực như trưng bày, bảo quản, phục chế hiện vật hay xuất bản ấn phẩm, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn Đắk Lắk trưng bày đến với công chúng trong và ngoài nước.
Với chính quyền địa phương, ông Thái Hồng Hà – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND huyện Ea Súp tiếp tục vận động quần chúng nhân dân chung tay bảo vệ phát huy giá trị di tích Thác Hai, phối hợp các chuyên gia trong công tác khai quật mở rộng, trưng bày hiện vật tại địa bàn.