Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

TS. Nguyễn Văn Đoàn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ, bảo quản trên 200.000 tài liệu, hiện vật có niên đại kéo dài từ cách ngày nay khoảng 30-40 vạn năm đến thời kỳ cận – hiện đại, với nhiều bộ sưu tập quý hiếm, phản ánh lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước đầy tự hào của dân tộc Việt Nam.

 Gần đây, nhằm tôn vinh hơn nữa giá trị di sản văn hóa dân tộc, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đã xem xét và đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cho các hiện vật, nhóm hiện vật đặc sắc, nổi bật. Qua các đợt xét chọn từ năm 2012 đến 2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có 20 hiện vật, đại diện cho các nền văn hóa, các thời đại, các thời kỳ lịch sử được công nhận là Bảo vật quốc gia. Trong đó, Bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Đông Sơn có số lượng nhiều nhất. Trong bài viết, chúng tôi xin được giới thiệu về 6 Bảo vật thuộc văn hóa Đông Sơn hiện đang lưu giữ  tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Mỗi Bảo vật đều chứa đựng những nét đặc sắc, những thông điệp lịch sử, văn hóa quý giá, thực sự có ý nghĩa là đại diện tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Trống đồng Ngọc Lũ là hiện vật tiêu biểu, rất nổi tiếng, mang ý nghĩa biểu tượng, gắn với văn hóa Đông Sơn, được phát hiện ngẫu nhiên bên bờ sông Hồng trong khoảng những năm 1893-1894, sau đó được thờ ở đình làng Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), năm 1902, được người Pháp đưa về Viện Viễn Đông Bác cổ.

Untitled 1 2 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

2 7 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

               Trống Ngọc Lũ thực sự là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, là chiếc trống đẹp nhất trong nhóm những trống đồng Đông Sơn tiêu biểu (trống Herge I). Trống có kích thước đường kính mặt: 79,3cm, đường kính chân: 81cm, cao 63cm, nặng 86kg,  patin màu nâu xám, gồm các phần: mặt, tang, thân và chân trống. Hoa văn trang trí tập trung ở mặt, tang và thân trống. Chính giữa mặt trống đúc nổi hình mặt trời 14 tia, xen kẽ văn lông công, tiếp đó phủ kín 16 băng hoa văn vô cùng sinh động như hoa văn hình học, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, đặc biệt là các băng văn chủ đạo, diễn tả cảnh sinh hoạt, lễ hội (đánh trống đồng, cầu mùa, giã gạo, chồng nụ, chồng hoa…), các hình tượng động vật như chó, hươu, chim Lạc, con đực, con cái xen kẽ, chuyển động ngược chiều kim đồng hồ… khiến mặt trống như một vũ trụ thu nhỏ chuyển động, phản ánh sâu sắc quan niệm nhân sinh cũng như thế giới quan của người Việt cổ về không gian, thời gian, lễ hội, tín ngưỡng, lịch pháp, kiến trúc, âm nhạc, âm dương…

               Tang trống tạo hình cong phình đều, với băng văn chủ đạo trang trí hình 6 chiến thuyền miêu tả cảnh chiến binh chiến thắng trở về cùng với tù binh và chiến lợi phẩm, người hóa trang, chim, thú… Thân trống hình trụ đứng, trang trí hình người múa hóa trang trong ô hình chữ nhật, ngăn cách giữa các ô là các đường chỉ nổi. Chân choãi hình nón cụt.

               Với vẻ đẹp hoàn hảo, tạo hình hài hòa, cân đối giữa mặt, tang, thân và chân, hoa văn trang trí vô cùng tinh xảo, trống đồng Ngọc Lũ là hiện vật đặc sắc, quý hiếm, là sự thể hiện sinh động của nghệ thuật luyện kim đúc đồng, rất có ý nghĩa và giá trị trên nhiều phương diện để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, văn minh Việt cổ, với bản sắc đậm nét, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia ngay từ đợt 1, năm 2012.

            Trống đồng Hoàng Hạ, phát hiện năm 1937, tại thôn Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Nội).  Cùng với Ngọc Lũ, Sông Đà và Cổ Loa, Hoàng Hạ nằm trong nhóm những trống Đông Sơn đẹp nhất với hình dáng cân đối, hoa văn trang trí tinh xảo, gồm 4 phần: mặt, tang, thân và chân trống. Trống có kích thước đường kính mặt: 78,5cm, đường kính chân: 79,8cm, cao 61,5cm, nặng 78kg Mặt trống chờm ra khỏi tang, chính giữa đúc nổi hình mặt trời 16 tia, xung quanh là 15 băng hoa văn gồm các loại hoa văn hình học, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, vạch ngắn song song. Băng văn chủ đạo mô tả nhà cầu mùa, người hóa trang nhảy múa, đánh trống đồng và hình chim Lạc, chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống phình đều, trang trí 6 chiến thuyền chuyển động từ trái sang phải, trên đó có người chèo thuyền, những chiến binh tay cầm vũ khí, cảnh xử tù binh, xen giữa các thuyền là những hình chim mỏ dài. Thân trống hình trụ đứng trang trí hoa văn hình học và người hóa trang nhảy múa. Chân trống hình nón cụt, hơi choãi.

Những băng hoa văn trang trí độc đáo, sống động trên trống không chỉ phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của cư dân Đông Sơn; biểu đạt sinh động và sâu sắc tâm thức của cư dân trồng lúa nước mà còn thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim đúc đồng của người Việt cổ thời dựng nước đầu tiên. Với những giá trị đặc sắc ấy, trống đồng Hoàng Hạ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, đợt 1, năm 2012.

               Thạp đồng Đào Thịnh được phát hiện tại thôn Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái), năm 1961, là chiếc thạp có kích thước lớn nhất hiện biết, hình khối vô cùng độc đáo với hoa văn trang trí phong phú và tinh xảo. Thạp có kích thước đường kính nắp: 64cm, đường kính đáy: 60cm, cao 87cm. Chức năng chính của thạp là đồ đựng lương thực. Tuy nhiên, khi phát hiện, thạp được sử dụng làm quan tài, bên trong thạp chứa nhiều than tro và xương răng người chết. Nhìn tổng thể, cả nắp và thân, thạp có dáng quả nhót lớn, với thân dáng hình trụ, thuôn dần xuống đáy. Nắp thạp hình nón cụt, ở giữa trang trí hình mặt trời 12 tia, xung quanh là 11 băng hoa văn hình học và các băng hoa văn miêu tả cảnh sinh hoạt, hình tượng động vật, chim Lạc… Đặc biệt, trên nắp thạp đúc nổi 4 khối tượng tròn, tả thực, hình tượng đôi trai gái đang trong tư thế giao hợp. Trai thì xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì mặc váy ngắn. Bộ phận sinh dục của nam giới được thể hiện lớn hơn, “bất thường”, cố ý làm mất đi sự cân đối so với cặp tượng, lại được tạo ngay trên nắp thạp đã thể hiện rõ tín ngưỡng phồn thực, phản ánh khát vọng cầu mùa của cư dân nông nghiệp lúa nước, ước vọng được mùa, bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.

5 3 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

6 3 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

              Thân thạp đúc nổi tới 25 băng hoa văn gồm hoa văn hình răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến và hình tượng chim Lạc đan xen… Phần giữa thân thạp là băng hoa văn chủ đạo với hình 6 thuyền chiến, mũi cong có bánh lái; trên thuyền là các chiến binh cầm cung, lao, giáo, rìu chiến vô cùng sinh động, cho thấy lịch sử phát triển quân sự, vũ khí cũng như kỹ thuật đóng và sử dụng thuyền của người Việt cổ. Thạp Đào Thịnh cũng là một kiệt tác của kỹ nghệ đúc đồng. Hình khối, hoa văn trang trí và các khối tượng tròn trên nắp thạp, cùng việc sử dụng làm quan tài mang thông điệp vô cùng có ý nghĩa cho thế hệ hôm nay về quan niệm nhân sinh về lẽ sống – chết, ước vọng mùa màng sinh sôi, nảy nở cũng như tín ngưỡng phồn thực nguyên sơ của cư dân Văn Lang xưa.

Hình dáng đặc biệt, thể khối lớn, nghệ thuật đúc tượng tròn và trang trí tinh xảo, tinh tế, thạp Đào Thịnh vốn là đồ đựng lương thực (hạt giống), nhưng lại được sử dụng làm quan tài, một hình thức mai táng đặc biệt, đầy ý nghĩa của cư dân văn hóa Đông Sơn. Với giá trị đặc sắc, “độc nhất vô nhị”, thạp Đào Thịnh được công nhận là Bảo vật quốc gia ngay đợt 1, năm 2012.

            Tượng hai người cõng nhau thổi khèn được nhà khảo cổ học Olov Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật di tích Lạch Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và được chuyển về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1935.

Khối tượng chỉ cao 8,5cm, nơi rộng nhất 9,5cm, thể hiện hình tượng vũ công trong tư thế nhảy múa, trên lưng cõng một nhạc công khác say sưa thổi khèn. Hai khối tượng được khắc họa với y phục giản đơn, mình trần, quấn khố, đầu chít khăn, khuyên tai to, nổi rõ… Người phía dưới, cõng, dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo điệu khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng tạo thành một thực thể thống nhất hài hòa, sống động. Vốn ban đầu, đây là khối tượng được gắn (hoặc tay cầm) trên nắp đồ dùng sinh hoạt nào đó, song khi tách rời, độc lập vẫn thực sự là tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo mang ý nghĩa biểu cảm cao.

7 2 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

             Hình tượng hai người cõng nhau thổi khèn một lần nữa khẳng định kỹ nghệ đúc đồng tuyệt vời của những nghệ nhân Đông Sơn, với bàn tay tài hoa, điêu luyện đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và vô cùng quý hiếm. Qua hình tượng đã hé lộ về đời sống hăng say lao động sản xuất, với tinh thần lạc quan yêu đời, lối diễn xướng nghệ thuật, âm nhạc sơ khai, nhảy múa, đồng thời, bản thân khối tượng tròn hình tượng hai người cõng nhau thổi khèn là tư liệu sống động, tìm hiểu về trang phục, trang sức, cũng như các khía cạnh khác nhau về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân Việt cổ từ hơn hai nghìn năm trước. Chính vì lẽ đó, hình tượng hai người cõng nhau thổi khèn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia ngay từ đợt 1, năm 2012.

               Cây đèn hình người quỳ được nhà khảo cổ học Olov Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật di tích Lạch Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và được chuyển về  Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) năm 1935. Cây đèn cao 40cm, dài 30cm, rộng 27cm, nặng 1,9kg, tạo hình tượng người đàn ông mình trần, với khuôn mặt bầu, đóng khố trong tư thế quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tóc cuộn hình xoắn ốc, vấn khăn, đeo hoa tai. Đôi mắt mở to, nổi rõ mí, lông mày dày, sống mũi cao, môi dày, miệng rộng, hơi mỉm cười. Hai vai và phía sau lưng gắn 3 giá đỡ đèn hình chữ S, mỗi giá đỡ một đèn và gắn một hình người cũng trong tư thế quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông gắn tượng 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Cánh tay, cổ tay người đàn ông mang trang sức, đeo hoa tai hình khuyên to, tròn, trên vai và quanh bụng trang trí mô típ hoa sen, hoa cúc (?).

8 2 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

9 2 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

              Đây là hiện vật rất độc đáo trong số ít những cây đèn cùng loại hình thuộc giai đoạn Đông Sơn muộn, phản ánh sự giao thoa, giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn với với các cộng đồng dân cư trong khu vực ở những thế kỷ đầu công nguyên. Cây đèn với hình khối tạo tác và hoa văn trang trí, thể hiện tài năng nghệ thuật cũng như tư duy thẩm mỹ và khả năng tiếp nhận, thích ứng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước. Với ý nghĩa đặc biệt ấy, cây đèn hình người quỳ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia ngay từ đợt 1, năm 2012.

               Mộ thuyền Việt Khê được phát hiện thôn Ngọc Khê, xã Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) năm 1961. Đây là một hình thức mai táng khá phổ biến của cư dân Đông Sơn sinh sống ở các vùng trũng châu thổ và duyên hải Bắc Bộ. Quan tài dài 4,76m, rộng 0,57m, chỗ rộng nhất 0,77m, được tạo từ một thân cây gỗ lim khoét rỗng. Di cốt trong mộ Việt Khê không còn, nhưng đồ vật chôn theo lại còn khá nguyên vẹn với 107 hiện vật, trong đó chủ yếu là hiện vật chất liệu đồng, gỗ, thuộc da bao gồm đồ dùng sinh hoạt (âu, bình, thố…); công cụ sản xuất (rìu, dũa, đục…); vũ khí ( lao, giáo, kiếm…); nhạc khí (trống, chuông…), không thấy có đồ gốm và đồ sắt. Trong số các đồ tùy táng, có những hiện vật khá độc đáo rất có giá trị và ý nghĩa nghiên cứu như chiếc muôi đồng hình quả bầu, có cán trang trí hình tượng người thổi khèn; mảnh da có dấu sơn là những chất liệu có liên quan tới sự ra đời một số ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như nghề đúc đồng, thuộc da, nghề sơn… Đáng chú ý, trong đó, một số hiện vật bị cắt hoặc bẻ cong thể hiện rất sinh động quan niệm nhân sinh về táng tục cổ, chỉ định chúng được dành cho người chết (của nhà chia hai, của đồng chia ba).

10 1 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

11 2 - Nét đặc sắc nhóm Bảo vật Quốc gia văn hóa Đông Sơn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

               Mộ thuyền Việt Khê với kích thước lớn và nhiều đồ tùy táng đã phản ánh sự giàu có của một bộ phận cư dân đương thời, phản ánh quan niệm về sự sống, chết, đời người, qua đó cho thấy đời sống tinh thần phong phú, tư duy, thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh của cư dân văn hóa Đông Sơn.

Mộ thuyền Việt Khê có hình khối đặc biệt, chế tác từ cây gỗ nguyên khối lớn, sử dụng làm quan tài, hình thức mai táng đặc trưng, đầy ý nghĩa nhân văn, có số lượng đồ tùy táng nhiều nhất, chứa đựng thông tin, mang ý nghĩa biểu tượng trong đời sống của cư dân Việt cổ. Với giá trị đặc biệt ấy, hiện vật mộ thuyền Việt Khê đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 2, năm 2013.

               Một vài suy nghĩ thay lời kết

               Chúng ta đều biết, văn hóa Đông Sơn là một trong ba nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng đã góp phần hình thành nên các nhà nước sơ khai ở Việt Nam, được phát hiện năm 1924 tại làng Đông Sơn (Thanh Hóa). Tính đến nay, đã gần 100 năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hoá Đông Sơn đã được làm sáng tỏ. Văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên, với các giai đoạn phát triển, phân bố trong phạm vi rộng khắp miền Bắc Bộ kéo dài đến tận Quảng Bình, tập trung chủ yếu ở lưu vực các sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ được phát hiện và nghiên cứu, là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt. Văn hóa Đông Sơn là cơ sở vật chất và là sự thể hiện sinh động “hình ảnh” nhà nước Văn Lang-Âu Lạc được hình thành và phát triển ở khu vực miền Bắc Việt Nam từ khoảng hơn hai nghìn năm trước.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong nhiều chương trình nghiên cứu, phát hiện, giới thiệu và trưng bày về văn hoá Đông Sơn, đã đem lại cho công chúng những nhận thức mới, đầy đủ hơn về văn hoá này, đã góp phần khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ bộ sưu tập về văn hóa Đông Sơn với hơn 10.000 tài liệu hiện vật, bao gồm đầy đủ các chất liệu phản ánh sinh động đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân Việt cổ. Trong số ấy, đáng kể hơn cả là các sưu tập trống đồng, sưu tập vũ khí, trang sức, đồ gốm… phản ánh các giai đoạn, các thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn. Trong khối di sản đồ sộ và phong phú ấy về văn hoá Đông Sơn, chúng tôi chọn thể giới thiệu những nét đặc sắc, khái quát nhất về 6 hiện vật vốn rất nổi tiếng trong các văn liệu nghiên cứu, mới được tôn vinh là Bảo vật Quốc gia thời gian gần đây. Và, thật đặc biệt, không phải ngẫu nhiên, trong quá trình xét chọn kỹ lưỡng, khoa học của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia với rất nhiều hiện vật đặc biệt trong phạm vi toàn quốc, trong 6 Bảo vật về văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì có tới 5 Bảo vật được công nhận ngay từ đợt đầu tiên, năm 2012. Thực tiễn ấy đã mặc nhiên khẳng định giá trị nổi bật, mang nhiều ý nghĩa của văn hóa Đông Sơn – một văn hóa khảo cổ, phát triển rực rỡ, rất đa dạng, song, lại thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện, với những khám phá đầy lý thú, ẩn chứa sức hấp dẫn “ghê gớm” đối với bất cứ ai trên bước đường “lần tìm” về bản sắc văn hoá Việt cổ.

Với niềm tự hào và vinh dự ấy, thời gian tới đây, từ chức năng, nhiệm vụ của mình, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục có những chương trình nhằm phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa Đông Sơn, trong đó, 6 Bảo vật quốc gia sẽ là ưu tiên hàng đầu, là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng với ưu tiên về diện tích và không gian trưng bày lớn hơn trong tương quan chung các phần trưng bày phản ánh tiến trình lịch sử dân tộc, với sự phong phú đa dạng của hiện vật sưu tập trống đồng, thạp đồng, vũ khí, trang sức, nông cụ, mộ táng…

Bên cạnh việc cải tiến và nâng cao chất lượng trưng bày, Bảo tàng sẽ xây dựng các nội dung thuyết minh với chuyên đề chuyên sâu nhằm giới thiệu kỹ lưỡng hơn về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Việt cổ thông qua sưu tập hiện vật, nhất là các Bảo vật văn hóa Đông Sơn, theo đó chuyển tải đến công chúng những vấn đề lịch sử văn hóa hấp dẫn và bổ ích, giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Các Bảo vật văn hóa Đông Sơn cũng sẽ tiếp tục tham gia trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước, được xây dựng, đã tái hiện một cách sinh động, khá toàn diện về các vấn đề liên quan văn hóa Đông Sơn nói riêng cũng như phản ánh tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc nói chung. Thời gian qua, các Bảo vật quốc gia văn hóa Đông Sơn đều được đã trưng bày tại Trung Quốc, Malaixia, Hàn Quốc, Pháp, Đức và Nga, gây ấn tượng đặc biệt với khách tham quan, tạo tiền đề cho những ý tưởng hợp tác quốc tế sâu rộng hơn, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Chúng tôi xin được kết thúc bài viết bằng nhận xét, đánh giá đã nêu trước đây. Đó là, các Bảo vật quốc gia trống đồng, thạp đồng và tượng đồng cùng mộ hình thuyền vốn là những loại vật dụng rất đỗi gần gũi với đời sống sinh hoạt của người Đông Sơn. Cho dù sử dụng trong đời sống thường nhật hay trong các nghi lễ tôn giáo, mai táng… song, vượt lên trên hết đó là nơi gửi gắm bao tâm tư, ước vọng của cư dân lúa nước Việt cổ, sâu sắc hơn là quan niệm về thế giới nhân sinh cao cả, mà cho đến hôm nay, không hẳn trong mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận/hiểu.

    TS. Nguyễn Văn Đoàn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây