Phác thảo gương mặt hai nhà thơ lớn nước Mỹ (Thế kỷ XIX)
Có người nói, nước Mỹ thiếu truyền thống dân tộc, do lịch sử nước này còn non trẻ; nước Mỹ chỉ là “tỉnh lẻ” trước những nước có nền văn minh lâu đời. Điều đó chỉ đúng một phần. Nói đến truyền thống văn hóa Mỹ còn phải kể đến đội ngũ những nhà văn, nghệ sĩ lớn mà từ thế kỷ XIX trở đi, tên tuổi của họ đã làm sáng tỏ nền văn học Mỹ, chiếm một vị trí lớn trong đời sống văn hóa nhân loại. Bài viết này xin dừng lại ở hai nhà thơ lớn của nước Mỹ đã sống và sáng tạo ở nửa sau thế kỷ XIX. Đó là Henry Wadworth Longfellow (1807 – 1882) và Walt Whitman (1819 – 1892).
Longfellow sinh ra trong một gia đình làm luật ở Portland, một thành phố biển. Hải cảng tấp nập, những làn sóng biển bọt trắng xóa vỗ vào mạn tàu, xa xa đàn hải âu chao cánh liệng, chân trời đại dương… đã lôi cuốn tuổi thơ của nhà thơ tương lai. Mười bốn tuổi Longfellow đã có thơ in trên các tạp chi ở Boston. Ở đó, 15 tuổi cậu thi vào trường cao đẳng, cậu có năng khiếu ngoại ngữ, say mê học các ngôn ngữ châu Âu và chỉ ba năm sau, Longfellow trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ ở cao đẳng, mặc dù bố thích anh trở thành luật sư. Do nghề nghiệp và sở thích xê dịch Longfellow nhiều lần sang châu Âu, ngọn nguồn của nhiều nền văn minh, đến Italia, Tây Ban Nha, sang thăm Pháp, rồi Anh, Hà Lan, Thụy Điển, để nhiều tháng nghe giảng bài ở đại hoc Hettinggex (Đức). Những cuộc tiếp xúc với đời sống văn minh của các nước châu Âu, di sản văn hóa của nhiều thế kỷ đặc biệt với những nhà hoạt động văn hóa bên kia đại dương giúp Longfellow mở mang trí tuệ, bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong sáng tác và giảng dạy ngữ văn. Kết quả, trong vòng gần 20 năm (1835 – 1854), ông là giáo sư ngữ văn tại đại học Havard và là giáo sư có nhiều kinh nghiệm sư phạm.
Nhưng rồi Longfellow bỏ nghề, chuyển sang sáng tác thơ. Những năm ông cầm bút là giai đoạn lịch sử Mỹ nổi lên phong trào xóa bỏ chế độ nô lệ hà khắc đối với người da đen, gọi tắt là chủ nghĩa bãi nô (aboliyionisme). Những năm 40 – 50 ở đất nước rộng lớn này nổi lên nhiều cuộc khởi nghĩa lớn: Năm 1831 là cuộc nổi dậy của các nô lệ Virginia, nội chiến ở Candắc, một cuộc khởi nghĩa khác dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh John Brown vào năm 1859. Những làn sóng của phong trào bãi nô lệ là “đêm hôm trước” của cuộc nội chiến Nam – Bắc (1861 – 1865). Nhưng mặt trái của chúng là các phong trào đấu tranh này đều không triệt để, đều bị hạn chế vì gắn liền với quyền lợi của giai cấp tư sản. Họ chỉ dừng lại ở chỗ phê phán đạo đức của bọn chủ nô, kêu gọi lương tri và tình cảm đồng loại của những kẻ giàu có, đem những chủ nô “hiền” đối lập với chủ nô “dữ”. Dẫu vậy, phong trào cách mạng cách mạng dân chủ tư sản để chống lại chế độ nô lệ cũng đã làm lay động tâm tư, tình cảm và cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà văn Mỹ nổi tiếng từ giữa thế kỷ XIX trở đi. Phần lớn những tác phẩm của họ được sáng tạo trên những nguyên lý của chủ nghĩa lãng mạn, tiến bộ và chủ nghĩa hiện thực vào những năm 20, 30. Trong văn học Mỹ, chủ nghĩa hiện thực, nhất là chủ nghĩa hiện thực phê phán được xác định muộn hơn so với văn học châu Âu. Chỉ sau khi nội chiến kết thúc (1861 – 1865), vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực mới trở thành phương pháp sáng tác cơ bản của dòng văn học tiến bộ, mà đại biểu lớn nhất là Mark Twain (1835 – 1865) một nhà văn nổi danh, xuất thân từ thợ mỏ với tiểu thuyết châm biếm Những cuộc phiêu lưu của Hucklebery (The Adventure of Hucklebery -1885). Tiểu thuyết thuật lại tuổi thơ của một chú bé da trắng và một da đen đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để đến được một bang mới, nơi đã bãi bỏ chế độ nô lệ da đen. Những phong trào của chủ nghĩa bãi nô, cuộc đấu tranh để bảo vệ người da đen, da màu là cơn bão lớn cuốn hút nhiều tài năng văn học, báo chí vào trung tâm điểm của nó. Có thể kể U.Philip, U.Harison, Steward, Whitman, Longfellow và nhiều nhà văn khác.
Nói đến Longfellow trước tiên phải kể đến Những bài ca về thân phận nô lệ (1842). Nhà thơ đã dựng lên một bức tranh màu xám, một cuộc sống vô nhân đạo, sự lao động khổ sai của người dân da đen tại các đồn điền người da trắng. Những tù nhân, ăn đói, mặc rách, thân thể bị hành hạ bởi những ông chủ da trắng; việc mua bán người da đen tại các phiên chợ, v.v… Nhìn những cảnh tượng đau lòng đó, nhà thơ tê tái, oán hận:
Người ta chở những nông nô ra chợ,
Toàn thân người bị đánh tả tơi
Cổ, tay, chân bị nghiền bằng xích sắt
Cảnh giết chóc, đau đớn hỡi trời;
Thật ghê rợn! Nào cưỡng bức, nào hành hạ xỉ nhục
Tất cả đều trùm lên linh hồn và thể chất con người
Trong bài thơ Giấc mơ của người da đen, Longfellow kể lại cảnh đời tối tăm, bị hành hạ của người nô lệ bởi những đòn roi, tiếng chửi của ông chủ da trắng. Trong giấc mơ trước lúc lìa đời, anh thấy được ngôi nhà riêng, người vợ thân yêu và những đứa con của mình tại một góc quê hương thân thuộc. Và điều này mới thật thiêng liêng: một lần nữa dù chỉ là giây lát, anh cảm thấy mình là người tự do. Có lẽ, nhờ âm hưởng lạc quan đó mà bài thơ được phổ cập rộng rãi không chỉ ở nước Mỹ. Tại nước Nga xa xôi, vào những năm 60 (thế kỷ XIX), bài ca đã được dịch xuất bản. Những nhà văn Nga như Ban mông, Bunhin, K.Tsukôpxki là những dịch giả xuất sắc văn học Tây Âu đã truyền lại vẻ đẹp thiên nhiên cuộc sống, sự lao động của những con người bình thường qua những vần thơ được viết bằng tâm huyết, bằng kỹ xảo của Longfellow.
Bài ca về Haiavat (1885) là một thi phẩm độc đáo. Trong lời tựa cho bản dịch bài thơ ra tiếng Nga, I. Bunhin viết: “… Vậy điều chủ yếu mà tiếng vang của Bài ca về Haiavat đã được thừa nhận là gì? Đó là vẻ đẹp hiếm có của những hình tượng nghệ thuật, các bức tranh gắn liền với tâm trạng thơ mộng và tình yêu cao cả. Trong Bài ca, những phẩm chất tốt đẹp về tâm hồn và tài năng của người sáng tạo đã được phản ánh. Suốt đời Longfellow cống hiến cho cái cao cả và cái đẹp… Ông kêu gọi mọi người yêu hòa bình, tình bằng hữu, yêu lao động vì lợi ích của đồng loại. Cái hiền và cái đẹp trong thơ và trường ca của ông không bao giờ bị phân đôi[1]…”. Những khổ thơ, vần thơ trong Bài ca làm người đọc xao động, khi thì bởi vẻ đẹp huyền diệu của truyền thuyết cổ được nhà thơ vận dụng, khi thì nỗi sung sướng êm đềm và tình yêu hồn nhiên của thời thơ ấu, khi thì cuộc sống lao động thái bình, khi thì những cảnh đời nghèo khổ vô vọng của kẻ bị áp bức đọa đầy. Bài ca có câu:
Haiavat đã lao động như thế nào?
Để cho nhân dân Anh được hạnh phúc
Để Anh đi đến điều lành và sự thật
Vậy Haiavat trong Bài ca là ai? Đó là một gương mặt lịch sử, sống ở thế kỷ XIX, là lãnh tụ của bộ lạc người da đỏ Irokex. Trong văn hóa dân gian của các bộ tộc da đỏ, hình tượng Haiavat thường được nhân lên bằng kích thước cao rộng, được tô đậm bằng những phẩm chất siêu việt như những nhân vật huyền thoại. Trong trường ca của Longfellow, câu chuyện thần kỳ của Haiavat được quyện chặt với sự thông thái dân gian. Haiavat vừa là một bản thể đặc sắc, có sức mạnh diệu kỳ có trí khôn siêu nhân, có lòng quả cảm phi thường, vừa là một chiến sĩ đấu tranh vì hạnh phúc của cộng đồng. Nhà thơ ca ngợi chiến công lao động của Haiavat và của nhân dân bộ tộc mình. Haiavat dạy người da đỏ biết săn bắn, làm ruộng, phát minh văn tự, phương thuật chữa bệnh, thuần phục thú dữ. Anh hiểu được tiếng nói của thú rừng, chim muông, tiếng ồn của gió và tiếng reo của sông suối. Nhà thơ không quên kể lại quang cảnh những ngày lễ hội của bộ lạc da đỏ: những bộ trang phục sặc sỡ, những loại vũ khí độc đáo, những lời thần chú linh diệu, nghi thức hành lễ lạ lẫm…
Ở chương XXI của Bài ca có tiêu đề Dấu tích bọn da trắng, Longfellow miêu tả quang cảnh đàn áp man rợ của bọn da trắng đối với các bộ tộc da đỏ: lăng nhục, khổ sai, đầy ải, thậm chí bắn giết những tội ác tày trời của bọn người tự xưng là “văn minh” HHH
đi “khai hóa” các dân tộc ma mãnh. Phải có những nhân vật như Haiavat, có sức mạnh như dông bão mới lãnh đạo được bộ tộc mình làm nên chiến công:
Đôi chân của Haiavat phi nhanh nước đại
Từ chiếc cung, anh phóng mũi tên,
Rồi chạy nhanh như lao thẳng tới,
Và cuối cùng vượt cả mũi tên
Sáng tác của Longfellow thật đa dạng. Ông thử sức trong lĩnh vực tiểu thuyết, nhất là giai đoạn sáng tác đầu tiên, là dịch thuật và là người giới thiệu nhiều nền thơ cổ ở châu Âu, mà tập Những nhà thơ và thơ ca châu Âu được xuất bản năm 1845 là tuyển thơ có giá trị. Ông viết nhiều kịch bản văn học, trong đó có kịch thơ Mikenlangelo. Nhưng trước, sau ông vẫn là nhà thơ nổi tiếng, nhà nhân văn chủ nghĩa của nước Mỹ với nhiều tập thơ và trường ca bất hủ: Những tiếng nói của đêm (1863); Những bản tình ca (1841), Evangeline (1847); Sự mai mối của Mailix Xtendi (1858).
Nếu như Longfellow là nhà thơ lớn xuất hiện trong giai đoạn sơ khai của khuynh hướng hiện thực ở Mỹ, thì Whitman là một nhà thơ dân chủ xuất sắc nhất của nước này, khẳng định khuynh hướng hiện thực của thơ ca Mỹ, ca ngợi những con người lao động bình thường, phê phán trật tự dân chủ tư sản Mỹ cuối thế kỷ XIX.
Walt Whitman (1819 – 1829) sinh ra trong một gia đinh nông dân ở West Hillo thuộc Long Islad; cha làm nghề nông và thợ mộc, mẹ theo giáo phái Quâycơ. Ông có đi học, nhưng lên 11 tuổi đã bỏ học, rồi tự học, tự kiếm việc làm: thợ mộc, thợ sắp chữ in, giáo viên; trong nội chiến (1861 – 1865), ông là phóng viên mặt trận, làm y tá ở quân y viện, chăm sóc thương binh.
Thể loại sáng tác chủ yếu của Whitman là thơ, thơ – văn xuôi. Trước khi bước vào con đường lớn của thơ. Whitman viết chính luận. Thực tiễn xã hội kim tiền Mỹ thôi thúc ông viết Sự thích thú bệnh hoạn đối với đồng tiền (1846); ở đó ông lên án sự sùng bái đồng đôla. Hơi đồng đôla đã kích thích bọn nhà giàu có ở Mỹ ham mê lợi nhuận, bất chấp đạo lý, chà đạp lên tình đồng loại. Cuộc chạy đua vì đồng tiền đã dẫn con người tới những thảm kịch. Là người trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ, Whitman đã có những trang chính luận sâu sắc, hừng hực khí thế tiến công của những nguồn lao động: Những công nhân Mỹ chống chế độ nô lệ (1847); Sự thù địch của chúng ta đối với miền Nam (tức là chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ (1848)).
Nói đến Whitman là người ta nghĩ đến tập thơ nổi tiếng. Những lá cỏ (Leaves of Grass – 1855). Với tác phẩm thi ca đồ sộ này, lịch sử văn hóa thế giới đã đặt Whitman ngang hàng với những nhà thơ xuất sắc thế giới vào nửa sau thế kỷ XIX. Tập thơ Những lá cỏ gồm 12 bài thơ và trường ca: về sau Whitman còn đưa thêm một số bài thơ nữa. Tập thơ được mở đầu bằng trường ca Bài ca về mình, được coi là tuyên ngôn thi cả của Whitman, trong đó nói lên: sự thống nhất giữa nhà thơ và nhân dân; nguyện vọng sống chan hòa với người lao động; ca ngợi sự lao động dù là của người da đen hay của người da trắng; lên án chế độ nô lệ, ca ngợi tình yêu đối với cuộc sống và phê phán lối sống ngoan ngoãn thụ động. Trong Gửi các bang trong nước Mỹ, Whitman kêu gọi:
Chống đối nhiều hơn, khuất phục ít hơn;
Chỉ cúi gục lắng nghe, đó là hoàn toàn nô lệ
Nếu nô lệ hoàn toàn thì dân tộc, bang và thành phố không bao giờ tự do trở lại
Nhân vật chính trong thơ ông là người lao động bình thường. Để thấy rõ hình tượng tính cách này, trong bài thơ Anh nghĩ rằng vì điều chi tôi cầm bút viết nêu nhiều câu hỏi: Cái gì đáng để ông ca ngợi trong thơ, có phải là chiếc thuyền buồm căng lộng gió, có phải đô thành chói ngời ánh điện hay niềm tự hào của những tháng ngày lộng lẫy hôm qua?… Không. Đơn giản thôi, đó là những con người bình dị:
Nơi bến tàu chen chúc đám đông họ từ giã xa nhau
Người ở lại thắm thiết hôn bạn
Người ra đi ghì ôm bạn tiễn đưa!
Chúng ta cũng thấy con người bình dị đó trong bài thơ Về đi cha! Đó là người cha tần tảo ngoài cánh đồng là người mẹ bất hạnh mắt hoa lên khi biết con mình bị trọng thương và hy sinh như một anh hùng; đó còn là Oxkêôla, một thủ lĩnh trẻ, dũng cảm của bộ lạc Xêminôn, bị bắt làm tù binh, bị hành hạ trong nhà giam, nhưng không quên nỗi buồn nhớ tự do.
Trong Bài ca con đường lớn (1856) Whitman muốn nói đến con đường đấu tranh giải phóng của những người lao động bình thường, kêu gọi họ tiếp tục đi về phía trước. Nhà thơ cũng nói đến “hạt giống tự do” sẽ nảy mầm cho mùa sau trong Châu Âu (Những năm 1972 – 1973).
Trong mỗi nầm mồ chiến sĩ có hạt giống tự do, từ hạt giống này sẽ nảy mầm cho mai sau. Gió lộng sẽ rắc hạt đi bốn phương trời xa tắp, mưa tuyết sẽ nuôi dưỡng hạt giống kia…
Tự do là biểu tượng lòng tin của nhà thơ vào cuộc đấu tranh. Nhưng đối với thế giới quan của Whitman thời đó, “mai sau”, “phía trước” còn là những từ ngữ mơ hồ, mơ hồ sẽ về mục tiêu và phương thức đấu tranh. Vì vậy, hình tượng thơ ca của ông mang tính chất trừu tượng.
Một trong những đặc điểm thơ ca của Uytmơn là tình yêu thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ ông thấm đẫm tình đời, ấm áp tình bè bạn. Tứ thơ được xây dựng trên lôgic tương phản nhằm gây ấn tượng. Bài Tôi thấy một cây sồi ở Louisiana như thế là một ví dụ.
Nó (cây sồi) cũng như tôi bất khuất, lực lưỡng và xù xì, gân guốc.
Nhưng lạ sao nó có thể sống cô đơn
Không một bạn tâm tình, cành lá
….
Cành lá trọn đời reo vui không bạn bè thân thuộc
Tôi hiểu rõ ràng không thể nào tôi sống vậy đâu!
Thiên nhiên nước Mỹ được Whitman tái hiện thật thi vị, nhiều màu sắc, phảng phất hương thơm của cánh đồng nho, vườn, táo nhất là vào mùa thu đi qua:
Lá xanh chuyển màu vàng tối, đỏ tươi
Làng Ohio đu đưa trong gió mát êm đềm,
Táo chín đỏ trong vườn, nho ngát thơm trên ruộng
Nghe thấy chăng bạn, hương nho ngào ngạt,
Và lúa kiều mạch, nơi bầy ong mới lượn lờ?
Nói đến thơ Whitman, chúng ta nghĩ ngay tơi sự cách tân trong thi pháp. Nhiều người nói thơ ông là thơ – văn xuôi, rất hiếm dùng âm vận, lời thơ mang phong cách chính luận. Đúng, đó là sự sử dụng có ý thức nhằm chuyển tải những nội dung lớn của thời đại. Ông kiến tạo bối cảnh rộng lớn của đất nước, mạnh dạn sử dụng những từ ngữ độc đáo, tôn vinh những con người có kích thước cao rộng cả về ngoại hình lẫn nội tâm. Chúng ta hãy đọc:
Tôi ngồi và nhìn nỗi buồn của nhân loại – tôi thấy sự lăng nhục và áp chế.
Tôi lắng nghe những giọt lệ lặng thầm, day dứt của những chàng trai, mà lương tâm đang dày vò họ, sự hối hận vì những hành động đê tiện…
(Tôi ngồi và nhớ)
Hoặc
Châu Âu bỗng vùng lên như tia chớp và tự nó cũng phải ngạc nhiên
Chà đạp lên đống giẻ cũ và xiết họng bọn vua quan…
Thơ ca của Whitman thường dựa trên tiết điệu, tính đa dạng, đa thanh của ngôn từ. Lần đầu tiên trong thơ ca Mỹ ngôn ngữ dân gian đã có mặt trong những vần thơ của Whitman. Trong thơ, văn của ông những từ ngữ “sự bất tử của tự do”, “hạt giống tự do”, “cơn khát tự do”, “hướng về châu Âu tự do”… thường lấp lánh, làm cho câu thơ tràn đầy sức sống, mang nặng niềm tin vào sức mạnh và trí tuệ của những tầng lớp nhân dân lao động, vào tương lai của nền dân chủ Mỹ ./.
(Tạp chí Châu Âu ngày nay, số 5 (41), 2001)
* Trích trong sách “THƠ TỪ CUỘC ĐỜI
THƠ ĐẾN MỌI NGƯỜI
(Hợp tuyển tiểu luận, phê bình về thơ 1963 – 2013) của Hồ Sĩ Vịnh do NXB Dân Trí xuất bản.
[1] Xem Lịch sử văn hóa nước ngoài của M. E. Elidarôva và tập thể tác giả, Nxb. Quốc gia giáo khoa sư phạm, Mátxcơva 1961, tr. 549. Một số sự kiện, đoạn thơ bằng tiếng Nga chúng tôi đều dẫn từ công trình trên.