Phát hiện quan trọng cho hồ sơ UNESCO Óc Eo
PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhận định, kết quả thực hiện Đề án Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học Văn hóa Óc Eo có nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần làm sáng rõ hơn về giá trị của di tích Óc Eo-Ba Thê, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.
Công trình đồ sộ
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (KHXHVN) công bố kết quả thực hiện đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo, ra mắt cuốn sách ảnh hiện đại và công phu Văn hóa Óc Eo. Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020. PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói, kể từ năm 1944 đến nay bất cứ ai quan tâm nghiên cứu lịch sử-văn hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước không ai không biết tới văn hóa Óc Eo thế kỷ 1-7 ở Nam bộ, trong đó có công trình nổi tiếng của Louis Mallerer công bố 1959-1963 Khảo cổ học đồng bằng sông Mê Kông.
PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN nhận định, đây là đề án khoa học có quy mô lớn, được Viện tổ chức thực hiện từ năm 2017- 2021, do ba đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam gồm Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện. Nhiệm vụ chính là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo-Ba Thê (An Giang) và di tích Nền Chùa (Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đặc biệt nhằm phục vụ việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.
“Kết quả khai quật cho thấy nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử”, PGS.TS Bùi Nhật Quang nói.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tự hào công trình khảo cổ này hội tụ nhiều cái nhất: công trình đồ sộ nhất, phát hiện nhiều di vật nhất (khoảng gần ba triệu di vật, hiện vật), phát hiện nhiều cái mới nhất, huy động nhiều nhà khoa học khảo cổ nhất. Chủ trương lập hồ sơ UNESCO được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ và sự chung tay của bộ, ngành và các tỉnh thành có di tích An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Phát hiện quan trọng
Cổ vật quốc gia phát hiện tại cuộc khai quật Óc Eo-Ba Thê
PGS.TS Tống Trung Tín điểm qua một loạt phát hiện quan trọng ở di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa giai đoạn 2017-2020. Các nhà khoa học phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ 10-11; một hệ thống di tích phong phú trải theo các thời kỳ lịch sử văn hóa bao gồm các dấu tích: tường bao, nhiều nền móng kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, đường đi lối lại, giếng nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ. Ông Tín cũng đánh giá cao ở hệ thống di vật phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau: vật liệu kiến trúc gạch, ngói, đá, gỗ, đồ gốm Óc Eo, đồ đồng, vàng, trang sức thủy tinh, đồ thờ…
“Chúng ta có thể hình dung rõ hơn rất nhiều quá trình phát triển, hưng thịnh và suy tàn của Văn hóa Óc Eo. Đó là một diện mạo của một thành thị cổ, bóng dáng của một cảng thị cổ Quốc tế, một khu vực kinh tế-văn hóa lớn vào bậc nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thế kỷ 1-7. Chúng ta bước đầu hình dung được cụ thể hơn diện mạo của Khu Di sản với một trung tâm lớn Ba Thê-Óc Eo kết nối với nhiều trung tâm vệ tinh, một thành thị có các trung tâm Phật giáo, Ấn Độ giáo, thành thị có giao thương kết nối sôi động cùng Trung bộ, Bắc bộ của Việt Nam và xa hơn như với Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Cận Đông, Lã Mã”, PGS.TS Tống Trung Tín nhận định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng thành tựu quan trọng nhất của đề án khai quật, nghiên cứu này là “làm sáng rõ những giá trị nổi bật của khu di tích Óc Eo-Ba Thê trong lịch sử. Đây là một trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo lớn và quan trọng nhất của Vương quốc Phù Nam”. Vai trò trung tâm giao thương kinh tế, văn hóa của Óc Eo-Ba Thê thể hiện qua loại hình di vật quý có nguồn gốc nước ngoài như tiền và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán đã thu thập được trong các hố khai quật.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học này của Đề án văn hóa Óc Eo là những bằng chứng và tư liệu xác thực làm cơ sở xây dựng hồ sơ di sản trình lên UNESCO, đặc biệt là phù hợp với tiêu chí số 2 của UNESCO. Có thể thấy, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến thương mại châu Á nối Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, Óc Eo-Ba Thê đã nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông.
Hai bảo vật quốc gia mới ở Óc Eo
Trong số hàng ngàn hiện vật phát hiện được trong quá trình khảo cổ, An Giang có hai hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Cuối năm 2021, Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 10 năm 2021 đối với Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ III-IV, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019, thuộc Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê. Bảo vật quốc gia thứ hai là nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ V, được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018.
NGUYÊN KHÁNH