Giới thiệu khái quát tỉnh An Giang

Giới thiệu khái quát tỉnh An Giang

Giới thiệu khái quát tỉnh An Giang

An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long – Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.536,7 km2.

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ.

2. Khí hậu

An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.130 mm. Độ ẩm trung bình 75 – 80%.Khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

3. Tài nguyên

Đất: An Giang có 37 loại đất khác nhau, hình thành 6 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất phù sa trên 151.600 ha, chiếm 44,5%. Đất đai của An Giang phần lớn màu mỡ vì 72% diện tích là đất phù sa hoặc có phù sa, địa hình bằng phẳng, thích nghi đối với nhiều loại cây trồng.

Rừng: An Giang có trên 583 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, ngoài ra còn có 3.800 ha rừng tràm. Sau một thời gian diện tích rừng bị thu hẹp, những năm gần đây tỉnh đã chú ý nhiều tới việc gây lại vốn rừng. Động vật rừng An Giang cũng khá phong phú và có nhiều loại quí hiếm.

Khoáng sản: So với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với trữ lượng khá; đá granít trên 7 tỷ m3; đá cát kết 400 triệu m3; cao lanh 2,5 triệu tấn; than bùn 16,4 triệu tấn; vỏ sò 30 – 40 triệu m3; ngoài ra còn có các loại puzolan, fenspat, bentonite, cát sỏi,…

II. Khu vực Miền núi

An Giang có hai huyện miền núi là Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú

1 Huyện Tri Tôn

Tri Tôn là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang (Việt Nam), cách tỉnh lỵ (Long Xuyên) 52 km về phía Tây, cách Hà Tiên – Kiên Giang 83 km, Châu Đốc 44 km, Lâm Viên – Núi Cấm 7 km.

Vị trí địa lý: Phía Đông giáp các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, phía bắc giáp huyện Tịnh Biên, phía tây bắc giáp Campuchia, phía nam giáp tỉnh Kiên Giang. Diện tích: 59.763 ha.

Huyện có các di tích lịch sử như đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc…Thành phần dân tộc bao gồm Kinh, Khmer, Hoa.Huyện Tri Tôn có các núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Nước thuộc hệ thống Bảy Núi (Thất Sơn).Ngoài ra còn có núi Nam Qui, núi (còn gọi là đồi) Tà Pạ.

Hành chính: Huyện Tri Tôn có 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 02 thị trấn và 13 xã:

Các thị trấn: thị trấn huyện lị Tri Tôn, thị trấn Ba Chúc,

Các xã: xã An Tức, xã Châu Lăng, xã Cô Tô, xã Lạc Quới, xã Lê Trì, xã Lương An Trà, xã Lương Phi, xã Núi Tô, xã Ô Lâm, xã Tà Đảnh, xã Tân Tuyến, xã Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phước

2. Huyện Tịnh Biên

Tịnh Biên là một huyện miền núi của tỉnh An Giang, Việt Nam.

Vị trí địa lý: Tịnh Biên có quốc lộ 91 nối dài từ cửa khẩu quốc tế đến thành phố Cần Thơ để giao tiếp với quốc lộ 1 và quốc lộ 55A đi Hà Tiên khoảng 80 km.

Hành chính: Huyện Tịnh Biên có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 03 thị trấn và 11 xã:

Các thị trấn: thị trấn huyện lị Tịnh Biên, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Chi Lăng

Trước năm 2012, thị trấn Nhà Bàng là huyện lị của huyện Tịnh Biên.Từ tháng 4 năm 2012, thị trấn Tịnh Biên trở thành huyện lị mới.

Các xã: xã An Cư, xã An Hảo, xã An Nông, xã An Phú, xã Nhơn Hưng, xã Núi Voi, xã Tân Lập, xã Tân Lợi, xã Thới Sơn, xã Văn Giáo, xã Vĩnh Trung

Kinh tế: Tịnh Biên nằm ở phía tây của Núi Cấm. Từ Tịnh Biên đi Phnôm Pênh theo quốc lộ 2(CPC) khoảng 125 km. Đây là điểm đến thông dụng của khách du lịch nước ngoài du lịch tuyến Campuchia – Việt Nam hay ngược lại. Ở đây có khu du lịch Núi Cấm đã được nhiều người biết đến.Tại đây có đặc sản là món bò cạp núi nướng giòn, đường thốt nốt.Tịnh Biên đang năng động phát triển, tuy nhiên đang dần dần bị đô thị hóa tương đối nhanh bởi các khu công nghiệp.

Văn hóa xã hội: Tịnh Biên có dân số người Khmer tương đối lớn, tập trung nhiều ở những xã An Cư, Tân Lợi, An Hảo, Văn Giáo, Vĩnh Trung…

3. Huyện An Phú

An Phú là một huyện thuộc tỉnh An Giang, nằm ở đỉnh cực Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp lãnh thổ Campuchia. Đây cũng là nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của sông Hậu từ Campuchia vào Việt Nam.

Điều kiện tự nhiên: Huyện An Phú có địa thế tạm chia làm 3 phần. Sông Hậu, sông Bình Di và sông Châu Đốc chạy song song tạo nên cù lao An Phú ở giữa. Hai bên là các xã bờ Tây sông Châu Đốc và bờ Đông sông Hậu. Ngoài ra còn có cù lao Vĩnh Trường (cù lao Ba) ở phía Nam.

Hầu hết diện tích huyện An Phú đều là đồng bằng, có nhiều nơi bị ngập úng thường xuyên. Đất đai chủ yếu là đất phù sa. Hàng năm, An Phú chịu ảnh hưởng của mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi. Khoảng từ tháng 7 (âm lịch), mực nước trên sông Mê Kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ của Campuchia làm gần như toàn bộ khu vực này chìm trong biển nước, độ ngập trung bình khoảng 2-3 mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng 4, 5 tháng nên có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Địa thế của An Phú có vai trò quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế do: án ngữ nơi đầu nguồn của sông Hậu khi từ Campuchia vào Việt Nam, nằm trên tuyến đường giao thông thủy nối liền các tỉnh miền Tây ven sông Hậu Việt Nam với thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Trước đây việc giao thông ở An Phú với Châu Đốc khá bất tiện vì phải qua phà, hiện nay cầu Cồn Tiên đã hoàn thành tạo sự thông suốt giao thông với quốc lộ 91.

Dân số: Tại An Phú, người Kinh chiếm đa số, bên cạnh đó còn có cộng đồng người Chăm,người Hoa. Điểm đáng lưu ý là không như hầu hết các địa phương giáp biên giới khác của tỉnh An Giang, tại An Phú không có người Khmer định cư mà chỉ có một số ít sang buôn bán nhỏ. Đặc biệt, do yếu tố lịch sử, khu vực giáp biên giới của xã Prek Chrey, huyện Koh Thum (giáp các xã Khánh An, Khánh Bình) có rất đông người Việt sinh sống.

Kinh tế: Dân cư ở An Phú chủ yếu là nông dân, hầu hết diện tích đều trồng lúa (vùng này là một trong những nơi có đất phù sa tốt của tỉnh An Giang) ngoài ra còn nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Hàng năm, cả huyện này đều chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi, khoảng từ tháng 6 đến tận tháng 12, ngập lụt ruộng đồng là chuyện thường niên ở đây từ xa xưa nên tuy co ảnh hưởng nhưng người dân ở đây đã quen thuộc.

Huyện An phú là địa phương có đường biên giới với Campuchia khá dài và thường có sự đi lại của người dân hai bên. Ở phía bên kia biên giới, đối diện thị trấn Long Bình là chợ Chrey Thum thuộc xã Sampeou Poun của Campuchia, mua bán tấp nập nhưng không kém phần phức tạp.

Tính theo đường bộ thì từ An Phú đi thủ đô Phnom Pênh của Campuchia là đường gần nhất từ Việt Nam đi sang nên tạo điều kiện tốt cho giao thương trong vùng.

III Khu vực biên giới

Có 2 huyện và một thành phố và một thị xã có đường biên giới với Camphuchia là: Thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn và thành phố Châu Đốc:

Tịnh Biên và Tri Tôn (đã nêu ở trên)

1. Thành phố Châu Đốc

Châu Đốc là một thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam, nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Việt Nam với Campuchia. Châu Đốc là thành phố đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long không phải là tỉnh lỵ của một tỉnh vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, Châu Đốc lại từng là tỉnh lỵ của tỉnh Châu Đốc cũ vào thời Pháp thuộc trước năm 1956 và trong giai đoạn 1964-1975 dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, Châu Đốc lại là lỵ sở của toàn bộ tỉnh An Giang vào thời nhà Nguyễn độc lập. Địa bàn tỉnh An Giang khi đó bao gồm tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, một phần tỉnh Đồng Tháp và một phần tỉnh Bạc Liêu ngày nay. Hiện thành phố Châu Đốc đang là đô thị loại II.

Vị trí địa lý:Thành phố Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 245 km về phía tây, nếu chạy xe buýt mất khoảng 6 tiếng.

Phía bắc thành phố giáp huyện An Phú. Phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu. Phía nam giáp huyện Châu Phú. Phía tây nam giáp huyện Tịnh Biên và biên giới với Campuchia.

Dân cư: Dân cư thành phố Châu Đốc sinh sống tập trung ở khu vực ven sông Hậu,ven Quốc lộ 91,tại các phường trung tâm thành phố,tại các khu dân cư…với cơ cấu dân số trẻ,dân cư đô thị chiếm gần 80%.

Kinh tế: Kinh tế Châu Đốc tăng trưởng nhanh và mạnh.Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố Châu Đốc đạt 16,10%, thu nhập bình quân đầu người trên 35,36 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển gần 2.720 tỷ đồng, lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch tiếp tục phát huy thế mạnh, với mức tăng trưởng đạt 18,01% và chiếm 70,47% tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường Vĩnh Mỹ, Vĩnh Châu,…

Thương mại-dịch vụ: Với tiềm năng là một thành phố du lịch nên thương mại-dịch vụ của thành phố là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thành phố. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, các trung tâm mua bán phân bố rộng khắp trên địa bàn thành phố.Hàng hóa phân bố rộng khắp đến các địa bàn trong thành phố. Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng phát triển,với một chuỗi các khách sạn, nhà hàng lớn như Victoria Châu Đốc (4,5 sao), Victoria Núi Sam (3 sao), Châu Phố (3 sao), Bến Đá (3 sao), Đông Nam (2 sao), Song Sao (2 sao), Trung Nguyễn (2 sao), Hải Châu (2 sao)…

Khách sạn Victoria Chau Doc

Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Đây không phải là một ngành trọng điểm của thành phố nhưng cũng đóng góp một phần vào sự phát triển của thành phố. Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư và phát triển đã giải quyết một phần cho lao động nhàn rỗi nông thôn.

Nông nghiệp: Đây là một ngành đã hình thành và phát triển từ rất lâu đời ở thành phố. Loại hình nông nghiệp đô thị là một thế mạnh của thành phố. Các cánh đồng đã được cơ giới hóa trong công tác trước, trong và sau thu hoạch do đó năng suất không ngừng tăng và chất lượng nông phẩm cũng tăng lên.

2 Thị xã Tân Châu

Tân Châu là một thị xã thuộc tỉnh An Giang, điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào Việt Nam.

Thị xã có cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương. Sản phẩm của thị xã là lụa Tân Châu nổi tiếng bóng láng được nhuộm màu đen bằng trái mặc nưa.

Vị trí địa lý: Nằm ở phía tây bắc tỉnh An Giang. phía Đông Bắc giáp sông Tiền, phía Đông Nam giáp huyện Phú Tân, phía Tây Bắc giáp huyện An Phú, phía Tây Nam giáp thành phố Châu Đốc. Cách TP. HCM 208 km về hướng đông, cách TP. Cần Thơ 125 km về hướng đông nam và cách TP. Long Xuyên 66 km về hướng đông nam. Cách bờ biển phía đông 220 km, bờ biển phía tây 104 km.

Dân số: Dân số 184.129 người, gồm các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm.

Hành chính: Thị xã Tân Châu có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 05 phường và 09 xã:

Các phường: Phường Long Châu, Phường Long Hưng, Phường Long Phú, Phường Long Sơn, Phường Long Thạnh,

Các xã: Xã Châu Phong, Xã Lê Chánh, Xã Long An, Xã Phú Lộc, Xã Phú Vĩnh, Xã Tân An, Xã Tân Thạnh, Xã Vĩnh Hòa, Xã Vĩnh Xương.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây