Phát hiện ‘triệu năm có một’ giúp hóa giải bí ẩn về tiến hóa của sự sống

Với việc phát hiện các hóa thạch 500 triệu năm tuổi, nhân loại cuối cùng đã có lời giải cho câu đố “ám ảnh” giới khoa học trong nhiều thế kỷ liên quan đến tiến hóa của sự sống trên bề mặt địa cầu.

Các nhà khoa học đã thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng biết được hình dạng của những động vật đầu tiên phát triển thành công khung xương. Điều này có thể thực hiện nhờ vào bộ sưu tập hóa thạch được bảo quản tốt ở tỉnh Vân Nam, miền đông Trung Quốc. Kết quả cuộc nghiên cứu được công bố trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B số tháng 11.

Mảnh ghép then chốt

Trong một sự kiện được gọi là Sự bùng nổ kỷ Cambri cách đây từ 550-520 triệu năm trước, nếu dựa vào các hóa thạch được tìm thấy trước đó, dường như địa cầu đột ngột xuất hiện những động vật đầu tiên có khung xương cứng và chắc khỏe. Nhiều hóa thạch tồn tại dưới dạng những hình ống, bên trong rỗng, chiều dài từ vài milimét đến nhiều cm.

Tuy nhiên, đến gần đây các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể hình dung được những động vật đầu tiên có bề ngoài như thế nào. Điều này do các hóa thạch thiếu đi phần mô mềm để hỗ trợ việc phân loại thành các nhóm động vật.

“Đây thật sự là phát hiện “triệu năm có một”. Những dạng ống như thế này thường được tìm thấy trong nhiều nhóm động vật khác nhau. Thế nhưng, cho đến nay, chúng bị liệt vào nhóm hóa thạch “có vấn đề” vì chúng tôi không có cách nào để phân loại chúng”, theo tác giả báo cáo là tiến sĩ Luke Parry của Đại học Oxford (Anh).

Trả lại danh tính cho Gangtoucunia aspera

Dựa vào việc phân tích hóa thạch được tìm thấy ở Vân Nam, các nhà khoa học xác định được, trước khi sự sống trên trái đất bùng nổ và đa dạng hơn cách đây khoảng 540 triệu năm, những khung xương của động vật sơ khai đầu tiên đã bắt đầu tượng hình. Và chúng có tên Gangtoucunia aspera.

Nhóm hóa thạch này có niên đại cách đây khoảng 514 triệu năm, bảo trì được mô mềm của 4 sinh vật biển thuộc về chi Gangtoucunia aspera, có bề ngoài như sâu.

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng chi động vật đã tuyệt chủng này thuộc về họ hàng các loài giun vẫn còn tồn tại đến ngày nay, trong đó có giun đất. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới cho thấy Gangtoucunia có nhiều điểm tương đồng với các loài động vật như sứa, hải quỳ, san hô.

Các chuyên gia hiện thiên về khả năng Gangtoucunia có thể thuộc về loài sứa cổ đại.

Hình dạng trên thực tế của chúng được cấu tạo từ một dạng khoáng chất rắn tên calcium phosphate, cũng được tìm thấy ở xương người.

“Nhờ vào những mẫu vật xuất sắc vừa được tìm thấy, mảnh ghép quan trọng của bức tranh về tiến hóa của sự sống địa cầu cuối cùng đã được đặt vào vị trí”, tiến sĩ Parry cho biết.

Hạo Nhiên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây