Phát lộ con đường Hoàng gia ở di sản thế giới Thành Nhà Hồ

Phát lộ con đường Hoàng gia ở di sản thế giới Thành Nhà Hồ
Cổng Nam di sản thế giới Thành nhà Hồ

Con đường Hoàng gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông vừa được phát lộ trong cuộc khai quật ở di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Sáng ngày 23-7, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa) công bố kết quả khai quật khảo cổ đường Hoàng gia trong nội thành di sản thế giới Thành nhà Hồ.

Cuộc khai quật này đã phát lộ và làm rõ hiện trạng, dấu tích các cung điện được dự đoán sẽ nằm dọc theo đường Hoàng gia. Các nhà khảo cổ đã tập trung khai quật khu vực trung tâm nội thành và chia làm 2 phân khu. Khu A là khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông – Tây với tổng diện tích 3.500 m2, khu B là khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông – Tây với tổng diện tích 9.500 m2.

Kết quả của cuộc khai quật đã phát lộ nhiều dấu tích về con đường Hoàng gia. Tại khu A, vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia chủ yếu là đá phiến kết hợp với gạch xây. Khu B không có vật liệu đá phiến mà chủ yếu là gạch ngói vụn, trong đó chủ yếu là gạch hình chữ nhật màu đỏ thời Hồ.

Các nhà khảo cổ nhận định con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam. Đi qua cổng Nam một chút, dấu tích con đường lát đá mà sử gia Phan Huy Chú thế kỷ 19 còn nhìn thấy đã bị phá hủy hầu hết trong quá trình xây dựng đường 217 năm 1937, hiện dấu tích chỉ còn phần nền móng ở lớp dưới cùng.

Diem khai quat moi nhat trong noi thanh da phat lo con duong Hoang gia min - Phát lộ con đường Hoàng gia ở di sản thế giới Thành Nhà HồĐiểm khai quật mới nhất trong nội thành đã phát lộ con đường Hoàng gia

Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết từ cuộc khai quật này, điều quan trọng nhất là dọc theo con đường Hoàng gia, đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô.

Cuộc khai quật đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng gia trong nội thành. Đặc biệt, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử.

“Cho đến năm 2022, các cuộc khai quật trong khu vực nội thành đã liên tiếp làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô, dấu tích con đường Hoàng gia, cụm kiến trúc Nền Vua, cụm kiến trúc Con Rồng, dấu tích được tương truyền là Đông Thái miếu và Tây Thái miếu. Qua đây có thể bước đầu nhận diện diện mạo đích thực của mặt bằng Thành nhà Hồ ở khu vực trục trung tâm nội thành”- ông Linh thông tin.

Cac nha su hoc nha nghien cuu to chuc hoi nghi dau gio sang ngay 23 7 cong bo ket qua khai quat min - Phát lộ con đường Hoàng gia ở di sản thế giới Thành Nhà HồCác nhà sử học, nhà nghiên cứu tổ chức hội nghị đầu giờ sáng ngày 23-7, công bố kết quả khai quật

PGS-Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết đối với các kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng gia trong nội thành Thành nhà Hồ, một yêu cầu lớn đặt ra là cần nghiên cứu vị trí và chức năng của các kiến trúc đã xuất lộ.

“Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi tư liệu để lại hầu như không còn gì ngoài một vài công trình được ghi chép chung chung là Chính điện, điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực… Muốn tìm hiểu điều này đòi hỏi phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn”- PGS-Tiến sĩ Tống Trung Tín chia sẻ.

Viec lam ro con duong Hoang gia dong gop vao viec tim hieu cau truc va kien truc Thanh nha Ho qua cac thoi ky lich su min - Phát lộ con đường Hoàng gia ở di sản thế giới Thành Nhà HồViệc làm rõ con đường Hoàng gia đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử

Nhằm phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ, trong những năm qua, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khai quật. Qua những đợt khai quật này, nhiều dấu tích, cứ liệu quý đã được phát lộ, giúp các nhà sử học, các nhà nghiên cứu có thêm những tư liệu quý làm rõ thêm sự tồn tại, phát triển của một triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Tin-ảnh: Tuấn Minh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây