Phụ nữ ‘lên ngôi’ ở châu Âu

Phụ nữ 'lên ngôi' ở châu Âu
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne

Bà Elisabeth Borne vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp, trở thành “bóng hồng” đầu tiên giữ chức vụ này tại xứ gà trống Gaulois sau hơn 30 năm.

Trong tuyên bố ngày 16-5, Ðiện Élyseé đã thông báo về việc Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định bà Borne làm tân thủ tướng Pháp, thay thế người tiền nhiệm Jean Castex từ chức trước đó vài giờ.

Phát biểu sau khi được bổ nhiệm, nữ chính khách 61 tuổi đã gửi lời động viên đến các trẻ em gái ở Pháp: “Hãy theo đuổi ước mơ của mình. Không có gì ngăn cản được việc phụ nữ đảm nhiệm những vị trí cao trong xã hội”. Bà Borne là phụ nữ thứ hai ngồi ghế thủ tướng Pháp kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Người đầu tiên là bà Edith Cresson, giữ chức vụ từ tháng 5-1991 đến tháng 4-1992 dưới thời Tổng thống Francois Mitterand.

Trước khi trở thành thủ tướng Pháp, bà Borne, tốt nghiệp Ðại học Bách khoa Paris, từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Bộ trưởng Giao thông và Bộ trưởng Môi trường giai đoạn 2017-2020. Kể từ năm 2020, bà đứng đầu Bộ Lao động và giám sát các cuộc đàm phán với công đoàn, để rồi dẫn tới việc cắt giảm trợ cấp thất nghiệp cho một số người tìm việc. Trong thời gian bà Borne làm Bộ trưởng Lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cũng chạm đáy trong vòng 40 năm.

Một quan chức của văn phòng Tổng thống Pháp mô tả bà Borne là một phụ nữ cánh tả có hiểu biết sâu sắc về đất nước, chính trị địa phương và kinh doanh. “Ðó thực sự là một người nghiện công việc, có thể làm việc tới 3 giờ sáng và quay lại làm việc lúc 7 giờ sáng”, một nhân viên của bà nhận xét.

Với vai trò thủ tướng, bà Borne sẽ được giao nhiệm vụ hiện thực hóa các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Macron, bao gồm cải cách chế độ hưu trí và chống biến đổi khí hậu. Những kỹ năng đàm phán có thể sẽ giúp ích cho tân Thủ tướng Borne trong nhiệm vụ xúc tiến kế hoạch khó khăn là nâng độ tuổi về hưu ở Pháp từ 62 lên 65 tuổi. Ông Macron từng hy vọng thực hiện kế hoạch này trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng đã phải trì hoãn trong bối cảnh làn sóng biểu tình và đình công lan rộng.

Gia nhập nhóm nữ lãnh đạo chính trị tại châu Âu

Như vậy, bà Borne là một trong số gần 10 nữ lãnh đạo chính trị tại châu Âu, nơi bà Ursula von der Leyen giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu từ tháng 12-2019.

Với việc được bầu làm thủ tướng ở tuổi 41 hồi tháng 6-2019, bà Mette Frederiksen đã trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ðan Mạch. Bà Frederiksen là nữ thủ tướng thứ hai từ trước đến nay tại nước này, người đầu tiên là bà Helle Thorning-Schmidt giữ chức vụ giai đoạn 2011-2015.

Trước đó, vào tháng 10-2016, Quốc hội Estonia đã bầu cựu kiểm toán viên Kersti Kaljulaid làm Tổng thống, đưa bà thành nữ nguyên thủ đầu tiên của quốc gia vùng Baltic này. Gần 5 năm sau, đến lượt Kaja Kallas, con gái của cựu Thủ tướng Siim Kallas, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Estonia.

Ðáng nói, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin từng gây chú ý hồi cuối năm 2019 khi trở thành lãnh đạo chính phủ trẻ tuổi nhất thế giới ở tuổi 34. Bà là nữ thủ tướng thứ ba của Phần Lan. Còn tại Hy Lạp, luật sư Katerina Sakellaropoulou trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này vào năm 2020 (bà Sakellaropoulou đang có chuyến thăm Việt Nam từ 15 đến 19-5). Trong khi đó, Hungary trong tháng 3 vừa rồi cũng đã có nữ tổng thống đầu tiên là bà Katalin Novak.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Ingrida Simonyte hồi tháng 12-2020 đã được chỉ định làm Thủ tướng Litva, trở thành phụ nữ thứ hai giữ chức vụ này. Litva có truyền thống lãnh đạo là nữ giới, đơn cử như “Bà đầm thép vùng Baltic” Dalia Grybauskaite, người giữ cương vị tổng thống giai đoạn 2009-2019.

Slovakia có nữ tổng thống đầu tiên là bà Zuzana Caputova vào năm 2019. Trong khi đó, nữ thủ tướng đầu tiên của Thụy Ðiển là bà Magdalena Andersson, nắm giữ vị trí này từ cuối năm 2021.

Tại cựu lục địa nhưng bên ngoài Liên minh châu Âu, có những phụ nữ khác cũng đang nắm quyền lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili, Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani, Tổng thống Moldova Maia Sandu và thủ tướng nước này Natalia Gavrilita, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây