Thêm hiểu biết về bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử

Thêm hiểu biết về bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử
Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Những ngày này cả nước ta đang tưng bừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Thời gian đã lùi xa nhưng ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vẫn ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều chi tiết nội dung trong “Tuyên ngôn” đã được nghiên cứu làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực, chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong “Tuyên ngôn”.

Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn thế nữa, “Tuyên ngôn độc lập” là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong “Tuyên ngôn độc lập” bằng một sự “suy rộng ra”: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do đã trở thành một chân lý mang tính thời đại sâu sắc. Bản Tuyên ngôn độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm trong hành trình tìm đường cứu nước qua nhiều quốc gia trên thế giới của Người.

Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập

Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị Hòa bình Véc-xây nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam và những người dân thuộc địa. Những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Vì vậy, trong 15 năm lãnh đạo cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945, trải qua các cuộc đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, Đảng ta đã từng bước vận động, giáo dục quần chúng nhân dân, qua ba cao trào cách mạng lớn giai đoạn 1930-1931, giai đoạn 1936-1939, giai đoạn 1939-1945 như ba cuộc tổng diễn tập, với khí thế cách mạng vĩ đại của quần chúng, nắm chắc thời cơ lịch sử, với một nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa tài tình, Đảng ta lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn.

Theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác Hồ, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy đứng lên, với một sức mạnh phi thường, chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, lật nhào chế độ phong kiến tay sai tồn tại trong gần một thế kỷ, giành chính quyền trong cả nước. Tình hình lúc đó rất khẩn trương với biết bao công việc ngổn ngang, chồng chất, đặt ra cần phải giải quyết. Bác đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ tại Hà Nội. Người nhận thấy cần phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời và quyết định tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ. Đó cũng là ngày nước Việt Nam chính thức tuyên bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đây là việc cần làm ngay trước khi quân của Tưởng kéo vào. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ cần phải chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập và cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Sau khi trao đổi về một vài việc hệ trọng, Bác đã bắt tay ngay vào việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 28-8-1945, trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng trên gác hai của nhà số 48 Hàng Ngang, một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác Hồ bắt đầu viết dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” do Người viết từ hơn hai mươi năm trước nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc, thu hái thành quả của tám mươi năm bền bỉ đấu tranh. Chứng kiến sự kiện thiêng liêng và trọng đại này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người sau trận ốm nặng với bao suy nghĩ lo toan, vất vả… Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, buổi sáng Bác và anh Nhân gọi chúng tôi tới, Bác đọc để thông qua tập thể. Và như lời Bác nói lại sau này: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với hệ thống lý lẽ đanh thép, với những dẫn chứng hùng hồn không thể chối cãi, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tầm nhìn chiến lược sâu rộng với khả năng dự báo thiên tài và hơn cả là một tấm lòng của Người luôn luôn hướng tới mục tiêu độc lập tự do của đất nước, về của hạnh phúc nhân dân .

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta, là một cột mốc lịch sử, nó chấm dứt giai đoạn mất nước và sống kiếp ngựa trâu, nô lệ của dân tộc. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn đã tạo ta một cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc. Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một nhà nước mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời của Người thể hiện trong “Tuyên ngôn”

Mở đầu Tuyên ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử đã được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu và làm rõ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có người khi đọc văn bản lịch sử này đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của mình bằng những câu trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp? Ngay cả một số nhà sử học Mỹ cũng luôn nói rằng, Hồ Chí Minh đã mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam bằng cách trích dẫn: “Tuyên ngôn” của Mỹ. Điều này có phần nào không đúng và chưa đủ. Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới như UNESCO đã tôn vinh. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 mang lại. Đây là những thành quả văn hóa của nhân loại, là dấu mốc lớn của lịch sử loài người. Đó là nền tảng và là tiền đề để Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chính cuộc Cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào mùa Thu năm 1945 là bước đi tiếp, đồng thời cũng là một cái cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Vì đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ, yếu, thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Bác lãnh đạo đã giương cao.

Đi sâu nghiên cứu Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, chúng ta thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay đổi một ý so với bản Tuyên ngôn của Th. Giép-phơ-sơn (Th. Jefferson). Trong Tuyên ngôn của nước Mỹ có câu “chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng, mọi người đều sinh ra bình đẳng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra rằng: “Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng”. Đây quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt như nguyên Thượng nghị sĩ Mác Go-vân (Mc.Govern) đã đưa ra nhận xét. Cũng bình luận về đoạn trích dẫn này, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam người Mỹ, bà Lây-đi Bo-tơn (Lady Borton) còn đưa ra nhận xét rằng khi dịch chữ “all men” trong văn bản của Th. Giép-phơ-sơn được viết vào thế kỷ XVIII, thời đó, từ này chỉ bao hàm những người đàn ông (đương nhiên là da trắng và có tài sản). Nhưng từ “all men” này đã được Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập diễn dịch thành: “Tất cả mọi người”. Như vậy có thể thấy, với vốn tiếng Anh hoàn hảo cùng với thiên tài của trí tuệ, Bác Hồ đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình và trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam bao gồm tất thảy các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Đó chính là một sự “suy rộng” nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp về lý luận đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.

Cần phải hiểu thêm rằng: Bản tuyên ngôn của nước Mỹ ra đời năm 1776, nhưng mãi đến năm 1870, những người đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu. Với phụ nữ, sự thừa nhận về sự bình đẳng chính trị còn muộn hơn nữa. Đó là năm 1923. Như vậy, đàn ông da đen có quyền được đi bầu sau 95 năm và phải mất thêm 50 năm sau nữa, phụ nữ Mỹ mới được đi bỏ phiếu. Còn tại Việt Nam, trước năm 1945, nước ta vẫn là xã hội nặng về ý thức Nho giáo “trọng nam, khinh nữ”. Vì vậy, với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho nhà nước mới đã tuyên bố độc lập tự do và bình đẳng cho toàn thể mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo… Đây là điều thể hiện sự tiến bộ vượt trội của Tuyên ngôn độc lập, so với hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.

Sáu mươi tám năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã trở thành sức mạnh to lớn, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện lời thề với Người trong ngày lễ độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập đã và đang khơi nguồn sáng tạo soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới. Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây