Thực trạng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản

Thực trạng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản
Ảnh minh họa: Internet

Tóm tắt: Trước thực trạng nền kinh tế suy thoái, xã hội già hóa và ít trẻ em, Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt một lượng lớn lực lượng lao động. Giải quyết vấn đề này như thế nào để vừa bảo đảm phục hồi, duy trì và phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề đặt ra hiện nay đối với Nhật Bản. Bài viết này tìm hiểu các chính sách, thực trạng của người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động từ các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản, tìm ra những tồn tại của việc tiếp nhận người lao động nước ngoài và xu hướng trong thời gian tới.

Abstract: Japan is facing the big challenge of shortage of young workforce due to economic growth-down and declining fertility rate and the rapidly aging population. How to solve this problem to ensure economic recovery and development as well as social security is the current issue for Japan. This paper studies the current situation of foreign workers in Japan, especialy workers from Southeast Asian countries and proposes policies for facilitating more effective Japansese immigration policies and the possibility of enhancing labour migration from Southeast Asia to Japan.

Đối với Nhật Bản, việc tiếp nhận người lao động nước ngoài không phải là vấn đề mới. Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, các doanh nghiệp chế tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đã[1]phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lực lượng lao động không lành nghề[2], hay nói cách khác là lực lượng lao động làm việc trong các ngành 3K (Kitsui hà khắc, Kitanai- bẩn, Kiken -nguy hiểm). Vào thời điểm đó, đã có nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này và kết quả là Nhật Bản đã “mở ra” cánh cửa đối với lao động không lành nghề người nước ngoài nhưng không phải là “cửa chính” (front door) mà là “cửa ngách” (site door) dưới danh nghĩa là sử dụng người nước ngoài gốc Nhật và thực tập sinh/tu nghiệp sinh nước ngoài. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, việc mở cửa này đã phát sinh nhiều vấn đề từ góc độ chính sách lẫn thực tiễn, sự không rõ ràng trong định hướng của Chính phủ cũng như sự chuẩn bị chưa đầy đủ để tiếp nhận một lượng lớn người lao động nước ngoài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, thậm chí dẫn tới sự xung đột về văn hoá và lối sống với người bản địa…

1. Thực trạng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản

Năm 1990 Nhật Bản đã sửa đổi Luật quản lý xuất nhập cảnh và chứng nhận di dân nhằm ứng phó với sự gia tăng người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản. Trước đó, Nhật Bản khá thận trọng trong việc tiếp nhận người lao động nước ngoài. Năm 1950, Nhật Bản đã thành lập Cục quản lý nhập cảnh thuộc Bộ Ngoại giao, đến năm 1951 đã ban hành Pháp lệnh về quản lý xuất nhập cảnh, năm 1952 đã ban hành và thực thi Luật đăng ký người nước ngoài. Chính sách đối với người nước ngoài lúc đó tập trung chủ yếu vào người Hàn Quốc, người Triều Tiên, người Trung Quốc tại Nhật Bản, hay còn gọi  là “old comer[3]”. Những năm 1960-1970, giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao, khác với các nước phát triển khác, để đáp ứng với sự gia tăng nhu cầu về sức lao động, Nhật Bản đã dựa vào người lao động trẻ được sinh ra sau chiến tranh (được gọi là thời kỳ dân số vàng của Nhật Bản). Thế nhưng, sau thỏa thuận Plaza vào năm 1985, đồng yên tăng giá, cơ cấu dân số bắt đầu có sự thay đổi, khi xã hội đang dần chuyển sang xã hội có học vấn cao thì cũng là lúc nền kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển bong bóng. Các nhà sản xuất ô tô, đồ điện, điện tử hàng đầu của Nhật Bản, các doanh nghiệp thầu phụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, chế biến thực phẩm bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải phá sản. Đây cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu tìm các thị trường đầu tư bên ngoài Nhật Bản để giải quyết vấn đề nhân công. Ở trong nước, để bảo đảm duy trì sản xuất các doanh nghiệp buộc phải dựa vào lao động nước ngoài.

Trong vòng 8 năm từ năm 1985, lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, một lượng lớn người lao động nước ngoài đã nhập cảnh vào Nhật Bản. Đầu tiên là người Philippines và Thái Lan đã đến Nhật Bản, trong đó đa số là phụ nữ làm việc tại các nhà hàng mà chủ yếu là lĩnh vực mại dâm – một ngành không được công nhận theo Luật nhập cảnh. Tiếp theo là người Brazil gốc Nhật đến Nhật Bản làm việc bất hợp pháp. Thời điểm này, nền kinh tế Brazil đang suy thoái, một làn sóng những người Brazil gốc Nhật này trở về nước để tìm việc làm chứ không phải để thăm thân. Hơn nữa, khoảng những năm 1988, lao động bất hợp pháp từ các nước Nam Á như Bangladesh, Pakistan và các nước Trung Cận Đông như Iran gia tăng nhanh chóng tại Nhật Bản. Những người này chủ yếu là nam giới, do thời điểm này Nhật Bản chưa tiếp nhận lao động không lành nghề nước ngoài nên những lao động này sang Nhật Bản với visa du lịch và visa đi học, sau đó ở lại bất hợp pháp tại Nhật Bản và làm việc trong các ngành 3K mà người Nhật không làm.

Trong bối cảnh một lượng lớn người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản, giới kinh doanh đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp nhận “lao động không lành nghề” như một giải pháp cho vấn đề thiếu hụt lao động. Vấn đề lao động nước ngoài trở nên nóng trên chính trường Nhật Bản từ nửa cuối những năm 1985 đến nửa đầu những năm 1990, những tranh luận xoay quanh vấn đề “đóng/mở” thị trường lao động cho người nước ngoài đã diễn ra một cách sôi nổi.

Trong bối cảnh đó, năm 1988, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Phương châm cơ bản về chính sách tuyển dụng tại Nhật Bản, được gọi là “Kế hoạch cơ bản về chính sách tuyển dụng lần thứ 6”, trong đó có đề cập tới vấn đề người lao động nước ngoài. Trong kế hoạch cơ bản này đã phân chia người lao động nước ngoài thành “lao động chuyên môn, kỹ thuật” và “lao động không lành nghề”. “Lao động chuyên môn, kỹ thuật” được Nhật Bản hoan nghênh và tiếp nhận một cách tích cực bởi đội ngũ lao động này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản, nhưng “lao động không lành nghề” sẽ tác động ở phạm vi rộng đến kinh tế – xã hội của Nhật Bản và cuộc sống của người dân như: sẽ tạo ra áp lực đối với người cao tuổi đang thiếu cơ hội việc làm, làm phát sinh cơ cấu hai tầng mới trên thị trường lao động, phát sinh vấn đề thất nghiệp cùng với những biến động của nền kinh tế, tạo ra gánh nặng đối với chi phí xã hội mới… và cần có sự “ứng xử thật thận trọng” trên cơ sở có sự đồng thuận của người dân. Điều này có nghĩa là đối với “lao động chuyên môn, kỹ thuật”, mặc dù Nhật Bản nhận thức được vấn đề chảy máu chất xám của các nước đang phát triển song vẫn tích cực tiếp nhận những lao động này. Đối với “lao động không lành nghề”, mặc dù nhu cầu về lao động tăng cao song Nhật Bản không công nhận lao động nước ngoài không lành nghề được làm việc tại Nhật Bản. Phương châm cơ bản này đã được đưa vào trong “Luật nhập cảnh sửa đổi” tháng 6/1990. Có thể nói rằng “Luật nhập cảnh sửa đổi 1990” là “bước chuyển đổi” quan trọng trong chính sách về người lao động nước ngoài tại Nhật Bản.

Theo Luật nhập cảnh sửa đổi 1990, người lao động nước ngoài tại Nhật Bản được chia thành 4 nhóm.

Nhóm 1: người lao động nước ngoài lưu trú hợp pháp tại Nhật Bản với tư cách lưu trú thuộc 16 ngành chuyên môn/kỹ thuật được phép làm việc: ngoại giao, công vụ, giáo sư, nghệ thuật, tôn giáo, truyền thông, đầu tư/kinh doanh, luật/kế toán, y tế, nghiên cứu, giáo dục, kỹ thuật, kiến thức nhân văn/quốc tế, luân chuyển nội bộ doanh nghiệp, giải trí, kỹ năng.

Nhóm 2: người lao động gốc Nhật có thể làm việc tự do với visa “thường trú”. Tại Nhật Bản, tư cách lưu trú được căn cứ vào thân thế hoặc địa vị, và được phân chia thành 4 loại “lưu trú vĩnh viễn”, “vợ/chồng của người Nhật”, “vợ/chồng của người lưu trú vĩnh viễn” và “thường trú”. Nhóm này không bị giới hạn về hoạt động và việc làm nên có thể làm việc tại bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ ngành nào trên đất Nhật Bản. Luật nhập cảnh sửa đổi 1990 đã bổ sung thêm đối tượng “thường trú” nhằm tới các gia đình và con cháu của người Brazil, người Peru… gốc Nhật đang sinh sống ở nước ngoài (thế hệ thứ hai, thứ ba). Có nhiều chỉ trích cho rằng quy định này chính là “lỗ hổng” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài không lành nghề mà không có bất kỳ hạn chế nào trên thực tế.

Nhóm 3: người lao động theo “Chính sách tu nghiệp sinh, thực tập sinh kỹ năng” áp dụng đối với lao động nước ngoài gốc Á, chủ yếu là người Trung Quốc. “Chính sách về tu nghiệp sinh nước ngoài” được ban hành năm 1981 với mục đích đào tạo nhân lực cho các nước đang phát triển, đến năm 1990, chính sách này được nới lỏng và được chính thức công nhận là tư cách lưu trú “tu nghiệp sinh”. Năm 1992 “Chính sách thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài” được triển khai, theo đó thực tập sinh người nước ngoài được công nhận đạt trình độ nhất định được cho phép gia hạn tu nghiệp thêm tối đa 1 năm (sau này kéo dài thành 2 năm, thực chất là đi làm). Chính sách tu nghiệp sinh, thực tập sinh kỹ năng được nhà nước quy định với mục đích là tu nghiệp sinh, thực tập sinh (thực chất là người lao động) nước ngoài sau khi hết thời gian tu nghiệp/thực tập trở về nước sẽ phát huy được kỹ năng, tay nghề học được tại Nhật Bản. Trên thực tế chính sách này là để bảo đảm lực lượng lao động không lành nghề với tiền công rẻ4 có thể làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như dệt may, chế tạo. Với thực tế đó, một số doanh nghiệp chân chính đang đầu tư ở nước ngoài sử dụng chính sách này như một cách thức đào tạo nhân viên người nước ngoài, nhưng trong phần lớn trường hợp, việc chuyển giao kỹ năng chỉ ra hình thức bên ngoài, thực chất là nhằm bảo đảm lực lượng lao động không lành nghề trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động bởi hầu hết các lĩnh vực/ngành nghề tiếp nhận tu nghiệp sinh, thực tập sinh kỹ năng không phải là những lĩnh vực cần thiết cho các nước gửi tu nghiệp sinh, thực tập sinh kỹ năng đến Nhật Bản mà là những lĩnh vực đang phải đối diện với vấn đề thiếu lực lượng lao động ở Nhật Bản.

Nhóm 4: người lao động nước ngoài gốc Á (người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản). Trong số những người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản với tư cách lưu trú là “Lưu trú ngắn hạn” (tối đa 90 ngày), rất nhiều người hết hạn lưu trú nhưng vẫn ở lại bất hợp pháp tại Nhật Bản. Theo quy định, những người này không được phép lao động tại Nhật Bản nên họ thường thông qua các môi giới “không chân chính” và mất số tiền lớn để nhập cảnh bất hợp pháp vào Nhật Bản. Trong số các doanh nghiệp sử dụng những lao động này phần nhiều là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Những người lao động này do không được công nhận một cách chính thống nên dễ bị bóc lột, xâm hại nhân quyền và không được pháp luật bảo vệ.

Năm 1991, nền kinh tế bong bóng bị tan vỡ, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài mà người ta thường gọi là “10 năm mất mát”. Kinh tế suy thoái càng kéo dài thì số người thất nghiệp càng gia tăng, hiện tượng Freeter5 và NEET6 trở thành những vấn đề xã hội. Nhìn bề ngoài có thể thấy rằng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái kéo dài thì sự quan tâm đối với vấn đề người lao động nước ngoài sẽ “lắng xuống” song trên thực tế, ngược lại, vấn đề người lao động nước ngoài lại đang dần “ngấm sâu” vào nền kinh tế và xã hội Nhật Bản. Vấn đề này đang phải đối mặt với cục diện mới liên quan đến ba sự thay đổi quan trọng trong xã hội Nhật Bản sau khi nền kinh tế bong bóng tan vỡ. Đó là sự thay đổi trong tập quán tuyển dụng cùng với những cải cách cơ cấu kinh tế – tài chính, sự tiến triển của một xã hội già hoá ít trẻ em và xu thế hợp tác theo khuôn khổ hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với các nước Đông Á.

Thứ nhất, từ nửa sau những năm 1990, cải cách luật lao động trên cơ sở yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo mô hình Anglo-Saxon, đặc biệt là “cải cách cơ cấu kinh tế – tài chính” của chính quyền Koizumi (lên cầm quyền vào tháng 5/2001) đòi hỏi phải tăng cường tính hiệu quả theo nguyên lý thị trường như xử lý vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cải cách tài chính bao gồm cả tái cơ cấu tài chính của trung ương và địa phương và tư nhân hóa, cải cách thị trường lao động và cải cách an sinh xã hội. Kết quả là làm mất đi tính công bằng xã hội, sự phân hóa về thu nhập ngày càng hiển thị rõ, tầng lớp lao động nghèo chiếm khoảng gần 1/4 lực lượng lao động, tuyển dụng không chính thức gia tăng… Trong xã hội hình thành một tầng lớp người lao động với mức lương thấp tại các cơ sở sản xuất ô tô, đồ điện/điện tử, thiết bị cơ khí chính xác… và phần lớn trong số này là người Nhật Bản trẻ tuổi, người Brazil gốc Nhật, người Trung Quốc. Mức lương của những đối tượng này chỉ bằng 1/3 so với mức lương của nhân viên chính thức. Như vậy, trong điều kiện cạnh tranh quốc tế gay gắt, ngành công nghiệp chế tạo là một ngành biểu tượng cho sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản phải chịu sức ép không nhỏ về nguồn nhân lực.

Thứ hai, việc tiếp nhận người lao động nước ngoài được xem như một giải pháp ứng phó với sự tiến triển nhanh chóng của xã hội già hoá và ít trẻ em. Đặc biệt vấn đề thiếu nhân lực là hộ lý, điều dưỡng tại các cơ sở y tế/chăm sóc sức khoẻ đang ngày càng trầm trọng. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội y tá Nhật Bản năm 2018, ước tính đến năm 2025, Nhật Bản cần khoảng 2.000.000 y tá và hộ lý/điều dưỡng, trong khi đến cuối năm 2016, Nhật Bản mới chỉ có khoảng 1.660.000 y tá và hộ lý/điều dưỡng. Giả sử với sự gia tăng khoảng 30.000 y tá và hộ lý/điều dưỡng hàng năm thì đến năm 2025 cũng mới chỉ bảo đảm được 1.930.000 người. Mặt khác, theo tuyên bố chính thức của Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng Nhật Bản thì Nhật Bản không thiếu hộ lý/điều dưỡng. Theo kết quả kỳ thi chứng chỉ quốc gia hộ lý/điều dưỡng lần thứ 31 được tổ chức vào tháng 3/2018,  có 94.610 người đăng ký dự thi và có 69.736 người đã thi đỗ, đạt tỷ lệ 73,7%, cao hơn năm 2017 là 72,1%. Vậy tại sao Nhật Bản vẫn rơi vào tình trạng thiếu hộ lý và điều dưỡng?  Trên thực tế, có nhiều người có chứng chỉ nhưng không đi làm, hay nói cách khác là đội ngũ hộ lý/điều dưỡng tiềm ẩn khá đông. Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng cho rằng do điều kiện làm việc của hộ lý/điều dưỡng khá khắc nghiệt như phải trực đêm, làm thêm… nên nhiều người không thể cân bằng cuộc sống gia đình với công việc, nhất là đối với phụ nữ. Hiện nay, Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động đang phối hợp với Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng tổ chức các chương trình bồi dưỡng, đào tạo để hỗ trợ cho đội ngũ hộ lý/điều dưỡng tiềm ẩn có thể quay trở lại với công việc, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện môi trường làm việc tốt hơn cho đội ngũ này như áp dụng AI, sử dụng robot trong một số công việc… Một nguyên nhân nữa dẫn tới sự thiếu hụt nhân lực hộ lý/điều dưỡng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe là do vấn đề về tiền lương. Mặc dù điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt như phải trực đêm, làm đêm, chăm sóc người già… nhưng mức tiền lương lại rất thấp. Theo khảo sát của Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động thì tỷ lệ nghỉ việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là khoảng 21,6%, cao hơn mức trung bình của toàn ngành. Điều kiện, môi trường làm việc kém hấp dẫn cũng là lý do hiện nay số lượng sinh viên theo học các ngành về phúc lợi, chăm sóc ở các trường đại học và trường cao đẳng nghề ngày càng giảm.

Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt việc ký kết các EPA giữa các nước Đông Á là “xúc tác” thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực, không chỉ dừng ở việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và tiền vốn, mà giao lưu con người cũng phát triển mạnh mẽ. Sự di chuyển lực lượng lao động giữa các nước đang được nhiều nước thể chế hoá, phối hợp xây dựng cơ chế tiếp nhận lao động nước ngoài, đặc biệt là trong những lĩnh vự đặc thù với những yêu cầu đòi hỏi khắt khe như lĩnh vực chăm sóc người già, hộ lý/điều dưỡng.

Xã hội Nhật Bản sau khi nền kinh tế bong bóng đổ vỡ đã có nhiều thay đổi, xã hội già hóa, ít trẻ em và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ càng làm cho tình trạng thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt về kinh tế. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về việc tiếp nhận lao động từ các nước lân cận lại được đặt ra, nhiều tranh luận gay gắt diễn ra trong giới kinh tế, tài chính, học giả, thậm chí cả truyền thông. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì phương châm trước đây về tiếp nhận lao động, tăng cường xử lý mạnh đối với các trường hợp lưu trú bất hợp pháp, mặt khác quyết định tiếp nhận lao động trong lĩnh vực hộ lý chăm sóc y tế trong các thỏa thuận EPA.  

2. Tình hình lao động đến từ các nước Đông Nam Á

Phần này đề cập đến tình hình lao động nước ngoài tập trung vào các nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là những nước có số lượng người lao động và số tiền gửi về nước lớn, là những nước đối tác trong “di chuyển thể nhân” theo EPA với Nhật Bản.

Có thể thấy số người lao động từ Đông Nam Á tại Nhật Bản tăng dần theo năm, chủ yếu là từ các nước Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Theo điều tra tình hình kinh tế – xã hội của Nhật Bản năm 2018, số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản là khoảng 2.731.093 người (bảng 1), chiếm khoảng 2% tổng dân số, tăng khoảng 6,6% so với năm trước, trong đó có khoảng 1.460.000 người là lao động nước ngoài. Tính riêng số người lao động đến từ Đông Nam Á là khoảng 765.767 người (chiếm hơn 50% người lao động nước ngoài tại Nhật Bản), trong đó nhiều nhất là Việt Nam với 330.835 người, tiếp đến là Philippines với 271.289 người, Indonesia  56.346 người, Thái Lan 52.323 người (bảng 2).

Xét theo lĩnh vực, số lượng người lao động của 4 nước Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam tập trung chủ yếu ở lĩnh vực “chế tạo” chiếm 15,6% số người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này, “cửa hàng ăn uống, ngành lưu trú” chiếm 22,1% số người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này, “ngành dịch vụ (những ngành không thuộc các phân loại khác)” chiếm 10,8% số người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này, “nông lâm ngư nghiệp” chiếm 26,1% số người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này, đặc biệt là lao động Indonesia và Philippines, “xây dựng” chiếm 11,6% số người lao động làm việc trong lĩnh vực này8.

 Bảng 1: Số lượng người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản năm 2018

Năm Số người nước ngoài
2006 2.084.919
2008 2.217.426
2010 2.134.151
2012 2.033.656
2014 2.121.831
2016 2.382.822
2018 2.731.093

Nguồn: “Điều tra dân số lao động” của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2018 (総務省「労働力調査」)

Bảng 2: Số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản tính theo khu vực/vùng (năm 2018)

Khu vực Dân số Tỷ lệ
Đông Á 1.315.584 48,2%
Đông Nam Á 765.767 28,0%
Nam Á 182.313 6,7%
Tây Á 15.433 0,6%
Châu Âu 80.221 2,9%
Bắc Mỹ 73.603 2,7%
Nam Mỹ 265.214 9,7%
Châu Á Châu Đại Dương 15.660 0,6%
Châu Phi 16.622 0,6%

 Nguồn: “Điều tra dân số lao động” của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2018 (総務省「労働力調査」)

Bảng 3: Số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật Bản theo quốc gia (vùng lãnh thổ) (năm 2018)

Thứ tự Quốc tịch Số lượng Tỷ lệ
1 Trung Quốc 764.720 28,0%
2 Hàn Quốc 449.634 16,5%
3 Việt Nam 330.835 12,1%
4 Philippines 271.289 9,9%
5 Brazil 201.865 7,4%
6 Nepal 88.951 3,3%
7 Đài Loan 60.684 2,2%
8 Mỹ 57.500 2,1%
9 Indonesia 56.346 2,1%
10 Thái Lan 52.323 1,9%

 Nguồn: “Điều tra dân số lao động” của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2018 (総務省「労働力調査」)

Hiện nay, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực chăm sóc người già, hộ lý và điều dưỡng, Nhật Bản đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với các nước Philippines, Indonesia và Việt Nam để tăng cường và thúc đẩy việc phái cử lao động trong lĩnh vực này. Tháng 11/2018 Nhật Bản đã bỏ chế độ thực tập sinh kỹ năng, chuyển sang chế độ mới là chế độ “kỹ năng đặc định” nhằm mở rộng “cánh cửa” cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực đặc thù này. Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận tối đa 6 triệu hộ lý và điều dưỡng từ các nước theo chế độ “kỹ năng đặc định” trong vòng 5 năm tới để bù đắp cho sự thiếu hụt về nhân sự trong nước. Tại kỳ thi chứng chỉ quốc gia hộ lý/điều dưỡng lần thứ 31 tổ chức vào năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ thi đạt là 87,7%, Phillipines là 40,3% và Indonesia là 33,1%. Có thể nói Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ thi đạt chứng chỉ cao nhất và được kỳ vọng sẽ giúp cho Nhật Bản giải quyết được khó khăn này. Như vậy tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã có 126 hộ lý và điều dưỡng được cấp chứng chỉ hộ lý/điều dưỡng tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng và ngay cả bản thân Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động Nhật Bản cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với giải pháp này. Các cơ quan/tổ chức này cho rằng “hiện nay có sự gia tăng về số lượng hộ lý/điều dưỡng đang được đào tạo, việc dựa vào người nước ngoài để ứng phó với sự thiếu hụt về đội ngũ hộ lý/điều dưỡng không phải là giải pháp bền vững”, “mặt bằng tiền lương của hộ lý/điều dưỡng giảm, chất lượng chăm sóc cũng sẽ bị suy giảm do vấn đề về ngôn ngữ…”. Để bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc cho người bệnh, người già, Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng cùng với Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động đã đưa ra 4 điều kiện để tiếp nhận hộ lý/điều dưỡng người nước ngoài”: (1) phải được cấp chứng chỉ hộ lý/điều dưỡng thông qua kỳ thi chứng chỉ quốc gia như người Nhật; (2) có năng lực tiếng Nhật để có thể thực hiện được việc chăm sóc an toàn; (3) trường hợp tìm việc làm tại Nhật Bản, được tuyển dụng với điều kiện tương tự với hộ lý/điều dưỡng là người Nhật; (4) không công nhận lẫn nhau chứng chỉ hộ lý/điều dưỡng.

Về phía các nước phái cử như Philippines và Indonesia đã thể hiện quan điểm không thống nhất với các điều kiện do phía Nhật Bản đưa ra liên quan đến “tiền lương”, “năng lực tiếng Nhật” và “thi chứng chỉ quốc gia”. Philippines cho rằng hộ lý/điều dưỡng người Philippines đều đã có chứng chỉ của Philippines, là những người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm nhưng khi sang Nhật Bản thì lại chỉ là “thực tập sinh” là điều không hợp lý. Hơn nữa, Nhật Bản lợi dụng tư cách “thực tập sinh” để trả mức lương thấp, hay nói cách khác là Nhật Bản muốn sử dụng lao động có kinh nghiệm nhưng với mức lương rẻ. Indonesia cũng chỉ trích thực chất của chính sách này là nhằm “bảo đảm nguồn nhân lực giá trẻ trước thực trạng thiếu hụt lao động, lợi dụng danh nghĩa là “thực tập sinh” và “chuyển giao công nghệ cao”.

3. Nhận xét

Sau khi Nhật Bản nới lỏng chính sách về người lao động nước ngoài với tư cách là “kỹ năng đặc định”, dự báo sẽ có nhiều người nước ngoài, đặc biệt từ các nước đang phát triển ở Đông Nam Á sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, để tiếp nhận một lượng lớn người lao động nước ngoài, Nhật Bản – một quốc gia vốn “khép kín” với bên ngoài sẽ phải cải thiện các điều kiện về xã hội để người nước ngoài có thể sinh sống và làm việc một cách an tâm.

Trước hết, cần phải cải thiện điều kiện lao động. Các lĩnh vực đối tượng của chính sách “kỹ năng đặc định” là những lĩnh vực/công việc có điều kiện lao động tương đối khắc nghiệt. Trong bối cảnh dân số trẻ giảm do thực trạng xã hội già hóa và ít trẻ em, khó  có thể thu hút người trẻ Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực này thì việc tiếp nhận người lao động nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực này như một giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Vì vậy cải thiện điều kiện làm việc là một trong những biện pháp hữu hiệu để thu hút người lao động nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mà giới trẻ Nhật Bản không làm.

Thứ hai, đó là vấn đề phân biệt đối xử với người lao động nước ngoài. Đây là 1 vấn đề xã hội cần phải được giải quyết. Thực tế vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đối xử bất công, ngược đãi đối với người lao động nước ngoài, thậm chí có doanh nghiệp còn thu giữ hộ chiếu, cấm kết hôn hay mang thai…, nhiều trường hợp người lao động nước ngoài bị rơi vào tình trạng căng thẳng, stress, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và thậm chí đã có trường hợp tự sát. Đặc biệt có nhiều trường hợp phân biệt đối xử đối với người lao động gốc Á.

Thứ ba, đó là vấn đề liên quan đến các tổ chức môi giới “không chân chính”. Chính phủ Nhật Bản cũng như chính phủ nước phái cử lao động (nước xuất khẩu lao động) nhận thức được vấn đề này và đang phối hợp cùng nhau để giải quyết tình trạng này. Ví dụ điển hình như trường hợp của Việt Nam: để có thể sang Nhật Bản làm việc, nhiều người lao động, nhất là lao động phổ thông đã phải trả những khoản phí lớn cho môi giới. Họ sang Nhật Bản làm việc với một khoản nợ lớn tại quê nhà và để trả khoản nợ này, họ buộc phải làm việc liên tục nhiều giờ mà không được trả lương, hay thậm chí khi sang đến Nhật Bản họ mới biết công việc họ phải làm không như cam kết, nhiều người phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm đến tính mạng mà không có bất kỳ khoản trợ cấp hay bảo đảm nào…

Thứ tư, đó là đơn giản hóa chế độ chính sách và hỗ trợ giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chịu các chi phí như chi phí đào tạo tiếng Nhật cho người lao động, thuê phiên dịch, cung cấp nhà ở với giá rẻ cho người lao động…. Những chi phí này đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn và để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, chính phủ cần có chính sách sử dụng nguồn vốn công để giúp cho doanh nghiệp bảo đảm được nguồn người lao động nước ngoài, duy trì hoạt động sản xuất, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo thống kê, trong vòng 4 tháng kể từ sau khi chính sách về quản lý xuất nhập cảnh/chứng nhận di dân sửa đổi có hiệu lực mới có 44 người lao động nước ngoài được công nhận tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định” số 1, vì vậy khó có thể đạt được mục tiêu tiếp nhận 48.000 người lao động nước ngoài của chính phủ trong năm tài chính 2019 và tối đa là 340.000 người trong 5 năm, ngay cả khi không có dịch Covid-19. Với hơn 80% người lao động nước ngoài là người gốc Á, xã hội Nhật Bản đang dần thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Việc tiếp nhận người lao động nước ngoài là một giải pháp mang tính trung hạn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay. Hy vọng rằng với việc cải thiện các vấn đề nêu trên, tạo môi trường lao động hài hòa và với các chính sách tiếp nhận người lao động nước ngoài 1 cách cởi mở, Nhật Bản sẽ sớm phục hồi được kinh tế, tạo sự ổn định về an sinh xã hội, xây dựng môi trường làm việc thân thiện với người lao động nước ngoài, đặc biệt là đối với người lao động gốc Á.

————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Cơ hội cho 240 điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản”; https://baochinhphu.vn/xa-hoi/co-hoi-cho-240-dieu-duong-ho-ly-lam-viec-tai-nhat-ban/374948.vgp, truy cập 11/9/2019

2. “Xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản: thực trạng và triển vọng”, https://baovemoitruong.org.vn/xuat-khau-lao-dong-nganh-dieu-duong-ho-ly-sang-nhat-ban-thuc-trang-va-trien-vong, truy cập 4/6/2020

3. Iguchi Y (2007), Management Mechanism and Practice after Receiving Foreign Workers in Japan, Paper presented at the Workshop on International Migration and Labour Markets in Asia, March 16, Tokyo, Japan.

4. 労働政策研究・研修機構編「外国人労働者問題の現状把握と今後の対応に関する研究」労働政策研究報告書No. 34、2012 (Biên soạn bởi Tổ chức Nghiên cứu chính sách lao động và đào tạo, “Nắm bắt thực trạng vấn đề lao động người nước ngoài và Nghiên cứu liên quan đến giải pháp trong thời gian tới”, Báo cáo Nghiên cứu chính sách lao động số 34, 2012).

5. 渡邊博之「外国人労働者の活用:新しい雇用ルールの下でのあり方」労働政策研究・研修機構「ビジネス・レーバー・トレンド」5月号2008年 (Watanabe Hiroyuki, “Sử dụng lao động người nước ngoài: cách thức dựa theo luật lệ tuyển dụng mới”, Tổ chức Nghiên cứu Chính sách lao động và đào tạo Business Labour Trand, số tháng 5/2008).

6. Bộ Tư pháp Nhật Bản, htpp:// www. moj.go.jp/nyuukokukanri /kouhou/nyuuko kuk anri04_00081.html, truy cập ngày 8/9/2019.

7. 日本における外国人労働者受け入れの現状と今後の課題: https://www.nli.research.co.jp/report/detail/id=63059&pno=2&more=1?site=nli#anka, truy cập ngày 10/7/2020 (Thực trạng tiếp nhận người lao động nước ngoài tại Nhật Bản và vấn đề tồn tại).

8. Thống kê của Viện Nghiên cứu Chính sách lao động và đào tạo, https://www.jil.go.jp/kokunai/statistics/shuyo/0201.html, truy cập ngày 3/8/2020.

9. 働く外国人が増えた理由は?~企業が外国人を雇用する4つの理由~:https://university.globalpower.co.jp/1446, truy cập ngày 30/7/2020 (Lý do số người lao động nước ngoài gia tăng? ~ 4 lý do doanh nghiệp tuyển dụng người nước ngoài).

10. 第662回介護福祉士試験の合格率は過去最高に!「外国人介護士」増加で職員の賃上げ・待遇改善はどうなる?:https://www.minnanokaigo.com/news/kaigogaku/no662 (Tỷ lệ đỗ kỳ thi chứng chỉ quốc gia hộ lý/điều dưỡng lần thứ 662 đạt mức cao nhất trong lịch sử! Việc tăng lương/cải thiện đãi ngộ cho nhân viên trong bối cảnh gia tăng “hộ lý/điều dưỡng người nước ngoài” sẽ như thế nào?)

——————————

[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] “Lao động không lành nghề” được hiểu là lao động làm việc trong các lĩnh vực không đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm nhất định, còn được gọi là “lao động chưa qua đào tạo”, “lao động tay nghề thấp”, “lao động giản đơn”, phân biệt với “lao động lành nghề” làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật.

[3] “Old comer” chỉ người Hàn Quốc, người Triều Tiên, người Trung Quốc tại Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lao động người nước ngoài chủ yếu là người gốc Nhật và gốc Châu Á đến Nhật Bản từ sau những năm 1980 được gọi là “new comer”.

4 Tiền phụ cấp tu nghiệp/thực tập không phải đối tượng điều chỉnh của Luật tiền lương tối thiểu, có thể cắt giảm được tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, quỹ tiền lương…

5 Freeter là 1 thuật ngữ chỉ những người kiếm sống bằng hình thức tuyển dụng không phải nhân viên chính thức như làm việc bán thời gian, làm thêm, nhân viên phái cử…, không bao gồm người nội trợ, sinh viên.

6 NEET (Not in Education, Employment or Training), là thuật ngữ chỉ những người trẻ tuổi (từ 15 đến 34 tuổi) trong độ tuổi lao động nhưng không đi học, cũng không đi làm.

7 Tác giả tổng hợp theo “Điều tra dân số lao động” của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2018 (総務省「労働力調査」).

8 Theo Cục thống kê “Khảo sát toàn quốc năm 2018 – Kết quả tổng hợp liên quan đến người nước ngoài”.

9 Theo Thông cáo báo chí của Hiệp hội hộ lý/điều dưỡng Nhật Bản 12/9/2006.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây