Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Thượng tướng Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Nhắc đến những chiến công của quân và dân Hà Nội không thể không nhắc đến chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Trong đó Thượng tướng Phùng Thế Tài có những đóng góp rất quan trọng trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng đặc trách chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và trước đó là Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Cuối tháng 12-1972, trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội kết thúc thắng lợi, buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này có đóng góp quan trọng của đồng chí Phùng Thế Tài.

Vansudia.net xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết “Thượng tướng Phùng Thế Tài – Những dấu mốc lịch sử” của nhà văn Phùng Văn Khai.

Anh trang 1 min - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Loi dai tuong Vo Nguyen Giap min 800x573 - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Trong Hồi ức “Bác Hồ – Những kỉ niệm không quên”, Thượng tướng Phùng Thế Tài bộc bạch: “Đúng là không thể nào quên, vì một lẽ rất đơn giản là kể từ những ngày đầu tiên được gặp Bác, tháng 2 năm 1940 cho đến khi Bác đi xa, cả cuộc đời tôi luôn luôn gắn liền với sự thương yêu chăm sóc của Bác.Bác đã từng bước dẫn dắt tôi, từ một đứa trẻ lang thang, thất học, tính tình ngổ ngáo, trở thành một sĩ quan cấp tướng của cách mạng, có đóng góp ít nhiều vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây thực sự là một điều kì diệu mà đôi khi tôi cứ nghĩ có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi.Những điều kì diệu này sẽ rất dễ hiểu nếu chúng ta đặt nó trong sự kì diệu Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đem chủ nghĩa Mác – Lê-nin về làm đổi thay cả một dân tộc, đổi thay cuộc đời trong đó có cuộc đời tôi.

Chỉ trong vòng 5 năm trời, từ thằng Thụ nhóc con, đêm đêm với cái bụng lép kẹp nằm còng queo trên chiếc ghế đá công viên Hạ Lầu, ở Côn Minh, trở thành một trong những trung đoàn trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào cuối năm 1946, lúc đó tôi vừa tròn 25 tuổi.

Có lẽ hơn ai hết, Bác Hồ là người hiểu tôi sâu sắc nhất, hiểu cả những thiếu sót, khuyết điểm (thói hư tật xấu) và hiểu cả những ưu điểm của tôi. Chính vì vậy mà Bác cũng rất tin tôi.

Trong cuộc hành trình gian nan, vất vả chứa đầy hiểm nguy trên con đường thiên lí từ Pắc Bó đi Côn Minh đầu năm 1945, Bác đã chọn tôi làm người cận vệ. Bây giờ nghĩ lại đôi khi vẫn cảm thấy rùng mình. Vận mệnh của cả một dân tộc, của cách mạng trong thời điểm quan trọng của lịch sử được phó thác cho vị lãnh tụ kiệt xuất: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh… và chính tôi là người được giao trọng trách bảo vệ vị lãnh tụ đó, người mà mấy tháng sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc.

Dọc đường đi Bác bị sốt cao, có lúc mê man, tôi đã đánh liều tiêm kí ninh vào ven cho Bác. Khi đưa mũi kim vào ven Bác tôi chỉ nghĩ một điều: Bác phải sống để kịp trở về nước lãnh đạo cách mạng… và lòng tin của tôi đã thắng.

Khi giao cho tôi chức vụ trung đoàn trưởng, Bác chỉ phân vân: “Tính chú nóng và liều quá. Người làm tướng mà nóng và liều thường hỏng việc”. Nhưng Bác vẫn tin và giao nhiệm vụ cho tôi. Và tôi đã không phụ lòng tin của Bác.

Cứ như thế, Bác từng bước dạy bảo, dìu dắt tôi trưởng thành đi lên trên con đường cách mạng”.

Trích trong sách “Bác Hồ – Những kỷ niệm không quên (Hồi ức của Thượng tướng Phùng Thế Tài)”, Nxb Quân đội nhân dân, 1996.

*

*     *

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những tướng lĩnh tài ba, trụ cột của quân đội nhân dân Việt Nam. Sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày cách mạng còn trứng nước, ông luôn có mặt trên tuyến đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảm đương nhiều cương vị quan trọng ở các thời khắc lịch sử và có những đóng góp nhất định. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Từ người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, theo lời dạy của Bác, với ý chí, nghị lực và tài năng của mình, ông từng bước trưởng thành, trở thành Thượng tướng quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng bản lĩnh, giàu cá tính, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết để hoàn thành nhiệm vụ.

Vo chong TT Phung The Tai thoi tre min - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiVợ chồng Thượng tướng Phùng Thế Tài thời trẻ.

Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thiếu tướng (năm 1974), Trung tướng (năm 1980), Thượng tướng (năm 1986). Ông được tặng thưởng các Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…

Nhìn nhận toàn bộ cuộc đời ông, thấy rất rõ sự hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáng quý nhất của lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng độc đáo, một nhà quân sự tài năng, một trong những học trò trưởng thành nổi trội về năng lực quân sự của Bác Hồ. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tự hào có những vị tướng như ông.

Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Nhà nghèo, thuở nhỏ lưu lạc sang tận Vân Nam – Trung Quốc kiếm sống. Năm 1933, khi mới 13 tuổi ông làm giúp việc cho một nhà giàu ở thị trấn Chỉ Thôn tỉnh Vân Nam. Vốn là người có cá tính đặc biệt lại thông thạo võ nghệ, trong lúc phải bênh vực kẻ yếu, ông đã đánh lại lũ con chủ nhà rồi bỏ lên Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam. Đang lúc đói rét chưa xin được việc làm, phải lang thang ở công viên Hạ Lầu, ngoại thành Côn Minh, bỗng có một người đàn ông tới nói bằng tiếng Việt: “Em từ đâu mà đến đây?”. Thấy người đó nói tiếng Việt đàng hoàng, đáng tin cậy, Phùng Thế Tài kể hoàn cảnh của mình.

Qua trò chuyện, người đàn ông đưa cậu thiếu niên Phùng Thế Tài về hãng dầu cù là Nhị Thiên Đường ở Côn Minh giao cho làm một số việc của hãng. Người đàn ông đó chính là đồng chí Vũ Anh với bí danh Trịnh Đông Hải. Thời gian này, đồng chí Vũ Anh được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc xây dựng cơ sở trong công nhân lao động người Việt. Qua thời gian thử thách, năm 1936, Phùng Thế Tài được vận động và tham gia tổ chức cách mạng tại đây.

Thấy rõ năng lực, chí hướng của Phùng Thế Tài, năm 1939, đồng chí Vũ Anh và các đồng chí trong tổ chức đã kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, Phùng Thế Tài được tổ chức cử đi học ở trường Sĩ quan Hoàng Phố, ông tốt nghiệp với quân hàm Trung úy.

Cách đây hơn 70 năm, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba nước ngoài đã đặt bước chân đầu tiên trở về với Tổ quốc. Nơi đón Người trở về là mảnh đất bên cột mốc 108 cũ trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc nay thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Thời khắc thiêng liêng ấy đã trở thành cột mốc lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho trang sử mới của cách mạng Việt Nam.

Bảo vệ Bác Hồ về nước có một người thanh niên họ Phùng, người cận vệ trung thành đã từng làm công tác bảo vệ Người từ năm 1940. Đó là Phùng Thế Tài, người sau này đã rất gắn bó với Bác Hồ trong các bước đường trưởng thành của mình.

Để trở về Tổ quốc, Bác đã phải đi qua một chặng đường dài: Từ bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Liên Xô, Trung Quốc để về đến Cao Bằng. Chặng đường 30 năm biết bao gian nguy. Đi thật xa, thật lâu để tìm đường về nước, để cứu nước. Bởi cứu nước luôn là mục tiêu, là động lực của cả cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Từ trước đó, năm 1940, tổ chức phân công Phùng Thế Tài làm công tác bảo vệ cho Bác Hồ thời gian Bác ở Côn Minh. Khi ấy Bác lấy bí danh là Trần. Về sự kiện này, Phùng Thế Tài kể qua hồi ức: “Sau khi đồng chí Vũ Anh giới thiệu tôi là bảo vệ, ông Trần nhìn tôi tỏ vẻ hài lòng. Tuần lễ đầu hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, sau đó mới dùng tiếng Việt. Gọi là bảo vệ nhưng có súng ống gì đâu. Tôi vốn hiếu động, dạo trước đã làm một quả đấm sắt, một con dao. Bây giờ nó thực hữu ích. Tôi không được phép vào nhà ở của ông Trần mà chỉ đứng bên phải hoặc bên trái đường để quan sát. Thấy ông Trần đi ra ngoài, tôi đi theo phía sau thường cách năm đến mười mét.”

Trong khoảng thời gian làm công tác bảo vệ Bác Hồ, trò chuyện với Bác tuy không nhiều, phần lớn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng Phùng Thế Tài đã thấy được nhiều vấn đề, đã có chuyển biến lớn về nhận thức trong các nhiệm vụ cách mạng. Điều này đã như một bước ngoặt để Phùng Thế Tài trưởng thành sau này.

4 min 5 - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiTrung tướng Phùng Khắc Đăng và PGS,TS Đào Duy Quát chủ trì “Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài – thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”.

Năm 1941, Phùng Thế Tài bảo vệ Bác Hồ về nước. Đây là một chuyến đi gian khổ, không ít hiểm nguy nhưng bằng tài trí của Bác cùng sự trung thành, mưu trí của các chiến sĩ cận vệ, Bác Hồ về cột mốc 108 an toàn. Bao nhiêu năm xa đất nước, cảm xúc thật khó nói bằng lời. Bác cúi xuống ôm hôn nắm đất thiêng liêng. Những người cận vệ rưng rưng bên Bác.

Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ quay trở lại tham gia lớp nghiệp vụ tình báo ở Hoàng Phố. Là người thông minh, tiếp thu nhanh, ít tháng sau ông được phong cấp Thiếu hiệu (ngang với Thiếu tá) và được cấp một số giấy chứng nhận đặc biệt có đóng dấu Tưởng Thống chế. Chính những giấy tờ này đã trở nên hữu ích trong các chuyến công tác bảo vệ Bác Hồ sang Trung Quốc sau này.

Năm 1942, ông được tổ chức giao nhiệm vụ phụ trách chuyển vũ khí từ Trung Quốc về nước. Phùng Thế Tài được đồng chí Vũ Anh giao nhiệm vụ ở lại Pắc Bó làm nhiệm vụ bảo vệ “Ké Thu” – bí danh khi ấy của Bác Hồ. Thời điểm này cuộc sống của “Ké Thu” và tổ bảo vệ thiếu thốn trăm bề. Anh em thương Bác luôn ốm yếu nên thay nhau đào củ rừng, mò cua, bắt cá và ưu tiên dành gạo để nấu riêng cho Bác. Bác Hồ dứt khoát không cho làm như thế. Bác bảo với Phùng Thế Tài và các đồng chí bảo vệ: “Các chú chịu được Bác cũng chịu được. Cách mạng còn nhiều khó khăn càng phải đồng cam cộng khổ”. Chính những điều giản dị ấy của Bác Hồ đã đi theo suốt cuộc đời của Phùng Thế Tài.

22 min - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiCác đại biểu dự “Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài – thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”.

Tháng 8 năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng sang Trung Quốc, với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Chính điều này khiến Phùng Thế Tài, khi ấy do tổ chức phân công công việc khác đã vô cùng ân hận. Sau đó, Bác ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch trở về nước, Phùng Thế Tài lại được tổ chức phân công làm công tác bảo vệ Bác.

Đầu năm 1945, Phùng Thế Tài báo cáo xin Bác cho được đi chiến đấu trực tiếp. Bác đồng ý. Bác nhất trí cho Phùng Thế Tài làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Giải phóng quân Thất Khê. Hôm tiễn Phùng Thế Tài đi nhận nhiệm vụ mới, Bác dặn: “Chú sẵn sàng đi chiến đấu, thế là tốt, nhưng nhớ đừng có “hữu dũng, vô mưu”.”

Đừng hữu dũng, vô mưu, lời dặn của Bác khiến Phùng Thế Tài như thấy được những điểm còn xốc nổi, nóng nảy, suy nghĩ còn chưa thấy hết được những vấn đề lớn trước mắt và lâu dài. Lời Bác chân thành, thẳng thắn và có phần sát sạt với cá nhân người cận vệ. Chính lời căn dặn này, đã theo suốt cuộc đời vị tướng họ Phùng.

Lắng nghe lời dặn của Bác, Phùng Thế Tài tham gia giành chính quyền tại Thất Khê, tháng 8 năm 1945. Tại nơi đây, trên cương vị Tiểu đội trưởng Giải phóng quân Thất Khê, ông đã cùng với quân dân địa phương giành chính quyền thắng lợi, mau chóng bắt tay vào việc ổn định đời sống của nhân dân.

Sau khi giành chính quyền tại Lạng Sơn thành công, Phùng Thế Tài được cử làm Ủy viên Quân sự Việt Minh tại Lạng Sơn kiêm Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn.

Những ngày đầu mới giành được chính quyền, công tác quân sự mang nhiều trọng trách mà việc hàng đầu là tham gia củng cố chính quyền nhân dân, tạo niềm tin cho nhân dân vào chính quyền Việt Minh để có những bước chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ sau này. Đó cũng là phương châm hành động của Chi đội Lạng Sơn trong những ngày xây dựng chính quyền non trẻ.

Thực dân Pháp bội ước. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Quyết liệt nhất là mặt trận Hà Nội. Những đơn vị cảm tử ra đời. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh là ý chí sắt đá của quân và dân Hà Nội.

Đầu năm 1947, Phùng Thế Tài được cấp trên điều từ Lạng Sơn về mặt trận Hà Nội làm Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37. Điều này cho thấy cấp trên luôn tin tưởng vào năng lực chỉ huy đa dạng của Phùng Thế Tài.

25 min - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiCác đại biểu chụp hình lưu niệm tại “Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài – thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”.

Trên cương vị mới, Phùng Thế Tài chỉ huy bộ đội tập kích vào thị xã Hà Đông khiến địch vô cùng khiếp sợ. Giặc Pháp cho rằng ta không còn bộ đội chủ lực và cũng không đủ sức tập kích vào thị xã. Trận tập kích gây tiếng vang lớn đã tạo cho bộ đội ta có kinh nghiệm tập kích địch trong thành phố và cho Trung đoàn trưởng Phùng Thế Tài sự quả đoán, quyết thắng, đánh địch trong lòng địch, đánh địch để dân tin, đánh địch để trưởng thành.

Năm 1950, Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Tiếp đó nhận mệnh lệnh từ cấp trên chỉ huy bộ đội tập kích sân bay Bạch Mai. Ta đốt phá, tiêu hủy 25 máy bay, các kho tàng, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí trang bị của thực dân Pháp làm chấn động cả Thủ đô Pa-ri. Từ trận thắng này đã nâng cao khí thế bộ đội ta, gây hoang mang cho địch ngay trong sào huyệt của chúng. Trận thắng thể hiện tài chỉ huy táo bạo, quả cảm của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài.

Phùng Thế Tài tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên cương vị Tham mưu trưởng Đại đoàn 320.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Niềm vui vô bờ bến của nhân dân, của người chiến sĩ trong đó có Phùng Thế Tài.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đại đoàn 320 cùng các Đại đoàn tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đại đoàn 320 tiến vào từ cửa ô Đông Mác và cửa ô Cầu Dền. Năm cửa ô đón chờ đoàn quân tiến về. Những trận đánh tập kích trong đêm thị xã Hà Đông, sân bay Bạch Mai khi xưa vụt trở về. Hôm nay đây, quân ta đi giữa ban ngày, trong biển cờ hoa tung bay, trong sóng người rạng rỡ nói cười. Người chiến sĩ vẻ vang dưới cờ quyết thắng.

Hình ảnh những đoàn quân trong ngày 10 tháng 10 năm 1954, theo nhiều ngả đường từ ngoại thành tiến vào thủ đô Hà Nội chia thành nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các phố phường là hình ảnh lịch sử không thể phai mờ trong tâm trí những người dân Việt Nam nhiều thế hệ trong đó có Thượng tướng Phùng Thế Tài. Lần lượt bộ đội ta tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ… Thủ đô rực sắc cờ hoa.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tổng Tư lệnh, Đại đoàn pháo binh 349 được thành lập. Phùng Thế Tài được bổ nhiệm cương vị Đại đoàn trưởng. Đại đoàn 349 lựu pháo 105 ly gồm năm trung đoàn (4, 5, 6, 34, 44), nòng cốt là Trung đoàn 349 Quân khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 460 pháo binh, một số đại đội bộ đội địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các Trung đoàn 34, 39, 52 bộ đội miền Nam tập kết. Chính ủy là đồng chí Lê Đình Thiệp.

Trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn Pháo binh 349, Phùng Thế Tài cùng cấp ủy, chỉ huy Đại đoàn sớm đúc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, uy lực của Pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào học tập, rèn luyện để xây dựng Đại đoàn Pháo binh 349 có sức mạnh toàn diện, nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội pháo binh.

Năm 1958, Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thượng tá. Ông đảm đương nhiều cương vị quan trọng của bộ đội Pháo binh: Từ tháng 11 năm 1961 đến tháng 11 năm 1962, Phùng Thế Tài giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh. Thời gian này, ông cùng với bộ đội Pháo binh nghiên cứu nhiều cách đánh địch, nhất là cách bắn máy bay, tàu chiến Mỹ. Khi ở Điện Biên Phủ, pháo phòng không của ta đã chiến đấu kiên cường, bắn rơi nhiều máy bay địch nhưng đó là không gian hẹp, bắt buộc địch phải lao vào trận địa của ta. Đánh Mỹ sau này rất khác. Chiến trường rộng lớn. Máy bay, tàu chiến, thiết xa vận của Mỹ có nhiều lợi thế trong đó yếu tố hiện đại, vượt trội về kỹ thuật rất rõ ràng. Phải chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ trên chiến trường, trên không, trên biển là một bài toán khó. Những câu hỏi đó luôn nung nấu trong đầu Phùng Thế Tài trên cương vị chỉ huy bộ đội Pháo binh.

11 min 2 - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa phai) và Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Nhận rõ tình hình diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh và bản chất hiếu chiến của Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Binh chủng Phòng không. Tháng 12 tháng 1962, Phùng Thế Tài được bổ nhiệm là Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Binh chủng Phòng không được thành lập đã cho thấy sự nhìn xa trông rộng của Đảng ta, Quân đội ta trong việc quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hai chữ “Phòng không” đã luôn vang lên trong tâm trí Tư lệnh Phùng Thế Tài. Quân đội ta phải đánh giặc và phải thắng giặc ở trên không. Đó là mệnh lệnh mà Đảng, Bác Hồ giao cho bộ đội Phòng không.

Vào thời điểm này, lực lượng Phòng không chỉ mới có 5 trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không và 4 trung đoàn dã chiến thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh. Lực lượng Phòng không mỏng lại thiếu tập trung thống nhất nên địch hoạt động rất trắng trợn, liên tục bay sâu vào nội địa của ta, gây nhiều tội ác. Việc nâng cao khả năng chiến đấu của Bộ đội Phòng không được đặt ra một cách cấp bách.

Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Phòng không, việc đầu tiên Phùng Thế Tài đề nghị đưa 4 trung đoàn cao xạ dã chiến 214, 118, 224, 228 sát nhập vào Bộ Tư lệnh Phòng không, nâng lực lượng cao xạ lên 13 trung đoàn. Tiếp đó, Tư lệnh chỉ đạo tăng cường mạng lưới ra-đa cả về số lượng và chất lượng. Từ hai trung đoàn ra-đa 290, 291 đã phát triển thêm trung đoàn thứ ba: 292 nên vấn đề kiểm soát các mục tiêu trên không được thực hiện rất tốt. Ra-đa của ta được trang bị nhiều loại máy mới như P10, P15, 513K chủ động hơn trong việc phát hiện địch.

Nhận thức rõ Quân đội ta phải lớn mạnh về mọi mặt để đánh và thắng Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không – Không quân trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Năm 1963, Quân chủng Phòng không – Không quân được thành lập, Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng.

Việc thành lập Quân chủng Phòng không – Không quân là một việc làm chiến lược hết sức đúng đắn của Đảng và Bác Hồ. Điều này cho thấy sự tin tưởng đặc biệt của Bác Hồ, Quân ủy Trung ương và nhất là niềm tin của cán bộ chiến sĩ dành cho Phùng Thế Tài. Trong các cuộc họp để hợp nhất, Cục trưởng Cục Không quân Đặng Tính đã luôn sát cánh cùng Phùng Thế Tài đề xuất nhiều sáng kiến thấu tình đạt lý. Ban nghiên cứu hợp nhất ra đời. Phùng Thế Tài là Trưởng ban, Đặng Tính là Phó ban. Với cách làm khẩn trương, khoa học, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, sức mạnh chiến đấu của Quân đội lên trên hết để tạo nên sức mạnh nền tảng của Quân chủng Phòng không – Không quân. Khi còn có ý kiến khác nhau về tên Quân chủng. Có người đề nghị: Quân chủng Phòng – Không quân; có người đề nghị Quân chủng Không quân – Phòng không. Phùng Thế Tài và Đặng Tính thống nhất gửi các ý kiến lên để Quân ủy Trung ương xem xét. Quân ủy Trung ương trình lên Bác Hồ, Bác quyết định lấy tên là: Quân chủng Phòng không – Không quân. Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh. Đặng Tính được bổ nhiệm làm Chính ủy. Ngày 22 tháng 10 năm 1963, Quân chủng Phòng không – Không quân chính thức được thành lập. Đây là một bước trưởng thành lớn của Quân đội ta.

Ngay sau lễ thành lập, Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính lên gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác tình hình mọi mặt và xin chỉ thị về chủ trương xây dựng lực lượng Quân chủng Phòng không – Không quân. Khi căn dặn xong xuôi, Bác nói vui với Tư lệnh và nhất là với Chính ủy Đặng Tính: “Bác không bênh chú Tài đâu mà để tên Quân chủng như vậy đọc thuận hơn, Bác để dấu gạch ngang ở giữa như vậy là có ý coi hai lực lượng đều quan trọng như nhau”.

Bác Hồ của chúng ta, ở mọi việc đều phân minh và công bằng. Chính điều này đã cho Phùng Thế Tài, Đặng Tính và những cán bộ Quân đội khác có thêm ý chí và niềm tin tất thắng.

Những ngày đầu trên cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân vô cùng vất vả. Kiện toàn và nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội Phòng không – Không quân là một bài toán lớn không dễ giải. Bộ đội Không quân rất non trẻ. Khi ấy ta mới thành lập Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (ngày 30 tháng 5 năm 1963 tại cao nguyên Vân Quý – Trung Quốc) mang mật danh Đoàn Sao Đỏ. Đội ngũ phi công được đào tạo ở Trung Quốc chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1964, Lễ thành lập Trung đoàn 921 mới được tổ chức tại Mông Tự – Vân Nam – Trung Quốc cùng lúc với việc tiếp nhận 33 chiếc máy bay chiếc đấu MiG-17, 3 chiếc máy bay huấn luyện MiG-15UTI. Nhận định rõ việc phải khẩn trương đưa máy bay cùng các phi công về nước, Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng Chính ủy Đặng Tính báo cáo cấp trên và quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn 921 gồm 70 phi công và số máy bay được viện trợ về nước với sự bí mật tuyệt đối. Đây là một thắng lợi không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển lực lượng không quân Việt Nam bước tiếp theo.

Đầu năm 1968, Bác Hồ gọi Phùng Thế Tài, lúc đó trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Đặng Tính – Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân lên hỏi tình hình. Lúc này Bác không được khỏe. Ngay phút đầu tiên Người đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin từ Cục 2 báo cáo Bộ tổng Tham mưu Mỹ sẽ tập kích B-52 vào Hà Nội vào 18 giờ tối. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện từ hầm chỉ huy tác chiến của Bộ tổng Tham mưu hỏi lại: “B-52 đến đâu rồi? Phải nắm cho thật chắc. Nó bay theo hướng nào phải báo cáo ngay”. Đồng chí Mạc Lâm, trực ban Cục 2 trả lời: “Vâng thưa anh, chúng tôi vẫn đang bám sát”. Phùng Thế Tài nói vui: “Tối nay, bộ đội ta bắn rơi B-52 thì Bộ sẽ thưởng Cục 2 một tấn lương khô và một con bò mộng”. Đồng chí Anh Lân, cán bộ Cục 2 vui mừng nói với anh em lời hứa của thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu. Mới thấy rằng, cả những khi căng thẳng và quyết liệt nhất trong trận đấu trí đấu sức với giặc Mỹ, cán bộ chiến sĩ ta vẫn hết sức lạc quan.

3 min 5 - Thượng tướng Phùng Thế Tài: Những dấu mốc lịch sử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai phát biểu tại “Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài – thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”.

Trinh sát Cục 2 bám sát B-52 từng phút và báo cáo với Bộ tổng Tham mưu: “Có tín hiệu đặc biệt, B-52 gần đến đất liền”. Cục tác chiến thông báo: “Đã xuất hiện trên màn ra đa B-52”. Từng hồi còi báo động vang lên liên tục trong thành phố Hà Nội. Tại hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng Tham mưu, các thông báo được truyền đi liên tục xuống các đơn vị Phòng không – Không quân. Bộ đội ta đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. 19 giờ 15 phút, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy “Tổng hành dinh” cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.

Cả thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêu B-52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và các đơn vị đang đánh B-52. Không quân ta cất cánh. Mọi căm hờn đều trút lên đầu ngọn súng. Trên đài quan sát đặt trên đỉnh cột cờ báo về; Trực ban Quân chủng Phòng không – Không quân thông báo gấp gáp: Một B-52 bắn rơi ở Đông Anh, lúc đó là 20 giờ 30 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972.

Trận đánh B-52 đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 400 lần chiếc máy bay chiến thuật và 90 lần B-52 đánh hơn 100 điểm khu dân cư, chúng ném xuống khoảng trên 6.000 quả bom làm chết 300 người. Ta bắn rơi 3 máy bay B-52, 5 máy bay phản lực, bắt sống 7 phi công Mỹ.

Rạng sáng ngày 19, Phùng Thế Tài lên máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh bên xác chiếc máy bay B-52 nằm chềnh ềnh. Xác siêu pháo đài bay B-52 – thứ vũ khí Mỹ vẫn khoe khoang là siêu đẳng nằm tả tơi trên một đám ruộng. Ông cùng đoàn công tác cho cưa một đoạn xác B-52 rồi lập tức trở về Tổng hành dinh tiếp tục cho trận đánh lớn.

Bộ Chính trị họp biểu dương các lực lượng đã chiến đấu dũng cảm đồng thời chỉ thị các đơn vị nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu để bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị: Bộ đội tên lửa đêm chiến đấu, ngày ngụy trang sơ tán. Bộ đội ra đa phải thường xuyên theo dõi địch, quản lý vững chắc vùng trời cả ngày và đêm. Bộ đội pháo phòng không thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao và đánh thắng địch.

Đêm 20 rạng ngày 21 – 12 bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B- 52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Đại tướng nói: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.

Bộ đội Phòng không – Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B- 52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không – Không quân.

Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 và đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử, Người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức. Phùng Thế Tài luôn tự nhủ: Giá như có Bác Hồ. Giá như Bác còn sống để mừng vui chiến thắng.

*

*     *

Gia đình Thượng tướng Phùng Thế Tài trong chiến tranh, hòa bình luôn là một gia đình mẫu mực. Bà Bùi Thị Yến, người vợ tấm cám của vị tướng cũng vừa theo ông về thế giới của người hiền. Có thể nói, Phùng Thế Tài được như ngày nay người vợ hiền của ông đóng góp nhiều công sức lắm. Vốn là cán bộ ngành lương thực, lại là vợ của vị tướng đảm đương nhiều trọng trách, chưa bao giờ bà than phiền với ông về những khó khăn mà luôn lặng lẽ nuôi dạy năm người con trưởng thành. Đầu năm 2005, ông lặng lẽ cùng bà vào sống với người con út trong khu chung cư nhỏ nơi tầng cao ở Sài Gòn. Bà cũng như ông, chưa bao giờ đòi hỏi một cái gì về vật chất cho mình, cho gia đình, cho con cái. Ông bà mang tố chất của người hiền cũng là chịu sự ảnh hưởng của một nhân cách vĩ đại – Hồ Chí Minh từ những ngày Phùng Thế Tài còn là cận vệ cho Người.

Ảnh hưởng của người cha, vị tướng Phùng Thế Tài với bước đường trưởng thành của các con cũng giản dị tự nhiên như chính cuộc đời ông. Ông bà sinh được năm người con: Phùng Thanh Đà, Phùng Thế Quảng, Phùng Thanh Ngọc, Phùng Thanh Lý, Phùng Thế Tám. Các con ông đều đã trưởng thành. Noi gương cha mẹ ai cũng chịu thương chịu khó lam làm, học hành, đặc biệt là tấm lòng luôn rộng mở với mọi người và chưa bao giờ dựa dẫm vào những thứ không phải của mình.

Âu cũng là nét gia phong của tổ tông gia đình ông vậy.

Từ một cậu thiếu niên khi nước nhà chưa giành được độc lập phải lưu lạc mưu sinh nơi đất khách quê người đến với cách mạng, được là cận vệ đầu tiên của Bác Hồ rồi chuyển sang đảm đương các chỉ huy quân sự. Phùng Thế Tài trưởng thành theo sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông từng là Tiểu đội trưởng, Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó – Quân chủng Phòng không – Không quân. Ông đã cùng các chỉ huy của Quân chủng, lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông vẫn được gọi là “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”. Cánh lính trẻ rất thích thú trước tướng Phùng Thế Tài bởi bản tính xuề xòa, giản dị của ông. Có thể nói, ít tướng lĩnh nào của Việt Nam lại gắn bó mật thiết với Bác Hồ như Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông gắn bó với Bác từ những ngày còn bên Trung Quốc đến khi về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, đựợc Bác dạy bảo mọi điều trong cuộc sống và công tác. Khi Bác mất, ông lại là một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác. Chính điều này cũng là một sự kỳ diệu đối với ông, đối với công cuộc cách mạng mà ông cùng các đồng chí đồng đội đã phải đánh đổi rất nhiều máu xương để có được thành quả như ước mong của Bác Hồ.

Hôm nay, khi đất nước đã sang trang sử mới, Người cận vệ của Bác Hồ cũng đã về với thế giới của người hiền. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã đi xa nhưng Bác còn để lại bao lời dạy thiết thực. Bác từng nói: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Ngẫm lời Bác dạy, suy nghĩ những bước trưởng thành của các học trò của Bác trong đó có Thượng tướng Phùng Thế Tài, chúng ta càng thấy rõ một điều, trọng trách bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động, nhiều thách thức là một vấn đề lớn cần sự tâm huyết, tài chí và trên hết là sự đoàn kết thống nhất để quân đội ta mãi mãi là tường đồng vách sắt bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây