Sau đợt khai quật năm 2019, mới đây các chuyên gia đến từ Italia đã có chương trình làm việc dài ngày tại nhóm tháp L Mỹ Sơn (Quảng Nam) để bổ sung các thông tin cần thiết để tiếp tục triển khai chương trình khảo cổ, trùng tu trong năm 2024.
Công tác khai quật nhóm tháp L năm 2019 đã hé lộ nhiều thông tin giá trị cho công tác trùng tu nhóm tháp L.
Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (Ban quản lý Mỹ Sơn) cho biết, các chuyên gia đến từ Quỹ Carlo Maurilio Lerici (Italia) (viết tắt Quỹ Lerici) đã có buổi làm việc với Ban quản lý bàn công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn nhóm tháp L. Đồng thời đã có một tháng lưu lại tại Khu di tích Mỹ Sơn để tiến hành các công việc dọn dẹp khảo cổ khu vực tháp L, dọn vệ sinh làm sạch bề mặt đáy và thành hố khai quật của các năm trước, nghiên cứu khoa học, vẽ lại mặt bằng khu tháp L, bổ sung thêm các thông tin cần thiết xây dựng tư liệu, khảo sát tình trạng di tích… Qua đó sẽ lên phương án, chọn giải pháp để tiếp tục công tác khảo cổ, trùng tu phế tích này vào năm 2024. Tham gia chương trình làm việc, TS Mauro Cucarzi, Chủ tịch Quỹ Lerici cùng các chuyên gia cũng đã báo cáo sơ lược kết quả khảo sát khảo cổ tại nhóm tháp L trong các năm trước, các hoạt động tiếp theo để chuẩn bị cho công tác trùng tu vào năm 2024.
Trong đó các mục tiêu còn lại mà chương trình hướng tới: Tiếp tục khai quật khảo cổ học và nghiên cứu các vật liệu, hiện vật do TS Patrizia Zolese chỉ đạo với sự hỗ trợ và hợp tác khoa học của các chuyên gia Italia và Việt Nam. Cuộc khai quật khảo cổ tập trung vào các hoạt động vệ sinh sơ bộ khu vực nhóm tháp L; dọn dẹp khảo cổ khu vực tháp L1 và L2; khai quật khu vực tháp L2. Ngoài ra có một số thử nghiệm thăm dò ở khu vực phía tây L2 để đánh giá khả năng tồn tại một phế tích khác của nhóm tháp L. Kết luận kế hoạch can thiệp bảo tồn nhóm tháp L1 và L2. Bên cạnh đó, trong chương trình, dự kiến sẽ tiếp tục lập danh mục và đánh giá rủi ro của di tích Chăm ở Mỹ Sơn và tỉnh Quảng Nam với Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu di tích do Quỹ Lerici sáng lập; Tiếp tục các khóa đào tạo, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và đánh giá các yếu tố rủi ro cũng như liên quan đến biến đổi khí hậu của các di tích/khu khảo cổ cho các cán bộ các Sở VHTTDL của các tỉnh miền Trung tại Trung tâm nghiên cứu mới ở Mỹ Sơn; Cập nhật, sắp xếp lại kho hiện vật khảo cổ của Bảo tàng Mỹ Sơn.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban quản lý Mỹ Sơn chương trình nghiên cứu khảo cổ, khảo sát tại Mỹ Sơn năm 2023 tập trung khai quật khảo cổ học tháp L2, trong quá trình khai quật nếu xuất hiện hiện vật hoặc kiến trúc sẽ tiếp tục có phương pháp bảo quản, trùng tu. Theo kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian 4 tháng, nhưng thời điểm này đã vào mùa mưa bão nên các phần việc sẽ tiếp tục thực hiện đầu năm 2024. Ban quản lý sẽ phối hợp làm việc với nhóm chuyên gia trong giám sát dự án, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề tại địa phương, bố trí nơi làm việc, phương tiện đi lại trong phạm vi quản lý của đơn vị theo yêu cầu của chuyên gia Italia.
Dự án khai quật nhóm tháp L là chương trình tiếp theo sau khi dự án bảo tồn nhóm tháp G cũng do các chuyên gia đến từ Italia thực hiện hoàn thành năm 2013. Nhóm tháp L gồm 2 tháp L1, L2 nằm trên một gò đất cao, tương đối cách biệt với các nhóm còn lại trong khu di tích, mới chỉ được người Pháp đánh dấu trên bảng sơ đồ khu di tích Mỹ Sơn, chưa có công bố kết quả cũng như can thiệp khai quật, trùng tu thời bấy giờ. Năm 2019, thực hiện chương trình thỏa thuận hợp tác và đào tạo thuộc dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam” được ký kết giữa trường Đại học Bách khoa Milan và trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, các chuyên gia đã đào tạo, triển khai khóa thực hành cho 20 học viên tham gia khảo sát, khai quật tháp L1, thực hành thẻ cơ sở dữ liệu quản lý di tích, lập bản đồ di tích, khảo sát hình học… tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Sau đợt khai quật năm 2019, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên dự án bị ngưng trệ một thời gian đến nay mới khởi động lại.
Việc khai quật vào năm 2019 cũng đã hé lộ nhiều thông tin mới thú vị bổ sung vào khoảng trống thông tin. Tuy nhiên, muốn làm rõ các giá trị văn hóa, lịch sử, kỹ thuật, nghệ thuật, công năng, mối liên hệ với các nhóm tháp khác, niên đại xây dựng,… cần có thêm thời gian và nhiều nghiên cứu, khảo sát hơn nữa.