Tiêu chuẩn hóa – giảm sự suy thoái của thiên nhiên

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đang hài hòa hóa nhiều thước đo, chỉ số và tiêu chuẩn của thế giới trong nhiều lĩnh vực để giảm sự suy tàn của thiên nhiên, tăng tính đa dạng sinh học, thúc đẩy sự sống trên trái đất.

ISO được biết đến là hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế được áp dụng trên toàn thế giới. ISO (International Organization for Standardization) hiện có hơn 160 nước là thành viên và Việt Nam là nước thứ 77 tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn ISO. Các tiêu chuẩn ISO được chuyển thành tiếng Việt ban hành với tên gọi Tiêu Chuẩn Việt Nam (viết tắt là TCVN).

Tiêu chuẩn hóa đa dạng sinh học

Tiêu chuẩn hóa để thúc đẩy sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ quốc tế. Đến nay, ISO ban hành khoảng 20.000 tiêu chuẩn chất lượng trong nhiều lĩnh vực từ sản phẩm sản, công nghệ, dịch vụ đến nông nghiệp, môi trường, thực phẩm…. Các tiêu chuẩn ISO được áp dụng trên toàn thế giới với các tiêu chuẩn về thương mại và công nghiệp.

Đặc biệt, trước sự biết đổi của khí hậu, sự suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học, gây suy tàn thiên nhiên, ISO đã phát triển các tiêu chuẩn về đa dạng sinh học. Theo Caroline Lhuillery, Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia Pháp AFNOR: Với mong muốn “lật ngược” tình thế để tạo ra một mối quan hệ lành mạnh hơn giữa các nền kinh tế và hệ sinh thái của chúng ta, một mối quan hệ khuyến khích bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời tạo cơ hội cho phát triển bền vững được khuyến nghị xây dựng tiêu chuẩn về đa dạng sinh học.

Các tiêu chuẩn về đa dạng sinh học đang được ISO xây dựng đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ Công ước đa dạng sinh học (CBD), do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thiết lập nhằm tạo cơ sở cho việc bảo tồn đa dạng sinh học trên trái đất. Các tiêu chuẩn được ban hành sẽ giúp bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, giảm sự suy tàn của đa dạng sinh học trong tự nhiên.

Đa dạng sinh học gồm tất cả sự sống, nếu không có nó, sẽ không còn thực phẩm, không còn không khí sạch, không còn tài nguyên thiên nhiên cũng như những biện pháp phòng thủ tự nhiên chống lại lũ lụt và khí hậu sẽ không còn thích hợp cho sự sống. Công ước đa dạng sinh học đã đặt mục tiêu bảo tồn sự đa dạng sinh học, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen.

Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund for Nature-WWF) và Viện Động vật học London (ZSL) đã thực hiện báo cáo dựa trên một bộ dữ liệu được gọi là Chỉ số hành tinh sống (LPI) để theo dõi các xu hướng và mô hình thay đổi đa dạng sinh học theo thời gian. Công ước đa dạng sinh học cũng thông qua Chỉ số hành tinh sống và áp dụng để đo lường các xu hướng toàn cầu về đa dạng sinh học của môi trường sống trên cạn và dưới nước, vì vậy, Chỉ số hành tinh sống đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn 2011-2020 khi đặt ra các mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và thiết lập một khuôn khổ cho việc đặt ra các mục tiêu đảo ngược sự suy thoái trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực đã chỉ ra rằng cách tiếp cận dựa trên tiêu chuẩn hóa có thể đặc biệt có lợi cho việc theo dõi sự tiến hóa của đa dạng sinh học hoặc xác định các phương pháp quản lý đa dạng sinh học để tránh sự suy thoái của thiên nhiên.

Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ… để bảo tồn thiên nhiên

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác cát quá mức đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, đặc biệt tại các địa phương thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp… với lợi thế về nguồn cát dồi dào vốn được xem là những “mỏ vàng”, nay cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ… mang tính cấp thiết để giảm sự suy thoái của thiên nhiên.

Thực hiện chiến lược Khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020, từ năm 2016-2018 Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án và 2 chương trình khoa học và công nghệ quan trọng gồm: Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình; Chương trình nghiên cứu xây dựng thực nghiệm công trình trên biển đảo; Chương trình nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác. Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành, ủy quyền cho các đơn vị liên quan ban hành tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật; định mức kinh tế kỹ thuật về tro, xỉ, thạch cao…

Liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ… Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than trong thi công móng mặt đường giao thông nông thôn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị triển khai công việc liên quan đến sử dụng vật liệu tro, xỉ… của các nhà máy nhiệt điện vào các công trình giao thông, nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng vật liệu tro, xỉ… và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 15/12/2022.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và công nghệ Giao thông Vận tải, Trường đại học Giao thông Vận tải tiếp tục chủ động đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng vật liệu tro, xỉ, thạch cao… làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên trong trường hợp sử dụng hoàn toàn tro, xỉ… hoặc sử dụng tro, xỉ… kết hợp với đất, đá và các loại vật liệu, phụ gia khác trong kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2022, năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong đó, lưu ý đề xuất xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu, vật liệu trong các công trình giao thông, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm giảm sự suy thoái của thiên nhiên.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây