Những cuộc khai quật tại thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đang dần lộ diện hình hài của một kinh đô, đặc biệt là việc tìm thấy chính điện thành nhà Hồ. Đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay.
Chỉ tồn tại trong 7 năm (1400-1407) và được xem là triều đại ngắn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thế nhưng triều nhà Hồ đã để lại cho nhân loại một tòa thành đá độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.
Để làm cơ sở bảo tồn và củng cố thêm những giá trị lịch sử to lớn của Thành nhà Hồ, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện gần 20 cuộc khai quật, từ đó phát hiện thêm nhiều cứ liệu, dấu tích có ý nghĩa cực kỳ lớn cho nền khảo cổ học Việt Nam.
Khai quật thành nhà Hồ.
Kể từ khi Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 2011), tại đây đã diễn ra 10 cuộc khai quật> Nếu tính rộng ra thì từ năm 2004 đến thời điểm này đã có tổng cộng 20 đợt khai quật lớn nhỏ được thực hiện.
Ông Trương Hoài Nam, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, cho biết các đợt khai quật đã phát hiện rất nhiều dấu tích quan trọng như: cụm kiến trúc trung tâm nền Vua; cụm kiến trúc phía Đông Nam thành Nội; dấu tích 4 hào thành; dấu tích con đường Hoàng Gia và dấu tích sân nền quảng trường Cửa Nam thời nhà Hồ; dấu tích đàn tế Nam Giao…
“Hầu hết các đợt khai quật đều có những phát hiện rất quan trọng, minh chứng khẳng định sự nổi bật toàn cầu của di sản. Trong đó, dấu tích đường Hoàng gia là con đường gây ấn tượng lớn cho các chuyên gia Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) khi đi kiểm tra tính xác thực của khu di sản” – ông Nam cho hay.
Con đường Hoàng gia trong quá trình khai quật đã xuất lộ phía trước cổng Nam gồm 3 làn đường song song làn chính giữa, 2 làn bên. Làn đường chính giữa chạy xuyên qua cổng thành và chạy về phía Bắc và phía Nam. Đường được lát chủ yếu bởi các khối đá vôi có kích thước khá lớn có màu xám xanh với nhiều hình dáng khác nhau: hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác, hình thang, hình thoi…
Các khối đá lát phần lớn đều được chế tác cẩn thận tạo mặt phẳng cho mặt đường, bề mặt các khối đá đều có dấu vết đục khá rõ tương tự như những khối đá sử dụng để xây thành.
Con đường Hoàng gia trong quá trình khai quật đã xuất lộ.
Theo ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, ngoài những phát hiện quan trọng trên, các nhà khảo cổ học còn nghiên cứu nhiều vị trí khác quanh khu vực Thành nhà Hồ như: tiến hành cắt tường thành Đông Bắc để nghiên cứu kỹ thuật xây thành, nghiên cứu kỹ thuật đắp La Thành, nghiên cứu kỹ thuật khai thác và chế tác đá tại bãi đá An Tôn, di tích Xuân Đài và thăm dò vị trí đền Trần Khát Chân, dấu tích Cồn Ngục, Gò Mả… để tìm lời giải cho quá trình xây tòa thành đá này.
“Thành Nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Theo sách Đại Việt Sử Ký toàn thư, tòa thành đá này được xây dựng trong vòng 3 tháng. Qua các cuộc khai quật đã tìm thấy các công trường chế tác đá, hàng trăm viên bi đá lớn, nhỏ đã củng cố giả thiết người thợ khi xưa đã dùng chúng như con lăn để tời đá từ vùng khai thác (cách vị trí xây thành khoảng 5 km). Kết hợp với tời và đắp đất, người ta đã đưa những phiến đá hàng tấn lên cao để xây thành. Ngoài ra, các nhà sử học đã tìm thấy khoảng 300 địa danh trong cả nước góp gạch xây dựng kinh thành Tây Đô, từ đó phần nào minh chứng và lý giải cho câu hỏi lớn của lịch sử là tại sao Hồ Quý Ly có thể xây dựng kinh thành Tây Đô chỉ trong thời gian 3 tháng” – ông Linh nói.
Giếng vua trong di tích khảo cổ Thành Nhà Hồ.
Trong số 10 cuộc khai quật lớn nhỏ kể từ khi thành nhà Hồ là di sản thế giới thì cuộc khai quật từ năm 2020-2021 được đánh giá là cuộc khai quật có quy mô lớn nhất trong lịch sử khảo cổ Việt Nam với diện tích 25.000 m2. Đợt khai quật này đã phát hiện được 4 cụm dấu tích có niên đại thời Trần – Hồ; 2 cụm kiến trúc thời Lê sơ; 1 cụm kiến trúc thời Lê Trung Hưng với trên 20 đơn nguyên kiến trúc.
PGS- TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam – người có tâm huyết, lăn lộn với di tích Thành nhà Hồ suốt 10 năm qua để đi tìm lời giải cho nhiều điều kỳ bí, chưa sáng tỏ – cũng khá bất ngờ trước những phát hiện được tìm thấy.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, cuộc khai quật từ năm 2020-2021 đã thu được những kết quả cực kỳ quan trọng là đã xác định dấu tích kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn vào loại nhất cho đến nay trong lịch sử nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam ở khu vực trung tâm Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là nền Vua).
“Theo sự tính toán ban đầu cộng với địa danh nền Vua, các nhà khảo cổ nhận định đó có thể là dấu tích Chính điện của thành Tây Đô. Nếu đúng như vậy đây là dấu tích Chính điện cổ nhất trong lịch sử Kinh đô Việt Nam được phát hiện cho tới ngày hôm nay”- PGS-TS Tống Trung Tín khẳng định.
GS-TS khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia, nhận định rằng việc phát hiện con đường Hoàng Gia cực kỳ quan trọng, nó là nền móng để từ đó những đợt khai quật tiếp theo đã phát lộ nhiều dấu tích có ý nghĩa rất lớn cho nền khảo cổ học.
Từ những đợt khai quật này, trung tâm sẽ từng bước xây dựng kế hoạch phục dựng, khôi phục và bảo vệ cảnh quan, đa dạng hóa các giải pháp bảo tồn như trường hợp Nara (Nhật Bản). Nếu làm tốt và khoa học, dần dần chúng ta có thể hiểu được và khôi phục được một Kinh đô cổ nhất ở Đông Nam Á, từng bước biến di sản trở thành một trong những di sản văn hóa có giá trị nổi bật nhất của Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng trong nước và thế giới nhằm bảo tồn và bảo vệ toàn vẹn khu di sản theo đúng các Công ước Quốc tế đối với một khu di sản thế giới tầm vóc như Thành nhà Hồ.
Theo sử cũ ghi lại, vào những năm 1396-1398, nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước. Phía Bắc, giặc Minh cho quân đánh chiếm xâm lược bờ cõi. Phía Nam, quân Chiêm Thành cũng có âm mưu thôn tính nước ta.
Lúc này, Hồ Quý Ly đang là một tướng sĩ dưới triều nhà Trần, đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao để hoãn binh từ hai phía. Trong nước, ông đứng lên dẹp loạn những cuộc nổi dậy của các loạn thần, tham mưu cho vua tôi nhà Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.
Khi vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng cung Bảo Thanh (tức Ly cung nhà Hồ, thuộc xã Hà Đông, huyện Hà Trung ngày nay) trên một diện tích lớn. Công trình được đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng kinh đô mới là thành Tây Đô (Thành nhà Hồ ngày nay).
Vào năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất ngôi nhà Trần, thiết lập vương triều Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt. Triều đại nhà Hồ diệt vong. Dù chỉ tồn tại có 7 năm và được xem là triều đại phong kiến ngắn nhất lịch sử Việt Nam, song nhà Hồ đã để lại những dấu ấn trong lịch sử, đặc biệt là cuộc cải cách toàn diện đất nước, được đánh giá có giá trị thực tiễn và đi trước thời đại.
(Còn tiếp)