Tình cảm người Nhật đối với phong trào Đông du và du học sinh Việt Nam

Thực hiện nhiệm vụ của Duy Tân hội, đầu năm 1905, Phan Bội Châu nhẹ gánh riêng tư, bí mật xuất dương sang Nhật Bản, cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính. Thông qua người bạn Trung Quốc đồng hành, Phan Bội Châu biết được địa chỉ của nhà cách mạng canh tân nước Trung Hoa là Lương Khải Siêu đang cư trú chính trị trên đất Phù Tang.

Vừa đặt chân đến thành phố Hoành Tân (Yokohama), Phan Bội Châu tìm đến nơi ở của Lương tiên sinh. Qua mấy lần trò chuyện bằng bút đàm, Lương tiên sinh đã góp nhiều ý kiến hay, làm cho đầu óc cụ Phan mở mang; sau đó Lương Khải Siêu đã giới thiệu Phan Bội Châu cho một số chính khách người Nhật. Thông qua các chính khách người Nhật này, từ “cầu viện” Phan Bội Châu chuyển sang “cầu học” nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Một phong trào vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học bắt đầu. Đó là phong trào Đông Du.

Chỉ trong vòng gần 4 năm, những hội viên hội Duy Tân ở trong nước đã gửi sang Nhật khoảng 200 du học sinh. Số học sinh ít ỏi của năm đầu (1905) sang đến Nhật, đã gặp ngay những khó khăn về nơi ăn, chốn ở, tiền bạc để đóng học phí… Huống chi các năm sau với số đông hàng trăm con người đang tuổi ăn, tuổi học… thì khó khăn lại càng gấp trăm lần, ngàn lần. Thông cảm với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhiều chính khách, trí thức, nhà kinh doanh… và những người lao động bình thường, những công dân Nhật Bản trước sau đều tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ Phan Bội Châu hết sức tận tình. Sự giúp đỡ vô tư mà chúng tôi sẽ đề cập đến, không chỉ khi phong trào Đông Du phát triển mà cả khi phong trào đã tan rã, nhưng vẫn còn hàng chục học sinh Việt Nam sống trên đất Nhật, tự kiếm sống để đi học. Thậm chí có người đã qua đời trên đất Nhật, ngày nay nhiều người Nhật vẫn đến đặt vòng hoa tươi trên phần mộ, tỏ lòng thương cảm người chí sĩ Việt Nam chết yểu là Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya ở Tokyo.

Anh chiec quat gap de tho do Ly Trong Ba tang gia dinh bac si Asaba Sakitaro nam 1918 min - Tình cảm người Nhật đối với phong trào Đông du và du học sinh Việt NamẢnh chiếc quạt gấp đề thơ do Lý Trọng Bá tặng gia đình bác sĩ Asaba Sakitaro năm 1918 (Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang). Ảnh tư liệu do Đỗ Thông Minh và Phạm Thanh Linh sưu tầm.

Trước tiên, chúng tôi muốn nêu danh tính ngài Khuyển Dưỡng Nghị (InuKai Tsuyoshi) và ngài Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu). Hai vị này đã giúp Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam rất nhiều về vật chất và tinh thần. Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, bấy giờ là một vị cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là một hùng biện gia có danh vọng nhất ở Quốc hội Nhật, từng làm Tổng tài Quốc dân đảng Nhật Bản, về sau lên làm Thủ tướng; còn Đại Ôi Trọng Tín là một nhà chính trị có tiếng tăm lãnh tụ Đảng Cấp tiến, từng làm Tổng lý đại thần (Thủ tướng) là sáng lập viên trường Đại học Tạo Đại Điền (Waseda). Thông qua hai vị này Phan Bội Châu làm quen với giáo sư Hokokawa Morishige, hiệu trưởng trường Đồng Văn Thư viện và tướng Fukishima Yasumara, tổng tham mưu trưởng kiêm hiệu trưởng trường lục quân Chấn Võ học hiệu. Vì phải chấp hành một số nguyên tắc, nên trường Chấn Võ chỉ nhận được 4 sinh viên Việt Nam vào học; còn lại số đông thì vào học trường Đồng Văn Thư viện. Giáo sư hiệu trưởng Hokokawa đã xây dựng thêm 3 căn nhà trong khuôn viên trường để làm ký túc xá và phòng học cho hàng trăm du học sinh Việt Nam… Một hạ nghị sĩ là một thành viên sáng lập ra trường này, có ảnh hưởng quan trọng nhất đến du học sinh Việt Nam thời bấy giờ là ông Kashiwabara Buntaro. Sự chăm sóc của hai vợ chồng ông Buntaro, theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu người Nhật về phong trào Đông Du là rất “tế nhị”, đến mức có nhiều học sinh Việt Nam học ở trường tiểu học Rekisen gọi ông là “Bố” (Otosan), gọi vợ ông bằng “Mẹ (Okasan)… Ngài Khuyển Dưỡng Nghị còn phối hợp với Lương Khải Siêu giúp đỡ Phan Bội Châu in hàng ngàn bản Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư v.v… để gửi về nước. Khi phong trào Đông Du bị giải tán, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh Việt Nam, Phan Bội Châu lại phải đến nhờ ông giúp đỡ 4000 yên để mua vé tàu thủy “Bưu Thuyền hội xã” đưa các học sinh về nước.

Mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia Nhật Bản đã giúp Phan Bội Châu thu xếp học sinh Việt Nam vào học các trường ở Nhật và về lại trong nước được thuận lợi an toàn. Theo các tài liệu hiện nay nói về phong trào Đông Du, kể cả ở Nhật và Việt Nam, thì hình như trong vòng hai năm đầu, thông qua mối quan hệ cá nhân giữa Phan Bội Châu và các chính khách Nhật, qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu, nên phủ toàn quyền Đông Dương lẫn chính phủ Nhật bấy giờ đều không hay biết gì về những lưu học sinh Việt Nam có mặt trên đất Nhật.

Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakirato). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”. Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakirato được cụ Phan Bội Châu kể trong Niên biểu đại thể như sau: … Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trải cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakirato. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn (hơn số tiền lương của một hiệu trưởng trường tiểu học trong 7 năm). Khi phong trào Đông Du tan rã, một số học sinh Việt Nam không chịu về nước, đã thay tên đổi họ giả danh người Hoa, trốn tránh, sống tại Bệnh viện của ông, có người ở hàng năm, làm bạn chơi đùa với cô Yukie, con gái của bác sĩ Asaba Sakirato. Có lần cảnh sát hình sự khu vực Odawara (nơi có bệnh viện tư của bác sĩ) vào bệnh viện tìm bắt du học sinh Việt Nam, nhưng họ đều được ông giúp trốn thoát. Hiện nay hậu duệ Asaba còn lưu giữ được một số ảnh, trong đó có hai bức do lưu học sinh Việt Nam tặng, một bức ảnh nữa có hình cụ Phan Bội Châu chụp chung với một số người khi cụ đến dựng bia tưởng niệm nhớ đến vị ân nhân… Một bác sĩ khác tên là Hayagawa, đã cưu mang du học sinh Nguyễn Thức Canh sau khi phong trào Đông Du tan rã, chính ông bác sĩ này đã làm cho anh yêu nghề thầy thuốc, nên sau này Nguyễn Thức Canh đã sang Đức học trường Đại học Y khoa ở Berlin.

Trong số học sinh Việt Nam xuất dương sang Nhật “cầu học” có một học sinh “đặc biệt”, đó là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Thái độ của các chính trị gia Nhật đối với Cường Để không giống như đối với những người xin cư trú chính trị khác ở Nhật. Từ năm 1915 cho đến khi qua đời (1951), Cường Để sống ở Nhật chủ yếu dựa vào tình cảm cá nhân và sự hảo tâm của một số chính khách và trí thức người Nhật. Hàng tháng ngài Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) gửi biếu Cường Để 200 yên, tháng này qua tháng khác không hề gián đoạn và chậm trễ bao giờ, nhiều lần ngài Khuyển Dưỡng Nghị tự đem tiền đến, vì “lo bỉ nhân đau ốm gì chăng… cảm lòng tử tế, bỉ nhân bao giờ nghĩ đến ông cũng ứa nước mắt” (trích hồi ký của Cường Để). Có lẽ chính vì vậy mà Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã coi ngài Khuyển Dưỡng Nghị như bố đẻ. Chẳng may ông làm thủ tướng chưa được bao lâu thì bị sát hại (1943). Một trí thức khác là ông Hishimoto Masukichi, giáo sư danh dự trường Đại học Keio, đã cho Cường Để ở nhờ trên lầu 2 của nhà mình tại thị trấn Ogikubo gần sáu năm trời.

Mo liet si Tran Dong Phong mat nam 1907 trong mot nghia trang o Tokyo min - Tình cảm người Nhật đối với phong trào Đông du và du học sinh Việt Nam
Mộ liệt sĩ Trần Đông Phong mất năm 1907, trong một nghĩa trang ở Tokyo. Ảnh: Đinh Khắc Thuân.

Chúng ta cũng cần biết thêm đôi chút về việc Cường Để bị chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất, để thấy rõ hơn tình cảm của người Nhật đối với Cường Để. Do sự phản đối kịch liệt của nhóm chính khách Inukai Tsuyoshi, Kashiwabara Bunto, Toyama Mitsuru… nên chính phủ Nhật đã khước từ dẫn độ Cường Để cho Pháp, không dùng từ “trục xuất” mà dùng từ “khuyến cáo” rời khỏi Nhật. Từ đó chính phủ Nhật cũng làm lơ cho nhóm chính khách này tự bố trí, sắp xếp, cử người… đưa Cường Để đến Thượng Hải bình an vô sự. Nhóm chính khách này đã tặng tiền lộ phí, tặng súng lục để đề phòng khi cần dùng đừng dể bị làm nhục, cử một người tin cậy tên là Nakaruma Saburo ngầm theo dõi bảo vệ, lại còn báo cho ông Ogino Motorato giám đốc chi nhánh công ty Koga Kogyo ở Thượng Hải giúp Cường Để bí mật lên bờ an toàn (1909).

Sau khi đi châu Âu về, với tư cách là Hội chủ Việt Nam Quang phục hội, Cường Để đã gặp Viên Thế Khải và công sứ Đức để cầu viện, nhưng đã bị từ chối khéo léo. Buồn rầu, Cường Để quay lại xin cư trú ở Nhật Bản và được những cá nhân chính khách Nhật giúp đỡ, trong đó có Khuyển Dưỡng Nghị là người tài trợ chính. Ngoài ra còn có dịch giả Ga Morizo, là bạn thân tình và ông giám đốc công ty Đại Nam Matsushita… thường xuyên đi lại thăm hỏi, chuyện trò… Và họ thấy Cường Để sống cô đơn, rầu rĩ nên đã bàn bạc với ngành quân sự tìm người đến ở chung để đỡ đần, chăm sóc Kỳ Ngoại Hầu khi trái gió trở trời. Đó là bà Ando Chie, kém Cường Để 21 tuổi. Bà là một người lao động bình thường, một công dân Nhật có lòng nhân ái. Bà tự nguyện đến ở chung với Cường Để khi tuổi đời của bà ngoài 40, bà không có chồng, chỉ có một người cháu họ bà nhận về làm con nuôi tên là Ando Marizuki. Hai mẹ con sống chung với Cường Để trên lầu 2 gồm có 2 – 3 phòng, do giáo sư danh dự trường Đại học Keio cho mượn (1). Sống chung gần sáu năm, nên giữa Cường Để và bà Ando dần dần có tình cảm sâu đậm với nhau. Tình cảm này được bộc lộ rõ nét nhất khi bà Ando đưa lọ tro hài cốt Cường Để cho hai người con trai Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử từ Việt Nam sang Nhật nhận về Huế để chôn cất theo nghi thức hoàng gia dưới thời Ngô Đình Diệm; bà Ando đã ngầm giữ lại một ít tro, rồi lén đem đi chôn cạnh mộ Trần Đông Phong tại nghĩa trang Zoshigaya. Năm 1992 bà qua đời, thọ 89 tuổi, di chúc lại cho anh con nuôi chôn tro hài cốt bà chung với lọ tro Cường Để mà bà đã lén chôn cạnh mộ Trần Đông Phong, nhưng anh con nuôi không biết chỗ cụ thể, do đó anh không thực hiện được ý nguyện của bà.

Về những người dân bình thường giúp đỡ Phan Bội Châu còn có anh phu xe, cất công một buổi đi tìm địa chỉ của một học sinh tên là Ân Thừa Hiến người ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang học trên đất Nhật. Anh học sinh này do Lương Khải Siêu giới thiệu với Phan Bội Châu, anh là một lãnh đạo trong đoàn học sinh Vân Nam, du học ở Nhật. Nhờ anh phu xe, Phan Bội Châu đã gặp được anh Ân Thừa Hiến. Khi cụ Phan trả tiền công khá hậu về thời gian anh phu xe đã bỏ ra, thì anh từ chối, chỉ lấy đúng số tiền tính theo cây số mà nhà nước quy định. Cử chỉ này làm cho Phan Sào Nam cảm động và ca ngợi hết lời về sự văn minh, nền văn hóa và sự giáo dục của người Nhật.

Hoặc như khi Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá (cựu du học sinh) sau gần 10 năm xa cách, đã trở lại Nhật (1918) thăm vị ân nhân của mình là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang, thì vị bác sĩ đã qua đời. Phan Bội Châu liền viết một bài văn bia để tưởng niệm, nhưng trong túi chỉ có 120 yên, còn thiếu khoảng 100 yên nữa mới đủ. Sự việc đến tai ông trưởng thôn, một con người trọng nghĩa tên là Okamoto Setsutaro. Ông liền đứng ra vận động bà con trong thôn giúp đỡ tiền nong và nơi ăn chỗ ở cho hai vị khách từ phương trời xa đến… Một tháng sau công việc dựng bia hoàn thành. Một tấm đá cao 2,7m, dày 0,87m đặt trên một bệ đá cao gần 1m, khắc 105 chữ Hán mỗi chữ to bằng bao diêm, trong đó có câu văn khá lâm ly. Dịch: “Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc”. Sau đây là lời kể của bà Asaba Kazuko, cháu ngoại của cố bác sĩ Sakirato… “Trong gia đình tôi, chuyện tấm bia này, phải giữ bí mật, ông ngoại tôi giúp đỡ thanh niên Việt Nam, là việc lúc bấy giờ đi ngược với chính sách của Chính phủ. Lúc tôi còn bé mẹ tôi dặn vậy… Mỗi khi thăm mộ ông ngoại, mẹ tôi luôn dọn sạch sẽ quanh bia… Tôi nghe nói ông ngoại tôi tích trữ một số tiền để đi du học ở Đức, nhưng vì bệnh lao phổi, không đi du học nữa, và ông đã dùng số tiền đó (1700 yên) giúp cụ Phan Bội Châu. Tôi nghĩ đây là một hành động tốt đẹp” (theo Norio Kato, trưởng ban tiếng Việt đài phát thanh NHK, Nhật Bản). Năm 2003, nhân dân thị trấn Abasa, đã tổ chức kỷ niệm 85 năm cụ Phan Bội Châu dựng bia tưởng niệm, ban tổ chức đã mời ông Phan Thiệu Cơ, cháu nội cụ Phan Bội Châu sang dự. Vì vậy ngày nay càng có nhiều người quan tâm đến gia đình bà Asaba Kazuko và cả thị trấn Abasa thuộc tỉnh Tĩnh Cương, dưới chân núi Phú Sĩ. Trong số những người bình thường, còn có không ít những người công nhân như thuyền trưởng tàu Iyomara và các thủy thủ đã tìm cách cải trang cho Cường Để lên bờ an toàn, hoặc như chủ cửa hiệu “Sơn Khẩu” ở Tokyo đã sẵn sàng bán chịu cho cụ Phan 400 khẩu súng, trong khi cụ chỉ đủ số tiền mua được 100 khẩu. Năm 1912 một quân nhân Nhật tên là Ishiy Iwane (Tùng Tỉnh Thạch Căn) đã giúp Nguyễn Thức Canh (một lưu học sinh Việt Nam trốn lại ở Nhật để tiếp tục học lên cao) chuyển thư về quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho thân phụ mình là cụ Nguyễn Thức Tự, nhưng anh quân nhân này không trao được thư, vì bị Pháp theo dõi… Vào khoảng năm 1941, người dân xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bỗng thấy một cụ già người Nhật đến thắp hương trước mộ chung của hai liệt sĩ nguyên là lưu học sinh Việt Nam ở Nhật là Hoàng Trọng Mậu và Trần Hữu Lực bị thực dân Pháp xử tử hình cùng một lúc, hoặc vào khoảng những năm của thập kỷ 50, có những người Nhật âm thầm lặng lẽ đến Huế thắp nén hương thơm trước mộ Phan Bội Châu và Cường Để… Gần đây càng có đông người Nhật đến viếng mộ hai vị.

Những sự việc kể trên chứng tỏ phong trào Đông Du đã để lại dấu ấn khó phai mờ đối với nước Nhật và người dân Nhật. Những chí sĩ Đông Du và những nhà lãnh đạo Nhật đương thời, qua sự tiếp xúc cá nhân giữa những con người bình thường cùng chung một tấm lòng, một chí hướng… đã ươm mầm cho mối quan hệ hữu nghị tiếp tục duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thúc Chuyên

————

Chú thích:

* Cựu giáo chức thành phố Huế.

  1. Cường Để là học sinh trường Lục quân Chấn Võ, được quân đội cấp nhà ở tại Tokyo, về sau nhà này bị bom Mỹ đánh sập, ông phải đi ở nhờ.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây