Tổ Mẫu Âu Cơ trong đời sống tín ngưỡng Mẫu ở Việt Nam
Tín ngưỡng về các vị thần có công với non sông gấm vóc đã là nét văn hóa đặc sắc từ ngàn đời của người dân Việt Nam. Cùng với các sinh hoạt thường ngày được lặp đi lặp lại trong lịch sử tới ngày nay, những lễ nghi tôn kính các vị thần đã trở thành phong tục tập quán thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn. Các thực hành trong lễ hội, các nghi lễ dân gian, các câu chuyện về các vị thần, vị thánh, đất và người… luôn được cộng đồng gìn giữ và lưu truyền để trở thành nét văn hóa đặc sắc của các vùng quê Việt Nam.
Niềm tin của người dân các thế hệ đã khiến lịch sử ngàn năm của dân tộc trở nên gần gũi, thân thuộc và gắn bó với cuộc sống hàng ngày đầy sắc màu của họ. Về với vùng Đất Tổ tỉnh Phú Thọ ngày nay, chúng ta dễ dàng chiêm nghiệm niềm tin tín ngưỡng về Quốc Mẫu Âu Cơ – người Mẹ vĩ đại của dân tộc.
Quốc Mẫu Âu Cơ là biểu tượng đi vào lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam cùng Quốc tổ Lạc Long Quân. Đôi vợ chồng huyền thoại đã trở thành cặp đôi Cha – Mẹ dân tộc khi sinh ra bọc trăm trứng. Từ trăm trứng nở ra trăm người con trai mạnh khỏe, cường tráng và giỏi giang. Truyền thuyết lãng mạn trên đã đi vào lịch sử dân tộc cùng hai tiếng đồng bào (cùng một bọc sinh ra) trong niềm tự hào con Rồng, cháu Tiên, dòng dõi Hùng Vương của thời đại Văn minh Đông Sơn rực rỡ.
Nền nông nghiệp sơ khai đã dần thay thế phương thức săn bắt/ bắn và hái lượm nguyên thủy. Văn hóa trồng cấy và chăn nuôi gia cầm, gia súc phản ánh quá trình người Việt cổ dần dần tiến xuống vùng châu thổ để hình thành nhà nước. Vùng núi non rừng thẳm đã dần lùi xa để Cha Lạc Long Quân có thể thuận tiện dẫn 50 con xuống biển và Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên vùng núi khi trăm con đã đủ khôn lớn. Truyền thuyết kể rằng Cha Lạc Long Quân nói với Mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên sống trên cạn là chính, thủy khắc hỏa, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh trăm con, chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng khó ở lâu với nhau được”. Tài liệu của Đền mẫu Âu Cơ còn ghi hành trình Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con theo triền sông lên miền ngược. Dọc đường đi, người thì chọn dừng chân ở khúc sông để chài cá, người thì ở lại trên bờ làm nghề trồng cây hái quả… từ đó làng mạc dần hình thành. Người con Cả đã lên ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Sau cùng, Mẫu Âu Cơ và số ít người con trai còn lại quyết định dừng chân ở vùng đất Hiền Lương phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình để khai sơn phá thạch, sinh cơ lập quán. Mẫu và các con dạy dân cấy lúa, trồng cây, nuôi tằm dệt vải… dần dần cuộc sống sung túc theo thời gian.
Ký ức của người dân xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa từ bao đời còn nhớ các địa danh từ thuở xa xưa như gò Thị, gò Cây Dâu, giếng Loan, giếng Phượng,… và họ nhớ ghi sâu sắc câu chuyện dải lụa đào Mẹ Âu Cơ để lại cho con cháu trước khi bay vào cõi Tiên sau dịp Tết tưng bừng vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm xưa. Đó là nơi xây Đền Mẫu Âu Cơ hiện nay – ngôi nhà thiêng thờ Mẹ. Như bao bà mẹ, Mẹ Âu Cơ đã sản sinh ra nòi giống Tiên – Rồng và bao bọc, dạy dỗ, phù trì như Bà mẹ Xứ Sở đầu tiên, nữ thần dạy dân định cư, làm nông nghiệp, tận dụng sức mạnh của đất đai mà trồng cấy, chăn nuôi để ổn định cuộc sống. Mẹ sinh ra các con và nuôi dưỡng các con bằng sự quan tâm, bằng trí tuệ, tình yêu và lao động. Mẹ là ngọn nguồn của lòng bác ái, tinh thần đoàn kết tương trợ Anh – Em, Con – Cháu, đồng bào đồng bọc sinh ra, biết giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn. Mẹ sản sinh ra con người và tái sinh con người qua lao động, sáng tạo, truyền nghề. Đồng thời Mẹ phù trì, dõi theo niềm vui trong cuộc sống, nỗi buồn hay những khó khăn do thiên tai, địch họa gây ra. Như thế, cùng với niềm tin tín ngưỡng vào vạn vật hữu linh, tín ngưỡng tôn thờ các vị thần nguyên thủy, các vị thần nữ, khởi phát là Cha-Mẹ cội nguồn dân tộc ngày càng thấm đẫm vào đời sống dân gian.
Báu vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ đang được thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh Lê Hoàng
Sau này, đến triều vua Lê Thánh Tông (1442-1497), đền thờ Mẫu Âu Cơ được con cháu dựng lên để tưởng nhớ Quốc Mẫu và tổ chức các thực hành văn hóa theo phong tục tập quán địa phương. Năm 1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại thế kỷ XIX, thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) là Bảo vật Quốc gia.
Lễ hội “Tiên giáng”, mùng 7 tháng Giêng hàng năm là ngày lễ trọng thể hiện lòng sùng mộ biết ơn Quốc Mẫu với những lễ vật tiêu biểu văn minh nông nghiệp gồm sản vật bánh gạo, xôi nếp, chè ngọt và hoa tươi quả tốt của địa phương. Các thực hành nghi lễ tế, rước, các trò chơi bách hý phản ánh đời sống dân gian vui tươi, trù phú, ấm no, hạnh phúc nhờ ơn phù trợ thiêng liêng của Quốc Mẫu và tiên tổ giống nòi quốc tổ Lạc Long Quân, các đời Vua Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
Mẫu Âu Cơ không chỉ được thờ phụng trực tiếp tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ mà còn mở rộng các nơi. Đền thiêng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng trong khuôn viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tháng 9/2001, khánh thành vào tháng 1/2005. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là nơi hội tụ tinh hoa tinh túy của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên nước Việt, thờ cúng dòng dõi Hùng Vương ở Việt Nam với niềm kính ngưỡng sâu sắc nhất, là lễ hội thiêng liêng bậc nhất gắn với Bách Thần nguyên thủ. Trong niềm kính ngưỡng các Vua Hùng, lòng kính trọng với Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ diễn ra trải dài suốt năm nhưng tập trung đậm đặc vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch. Sự ghi nhận của quốc tế khi UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa đại diện của nhân loại càng củng cố niềm tin yêu, kính trọng Mẹ Âu Cơ – Mẹ của sự sống và lòng bao dung trong tâm trí và các thực hành văn hóa cũng như đạo lý dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh Tổ Mẫu Âu Cơ – khởi nguồn của Bà Mẹ Xứ Sở vĩ đại tại vùng Đất Tổ Hùng Vương cùng với các Bà Mẹ sáng tạo vũ trụ của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, dù là bà Mẹ cai quản vùng núi thẳm non cao, vùng đồng bằng, vùng sông nước, biển khơi, hay các tầng cao vũ trụ tới các thiên hà… thì các Mẫu/Mẹ luôn luôn hiện hữu và đồng hành cùng con cháu, đặc biệt gắn với thời điểm linh thiêng mà rộn rã là các lễ hội của cộng đồng sẽ mãi mãi là nét văn hóa đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn là niềm tự hào của các di sản văn hóa đại diện cho sự tiến bộ nhân văn của nhân loại.
PGS.TS Phạm Lan Oanh – Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam