Trở về cõi tịnh – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Trong buổi đầu thu tươi xanh, nơi xứ nhãn Hưng Yên, chúng tôi đã có một cuộc trải nghiệm vô cùng thú vị tại chùa Phúc Lâm trên đất Phú Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên theo lời mời của nhà thơ Phạm Ánh Sao – Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Hải Dương. Tôi với Phạm Ánh Sao đã biết nhau từ lâu, dù rất ít khi gặp tôi vẫn cảm nhận rất rõ sự đam mê văn chương nghệ thuật của người con đất Phù Ủng, nơi có đền thờ danh nhân – danh tướng Phạm Ngũ Lão, một vị tướng xuất thân từ nông dân mà tôi đã viết sách về đức ngài.

Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay đang phải chịu nhiều sức ép từ những biểu hiện gây tranh cãi, nhiều lúc là đi sai với giáo lý của đạo Phật đã khiến dư luận xôn xao, có lúc đã dậy sóng khiến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền đã phải vào cuộc quyết liệt; bởi vậy, chúng tôi đến với chùa Phúc Lâm trong một tâm thế khác thường.`

Vậy mà tất cả bỗng trở nên thanh thoát khi bước vào khuôn viên vườn tược của nhà chùa. Hàng hàng cây cối tươi xanh và vô cùng thoáng sạch, được chăm sóc cẩn thận, nhất là cặp mắt xanh của Thầy khi Thầy sắp xếp và thể hiện vô vàn các loại cây trong khuôn viên vừa khoa học vừa nghệ thuật.

Nv pvk trao tang sach su thay Thich Tam Luan - Trở về cõi tịnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) trao tặng sách sư thầy Thích Tâm Luận (bìa trái).

Thầy Thích Tâm Luận – trụ trì ngôi chùa người gốc Huế đã cho chúng tôi sự cảm mến từ những bước chân trần tươi cười đón khách. Không có một chút xa cách. Không có cảm giác khách khí. Dường như đã được biết trước về chúng tôi Thầy tươi tắn và nhẹ nhàng vào câu chuyện bên ấm trà sen thơm ngát.

Tôi rất ngạc nhiên về bài trí của văn phòng liên thông với khu vườn cây, ao chùa, hệ thống giao thông bên trong bên ngoài đều sạch sẽ và tươi xanh cây cối. Nhà thơ Phạm Ánh Sao là người dẫn dắt câu chuyện cũng hết sức nhẹ nhàng. Tôi thấy thầy gọi nhà thơ là chú Sao vừa tự nhiên vừa thân mật. Phạm Ánh Sao cũng là người dẫn chương trình của buổi tọa đàm, giao lưu về tập thơ Trở về của sư thầy Thích Tâm Luận. Âu cũng là một mối lương duyên.

Trong câu chuyện, tôi có nhắc về đồng chí Bí thư xã Phù Ủng tên là Tráng từ chục năm trước đã mời anh em văn nghệ sĩ về đền thờ Phạm Ngũ Lão và tôi đã viết tập sách trên trăm trang về đức ngài đã được trao tặng cho tỉnh Hưng Yên nhân kỳ đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sáu năm về trước. Vùng đất Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên rất thân thuộc với tôi. Chúng tôi vừa có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng để báo cáo và thống nhất chương trình trao tặng 1.000 cuốn sách Danh nhân Hưng Yên trong tiến trình lịch sử do tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn cùng anh chị em văn nghệ sĩ Hưng Yên thực hiện để tặng tới thư viện thôn, các cấp chính quyền, các trường học trong toàn tỉnh Hưng Yên. Đây cũng là một việc làm hết sức có ý nghĩa của anh chị em văn nghệ sĩ quê hương Hưng Yên với vùng đất đã sinh ra mình.

Nv pvk trao tang sach su thay Thich Tam Luan 2 - Trở về cõi tịnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai trao tặng sách sư thầy Thích Tâm Luận.

Thầy Thích Tâm Luận mời các vị khách là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, các đoàn câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh Hưng Yên tới dâng hương Tam Bảo. Tôi đã dự nhiều cuộc như vậy nhưng lần đầu tiên thấy được sự giản dị và không thiếu phần trang nghiêm, cũng hết sức tự nhiên thanh thoát của sư Thầy Thích Tâm Luận. Thầy nhẹ nhàng hướng dẫn mọi người thực hiện các nghi thức nơi Tam Bảo. Mỗi tiếng chuông ngân lên đều thấy rõ sự thành kính của mọi người. Thầy giảng giải và hướng dẫn mọi việc khúc chiết và truyền dẫn tới tâm khảm mọi người. Thầy giảng chùa là nơi tôn nghiêm tu học của tất cả mọi người không phân biệt mà tất thảy chúng ta đều phải tự học, tự vén quang chính bản thân mình và học hỏi những điều hay lẽ phải. Từng câu nói và nhất là biểu cảm của thầy đã cho chúng tôi được lắng nghe và thấu hiểu chính mình, lắng nghe và thấu hiểu, cảm thông và phấn đấu làm những việc hữu ích hơn trong cuộc sống.

Trong buổi giao lưu về tập thơ Trở về, chúng tôi đã được nghe thầy Thích Tâm Luận trò chuyện, đọc thơ hết sức giản dị nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Mở đầu tập thơ, chữ Tu đã được lý giải rất tự nhiên:

Tu là sửa lại cái thân tâm

Muốn đẹp thân tâm phải dập bầm

Cỏ đẫm sương đêm qua nắng gió

Có trải thu đông mới đượm nồng

 

Tu hành không phải việc của ai

Muốn đẹp tự mình phải sửa sai

Xưa nay có bao giờ mình thấy

Trang điểm mặt mình, đẹp mặt ai.

Với tư tưởng xiển dương giáo lý của đạo Phật, trong Trở về cõi tịnh, sư thầy Thích Tâm Luận đã tự mình đặt ra và đưa ra những thông điệp giản dị, gần gũi, dễ thuộc dễ nhớ và nhất là luôn cập nhật, đồng hành với chúng phật tử trong công việc thường ngày:

Niệm Phật đừng lo ít hay nhiều

Chí thành một niệm đủ thăng siêu

Chớ ngại lâu mau hay nhiều ít

Chịu xuôi về biển nước như nhau

(Niệm Phật chí thành tất được… vãng sanh);

Đã không hổ thẹn với lòng

Cũng không phụ bạc tấm lòng từ bi

Thì ta sống có ngại chi…

Hiên ngang thanh thản đường đi lối về

(Muốn sống được an vui).

Nv pvk va cac van nghe si tai buoi giao luu tho - Trở về cõi tịnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 bìa phải) và các văn nghệ sĩ tại buổi giao lưu thơ.

Thơ thầy Thích Tâm Luận không chỉ mộc mạc, nhiều chỗ còn câu chữ xộc xệch song đều thống nhất ở chỗ tin sâu về luật nhân quả bỏ ác làm lành, luôn đưa ra những lời khuyên có ích trong cuộc sống. Đạo Phật từ nghìn năm trước đã luôn vì con người, vì cuộc sống, vì sự phát triển bền vững của mỗi dân tộc. Chúng ta thường ngày đã có lúc có cái nhìn thiên kiến với Phật giáo chính là ở sự thiếu hiểu biết, bị dẫn dắt sai lạc hoặc là bị những hiện sai về Phật giáo đã khiến một bộ phận nhìn nhận sai bản chất thực sự của Phật giáo. Trong quá trình viết bộ sách Vương triều Tiền Lý với bốn cuốn Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc; Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc tôi đã được không ít vị cao tăng chỉ dẫn và cung cấp những tư liệu rất quý về Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển và nhất là bản chất sâu sắc nhất của Phật giáo Việt Nam là luôn đồng hành cùng dân tộc, nền tảng của đại đoàn kết dân tộc và nhất là đồng hành với nhân dân, là nền tảng văn hóa tinh thần của nhân dân Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử. Trên tinh thần ấy, những suy nghĩ trung thực với chính mình từ những dòng thơ trong Trở về cõi tịnh đã khiến tập thơ có chiều sâu:

Đêm nay mình không ngủ

Sự sống còn chút đây

Nếu đêm nay mình ngủ

Ngày mai ra sao đây

 

Mạng người mong manh quá

Khác nào giọt sương mai

Giờ bình tâm nghĩ lại

Xót thương phận bi ai

(Không ngủ);

 

Phật chỉ có thể xây cầu

Phật chỉ có thể nấu xào thức ăn

Phật chỉ mô phạm, khuyên răn

Phật không đi giúp, ăn giùm, tu thay

(Những gì Phật không thể làm cho ta);

 

Chiều về trong thất một mình ta

Một đĩa, một ly, một ấm trà

Đối ẩm tri âm chừ đâu vắng

Tri kỷ một mình ta với ta

(Độc ẩm);

 

Một câu nhân nghĩa anh viết chưa tròn

Ngày tháng trôi qua, sống đời vụng dại

Đã phí thời gian trong vườn hoa danh lợi

Ngày tháng thoi đưa bạc trắng mái đầu

(Hai chữ nghĩa nhân).

Đọc Trở về, chúng ta luôn bắt gặp mạch tư duy vừa phong quang dài rộng vừa cụ thể chi tiết. Nhiều bài thơ chính là những bài học mà sư thầy Thích Tâm Luận đã lấy chính bản thân mình làm minh chứng nên rất dễ đồng cảm từ phía bạn đọc. Đây cũng là một thế mạnh của Trở về.

Trong cuộc giao lưu, rất nhiều nhà thơ đã có ý kiến chia sẻ và đọc chính thơ của mình là một nét độc đáo và khách quan, góp phần thành công cho buổi giao lưu thơ đúng nghĩa. Thơ là ở cõi lòng. Thơ luôn ở bên trong nhưng thơ cũng rất cần vận chuyển ra ngoài, đến với người yêu thơ, đến với cộng đồng nhân loại. Thơ là rất riêng nhưng cũng là rất chung với tất cả mọi người. Trong buổi giao lưu, chúng tôi đã bắt gặp những tiếng lòng thơ như thế.

Nv pvk tai chua Nom nam 2018 - Trở về cõi tịnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 bìa trái) tại chùa Nôm năm 2018.

Riêng với Thầy Thích Tâm Luận, từ buổi gặp đầu tiên, từ những bài thơ tinh khôi của sư thầy đã cho cá nhân tôi một điểm nhìn, một trải nghiệm cho bản thân và cũng là con mắt nhìn rộng hơn, xa hơn về những khu vực mà mình còn sơ sài giản lược. Nhân đây, tôi cũng cảm ơn nhà thơ Phạm Ánh Sao – một người anh hết sức yêu thơ và yêu bạn bè văn nghệ sĩ đã có lời mời tôi về với quê anh – đất Phù Ủng đã từng sinh ra những danh tướng, danh thần, danh nhân mà Phạm Ngũ Lão là một trong những vị tướng mà tôi hết sức kính ngưỡng.

Sen nở sen tàn. Trăng soi đáy nước. Hoa ngâu thoang thoảng đưa hương. Lấm tấm hoa cua rắc đầy vại nước. Mắt thôn nữ Hưng Yên tinh khôi vời vợi. Tấm lòng người Hưng Yên ân nghĩa khôn cùng. Quê hương đi mấy vẫn gần. Mong sớm có ngày trở lại đất quê hương.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây