Truyện ngắn nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng gây tranh cãi – Tác giả: Trần Thị Trường

Sau “Tướng về hưu”, Nguyễn Huy Thiệp cho ra những tác phẩm khác, cái nào cũng gây tranh cãi gay gắt. Dù gay gắt đến đâu, mọi người đều công nhận văn ông là khác biệt.

Tôi mê văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Truyện nào của ông tôi cũng không bỏ qua, đọc nhiều lần thấy thích cái nhìn đa chiều của tác giả, tính ẩn dụ cao cường của ngữ nghĩa, càng đọc càng thích, trong nỗi buồn vô tận Nguyễn Huy Thiệp đã “kể” nó mỗi lần kể mỗi khác với nhân vật khác, tình tiết khác. […]

Nhưng tôi nhớ nhiều lắm đến Trương Chi. Có lẽ đây là tâm sự của chính Nguyễn Huy Thiệp: “Nỗi buồn của ta ơi / Như cục đá đè nặng tim ta / Nào ai thấu / Phía xa kia là quê nhà / Tuổi trẻ mờ sương / Những ký ức mờ sương / Những ước mơ đâu cả rồi? Những mơ ước của ta / Ta đã mơ rất say đắm / Mơ hoa lá, những bài ca / Những tiếng đàn / Những nụ cười / những đồng lúa chín / Những lâu đài rực rỡ…”.

…Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt, Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt.

Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ mẩu ngón tay xuống Bông. Trời tối, không thấy máu. Chàng thò ngón tay xuống dòng nước xiết. Dòng nước mơn man khiến chàng dễ chịu… Ta là Trương Chi / Ta hát cho tình yêu / Tình yêu không xúc phạm được / Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế…”.

Nguyễn Huy Thiệp mượn hình tượng Trương Chi nói lên sự vô nghĩa của toàn bộ quan hệ đời sống và về thân phận nghệ sĩ (lúc bấy giờ!). Trương Chi là tiếng than khóc của tài năng không được biết đến, chỉ là kiếp mua vui cho những người như quan hoạn, nhạt nhẽo và vô cảm…

Đọc xong Trương Chi, nhạc sĩ Trần Tiến bảo tôi tìm cách liên hệ để gặp được Nguyễn Huy Thiệp. Ngày đó, điện thoại để bàn còn ít nhà có, tôi thì ở cách nhà Nguyễn Huy Thiệp không xa nên tìm được ngay. Nguyễn Huy Thiệp đồng ý đi cùng chúng tôi lên Việt Trì, ban ngày tâm sự giãi bày, ban đêm Trần Tiến đi diễn theo hợp đồng với tỉnh. Biết bao điều họ đã nói với nhau ngày đó, hay đến là hay.

Nguyễn Huy Thiệp viết thì sắc sảo, từng chữ một như lưỡi dao chém vào đá, bật lên tư tưởng làm người đọc sởn da gà, nhưng nói chuyện thì Nguyễn Huy Thiệp lại rất kém. Một phần không hoạt ngôn, một phần anh có tật nói lắp, nghĩ rất kỹ từng từ, có lẽ anh muốn diễn đạt một cách đắt nhất, mang dấu vết Nguyễn Huy Thiệp nhất nên mãi mới được một câu.

Tôi thân với Nguyễn Huy Thiệp và cả gia đình anh từ hồi đó, hai đứa con trai của anh còn rất nhỏ, Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa. Bách giờ đã là một họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật (Yết Kiêu), Khoa cũng vẽ, có lẽ ảnh hưởng bởi thời gian làm việc ở 39 Lý Quốc Sư của Lê Thiết Cương. Khoa vẽ theo bản năng và những xúc cảm riêng tư nên chóng bỏ nghề, nhưng tranh vẽ trong giai đoạn đó của Khoa cũng có người thích nên bán được.

Nha van Nguyen Huy Thiep min - Truyện ngắn nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng gây tranh cãi - Tác giả: Trần Thị TrườngNhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Y. N.

Tôi đặc biệt thân với chị Trang vợ anh Thiệp. Chị coi tôi là cái túi chứa tâm sự bí mật của chị, của người có chồng nổi tiếng, chịu đựng toàn bộ các cuộc viếng thăm dài vô tận của đủ các loại khách. Nhà nghèo (đã có câu ví chua chát: nhà văn là một thứ đĩ không đủ tiền son phấn) nhưng cả hai vợ chồng đều hiếu khách, họ cứ coi Khương Đình là nơi rất xa nên không nỡ để khách về mà không ăn trưa.

Sách in ra cũng nhiều người xin, tính lại cả nể, nên gia tài tính đầu sách, không kể truyện ngắn, tiểu thuyết còn có 7 vở kịch… nhưng chỉ in được một số, có nhuận bút, kịch thì không được dựng, sách có giai đoạn không được phát hành nên thu nhập hầu như chẳng là bao, trông chờ nhiều vào đồng lương của chị Trang.

Chị làm ở Nhà Xuất bản Giáo Dục, người có mức lương cao nhất về kỹ thuật sửa morat. Chị nói những cuốn từ điển y học là khó nhất, và chị là người được giao nó vì tay nghề cao. Dĩ nhiên, cao thì cao việc cũng quá khó, chị vẫn nhận làm cốt mong có tiền cho chồng con đủ ăn.

Nguyễn Huy Thiệp vì viết văn mà long đong lận đận. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Huy Thiệp đi dạy học ở Tây Bắc, sau về Nhà xuất bản Giáo Dục làm, nhưng văn chương cứ thôi thúc trong lòng. Truyện ngắn Tướng về hưu đã biến đổi cuộc đời anh. Nhưng anh vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm khác, mà cái nào cũng gây tranh cãi gay gắt.

Song, dù có gay gắt đến đâu mọi tranh cãi vẫn đều công nhận Nguyễn Huy Thiệp là khác, là mới, là tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống sáng tác văn học.

Khoảng năm 1991, Nguyễn Huy Thiệp mời bạn thân là Nguyễn Hồng Hưng, họa sĩ kiêm điêu khắc gia đến làm một tượng Phật ở khu vườn có nhà đang ở của mình. Bức tượng thật đẹp và khác tất cả những bức tượng Phật đã có bởi tài năng, mỹ cảm và quan niệm về Đạo Phật của Hồng Hưng.

Khu vườn đó giờ thu hẹp lại, hai căn nhà được dựng lên cho hai gia đình con trai ở, Nguyễn Huy Thiệp có ba cháu nội. Năm 2007, ông lần đầu phát hiện ra những cơn đau tim liên tiếp, tây y chữa không khỏi. Có người mách, vợ ông đã mua mấy chục đầu rắn hổ mang về nướng lên làm thuốc cho chồng. Sức khỏe của ông khá lên nhưng rồi cách đây 2 năm ông bị đột quỵ. Lần này thì nặng hẳn phải vào viện, chân tay co quắp, đi lại nói năng khó khăn.

Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy ông ngồi trên xe lăn, mắt nhìn xa xăm với nỗi buồn tê tái. Ông vui hơn khi không còn những người đến thăm chỉ để lấy lệ, và có được những người tri kỷ, cảm thông. Ông nhớ đến những người đã giúp ông trong cuộc đời khốn khó của mình, ông kể về họ như một sự bày tỏ.

Có người biết ông bệnh cũng đã gửi tiền biếu mà không cho ông phải mang cái nỗi hàm ơn nên cứ dặn tôi, đưa sao cho khéo, tôi lại nhờ người khác chuyển khoản để có được tính minh bạch của sự việc. Nhiều lần, tôi đã thấy ông được con trai dìu đứng lên, đi lại trong sân tập để “lội ngược dòng” trở về cuộc sống. Nhưng, cố gắng mãi cũng chẳng ăn thua.

Sau truyện ngắn Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp liên tục cho ra những truyện ngắn tuyệt hay khác như Muối của rừng, văn chương mượt mà nhưng vấn đề đặt ra rất lớn (con người kiêu ngạo, và kết quả của kiêu ngạo là sự thê thảm trước thiên nhiên, tạo hóa). Cũng không ít truyện viết bằng giọng lạnh tanh, phanh phui mổ xẻ sự đời, mổ xẻ tâm địa con người đến mức tàn nhẫn.

[…] Nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp thì không thể không nói rằng, ông là nhà văn đương đại có những tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất.

Đời sống hiện thực của Việt Nam được quan sát bằng đôi mắt tinh tường, được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, những thảng thốt và đau đớn riêng tư, những băn khoăn và day dứt được biểu tả bằng một bút pháp chưa từng có khiến văn chương Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc của Việt Nam và nhiều quốc gia say mê.

Nhờ đó, tên ông là từ khóa quan trọng và nổi bật khiến độc giả quốc tế, bao gồm cả những học giả nghiên cứu, tìm biết và vỡ lẽ thêm về văn chương, xã hội và con người Việt Nam một thời.

T.T.T

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây