‘Việt Nam có thể ứng dụng vật lý hạt nhân nghiên cứu dự báo động đất’

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, các mô hình tính toán trong vật lý hạt nhân có thể ứng dụng trong nghiên cứu ngành vật lý địa cầu phục vụ quan trắc, cảnh báo thiên tai.

Thông tin được TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, chia sẻ tại hội thảo “Ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện nay” ngày 27/10 tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Viet Nam co the ung dung vat ly hat nhan nghien cuu du bao dong dat min - 'Việt Nam có thể ứng dụng vật lý hạt nhân nghiên cứu dự báo động đất'Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: USTH

TS Xuân Anh cho biết, do tính chất đa ngành một số thiết bị sử dụng trong nghiên cứu vật lý hạt nhân hoàn toàn có thể ứng dụng vào một số ngành khác, trong đó có vật lý địa cầu. Những phương pháp, cơ sở vật chất, mô hình tính toán trong vật lý hạt nhân có thể ứng dụng trong việc triển khai quan trắc địa vật lý, phân tích dữ liệu… qua đó giải quyết các bài toán nghiên cứu về động đất, sóng thần, giông sét và một số hiện tượng trong tự nhiên.

Lấy ví dụ về trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum), ông cho biết động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Dù chưa có thiệt hại về nhà cửa và người, song các rung động địa chấn do động đất gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Ông cho rằng, việc ứng dụng tích hợp các công nghệ từ vật lý hạt nhân, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData)… giúp cho chất lượng các mô hình hoá và dự báo được nâng lên.

Hiện Viện Vật lý địa cầu chuẩn bị hợp tác với phòng thí nghiệm tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (JINR) nhằm triển khai ứng dụng vào thực tế. Ông Xuân Anh cho hay, trước mắt Việt Nam cần phải chuẩn bị về nguồn nhân lực, con người để tham gia vào nghiên cứu. Bên cạnh đó cần đầu tư cơ sở vật chất (như các trạm quan trắc) để tham gia hợp tác. Phía Viện cũng mong muốn được cộng tác và kết nối Phòng thí nghiệm Dzhelepov về các vấn đề hạt nhân liên quan đến vật lý sét và ứng dụng phòng chống sét.

Tại Việt Nam nhiều địa phương nằm trong đới đứt gãy hoặc khu vực tác động của các hồ chứa thường xảy ra những trận động đất nhỏ và vừa (cường độ của động đất kích thích thường sẽ yếu hơn động đất tự nhiên). Thống kê từ Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới.

Các nhà khoa học đề xuất ứng dụng công nghệ, thiết lập các trạm quan trắc động đất địa phương để ghi nhận số lượng trận nhằm dự báo tiến trình, mức độ trong tương lai.

Như Quỳnh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây