Giới thiệu khái quát tỉnh KonTum

Giới thiệu khái quát tỉnh KonTum

Giới thiệu khái quát tỉnh KonTum

KonTum là một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới phía Bắc Tây Nguyên. Bắc giáp tỉnh Quảng Nam với chiều dài 124km đường ranh giới; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai với chiều dài 203km.

1. Thông tin khái quát tỉnh KonTum
 – Điều kiện tự nhiên:
Vị trí địa lý: Phía Tây tỉnh KonTum giáp hai nước Lào và Campuchia có chung 275km đường biên giới quốc gia; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi với đường ranh giới dài khoảng 74km. Phần lớn diện tích của tỉnh nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn. Có thể nói, về mặt địa lý, KonTum có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, vừa là cơ hội mà cũng là trách nhiệm to lớn trong xu thế hội nhập, phát triển của cả vùng đất Tây Nguyên.
Diện tích: 9.689,6 km2 (niên giám thống kê 2014)
Khí hậu: KonTum có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa của phía Nam Việt Nam, lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên. Ánh sáng dồi dào, nhiệt độ trung bình năm là 22-230C, lượng mưa trung bình năm 1.730-1.880 mm, có sự phân hoá theo thời gian và không gian. Đặc biệt, mùa khô kéo dài tới 6 tháng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), độ ẩm giảm mạnh, có gió đông bắc thổi mạnh, lượng bốc hơi lớn gây khô hạn nghiêm trọng. Đây là hạn chế lớn trong phát triển cây trồng, vật nuôi của tỉnh.
Sông ngòi: KonTum có hai hệ thống sông chính là sông Ba và sông Sê San. Hệ thống sông Ba bắt nguồn từ vùng núi Konklang, huyện Konplong, chảy qua tỉnh Gia Lai, tỉnh Phú Yên và đổ ra biển Đông.  Hệ thống sông Sê San bao gồm các con sông Đắk Bla, Đắk Psi và Đắk Pôcô.
Đất đai: KonTum có tầng dày mỏng không đồng đều, phần lớn diện tích là đất đỏ vàng với khoảng 483.575 ha, chiếm 50,3% diện tích đất tự nhiên. Kế đến là đất mùn vàng trên núi với khoảng 437.305 ha, chiếm 45,48%. Còn lại là các loại đất khác như: đất phù sa có 15.670 ha, chiếm 1,63%; đất xám 10.442 ha, chiếm 1,09%; đất đất thung lũng 3.405 ha, chiếm 0,35%; đất xói mòn trơ sỏi đá, ao hồ, sông suối 11.053 ha, chiếm 1,15%. Đất có khả năng nông nghiệp chủ yếu là các loại đất xám trên phù sa cổ, đất xám trên đá mắcma axít, đất phù sa được bồi và đất phù sa có tầng loang lổ. Ở một số vùng có tầng dày canh tác rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày (Đăk Hà, Ngọc Hồi, thị xã KonTum).
Rừng:50% diện tích tự nhiên của tỉnh có rừng che phủ. Rừng KonTum phần lớn là rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý như: cẩm lai, dáng hương, pơ mu, thông… với diện tích đất có rừng là 621.450 ha, trữ lượng khoảng 54 triệu m3 gỗ và 2 tỷ cây tre nứa. Một số lâm sản dưới tán rừng có giá trị kinh tế và dược liệu cao như: gió, sâm Ngọc Linh, sa nhân, nhựa thông, song mây, bông đót, mã tiền, vạng đắng, hoàng đắng, ngũ gia bì, hà thủ ô… Hiện tại, Kontum có bốn khu từng đặc dụng, đó là: khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mô Rây, khu rừng đặc dụng này rất phong phú và đang dạng về số lượng chủng loại, là nơi chứa nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm được ghi trong cuốn sách đỏ Việt Nam như: voi, hươu vang, cà toong, công…
Khoáng sản: KonTum rất phong phú và có trữ lượng tương đối lớn như: vàng gốc và vàng sa khoáng tập trung ở huyện Đắkglei, Ngọc Hồi, Konplong, Đăk Hà; bôxít tập trung ở Măng Đen, Kon Hà Nừng (huyện Konplong); than bùn ở xã Ya Chiêm, Hoà Bình (thị xã Kontum); đá gablopioxen màu đen có ở huyện Ngọc Hồi và xã Ya Chiêm; nước khoáng tập trung ở Kon Đào, Ngọc Tụ (huyện Đắktô), Đắk Ring, Ngọc Tem, Hiếu (huyện Konplong). Ngoài ra, còn có cát sỏi, đá xây dựng phân bố ở thị xã KonTum, huyện Sa Thầy có trữ lượng lớn, đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng của tỉnh.
– Điều kiện xã hội:
Đơn vị hành chính: Tỉnh KonTum có 10 đơn vị hành chính, gồm: 1 thành phố KonTum và 9 huyện là: Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Kon Plông và Ia H’Drai
Dân số: Tính đến năm 2014, dân số toàn tỉnh Komtum đạt gần 484.200 người, mật độ dân số đạt 50 người/km2. Kon Tum có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, có 6 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Măm.
Văn hoá: Do vị trí đặc biệt là vùng đất bằng, được dòng Đăk Bla uốn quanh, bồi đắp cho những luồng phù sa màu mỡ, trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, vùng đất nơi đây cũng có những biến đổi, đồng bào các dân tộc tụ hội về đây sinh sống mỗi ngày một đông. Người Kinh khi đến với vùng đất bắc Tây Nguyên qua một thời gian tìm kiếm cũng đã chọn vùng đất Kontum làm nơi dừng chân định cư sinh sống lâu dài. Kontum từ đó trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc anh em, tức là bao gồm đất đai ba tỉnh Kontum và Gia Lai bây giờ.
Kontum là cái noi văn hóa của Tây Nguyên với những nét đặc sắc cuả văn hoá các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Bana và Sêdan. Họ còn lưu giữ rất nhiều những phong tục tập quán như cưới hỏi, ma chay, lễ hội…cùng nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khác. Đến Kontum, du khách sẽ được tham quan, tìm hiều kiến trúc nhà rông, nhà mồ. Đặc biệt được tham gia các lễ hội: Pơ Thi, cúng đất làng, lễ ăn trâu…để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân nơi đây.
kinh tế:Nằm ở ngã ba Đông Dương, Kontum có điều kiện hình thành các cửa khẩu, mở rộng hợp tác quốc tế về phía Tây. Ngoài ra, Kontum có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Kontum là đầu mối giao lưu kinh tế của cả vùng duyên hải miền Trung và cả nước.
Kontum có tiềm năng về thuỷ điện vào loại lớn nhất cả nước (2.790 MW). Ngoài các công trình thuỷ điện đã và đang xây dựng. Kontum còn có thể xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư đang điều tra, khảo sát các công trình thuỷ điện trên địa bàn. Với việc đầu tư các công trình thuỷ điện hiện nay, trong tương lai, Kontum có thể sẽ là một trung tâm điều phối nguồn điện quan trọng của cả nước thông qua đường dây 500 KV.
Bên cạnh đó, Kontum có diện tích nông nghiệp và có khả năng nông – lâm nghiệp bình quân vào loại cao so với cả nước, đất đai địa hình sinh thái đa dạng, có khả năng hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp rộng lớn, nhất là cây nguyên liệu giấy…
Phần lớn các dân tộc thiểu số bản địa đều sống bằng nương rẫy và săn bắn. Người Ba Na làm ruộng. Hoa màu chính là lúa, rồi đến hoa màu phụ là ngô, sắn, khoai, rau cỏ, cà phê, trà và cây ăn trái. Lâm sản khá phong phú có thể khai thác được như gỗ lim, trắc hương, sao, gỗ tạp, thêm nữa là mây, tre, nứa, măng và hạt giẻ…
Giao thông: Tỉnh Kontum có đường quốc lộ 14 chạy dài từ Tây Quảng Nam-Đà Nẵng qua tỉnh lị Kontum nối Gia Lai, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh. quốc lộ 24 nối Kontum với Quảng Ngãi. Quốc lộ 40 đi Lào.
Huyện Ngọc Hồi là điểm cuối của đường Trường Sơn công nghiệp hoá đang được khẩn trương thi công.  Đây sẽ là con đường huyết mạch nối Kontum với cả nước
Du lịch:Kontum có nhiều cảnh quan tự nhiên như hồ Yaly, rừng thông Măng Đen, khu bãi đá thiên nhiên Km 23, thác Đắknung, suối nước nóng Đắktô và các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… có khả năng hình thành các khu du lịch cảnh quan, an dưỡng.
Các cảnh quan sinh thái này có thể kết hợp với các di tích lịch sử cách mạng như: di tích cách mạng ngục Kontum, ngục Đắk Glei, di tích chiến thắng Đắktô – Tân Cảnh, chiến thắng Plei Kần, chiến thắng Măng Đen… các làng văn hoá truyền thống bản địa tạo thành các cung, tuyến du lịch sinh thái – nhân văn
 Theo quyết định 964/QĐ-TTg ban hành ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Kon Tum có 3 huyện nằm trong Danh mục địa bàn ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm: Huyện Sa Thầy, Huyện Tu Mơ Rông và Huyện Đăk Glei.
 2. Khu vực miền núi:
Huyện Sa Thầy: Là huyện nằm ở phía Tây Nam có diện tích lớn nhất tỉnh KonTum với 2.412km2.Phía Bắc giáp huyện Ngọc Hồi và Đắktô, phía Tây và Nam giáp Campuchia phía  Đông giáp thị xã Kontum và tỉnh Gia Lai.
Dân số huyện 50.526 người (thống kê năm 2014) với 6 dân tộc sinh sống, gồm: Gia Rai, H’Lăng, Thái, Rơ Mâm, Rơ Ngao, Kinh
Huyện bao gồm 1 thị trấn Sa Thầy và 9 xã là Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Sa Sơn, Sa Bình, Ya Xier, Ya Ly, Ya Tăng, Mô Rai
Sa Thầy có một nền văn hóa cổ truyền vừa mang đậm bản sắc văn hóa chung của Trường Sơn – Tây Nguyên vừa có những nét đẹp riêng của từng nhóm, từng làng; những nét đẹp văn hóa của nhóm này đan xen vào những nét đẹp của nhóm kia, lại tiếp thu những tập tục của các bộ tộc láng giềng ở Lào và Campuchia làm cho tiếng nói, phong tục tập quán, âm nhạc, múa hát, điêu khắc, kiến trúc, trang phục, lễ hội,… của các dân tộc rất phong phú.
 Những năm vừa qua, kinh tế của huyện Sa Thầy có nhiều khởi sắc. Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên đa số các sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường đều còn ở dạng  thô nên giá trị kinh tế thấp. Vì vậy việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản đang là vấn đề được huyện quan tâm ưu tiên. Trong đó lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc là lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế rất lớn, cần nhanh chóng phát huy để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế.
Huyện Tu Mơ Rông: Nằm về phía đông bắc của tỉnh Kon Tum, phía Bắc giáp huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Đăk Tô, phía Đông giáp huyện KonPlông, phía Tây giáp huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum.
 Huyện Tu Mơ Rông có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm : Tu Mơ Rông, Đắk Hà, Măng Ri, Ngọk Lây, Tê Xăng, Văn Xuôi, Ngọk Yêu, Đắk Tờ Kan, Đắk Rơ Ông, Đắk Na, Đắk Sao.
  Do đặc thù là huyện có độ cao so với mực nước biển trên 1.000 m nên phù hợp cho việc phát triển cây chè tuyết, cà phê catimo, dong riềng…, mặt khác với đặc thù là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn (88,97% so tổng diện tích tự nhiên) đây là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển nguồn nguyên liệu giấy và phát triển một số cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sơn tra, ngũ vị tử, hồng đẳng sâm… là nguồn nguyên liệu chính để phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản và dược liệu. Tiềm năng lớn về du lịch được xác định là cảnh quan thiên nhiên (khu du lịch sinh thái Ngọc Linh), di tích lịch sử (Khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy KonTum, Huyện ủy H80); các di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể lâu đời của dân tộc bản địa (tộc người Xê Đăng).
 3. Khu vực biên giới:
Huyện Đăk Glei:Có diện tích: 1.495,26 km2, dân số là 39.577.
Đăk Glei là huyện miền núi, vùng cao, đất dốc, đồng thời là cửa ngõ của cực bắc Tây Nguyên. Phía bắc giáp huyện Phước Sơn (Quảng Nam), phía tây có đường biên giới dài 130 km giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, phía nam giáp huyện Ngọc Hồi và phía đông giáp huyện Đăk Tô. Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum, Đăk Glei có 11/12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số.
Huyện Đăk Glei bao gồm  thị trấn Đăk Glei và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Đăk Pét, Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Blô, Đăk Man, Đăk Kroong, Đăk Môn, Đăk Long, Đăk Nhoong.
Huyện có địa hình phức tạp, chia cắt khiến Đăk Glei gặp nhiều khó khăn trong giao lưu hàng hoá, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Xét về tầm nhìn chiến lược lâu dài, Đăk Glei có vị trí quan trọng, đầu mối giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế, có vai trò quan trọng về an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Nằm ở ngã ba Đông Dương, liền kề với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường Hồ Chí Minh thông thương tạo cho Đăk Glei trở thành khu vực khởi đầu của hội nhập, điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến thương mại quốc tế, nối đông bắc Thái Lan – Hạ Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây là tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Có thể khẳng định, huyện Đăk Glei có nhiều thuận lợi trong giao lưu kinh tế, tiếp nhận công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật và mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút đầu tư. Đồng thời, đây cũng là thách thức lớn cho huyện trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, gắn ổn định phát triển kinh tế với giữ vững an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Đăk Glei còn có diện tích rừng tương đối lớn, độ che phủ rừng cao (70%) với tổng trữ lượng gỗ các loại trên 10 triệu m3. Nếu được bảo vệ, chăm sóc và khai thác khoa học, thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu. Rừng Đăk Glei còn có nguồn dược liệu quý, đặc biệt là hoàng đẳng sâm, sâm Ngọc Linh,… Ngoài tiềm năng rừng, Đăk Glei còn có diện tích đất chưa sử dụng tương đối lớn, là lợi thế để huyện quy hoạch và đầu tư vùng sản xuất chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định cho chế biến và xuất khẩu.
Huyện Ngọc Hồi: Có diện tích 824km2, dân số 41.828 người. Là huyện nằm ở phía Đông của tỉnh KonTum, sườn Đông của dãy núi Trường Sơn, phía Bắc giáp huyện Đăk Glei, phía Nam giáp huyện Sa Thầy, phía Tây giáp Lào và Campuchia.
Huyện bao gồm 1 thị trấn Plei Kần và 7 xã là Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Xú, Bờ Y, Sa Loong, Đăk Kan.
Huyện Ngọc Hồi là địa bàn cư trú của 17 dân tộc, đông nhất là dân tộc Xê Đăng, Dẻ Triêng. Dân tộc có số dân ít nhất là dân tộc B Râu. Dân cư sống khá tập trung, dọc theo trục Bắc – Nam và Tây – Nam, chủ yếu ở các vùng có khả năng canh tác như vùng đất phù sa dọc sông ngoài, vùng đất đồi Bazan, đất thung lủng dốc tụ.  Kinh tế của huyện chủ yếu là trồng cây lương thực, trồng rừng phòng hộ, trồng cây lâu năm kết hợp chăn nuôi dưới tán cây rừng. Trong tương lai sẽ đẩy mạnh công tác thuỷ lợi nhằm thâm canh tăng năng xuất cây lương thực, phát triển trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, các loại cây ăn quả, cây lâm đặc sản như quế, bờ lời…. kết hợp khuyến khích phát triển kinh tế thương mại, với yêu cầu trở thành vùng đặc thù của khu thương mại, công nghiệp, chế xuất…thu hút các doanh nghiệp không cả trong nước mà cả nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh, xản xuất.
Trong tương lai, thị trấn Plei Kần sẽ được quy hoạch trở thành thị xã cửa khẩu Quốc tế với 15 vạn dân. Có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối vói tỉnh Kon Tum mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ vùng cao nguyên Tây Nguyên và khu vực phía Nam Trung bộ. Bởi nơi đây chính là đầu mối giao lưu kinh tế trong chiến lược phát triển vùng hệ thống cụm công nghiệp và các cảng biển miền Trung như: Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai. Huyện Ngọc Hồi sẽ trở thành khu vực khởi đầu hội nhập trung chuyển quan trọng tuyến liên hành lang thương mại quốc tế giữa Mianma, Nam lào, đông bắc Thái Lan và vùng phía bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và đông Nam Bộ. Thông qua cửa khẩu Bờ Y, đây chính là tuyến hành lang thương mại Đông Tây ngắn nhất
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y: Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum nằm tại khu vực ngã ba Đông Dương là nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam – Lào-Campuchia. Đây là là điểm giao thương có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với tỉnh Kontum mà còn có ảnh hưởng đến cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được xây dựng sẽ mở ra triển vọng lớn cho giao lưu thương mại, phát triển kinh tế giữa Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung, miền đông Nam Bộ với các tỉnh thuộc Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và xa hơn nữa.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y khởi công năm 2003, cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng nhiều, nhưng đã góp phần làm đổi thay đáng kể diện mạo của vùng biên giới tỉnh Kontum. Bờ Y đã trở thành điểm lựa chọn đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước và ở khu vực Tây Nguyên. Các khách sạn, nhà hàng mọc lên mỗi ngày một nhiều. Đất đai trước đây được tính bằng giá đất rẫy, đất ruộng, thì nay dần trở thành “tấc đất tấc vàng”.
Nhiều tiểu thương, cũng đã đến đây để tạo lập cơ sở kinh doanh, làm cho thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi ngày càng thịnh vượng. Hàng hoá đổ về Plei Kần càng nhiều, cửa hàng nào cũng ngồn ngộn hàng hoá, từ quần áo, dày dép, rau quả, thực phẩm, hải sản đến xe máy. Rất nhiều trong số hàng hoá này sẽ theo chân các tiểu thương Việt Nam qua bên kia biên giới, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nước bạn Lào.
Hiện tại, việc lưu thông bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã hoàn toàn thông suốt để tiếp cận các vùng kinh tế lớn thuộc Đông Nam Á lục địa, thông qua các quốc lộ 40, 14, 24, 19, 25, và đường Hồ Chí Minh. Miền Trung Việt Nam hiện nay đã liên thông dễ dàng với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Hệ thống cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các khu công nghiệp, khu Kinh tế mở ở Miền Trung là điều kiện đảm bảo cho quá trình hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại ở Bờ Y trở nên cởi mở, sống động; các di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Phong Nha sẽ có thêm những cơ hội to lớn để phát triển du lịch.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã trở thành Vùng động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông – Tây trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Xây dựng Khu trung tâm, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan toả của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đối với tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia trong quá trình hội nhập.
Thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, biên giới và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, dân tộc, trật tự an ninh quốc phòng trên cơ sở tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh phù hợp với Hiệp định vận tải quá cảnh hàng hoá, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện, các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng,….
Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là cơ quan chức năng trực thuộc Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 217/2005/QĐ-TTg ngày 05/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y). Hiện nay là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum (theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum)trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum.
(Nguồn: kontum.gov.vn; baokontum)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây