Phùng Văn Khai mở bút vào những tiểu thuyết khai phá lịch sử thật đồ sộ – Tác giả: Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức

Phùng Văn Khai mở bút vào những tiểu thuyết khai phá lịch sử thật đồ sộ - Tác giả: Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức

Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức.

Những tác phẩm của nhà văn quân đội tuổi mới chạm trung niên Phùng Văn Khai làm tôi chóng mặt giật mình, chỉ trong thời gian gần mười năm, anh đã cho chào đời những tiểu thuyết lịch sử lớn, toàn chủ đề khai – quốc – quân – thần. Đó là những cuốn: Phùng Vương (2015, tái bản 2018); Ngô Vương (2018, tái bản 2020); Nam Đế Vạn Xuân (2020); Triệu Vương phục quốc (2020); Lý Đào Lang Vương (2021); Lý Phật Tử định quốc (2022).

Chúng ta đều biết, những tiểu thuyết hào hùng vĩ đại bậc nhất thế giới thường thuộc về lịch sử như: Chiến tranh và hòa bình của Leo Tolstoy viết về cuộc chiến tranh vĩ đại của nước Nga với đại quân của hoàng đế lừng danh thế giới Napoléon; hay cuốn Quo vadis của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz được giải Nobel viết về đề tài thánh sử Kito giáo. Xa hơn nữa là các trường ca huyền sử IliadOdyssey… Mà lịch sử thường mở màn gắn với huyền sử. Huyền sử không phải cái bịa tạc bất khả chứng mà là màn sương huyền nhiệm của buổi hồng hoang mang ý nghĩa siêu hình học của tinh thần.

Viết về lịch sử rất khó, nói chính xác là tầm vóc bao quát cao nhất, bởi vì: Chỉ có quốc gia mới có lịch sử, còn các bộ tộc, gia đình hay bộ lạc thường không có. Viết về sử, có nghĩa tầm nhìn của anh phải ở mức vua chúa, vương gia, quốc sư, hiệp sĩ, thầy tu…

Có danh ngôn “Hòa bình là trang trắng của lịch sử”. Vì thế mà viết về sử không thể nào viết về các sự kiện trắng – vô nghĩa nhợt nhạt mà là sự kiện có ý nghĩa, sự kiện bằng máu. Chính tại bản lề khốc liệt này mà người Ả Rập đã có châm ngôn đắt hơn máu: “Mực của học giả còn quý hơn máu kẻ tử đạo”. Phùng Văn Khai đã dấn ngòi bút của mình vào lĩnh vực “chiến trường và vòm cung” của lịch sử. Ở đó, tư duy của nhà văn buộc phải treo lơ lửng ở sát những chùm đèn pha lê được kéo đến chạm trần.

Cây nào sinh trái nấy. Tôi xin điểm xuyết qua tác giả Phùng Văn Khai một chút để chúng ta hình dung về con đường bút pháp của anh, cũng có nghĩa là cái tài viết tiểu thuyết lịch sử của anh không ngẫu nhiên mà có, mà nó có thật dựa trên một bản tính hay thể chất nào đó.

Phùng Văn Khai mới đầu là một người lính, xuất thân Kinh Bắc, có nghĩa là một người rất gần Thủ đô, sống trong cái nôi rất giàu dân ca, học vấn cũng như ý chí. Chúng ta biết những người ngồi thiền thì thường mặt hướng về phía Bắc, giống như kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc vậy. Là lính thì phải khỏe, từ tư duy đến hành động phải mạnh mẽ, khi gặp cái vóc người tròn lẳn của họ Phùng tôi cảm thấy anh ta lúc nào cũng hùng dũng như cối đá vậy, nếu để thẳng đứng nó đòi giã mọi thứ, nếu lật nghiêng nó sẵn sàng lăn đi làm mọi thứ như thóc phải nát bét rụng rời… Rồi Khai về làm văn chương ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bên trên tôi đã bàn: Muốn viết về các vương triều thì hiển nhiên phải mang tầm nhìn và sinh khí của vóc dáng quan quân. Họ Phùng đã sa vào đúng “cái chĩnh gạo” quan quyền đó. Trong làng văn và báo, người ta mặc định: Báo Nhân dân rồi sau là Tạp chí Văn nghệ Quân đội là hai tổ tham mưu cao cấp bậc nhất. Tôi đã gặp và trao đổi với nhiều nhà văn quân đội, thấy họ thường có nhã hứng bàn về chuyện cung đình cũng như tướng tá cao cấp. Chính thế mà tác giả Phùng Văn Khai đã chất chứa sẵn những nhãn quan ở tầm quốc sự. Kế đó họ Phùng cùng bà xã lăn xả vào làm sách kế hoạch ba, tức là tìm kiếm bản thảo, đọc, chọn, biên tập, in và phát hành sách, rồi sáng lập nhà sách Như Quỳnh… đó là cái mỏ mà Phùng Văn Khai đã đào xới rất nhiều, hút cạn kiệt ý nghĩa của từng con chữ… rồi những con chữ đó bùng nổ trong người Khai. Nhìn Khai lúc lúc nào cũng đang nóng phừng phừng, “sồn sồn” như phát điên. Những cơn tích bão điên đó mở màn cho thời “hoang tưởng mộng mơ” như lịch sử cũng như thời thơ ấu của con người, Khai lao vào các cuộc bè bạn văn chương chân lúc nào cũng liêu xiêu như lảng tránh và sợ hãi thực tại, lúc nào cũng muốn say và mơ; cùng thời kỳ mộng mơ là làm sách như điên… và rồi cũng thật bất ngờ, Khai giống con lật đật của Nga lúc nào cũng lắc tít lên để rồi lặng rơi vào tâm không khác gì bắt vít. Mới đây, Khai mời tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh đi ăn sáng. Khai tự lái xe con, đến sát cổng đỗ như kẻ chỉ, nhà văn Sương Nguyệt Minh có nhận xét nghiêm túc: “Có ai ngờ, nhà văn Phùng Văn Khai, mới đây lúc nào cũng say tít, mà giờ lại nghiêm chỉnh như vậy, lái xe con đàng hoàng, chỉnh chu từng milimét…”

Phùng Văn Khai tích quặng trong tố chất “thừa thãi”, háu đói, cũng như mặc cảm chữ nghĩa chưa thành, nên đã xổ tung ngòi bút viết tung tóe trong hai tác phẩm đầu tay là Hư thựcHồ đồ. Tuy hai tên mà như một thôi, vì hư thực rồi hồ đồ thì khác gì nhau?! Tôi đã đọc rất kỹ tiểu thuyết Hồ đồ, thấy chất liệu ngồn ngộn – vón cục – cảm xúc và lý trí vội vàng trộn lẫn nhau như đua nhau chảy ra khỏi ngòi bút không thì chúng thành những vỉa quặng đông đặc nổ tung lên mất. Nhưng may mắn thay, bỗng chúng êm đềm một cách bất ngờ, êm đềm như tác giả lúc nào cũng chân nam đá chân chiêu bỗng chốc chỉn chu mở khóa, đạp ga lái xe vào giữa cao tốc vậy.

Chính điểm này, là nút thắt cũng như sự chuyển mình của một tài năng. Tiểu thuyết lịch sử rất khó, không chỉ tầm nhìn trên cao của nó, mà đường xa như đường ray xe lửa chẳng hạn, rất cần cấu trúc. Đây là cái yếu của người Việt, vì người Việt chủ yếu sáng tác bằng cảm xúc, mấy câu thơ lèo tèo. Điều này đã được người Việt nhắc nhở truyền kiếp “có tích mới dịch nên trò”, thậm chí mỉa mai chua cay “kể chuyện ông huyện về quê/ có hai hòn dái lê thê dọc đường”. Nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Đình Thi thường nhắc đi nhắc lại trong sách của mình khi nhận xét các nhà văn Việt “bố cục yếu”… cái này chúng ta thấy rõ lắm ngay với các nhà văn nổi tiếng… cũng chỉ ấm ớ vài truyện ngắn, chạm vào tiểu thuyết mini đã rơi thẳng đứng?!

Lịch sử – History, theo nghĩa tiếng Tây, đồng nghĩa với với câu chuyện. Tiếng Pháp còn không phân biệt hai từ này là Histoire. Tác giả Phùng Văn Khai đã làm rất tốt bút pháp này. Lịch sử muốn không trả bài giấy trắng thì phải có câu chuyện (truyện). Và tác giả đã chọn cách chương hồi theo cách các tiểu thuyết của Trung Hoa nổi tiếng như Tam Quốc, Thủy Hử hay Tây du ký. Mỗi chương hồi là một truyện, vì thế tự nó dựng khung giàn cho nó, tự mỡ nó rán nó. Chẳng hạn trong Phùng Vương – Hồi thứ mười lăm:

“Phùng Trại chủ cưỡi hạc quy tiên

Phan tiên sinh gạt lệ định kế”;

Hay:

“Đất Đường Lâm, Phùng Hưng họp hai ban văn võ

Châu Vũ Định, chính bình điểm năm vạn hùng binh”;

Hoặc cuốn Nam Đế Vạn xuân:

“Đất Cửu Đức, lão tướng Phạm Tu đại phá quân Lâm Ấp

Thành Long Biên, quân sư Tinh thiều bàn kế đánh Đại Lương”;

Đó là bút pháp chương hồi, bút pháp này đảm bảo cho người đọc thấy, không có khúc nào nhạt nhẽo, thiếu nội dung, mà đoạn nào cũng có hạt nhân là câu chuyện.

Khung giàn cũng tức là khung xương, là cột kèo của một ngôi nhà, không có cột kèo này thì ngôi nhà không thể có hình thể – tức fóc-mê (form). Người Việt hiện đại vẫn nói “nhất dáng nhì da thứ ba đến mặt”. Cái đẹp của vóc dáng tức xương cốt – hình thể là cái đầu tiên. Nhưng không phải xương cốt, mà chính là da thịt mới va chạm với đời, tạo ra sự âu yếm đáng yêu của nó. Phùng Văn Khai cũng biết điều này, và cũng buộc phải giải quyết điều này nếu muốn trở thành một nhà văn lớn. Sử là biên niên sử, là những câu chuyện kể theo năm tháng, nhưng nếu nhà văn không có hư cấu và tưởng tượng thì cái câu chuyện ghi chép trong vài trang sử sao có thể biến thành một trường thiên tiểu thuyết?! Khi tôi đọc dòng mở đầu cuốn Nam đế vạn xuân, tôi gặp hồi thứ nhất: Rừng Hắc Lâm hổ vàng rơi giọt lệ/ Chùa Cổ Pháp thiền sư nhận học trò, một áng văn dẫn vào thật ngọt ngào quyến rũ, phảng phất huyền bí như một khu rừng cổ lôi kéo ta vào huyền thoại:

“Dưới chân con đường ngoằn ngoèo dẫn từ bìa rừng Hắc Lâm hướng về hương Cổ Pháp lúc chạng vạng chiều, sương khói mịt mù ảm đạm bay là là trên bờ cây ngọn cỏ càng khiến cảnh vật thêm vẻ thê lương. Trên nền trời xám xịt đang ngày càng ụp xuống sùm sụp, tiếng quạ kêu chiều chờn vờn hoang hoải…”

Bút pháp của Phùng Văn Khai có cả Cứng lẫn Mềm. Cứng như cấu trúc xương cốt chạy dọc từ đầu đến cuối tiểu thuyết. Mềm mại như da thịt ngọt ngào phơi ra vẻ quyến rũ của đời sống. Thật không phải vô tình anh đã giành được Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm Ngô Vương, giai đoạn 2016-2019.

Với các tác phẩm Phùng Văn Khai đã viết, tôi rất tin anh nằm trong tốp đầu viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam bên các cây bút anh chị như Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo… Rất mong như vậy khi tôi đã đưa ra quan điểm về bút pháp của anh, mong rằng nếu phê bình là đưa ra giá trị bên trong ra bên ngoài để bạn đọc đánh giá, thì tôi cũng đã làm được một thứ công tâm khả chấp nào đó. Cám ơn bạn đọc!

2/3/2022

N.H.Đ

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây