Tác giả Đỗ Xuân Đồng

Đỗ Xuân Đồng

ĐỖ XUÂN ĐỒNG

Sinh năm 1952. Sinh quán TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, thường trú 45 Lê Lợi, TP. Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Tham gia kháng chiến năm 1965, ra miền Bắc tháng 3/1969, học văn hóa tại trường học sinh miền Nam. Tháng 8/1974 đi du học tại Ba Lan, ngành kiến trúc xây dựng. Năm 1981 tốt nghiệp, làm việc tại Sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Năm 1982 về nước, công tác tại Quận đường sắt 2 Đà Nẵng, sau đó về làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1991 chuyển về công tác tại Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng. Năm 2005 công tác tại Văn phòng đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên. TÁC PHẨM: Giọt nắng (thơ), NXB Đà Nẵng, 1996. Lời của sóng (thơ), NXB Đà Nẵng, 1997. Bập bẹ (thơ thiếu nhi), NXB Đà Nẵng, 1999. Mầm đất (trường ca), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2006. Cây Dừng thiêng (tiểu thuyết), NXB Đà Nẵng, 2008, xuất bản lần 2: NXB Quân đội Nhân dân, 2008. Hạnh phúc của con cá rô đồng (tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2010. Cát trở dạ (trường ca), NXB Đà Nẵng, 2011. Hạt phù sinh (trường ca), NXB Văn học, 2011. Đau đáu trường xưa (trường ca), NXB Đà Nẵng, 2012. Uẩn khúc Truông Bò (tiểu thuyết), NXB Hội Nhà văn, 2012. Mùa quê (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2014. Dòng sông không yên tĩnh (tiểu thuyết), 2015. GIẢI THƯỞNG: Cát trở dạ (trường ca): Giải thưởng cuộc thi Văn học Nghệ thuật lần thứ Nhất (1998-2000) của UBND TP. Đà Nẵng. Cây Dừng thiêng (tiểu thuyết): Giải A, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2009; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm (2005-2010) của UBND TP. Đà Nẵng. Bập bẹ (thơ thiếu nhi): Giải thưởng của NXB Đà Nẵng, 1999.

 

DÒNG SÔNG KHÔNG YÊN TĨNH
(Trích tiểu thuyết)

Tôi chợt nhớ lại lần gặp Trường Giang trên chuyến bay từ Hà Nội vô Đà Nẵng vào một chiều thứ Bảy. Ngồi cùng hàng ghế, hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi nói nhiều chuyện với nhau về cuộc đời, về nhân tình, thế thái. Tuy câu chuyện qua đường, nhưng linh cảm nghề nghiệp cho tôi biết, anh là một người có nhiều điều u uẩn, khúc mắc trong cuộc đời. Và có lẽ anh cũng cảm nhận ra, tôi là “tay chơi được”, hợp gu nên sau bữa đó, chúng tôi hay hẹn gặp nhau vào những sáng thứ Bảy hoặc Chủ nhật ở quán cà phê Con Vịt Giời bên bờ Hàn Giang thơ mộng. Và cứ thế, chúng tôi thân nhau. Thân lắm. Đàn ông mà nói “thân lắm” thì biết ở mức độ nào rồi.
Và tôi đã ghi lại câu chuyện anh kể cho tôi nghe về cuộc đời và gia đình của anh cũng như những người anh thân thiết, hoặc có liên quan mà các bạn đang đọc đây.
Tuy vậy, tôi cảm thấy còn thiêu thiếu một cái gì đó mà tôi chưa nhận ra. Một người như Trường Giang, đẹp trai, lại văn hay, chữ tốt, học giỏi và đặc biệt rất nhạy bén, nhạy cảm với mọi “thời tiết” đổi thay của cuộc sống, của cuộc đời này thì không thể…không đa tình. Nó vẫn còn nằm trong góc khuất bí ẩn. Mình cần tìm hiểu. Nhưng phải hết sức tinh tế.
Ngay từ lần đầu gặp anh, anh để lại trong tôi một ấn tượng khá là sâu sắc. Đó là nụ cười rất tươi, vừa sâu kín vừa xởi lởi. Môi đỏ như con gái. Đôi mắt sáng, ẩn nét đa tình. Dáng người dong dỏng, hơi cao. Da trắng vừa. Tóc dài phủ tai, chẻ đôi bốn sáu. Ăn vận đúng mốt. Nhưng không cầu kỳ. Có dáng vẻ nghệ sĩ. Theo nhân tướng học thì tạng người này rất đa tài, cả hai lĩnh vực: tự nhiên và xã hội. Và có thể lĩnh vực xã hội trội hơn. Nghĩa là sống rất nội tâm và cái mảng tình yêu rất chi là phong phú. Một người như vậy, không thể thờ ơ, hững hờ với “phái đẹp”. Rồi biết đâu, qua câu chuyện tình, lại còn kéo theo bao nhiêu là chuyện khác nữa. Thế thì tại sao mình không khai thác, tìm hiểu “mảnh đất tình yêu” của anh ta nhỉ? Chắc nó cũng rất màu mỡ phù sa và nhiều éo le, gay cấn?
Nghĩ vậy, nên tôi quyết định gọi điện thoại mời anh đi lai rai một chầu để có điều kiện và thời gian tìm hiểu thêm cái mảnh đất màu mỡ này của anh. Nhưng phải hết sức kín đáo, tế nhị, khôn khéo. Người ta thường nói: Khi tửu vào thì lời ra. Hay Nam vô tửu như kỳ vô phong, mà đề tài về tình yêu là muôn thuở hấp dẫn. Dễ ra và ra nhiều nhất trong bàn nhậu. Tất nhiên cuộc gặp này không nên có người thứ ba. Lại phải tìm địa điểm và chỗ ngồi thích hợp nữa. Hội An rất có lý. Thị xã cổ kính này, quán nhậu không nhiều nên rất yên tĩnh, thích hợp cho những cuộc tâm tình, hàn huyên, đàm đạo. Sau khi lướt qua một số điểm, tôi quyết định mời anh đến Tiên Nữ Quán bên bờ Nam Hoài Giang, tuy phải đi xa một chút. Nhưng bù lại, dong xe máy dọc bờ biển Đà Nẵng để đến điểm hẹn là một thú vui êm ái, thanh thản không gì bằng. Ngắm nhìn Đà Nẵng từng ngày thay da đổi thịt sau những năm “lấy quỹ đất đổi hạ tầng”, tôi nghĩ được nhiều, nhưng cũng tiêng tiếc. Giá như ai đó có tầm nhìn quy hoạch không gian xa hơn, rộng hơn thì bãi biển này còn đẹp tuyệt vời hơn nữa chứ chẳng chơi.
Buổi chiều ngồi ở quán Hoài Giang này nhìn ra dòng sông êm đềm, tĩnh lặng, nhìn qua phố cổ lô nhô những mái ngói rêu phong mới thấy là tuyệt diệu. Màn sương lãng đãng bay là đà trên mặt sông lồng ánh chiều tà tạo nên khung cảnh thật mơ màng huyền bí. Rồi hoàng hôn từ từ buông xuống làm ửng hồng những vầng mây đang lững lờ sau những ngôi nhà cổ kính ấy, gợi nhớ một thời nơi đây ghe thuyền nhộn nhịp, tấp nập ra vào của các hãng buôn phương Tây, Tàu, Nhật, Ấn, Nam Dương. Và có lẽ, tuyệt chiêu nhất là khi màn đêm buông xuống, nhàn nhạt ánh trăng rằm, trên mặt sông lung linh, lấp lánh hàng ngàn chùm hoa đăng nhè nhẹ trôi ra biển. Dọc các phố cổ rực rỡ ánh đèn lồng. Người người thong dong thả bộ. Đó là lúc sức sống về đêm của thị xã này. Nó đang bừng dậy.
Trời ạ! Tôi không phải thi nhân mà sao thấy lòng cứ rào rạo, lâng lâng, nửa say, nửa tỉnh khi nói về cái thị xã cổ kính bên bờ biển thân yêu này. Nơi đây cũng là cửa phía bắc – Cửa Đại của dòng Trường Giang yêu quý, thân thương của nhân vật mà tôi đang kể chuyện với các bạn đây.
Tôi đến điểm hẹn sớm hơn năm phút. Ngồi thủng thỉnh đọc lướt mấy tờ báo chờ anh, tôi cảm thấy lòng thư thả. Mặt sông ánh lên màu bạc loang loáng. Vài con thuyền đang lướt nhẹ trên sông, rồi len lỏi đưa du khách vào sâu trong rừng dừa nước Thuận Tình. Với khung cảnh nên thơ này, không ai lại không dễ mềm lòng.
– Sao? Có gì vui mà gọi nhau vậy? – Anh ta mở màn thay cho lời chào khi tôi đứng lên bắt tay anh.
– Có chứ! – Tôi nói.
– Chuyện chi rứa? – Anh hỏi.
– Tôi vừa được kết nạp… – Tôi cố tình bỏ lửng.
– Vào đảng phái nào hả? – Anh hỏi đùa, vì anh biết tôi là dân Cộng sản nòi.
– Không! Anh đoán thử xem. – Tôi nói.
– Đảng phái không thì hội hè gì đó? Thời buổi bây giờ, hội hè nở rộ như nắng hạn gặp mưa rào mà. – Anh đoán.
– Giỏi! Đúng đấy! Hội Nhà văn thành phố. – Tôi cười.
– Hội viên Nhà văn thành phố? Chu cha. Tôi tưởng ông vào lâu rồi chớ?
– Nộp đơn lâu rồi. Tác phẩm in cũng kha khá. Giải cũng vài cái. Nhưng “chuyện tình trắc trở” nên bị chậm.
– Sao lại “chuyện tình trắc trở”? – Anh hỏi.
– Thôi! Uống đi. Dzô một cái nói mới thiêng. – Tôi mời anh.
Sau vài ly sương sương, tôi bắt đầu nói vòng vo, bắt quàng đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Những mối tình nổi tiếng kiểu như Napoleon, Puskin… Rồi cố tình đá qua chuyện tôi đã yêu nhiều em xinh xắn ở trong và ngoài nước, vì trước đây tôi cũng du học nước ngoài. Nhưng ở một nước xã hội chủ nghĩa, không phải nước tư bản như anh. Anh nheo nheo đôi mắt, mỉm cười nhìn tôi có vẻ “hợp gu”.
– Ông yêu nhiều thế à? Cũng ghê đấy chứ! – Anh lại tủm tỉm cười.
– Thì họ thương mình, mình thương lại. Không thì có tội đó. – Tôi bỡn cợt.
– Huớ trời! Nếu thế thì tôi nhiều “tội” lắm.
– Thiệt hả? Tội ngược hay tội xuôi? – Tôi hỏi kháy.
Anh cười. Nói rất thật lòng:
– Ông biết rồi! Mẹ tôi luôn dặn…
– Đành vậy! Nhưng dù sao… anh cũng… – Tôi gợi ý.
– Tất nhiên mình cũng phiên phiến chút đỉnh… Nhưng muộn. – Anh bộc bạch.
Phải thế chứ lị. Tôi tin chắc, cứ theo đà này, thế nào anh cũng sè sẹ xổ ra thôi. Đàn ông với nhau mà. Lại đã thân thiết, tin tưởng nhau lắm rồi. Tôi cố ý giữ vẻ bình thường, nửa không quan tâm, nửa có để không bị đứt mạch về chuyện tình cảm của anh. Lại cụng vài ly nữa. Nhìn trời, nhìn đất, tôi ngâm nga một đoạn bài hát của Pháp thì phải: Tình cho không biếu không. Chớ nên buôn bán với tình yêu…Anh vỗ tay cười rất tươi. Có lẽ đúng tâm trạng của anh chăng? Khi đã hơi ngà ngà hơi men, anh nói:
– Tôi phải gọi ông bằng cụ đấy. – Anh lại tủm tỉm.
– Không dám! Đàn ông chưa vợ thì… – Tôi bỏ lửng.
– Thì tự do, thoải mái, chứ gì? Được thôi. Tôi hoàn toàn ủng hộ tư tưởng tự do! Không gì quý hơn tự do mà! Có điều đừng thái quá, đừng để lại hậu quả và làm hại người khác mới là ngon, mới là sành điệu, ông ạ.
Nói xong, anh bắt đầu kể. Tôi không nhớ hết. Với lại, khi kể xong, anh bảo:
– Nếu có viết gì đó thì ông cứ tự do hư cấu, phóng đại cho thoải mái bút lực, theo sự tưởng tượng bay bổng của nhà văn các ông. Chuyện này tôi không dám bàn.
– Vâng, tôi xin lĩnh hội ý kiến “chỉ đạo” của anh.
Tôi sướng rơn. Nó như thế này…

*

Một chiều đầu thu năm 1974 tại Hoa Kỳ.
Trời hơi se se lạnh. Cái không khí mùa thu ở bên này gần giống như ở châu Âu. Nắng vàng rực rỡ. Cây cối thay màu từ xanh sang vàng, đỏ, tím biếc. Thật thơ mộng. Trên chuyến bay từ New York về Sài Gòn đông chật hành khách. Đa số là người châu Âu, châu Phi, một số châu Á. Ngồi bên cạnh Trường Giang là một cô gái trẻ, mặc áo dài hở cổ, kiểu Lệ Xuân, màu hồng phấn có điểm xuyết những bông hoa vàng mờ ảo. Anh nghĩ, chắc chắn cô gái này là người Việt. Trông thật xinh đẹp. Xinh đẹp đến ngẩn ngơ. Anh chưa từng thấy bao giờ. Lại thoang thoảng mùi hương tự nhiên, không phải mùi nước hoa cao cấp. Anh lại nghĩ, có lẽ đó là mùi hương gái Việt trinh trắng chăng?
Có trời biết. Anh thầm cười về cái ý nghĩ ngô nghê, ngồ ngộ ấy của mình.
Ngay từ những giây phút đầu, khi vừa mới ngồi xuống ghế, anh đã lấm lét đưa mắt nhìn sang cô gái. Không hiểu tại sao, anh đã cảm thấy lòng bồi hồi, rạo rực, xao xuyến. Tim đập rộn tưng. Lâu nay ở xứ người, anh đâu có được gặp cô gái Việt nào cho cam. Toàn Tây trắng, đen, nâu, đỏ. Thi thoảng có vài cô gái châu Á như Nhật, Hàn, Tàu, Thái, Sing… Cũng đẹp dữ. Đẹp hung lắm ấy chứ. Nhưng nét đẹp của gái Việt vẫn quyến rũ dữ dội, tàn bạo hơn nhiều đối với anh. Theo anh, nếu có bao nhiêu mỹ từ hay nhất để ca ngợi vẻ đẹp của gái Việt thì anh cũng thấy chưa ưng ý và thỏa mãn. Mềm mại, nhu mì, duyên dáng, dịu dàng, đoan trang, yểu điệu, tha thướt… lại kín đáo một cách khêu gợi đến là khó hiểu. Không như gái Âu hay gái Mễ Tây Cơ – luôn hừng hực, nóng bỏng. Sự dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện thường bung xả đến tối đa. Khó kìm lại được. Như Cá rô tháng Bảy, ức nước nhảy đập vậy.
Nghe anh miêu tả, tôi thấy cũng là lạ. Rất lạ là đằng khác. Hay mình chưa biết hoặc chưa có trình độ cảm thụ cái đẹp? Hay cảm thụ chưa hết cái đẹp tiềm ẩn tiềm tàng của các cô gái Việt mình đây nhỉ? Nhưng chắc chắn một điều rằng, khi sự dồn nén hoặc bị dồn nén lâu ngày thì tất nhiên có sự khác biệt với trường hợp bình thường! Và càng khác biệt rất xa với sự bung xả thường xuyên của những người có tính phóng túng, lãng đãng, hay “lửng lơ con cá vàng” như tôi chẳng hạn.
Cô gái nhận biết ngay cái nhìn “lấm lét” ấy. Dù không nhìn “đáp lễ”, cô gái vẫn “bật tường” sang một nụ cười mỉm chi. Chà, duyên dáng lộ ra một cái răng khểnh. Nét mặt có vẻ khiêu khích. Hơi kiêu. Chả trách. Con gái đẹp, thường vậy. Nụ cười mỉm chi như muốn hỏi: “Anh nhìn tôi à? Cứ nhìn thẳng đi chứ! Con trai gì mà rụt rè thế kia?”. Anh hơi lúng túng. Đành nhìn ra cửa sổ máy bay. Thực ra, anh đang suy nghĩ cách bắt chuyện sao cho thật tự nhiên mà gây được ấn tượng với nàng. Anh biết, là con trai, dù ở phương Đông hay phương Tây, dù văn minh hay mông muội, chuyện làm quen hay có ý “cưa cẩm” thì phải dũng cảm “nổ súng trước”. Đó mới đích thực là nam nhi. Nhưng nổ như thế nào đây? Thôi thì cứ chân phương như lão nông chân đất đi cày ruộng vậy. Thử sức xem sao. Biết đâu đấy! Có mất chi của mình đâu mà e với ngại.
– Xin lỗi, em về Việt Nam hay đi du lịch ở nước châu Á nào? – Anh quyết định “bóp cò”. Tuy không văn vẻ. Chẳng ấn tượng gì. Nhưng có tính gợi mở, tôn trọng, đánh giá cao người “bị hỏi” ở cái vế sau.
Cô gái cũng nhận biết ngay câu hỏi khá là “sang trọng”, kín đáo, rất khéo “nịnh đầm” của anh “hàng xóm” ngẫu nhiên. Lúc này, khi nghe anh hỏi, cô gái mới quay sang nhìn trực diện vào mắt anh. Bị hớp hồn luôn, nhưng anh cố giữ vẻ tự nhiên. Cũng với vẻ khiêu khích, cô gái không trả lời thẳng vào câu hỏi. Lại hỏi anh một cách gọn lỏn kèm theo nụ cười mỉm chi như cố ý gây “ấn tượng”:
– Xin lỗi, còn anh?
– Anh về Việt Nam. Nhà ở Sài Gòn. – Anh trả lời thực thà như lão nông lên phố.
– Thế, ta cùng điểm đến rồi! – Cô gái trả lời và mỉm cười thật khó hiểu.
“Một câu trả lời thông minh, thâm thúy, sâu sắc, kín đáo mà lại rất mở. Thật là ấn tượng. Sau câu trả lời lại một nụ cười mỉm chi nữa. Lộ ra cái răng khểnh “mê hồn” cũng rất chi là ấn tượng”. Anh nghĩ vậy. Nhưng nụ cười mỉm chi lần này nhìn rất dễ thương, dễ cảm mến, ẩn một tình ý mơ hồ, không thể nào nhận ra được bằng mắt. Lại không ra vẻ kênh kiệu, khiêu khích như trước nữa. Anh quyết định vào thân bài. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời nên cũng có chút hồi hộp:
– Thế thì tuyệt quá! Chúng mình “cùng điểm đến” đấy nhé! Xin lỗi, anh xin tự giới thiệu, anh là Trường Giang…
– Dạ, em là Mỹ Hằng.
– Ôi! Vầng trăng đẹp! Tên em hay quá và ý nghĩa lắm. – Anh cười rất tươi.
– Hưm… Nghe anh nói, bây giờ em mới hiểu hết, hiểu rõ ý nghĩa tên của mình đấy. – Cô nàng nguýt một cái, tinh nghịch nhìn anh với nụ cười mỉm chi.
Nghe nàng nói, anh càng thêm hưng phấn. Lòng lâng lâng. Bị thôi miên rồi. Chính xác hơn, ngay từ lúc Mỹ Hằng quay sang nhìn anh trực diện kia. Còn bây giờ thì đứng tim luôn. Hai má lúm đồng tiền. Một nốt ruồi nho nhỏ ở gần dưới cằm bên phải. Cái răng khểnh bên trái. Chỉ khi cô gái cười mới lộ ra. Đôi môi quả tim tươi hồng. Đôi mày lá liễu trên đôi mắt lá răm mơ màng như đang ẩn chứa bao ước mơ, khát vọng, không thể nào hiểu nổi. Tuyệt. Tuyệt mỹ giai nhân. Từ trước đến giờ, anh chưa từng được gặp một người con gái có nét đẹp mê hồn như thế này. Một thoáng ngẩn ngơ. Rồi bần thần như vừa được ai đó đánh thức. Trí nhớ anh vụt hiện lên bao hình ảnh cách đây hơn mười mấy năm về trước ở cái thị xã tỉnh lẻ nghèo xác xơ ngoài miền Trung ấy. Này nhé! Má lúm đồng tiền. Nốt ruồi cằm. Răng khểnh. Nước da trắng mịn màng. Nụ cười luôn tươi tắn trên môi của cô bé lên tám tuổi. Lúc đó anh mới mười tuổi. Học nhảy cóc một năm nên mới mười tuổi đã vào học lớp đệ Thất đấy. Nhờ dáng người cao, bụ bẫm, nên trông cậu bé lúc ấy rất chững chạc. Lại ăn nói lễ phép, đàng hoàng. Đi dạy kèm kiếm tiền đỡ mẹ phần nào.
– Chắc ba mẹ ra đón em chứ?
– Mẹ em ra đón. Ba em…đã mất lâu rồi. Còn anh?
– Anh cũng vậy. Mẹ ra đón. Ba anh cũng đã…mất.
– Ôi! Sao lại có sự trùng hợp lạ thế nhỉ?! – Cô gái cười hồn nhiên. Định hỏi tiếp về hoàn cảnh gia đình anh. Nhưng cảm thấy chưa phải lúc. Chàng trai cũng cùng suy nghĩ ấy. Hai người im lặng. Hình như trong sâu thẳm lòng mình, hai người đang cố vắt óc để nhớ lại cái thời điểm đã qua, xa lắc, xa lơ ấy. Cô tiếp viên hàng không mang nước uống đến. Chộp thời cơ, anh cầm chai nước:
– Em uống nước nhé! Anh mở nắp nghe?
– Cảm ơn anh! – Nụ cười mỉm chi lại xuất hiện. – Anh về nghỉ hè à?
– Không! Anh học xong rồi. Về luôn. Còn em?
– Em về nghỉ hè. Mới học năm thứ hai. Nhớ nhà quá, anh ạ.
Hai người xuống máy bay.
Trời Sài Gòn trong xanh, không một gợn mây. Phi trường chói nắng. Dăm bảy chiếc máy bay dân sự của các hãng hàng không quốc tế. Còn lại, toàn máy bay quân sự đủ loại, nhiều quá. Không đếm xuể. Hạ cánh, cất cánh ầm ĩ. Hình như sân bay được mở rộng thêm. Nhiều mái vòm bằng bê tông. Trong mỗi mái vòm lấp ló một chiếc oanh tạc cơ sơn màu xanh rằn ri. Các sắc lính Sài Gòn đi lại tất bật. Không thấy có lính Mỹ như hồi cách đây ba, bốn năm về trước. Hồi đó, nhiều ngợp luôn. Nhưng không khí chiến tranh thì không khác chút nào. Mà có vẻ còn găng hơn là khác. Anh nghĩ, đã có một sự thay đổi lớn. Cuộc chiến đã chuyển màu. Anh thường nghe nói và đọc trên báo chí rằng, cuộc chiến ở Việt Nam đã được “thay màu da trên xác chết”. Bây giờ, chỉ người Việt đánh với nhau thôi. Thỉnh thoảng anh cũng thấy dăm bảy ông cố vấn Mỹ đi lại nghênh ngang trên sân bay. Hình như họ chỉ làm công việc kỹ thuật ở sân bay. Không thấy người nào mang súng ống, vũ khí. Nét mặt họ tươi hơn, không đăm chiêu hay dữ dằn như ba, bốn năm về trước.
Trong thời gian chờ nhận hành lý, Trường Giang thoáng nghĩ, có lẽ khi phải rút quân về nước, chắc người Mỹ tin và hy vọng rằng, quân lực Việt Nam Cộng hòa được mình đào tạo bài bản, cộng với vũ khí tối tân của mình cung cấp, chắc sẽ đứng vững trên chiến trường. Họ quên một điều, hoặc có thể họ biết đấy, nhưng không tài nào lần mò ra được rằng, Việt Cộng đã, đang và luôn luôn sẵn có trong người một thứ vũ khí còn tối tân hơn gấp vạn lần vũ khí Mỹ. Đó là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vô bờ bến; ý chí quyết chiến, quyết thắng, đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm bằng mọi giá, như mình đây chẳng hạn.
Vâng! Khi một dân tộc được trang bị thứ vũ khí tinh thần, ý chí này thì tự thân dân tộc đó sẽ đẻ ra, nảy sinh ra nhiều sáng kiến, nhiều sáng tạo để đánh giặc mà kẻ thù không thể ngờ tới, không thể lường hết được. Thử hỏi: Có dân tộc nào trên thế giới này sản sinh ra một danh tướng đã “hịch” với quân sĩ mình, rằng: Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…, để rồi dân tộc đó đã anh dũng đánh tan một đạo quân hùng mạnh nhất Á – Âu vào thế kỷ 13? Trường Giang thầm nghĩ.
Nhận xong hành lý. Hai người gần như sánh bước bên nhau đi ra cửa sảnh đón. Thời gian bên nàng không còn nhiều. Anh nghĩ, phải hẹn nàng bữa khác vậy, không thì mất cơ hội tái ngộ thì tiếc lắm. Thời cơ, thời điểm này là số một đây. Phải chớp ngay. Cái tính nhạy bén, nhạy cảm của anh tự dưng xuất hiện như trời phú cho vậy. Không chần chừ được nữa, anh liền lên tiếng:
– Xin lỗi, khi nào em rảnh, anh mời em đi uống cà phê nhé. Được không?
– Ok. Sợ anh quên thôi. – Nàng đãi giọng, có vẻ nghi ngờ.
– Làm sao quên được! Không bao giờ! – Anh cười và khẳng định.
– Chắc nhé! – Nàng nói khẽ. Như chỉ để mình anh nghe.
Hai người ghi và trao địa chỉ cho nhau. Đôi mắt nàng lúng liếng, tinh nghịch. Nụ cười mỉm chi nở duyên dáng trên đôi môi hồng, lặn vào tim anh êm ái. Nụ cười tình ý, bẽn lẽn, e lệ theo anh từ giây phút này.
– Bye, bye…! Tạm biệt Mỹ Hằng! Hẹn gặp lại nhé! – Anh nói khi bước lên xe.
– Bye! Nàng tinh nghịch đưa tay vào môi, giơ về phía anh với nụ cười rất tươi.
Cử chỉ này của nàng như một tia chớp lóe lên, cháy rực trong tim anh. Và ngay tức thì, anh nghe như có tiếng sét đánh. Một cảm giác xốn xang, xao động như có hàng ngàn con sóng đang ào ào xô đến trong lòng. Rồi dịu êm, tĩnh lặng, ngọt ngào. Có phải không, đây là tín hiệu vui? Dù sao, lòng anh cũng tràn trề hy vọng. Tự nhiên, anh mong mau đến ngày gặp lại nàng. Chưa bao giờ anh có cái cảm giác lạ lùng như thế này.
Từ ngày gặp Mỹ Hằng trên chuyến bay về nước, Trường Giang sống trong tâm trạng thẫn thờ, cứ ngờ ngợ nghĩ suy, không biết mình đã gặp nàng ở đâu đó rồi. Có phải cô bé ngày xưa? Từ hồi còn học đệ Thất ở quê không nhỉ? Cũng tên Mỹ Hằng.
Anh cố nhớ lại…
Hơn mười năm rồi còn gì. Từ trẻ con thành người lớn thiếu nữ là một sự thay đổi vóc dáng, tính tình ghê lắm. Người cao to lên nè. Ngực căng tròn nè. Làn tóc dài chấm vai nè. Dáng thướt tha, yểu điệu thục nữ nè… Làm sao nhận ra được? Mà có chắc nụi đi chăng nữa, mình cũng phải thử kiểm tra lại xem sao. Không đúng thì thôi. Cười huề. Có mất gì đâu nhỉ! Còn nếu đúng thì càng thêm phần tình cảm thân thương, gần gũi. Cứ xáp vô, rồi hậu xét. Anh chỉ nghĩ vậy. Không dám mơ gì thêm. Không dám vòi gì thêm. Anh đã nhớ lại rồi…
Hồi đó, nhờ học giỏi nên anh được ba mẹ cô bé mời về dạy kèm tất cả các môn cô bé học. Nào Toán, Tập làm văn, Tập đọc, Công dân giáo dục… Cô bé là con của một đại úy quân đội Sài Gòn rất quyền thế. Ông ta chết trận ở Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Sau cái chết của cha, cả gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tốt nghiệp lớp 12 (lúc này không còn gọi là đệ Nhất nữa), Mỹ Hằng được gia đình gởi sang học ở Mỹ theo diện tự túc.
Mấy ngày liền, hình ảnh Mỹ Hằng cứ hiện lên trong đầu anh. Cái nốt ruồi nhỏ ở ngay dưới chỗ lúm đồng tiền. Cái răng khểnh đáng yêu. Nụ cười mỉm chi tinh nghịch. Đôi mắt tròn bồ câu luôn nhìn anh thiện cảm… Càng nhớ, anh càng chắc mẩm trong lòng: Nàng là cô bé ngày xưa đấy. Không thể nhầm lẫn được. Lúc nào cô bé không hiểu bài, đôi mắt cứ ngơ ngác, ngồi thừ mặt ra. Anh lại nhắc:
– Làm bài đi chứ!
– Trường Giang là dòng sông rất chi là… – Cô bé chọc anh.
– Nói nhảm nhí chi đó?
– Dạ, mà anh không bày, làm sao em làm được. – Cô bé nũng nịu.
– Bày lại đây nghe! Chú ý vào…
– Mẹ em về kìa. Chắc có kẹo. Anh ăn với em nghe!
– Kẹo gì thế?
– Mè xửng Huế. Ngon lắm. Anh ăn đi. Anh không ăn, em không học đâu.
Lần đầu tiên Trường Giang nhìn thấy và được ăn loại kẹo “hảo hạng” này. Dẻo. Thơm. Ngọt. Ngon đáo để. Hôm đó, cô bé tinh nghịch bảo với anh:
– Từ nay anh em mình gọi kẹo này là kẹo “mừng xẻ” nghe. Nghĩa là, mình có điều chi “mừng” thì cùng chia “xẻ”. Còn nói lái lại là mè xửng. Được không?
– Ừ!… Hay đấy! Thông minh lắm.
Cô bé thích thú với cái sáng ý của mình và được anh khen nên cười ngặt nghẽo.
Trước hôm gặp lại Mỹ Hằng như đã hẹn – kể từ sau bữa chia tay ở sân bay – anh nhờ mẹ đi tìm mua loại kẹo ấy. Mẹ tìm khắp các tiệm bánh trong thành phố. Thật buồn. Chẳng thể nào bói ra loại kẹo theo cách anh miêu tả. Đành mua về đủ các loại kẹo mè xửng. Mẹ cũng chẳng biết ý đồ của anh. Mẹ chỉ nghĩ đơn giản, lâu ngày không được ăn loại kẹo này, nó nhớ. Thế thôi. Anh săm soi cả buổi để tìm lại dáng kẹo mè xửng Huế năm xưa.
– Đây rồi! – Anh reo lên. Mẹ nghe, không hiểu, hỏi con trai:
– Con nói “đây rồi” là sao?
– Dạ, loại kẹo con thích nhất đó mẹ. – Anh thầm cười trong bụng.
Một tệp đầy ắp kỷ niệm ùa về kèm theo dáng cô bé năm xưa, xa lắc.
Đúng ngày, giờ hẹn, hai người gần như cùng lúc đến trước quán cà phê My Love. Tiếng nhạc du dương, êm dịu của bài hát Love story như mời gọi đôi trai gái. Họ tìm chỗ ngồi kín đáo, nhìn ra sông Sài Gòn. Người ta thấy hai mái đầu gần như chụm lại. Anh giả vờ như vô tình đặt gói kẹo lên bàn để xem Mỹ Hằng có phản ứng gì không và như thế nào. Huầy, nàng nói như reo lên:
– Anh mua thứ này ở đâu dzậy? Mấy hôm nay em đi tìm khắp các phố mà không thấy. Kẹo “cưng” của em đó. Chuyến này về, nhất định em sẽ mang sang Mỹ nhiều nhiều để dùng và làm quà cho bọn bạn em.
Thôi, đúng cô bé rồi! Có nên nhắc lại chuyện xưa không nhỉ?
– Anh còn “yêu” nó nữa đấy! Kẹo “mừng xẻ” Huế phải không?
– Hả? Anh nói gì đấy? Nói lại nghe! – Cô gái mở to đôi mắt, lấy tay che miệng đang há hốc, tỏ ra hết sức ngạc nhiên, hỏi anh.
– Kẹo “mừng xẻ” ngày xưa đó! Đúng không?!
Đôi mắt nàng sáng lên sung sướng như vừa phát hiện ra một điều mà từ lâu nàng hằng mơ thấy trong giấc ngủ và khao khát, ước mong trong vu vơ, hư ảo. Lòng nàng bỗng rộn lên, tràn về bao kỷ niệm thân thương, thơ ngây, trong trắng ngày nào. Nàng ôm chầm lấy anh rất tự nhiên, vồn vã, không giữ ý tứ. Một mùi hương thánh thiện mang tên “trinh trắng” phả vào người anh ấm áp, nồng nàn, ngất ngây, ngây ngất đến lạ! Bốn mắt nhìn nhau không chớp. Họ sà vào nhau như hai hành tinh ngoài vũ trụ va vào nhau vậy. Hơn cả sét đánh. Không còn gì để nói. Đúng hơn, không cần gì phải nói nữa. Trước mắt họ lúc này là khung cảnh ảo huyền ở trên vườn Địa đàng. Họ đang lơ lửng, bồng bềnh như trong trạng thái mất trọng lượng. Và…một nụ hôn đầu đời nồng cháy, êm ái đến đê mê. Trong đời, chưa bao giờ anh có cái cảm giác tuyệt vời như thế này. Còn nàng thì mê mẩn, mặt ửng hồng, toàn thân lâng lâng như đang bay lững lờ trên những tầng mây với muôn sắc màu rực rỡ.
– I love you! – Chàng khẽ nói.
– I love you too! – Nàng thổn thức trong hơi thở gấp.
Người ta như nghe được tiếng đập thình thình, rộn ràng, loạn nhịp của đôi tim đang cộng hưởng hạnh phúc đầu đời. Cùng với hiện tại tròn trịa đến bất ngờ này, những kỷ niệm êm đềm của những ngày thơ bé lại ùa về, ào đến ôm chặt lấy đôi tim non trẻ. Tiếng gọi của tình yêu đang ngân lên, ngân lên da diết. Lý trí đã bay đi đâu mất rồi. Chỉ còn lại trái tim thôi. Sau nụ hôn nồng cháy, đôi tình nhân nhìn vào mắt nhau âu yếm, đắm đuối. Họ chẳng cần biết những gì đang xảy ra chung quanh mình. Có lẽ lúc này, cả thế giới đối với họ không còn ý nghĩa nữa. Nhưng có lẽ, cái thị xã nhỏ bé – nơi họ được sinh ra, lớn lên và tung cánh bay đi – luôn âm ỉ hiện về cháy bỏng và ngọt ngào trong lòng họ. Cái thị xã mà có người giải thích rất có lý, có tình về địa danh Tam Kỳ rằng: Cái kỳ thứ nhất là nơi đây đường phố chỉ có ngã ba. Cái kỳ thứ hai là nằm chính giữa hai kỳ: Bắc kỳ và Nam kỳ, vẫn còn cây cột mốc bằng bê tông do Pháp dựng lên tại ngã ba Nam Ngãi. Cái kỳ thứ ba là giao thủy của hai con sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ vùng nước lợ, chẻ hai. Nó tạo ra cái cháng ba nước luôn đầy ắp quanh năm trước khi đổ ra hợp lưu với dòng Trường Giang phía dưới biển.
Nơi ấy, một con đường cái lớn, duy nhất được thảm nhựa chạy xuyên qua thị xã. Còn lại là đường đất cấp phối nhỏ hẹp, không có vỉa hè, trông nhếch nhác, thê thảm. Bụi tung mù trời khi có chiếc xe ô tô chạy qua. Những ngôi nhà ngói thấp, xen kẽ vài tòa nhà hai, ba tầng của những hiệu buôn.
Nơi ấy là ngôi nhà xinh xắn trông như biệt thự của ba mẹ Mỹ Hằng nằm trên đường Trần Dư, khuất sau những lùm cây lê ki ma.
Nơi ấy là nổng cát trắng vàng, phía dưới thị xã. Nó trải dài, chạy dọc theo sông Trường Giang, hoang vắng, không một bóng cây, trông như sa mạc.
Nơi ấy là ngôi làng quê anh rợp bóng tre xanh, nằm bên hữu ngạn dòng Trường Giang yên ả. Là làng biển quê mẹ bên kia sông, đêm ngày nghe sóng vỗ ầm ào và tiếng phi lao xạc xào suốt hai mùa mưa nắng.
Nơi ấy – phía trên thị xã là một vùng núi non trùng trùng điệp điệp, “rừng thiêng, nước độc”. Rất bí ẩn đối với người dân vùng biển.
Nơi ấy – ở cuối thị xã có một nhà thờ Thiên Chúa. Vào thứ Bảy, Chủ nhật hai mẹ con anh thường xuyên đến đó làm lễ, nghe Cha cố giảng đạo.
Tình yêu đã đến với họ tự nhiên như thế đấy. Không ai biết, kể cả mẹ anh.
Mối tình đầu được ươm từ những ngày xa lắc với bao kỷ niệm êm đềm, thắm thiết, sâu nặng vô cùng. Và hôm nay, Sài Gòn tự dưng như đẹp hẳn lên, đẹp thêm ra. Với họ, con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi thân quen đến từng viên gạch trên vỉa hè. Quán cà phê My Love và quán kem New Zealand là điểm hẹn cuối tuần của đôi tình nhân. Thế mà đã gần hết kỳ nghỉ hè rồi. Nhanh quá. Mỹ Hằng phải qua lại Mỹ để tiếp tục học. Đành xa anh. Đành xa em. Đành xa nhau. Buồn nẫu ruột, nẫu lòng. Đâu đây văng vẳng bài tình ca buồn ủy mị Đừng xa em đêm nay ở một quán bar vọng đến. Đêm đang xuống. Ngày mai phải đành giã biệt nhau rồi.
– Qua bển nhớ viết thư về cho anh nhé!
– Không thì sao?
Chà, câu trả lời có vẻ gây gổ, bướng bỉnh quá hì. Anh cũng nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ nhắc lại kỷ niệm xưa:
– Thì… “Anh ăn kẹo đi. Anh không ăn em không học đâu”, chứ sao!
– Nhớ dữ thế ta! Thông minh hi! Còn hai năm nữa em mới tốt nghiệp…
– Thì sao? – Anh hỏi khiêu khích.
– Dám chờ không? – Nàng cũng chẳng vừa.
– Dám luôn. Chỉ sợ em thôi. – Anh nói cứng.
– Sợ chi? – Nàng hỏi.
– Em tự biết… – Anh bỏ lửng.
– Ngoéo tay có trời làm chứng nè! – Nàng đưa tay cho anh.
Họ lại ôm nhau. Hôn nhau đắm đuối. Trời đất như quay cuồng. Họ chẳng muốn rời nhau. Sự cọ xát của đôi nhũ hoa làm chàng tê cứng người như bị điện giật. Lúc này, chàng hoàn toàn bị động. Đúng hơn, chàng đã bị thôi miên do sức hút cực mạnh của dòng điện âm phát ra từ nàng. Đêm Sài Gòn không yên tĩnh. Xe quân cảnh Mỹ và quân cảnh Sài Gòn đi tuần tra hết đợt này đến lượt khác. Nhưng mọi hoạt động, sinh hoạt của một thành phố ăn chơi nhất nhì Đông Nam Á này vẫn diễn ra bình thường như chẳng hề có bom đạn, chiến tranh. Tiếng nhạc xập xình ở các snack bar vọng đến. Người ra vào tấp nập ở những hiệu buôn lớn, sáng trưng ánh điện. Những bác đạp xích lô ngồi bắc chân tréo ngoảy trên xe đọc báo, chờ khách. Nghe xa xa tiếng đại bác vọng về như muốn hòa vào dàn đồng ca, hợp xướng đang ồn ào, nhộn nhịp của thành phố này?
Mỹ Hằng đi rồi. Lòng anh trống vắng. Một nỗi buồn mênh mang, lãng đãng luôn xâm chiếm lòng anh mỗi khi rảnh rỗi. Đôi khi anh cũng mang máng, mơ hồ nghĩ đến hoàn cảnh xuất thân của Mỹ Hằng. Phớt đi thôi. Tình yêu là gì nhỉ? Tại sao phải có chiến tranh? Tình yêu và chiến tranh có mối quan hệ thâm thù gì không nhỉ? Tại sao không chọn tình yêu, hỡi loài người?! Đau đầu quá đi mất. Nhưng tuyệt đối không được để cho mẹ biết việc này…
Hình như Trường Giang đang buông dần dây cương? Hay ít ra, anh đang thả lỏng bớt dây cương – mà lâu nay luôn căng cứng – trong lúc này? Ôi chao! Tiếng gọi của con tim sao mà mãnh liệt đến thế! Mãnh liệt không gì bằng!
Trong lòng anh đang giày vò, cấu xé, cuộn lên nỗi đau dữ dội.

*

Nhìn Trường Giang ngủ say trên bàn làm việc, chị Tân định đánh thức con trai. Nhưng thấy nó đang say giấc nên chị không đành. Nó mới về nước, chưa quen múi giờ, nên thường ngủ gà, ngủ gật như vậy. Trông nó giống anh quá chừng. Chị thầm cười thỏa nguyện. Nỗi nhớ chồng lại trào dâng, cuộn lên da diết.
Cách đây tròm trèm hai mươi năm, vào mùa này, một đêm trăng muộn, trời trong không một gợn mây, trên bờ sông Trường Giang, chị đã khóc nức nở, bịn rịn tiễn chồng đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève. Lúc đó, chị đang mang bầu cu Giang hơn tám tháng. Hai người ngồi sát bên nhau. Nhìn dòng sông lấp loáng ánh trăng như ánh bạc, lòng chị rối bời như canh hẹ. Ba bốn chiếc ghe của bà con đang bủa lưới. Họ gõ thanh tre lốc cốc để xua đuổi cá vào lưới. Âm thanh nghe khô khốc, đều đều. Có tiếng con gái trên ghe cất giọng hát hò khoan nghe sao mà não ruột:
Ơ…ớ…khoan là hố hụi hò khoan… ờ… Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Mưa mai có bậu, chứ nắng chiều… ờ… có ta… khoan hố hụi là hò khoan… ờ…
Giọng hò khoan ngân lên bất chợt trong đêm trăng thanh vắng. Lại tình cờ “ứng” vào hoàn cảnh này. Nó vô tình mà như nói hộ tiếng lòng yêu thương da diết, thiết tha, sâu nặng nghĩa tình; gởi gắm và ghi nhận niềm tin yêu, lời nguyện thề son sắt của kẻ ở, người đi. Dòng Trường Giang ngàn đời vẫn âm thầm chứng giám, ghi nhận bao đổi thay của thời cuộc. Nhưng đêm nay – đêm trăng hạ tuần, trong lòng nó như đang dậy lên đau đáu câu Kiều: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường.
Anh bần thần nhìn sâu vào đôi mắt chị dưới ánh trăng lờ mờ. Rồi như vô thức, anh lòn bàn tay chai sần – bàn tay của một nông dân quen cầm cày, cầm cuốc kiêm xã đội trưởng – qua tà áo bà ba, nhè nhẹ xoa xoa vào bụng chị. Chị khẽ cười. Không biết vì nhồn nhột? Hay vì cử chỉ âu yếm của anh? Anh lại sè sẹ, cẩn thận, nhẹ nhàng bế chị ngồi lên trên đùi mình. Tay phải đỡ chị hơi ngả người sang một bên, rồi ghé tai áp sát vào bụng chị. Anh như nghe có tiếng cựa quậy của đứa con. Lòng tràn trề hạnh phúc, anh nói, giọng xúc động:
– Em ở lại phải luôn chú ý giữ gìn sức khỏe nghen! Sức khỏe của em là sức khỏe của con chúng mình đó! Cố gắng chịu đựng, chờ anh. Chắc hai năm nữa là có tổng tuyển cử, nước nhà thống nhất, anh sẽ về với mẹ con em ngay thôi…
– Dạ! Nhưng anh định đặt tên cho con…là gì?
– Ừ… Anh nghĩ, dù trai hay gái, nên đặt là Trường Giang, được không?
– Ôi! Tên hay lắm đó. Anh khôn nữa.
– Làm chi mà khôn? – Anh giả vờ hỏi lại chị để nghe chị nói có đúng với ý nghĩ của mình không.
– Khôn quá đi chớ. Khi em gọi tên con thì phải gọi tên ba nó trước… – Chị bẹo má anh âu yếm, nói tiếp, giọng vui như vừa phát hiện ra điều gì mới lạ: – Mà thế cũng hay! Em đỡ nhớ anh. Luôn nghĩ anh bên cạnh mẹ con em… Với lại, trước nhà mình có con sông Trường Giang nữa, con sông…
Nói đến đó, chị ngập ngừng…
Chị đưa mắt đượm nét buồn ủ rũ, âu yếm nhìn anh. Đôi mắt lá răm, ươn ướt, dưới hàng lông mày thanh mảnh, từng làm anh say đắm như điếu đổ ngày nào. Chị khẽ hôn chụt vào má anh một cái rõ to, rồi cầm bàn tay anh đặt lên bụng mình. Anh luồn tay vào trong áo chị, khẽ xoa như muốn nựng đứa con. Anh nói:
– Em giỏi lắm! Mình thống nhất đặt tên con như vậy nghe!
– Dạ… – Chị hôn chụt vào má anh lần nữa.
Cả hai người như cùng về với những kỷ niệm êm đẹp, nồng cháy đến ngất ngây của những ngày mới quen biết nhau, yêu nhau. Chị ở bên kia sông. Anh ở bên này sông. Họ thường hẹn hò gặp nhau bằng những tín hiệu riêng mà chỉ có hai người hiểu. Rồi vào một đêm trăng thanh, gió mát như thế này, họ đã liều lĩnh vụng trộm, nhưng mãnh liệt trao cho nhau tất cả dưới khoang chiếc ghe nhỏ đang lặng lờ trôi bồng bềnh trên dòng sông thơ mộng và mang nhiều đặc điểm rất kỳ thú này, mà có lẽ, không ở nơi nào trên trái đất này có được…
Nó kỳ thú như thế nào ấy nhỉ?
Những người già thường kể lại cho con cháu nghe rằng: Ngày xưa, vào những ngày tết đến, xuân về, các chàng trai thanh, các cô gái lịch ở hai bên bờ sông này chèo ghe ra giữa sông hát đối với nhau rất vui vẻ, tình tứ. Cũng chính từ những dịp hát hò đối đáp như thế này mà tình yêu của bao chàng trai, cô gái nảy nở. Nhiều cặp đã nên vợ, nên chồng. Cái dòng sông thơ thơ, mộng mộng là như thế đấy!!! Mà không chỉ có thế đâu nhé! Còn gì nữa?
Không biết ở đâu, dòng sông có những hai cửa chảy ra biển?
Có không? Hai cửa nào vậy?
Cửa Đại và Cửa Kỳ Hà đấy!
Ờ nhỉ!
Lại rất thi vị là con nước bốn mùa cứ lững lờ, dùng dằng về hai phía cửa, quấn quýt như chẳng muốn rời nhau.
Ờ nhỉ! Rồi sao nữa?
Không biết ở đâu có dòng sông chỉ nằm gọn trong địa phận của một vùng đất cuối nguồn xứ Quảng và cứ mải mê, mê mải chạy dọc theo bờ biển đến hằng trăm cây số theo hướng bắc – nam mà lại không quanh co, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, hiểm trở thác ghềnh…
Thì sao?
Để những chuyến ghe bầu, đò dọc ra vào, những chuyến đò ngang qua lại cứ êm đềm như đi trên nệm gấm ấy?
Ờ nhỉ! Những chuyến ghe bầu, đò dọc, đò ngang… êm đềm trôi trên dòng sông phẳng lặng dưới ánh trăng đêm mờ tỏ, ảo huyền, để cho bao văn nhân, mặc khách đắm hồn mơ mộng và cũng là nơi “lý tưởng” của những cuộc hẹn hò say mê tình ái. Có lẽ vì thế nên trên dòng sông này, người ta luôn nghe ngân nga giọng ai hát hò khoan: Ai ra Cửa Đại thì ra/ Ai về thăm thú Kỳ Hà, Bàn Than/ Dặn lòng trong cảnh gian nan/ Thương nhau xin giữ ngàn vàng, ai ơi. Thực tình, ai nào nỡ xao lòng được nhỉ?
Không biết ở đâu có dòng sông lầm lụi, lặng lẽ, âm thầm oằn mình trườn qua nổng cát trắng khô cằn, chói chang nắng gió. Tại nơi ấy, nước cạn xẹt, người lớn có thể xắn quần lên bẹn lội sang mà không sợ ướt?
Đoạn nào vậy nhỉ?
Đoạn giữa đó!
Ờ nhỉ! Rồi sao nữa?
Không biết ở đâu có dòng sông yên bình, tĩnh lặng như nước trong hồ và bốn mùa luôn đầy ăm ắp nước, cho vô vàn các loại cá, tôm, cua, ghẹ nước lợ thơm ngon tuyệt trần vùng quẫy, dù mùa hè ở miền Trung này luôn nắng hạn, đồng khô, cỏ cháy, khắc nghiệt trăm bề?
Ờ nhỉ! Đúng quá!
Và có lẽ, cũng ít có dòng sông nào trên trái đất này mà dòng chảy của nó không bên lở, bên bồi, đôi bờ xanh mát bóng tre để mỗi trưa hè nghe kẽo kẹt vành nôi; dặt dìu, sâu lắng, thiết tha tiếng bà ru cháu. Phải chăng, nó là hiện thân của cuộc đời con người nơi đây: Dù trải qua bao nhiêu giông bão, thăng trầm, đổi thay của thời cuộc, nhưng lòng người vẫn một dạ son sắt, thủy chung…
Ờ nhỉ! Càng nghĩ càng thấy dòng sông quê mình với bao nhiêu điều kỳ thú.
Khi nghe anh “luận giải” về dòng sông này, tôi giật mình cái đụi. Giật mình vì là người cùng quê với anh mà chưa hề hiểu, không hề biết gì nhiều về dòng sông này cả. Càng nghe, tôi càng sởn tóc gáy vì thích thú. Và cũng tự thấy ngường ngượng về cái sự hiểu biết quá hạn hẹp của mình đối với quê hương, đối với dòng sông này. Anh còn kể thêm: Hồi còn nhỏ, anh luôn đi theo mẹ ra sông đánh bắt cá. Mẹ thường nói với anh: “Sau này con lớn khôn, dù có đi bốn phương trời, hãy luôn nhớ về dòng sông quê mình như nhớ về mẹ, nghe con!”. Mắt anh rưng rưng khi nói về mẹ mình làm tôi cũng rưng rưng theo, không sao cầm lòng được.
Tuổi thơ của đôi vợ chồng trẻ này từng đắm mình ngụp lặn, gắn bó thân thiết như máu thịt với dòng sông. Có lẽ vì thế nên đêm chia tay càng trở nên thiêng liêng vô cùng đối với họ. Hình như tất cả quá khứ vui buồn, ngọt bùi, cay đắng… như đang ùa về bủa vây trong sâu thẳm tâm hồn họ, làm cho lòng người đi thêm tan nát, người ở lại như dại khờ, mất phương hướng.
Đêm càng về khuya, dòng sông như càng yên tĩnh hơn. Sự yên tĩnh trước cơn bão tố. Và lòng người lại càng chùng xuống, chùng xuống đến tận cùng của nỗi đau chia xa kẻ đi Bắc, người ở lại Nam.

*

Ba của Trường Giang tập kết ra Bắc trên chuyến tàu thủy của Ba Lan đậu ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Còn trẻ, lại từng là xã đội trưởng can trường, gan dạ nên ông được đi học quân sự ở trường lục quân. Ngay từ những ngày đầu nhập học, ông đã xác định phải học cho thật tốt để sau này về Nam chiến đấu. Hằng ngày ông nghe trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam những tin tức về sự đàn áp dã man những người kháng chiến cũ, do chế độ Diệm gây ra ở miền Nam. Lòng ông đau xót, nhớ thương không thể nào nói hết. Đêm, không sao ngủ được. Ngày, bận rộn trên bãi tập thao trường, trên sa bàn chiến thuật, chiến dịch. Và cứ sau bữa cơm chiều, anh em cùng khóa học thường thấy ông đi thơ thẩn một mình trên đê sông Hồng cho đến khi nghe hiệu lệnh trở về doanh trại. Họ đâu biết, trong lòng ông đang cồn cào nỗi nhớ vợ con, gia đình; đang thắc thỏm, nóng ruột chờ ngày trở về Nam chiến đấu. Họ đâu biết, ông luôn đau đáu nhớ về quê hương, nơi có dòng sông Trường Giang đã in hằn, lưu giữ một thời trẻ trai ắp đầy kỷ niệm. Ông khẽ đọc bài thơ của Tế Hanh: Ơi con sông đã tắm mát đời tôi/ Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ/ Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ/ Sông của miền Nam nước Việt thân yêu…/ Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ….
Sau khi tốt nghiệp trường lục quân, ông được phong quân hàm thiếu úy. Trước khi lên đường vô Nam, ông được phong trung úy. Hồi đó, người ở tỉnh nào thì được ưu tiên về quê tham gia chiến đấu ở tỉnh đó. Ông được điều về chiến trường K5 để tham gia xây dựng lực lượng vũ trang và trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu. Chiến trường K5 vô cùng ác liệt. Đồn bốt, cứ điểm của quân Mỹ, quân Nam Hàn, quân Sài Gòn giăng khắp nơi. Bọn chúng luôn hành quân càn quét, ném bom, bắn pháo vào vùng giải phóng như cơm bữa. Ông đã tổ chức nhiều đợt chống càn, hàng chục trận đánh tập kích vào các đồn bốt, cứ điểm của bọn chúng. Lần này, theo chỉ đạo của cấp trên, ông đưa tiểu đoàn do ông chỉ huy về vùng Đông thị xã chuẩn bị tấn công đồn Núi Cấm do một đại đội pháo 105 của quân Sài Gòn án ngữ, có sĩ quan Mỹ làm cố vấn. Đây là cứ điểm, tiền đồn phía đông thị xã rất kiên cố, gồm nhiều điểm hỏa lực mạnh của địch. Gần như bất khả xâm phạm.
Nhận mệnh lệnh, ông vui mừng, phấn khởi như mở cờ trong bụng. Từ ngày về Nam đến bây giờ, ông mới có dịp trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình trên cương vị một chỉ huy bộ đội cấp tiểu đoàn. Không phải như cách đây hơn mười năm về trước. Đến nơi, ông cho ém quân ở dọc sông Trường Giang và ở ngoài bìa rừng các xóm lân cận. Đội du kích xã đã sẵn sàng hỗ trợ, đáp ứng mọi yêu cầu của ông.
Anh đội trưởng du kích nói:
– Anh yên tâm ém quân ở đây. Nếu có tình huống xấu thì chúng tôi sẽ dẫn các anh xuống địa đạo Ngọc Mỹ lánh tạm. Địa đạo này có sức chứa cả tiểu đoàn lận. Dân vùng Đông mình tốt lắm, hết lòng vì cách mạng đấy.
– Vùng này có địa đạo như Củ Chi à? – Ông ngạc nhiên hỏi, cảm thấy rất vui và yên tâm hơn.
Thật ra, khi đưa quân xuống vùng cát, ông rất lo lắng về chuyện ém quân, giữ bí mật. Nếu bị lộ thì rất nguy hiểm. Đành rằng phải chiến đấu đến cùng. Nhưng địa hình vùng cát quá trống trải, không thể bảo toàn được lực lượng.
– Vâng! Chúng tôi đã học tập quân dân Củ Chi. Khi chúng tôi phát động đào hệ thống địa đạo này, bà con và các em thiếu nhi rất hăng hái tham gia. Chỉ làm vào ban đêm thôi. Chỉ tiếc là vùng này đất cát, nên nhiều chỗ phải tốn công đan mành tre làm cốt đỡ đất. Còn lại, nó chạy dọc dưới các bụi tre trong làng, dưới lớp đất gan gà, khá cứng. Có cả hầm cứu thương, chứa lương thực, nước uống nữa… Anh cứ yên tâm. Nó khá vững chắc và an toàn lắm đấy. – Anh đội trưởng du kích khẳng định.
Trời sẩm tối. Đi dọc bờ sông, lòng ông bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm trên dòng sông này. Nhớ ba mẹ, nhớ vợ đến quắt quay, quặn thắt. Ông chưa biết, đứa con của mình trai hay gái? Ngày ông ra đi, nó còn trong bụng mẹ mà. Chỉ biết chắc chắn nó tên là Trường Giang thôi. Hai mẹ con, sau những năm bị địch khủng bố, đàn áp, “tố Cộng” có còn sống hay đã… Nếu còn sống thì bây giờ đang ở đâu? Còn đang ở quê hay phiêu dạt phương nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn về, dồn về ngập ngụa trong đầu ông, nhoi nhói trong tim ông một nỗi niềm xa xót… Đêm xuống tự lúc nào, ông không biết nữa. Chợt nghe có tiếng pháo nổ ở bên kia nổng cát, ông giật mình. Quay về thôi. Ông biết có đồng đội đang theo sát bảo vệ ông. Trên đường về, ông mới nhìn kỹ dòng sông. Trường Giang vẫn như xưa. Nước trong xanh. Vẫn lặng lẽ trôi êm đềm. Chỉ khác là không còn thấy chiếc ghe nào chong đèn đánh bắt cá trên sông. Và vắng tiếng gõ thuyền lốc cốc xua cá vào lưới. Vắng tiếng hò khoan da diết, thiết tha, sâu lắng tình người.
Chiến tranh đã ập xuống nơi đây. Làm đổi thay bao số phận và cảnh quan sông nước, xóm làng. Cả một vùng trù phú ven sông, bây giờ là “vành đai trắng”. Không một bóng cây. Không một bóng người. Chỉ nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” hay “khó khăn khắc phục” từ đâu bay tới, thả tiếng kêu vào đêm tịnh vắng. Nghe não lòng. Một nỗi buồn miên man, quặn thắt đang dội lên, dội lên ray rứt, xót xa. Đêm mai – đêm công đồn. Giờ G đã định. Không biết mình sẽ như thế nào trong và sau trận đánh này? Lòng ông cồn lên bao suy nghĩ…
Trở về bản doanh, ông cho gọi tiểu đội trưởng trinh sát đến gặp ông, không cho các đại đội trưởng biết. Ông nói, giọng xúc động:
– Tôi có một việc… Nhờ anh em chịu khó giúp tôi…
– Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đội đã sẵn sàng nhận lệnh! – Tiểu đội trưởng trinh sát đứng nghiêm, nghe lệnh.
– Không phải lệnh liếc gì đâu… – Ông nói nhỏ nhẹ.
– Dạ… Thưa thủ trưởng, có chuyện gì ạ? – Tiểu đội trưởng trinh sát hơi lúng túng, không hiểu nhiệm vụ mình được giao là gì đây.
– Cậu biết không? Đây là quê mình. Phía dưới kia… – Ông chỉ tay về hướng nam, giọng chùng xuống như nói với người thân: – Ccách đây chừng hai cây số là nhà mình đang ở trong vùng địch kiểm soát…
– Dạ… Báo cáo thủ trưởng! Theo em được biết, cả Tiểu đoàn đã biết hết hoàn cảnh của thủ trưởng rồi ạ! Anh em đều hỏi nhau, không biết thủ trưởng có ghé thăm nhà không đấy? Họ còn cá cược với nhau nữa.
– Cá cược làm sao?
– Dạ… Người thì bảo không, nhiều người nói dứt khoát có. Vì nghĩ, thủ trưởng xa nhà đã lâu rồi. Nhân dịp này mà không…
Ông cười thành tiếng như chủ ý cắt ngang câu chuyện cá cược. Nhưng liền sau đó vụt tắt, mắt nhìn xa xăm. Ông nói như đang tâm sự:
– Hơn mười mấy năm rồi, mình chưa có điều kiện về thăm vợ con, gia đình. Đến bây giờ cũng không nhận được tin tức gì…
– Dạ, em hiểu rồi ạ, thưa thủ trưởng. – Tiểu đội trưởng trinh sát khá nhạy cảm, thông minh, đoán biết ý tứ của thủ trưởng nên nhanh nhẩu ngắt lời và nói tiếp: – Báo cáo thủ trưởng! Khuya ni, bọn em sẽ đi trinh sát, dò đường trước. Thủ trưởng cứ việc đi về. Nếu gặp địch, bọn em tấn công tiêu diệt luôn.
Ông bỗng đổi giọng, nghe rắn rỏi, cứng như thép của người chỉ huy:
– Không được! Các cậu tuyệt đối không được manh động!
Tiểu đội trưởng trinh sát hoảng hồn, đứng nghiêm, không dám rục rịch. Nghĩ mình đã đi quá lố trong chuyện này. Cậu ta định xin lỗi, nhưng ông đã lên tiếng, không gay gắt mà có vẻ thông cảm cho sự nhiệt tình đến bồng bột của cánh lính trẻ:
– Cậu đã được phổ biến rồi. Cấp trên giao cho đơn vị mình: Mục tiêu số một là đồn Núi Cấm. Tối mai, mình phải tiêu diệt cho bằng được cái đồn này để bịt miệng mấy khẩu pháo 105 của chúng, vực dậy tinh thần bà con, đồng bào ở vùng này. Không thể để bọn chúng ngày đêm bắn pháo bừa bãi, gây thêm tội ác. – Giọng ông nhỏ lại, rất chân thành, tình cảm: – Còn đây là chuyện riêng tư của mình. Mình chỉ nhờ các cậu…
– Báo cáo! Tuân lệnh!
Đêm đã về khuya.
Các đại đội bí mật tự động điều quân đi yểm trợ, cũng không dám cho ông biết. Tiểu đội trinh sát đi trước. Nếu phát hiện có địch sẽ quay lại báo cáo thủ trưởng. Giữ nghiêm nguyên tắc: “Bí mật. Không được manh động”. Tiểu đội trinh sát rất thiện chiến, do ông trục tiếp huấn luyện. Cả Tiểu đoàn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu. Một bộ phận vòng qua phía biển. Một bộ phận men theo phía trên nổng cát. Một bộ phận đi phía sau ông, bọc hậu. Số còn lại vẫn ém quân bình thường. Im như thóc.
Đêm tối như bưng. Cách hai mét đã không nhìn thấy gì. Đang là mùa đông. Trời mưa lâm thâm. Gió bấc thổi qua “vùng trắng” nghe hun hút. Hơi se lạnh. Những đêm như thế này, bọn địch ít khi đi phục kích mà chủ yếu hay bắn pháo bâng quơ, bất ngờ, nhưng hết sức nguy hiểm cho dân và cho những cuộc di chuyển của bộ đội giải phóng.
Đến nơi rồi. Không có chuyện gì xảy ra. Ông mừng lắm. Vì không muốn chuyện riêng tư của mình mà làm hỏng đại cuộc. Ông tần ngần đứng nhìn một lúc lâu ngôi nhà ngói cổ bỏ hoang. Cửa đóng im lìm. Nhà ngang không còn nữa. Cái sân gạch trước nhà cũng biến mất. Hòn non bộ, những cây mai, cây vạn tuế cũng không còn. Cảnh tượng tiêu điều, xơ xác hiện ra trước mắt, cay xè. Sao lại thế này? Lòng ông nhói lên nỗi đau lo lắng. Cha mẹ và em đi đâu rồi? Chết sống thế nào em ơi? Con chúng mình – Trường Giang ấy, trai hay gái? Hai mẹ con bây giờ ở đâu? Ông cảm thấy như có nhát dao đang cứa mạnh vào tim. Là người lính, đã trải qua bao trận mạc, vào sinh ra tử, nhưng ông cũng không cầm được nước mắt. Nhìn quanh quất hồi lâu. Lòng não lòng. Ông định vào nhà thắp hương, vái lạy tổ tiên, ông bà… Nhưng không nỡ đành phá cánh cửa. Lại sợ gây tiếng động, dân làng chạy tới thì bị lộ mất. Ông quỳ lạy và lâm râm khấn vái ngay trước thềm nhà, rồi đành gạt nước mắt quày quả ra đi. Ông đến nhà một người hàng xóm, cạnh nhà ông. Gõ nhẹ cửa.
– Ai đó? – Tiếng một bà già, có lẽ chưa ngủ.
– Dạ, con là Trường đây thím.
– Trường nào?
– Dạ, Trường chồng của Tân đây ạ…
– Bà không biết. Đêm hôm khuya khoắt. Có gì sáng mai…
– Thím ơi!… Thím không nhớ thằng Trường à? Trường con ông bà Sáu đây mà. Lâu ngày con về thăm nhà, thăm thím đây. Thím yên tâm mở cửa cho con vào thưa chuyện.
Thằng Trường à? Nó đi tập kết hồi cuối năm 54 kia mà. Hôm nay nó về sao? Bà như có linh tính báo cho biết, chắc là thằng Trường. Nghe giọng nói giống giọng anh Sáu hồi trẻ. Bà nghĩ, không phải bọn lính Biệt động, hay Nghĩa quân, Dân vệ giả danh, giả dạng để lừa bà. Những gia đình có người thân tham gia kháng chiến hoặc liên quan với những gia đình ấy luôn có ý thức đề phòng, lo xa. Một lúc sau, bà mạnh dạn ra mở cửa. Ông ôm chầm lấy bà thím của mình. Chồng bà đã bị địch bắt thủ tiêu trong những năm “tố Cộng” của chế độ Diệm. Vợ chồng bà chỉ có một đứa con gái, lấy chồng ở xa. Bà bám trụ trên mảnh đất ông bà, thui thủi sống một thân, một mình. Bà xúc động, nói nhỏ, đủ nghe:
– Trời đất ơi! Bằng cách nào, con về được đây?
– Dạ, con lẻn về một mình…
– Một mình hả? Sao con liều thế? Mới khi chiều, bọn nó còn ở xóm trong đây.
– Dạ, không sao đâu thím.
Qua câu chuyện bà kể, ông mới biết: Mẹ ông lâm bệnh chết sau khi ông đi tập kết, cha ông bị địch giết trong nhà lao thời chế độ Diệm; vợ, con trai của ông đã bỏ nhà, bỏ xứ ra đi lâu rồi. Đi biệt tăm. Không ai biết đi mô. Lòng ông rối bời. Tim nhói lên đau đớn. Càng nghĩ, ông càng nhớ, càng thương cha mẹ, vợ con. Ôi! Chiến tranh. Tan nát, chia lìa. Nhưng dù sao, ông cũng có một niềm an ủi lớn khi biết mình có đứa con trai. Cầu mong ông bà phù hộ cho vợ con được bình an, mạnh khỏe. Trong lòng ông le lói một chút hy vọng – dù rất mong manh – về đứa con trai của mình. Nhưng làm sao tìm được vợ con đây? Một sự khắc khoải lo lắng đến thắt ruột, không thể nào nguôi ngoai được.
Chia tay thím mà lòng cồn cộn bao buồn, vui đan xen không sao nói được. Tình yêu thương, lòng hận thù đang cuộn sôi trong huyết quản của ông. Ông thả bước nặng nề ra phía bờ sông để trở về nơi đóng quân. Chợt thấy một chiếc ghe cắm sào bên mép bờ sông. Ông định lên ghe chèo về – như về với kỷ niệm xưa. Nhưng liền nghĩ lại, không nên. Tội nghiệp cho người chủ mất ghe. Hơn nữa, sáng mai, người chủ thấy ghe của mình biến mất sẽ gây ra những phiền toái không lường hết được.
Trên đường rút quân về, hai chiến sĩ của cánh quân trên nổng cát bị pháo trên đồn Núi Cấm bắn bị thương nhẹ ở cánh tay. Cũng may, không có ai hy sinh. Khi biết sự việc, ông rất buồn, đã đến tận nơi động viên, an ủi và dành phần sữa tiêu chuẩn của mình để bồi dưỡng sức khỏe cho anh em bị thương. Ông luôn tâm niệm: đã đánh là phải thắng, nhưng không phải bằng mọi giá. Phải thương, phải biết quý trọng xương máu của anh em chiến sĩ. Ở vùng này, không đêm nào không bị pháo địch dập xuống bất thình lình. Từ đồn Núi Cấm, đồn An Hà, đồn Tuần Dưỡng, căn cứ Chu Lai, từ hạm đội ngoài biển bắn vào. Có gia đình đang ngồi ăn cơm tối, bị trúng pháo, chết không còn một ai. Những thảm cảnh thương tâm này xảy ra thường nhật. Dân làng ai cũng bảo: “Sống được ngày nào hay ngày ấy”.
Đêm hôm sau, theo kế hoạch tác chiến, cả tiểu đoàn chia thành ba cánh quân thận trọng mật tập vào sát chân đồn Núi Cấm, các chốt boong ke, lô cốt, các điểm hỏa lực lân cận và chung quanh đồn theo đúng kế hoạch và cách thức diễn tập trước đây. Bỗng một loạt pháo bắn cấp tập rơi dọc theo sông Trường Giang từ đồn này phun ra làm mọi người giật mình, tưởng bị lộ rồi. Đạn pháo vụt khỏi nòng như hòn lửa bay vòng cung, trong nháy mắt đã nổ ầm ầm như sấm dậy. Sau loạt pháo là sự im lặng bao trùm. Phía trên thị xã, ánh điện ngạo nghễ sáng trưng một góc trời.
Giờ G đã đến.
Phát hỏa là một loạt tiếng thủ pháo “ầm… ầm…” ầm đanh gọn. Tiếp theo là tiếng đạn cối đồng loạt dồn dập trút xuống Sở Chỉ huy địch giòn tan như tiếng pháo đón giao thừa. Các mũi tiến quân ồ ạt xông lên. Đạn B40 xé màn đêm lao vào Sở Chỉ huy, vào các ụ pháo 105, các kho đạn. Tiếng bộc phá của đại đội đặc công nổ liên hồi từ trong lòng địch. Tiếng AK từng đợt liên thanh giòn giã như xé vải. Quân địch bị bất ngờ, không kịp trở tay. Hơn một đại đội pháo binh và mấy tên cố vấn Mỹ đã bị xóa sổ hoàn toàn. Trận đánh chỉ diễn ra chớp nhoáng chừng hơn ba mươi phút. Ngay sau đó, ông ra lệnh tất cả rời trận địa. Rút quân theo kế hoạch đã định. Giải quyết rốt ráo thương binh và những chiến sĩ hy sinh. Cố gắng rút nhanh. Tránh thương vong khi quân địch phản pháo theo đường rút quân.
Cả đồn cháy rần rật, sáng cả một góc trời. Tiếng nổ của kho đạn pháo 105 làm rung chuyển trời đất. Địch chưa biết phải làm gì. Gần mười lăm phút sau trận đánh, máy bay mới đến thả pháo sáng. Pháo các đồn chung quanh mới thi nhau trút xuống nổ như bắp rang, như sấm dậy chung quanh đồn Núi Cấm và các vùng lân cận.
Bà con ở dưới quê nhìn lên thấy sướng cái bụng. Hội Phụ nữ đã chuẩn bị sẵn mấy chục nồi cháo gà, xôi, chè để khao quân.

*

Sau cuộc tập kích vào đồn Núi Cấm thắng to, ông đưa quân về lại trên hậu cứ để tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng và chỉnh quân. Ở đây, tình cờ ông gặp lại Hai Lãm (hoặc cũng có thể Hai Lãm đã cố tìm gặp ông? Bên An ninh mà). Hai anh em xa nhau đã lâu lắm rồi. Nay mừng vui không sao cầm được nước mắt. Bao nhiêu chuyện gia đình, chuyện quê hương, chuyện đời dồn nén bấy lâu nay, hơn mười năm rồi, được dịp bung ra thâu đêm suốt sáng. Nhưng nguyên tắc hoạt động không cho phép nên Hai Lãm chỉ nói cho ông biết một điều duy nhất mà anh có thể:
– Anh yên tâm. Chị và cháu vẫn khỏe. Cháu học rất giỏi. Giống anh như đúc đấy. Nói vậy chứ em cũng chưa gặp được cháu. Chỉ thấy cháu khi đang ngủ và qua ảnh chụp này thôi.
– Ừ… Mẹ con nó cũng còn may, có chú lo liệu, đỡ đần. Cảm ơn chú nhiều lắm!
Hai Lãm lấy tấm ảnh đen trắng của hai mẹ con Trường Giang đưa cho ông xem. Mắt ông sáng lên, nhìn đăm đắm vợ và đứa con trai đã lên mười tuổi của mình. “Ừ, nó giống mình thật!”. Ông sung sướng thầm reo lên trong lòng. Một cảm giác êm ái lạ thường, rân rân, tê tê như dòng điện bỗng lan tỏa khắp người ông. Lục trong xắc cốt, ông lấy ra tấm ảnh của mình đưa cho chú Hai và nói:
– Anh nhờ chú… trăm sự nhờ chú đó! Chú cố gắng gởi tấm hình này giúp anh. Cũng như anh, chắc mẹ con nó mừng lắm…
– Vâng! Còn gì hơn nữa! Nhưng anh thông cảm cho em về chuyện…
– Không sao! Không sao cả. Biết được tin nhau và gia đình như vầy là quý hóa lắm rồi. Mừng quá lắm rồi. Chiến tranh mà. Công việc cách mạng, ai làm người nấy biết. Bí mật là trên hết. Nguyên tắc chung là vậy rồi. Chú khỏi phải an ủi anh. Cảm ơn chú nhiều lắm. Không có chú, mẹ con thằng Giang không biết cậy nhờ, bấu víu vào ai. Nói thiệt với chú, nếu nó trúng quân dịch, đi lính cho địch thì…tôi sống sao nổi.
Hai Lãm rất hiểu tâm trạng của anh mình. Anh nói để ông anh yên tâm:
– Em rất hy vọng và tin tưởng, với sức học của cháu tốt như vậy, chắc sau này sẽ thi đậu tú tài toàn và vào đại học, sẽ không bị đăng lính. Em đã nói với chị rồi. Sau này sẽ cho cháu theo học ngành tài chính – ngân hàng, anh ạ.
– Anh cũng cầu mong mọi việc đối với mẹ con thằng Giang được như em nói. Em nhớ giữ liên lạc với anh nghe. Vì em làm công việc này nên có điều kiện hơn anh.
– Anh yên tâm. Em sẽ cố gắng hết mình…
Giữa đại ngàn Trường Sơn, hai anh em lại bịn rịn chia tay nhau. Một cuộc chia tay không hẹn ngày gặp lại. Chỉ có một niềm tin sắt đá rằng, miền Nam sẽ được giải phóng, nước nhà sẽ thống nhất. Còn chuyện đoàn tụ gia đình thì mong manh lắm.
Trên bầu trời, tiếng máy bay phản lực đang gầm rú như mọi ngày. Những chiếc Dacota đang phun chất độc hóa học xuống những cánh rừng phía dưới, trông màu vàng cam tứa ra phía sau đuôi rõ mồn một. Vệt khói màu cam phía đuôi máy bay kéo dài hàng cây số. Và chỉ cần qua một đêm, tất cả những loại cây có mủ đều trụi hết lá, trơ cành. Cả mặt đất phủ một màu chết chóc rùng rợn. Việt Cộng không còn nơi ẩn nấp, không có lương thực sắn, khoai, bắp và các loại củ rừng để sống. Nguồn nước lại bị nhiễm độc nữa. Sự tàn bạo, dã man của bọn Mỹ đến thế là cùng.

Xong cuộc chỉnh quân, ông Trường lại lao vào công tác huấn luyện, rèn quân trên thao trường, trên sa bàn, chuẩn bị cho những trận đánh lớn khác ở mặt trận K5. Không khí chuẩn bị cho chiến trường trên dãy Trường Sơn hết sức rộn rịp, tất bật đêm ngày… Còn Hai Lãm vừa rồi được thăng chức Phó ban An ninh. Anh vẫn luôn theo dõi, nắm bắt tình hình các cơ sở nội thành. Lại phải luôn giữ liên lạc với chị Tân ở Sài Gòn để nắm tình hình và báo cáo cho ông Nhiên.

*

Trước khi Trường Giang tốt nghiệp gần một năm, chị Tân nhận được chỉ thị của cấp trên: “Bằng mọi cách phải tìm mua một ngôi nhà khác ở ngoài phố để mở công ty kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu. Vốn liếng kinh doanh, kể cả tiền mua nhà có người lo hết. Sẽ có hai nhân viên, một nam, một nữ am hiểu kinh doanh xuất nhập khẩu đến làm phụ tá giúp chị”. Chị chưa biết ý định của cấp trên cho đến khi chị nhận được thông báo: “Lên gấp chiến khu R…”. Chuyện gì đây nhỉ? Chị Tân vừa hồi hộp, vừa lo. Để đánh lạc hướng bọn Mật vụ, chị mua vé xe lên Đà Lạt gọi là đi buôn bán, làm ăn. Gần một tuần ở chiến khu, chị lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của H25. Trở về thành phố, gần một tháng sau, chị đã tìm được căn nhà mặt phố hai lầu ưng ý. Công ty xuất nhập khẩu Trường Lưu ra đời – cái tên do chị đặt với ý nghĩa: “trường lưu thủy” (dòng nước chảy không ngừng) cũng là tên dòng sông quê của chị. Chị nghiễm nhiên làm giám đốc. Bây giờ chị đã là một “bà chủ” giàu có với mái tóc uốn phi dê kiểu cách, đi đứng, ăn mặc sang trọng của một doanh nhân thực thụ. Sự tháo vát, chịu khó của dân vùng biển, thêm cái lanh lợi và sắc đẹp trời cho ở cái tuổi trung niên, trông chị lộng lẫy như một bà hoàng trong những lần tổ chức ra mắt công ty, hay gặp gỡ chiêu đãi khách hàng.
Thời điểm này quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh của Mỹ đã rút hết khỏi chiến trường miền Nam theo Hiệp định Paris. Chính quyền Sài Gòn đang xây dựng “kế hoạch hậu chiến”. Cùng với các loại phương tiện chiến tranh của Mỹ và các nước phương Tây, các loại hàng hóa đang ồ ạt đổ vào tràn ngập như núi, không tiêu thụ hết ở miền Nam. “Đục nước, béo cò”. Các hãng buôn, các công ty tranh nhau mọc lên ngày càng nhiều để làm “cầu nối” đến các thị trường tiêu thụ. Những công ty “sân sau” của các chính khách và các sĩ quan quân đội Sài Gòn tha hồ tự tung, tự tác, kiếm lợi nhuận, làm giàu dễ dàng như trở bàn tay. Một thị trường hàng hóa hết sức nhốn nháo, chính quyền không thể kiểm soát được.
Theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Công ty Trường Lưu tham gia thị trường này, làm công việc mua gom các loại hàng hóa được các giới chức chính quyền và quân đội tuồn ra ngoài. Sau đó, xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới. Nhưng chủ yếu, đây là thời gian tập dượt tiếp nhận các món chuyển tiền từ nước ngoài về, làm quen với các thủ tục, hồ sơ, chứng từ xuất nhập khẩu; làm quen với thương trường trong nước và quốc tế; tạo danh xưng hợp pháp, quảng bá hình ảnh thương hiệu của Công ty Trường Lưu, không quan tâm nhiều đến lợi nhuận.
Hôm Trường Giang từ sân bay về nhà trên chiếc xe Mercedes sang trọng của mẹ, anh không khỏi ngỡ ngàng. Định hỏi mẹ, nhưng thấy chưa tiện. Về đến nhà, càng ngỡ ngàng hơn. Ngôi nhà mặt phố, hai lầu khang trang, có kiến trúc hiện đại khá đẹp. Lại có tấm biển to đùng trên lan can tầng hai ghi tên Công ty xuất nhập khẩu Trường Lưu – Ltd, viết tắt tiếng Anh là Truong Luu Import – Export Co.Ltd rất bắt mắt. Lại có người giúp việc chạy ra đon đả đón chào nồng hậu nữa. Có phải mình mơ không? Anh thầm hỏi trong lòng. Trước đây, khi còn ở bên Mỹ, anh đã được mẹ cho biết. Tuy vậy, anh không ngờ nó đàng hoàng, hoành tráng đến như thế này. Nó một trời, một vực so với ngày anh đi du học.
Thế là xong bốn năm tu nghiệp ở Hoa Kỳ với tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu, Trường Giang trở về với tâm thế khấp khởi tự hào và nghĩ rằng, nhiệm vụ mẹ và chú Hai giao, mình đã hoàn thành xuất sắc. Người vui mừng, sung sướng, hạnh phúc nhất, có lẽ không ai khác ngoài chị Tân. Nhưng…
Niềm vui của mẹ con chưa trọn thì mấy ngày hôm sau, chị Tân nhận được tin từ hòm thư mật: chú Hai Lãm đã hy sinh trên đường đi công tác do bị pháo địch từ đồn Núi Cấm bắn xuống. Đó là vào buổi chiều, khi một mình chú băng qua nổng cát trống trải ở vùng Đông “vành đai trắng”. Cái tin như sét đánh. Đau đớn quá. Đến đột ngột quá. Chị sững sờ. Chao đảo. Đứng ngồi không yên. Phần thương chú. Phần lo lắng: Ai sẽ thay chú Hai đây? Chú Hai ơi! Chú có biết Trường Giang đã về nước rồi không? Bao nhiêu nỗi mong đợi. Bao nhiêu điều đang chờ. Cây sắp cho mùa quả ngọt rồi. Sao chú lại ra đi? Mẹ con tôi sẽ ra sao đây khi không có chú? Nỗi đau đớn tột cùng quặn lên trong lòng mẹ con chị Tân.
Trước đây, khi mẹ con chị vô Sài Gòn được gần năm, đã ổn định chỗ ở và công việc làm ăn, chú Hai Lãm có gởi cho chị một tấm thẻ, kích cỡ như hộp diêm sinh, được ép plastic cẩn thận, ghi: “Giấy chứng nhận”. Chú Hai dặn chị phải bảo quản nơi an toàn, bí mật. Chị hiểu, chú đã lo xa cho mẹ con chị vì hoạt động đơn tuyến. Chị coi tấm thẻ này là “sinh mạng chính trị” của mẹ con mình. Chị mua một két sắt cỡ bằng cái tủ lạnh để cất giữ những tư trang, đồ vật quý. Ở bên trong tủ, dưới đáy bên phải, chị đặt tấm thẻ lên đó và hàn chồng lên bằng tấm thép mỏng, rồi quét sơn lại như cũ. Công việc này chị tự làm. Chị nghĩ, khi nào thuận lợi sẽ nói cho con trai biết. Từ nhỏ đến giờ, Trường Giang thường nghe mẹ nói về chú Hai Lãm. Anh luôn mong ngóng ngày được gặp mặt chú Hai. Hồi ở ngoài quê, vì phải giữ bí mật nên chú cháu không thể gặp nhau được. Đó là nguyên tắc. Đôi lần vào giữa khuya, chú lên khỏi hầm bí mật để nhìn mặt cháu đang ngủ. Thế mà…giờ đây chú đã đi xa mãi mãi. Lòng anh quặn lên bao niềm xót đau, thương tiếc.
– Mẹ ơi! Mình lập bàn thờ để thờ chú Hai chứ mẹ?
– Ừ, mẹ đang chuẩn bị. Để mẹ đi sắm đồ thờ và mua đồ cúng. Phải giữ bí mật tuyệt đối, con à. Sơ suất một li là hết sức nguy hiểm. Con lên lầu dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, rồi đến tối mình lập bàn thờ.
Khuya hôm đó, hai mẹ con lên lầu làm lễ cúng bái. Chị khấn: “Chú Hai ơi! Chú sống khôn, thác thiêng, chứng giám lòng thành của mẹ con tôi. Những việc chú giao cho tôi, tôi đã hoàn thành. Trường Giang đã tốt nghiệp, về nước rồi. Đang chờ chú… Sao chú vội ra đi? Bây giờ tôi biết cậy nhờ ai? Lâu nay tôi cũng không nhận được tin của ba thằng Giang. Tôi lo quá. Không biết ảnh như thế nào rồi”.
– Mẹ ơi! Chú Hai mất rồi, làm sao liên lạc được với ba?
– Công việc của mẹ con mình là hoạt động đơn tuyến. Tất cả đều do cấp trên chỉ đạo. Mẹ chỉ biết duy nhất là hòm thư chết. Hai người đến giúp việc cho mẹ cũng do cấp trên phái đến. Nhưng việc ai người ấy làm. Không được bàn luận bất cứ chuyện gì ngoài chuyện kinh doanh, buôn bán bình thường như mọi công ty khác. Chú Hai có quan hệ máu mủ, cật ruột nên mới được cấp trên giao nhiệm vụ liên lạc với mẹ con mình. Nay chú Hai không còn, chắc sẽ có người thay, con à.
Nước mắt chị chảy ròng ròng. Nghèn nghẹn hồi lâu, chị nói tiếp:
– Con đừng lo! Mẹ nghĩ, cấp trên sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn. Nếu có mệnh hệ gì, giả dụ như đường dây bị lộ, mẹ con mình bị địch bắt thì cũng chỉ nói không biết, chỉ lo làm ăn lương thiện. Trước sau phải nói như một. Con phải luôn ghi nhớ điều này: “Cách mạng miền Nam, ai làm nấy biết”.
– Dạ! Con hiểu rồi. Mẹ yên tâm.
Cả đêm, Trường Giang thao thức. Anh hiểu ý mẹ nói: “Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết” và “nếu có mệnh hệ gì…”. Rồi bao kỷ niệm lại ùa về. Từ những tháng năm thơ ấu ở ngoài quê, cùng bạn bè đến trường, theo mẹ đi đánh bắt cá trên sông nước Trường Giang, trên thị xã những ngày đi học, đi dạy kèm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Sài Gòn hôm qua, hôm nay vẫn sôi động, ồn ào và những năm du học bên Mỹ… Tất cả như cuốn phim lướt qua. Rồi dừng lại với những rung động đầu đời… Mỹ Hằng ơi! – Anh gọi trong tận thẳm sâu nỗi nhớ – Giờ em đang làm gì? Có còn nhớ anh không? Mấy hôm nay chưa nhận được thư em. Buồn quá… Anh lại giật mình. Ờ nhỉ! Từ giờ phút này, mình đã chính thức “vào cuộc” với mẹ rồi. “Vào cuộc”. Chỉ có hai từ ấy thôi mà nó ẩn chứa biết bao phiêu lưu, mạo hiểm, cam go, gian khổ, hiểm nguy ở phía trước. Phải có tinh thần gan dạ, quả cảm, tự tin, bình tĩnh. Và sẵn sàng hy sinh, không cần đắn đo, suy nghĩ. Với Trường Giang, sự dấn thân đã bắt đầu một cách hết sức tự nhiên như việc gì đến ắt phải đến vậy. Anh cảm nhận, hai mẹ con mình đang lặng lẽ, âm thầm dò từng bước trong “bóng đêm tràn đầy ánh sáng” giữa Sài Gòn – sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Lại càng nhớ thương ba da diết. Anh tự nhủ lòng: Phải sống và chiến đấu theo gương của ba mẹ, của chú Hai, quyết không phụ lòng tin yêu của ba mẹ, của chú. Không biết giờ này ba đang ở đâu? Ba có biết mẹ và con đang làm gì không? Một công việc mạo hiểm lắm đó ba nghe. Con luôn cầu mong ngày nước nhà mau thống nhất để gia đình mình cũng như bao gia đình khác được đoàn tụ, sum vầy. Ôi, nghĩ đến giờ phút thiêng liêng đó, lòng con cứ rộn lên ngập tràn bao niềm vui sướng, hạnh phúc biết dường nào. Ba ơi! – Anh thầm gọi ba trong lòng. Anh lại đem tấm ảnh của ba ra ngắm. Đem ảnh của mình ra so. Gần như hai giọt nước. Anh mỉm cười một mình. Ôm tấm ảnh ba vào ngực, rồi lại thầm gọi: “Ba! Ba ơi!…”. Tim anh nhói lên. Lòng quặn thắt nỗi đau, nỗi nhớ cồn cào.

*

Chiến sự ở khắp miền Nam từ ngày Mỹ rút quân sau Hiệp định Paris không những không giảm cường độ mà lại diễn ra ngày càng tăng và khốc liệt hơn. Quân đội Sài Gòn luôn xua quân đi càn quét, lấn chiếm thêm hoặc chiếm lại các vùng giải phóng xung yếu quanh các thị xã, thành phố với mức độ, tần suất ngày càng gia tăng và có quy mô lớn cấp trung đoàn trở lên. Tuy nhiên, bên cách mạng cũng đã phản công lại rất dữ dội, quyết liệt. Thế “cài da báo” xuất hiện khắp nơi ở miền Nam.
Dọc đường mòn Trường Sơn, quân Giải phóng và các phương tiện chiến tranh đi vào nườm nượp. Tình hình chiến sự đang chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho phía cách mạng. Các hãng thông tấn quốc tế hằng ngày đều đưa tin và bình luận, đồn đoán: “Sẽ có một trận Điện Biên Phủ ở miền Nam, Việt Nam”. Và như vậy, việc chuẩn bị hậu cần, tích trữ lương thực, thực phẩm, các loại dược phẩm, bông băng… cho bộ đội Giải phóng càng hết sức khẩn trương, cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu này, phải có nhiều tiền Sài Gòn. Chị Tân xúc động nói với con trai, vừa như tâm sự, vừa như giao việc:
– Con à, từ giờ phút này mẹ con mình đã bước vào hoạt động theo chỉ đạo của cấp trên rồi… – Để con yên tâm, chị nói tiếp: – Đây là công việc, mẹ nghĩ, cũng bình thường đối với con. Trước mắt, con cố gắng xin vào làm việc tại một ngân hàng thương mại nào đó. Nhưng phải được bố trí làm việc ở Phòng Quan hệ đối ngoại hay Thanh toán quốc tế hoặc nghiệp vụ có liên quan đến thanh toán quốc tế. Ngân hàng lớn nhỏ gì cũng được, miễn là họ tiếp nhận mình vào làm việc ở bộ phận này.
– Dạ! Chuyện này chắc con lo được. Con biết, hiện nay có nhiều ngân hàng đang tuyển nhân viên vào bộ phận này, lại rất phù hợp với chuyên môn của con.
– Thế thì tốt quá. Con nhớ một điều: mục đích cuối cùng mà cấp trên giao là phải “cắm” người của mình vào vị trí này để bí mật xử lý an toàn, nhanh chóng, kịp thời khi có ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về tài khoản của Công ty Trường Lưu. Lâu nay con đã học nghiệp vụ này rồi. Nhiệm vụ của con là nhận và đổi ra tiền Sài Gòn ngay. Sau đó, sẽ có người đến nhận tiền để gởi ra căn cứ.
– Thế hả mẹ? Công việc này, con nghĩ, chắc cũng không khó, vì ngân hàng nào cũng vậy, phải căn cứ vào những yêu cầu của khách hàng để thực hiện nghiệp vụ. Đó là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng mà. Con đã nắm vững khi đi thực tập về chuyên đề này rồi. Mẹ yên tâm.
– Ừ… Tuy vậy, dù công việc này có bình thường, đơn giản đi chăng nữa, nhưng con phải hết sức cẩn thận, thật kín kẽ, đúng quy định của ngân hàng. Và tuyệt đối không để người đến nhận tiền biết mặt mình. Đó là nhiệm vụ thứ nhứt. Nhiệm vụ thứ hai mới hết sức quan trọng, có tính quyết định. Có nó mới có nhiệm vụ thứ nhứt… – Chị nói thầm với con…
– Dạ! Con hiểu rồi.
Trường Giang nghe mẹ phổ biến nhiệm vụ của mình mà lòng cảm thấy lâng lâng, nửa vui mừng, nửa lo lắng. Lo lắng vì không biết sắp đến mình sẽ được ngân hàng nào tuyển dụng vào đây? Phải tìm hiểu kỹ trước khi nộp đơn. Anh nói tiếp:
– Mẹ ạ, mấy hôm nay con đã đi tìm hiểu các ngân hàng thương mại trong nước như Việt Nam Thương Tín, Đông Phương Ngân hàng, Tín Nghĩa Ngân hàng… và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Sài Gòn rồi. Theo con được biết, họ rất muốn con về làm việc cho họ. Con đang suy tính nên xin vào ngân hàng nào.
– Chọn ngân hàng nào, trong nước hay nước ngoài là tùy con. Nhưng phải xuất phát từ mục đích chính của mình như mẹ đã nói, con à.
Trường Giang suy nghĩ hồi lâu như đang giải một bài toán khó.
– Mẹ nè, theo như mẹ bảo, nhiệm vụ của con là thế… nên con nghĩ, nên chọn ngân hàng nước ngoài là tốt nhứt. Dù sao, ngân hàng nước ngoài cũng ít bị nghi ngờ. Còn đối với những ngân hàng bản xứ, cần phòng xa là hơn. Có thể bọn Mật vụ họ theo dõi. Nhiều rủi ro lắm, mẹ à.
– Con nói đúng đấy! Phòng xa là tốt nhứt. Công việc này càng nhìn thấy trước được mọi vấn đề, mọi rủi ro, bất lợi như con nói thì càng có điều kiện để mình chủ động đối phó, tránh được nguy hiểm. Nhưng dù được làm việc ở ngân hàng nước ngoài đi nữa, con cũng phải hết sức cẩn trọng. Việc xử lý bộ chứng từ phải hết sức kín kẽ, tinh vi, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối. Vì nó còn liên quan đến cả hệ thống đường dây từ trong nước ra nước ngoài. Đó là nghiệp vụ chuyên môn của con… mẹ không rành.
– Dạ vâng. Khi nào thực sự bắt tay vào công việc, con sẽ bàn tính kỹ lưỡng, cụ thể, chi tiết với mẹ…
– Ừ… An toàn, bảo mật là trên hết, con à. Mẹ trao đổi trước với con như thế này: Theo quy ước với “khách hàng nước ngoài”, những hàng hóa xuất khẩu của Công ty Trường Lưu chỉ thanh toán bằng phương thức “chấp nhận trả ngay” (D/P) nên có dễ dàng, thuận lợi hơn các phương thức thanh toán khác. Tuy vậy, không phải vì thế mà mình lơ là, mất cảnh giác, chủ quan nghe con.
– Phương thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả ngân hàng và khách hàng đó mẹ. Ủa! Mẹ cũng rành nghiệp vụ này sao? – Anh ngạc nhiên hỏi mẹ.
– Đâu có. Các chú, các anh chị ở chiến khu bày cho mẹ đó. Trong thời gian con ở bển, mẹ được đưa ra R để học nhanh một số nghiệp vụ thanh toán quốc tế, rồi về tìm sách đọc thêm. Nó rối tù mù, tùm lum, tà la. Thực ra, mẹ chỉ biết duy nhất một cách thanh toán này thôi. Mà đâu cần biết nhiều như con. Có con trai mẹ lo rồi. Chu cha, chú Hai nhìn xa, trông rộng mới có ngày hôm nay đây.
Chị mỉm cười nhìn con. Nhưng trong lòng vẫn còn lo lắng ngay ngáy trăm bề. Lo lắng nhất là không biết con trai có tìm được công việc phù hợp hay không? Chị cầu mong cho con chọn được ngân hàng nào đó và làm công việc đúng như sự chỉ đạo yêu cầu của cấp trên.
Từ lúc nghe mẹ giao nhiệm vụ, Trường Giang mới thực sự vỡ lẽ ra nhiều vấn đề… Và càng hiểu một cách đầy đủ, thấu đáo về ngành học của mình trước đây. Ông bà xưa nói Mượn đầu heo nấu cháo là một trong những phương sách hay. Anh nghĩ, việc chọn ngành học, nghề nghiệp chuyên môn cho mình của chú Hai Lãm và của mẹ là một ý tưởng sâu xa, độc đáo. Và có lẽ, một trong những điều tuyệt vời nhất, vui nhất, thú vị nhất là: những đứa con của đối phương đã được kẻ thù đào tạo. Lại không tốn xu nào. Phải không mẹ, phải không chú Hai? Anh vừa mừng, vừa cười thầm mà mắt rơm rớm, chực trào ra. Thương mẹ, thương chú Hai quá. Nhưng anh đâu biết, đó là chiến lược “cài người, ém quân” của ông Nhiên cách đây hơn chục năm rồi. Tầm nhìn xa, trông rộng của ông Nhiên cũng chẳng bõ công. Dù sao đi nữa, đến giờ phút này có thể nói phương sách “cài cắm” này đã thành công tốt đẹp và rất cơ bản.
Tuy vậy, nó mới đi được một chặng đường ngắn, dù đó là một chặng đường ngót nghét đã hơn mười năm rồi. Còn chặng đường tiếp theo, hoạt động với cả một hệ thống mắt xích, dây chuyền từ trong nước ra nước ngoài mới là gian nan, thử thách, cam go, nguy hiểm, khó khăn gấp cả trăm ngàn lần, không thể lường trước và lường hết được. Và ông Nhiên đã suy nghĩ, đã tính toán nhiều phương án, nhiều nước cờ để “con tuấn mã” của mình tung vó nhanh, an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào trận chiến đấu cuối cùng này.
Với tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu, qua kiểm tra, phỏng vấn, Ban Nhân sự Ngân hàng HSBC đã nhận xét, đánh giá: Thí sinh rất xuất sắc, đạt điểm tối ưu. Ngay sau đó mấy ngày, Ngân hàng HSBC đồng ý tiếp nhận và anh được bố trí công việc theo đúng nguyện vọng của anh. Nhận được quyết định vào làm việc ở ngân hàng danh giá này, Trường Giang mừng khấp khởi. Một cảm giác sung sướng chạy rân khắp người còn hơn khi thi đậu tú tài toàn kia đấy. Bởi đây là ngân hàng thương mại cổ phần có thương hiệu danh giá trên thương trường quốc tế, có quy mô về tài sản rất lớn, là một ngân hàng nổi tiếng, lừng danh nhất nhì trên thế giới. Nó có mạng lưới chi nhánh hoạt động gần như hầu khắp các nước; có bề dày hoạt động trên trăm năm rồi.
Mẹ anh quá vui mừng và cũng rất tự hào về đứa con của mình. Hôm đó, cả nhà đi liên hoan mừng cho Trường Giang. Ngay hôm sau, chị liền báo cáo lên cấp trên để chuẩn bị phối hợp hoạt động. Nhận được báo cáo này của chị, ông Nhiên rất hài lòng. Ông lặng người đi trong sung sướng. Niềm vui của người chỉ huy đã bao năm dày công xây dựng và đợi chờ, giờ đây đã thành hiện thực. Ông liền chỉ đạo mạng lưới H25 triển khai thực hiện ngay kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, nghĩa là từ ngày ông nhận được báo cáo: Trường Giang đã tốt nghiệp đại học, đang chuẩn bị về nước. Ông nói như người chơi cờ tướng với anh Bốn Nghĩa – người trực tiếp liên lạc với chị Tân thay anh Hai Lãm:
– “Con tuấn mã” đã sang sông rồi. Ta phải chuẩn bị thật tốt cho nó vào cuộc… – Ông mỉm cười, nói tiếp: – Ta cần phải bài binh, bố trận trong, ngoài cho thật khớp, thật kín kỹ. Tuyệt đối không được để sơ hở nước cờ nào.
– Dạ, báo cáo anh, “ở ngoài” đã chuẩn bị sẵn sàng phối hợp. Em đề nghị, sau khi “con tuấn mã” đã ổn định được vị trí thuận lợi, ta sẽ bắt đầu đi thử một nước để biết sự vận hành của công việc như thế nào và rút kinh nghiệm, anh ạ. – Bốn Nghĩa nói.
– Rất đúng! Tôi đồng ý! Từ hôm nay, cậu không được rời mục tiêu này nhé!
– Xin tuân lệnh.

*

Sau hai tháng thử việc trên vị trí chuyên viên Phòng Quan hệ quốc tế, Trường Giang được ông tổng giám đốc – người Mỹ – gọi lên phòng làm việc. Anh có linh tính là điềm lành. Bởi lâu nay anh làm việc rất chăm chỉ, hăng say, tích cực, mẫn cán, cật lực. Không có sai sót, nhầm lẫn. Không vi phạm điều gì về quy trình. Luôn thể hiện tính sáng tạo, chủ động, năng động nổi trội hơn các đồng nghiệp khác. Biết làm việc theo nhóm và thể hiện là chim đầu đàn, đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao lại có nhiều đề xuất, sáng kiến, được ban lãnh đạo và đồng nghiệp nhận xét, đánh giá cao. Trong đó, anh đã tham mưu, đề nghị lên ban lãnh đạo xử lý, quyết định nhiều thương vụ mua bán ngoại, đầu tư trái phiếu, bất động sản đem lại lợi nhuận ngoài mong đợi. Tính tình lại điềm đạm, rất khiêm tốn, không khoa trương…
Nhìn chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, chững chạc, đôi mắt sáng tinh anh, cương nghị, toát ra nét thông minh, ông Tổng giám đốc nở nụ cười rất tươi. Bắt tay anh thân mật. Mời ngồi. Ông vui vẻ nói:
– Thời gian qua, tôi nhận thấy anh làm việc rất tốt. – Ông cười, tỏ ý hài lòng, nói tiếp: -Tôi và Ban Lãnh đạo đánh giá cao khả năng, trình độ chuyên môn, tham mưu, xử lý công việc của anh. Hôm nay tôi quyết định giao anh làm manager (Trưởng phòng) Quan hệ quốc tế, phụ trách luôn nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Anh thấy thế nào? Có đảm đương được nhiệm vụ này không?
– Dạ, thưa ông! Tự xét năng lực của mình, tôi làm được. Tôi sẽ không phụ lòng tin tưởng của ông! – Nhìn vào mắt ông Tổng giám đốc với vẻ cương nghị, tự tin, anh khẳng định bằng câu trả lời ngắn gọn. Anh biết rõ, đối với người nước ngoài, trong công việc, không cần màu mè, vòng vo. Chỉ cần có hai từ: Yes or No. (Được hay không được) là đủ rồi.
– Ok! Ngày mai, anh nhận quyết định. Chúc anh may mắn và thành công!
– Thank you very much! (Xin cảm ơn ông!)
Không thể tả hết niềm vui. Sau giờ làm việc, anh phóng xe Vespa (mẹ mới mua tặng khi anh mới về nước) về nhà ngay. Anh ùa vào nhà như cơn gió lốc, khoe với mẹ như hồi còn trẻ con:
– Mẹ ơi! Con đã được thăng chức trưởng phòng rồi! Manager đấy! Nhưng con mừng nhất là công việc được giao đúng y như mẹ mong đợi đó.
– Ừ! Thế thì tốt quá! Tốt quá! Mẹ chúc mừng con trai của mẹ…
Chị sung sướng vui mừng đến rơm rớm nước mắt. Niềm vui ngày một dâng tràn. Và nỗi lo lắng cũng ngày một tăng lên. Chị dặn dò con trai:
– Mẹ nghĩ, trên cương vị mới này, con cần thể hiện tốt khả năng, trình độ chuyên môn, vị trí, vai trò của mình. Trong giao tiếp con cũng phải hết sức tế nhị, lịch sự, giữ mình… Mẹ chưa biết người nước ngoài làm việc như thế nào?
– Dạ… Theo con được biết, người ngoại quốc, họ rất sòng phẳng, không vị nể, không thành kiến, không thò me thóc mách đến đời riêng người khác, mẹ ạ. Họ chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng của công việc thôi. Trong công việc, họ rất coi trọng sự sáng tạo, sáng kiến, các đề xuất mới, không thụ động máy móc và phải giữ chữ tín. Phân biệt cấp trên, cấp dưới rõ ràng, giờ giấc nghiêm túc…
– Chà, như vậy thì bắt buộc mình phải luôn cố gắng phấn đấu…chứ không thì sẽ bị loại ngay, con à.
– Dạ đúng vậy. Con nhận thấy, hệ thống tổ chức quản lý, điều hành công việc của họ thật tuyệt vời, rất khoa học như một cái máy. Bấm vào đâu là có ngay. Nhanh và chính xác. Tất cả nhân viên tự giác thực thi công vụ rất mẫn cán, có trách nhiệm.
– Trong môi trường làm việc như vậy, chắc có nhiều áp lực lắm? Con phải hết sức cố gắng đấy! Cố gắng thể hiện mình và giữ mình con ạ.
– Dạ vâng! Con rất thích cung cách, tác phong làm việc như vậy, mẹ ạ.
Từ hôm nhận được quyết định bổ nhiệm, Trường Giang thấy mình như đã “lớn lên” một chút. Đúng hơn, từ lúc mẹ giao nhiệm vụ hoạt động bí mật này kia. Anh cảm thấy bồn chồn, hồi hộp vô cùng, nhưng cũng rất phấn chấn khi nghĩ, từ nay mình được sát cánh, kề vai bên mẹ để làm nhiệm vụ “bí mật” này. Ba mà biết được, chắc vui lắm. Trường Giang mừng nhất, mừng hơn việc được thăng chức, đó là được ông tổng giám đốc ngân hàng tin tưởng giao luôn nhiệm vụ phụ trách mảng “thanh toán quốc tế”. Nghĩa là, anh càng có điều kiện thuận lợi để thực hiện trôi chảy công việc nhận và “chế biến ngoại tệ” theo sự chỉ đạo trực tiếp của mẹ. Yêu cầu số một là phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, chỉn chu, khôn khéo, kín kẽ.
Chị Tân thấy yên lòng, tin tưởng dõi theo từng bước đi của con. Chị biết tính con trai điềm đạm, không bốc đồng, rất hợp với công việc này. Một cảm giác thư thản, êm ái – như đã bớt đi phần nào bao nỗi lo lắng, muộn phiền – đang ngập tràn trong lòng chị từ trước đến nay không sao kể hết. Từ lâu lắm rồi, hôm nay chị mới có một nụ cười mãn nguyện. Ôi! Nếu anh biết được chuyện con chúng mình đã khôn lớn, trưởng thành và nó đang cùng em gánh vác, chia sẻ công việc của cách mạng giao cho nhỉ! Một niềm vui không gì sánh nổi đang lan tỏa, chạy rân rân khắp người chị.
Đêm đó, chị Tân không sao chợp mắt được. Nhớ chồng, thương con, suy nghĩ về công việc luôn bấn lên trong đầu, chen lẫn với bao niềm vui đang đến.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây