André Gide, một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỉ XX

André Gide, một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỉ XX
André Gide. Ảnh: The WOW Report.

André Gide, một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỉ XX

André Gide (22/11/1869 – 19/02/1951), là một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỉ XX. Ông chọn chủ đề cho sáng tác của mình là khát vọng vươn đến tự do và phát triển, phê phán các thể chế xã hội hạn chế tự do cá nhân. Ông được tặng Giải Nobel Văn học năm 1947 vì những tác phẩm sâu sắc và có giá trị nghệ thuật, trong đó những vấn đề về con người được đặt ra với một tình yêu chân lí mãnh liệt và sự phân tích tâm lí sắc bén.

Tiểu sử

André Paul Guillaume Gide là con trai một giáo sư luật học, sớm mồ côi cha, chịu sự giáo dục nghiêm khắc kiểu Thanh giáo của mẹ. Khi còn là học trò trung học, A. Gide đã quyết định cống hiến trọn đời cho nghệ thuật. Sáng tác đầu tay của ông là cuốn tự truyện Những cuốn vở của André Walter (1891) viết bằng thơ và văn xuôi đầy chất thơ, kể về sự giằng xé, giày vò giữa thể xác và tâm hồn và sự tìm kiếm lối thoát trong các hình thái thần bí và thanh cao của tình yêu.

Do bị bệnh lao không phải chịu quân dịch, những năm 1893-1894 A. Gide du lịch sang Algeria và Tunisia, nơi ông phát hiện ra mình bị đồng tính luyến ái. Thời gian khủng hoảng kéo dài được ghi nhận bởi sự bất ổn tinh thần và những kiếm tìm chân lí thể hiện trong truyện vừa Cuộc trở về của đứa con du đãng (1907). Về mặt phong cách, A. Gide đã khắc phục lối viết cầu kì ban đầu, đến với một ngôn ngữ giản dị rõ ràng. Năm 1908, ông trở thành người đồng sáng lập Tổng quan mới của nước Pháp, một trong những tạp chí có ảnh hưởng đối với sự phát triển nền văn học Pháp và thế giới.

Tiểu thuyết châm biếm Những động ngầm dưới Vatican (1914) đặt vấn đề về sự chấp nhận một cách mê muội những tín ngưỡng và lí tưởng. Năm 1926, tiểu thuyết Những kẻ làm bạc giả ra đời mang lại nhiều thành công cho ông, đó là một đóng góp thực sự vào sự phát triển thể loại tiểu thuyết. Một năm sau khi xuất bản truyện vừa Theseus (1946) – mà ông coi như một bức di thư văn học – A. Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng Giải Nobel năm 1947. Vì lí do sức khỏe, A. Gide không đến dự lễ trao giải. Diễn từ Nobel của ông do Đại sứ Pháp ở Thụy Điển đọc thay. Năm 1950, A. Gide xuất bản tập cuối cùng của bộ Nhật kí (được viết từ năm 1889, gồm hơn một triệu từ tiếng Pháp). Nhà văn mất năm 1951. Cuốn sách tự truyện gia đình cuối cùng Và ngày hôm nay đang ở trong em được in sau khi ông mất.

* Tác phẩm:

 Những cuốn vở của André Walter (Les cachiers d’Andre Walter, 1891), tự truyện, [The Notebook of Andre Walter].
– Thơ của André Walter (Les poésies d’Andre Walter, 1892).
 Luận về Narcisse (Le traité du Narcisse, 1893).
– Cuộc hành trình của Urien (Le voyage d’Urien, 1893).
 Bãi lầy (Paludes, 1895), tiểu thuyết, [Marsh Land].
 Dưỡng chất trần gian (Les nourritures terrestres, 1897), tiểu thuyết, [Fruits of the Earth].
 Promethee lỏng xiềng (Le Prométhée mal enchainé, 1899), tiểu thuyết, [Prometheus Illbound].
 Kẻ vô luân (L’immoraliste, 1902), tiểu thuyết, [The Immoraist].
 Cuộc trở về của đứa con du đãng (Le retour de l’enfant prodigue, 1907), truyện vừa, [The Return of the Prodigal].
 Khung cửa hẹp (La porte étroite, 1909), tiểu thuyết, [Strait is the Gate].
– Isabelle (1911), tiểu thuyết.
 Những động ngầm dưới Vatican (Les caves du Vatican, 1914), tiểu thuyết, [The Vatican Cellars].
 Khúc nhạc đồng quê (La symphonie pastorale, 1919), tiểu thuyết, [The Pastoral Symphony].
 Nếu hạt giống không chết (Si le grain ne meurt, 1924), tự truyện, [If It Die…].
– Corydon (1918-1924), đối thoại.
– Anh từ đâu(Numquid et tu…?, 1926), kí.
 Những kẻ làm bạc giả (Les faux monnayeurs, 1926), tiểu thuyết, [The Counterfeiters].
 Chuyến đi Congo (Voyage au Congo, 1927), tiểu thuyết.
– Trở về từ Tchad (Le retour du Tchad, 1928), du kí.
 Trường học của phụ nữ (L’école des femmes, 1929), tiểu thuyết, [The School of Wives].
– Robert (1930), tiểu thuyết.
 Œdipe (1931), kịch.
– Dưỡng chất mới (Les nouvelles nourritures, 1935), tiểu thuyết.
– Genevière (1936), tiểu thuyết.
 Trở về từ Liên Xô (Retour de L’U.S.S.R, 1936), kí.
 Theseus (Thésée, 1946), tiểu thuyết.
– Nhật kí (Journal, 1950).
– Và ngày hôm nay đang ở trong em (Et nune manet in te, 1951), tự truyện gia đình, [The Secret Drama of My Life].
– Thư từ (Correspondances).

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

– Tiếng đoạn trường (nguyên tác: La porte étroite, tiểu thuyết tâm lí), Đỗ Đình Thạch dịch, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, édition Nam Ký, 1937.
– Khúc nhạc đồng quê (tiểu thuyết), Đào Đăng Vỹ dịch, édition Carrefours du Monde (Tủ sách “Ngã ba thế giới”), 1954.
– Hòa âm điền dã (nguyên tác: La symphonie pastorale, tiểu thuyết), Bùi Giáng dịch, Nxb Quế Sơn, 1969.
– Vỡ mộng (nguyên tác: Isabelle), Bửu Ýdịch, Nxb Khai trí, 1970.
– Dưỡng chất trần gian, Bùi Giáng dịch, in trong Sương tỳ hải, Nxb An Tiêm, 1972.
– Dostoievski với chân trời văn học Nga (bài viết và nói chuyện), Bửu Ý dịch, Nxb An Tiêm, 1974.
– Kẻ vô luân, Bửu Ý dịch, Nxb An Tiêm, trước 1975.
– Khung cửa hẹp (tiểu thuyết), Vân Mồng dịch, Nxb Quế Sơn, 1972; Nxb An Tiêm, 1973 (in lần 5); NXB Hội Nhà Văn, 1999.
– Khung cửa hẹp (tiểu thuyết), Bùi Giáng dịch, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005.
– Khúc nhạc lòng của vị mục sư (nguyên tác: La symphonie pastorale, tiểu thuyết)Vân Mồng dịch, Nxb Đà Nẵng, 1990.
– Trường tình (nguyên tác: Lécole des femmes, tiểu thuyết), Nguyễn Thăng dịch, Nxb Hội Nhà văn, 1990.
– Bọn làm bạc giả (nguyên tác: Les faux monnayeurs, tiểu thuyết)Bửu Ý dịch, Nxb An Tiêm, 1971.
– Bọn làm bạc giả (nguyên tác: Les faux monnayeurs, tiểu thuyết), Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Văn học, 1992.
– Những kẻ làm bạc giả (tiểu thuyết), Phạm Văn Vịnh dịch, Nxb Công an Nhân dân, 2004.
­– André Gide: Đời văn và tác phẩm, Lộc Phương Thủy dịch tóm tắt và giới thiệu một số tác phẩm của André Gide, Nxb Khoa học Xã hội, 2002.

­* Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển(2):

Trên trang đầu của một tờ báo đáng chú ý mà André Gide đã nắm giữ nửa thế kỷ qua, tác giả, khi đó mới hai mươi tuổi, phát hiện ra khả năng của mình trên tầng sáu của một nhà cao tầng ở khu phố Latinh, trong lúc tìm nơi để tổ chức gặp mặt cho “Những người theo chủ nghĩa biểu tượng”, nhóm những người trẻ tuổi mà anh là một thành viên. Qua khung cửa sổ, anh nhìn thấy sông Seine và nhà thờ Đức Bà Paris dưới ánh hoàng hôn một ngày mùa thu và cảm thấy mình như một nhân vật trong tiểu thuyết của Balzac, một Rastignac sẵn sàng chinh phục thành phố đang nằm ngay dưới chân anh: “Và bây giờ, hai chúng ta!” Tuy nhiên, Gide có hoài bão khám phá những con đường dài ngoằn ngoèo phía trước và ông cũng không bằng lòng với những chiến thắng dễ dàng.

Nhà văn 78 tuổi, người được trao Giải Nobel Văn học năm nay, luôn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Từ những ngày đầu của sự nghiệp văn chương, ông đã tự đặt mình vào hàng những người đi đầu trong việc gieo mầm cho những khắc khoải tâm hồn. Bất chấp, điều này, ngày hôm nay ông vẫn được coi là một trong những tên tuổi sáng chói nhất trong làng văn học Pháp, và ảnh hưởng của ông vẫn không suy giảm  qua nhiều thế hệ. Những tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện vào những năm 1890 và tác phẩm cuối cùng được viết vào mùa xuân năm 1947. Một giai đoạn vô cùng quan trọng trong lịch sử tinh thần Châu Âu được phác họa trong tác phẩm của ông, đó là nguồn gốc bi kịch của cả cuộc đời ông. Ta có thể hỏi tại sao mãi cho đến gần đây người ta mới thừa nhận giá trị đích thực tác phẩm ông đúng như tầm vóc của nó. Lí do là André Gide thuộc tầng lớp những nhà văn mà muốn đánh giá đúng giá trị của họ cần phải có độ lùi lớn và một không gian thích hợp để có thể tương xứng với ba giai đoạn của quá trình biện chứng. Hơn bất kì một người cùng thời nào, Gide là con người của những mặt đối lập, một Proteus thực thụ của những thái độ thay đổi liên tục, nghiên cứu không mệt mỏi những thái cực đối lập để làm bật lên những tia sáng chói lòa. Chính vì thế, tác phẩm của ông nhìn bề ngoài là một cuộc hội thoại triền miên, trong đó lòng trung thành không ngừng đấu tranh chống lại sự hoài nghi, sự khổ hạnh chống lại tình yêu cuộc sống, kỉ cương chống lại nhu cầu tự do. Thậm chí cuộc sống bề ngoài của ông cũng hay thay đổi và biến động. Những chuyến đi của ông mà ai cũng biết, như lần tới Congo vào năm 1927 và tới Nga vào năm 1935, đã đủ để chứng minh rằng ông không muốn được xếp vào một trong số những nhà văn muốn được sống bình lặng ở quê nhà.

Gide xuất thân trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Địa vị xã hội ấy cho phép ông tự do theo đuổi thiên hướng của mình và được toàn tâm toàn ý hơn những người khác trong việc trau dồi nhân cách và phát triển nội tâm của bản thân. Ông đã miêu tả môi trường gia đình này trong một tự truyện có tên Nếu hạt giống không chết (Si le grain ne meurt, 1924) được lấy từ lời của thánh John về hạt lúa mì phải chết trước khi ra hoa kết trái. Mặc dù phản kháng mạnh mẽ sự giáo dục Thanh giáo mà mình phải chịu đựng, suốt đời ông chuyên tâm vào những vấn đề cơ bản của đạo đức và tôn giáo, và thỉnh thoảng ông vẽ lên bức thông điệp hiếm thấy của tình yêu đạo Cơ đốc, đặc biệt trong tiểu thuyết ngắn có tên Khung cửa hẹp (La Porte étroite, 1909), một tiểu thuyết xứng đáng ngang tầm với những bi kịch của Racine.

Mặt khác, người ta tìm thấy trong André Gide những biểu hiện còn mạnh mẽ hơn “thuyết phi đạo đức” nổi tiếng, một khái niệm mà các địch thủ của ông thường hiểu sai. Trên thực tế, thuyết ấy đề cập đến hành động tự do, hành động “vu vơ”, sự giải phóng khỏi tất cả những dồn nén lương tâm, một cái gì đó tựa như cái mà Thoreau, nhà văn Hoa Kì sống ẩn dật, diễn tả “Cái tồi tệ nhất trên cõi đời là kẻ buôn bán linh hồn con người tán tận lương tâm”. Ta nên nhớ rằng Gide thường hơi khó thể hiện những thứ không có chút đức hạnh nào lại chính là đạo đức. Dưỡng chất trần gian (Les Nourritures terrestres, 1897) là một thử sức khi còn trẻ là huớng sáng tác mà sau đó ông lại bỏ đi, và những niềm vui muôn hình muôn vẻ mà ông đã say sưa ngợi ca gợi lên cho chúng ta những trái cây ngọt ngào của miền đất phương Nam nhưng không được giữ gìn. Lời khích lệ mà ông hướng về các môn đệ và độc giả của mình “Và bây giờ, ném sách của tôi đi. Hãy để mặc tôi!” đã được chính ông tuân theo triệt để nhất trong những sáng tác sau này. Nhưng cái để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất, trong Les Nourritures terrestres cũng như những tác phẩm khác, là chất thơ đậm đà của sự chia li, của sự trở lại, được ông nắm bắt hết sức tài tình tạo nên nhạc điệu du dương cho văn xuôi của ông. Ta sẽ luôn phát hiện lại nó, ví dụ trong đoạn mở đầu nhật kí được viết sau này, gần một nhà thờ hồi giáo ở Brusa vào một buổi sáng tháng Năm: “A! Lại bắt đầu và bắt đầu một lần nữa. Lại bắt đầu rung lên ngây ngất với sự nhạy cảm của các tế bào mà các xúc động tràn vào như sữa… Hỡi những bụi cây trong các khu vườn rậm rạp, hỡi các bông hồng của sự trắng trong, bông hồng lười nhác núp dưới những cây tiêu huyền, có lẽ nào các ngươi không biết đến thời thanh xuân của ta? Các ngươi biết rồi? Phải chăng đó là một kỉ niệm mà trong đó ta sống mãi? Chính ta là kẻ đứng trong góc nhỏ của thánh đường Hồi giáo, chính ta đang thở và yêu các ngươi? Hay ta chỉ là kẻ yêu các ngươi trong mơ? Nếu đúng là từng có thật, hẳn con chim én ấy đã có thể lén đến cho nên gần ta?”.

Đằng sau những thay đổi liên miên và lạ lùng theo luật xa gần mà các tác phẩm của Gide cống hiến cho chúng ta, trong những cuốn tiểu thuyết cũng như trong các bài tiểu luận, trong các nhật kí du lịch, hoặc trong những bài phân tích về những sự kiện đương thời, chúng ta luôn luôn thấy cùng một đầu óc linh hoạt, cùng một hệ tâm lí trong sáng, được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ đạt đến độ rõ ràng cổ điển và đa dạng tinh vi thông qua những cách thức nghiêm ngặt. Không đi vào chi tiết các tác phẩm, chúng ta hãy đề cập đến tác phẩm nổi tiếng có tên là Bọn làm bạc giả (Les Faux Monnayeurs, 1926), với những phân tích táo bạo và sắc sảo về một nhóm người Pháp trẻ. Thông qua tính mới lạ về kĩ thuật của nó, tiểu thuyết này đã tạo nên cả một khuynh hướng hoàn toàn mới trong nghệ thuật viết truyện đương thời. Tiếp theo cuốn tiểu thuyết ấy là một loạt tập hồi kí cũng đã được quan tâm, trong đó tác giả chủ tâm kể lại cuộc đời của mình một cách hoàn toàn chân thật, không thêm bất kì điều gì, có thể trở thành ưu điểm của ông hoặc giấu đi những cái khiến người đọc không hài lòng. Rousseau cũng có cùng một sự quan tâm, nhưng khác ở chỗ Rousseau đã phơi bày những lỗi lầm của mình, với niềm tin rằng tất cả mọi người đều xấu như ông, không một ai dám phán xét và lên án ông. Tuy nhiên, Gide chỉ đơn giản từ chối chấp nhận để cho những người bạn của ông đưa ra bất kì lời phán xét nào về ông. Ông chính thức yêu cầu một tòa án cao hơn, một phạm vi rộng lớn hơn, trong đó ông sẽ tự trình diện trước đôi mắt uy quyền tối cao của Chúa. Vì vậy, ý nghĩa của những hồi kì này được chỉ ra trong những đoạn trích kì diệu từ kinh thánh về hạt lúa, ở đây là biểu tượng của con người: chừng nào nó còn tri giác, ý thức và coi mình là trung tâm, chừng ấy nó vẫn tồn tại độc lập mà không nảy sinh quyền lực, nó chỉ có được cuộc sống và có thể đơm hoa kết trái bằng cái giá của cái chết và sự biến hóa của bản thân. Gide viết rằng: “Tôi không cho rằng đó là cách thức nhìn nhận hay đối phó với vấn đề đạo đức và tôn giáo mà tôi đã không hề hiểu biết và biến thành của mình vào một vài thời điểm trong cuộc sống của tôi. Thực tế, tôi từng muốn dung hòa phần lớn các quan điểm khác nhau bằng cách không loại bỏ cái gì và sẵn sàng nhờ cậy Jesus Christ phân xử sự tranh chấp giữa Dionysus và Apollo”.

Một lời phát biểu như vậy đã rọi ánh sáng vào sự linh hoạt của tư duy mà Gide thường bị khiển trách và hiểu lầm, nhưng cái đó không dẫn ông đến sự phản bội chính ông. Triết học của ông có xu hướng hướng tới sự phục hưng bằng bất kì giá nào và không quên gợi lên con phượng hoàng thần diệu ra khỏi cái tổ bốc cháy của mình lao vào một tuyến bay mới.

Trong những hoàn cảnh như bây giờ, với lòng biết ơn đầy khâm phục dạt dào, chúng ta muốn dừng lại mãi trước những đề tài then chốt và những tư tuởng phong phú trong tác phẩm ông. Việc chúng ta bỏ qua những phê bình dè dặt là tự nhiên bởi chính ông cũng thích khuấy lên. Thậm chí khi tuổi đã cao, ông cũng không bao giờ tranh biện cho sự chấp nhận đầy đủ và toàn diện các trải nghiệm và kết luận của mình. Điều mà ông mong muốn nhất là khuấy động cho bật lên và trình bày các vấn đề trong tương lai, ảnh hưởng của ông sẽ được ghi nhận trong sự chấp nhận toàn bộ hầu như chắc chắn ít hơn trong cuộc tranh cãi sôi nổi xung quanh tác phẩm của ông. Và nền tảng sự vĩ đại thực sự của ông nằm trong điều này.

Tác phẩm của ông có những trang khiêu khích tựa như thách thức thông qua sự dũng cảm sám hối gần như vô tiền khoáng hậu. Ông ước mong đánh bại những người Pharisees, nhưng ở chiến trường, thật khó tránh đụng chạm đến những chuẩn mực khá tế nhị nào đấy của tính người. Chúng ta cần luôn nhớ rằng phương pháp hành động đó là hình thức của tình yêu sục sôi đối với sự thật, tình yêu từ thời Montaigne và Rousseau đã vẫn là một tiền đề của văn học Pháp. Qua mọi giai đoạn tiến triển của mình, Gide luôn tỏ ra là một người bảo vệ đích thực tính toàn vẹn của văn học, xây dựng quan điểm của mình trên quyền và nghĩa vụ của cá nhân được trình bày dứt khoát và ngay thẳng các vấn đề của nền văn học ấy.

Xuất phát từ quan điểm như vậy, cả cuộc đời hoạt động dài và đa dạng của ông, vốn được triển khai trên rất nhiều bình diện đã chung đúc nên một giá trị cao cả phải dày công mới đạt tới được.

Ngài André Gide đã tuyên bố chấp nhận giải thưởng dành cho ông với lòng biết ơn sâu sắc, nhưng vì lí do sức khoẻ, ông không đến đây được. Cho nên phần thưởng của ông sẽ được gửi qua ngài Đại sứ Pháp.

Tân Đôn và Nguyễn Văn Quảng dịch từ bản tiếng Anh

(Nguồn: http://nobelprize.org)
Culture Globe

* Diễn từ(2):

Chắc chắn không cần phải nói nhiều về sự nuối tiếc của tôi vì đã không thể có mặt tại buổi lễ long trọng này, để tự mình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi tới quý vị; tôi đã buộc phải từ chối một chuyến đi hứa hẹn nhiều điều thú vị và bổ ích.

Thưa quý vị, tôi luôn từ chối những vinh dự, ít nhất là những vinh dự mà tôi, với tư cách một công dân Pháp, có thể mong đợi từ nước Pháp. Thưa quý vị, tôi phải thú nhận rằng tôi thực sự choáng ngợp khi bỗng nhiên được trao vinh hạnh lớn lao nhất mà một nhà văn có thể ao ước. Bao năm nay tôi nghĩ rằng mình đang kêu gào giữa chốn không người, về sau tôi nghĩ mình chỉ lên tiếng với một số người rất ít ỏi. Nhưng hôm nay, quý vị đã chứng minh cho tôi thấy tôi đã đúng khi tin vào phẩm chất của con số ít ỏi đó, và sớm muộn nó sẽ trở thành chủ đạo.

Thưa quý vị, với tôi dường như những lá phiếu của quý vị dành cho sáng tác của tôi không nhiều bằng cho cái tinh thần độc lập mang lại sức sống cho chúng, cái tinh thần mà trong thời đại chúng ta đang phải đối mặt với những đòn tấn công từ mọi phía. Quý vị đã nhận ra tinh thần đó trong tôi, quý vị thấy cần phải thừa nhận và hỗ trợ nó; điều đó giúp tôi tràn đầy niềm tin và niềm mãn nguyện sâu sắc. Tuy nhiên, tôi không thể không nghĩ đến việc gần đây có một người ở Pháp cũng đại diện cho tinh thần này, thậm chí còn tốt hơn tôi. Tôi đang nghĩ đến Paul Valéry, người mà tôi ngày càng ngưỡng mộ kể từ khi làm bạn với ông trong suốt nửa thế kỷ, và chỉ vì cái chết mà ông không được đứng ở vị trí mà tôi đang đứng ngày hôm nay. Như tôi thường nói, với một niềm tôn kính thân thiết, tôi vẫn luôn luôn cung kính và không chút ủy mị cúi mình trước thiên tài của ông, thiên tài mà tôi luôn cảm thấy “người, quá đỗi là người”. Mong sao kí ức về ông hiện hữu trong buổi lễ này, buổi lễ mà trong mắt tôi ngày một ngời sáng khi đêm ngày một tối. Quý vị mời tinh thần tự do bước lên đài chiến thắng, và thông qua giải thưởng này, một giải thưởng được trao không phân biệt biên giới hay những bất đồng chia rẽ nhất thời của các đảng phái, quý vị đem lại cho tinh thần đó cơ hội bất ngờ được tỏa sáng trong ánh huy hoàng chói lọi.

Tân Đôn dịch từ bản tiếng Anh
Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính

(Nguồn: http://nobelprize.org)

—————————–

Ghi chú:

(1) Do Anders ệsterling, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

(2) Gabriel Puaux, Đại sứ Pháp, đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1947 tại Tòa Thị chính Stockholm.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây