Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm 2022 sẽ có diễn biến phức tạp, với lượng mưa lớn hơn trung bình hằng năm và có khả năng gây ra các đợt lũ lớn.

Nhằm phản ánh sự chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão của lực lượng vũ trang và một số địa phương, tổ chức loạt bài “Trước mùa mưa bão năm 2022”. Loạt bài nhằm khái quát bức tranh toàn cảnh về tình hình bão lụt trong những năm gần đây, đi sâu khảo sát tình hình công tác chuẩn bị của một số địa phương trọng điểm của lụt bão, như: Quảng Bình, Quảng Trị… Cùng đó, ghi nhận ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Từ đó, có những kiến nghị, giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lụt gây ra tại một số địa phương trọng điểm.

Bài 1: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân…

Thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng

Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD.

Bo Tai nguyen va moi truong cong bo vung nguy co bao nuoc bien dang va vung gio o dat lien min - Bài 1: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớnBộ Tài nguyên và môi trường công bố vùng nguy cơ bão, nước biển dâng và vùng gió ở đất liền. Minh họa: Tô Minh Ngọc.

Trong 5 năm qua, thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Năm 2018 có 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng. Đánh giá về những thiệt hại do thiên tai gây ra với đồng bào miền Trung năm 2020, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, những con số thiệt hại mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Theo ông, nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, khoảng 10 năm nữa may ra mới có thể phục hồi hoặc cũng có thể không bao giờ phục hồi được như trước đây.

Mua lu tai Binh Dinh nam 2016 min - Bài 1: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớnMưa lũ tại Bình Định năm 2016. Ảnh: Việt Cường

Dù được đánh giá là năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng trong năm 2021, thiên tai cũng làm 108 người chết, mất tích; 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ giữa tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ. Trong đó, bão số 9 (siêu bão Rai) mặc dù đã giảm cấp khi qua đất liền Philippines nhưng khi vào Biển Đông cường độ vẫn rất mạnh, ở cấp siêu bão, được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm qua, làm 37 người bị chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trong các loại hình thiên tai ở nước ta, bão lụt luôn có sức tàn phá lớn nhất, gây thiệt hại lớn nhất cả về con người và tài sản. Điều đáng nói là bão lũ trong những năm gần đây ngày càng diễn biến trái quy luật, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là hiện tượng La Nina xảy ra 3 năm liên tiếp, từ năm 2020. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, mưa bão sẽ dồn dập.

Đề phòng mưa bão cuối năm 2022

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Hội thảo “Phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai 2022″. Tại hội thảo, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10 – 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 4 – 6 cơn.

Luc luong vu trang Quan khu 5 giup dan trong mua lu min - Bài 1: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớnLực lượng vũ trang Quân khu 5 giúp dân trong mưa lũ. Ảnh: Việt Cường

Chia sẻ tại hội thảo, về mùa mưa bão năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, những pha lạnh khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt tại khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11.

Trong khi đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 2022 là năm thứ 3 liên tiếp thời tiết duy trì ở trạng thái La Nina. Đây là điều hiếm gặp và cảnh báo khả năng cao thiên tai vào cuối năm là dồn dập khi mưa nhiều, bão kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ. “Từ khoảng tháng 10, 11, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Khả năng cao thiên tai vào cuối năm là dồn dập khi mưa nhiều, bão kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc”, ông Hoàng Phúc Lâm đưa ra cảnh báo.

Thuy dien Hoa Binh min - Bài 1: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớnThủy điện Hòa Bình.

Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. Đối với miền Trung- Tây Nguyên, khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác, theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai khu vực này, cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cùng đó, nhanh chóng hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã, triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai… Các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai… (còn nữa)

Trong 5 năm qua, thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Năm 2018 có 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai làm 133 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10-2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35.800 tỷ đồng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây