Nguồn Internet.
Được làm dâu là niềm hạnh phúc của đa số các cô gái khi đến tuổi lập gia đình. Điều tưởng như thường tình đó lại trở nên không bình thường với người “chị” trong “Làm dâu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Bởi nhân vật thơ của chúng ta đang “làm dâu cuộc chiến tranh”.
Nói đến chiến tranh là nói đến đau thương chết chóc, đến mất mát chia lìa. Vậy là ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã như ngầm hé lộ cho người đọc thấy những bất trắc trong cuộc đời của “chị”. Trong chiến tranh, rất nhiều cô gái, chỉ vì một lời hứa hôn với người ra trận mà chấp nhận cả đời làm hòn vọng phu để đến khi đất nước hòa bình, người lính không trở về lại ngậm ngùi tiếc nuối: “Giá ngày xưa kịp lấy nhau/ Giờ này chắc đã con đầu bằng anh”. Tiếc nuối nhưng không ân hận. Bởi một khi đã “hứa hôn với lính” là sẽ nguyện sắt son, chung thủy trọn đời. Đó là điều đáng được ngợi ca song nó lại cũng chính là “nấm mồ” chôn vùi mãi mãi tuổi thanh xuân của họ. Người xưa có câu “trước làm nàng dâu sau làm mẹ chồng”. Nhân vật trữ tình làm sao được nếm trải thứ hạnh phúc bình dị ấy, khi mà “Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu”.
Nhưng còn xót xa hơn, cái nấm đất nơi nghĩa trang mà chị gọi thầm bằng anh ấy chỉ là một ngôi“mộ chưa có cốt rừng xanh gửi hồn”. Bởi vậy mà cứ “mỗi khi chim lợn kêu dồn” chị lại “khói hương khấn gió Trường sơn tìm mồ”. Thế là chị lại mất anh thêm một lần nữa! Biết đến bao giờ mới hết cảnh mòn mỏi: “Đất sâu đợi rỗng tiểu sành… Đêm về đội lén khăn sô” khi mà người lính ấy vẫn “nằm khoác ba lô mối đùn” nơi chiến trường ngút ngàn sương gió.
Nếu cách so sánh đầy ám ảnh đến gai người “đất sâu đợi rỗng tiểu sành” làm người đọc bàng hoàng thảng thốt. Thì hình ảnh chân thực nhưng gợi nhiều liên tưởng: “Đêm về đội lén khăn sô” với chữ “lén” được dùng quá đắt. Lén là làm một việc giấu giếm, vụng trộm, không được đàng hoàng. Lại khiến độc giả thêm ngậm ngùi, xót thương cho nhân vật thơ. Vậy là, ngay đến cả cái việc nghĩa tử nghĩa tận của người vợ với người chồng cũng không dám công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Thử hỏi còn nỗi bẽ bàng nào trớ trêu, chua xót hơn thế cho cái sự làm dâu của “chị”?
Với cái tứ quen thuộc, tác giả bình thường có thể cũng sẽ đưa lại cho người đọc một tác phẩm tròn trịa với bố cục chặt chẽ, chỉn chu. Song Trần Mạnh Hảo, bằng cái tài trong sử dụng ngôn ngữ, bằng cách nhìn, cách cảm sâu sắc, tinh tường thấu đáo tới mọi khuất lấp của nỗi đời, đã biến những câu chữ, những hình ảnh rất đời thường thành những câu thơ hay, ấn tượng và ám ảnh: “Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu; Đất sâu đợi rỗng tiểu sành; Đêm về đội lén khăn sô; Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng…”
Hai câu thơ cuối bài, thoạt nghe ngỡ nhẹ nhàng như không: “Gọi thầm nấm đất bằng anh/ Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng” mà đọc lên cứ nhói đau, cứ cay xè khóe mắt. Cả một đời “làm dâu”, cuối cùng “chị” cũng đã có được “anh”, nhưng chỉ là nấm đất, có được chồng, nhưng chỉ là “tấm cỏ xanh” không xương không cốt . Chị tự an ủi hay đang tự dối lòng mình? Một cái kết quá đau xót, quá thương tâm cho nhân vật thơ và cũng là số phận hẩm hiu, trớ trêu của biết bao người mẹ, người chị, người vợ đã phải gánh chịu chồng chất nỗi đau thương mà chiến tranh gây ra.
Tác phẩm của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, bên cạnh những sẻ chia chan chứa còn là tiếng lòng thương cảm, xót xa trước những bẽ bàng, nghịch cảnh trái ngang của những người phụ nữ đã không được sống một cuộc đời bình thường trong và sau những cuộc chiến./.