Bảo tồn di sản trên quan điểm “Bảo tồn thích ứng”

Bảo tồn di sản luôn là một lĩnh vực phức tạp, dù đã có lịch sử nghiên cứu và thực hiện nhiều năm nhưng những tranh luận về cách thức tiến hành bảo tồn vẫn chưa bao giờ kết thúc. Bởi thực tế câu hỏi “Bảo tồn để làm gì?” là câu hỏi có nhiều phương án trả lời khác nhau. Tạm phân loại ra 3 nhóm: Một là bảo tồn nguyên gốc để lưu giữ những giá trị đỉnh cao về văn hóa, nghệ thuật như một loại hình bảo tàng, để giáo dục cho các thế hệ; hai là bảo tồn để khai thác phát triển du lịch; ba là bảo tồn những di sản không vì kinh tế mà chỉ để gìn giữ tiếp nối những giá trị văn hóa ấy sống mãi với đời sau.

Những mục tiêu bảo tồn, cách bảo tồn di sản bản thân đã chứa đựng những xung đột, thậm chí không khoan nhượng ngay trong giới khoa học về làm bảo tồn. Vì nếu gìn giữ như một bảo tàng thì nguyên tắc gìn giữ nguyên gốc phải đặt lên hàng đầu, một viên gạch vỡ, một nền nhà cũ cũng vẫn giữ lại, nếu tu bổ mới cũng phải làm khác để nhận diện được dấu ấn làm của giai đọan mới so với yếu tố gốc. Còn với 2 mục tiêu sau đã cho những cách làm khác, ví dụ có sự thay đổi chức năng hoạt động trong công trình, mở rộng không gian, sự bổ sung một số loại hình kiến trúc dịch vụ… để phục vụ mục tiêu mới.

Trong một số bài báo trước, tác giả đã đưa lý luận “Bảo tồn thích ứng” như là một phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong làng xã truyền thống (2). Bài viết này làm rõ hơn những nguyên tắc, những cơ sở, những mặt tích cực và hạn chế, khả năng phát triển lý luận này thông qua những ví dụ, thực tiễn về việc bảo tồn các giá trị di sản trong các làng xã truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Hồng và một số đô thị hiện nay để làm rõ thêm lý luận này.

Cong lang Phu Xuyen min - Bảo tồn di sản trên quan điểm “Bảo tồn thích ứng”Cổng làng (Phú Xuyên) – Làng đang bị bê tông hoá, do thiếu yếu tố cây xanh (lũy tre cạnh cổng, bờ cỏ hai bên đường)…

Những nguyên tắc cơ bản

Bảo tồn thích ứng là phương pháp bảo tồn các di sản “sống”, nằm trong cộng đồng để gìn giữ, chuyển tiếp, bổ sung giá trị và có sự sáng tạo để tiếp tục đưa di sản sống với xã hội đương đại.

Nhìn chung, các cách bảo tồn đều dựa trên những nguyên tắc: Nhận diện, đánh giá giá trị và tu bổ tôn tạo, trong đó bảo vệ tối đa được các yếu tố gốc.

Quan điểm “Bảo tồn thích ứng” khác biệt với bảo tồn truyền thống cho các di tích đã được công nhận chính ở cách nhận diện đánh giá giá trị và ở cả cách bảo tồn những yếu tố gốc.

Thứ nhất: Xác định giá trị qua khoảng thời gian lịch sử của công trình: Giá trị của một di sản kiến trúc, đô thị trong rất nhiều trường hợp không hình thành ngay từ khi tác phẩm đó hoàn thành mà phải qua cả một quãng thời gian nhất định. Ngay cả với công trình kiến trúc và đặc biệt là không gian đô thị hay không gian làng truyền thống.

Có 3 yếu tố giá trị bồi đắp cho giá trị vật thể chính là thời gian, con người và cảnh quan. Một ngôi đình làng có kiến trúc đẹp thì giá trị của di sản cũng không chỉ nằm ở bản thân kiến trúc ngôi đình, nó mang giá trị của việc gìn giữ sự gắn kết của cộng đồng thông qua việc thờ Thành Hoàng làng, được “thiêng hóa”, là không gian lễ hội, là niềm tự hào của cộng đồng,

Giá trị của của ngôi đình đó cũng có thể được gia tăng qua cây xanh cảnh quan, với bóng cây Đa, Bồ đề cổ thụ um tùm, soi bóng ao nước. Cây đa cũng phải mất khoảng 100 -300 năm mới tạo nên được những vẻ đẹp cảnh quan đó. Hay như cổng thành Sơn Tây (Hà Nội), những rễ cây bao bọc, rêu xanh phủ lốm đốm trên bức tường đá ong, lá cây đổi sắc vàng trong mùa thu mới tạo nên vẻ đẹp của thành vừa cổ kính, vừa lãng mạn, đâu chỉ có kiến trúc. Cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nếu mất đi cây Đa 300 tuổi, cái ao bên cạnh thì giá trị di sản chắc chắn cũng bị giảm sút.

Về giá trị tinh thần, còn phức tạp hơn – Bởi mỗi giai đoạn lịch sử, công trình đó có thể mang những giá trị khác nhau. Ngôi đình làng khi ra đời thời phong kiến trong khoảng thế kỷ 15 chủ yếu là nơi xử lý việc làng như một trụ sở hành chính, không gian sinh hoạt chung, rồi thành nơi thờ Thành hoàng làng. Đến nay cơ bản đã chuyển thành giá trị tinh thần, có xu hướng “thờ hóa”, chức năng sinh hoạt cộng đồng giảm sút (đã có nhà văn hóa thay thế), mất hẳn chức năng hành chính.

Cổng làng trong chế độ phong kiến, biểu tượng của một khu vực “tự trị”, “phép vua thua lệ làng”, từ chức năng bảo vệ làng khỏi trộm cướp, cho đến chế độ dân chủ hiện nay chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần, một cột mốc, một biểu trưng, một nơi lưu giữ kỷ niệm, tình cảm của người làng.

Những lũy tre bao quanh làng để bảo vệ làng, là vật liệu cung cấp cho mọi mặt đời sống của người dân vốn là cảnh quan đặc trưng không gian của làng Việt, gắn với đời sống của người dân trong suốt thời phong kiến, vậy mà cũng biến mất hầu hết trong các làng hiện nay, vì chức năng bảo vệ không còn, Tre không còn là nguyên vật liệu chủ yếu trong đời sống nữa, phải nhường chỗ cho đất trồng hoa màu.

Nói về các hiện vật di tích kiến trúc đình, chùa miếu ở làng, dù có lịch sử hình thành từ thế kỷ 15 thì cũng đã phải tu bổ, tôn tạo, thậm chí di chuyển vị trí do lũ lụt, với vật liệu thiếu tính bền vững như gỗ, thì phần lớn còn lại là dấu ấn xây dựng khoảng thế kỷ 18-19. Cho nên khi nói những công trình kiến trúc 300 hay 500 tuổi thì ta cũng cần hiểu nó chỉ là sự khởi đầu, các giá trị kiến trúc, cảnh quan của nó còn có sự góp mặt của nhiều yếu tố sau này.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, giá trị của di sản không thể chỉ xác định trên một lát cắt hay quãng thời gian của lịch sử mà tích tụ hình thành với nhiều giai đoạn khác nhau.

Việc khó khăn nhưng phải làm của các nhà nghiên cứu bảo tồn là chắt lọc giá trị, xác định những giá trị tổng hợp qua tất cả các giai đoạn đó. Như vậy việc tu bổ, trùng tu, tôn tạo hay phục dựng lại…của các di sản phải được nghiên cứu qua quá trình lịch sử. Đây cũng là công việc tốn công sức, nhất là những ghi chép, bản vẽ hầu như không còn tồn tại

Thứ hai: Xác định giá trị của di sản trong bối cảnh đương đại hoặc xa hơn.

Di sản càng có giá trị với đời sống đương đại càng có khả năng bảo tồn lâu bền. Đây là thực tế mà đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và đề xuất, còn gọi là “sự sử dụng thích ứng “adaptive use” (5) – Tức là tìm xem di sản đó có khả năng có một giá trị mới về tinh thần hay vật chất thực sự không, đối với kiến trúc, đưa những công năng mới vào thế nào là phù hợp. Có 4 khả năng của giá trị cần xác định:

i) Sự chuyển tiếp giá trị từ chức năng này, giá trị phi vật thể này chuyển sang một giá trị khác. Cho dù phần giá trị vật thể kiến trúc, nghệ thuật vẫn giữ nguyên. Ví dụ: Ngôi nhà ở biệt thự tại khu phố Pháp Hà Nội có thể bảo tồn để làm văn phòng; Cầu Long Biên có thể chuyển thành một bảo tàng, không gian nghệ thuật thay vì chức năng giao thông; Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa lò (Hà Nội) là những di tích đã bổ sung các chương trình nghệ thuật, hình thành các tour du lịch đêm với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hấp dẫn du khách;

ii) Sự mở rộng không gian, mô phỏng hình thái kiến trúc đô thị cũ để phục vụ du lịch. Trường hợp như mở rộng tuyến phố bên bờ Đông sông Hoài của đô thị cổ Hội An, trước đây là chỉ khu dân cư nhà tạm, bãi hoang, nay cũng là dãy phố cửa hàng du lịch sầm uất. Hay như khu du lịch Phượng Hoàng Cổ trấn của Trung Quốc, phần di tích gốc chỉ kéo dài khoảng 1km trong khi các công trình du lịch mô phỏng kiến trúc cũ kéo dài đến 4 km, nhiều cầu mới được xây dựng. Du khách đến thăm quan thích thú và cũng chẳng quan tâm đến sự phân biệt đâu là di tích gốc, đâu là sự mô phỏng mở rộng. Điều này mang lại hiệu quả doanh thu du lịch rõ rệt.

Đây cũng là vấn đề dễ gây tranh cãi vì nếu mở rộng ở vùng II bảo tồn thì có thể chấp nhận nhưng mở rộng ngay trong vùng I thì lại là vấn đề cần cân nhắc thận trọng – Bởi lẽ việc này dễ làm mất đi tính chất của yếu tố gốc;

iii) Sự chuyển đổi và bổ sung giá trị mới không vì mục đích du lịch mà chỉ vì gìn giữ những giá trị văn hóa. Nhất là các di sản “sống” trong lòng đô thị, nông thôn.

Đây là trường hợp với những di sản có giá trị về mặt không gian tổng thể chứ không ở từng kiến trúc, vật thể nhỏ như làng truyền thống hoặc một khu vực đô thị. Những không gian ấy cũng chưa được, hoặc không có giá trị ở mức độ rất đặc sắc để công nhận là di tích, bảo tồn theo luật hiện hành.

Khả năng thứ ba này là khó khăn nhất – Bởi chúng không tạo ra nguồn lợi kinh tế nào trong cuộc sống đương đại mà chỉ còn giá trị tinh thần và những giá trị kiến trúc, không gian, cảnh quan tổng thể. Sẽ gặp những thách thức do nguồn lực thiếu, do những lợi ích mới như cần đất ở, sản xuất, mở rộng đường, nơi kinh tế xã hội đang biến động, những ngôi nhà nhiều tầng cần xây dựng, giá đất tăng là áp lực lớn với việc gìn giữ di sản, thậm chí là muốn phá bỏ, di chuyển để làm những công trình có giá trị kinh tế cao hơn.

Khả năng thứ ba đòi hỏi sự tư duy sáng tạo cao nhất, sự thuyết phục giữa các bên về lợi ích, ý nghĩa của di sản. Chỉ khi các bên đều thấy được lợi ích thì mới gìn giữ được, nếu không sẽ có xung đột giữa cộng đồng muốn gìn giữ và các nhà đầu tư và chính quyền muốn phát triển.

iv) Giá trị của di sản như một dấu ấn lịch sử, tạo nên tinh thần nơi chốn cho khu vực đô thị. Một nhà máy cũ, một đoạn đường tàu cũ, một đầu tàu xe lửa hơi nước, một chiếc cần cẩu mooc-tích chuyển than cũ, một căn nhà của danh nhân, thậm chí một tòa nhà chung cư cũ điển hình cho thời bao cấp… Đây cũng cần sự nhận diện xác định giá trị cẩn trọng. Bởi gìn giữ kết nối quá khứ – hiện tại là chìa khóa để tạo cho không gian đô thị có sức sống, có bản sắc.

Sự nhận diện giá trị này trách nhiệm của các KTS, các nhà thiết kế đô thị, khéo léo xử lý trong quy hoạch, xây dựng.

Thứ 3: Nhận diện di sản là giá trị tích hợp, chú trọng các yếu tố giá trị phi vật thể và yếu tố cảnh quan.

Các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam vô cùng phong phú, từ lễ hội, ẩm thực, trang phục, tập quán đến trò chơi, biểu diễn nghệ thuật, văn bản… Khi đánh giá công trình kiến trúc cần tìm hiểu rõ những giá trị đó.

Đặc biệt, yếu tố cảnh quan và môi trường cần được đánh giá cao. Ví dụ: Đa dạng sinh học ở nông thôn cũng là giá trị gắn liền với văn hóa trồng lúa nước…

Đã đến lúc cần nhận thức rằng Đã qua rồi thời chỉ đánh giá sự phát triển bền vững ở nông thôn thông qua sản lượng lúa, màu. Việc bảo tồn, khôi phục những khóm tre, đất ngập nước mang lại giá trị về môi trường, sự đa dạng sinh học, sinh khối CO2… có ý nghĩa môi trường cao, không thể lấy sản lượng về bán rau màu trên cùng diện tích đó để so sánh. Bỏ qua bảo tồn cảnh quan, rừng tự nhiên, đất ngập nước tại nông thôn, gìn giữ chất lượng nước ngầm mà chỉ chú ý sản xuất kiếm lợi nhuận từ làng nghề, gây ô nhiễm không phải là cách phát triển tốt hiện nay và trong tương lai.

Những con đường bê tông, đường nhựa liên xã đã được làm trong các chương trình nông thôn mới sạch sẽ, đúng, rất sạch và tiện cho xe đi lại nhưng đã mất đi những thảm cỏ hai bên để thấm nước, thiếu hàng cây xanh bóng mát. Các bờ ngòi được kè cứng không còn chỗ cho con cua, con rắn đào hang.

Còn rất nhiều những giá trị của văn hóa làng xã, của đô thị cũ còn có giá trị vật chất, tinh thần đến ngày nay, Quan điểm so sánh giá trị, lợi ích của cái mới và cũ tùy thuộc vào nhận thức của chính chúng ta.

Về cách bảo tồn thích ứng

Thời gian gần đây, chính quyền, các nhà chuyên môn, người dân đã có nhận thức đúng đắn đó là đất nước ta có các giá trị di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, văn hóa là sức mạnh nội lực để phát triển. Phần di sản đã được công nhận là di tích chỉ là một phần nhỏ trong giá trị văn hóa đồ sộ đó. Vì vậy không thể chấp nhận một quan điểm là chỉ bảo vệ những công trình đã công nhận là di tích, còn lại xóa hết để cho phát triển mới. Đây chính là lý do để “bảo tồn thích ứng” phải tiếp tục được nghiên cứu để ứng dụng.

Chúng ta đã có nhiều dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích”, một số công tác bảo tồn đi kèm với hoạt động du lịch đã thành công. Với phương pháp bảo tồn thích ứng có thể hướng tới những mục tiêu bảo tồn rộng hơn, không hoàn toàn vì mục tiêu kinh tế du lịch, không chỉ cho các di tích mà trên hết là gìn gữ kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc.

Phạm vi để thực hiện “Bảo tồn thích ứng” là rất rộng lớn, rất có ý nghĩa. Vì di sản văn hóa của chúng ta đồ sộ. Vùng ĐBSH với khoảng 7500 làng truyền thống, phần lớn còn đình, chùa, miếu, cảnh quan đặc trưng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư có hạn, không thể cứ xếp hạng di tích hết cả, mà không phải cứ làng truyền thống nào cũng có thể làm được du lịch. Các vùng nông thôn miền Trung, miền Nam cũng đều có rất nhiều di sản cần bảo vệ gìn giữ.

Bảo tồn thích ứng do có nhiều khả năng, giải pháp da dạng nên phải hết sức cẩn trọng, tránh làm mất đi giá trị di sản nếu chưa xác định được đúng giá trị theo các nguyên tắc trên.

Qua nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn các di sản nếu áp dụng phương pháp “Bảo tồn thích ứng”.

Một số ví dụ nêu để làm rõ khả năng này:

  • Giếng làng không chỉ để lấy nước, tắm giặt mà còn là không gian gặp gỡ sinh hoạt, chuyện trò gắn kết cộng đồng. Với nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm, nước giếng không dùng để ăn được, những giá trị là không gian gắn kết cộng đồng vẫn có thể tiếp nối, vậy hãy có giải pháp để tiếp tục duy trì không gian giếng làng thành không gian sinh hoạt cộng đồng;
    • Việc người dân làng Hương Ngải tu bổ giếng, đậy nắp bằng lưới sắt cũng vẫn là bảo tồn tĩnh, chưa có sức sống, có thể trồng thêm dàn hoa, làm thành chỗ chơi trẻ em… để công trình có ý nghĩa. Một số giếng có kích thước rộng khoảng 15 m, người dân thả hoa Súng, cá vàng biến thành điểm cảnh quan cũng là giải pháp tốt, tránh để nước bẩn ô nhiễm;
    • Giếng làng Chuông, không gian quanh giếng được lát gạch sạch sẽ, không phải để lấy nước tắm giặt mà để làm sân đan nón lá, người dân vẫn ra đây làm cùng, trò chuyện, giá trị tinh thần của giếng là gắn kết cộng đồng vẫn duy trì;
    • Giếng cổ xây bằng đá, miệng vuông kiểu người Chăm có tuổi 400 năm tại Thích Chung, xã Bá Kiến, Vĩnh Phúc… Một giếng nằm trên trục đường làng vẫn được người dân sử dụng, luôn tự hào kể cho du khách câu chuyện lịch sử về giếng.. tiếc là có một cái lại nằm trong nhà dân, ngay gần cổng nhà. Nếu đất xung quanh giếng đó được chính quyền mua lại thành không gian công cộng thì giếng đã có thêm ý nghĩa vì nước giếng vẫn rất trong, còn sử dụng được.
  • Văn chỉ vốn là nơi thờ Khổng Tử và nơi sinh hoạt của những người đỗ đạt ngạch văn trong làng cũng là hạng mục ít được duy trì, bị phá nhiều. Một số nơi (Hương Ngải – Thạch Thất, Hà Nội) xây dựng lại như nơi thờ những vị danh nhân cũng là có ích.
  • Những Quán trên cánh đồng, tại sao lại để bỏ hoang, phá đi trong khi nó vẫn có giá trị về cảnh quan đặc trưng của nông thôn Bắc bộ, vẫn có thể lắp thêm điện, nước, nhà vệ sinh để người làm ruộng nghỉ chân, du khách dừng ngắm cảnh đồng ruộng;
  • Còn rất nhiều di sản cộng đồng đang chờ đợi để được hồi sinh. Gần đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương dừng việc nung gạch ở khu vực làng gạch gốm Mang Thít để định hướng trở thành khu du lịch, những kiến trúc lò gạch độc đáo với hàng trăm lò dọc theo sông Mang Thít nếu được gìn giữ và bổ sung cảnh quan, chức năng dich vụ, du lịch thì quả là khu du lịch rất ấn tượng.

4 min 11 - Bảo tồn di sản trên quan điểm “Bảo tồn thích ứng”Giếng làng Chuông

Những ví dụ này minh chứng cho việc cần có sự sáng tạo của những người làm bảo tồn, cùng với sự góp ý của cộng đồng để lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất. Tính “thích ứng” chính là tính phù hợp với bối cảnh, không áp dụng máy móc mà phải theo đặc thù địa điểm, loại hình và cả ý kiến của cộng đồng, ngay cả trong các làng truyền thống có nhiều điểm chung như ở vùng ĐBSH.

Cần nhanh chóng phát triển lý luận, đưa vào thực tiễn

Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, nên dù chưa được hướng dẫn cụ thể, người dân, cộng đồng với tình yêu làng quê, yêu truyền thống văn hóa vẫn tự làm việc bảo tồn, gìn giữ các công trình đã xuống cấp theo quan niệm, cách làm riêng của họ.

Ví như gần đây xuất hiện trào lưu xây dựng những cổng làng mới dạng cổng chào ở đầu lối vào xã, cao, rộng đến cả chục mét. Đây không thể gọi là bảo tồn, kế thừa giá trị văn hóa bởi cổng làng chỉ đặt ở nơi giáp ranh với điểm dân cư, lối vào làng, là một dấu mốc, có tỷ lệ thân thuộc với người đi bộ. Xây dựng cổng chào kiểu hoành tráng đó không phải là bảo tồn thích ứng vì nó không tiếp nối được giá trị gì ở cổng làng.

Hoặc như một cổng làng tại huyện Phú Xuyên, cạnh sông Nhuệ được tu bổ, đường đổ bê tông rộng rãi. Nhưng không cho ta thấy cảm giác gần gũi do thiếu đi lũy tre, bờ cỏ xanh. Một điển hình của phong trào “bê tông hóa nông thôn”, làm mất đi bản sắc kiến trúc, cảnh quan làng quê.

Nhiều đình làng đang bị “thờ hóa”, không còn là nơi người dân lui tới hàng ngày do thiếu chức năng mới được bổ sung. Ví dụ Đình làng Ước Lễ (Thanh Oai – Hà Nội) cũng mới được tu bổ đã rêu phong vắng lặng.

Phát triển lý luận bảo tồn thích ứng – Thúc đẩy sự sáng tạo, tiếp nối văn hóa

Bảo tồn thích ứng là cơ hội cho chúng ta kế thừa và sáng tạo các giá trị văn hóa. Tránh xu hướng nệ cổ, kìm hãm sự phát triển văn hóa. Ví dụ như các ngôi chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Bái Đính (Tràng An) gần đây tuy xây dựng đồ sộ cũng chỉ là sự nhân tỷ lệ nhiều lần của ngôi chùa cũ mà thôi. Trong khi thực tế những người đi trước còn có sự sáng tạo mạnh dạn hơn như kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm (Nam Định), đình Nha Xá (Hà Nam), Chùa làng Cổ Chất (Hà Nam), không hoàn toàn theo những khuôn mẫu cũ, rất đẹp và sáng tạo.

5 min - Bảo tồn di sản trên quan điểm “Bảo tồn thích ứng”

Về tính pháp lý

Về pháp lý, chúng ta đã có Luật Di sản Văn hóa, đã có những tài liệu hướng dẫn trong bảo tồn, trùng tu di tích. Nhưng những cơ sở pháp lý đó là chưa đầy đủ, nhất là với các khu vực có dân cư, các di sản chưa phải là di tích. Chúng ta chỉ mới công nhận 4 làng cổ là di tích thì đã thấy sự phức tạp khó khăn đến thế nào, vì bản chất bảo tồn di tích là có xung đột với cuộc sống đương đại, chuyện ở làng cổ Đường Lâm là ví dụ điển hình. Thực tế là không thể có tiền bỏ hết các kiến trúc làm giai đoạn sau đi để phục dựng lại như lúc công trình gốc được xây dựng, chưa kể là các tư liệu gốc cũng không còn. Đây là vấn đề rất cần phải có sự thay đổi từ nhận thức. Vì vậy, cần có thêm các căn cứ pháp lý để làm rõ sự khác biệt giữa bảo tồn di tích đã được công nhận với viêc bảo tồn thích ứng các di sản sống nằm trong cộng đồng. Bởi hai mục tiêu bảo tồn là khác nhau.

Xin được đề xuất thêm một cấp quản lý, theo phân loại di sản, đó là “Di sản cộng đồng” – Là những di sản không hoàn toàn có giá trị đặc sắc để xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh nhưng đối với người dân, với cộng đồng lại có ý nghĩa quan trọng, cộng đồng muốn giữ gìn. Mà đây lại là số đông, góp vào tạo nên giá trị văn hóa phong phú của người Việt.
Công nhận Di sản cộng đồng cũng là xác nhận khả năng thực hiện bảo tồn theo phương pháp bảo tồn thích ứng, tránh việc phán xét trên quan điểm bảo tồn di tích sang loại hình này.

Kết luận

Như vậy, “Bảo tồn thích ứng” trong không gian đô thị, nông thôn là bảo tồn những trị văn hóa nằm không gian sống, là bảo tồn những giá trị di sản văn hóa bản địa, đang tồn tại và cùng chuyển mình cùng với cuộc sống, vượt ra khỏi ý nghĩa của bảo tồn di tích với những biện pháp khoanh vùng I, vùng II, bảo tồn nghiêm ngặt, kiểu “Bảo tàng hóa” gây xung đột với cuộc sống vẫn đang phát triển.

Bảo tồn thích ứng cần thực hiện đúng các nguyên tắc về đánh giá giá trị, tích hợp giá trị, chuyển tiếp giá trị, bổ sung giá trị, nhất là nhận diện được giá trị của di sản trong đời sống đương đại.

Bảo tồn thích ứng luôn tôn trọng gìn giữ những giá trị vật thể gốc nhưng cũng chắt lọc những giá trị còn lại, kế cả cảnh quan hoặc giá trị phi vật thể để đưa vào cuộc sống. Không có một hình mẫu cho mọi trường hợp, các giải pháp là phải thích ứng với bối cảnh xã hội, điều kiện kinh tế và cả quan điểm của cộng đồng tại từng vị trí, với từng loại di sản, với thời gian.

Bảo tồn thích ứng cho các di sản sống đặc thù ở các làng xã truyền thống vùng ĐBSH là di sản của cộng đồng, do cộng đồng lập nên, vì vậy thuyết phục, lắng nghe, đưa người dân tham gia cùng sẽ là chìa khóa của sự thành công.

Bảo tồn thích ứng cần thêm những chính sách có tính pháp lý, việc công nhận “Di sản cộng đồng” là cần thiết, nâng cao vai trò của cộng đồng đối với gìn giữ di sản.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ có những chuyên gia bảo tồn chính thống, cho những công trình được công nhận là di tích. Lý luận, cách bảo tồn thích ứng đang nằm trong sự nhận thức của các KTS quy hoạch, của chính quyền địa phương, của cộng đồng, vì vậy vẫn còn sơ khai, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Vai trò của các KTS, những người đang làm quy hoạch nông thôn hiện nay đang trở nên rất quan trọng bởi chính họ đang định hướng lại không gian của Làng Việt. Hy vọng chúng ta cũng sẽ có nhiều khu điểm dân cư đô thị, nông thôn kiểu mẫu cả về bảo vệ di sản, gìn giữ văn hóa.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường
Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)


Chú thích:
1. Phạm Hùng Cường. (2014). “Làng xã truyền thống Việt Nam – Bảo tồn và phát triển” – 2014. Nhà Xuất bản Nông nghệp.
2. Phạm Hùng Cường (2016). “Bảo tồn thích ứng – Phương pháp tiếp cận để bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng xã truyền thông. Tạp chí Kiến trúc – 2016.
3. Lê Quỳnh Chi (2014). “Nhận diện giá trị giao thoa văn hoá Đông – Tây trong không gian kiến trúc quy hoạch và thách thức cho công tác bảo tồn Làng Cựu, Phú Xuyên, Hà Nội”. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng Số 19/5-2014.
4. Tô Kiên (2019). “Phát triển và cải tạo đô thị gắn với bảo tồn di sản: Kinh nghiệm quốc tế và Nhật Bản”. Tạp chí Quy hoạch đô thị. Số 35-36. 2019.
5. H Hasnain1 and F Mohseni1. Creative ideation and adaptive reuse: a solution to sustainable urban heritage conservation. IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. Volum 126. Conference

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây