LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 16

CĂN CỨ B1 HỒNG PHƯỚC: BIỂU TƯỢNG CỦA NGỌN ĐÈN ĐỨNG GÁC!

CĂN CỨ B1 HỒNG PHƯỚC: BIỂU TƯỢNG CỦA NGỌN ĐÈN ĐỨNG GÁC!

                                                                  Ghi chép của Nhà báo Phan Thủy

             Chứng nhân một thời

            Trong những năm tháng chiến tranh, ngay sát gọng kiềm kiểm soát của địch, nhân dân Hồng Phước (P. Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) vẫn kiên gan nuôi giấu cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong những căn hầm bí mật. Giữa vùng căn cứ lõm này, với mật danh B1, Hồng Phước trở thành nơi hoạt động của CBCS quận Nhì, là nơi trú quân, tập kết của các đơn vị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 489, 487, 471 Đặc công… Từ đây, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh…

Người đầu tiên tôi tìm gặp là ông Phan Văn Tải (78 tuổi), trú Thanh Vinh (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu), nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì từ năm 1967, phụ trách công tác phong trào phía trước, người gắn bó với Hồng Phước từ năm 1962 cho đến ngày đất nước giải phóng…

Từ ký ức của ông, tôi hình dung rõ hơn về cái nôi cách mạng (CM) nằm phía tây bắc Đà Nẵng này. “Từ 1957-1959, khi làm cơ sở cho các anh Đào Ngọc Chua, Nguyễn Thế…, tui đã biết Hồng Phước là vùng CM nòi. Bà con ở đây kiên gan lắm. Sau khi được tổ chức điều động vào Sài Gòn hoạt động biệt động thành từ năm 1959 đến 1962 cơ sở bị lộ, tui về lại Đà Nẵng chọn Hồng Phước để móc nối cơ sở hoạt động và được tham gia vào Đội công tác Đà Nẵng. Tui xây dựng lại mạng lưới cơ sở, vận động bà con cho làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Hồi đó, đất ở đây đào xuống toàn gặp nước nên chỉ làm hầm nổi. Lấy cớ là vùng giao tranh, để tránh lạc đạn giữa quân ta và quân địch, người dân làm hầm nổi tránh đại bác. Địch không bắt chẹt được. Ngay trong hầm nổi, tui cùng anh em làm thêm một tầng nữa ở phía trên (kiểu hầm 2 tầng). Vào những năm 1960-1964, ta ở trong tầng hầm nổi này, nhưng ít thôi.

Phần lớn là vô núi Thanh Vinh ẩn nấp. Đến khi bà Lê Thị Tính, Tỉnh ủy viên, Bí thư quận Nhì về kiểm tra tình hình tại đây, bày cách đào hầm như trong Điện Bàn thì hầm được làm chìm xuống đất đẹp hơn, ở được nhiều người hơn. Hồi đó, Hồng Phước có trên 50 hộ dân, ban đầu chỉ có khoảng 10 hộ hoạt động CM, đến 1966- 1968 thì có 30 hộ, từ 1970- 1975 có 52 hộ hoạt động CM. Số khác thì dời xuống chợ Hòa Khánh hoặc vùng dưới sinh sống… Hồi Pháp thuộc rồi thời Mỹ chiếm đóng, ở đây như cái lõm. Xung quanh là đồn bốt của địch: Nào kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc của Mỹ, Đồn pháo binh 44, xung quanh dây kẽm gai chằng chịt, có đồn bốt gác chặn nên dễ gì qua mắt chúng. Rứa mà bà con Hồng Phước vẫn giấu được tài liệu, truyền đơn, cả vũ khí nữa để đưa xuống quận Nhì mới tài. Không những thế, họ còn mua lương thực để tiếp tế, nuôi giấu cán bộ. Kể công của họ, kể không hết đâu…”.

Tôi cắt ngang lời ông: “Tại sao từ 1960 đến 1975, nơi đây được xem là bàn đạp để ta tấn công vào nội thành mà địch không phát hiện, không bị lộ?”. “Nói không có lộ lần nào là không đúng đâu. Có lộ một cái hầm ở nhà thờ tộc Lê (nằm trong vườn nhà bà Hà Thị Mau). Nhưng căn hầm đó ta không hoạt động lâu rồi. Do chuột sục làm miệng hầm sụp xuống, địch đi càn, thọc xà beng xuống phát hiện ra hầm nhưng thấy nước phía dưới, lại thêm dân mình không khai báo chi hết nên cuối cùng cũng chẳng làm được chi. Sở dĩ không lộ vì dân Hồng Phước vốn có truyền thống CM. Những người không theo CM thì có tư tưởng cầu an, sợ bị liên lụy nên im lặng hoặc tìm cách dời nhà đi nơi khác để sinh sống. Hơn nữa, để đào hầm bí mật phải chọn cơ sở thật sự tin tưởng, có truyền thống CM. Chỉ có gia đình người đó với bên mình biết thôi. Ngay như ông Hồ Phúc Ngôn (AHLLVTND) hồi ấy cũng nằm vùng trên này để hoạt động còn không biết nhà em trai mình có hầm bí mật nữa là…

Có một lần, địch bố ráp vào khu Hồng Phước, xộc vào nhà bà Năm Miên (Phạm Thị Miên, em dâu AHLLVT Hồ Phúc Ngôn) để khui hầm bí mật. Chúng nghi trong căn hầm nổi tránh đại bác của bà Năm Miên có hầm chìm nên dùng xà beng thọc tìm đến 7 hiệp trong một buổi chiều. May bà Miên khôn ngoan, nằm giả chết trên nền nhà, không bỏ đi, chứ nếu không thì có khi đã lộ. Nằm ở tầng hầm trên cùng, tui và đồng đội nhìn thấy chúng đụng gần đến miệng hầm, ai nấy đều ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nhưng chỉ huy, ông Lê Đức Cưu không cho đánh. Mãi sau ngày giải phóng, anh Ngôn mới biết trong nhà em trai mình có hầm bí mật luôn đó”. Tôi ngạc nhiên: “Thế chú Ngôn ở nhà nào ạ?”. “Ảnh được bố trí ở nhà khác. Đã nói là bí mật rồi mà!”. Tôi hỏi: “Chú còn nhớ Hồng Phước có bao nhiêu hầm bí mật không, giờ có ai còn sống không ạ?”. “Cả Hồng Phước có khoảng trên dưới 40 hầm bí mật. Nhà chị Năm Miên 7 cái, nhà bà Nguyễn Thị Liên 3 cái nè, nhà bà Phạm Thị Dĩ-mẹ Chủ tịch Dương Thành Thị giờ đó- 4 cái, nhà bà Đặng Thị Ngặt 2 cái, rồi thì bà Quê, bà Mau. Mấy bả chừ mất cả rồi, chỉ còn mỗi bà Mau thôi. Nhà bả ở ngã ba chợ Hòa Khánh”…

Theo hướng dẫn ông Sáu Tải, tôi tìm nhà bà Mau không mấy khó. Đã 80 tuổi, nhưng khi nghe tôi có ý nhờ bà đưa đến căn cứ B1 Hồng Phước, bà vui vẻ nhận lời. Ngồi sau xe, bà luôn miệng bảo: “Tội nghiệp con, đi làm chi cho cực. Mấy lần cũng có người về hỏi bà nhưng rồi có thấy chi đâu. Bây giờ, khu ấy bị giải tỏa, làm KCN rồi, chứng tích đâu còn mà chụp hình!”. Nhớ lại thời kỳ đáng nhớ đã qua, giọng bà Mau ngậm ngùi: “Bà quê Hòa Liên, làm dâu Hồng Phước từ năm 1954. Nhà vợ chồng bà được cơ sở chọn để xây hầm bí mật.

Ông Tải cùng lực lượng về đào. Nhiệm vụ của gia đình bà là khi anh em xuống hầm thì đậy miệng hầm rồi ngụy trang để địch không phát hiện. Ban ngày thì giả vờ đi chợ để xuống chợ Hòa Khánh, xuống quận nhì để đưa tin, nắm tình hình, mua lương thực rồi về báo lại cho các ảnh. Có lần, ông Sáu Tải chui lên khỏi hầm ngồi viết cái gì đó thì địch vào làng lùng sục. Ổng chui xuống hầm không kịp nên chạy xuống bếp chui vào đống củi núp. May mà địch không phát hiện bỏ đi, ổng dỡ củi chui ra, nói đùa: “Địch bữa ni bao vây sáu mặt, sặc máu chị hè!”, còn bà thì hết hồn vía! Nhiệm vụ của bà chỉ có vậy thôi!”. Nghe bà kể thì thấy đơn giản, nhưng phải hiểu được tình hình bố ráp, kiểm soát chặt chẽ của địch thời đó với người dân khi đi chợ, đi củi, mới biết được sự mưu trí, lanh lợi cũng như sự hy sinh thầm lặng của người dân Hồng Phước thật lớn lao biết nhường nào…

Đứng giữa cơn mưa rỉ rả của những ngày cuối tháng 12 giá lạnh, nhìn theo cánh tay bà chỉ về phía trước khu đất trống là các doanh nghiệp, nhà máy mọc lên bao quanh và nói: “Nhà bà giờ là khu vực nhà máy đó tề. Còn đống đất đen đằng trước là khu nhà thờ Tộc Lê. Giải tỏa, người ta san lấp hết rồi, chứ trước kia, khu vực nớ cũng có một cái hầm bí mật…”. Tôi lặng đi. Vẫn biết sự đổi thay là điều đáng mừng vậy sao khi chứng kiến một khu căn cứ CM giờ chẳng còn dấu tích, chợt thấy buồn lạ… Chính tại vùng đất này, lại một lần nữa, tôi được những con người chân chất, bình dị, suốt một đời chỉ biết bám làng, bám đất như bà Mau, ông Tải… bổ túc thêm kiến thức bài học về chiến tranh nhân dân, từ nhân dân mà ra…

Hãy thắp lại ngọn đèn Cách mạng Hồng Phước

         Cho đến khi gặp Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục Trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, được ông cho xem tư liệu về trận địa pháo của địch tại Hồng Phước, tôi mới hình dung ra toàn vẹn vùng căn cứ Hồng Phước ngày xưa, mới hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và hiểu vì sao ta chiến thắng. Vì quân đội ta có nhân dân. Những câu chuyện do những con người một thời gắn bó với Hồng Phước kể lại khiến tôi băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao đến giờ căn cứ B1 Hồng Phước chưa được công nhận là di tích lịch sử?.

Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, căn cứ B1 Hồng Phước có một điểm giống với căn cứ K20 đều là vùng lõm, nằm trong sự kìm kẹp, kiểm soát của địch nhưng nhân dân gắn bó, trung thành với CM. Khác chăng, quy mô B1 Hồng Phước nhỏ hơn mà thôi… Chính tại B1 này, hình ảnh về ngọn đèn đứng gác được thể hiện rõ nét nhất.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn hồi tưởng: “Tôi về đây hoạt động từ cuối năm 1973. Phải nói rằng, lòng dân Hồng Phước thật tuyệt vời. Mỗi lần đứng trên núi nhìn về phía Hồng Phước, nhìn thấy ánh đèn được các chị, các má treo trên các khám thờ ngoài ngõ là lòng chúng tôi ấm lại, như thấy mình được về với nhân dân. Đó là ám hiệu báo tin an toàn, bộ đội ta, quân ta có thể về hoạt động. Hồi đó, có quy định thế này: Nếu đèn treo trong nhà hoặc treo trong nhà và đóng cửa lại thì không an toàn, có địch đang đi bố ráp, lùng sục. Đèn treo ở khóm thờ ngoài ngõ là tín hiệu không có địch, quân ta có thể xuống. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, người dân Hồng Phước còn làm nhiều việc khác cho cơ sở CM như làm giao liên, vận chuyển vũ khí… Bà con B1 Hồng Phước quý cán bộ trên núi lắm. Nhiều khi, con em họ chỉ ăn cơm với muối, nhưng cán bộ từ trên núi xuống bao giờ cũng được ăn cá, ăn rau, ăn thịt. Nói mang ơn dân không phải là câu nói trừu tượng đâu, mà là rất cụ thể. Phải hiểu sự thiếu thốn của thời đó mới thấu hiểu hết lòng dân. Thế nên, ai đó đã đi qua kháng chiến mà quên dân thì không chỉ là có lỗi mà là có tội!”.

Chợt nhớ, trong một lần trò chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, kể cho nghe một chi tiết rất xúc động rằng: Một lần, ông thấy mẹ ông, bà Phạm Thị Dĩ, bắt vịt làm thịt. Tưởng tối hôm đó sẽ được ăn thịt, ông dẫn bò đi chăn để nắm tình hình về báo lại cho các chú mà lòng sướng rơn. Thế nhưng tối đó về nhà, mâm cơm dọn ra, chẳng thấy thịt vịt đâu. Hỏi thì biết, thịt vịt là để đem xuống cho các chú đang núp dưới hầm bí mật…

Qua hồi ức của Trung tướng Tuấn, tôi hình dung ra được sự khốc liệt cũng như lòng kiên trung của người dân B1 Hồng Phước với Đảng, với Bác Hồ. Bị bao bọc xung quanh nào là kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc, trận địa pháo 44, trạm gác…, thế nhưng, người dân Hồng Phước vẫn quyết “một tất không đi, một li không rời”, bám đất, bám làng nuôi giấu CM. Kể làm sao cho hết tấm lòng của người dân B1 Hồng Phước đối với Đảng, với CM. Bởi lẽ, chỉ cần bị địch phát hiện là gia đình họ bị liên lụy, bị tù đày hoặc bị tàn sát. Dù biết vậy, nhưng họ vẫn chấp nhận đánh đổi sự an toàn tính mạng, âm thầm hoạt động trong lòng địch, bảo vệ, cưu mang, nuôi giấu cán bộ. Theo Trung tướng Tuấn, có những hôm cán bộ trên núi không xuống được vì bị địch bố ráp dữ quá, bà con Hồng Phước giả vờ làm người đi củi để mang cơm nấm, thức ăn lên núi. Khi bà con lên núi, CBCS chuẩn bị sẵn những bó củi, bên trong khi thì thư, khi thì vũ khí, thuốc nổ để bà con gánh về. “Họ xuống núi mà mình mong ngóng từng ngày, chờ bà con lên lại mới thở phào nhẹ nhõm. Chiến công của người dân B1 Hồng Phước thầm lặng nhưng có ý nghĩa vô cùng. Những con người như mẹ Dĩ, cô Bích, cô Rô, cô Thương, cô Giỏi, cô Chiến… với những công việc thầm lặng nhưng lại vô cùng cao cả. Nếu không có những con người như các má, các anh, các chị… thì sẽ không có chúng tôi, không có những chiến công của lực lượng biệt động, của quân giải phóng… Có thể nói, B1 là trạm trung chuyển giữa chiến khu với nội thành. Đây là nơi đón CBCS xuống ở hầm dưới mật ban ngày, đêm xuống thì dỡ hầm lên đi trinh sát, nắm tình hình. Từ đây, ta đã tổ chức nhiều trận đánh lớn như trận Bàu Mạc, Thanh Vinh… B1 có vị trí chiến lược rất quan trọng, cần phải đánh giá đúng để có sự quan tâm, ghi nhận đúng sự cống hiến của nhân dân…”.

Một chuyện về B1 Hồng Phước mà khi được nghe kể lại, tôi tự hỏi, vì sao địch dù xây dựng mạng lưới ô vuông ở khu vực này vẫn không thể chia tách được lòng dân với Đảng, với Bác Hồ? Theo đó, địch vẽ khu dân cư Hồng Phước thành những ô vuông, cứ cách hai, ba nhà là đặt cơ sở mật gọi là Liên gia trưởng để theo dõi mọi hoạt động ở khu vực này. Điều lạ là, chính những con người được địch chọn làm Liên gia trưởng đó lại hỏi xin ý kiến và được quân ta hướng dẫn để có cách đối phó lại với chúng… Không những thế, có người bị bắt đi lính cũng hỏi xin ý kiến bên ta rồi trở thành nội gián cho ta ngay trong lòng địch. Về trường hợp này, bà Hà Thị Mau cười nói: “Ông chồng tui bị bắt đi cảnh sát nhưng rồi phục vụ cho CM đó. Nhà tui, có 5 mẹ con làm CM, kết nạp Đảng”…

Ông Sáu Tải cho biết, sau giải phóng, chính quyền địa phương cũng đã mấy lần làm hồ sơ đề nghị công nhận B1 Hồng Phước là di tích lịch sử CM, nhưng không hiểu vì sao lại không được. Ông Tải ngậm ngùi tiếc cho một khu di tích lịch sử CM bị lãng quên: “Sau giải phóng, hầm bí mật ở Hồng Phước vẫn được người dân giữ lại. Mấy lần đề nghị không được, do thời kỳ đó còn đói khổ quá, nên tui có chỉ một vài cái hầm để dân lấy bao tời cát rọc ra làm đồ phơi lúa, làm mền đắp. Đến khi giải tỏa Hồng Phước để làm KCN thì nơi đây mới không còn hầm bí mật! Giờ tui cũng già yếu, đau ốm liên miên. Nếu chừ làm không được thì không biết đến khi mô Hồng Phước mới được công nhận là di tích lịch sử CM để ghi nhận các chiến công thầm lặng của nhân dân Hồng Phước, cũng là để giáo dục về lịch sử, truyền thống CM cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Qua trao đổi với ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, được biết, mới đây, UBND Q. Liên Chiểu làm tờ trình xin chủ trương TP cho xây dựng Đài bia và nhà truyền thống di tích lịch sử CM Khu B1-Quận Nhì Đà Nẵng tại Hồng Phước. Chính quyền Q. Liên Chiểu cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Sài Gòn- Đà Nẵng và được công ty này đồng tình, ủng hộ chủ trương chọn địa điểm đầu tư xây dựng công trình này tại khu đất quy hoạch đất thương mại dịch vụ thuộc dự án khu dân cư công nghiệp Hòa Khánh mở rộng do công ty này làm chủ đầu tư…

Chia tay Hồng Phước trong cơn mưa rỉ rả của một ngày gần cuối tháng 12, lòng tôi se sắt lại tiếc cho một khu di tích CM giờ không còn vết tích gì. Quá khứ là một phần lịch sử. Đã là lịch sử thì không ai được phép lãng quên!

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2004
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, 1945-1946, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1996.
  3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa , Hà Nội, 2005.
  4. Bộ Quốc phòng – Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2005.
  5. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia – Viễn Đông bác cổ Pháp: 90 năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam / 90 ans de recherches sur la culture etl’ histoire du Vietnam, song ngữ Việt – Pháp, Nxb Khoa học xã hội nhân văn, HN, 1995.
  6. Hội đồng biên soạn lịch sử Nam trung bộ kháng chiến: Nam Trung bộ kháng chiến 1945 – 1975, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1995.
  7. Bộ Tư lệnh Quân khu 5: Khu 5, 30 năm chiến tranh giải phóng, tập I, Kháng chiến chống thực dân Pháp, 1986.
  8. Bộ Tư lệnh Quân khu 5: Khu 5, 30 năm chiến tranh giải phóng, tập II, Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (thời kỳ 1954 – 1968), 1989.
  9. Tỉnh ủy Quảng Nam, Thành ủy Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1999
  10. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng: Một số trận đánh của lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tập I, Nxb Đà Nẵng, 2007.
  11. Đảng bộ Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tập 1, 1930-1954, Nxb Đà Nẵng, 1996.
  12. Đảng bộ Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, tập 2, 1954-1975, Nxb Đà Nẵng, 1997.
  13. Đảng bộ Hòa Vang: Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang, tập 1, 1928 – 1954, Nxb Đà Nẵng, 1985
  14. Đảng bộ Hòa Vang: Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang, tập 2, 1954 – 1975, Nxb Đà Nẵng, 1985
  15. Đảng bộ Thanh Khê: Lịch sử Đảng bộ quận Thanh Khê (1930 – 2000), Nxb Đà Nẵng, 2002.
  16. Đảng bộ Liên Chiểu: Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930 – 2005), Nxb Đà Nẵng, 2005.
  17. Quận ủy – UBND quận Liên Chiểu: B1- Hồng Phước, một thời nhớ mãi, Nxb Đà Nẵng, 2015.
  18. Ban Chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu: Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân quận Liên Chiểu (1945 – 2005), Nxb Đà Nẵng, 2010

19. Đảng bộ xã Hòa Khánh: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Hòa Khánh, Nxb Đà Nẵng, 2004.

20. Văn bia Hồng Phước, bản văn khắc đá tại Đài bia của Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.

21. Danh sách các AHLLVTND, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồng Phước, bản văn khắc đá, tại Đài bia của Khu Di tích căn cứ lõm B1 Hồng Phước.

22. Ủy ban Nhân dân phường Hòa Khánh Bắc: Báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tài liệu của UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

23. UBND huyện Liên Chiểu: Kỷ yếu Hội thảo khoa học về căn cứ lõm B1 Hồng Phước, Tài liệu của UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

24. Tài liệu lưu trữ, sa bàn, hiện vật và hình ảnh trưng bày tại Khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

25. Robert S.McNamara: Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (nguyên tác: In Retrospect – The Tragedy and Lessons of Vietnam),Hồ Chính Hạnh, Huy Bình, Thu Thủy, Minh Nga dịch, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1995.

26. Frank Sneep: Cuộc tháo chạy tán loạn (nguyên tác: The Decent Interval), Ngô Dư dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

27. Hồ Phúc Ngôn: Chuyện người con Hồng Phước, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2012.

28. Nhiều tác giả: Đà Nẵng xuân 1975, Nxb Đà Nẵng, 2000

29. Nhiều tác giả: Chung một bóng cờ, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1993.

30. Nhiều tác giả: Trên quê hương trung dũng, NxbThanh Niên, TpHCM, 1993.

31. Nhiều tác giả: Tiếng hát những người đi tới, Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ, Nxb Trẻ, TpHCM, 1993.

32. Nhiều tác giả: Cảm nhận Đà Nẵng/Feelings about Danang, song ngữ Việt- Anh), Nxb Hội Nhà văn, HN, 2017.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây