LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 15

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CĂN CỨ CÁCH MẠNG B1 – HỒNG PHƯỚC ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CHIẾN TRANH DU KÍCH

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CĂN CỨ CÁCH MẠNG B1 – HỒNG PHƯỚC ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CHIẾN TRANH DU KÍCH

Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hiền

                              Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 5

         Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã chứng minh Đảng ta, nhân dân ta đã biết kế thừa và phát huy đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, “lấy nhỏ đánh lớn”. Quân và dân ta đã đánh bại một đế quốc lớn mạnh bậc nhất của nhân loại ở thế kỷ 20. Không ít học giả Mỹ và chính khách phương Tây cho rằng đến nay vẫn chưa thể lý giải và hiểu nổi: vì sao Việt Nam lại có thể chiến thắng được đế quốc Mỹ với một tiềm lực kinh tế và lực lượng quân sự lớn gấp nhiều lần như vậy. Sai lầm của nhà cầm quyền Mỹ là đã không đánh giá được hết tinh thần yêu nước của con người Việt Nam “một xứ sở lạ lùng”, mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ, mỗi ngôi làng đều biến thành pháo đài kiên cố tiến công địch. Hồng Phước (Đà Nẵng) là một trong những minh chứng sáng ngời về tinh thần yêu nước và trí tuệ của con người Viêt Nam. Hồng Phước đã thầm lặng đóng góp rất lớn cho phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn Quảng Đà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, quân Nhì, thành phố Đà Nẵng nằm ở cửa ngõ phía Tây-Bắc thành phố, phía Tây Quốc lộ 1A (đoạn Đà Nẵng đi Huế), thuộc địa bàn khu phố Hòa Khánh, quận Nhì, thành phố Đà Nẵng (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km phía Tây Bắc. Phía Đông giáp Bàu Tràm và thôn Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam). Phía Nam giáp thôn Thanh Vinh (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc). Phía Bắc giáp thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên). Phía Nam giáp núi Thanh Vinh, trong núi Thanh Vinh có Hố Bàng, Hố Mướp, Hố Sâu, kéo dài xuống dãy Đa Phước có Hố Chùa, Hố Nước… . Khu căn cứ B1 Hồng Phước được Ban Cán sự Đảng Khu Tây Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo xây dựng từ cuối năm 1960, trên cơ sở các gia đình cơ sở mật của ta tại Hồng Phước do Huyện ủy Hòa Vang xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoạt động đến ngày thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng (29.3.1975).

Với lợi thế về địa hình, căn cứ B1 Hồng Phước rộng khoảng 183 ha, nằm trên một trảng cát lớn, xen lẫn các đầm sình lầy, ruộng lúa, trong đầm có những vũng nước lớn , xung quanh mọc nhiều lau sậy, có khu vực cây mọc thành rừng,  làm cho địa hình ở đây thêm hiểm trở, địch không dám đến, ta có điều kiện để xây dựng căn cứ. Sau đó, Mỹ, ngụy tiến hành cày ủi, lập vành đai trắng, diện tích cây rừng và đầm lầy bị thu hẹp dần, các cơ sở trong căn cứ phải xây dựng nhiều hầm bí mật kiên cố để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng về hoạt động, chiến đấu. Căn cứ Hồng Phước có 71 hộ dân sống trong 64 nóc nhà, nằm trong vùng địch tạm chiếm, giữa hệ thống đồn bốt dày đặc của địch, bị địch kèm kẹp, kiểm soát gắt gao nhưng tất cả các hộ dân ở đây đều là cơ sở cách mạng của ta, đã đào 46 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, đưa đón hàng trăm cán bộ, chiến sỹ về hoạt động, đánh địch, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa và nhiều công văn tài liệu có giá trị phục vụ cách mạng. Từ căn cứ bàn đạp này, các lực lượng của ta đã xây dựng nhiều căn cứ trong nội thành, đưa lực lượng, vũ khí vào thành phố và quyết định các kế hoạch, triển khai nhiều trận chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong suốt quá trình đó nhiều lần bị địch càn quét, cày ủi, vây ráp, phá nhà, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, cướp bóc … nhưng cán bộ, nhân dân và lực lược vũ trang khu căn cứ Hồng Phước vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Căn cứ Hồng Phước quy mô không lớn, nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm, là địa bàn có vị trí xung yếu mà lực lượng kháng chiến dựa vào đó để xây dựng và phát triển lực lượng phục vụ cho đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang trong lòng địch; là một hình thái chiến tranh nhân dân địa phương, đấu tranh chống địch có hiệu quả. Vai trò, vị trí, tổ chức và hoạt động của Căn cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự trong vùng địch tạm chiếm, hình thành một mặt trận đặc biệt của hình thái chiến tranh nhân dân địa phương, đưa chiến tranh vào tận sào huyệt của địch.

Hoạt động của căn cứ Hồng Phước lấy yếu tố bí mật làm trọng, 46 hầm bí mật mỗi căn hầm chọn nơi bất ngờ nhất trong nhà, trong vườn, kẻ địch khó phán đoán, tìm kiếm. Hầm bí mật là nơi che giấu mọi hoạt động của lực lượng kháng chiến. Đăc biệt quan trọng hơn cả là nền tảng chính trị của quần chúng rất vững chắc. Mỗi người dân ở căn cứ Hồng Phước đều được giác ngộ và nhận thức sâu sắc kiên quyết bảo vệ cách mạng, bảo vệ căn cứ dù phải hy sinh chính bản thân và gia đình mình. Chính tinh thần thủy chung, sắt son với cách mạng của các thế hệ trẻ, già, trai gái của căn cứ Hồng Phước đã bảo đảm cho sự tồn tại và hoạt động của căn cứ, vô hiệu hóa đối với các âm mưu, thủ đoạn của địch.

Căn cứ Hồng Phước là một trong những “căn cứ lõm” điển hình tồn tại kiên cường giữa lòng thành phố Đà Nẵng, góp phần rất quan trọng nuôi sống phong trào cách mạng tại Đà Nẵng. Sự thần kỳ đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của cấp ủy, chỉ huy ở địa phương. Căn cứ địa Hồng Phước là nơi nuôi dấu, che chở, bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Võ Thanh Hùng, Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Tăng Ngọc Phương, Bí thư Khu I, Phó Bí thư Quận Nhì; đồng chí Lê Thị Tính, Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Lê Quân, Đặc khu ủy viên, Bí thư Quận Nhì; đồng chí Đỗ Huy Sanh, Đặc khu ủy viên, Bí thư Khu I có một thời gian về hoạt động tại B1; đồng chí Phạm Sĩ Tấn, Đặc khu ủy viên, Trưởng ban Binh-Địch-Vận Đặc khu Quảng Đà; đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Quận đội phó Quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng 89 Đặc Công; đồng chí Phan Văn Tải, Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì, phụ trách lực lượng biệt động và Đội trưởng Đội công tác phía trước; đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Mũi trưởng Biệt động, Trưởng ban Tác huấn, phụ trách công tác huấn luyện cách đánh địch cho các lực lượng vũ trang của Quận Nhì và nhiều đồng chí khác đã về đứng chân hoạt động, xây dựng căn cứ Hồng Phước và bám trụ lãnh đạo phong trào trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở căn cứ B1 Hồng Phước nhiều gia đình khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn âm thầm chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho cán bộ, bộ đội, du kích về hoạt động. Ban đêm cán bộ, bộ đội lên khỏi hầm bí mật đi hoạt động, các mẹ, các chị phải thức để cảnh giới chờ đến khi các đồng chí về xuống hầm, đậy nắp hầm, xóa hết dấu vết bảo đảm an toàn rồi mới đi ngủ, biết bao nguy hiểm rập rình nhưng người con Hồng Phước vẫn một lòng một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ chiến đấu. Trong suốt quá trình hoạt động tại căn cứ gia đình mẹ Phạm Thị Dĩ đêm nào cũng thức dùng ngọn đèn dầu treo trước nhà làm ám hiệu cho ta nhận biết. Đèn sáng là an toàn, cán bộ, bộ đội yên tâm về Hồng Phước hoạt động. Đèn tắt là nguy hiểm, có địch đang tuần tra, lùng sục. “Ngọn đèn đứng gác” ấy đã âm thầm, hiên ngang canh giữ an toàn cho các lực lượng cách mạng về hoạt động tại căn cứ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Căn cứ Hồng Phước nơi diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi của cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Và là nơi xuất phát nhiều trận đánh quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Tháng 12 năm 1964 trung đội du kích mật căn cứ Hồng Phước phối hợp với đội công tác Khu Tây Đà Nẵng do đồng chí Hồ Phúc Ngôn chỉ huy, đã đột nhập vào Hội đồng tề ngụy Đa Phước tiêu diệt tên Phùng Đình Khấu, là tên phản bội cách mạng, gây nhiều tội ác với nhân dân. Từ đó những tên ác ôn khác không dám hung hăng đàn áp nhân dân như trước.

Ngày 17 tháng 4 năm 1966, Đaị đội 1, Tiểu đoàn đặc công 489 Đà Nẵng, do đồng chí Hồ Phúc Ngôn-Đại đội trưởng chỉ huy tập kích tiêu diệt trận địa pháo binh của Tiểu đoàn pháo binh thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Thanh Vinh, loại khỏi vòng chiến đấu 176 tên Mỹ, phá hủy 17 khẩu pháo, 10 xe kéo pháo và nhiều trang bị kỹ thuật khác.

Tháng 7 năm 1967, trận đánh tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước, đã phá hủy 40 xe tăng, tiêu diệt 50 tên lính Mỹ.

Trận đánh vào tổng kho hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ vào ngày 17 tháng 5 năm 1968, đồng chí Phan Van Tải, Quận đội phó quận Nhì-Phụ trách căn cứ, cùng đồng chí Dương Tâm-du kích mật tại căn cứ, bí mật sử dụng thuốc nổ chế tạo thành mìn đột nhập vào vành đai Tổng kho Hậu cần của địch cài đặt 2 quả mìn trên con đường địch đang cày ủi, phá hủy 2 xe GMC, loại khỏi vòng chiến 31 tên địch.

Tháng 10 năm 1968, lực lượng đặc công quận Nhì hoạt động tại căn cứ B1 Hồng Phước do đồng chí Đặng Đình Vân, Quận đội trưởng chỉ huy, phối hợp với du kích mật tại căn cứ tiến công trụ sở ngụy quyền Hòa Minh, đánh sập nhà Thông tin, cơ quan cảnh sát, tiêu diệt tên ác ôn Châu Lân-xã phó, làm bị thương 5 dân vệ.

Đầu năm 1971, lực lượng du kích mật căn cú B1 Hồng Phước phối hợp với lực lượng đặc công quận Nhì, do đồng chí Đặng Đình Vân-Quận đội trưởng chỉ huy, tập kích ấp chiến lược Xóm Mới (cách căn cứ 1km về phía Tây Bắc) tiêu diệt một trung đội địch, bắt sống 2 tên và tập kích ấp chiến lược Đa Phước tiêu diệt 1 tiểu đội dân vệ địch phá tan ấp chiến lược, treo cờ cách mạng tại trụ sở địch.

Đêm 12 tháng 5 năm 1972, Đại đội Đặc công Quận Nhì do đồng chí Hồ Phúc Ngôn – Quận đội phó trực tiếp chỉ huy và các đồng chí Đặng Ngọc Xảo, Lê Đức Cưu, Đặng Tôn về trú quân tại căn cứ B1 Hồng Phước phối hợp với lực lượng biệt động, du kích mật tại căn cứ tổ chức trinh sát nắm địch, chuẩn bị chiến trường tập kích căn cứ Hoa Lư-Hòa Mỹ gồm cơ quan tham mưu Tổng hành dinh sư đoàn 3 ngụy và 1 tiểu đoàn vận tải thuộc Sư đoàn 3, tiêu diệt 150 tên sĩ quan và binh lính, pha hủy 200 xe các loại và 1 khu nhà kho vũ khí, quân nhu.

Đêm 22 tháng 8 năm 1972, Đại đội đặc công quận Nhì do đồng chí Đặng Đình Vân – Đặc khu ủy viên, bí thư kiêm Quận đội trưởng quận Nhì và đồng chí Hồ Phúc Ngôn – Quận đội phó chỉ huy, phối hợp với đồng chí Đặng Ngọc Xảo – Đại đội phó và lực lượng tại căn cứ B1 Hồng Phước tổ chức tập kích Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong và 1 đại đội công binh độc lập ngụy tại Bàu Tràm loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch.

Nhằm cắt nguồn lương thực của địch chi viện cho các chiến trường miền Trung-Tây Nguyên, , Đặc khu ủy Quảng Đà giao nhiệm vụ cho Quận Nhì tổ chức đánh tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh. Là mục tiêu rất khó tiếp cận, nằm trong khu vực căn cứ hậu cần của địch, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Để thực hiện trận đánh này, Quận ủy, Quận đội Quận Nhì giao cho căn cứ B1 Hồng Phước tổ chức trinh sát nắm địch, vẽ sơ đồ, đề xuất phương án tác chiến và phối hợp tham gia chiến đấu. Ông Dương Thành Thị, lúc đó mới 12 tuổi, là con ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ (cơ sở bí mật của ta tại căn cứ B1 Hồng Phước ) được đồng chí Nguyễn Bá Siêu-Đội phó đội công tác Quận Nhì giao nhiệm vụ tiếp cận kho gạo, nắm địch, vẽ sơ đồ. Sau nhiều buổi đi chăn trâu tiếp cận mục tiêu, ông Thị đã vẽ được hoàn chỉnh sơ đồ kho gạo và nắm được lực lượng trực tiếp bảo vệ tại kho gạo có 1 trung đội lính địa phương quân. Tháng 8 năm 1973([1])1 trung đội Đặc công biệt động quận do đồng chí Võ Đình Nhơn, Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy về trú quân bí mật tại căn cứ B1 Hồng Phước phối hợp với lực lượng tại căn cứ tổ chức chiến đấu. Trận đánh đã tiêu diệt 1 trung đội lính địa phương quân ngụy bảo vệ kho và đốt cháy hàng ngàn tấn gạo. Và còn rất nhiều trận đánh khác trong phạm vi bài viết này không thể nêu hết được.

Trong tất cả các trận đánh, căn cứ B1 Hồng Phước đóng vai trò rất quan trọng. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân căn cứ B1 Hồng Phước là lực lượng tham gia dẫn đường, trinh sát, nắm tình hình địch, bảo đảm cơm nước phục vụ bộ đội, du kích, tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, thương binh, chôn cất liệt sỹ….Căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước không chỉ là điểm đứng chân của cán bộ, chiến sỹ mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch, đồng thời là nơi lui quân, được nhân dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở an toàn.

Trên mảnh đất Hồng Phước gắn liền với những tấm gương anh dũng hy sinh của các đồng chí: Lê Thị Tính, Đặng Đình Vân, Trần Thị Vấn, Phan Văn Bảy, Lê Văn Khi, Phạm Phú Long và nhiều tấm gương anh hùng liệt sỹ khác. Đồng chí Hồ Phúc Ngôn, đồng chí Phan Văn Tải, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn,… những đồng chí gắn liền với những chiến công vang dội từ căn cứ B1Hồng Phước đã một thời làm cho kẻ thù khiếp sợ, nay là những nhân chứng lịch sử quý giá. Những gia đình cơ sở trung kiên, tiêu biểu như gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, gia đình các bà Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Hà Thị Mau, Lê Thị Cảnh… và nhiều gia đình cơ sở khác ở căn cứ Hồng Phước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, làm nên bề dày lịch sử hào hùng của căn cứ B1 Hồng Phước.

Năm tháng sẽ qua đi, những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước sẽ mãi ghi vào trang sử vẻ vang một thời đánh Mỹ của dân tộc Việt Nam.

([1]) Tài liệu Căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước tháng 4 năm 2016 trang 5 ghi tháng 3 năm 1973.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây