TP Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, thế nhưng đến nay địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Điều này dẫn đến việc nhiều điểm du lịch còn mang tính tự phát, sao chép, chưa có sự hợp tác thu hút khách.
Hà Nội có vùng ngoại thành rộng lớn, cảnh quan đa dạng, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Bên cạnh đó, do sự phát triển của đô thị nên các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng trở nên “mới lạ”, là cơ sở để hình thành nên những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.
Hiện du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội chủ yếu gồm các loại hình du lịch làng nghề, sinh thái, du lịch canh nông… Trong đó, các hoạt động du lịch cộng đồng dựa trên khai thác giá trị văn hóa với sự tham gia của người dân bản địa chiếm ưu thế như chùa Hương (huyện Mỹ Đức), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…
Du lịch canh nông là loại hình du lịch mới phát triển trong thời gian gần đây, với mô hình nổi bật là các trang trại sinh thái, hay hợp tác xã nông nghiệp tổ chức những hoạt động trải nghiệm về nông nghiệp, làng quê. Hiện trên địa bàn Thành phố có hàng chục mô hình canh nông như: Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…
Thực tế cho thấy để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển những điểm du lịch gắn với nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn Thủ đô đã có 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với nông thôn, làng nghề, sinh thái đã được UBND TP Hà Nội công nhận.
Cụ thể điểm du lịch xã Dương Xá, Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ (thị xã Sơn Tây).
Khách du lịch quốc tế tham quan làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam.
Đặc biệt, du lịch Hà Nội có 2 sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái đó là dịch vụ làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (huyện Gia Lâm).
Mặc dù Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.
Phản ánh những bất cập trong quá trình khai thác loại hình du lịch này, thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) thông tin, không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau. Nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau dẫn đến chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.
Khách du lịch tham quan làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam.
Để loại hình du lịch này phát triển, theo các chuyên gia, thời gian tới cần gắn kết với điều kiện tự nhiên và làng nghề của địa phương qua đó thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư.
TS Đoàn Mạnh Cương (Vụ Văn hóa, Giáo dục – Văn phòng Quốc hội) nêu rõ, muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng xanh và bền vững, trước hết cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù từng địa phương, từ đó quy hoạch phát triển loại hình du lịch này phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch này cần gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.
Hiến kế phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, thạc sỹ Vũ Thị Thanh Như (Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về du lịch nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Từ đó làm cơ sở định hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội theo hướng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế.
“Điều quan trọng là cần phát triển du lịch gắn kết với điều kiện thiên nhiên và làng nghề của các địa phương để thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương” – bà Vũ Thị Thanh Như nêu rõ.
Khách du lịch quốc tế tham quan làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam.
Là địa phương đang phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Phượng kiến nghị, thời gian tới nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương theo hướng cùng tham gia làm kinh tế du lịch.
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty Du lịch Sunvina Tạ Hữu Chiến đề xuất, cần có sự kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại các vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp. Đồng thời có cơ chế ưu đãi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Trước những kiến nghị, đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để loại hình du lịch này phát triển UBND TP Hà Nội đã ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 – 2025. Vì vậy thời gian tới Sở Du lịch sẽ đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội qua đó khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này