Giới thiệu khái quát huyện Phúc Thọ

Giới thiệu khái quát huyện Phúc Thọ

Giới thiệu khái quát huyện Phúc Thọ

Phúc Thọ là huyện nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km. Trên địa bàn huyện, Quốc lộ 32 đóng vai trò là con đường giao thông huyết mạch, ngoài ra, còn có Tỉnh lộ 417, 418, 419 chạy qua nối liền Phúc Thọ với các vùng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Phúc Thọ trong quá trình giao lưu, liên kết với trung tâm thành phố Hà Nội và các huyện, thị lân cận.

Thông tin chung
– Đơn vị: Huyện ủy-HĐND-UBND huyện Phúc Thọ
– Địa chỉ: Thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ,TP Hà Nội
– Số điện thoại: (024) 33640063; Email: [email protected]
– Diện tích: 117km2
– Dấn số: khoảng 250.000 người, năm 2016
– Các đơn vị hành chính huyện gồm 01 thị trấn: Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Hiệp, Tam Thuấn, Tích Giang, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Trạch Mỹ Lộc, Vân Hà, Vân Nam, Võng Xuyên, Vân Phúc, Xuân Phú.
– Về địa lý, Phúc Thọ là một huyện nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội; Phía Tây giáp với  thị xã Sơn Tây, phía Nam giáp huyện Thạch Thất và Quốc Oai, phía Đông giáp huyện Đan Phượng. Ở phía Bắc, bên kia sông Hồng, huyện Phúc Thọ còn có một phần đất tiếp giáp với huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).
Lịch sử hình thành và phát triển
Phúc Thọ là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Đáy và sông Tích, tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử – cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại 195 năm.
Theo sách Địa chí Hà Tây thì vào Triều Nguyễn huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ) thuộc Phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến năm 1822, đổi tên thành huyện Phúc Thọ thuộc trấn Sơn Tây. Sau năm 1945, Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định 103-NQ-TVQH về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây. Từ đó, huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ tư của Quốc Hội khóa VI đã ra Nghị quyết về việc hợp nhất tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Sơn Bình; Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, gồm 17 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú.
Ngày 29/12/1978, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai. Theo Nghị quyết các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông của tỉnh Hà Sơn Bình được nhập về Hà Nội.
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định sáp nhập thêm 3 xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp của huyện Quốc Oai vào huyện Phúc Thọ.
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 101-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định tách các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc của huyện Ba Vì để sáp nhập vào huyện Phúc Thọ quản lý.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị quyết tỉnh Hà Sơn Bình được chia thành hai tỉnh, lấy tên là tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Huyện Phúc Thọ lại thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Tây.
Ngày 29/8/1994,  Chính phủ ban hành Nghị định 107-CP về việc thành lập thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (thị trấn huyện lỵ) trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của hai xã Phúc Hòa và Thọ Lộc.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo Nghị quyết, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Một lần nữa huyện Phúc Thọ lại được sáp nhập vào Hà Nội, huyện gồm 01 thị trấn và 22 xã, giữ ổn định cho đến nay.
Văn hóa – di tích danh thắng
Với bề dày lịch sử lâu đời, ngay từ xa xưa, các thế hệ cư dân Phúc Thọ đã góp phần vào quá trình hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ cũng như mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Qua những di tích, di vật lịch sử – văn hóa đã chứng minh Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; đặc biệt, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Là vùng đất cổ, Phúc Thọ là nơi lưu giữ và bảo tồn hệ thống các di sản văn hóa đậm đặc cùng nhiều lễ hội đặc sắc. Theo số liệu, đến tháng 6/2015, toàn huyện có 194 di tích lịch sử – văn hóa, gồm: 78 chùa; 59 đình; 34 đền, miếu, quán, phủ; 21 nhà thờ họ, công giáo và 02 di tích Cách mạng và lưu niệm sự kiện. Huyện có các di tích tiêu biểu như: Đền Hát Môn, xã Hát Môn; đình Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp; miếu Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc; đình Tường Phiêu, xã Tích Giang; chùa Tổng, xã Tam Hiệp; chùa Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, đình Thanh Mạc, xã Thanh Đa; đình Thuấn Nội, xã Tam Thuấn; đền Trong, đền Ngoài, xã Hiệp Thuận…; Đặc biệt có đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ những năm 1960, nay gọi là Đền Hát Môn và đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; năm 2016, Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đến với di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, nơi đây là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Với người dân ở Phúc Thọ, đền Hát Môn là nơi linh thiêng, nhưng vô cùng gần gũi.
Đền Hát Môn với vai trò lịch sử của mình, chính là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, là di sản quý báu để những thế hệ hôm nay tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông, đặc biệc là phẩm chất anh hùng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Phúc Thọ là tài sản vô giá, là minh chứng cho sự hình thành và phát triển của quê hương, đã góp phần tô điểm, thắp sáng lên truyền thống yêu nước. Mỗi di tích đều hàm chứa trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ. Đến với những di tích lịch sử, mỗi người đều mang trong lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước – những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hi sinh để giữ gìn độc lập của đất nước. Chính điều đó tạo nên tính chất lâu bền cho mỗi di tích và lan truyền rộng rãi cho nhiều thế hệ sau.
Hiện nay, huyện Phúc Thọ được thành phố Hà Nội quy hoạch là vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Hy vọng trong thời gian tới, huyện sẽ có bước phát triển mới và là điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây