Giới thiệu khái quát huyện Sơn Tây

huyện Sơn Tây - Tỉnh Quảng Ngãi
Giới thiệu khái quát huyện Sơn Tây
Huyện Sơn Tây là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng vẫn ẩn chứa nhiều cảnh sắc thiên nhiên thú vị. Phong cảnh thiên nhiên ở đây vẫn còn nguyên sơ với một màu xanh của bạt ngàn hùng vĩ, dẫu rằng đã có nhiều tác động của những công trình mang tính lịch sử đang diễn ra trên địa bàn huyện. Những con suối hiền hòa kết hợp với khí hậu thời tiết trong lành và mát mẻ, tạo cho con người một cảm giác lâng lâng khó tả.

Đã đến Sơn Tây, chúng ta không thể bỏ qua Thác Lụa. Nhìn từ xa du khách sẽ thấy nó như một tấm dải lụa trắng xóa, thuộc địa phận xã Sơn Tinh với những tầng nước chảy quanh năm. Mỗi tầng mang một vẻ đẹp khác nhau. Thác Lụa với vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ với tiếng Thác đổ ầm ầm ngày đêm mang âm hưởng của rừng thiêng sâu thẳm. Thêm vào đó là những tán cổ thụ phủ kín cả khu rừng với một màu xanh của bạt ngàn cùng tiếng chim hót líu lo, những tầng dây leo chằng chịt làm cho cảm xúc của mỗi chúng ta như hòa quyện vào thiên nhiên hoang dã. Dưới chân Thác Lụa, theo dòng nước chảy tạo thành con suối Xà Ruông quanh co, khúc khuỷu với những tảng đá to, nhẵn bóng, xếp chồng nối tiếp nhau làm cho phong cảnh ở đây còn thêm hùng vĩ.

Về đến Trung tâm huyện Sơn Tây, rẽ vào xóm ông Trường của thôn Huy Măng – xã Sơn Dung, chỉ khoảng chưa đến một cây số chúng ta sẽ đến được con suối Huy Măng (suối Tiên). Đây là một thắng cảnh của huyện Sơn Tây đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích thắng cảnh vào năm 1999. Một con suối hiền hòa, thơ mộng. Tiếng suối nước chảy nhẹ nhàng, len qua những khe hở của những phiến đá nhấp nhô trải dài nối tiếp nhau tạo nên những ân thanh kỳ lạ. Dọc hai bên suối là những tầng dây leo, hoa dại và những tàn cây cổ thụ che phủ khắp con suối tạo cho làn nước ở đây luôn luôn mát mẻ quanh năm. Ngoài ra với địa hình của một huyện đa phần là đồi núi nên còn rất nhiều những con suối không tên khác nằm ở khắp các xã trong huyện. Mỗi con suối mang mỗi vẻ đẹp tiềm ẩn khác nhau. Từ trong những khu rừng còn nguyên sơ và xanh tươi ấy có nhiều loại động thực vật khác nhau. Vừa phong phú về chủng loại, vừa đa dạng về hình dáng và màu sắc.

Đến với Sơn Tây, ngoài việc xem các cảnh sắc thiên du khách sẽ được thưởng thức các món ăn rất dân dã nhưng mang đậm nét dân tộc truyền thống. Cùng với những ché rượu cần thơm ngát đặc trưng và không thể thiếu trong những dịp lễ hội ở Sơn Tây. Cá niêng một loại cá từ thiên nhiên. Chúng chỉ sống ở những vùng nước chảy siết. Thức ăn chủ yếu của chúng là rong, rêu sống bám trên những phiến đá và cây cỏ ven sông, suối. Chính vì vậy, mà cá Niêng có một vị rất riêng đó là vị nhẫn đắng của rong, rêu cộng với vị béo bùi của cây cỏ. Không chỉ có cá Niêng, một món ăn khác cũng không kém phần thú vị, đó là món canh ốc đá với rau ranh, cũng là một món ăn dân dã và thường nhật của người dân bản địa. Nhưng đối với du khách từ các nơi khác đến thì đây lại là một món ăn rất độc đáo. Không cầu kỳ về cách chế biến với những gia vị rất thông thường như: một ít gạo tấm, một ít ớt và với một ít muối mà không cần thêm một gia vị gì khác nữa. Món ăn kết hợp rau ranh với ốc đá chứa đựng cái vị ngọt, vị mát, vị béo của đại ngàn mà ai đã từng thưởng thức thì không thể quên được….

Với một huyện miền núi thuộc diện nghèo như Sơn Tây, nói đến du lịch thì vẫn còn sớm nhưng không phải là không thể. Huyện Sơn Tây trong tương lai đã và đang được quy hoạch thị trấn ở một phần xã Sơn Dung và xã Sơn Mùa. Chảy giữa trung tâm thị trấn là con sông Rin hiền hòa, uốn lượn quanh theo các khe núi. Trên vùng đất này, đặc biệt có con đường Trường Sơn Đông lịch sử chạy qua. Phía Bắc nối với huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, phía Nam nối với huyện KonPLông của tỉnh Kon Tum. Ở đây còn có công trình thủy điện Đăkđrinh đang ngày đêm thi công để trong những năm tới sẽ hòa vào mạng lưới điện của Quốc gia.

Những thửa ruộng bậc thang thơ mộng, những ngôi nhà sàn đặc trưng, những tiếng đàn Krâu, những làn điệu dân ca Ra Nghé, Kaliêu, những điệu cồng chiêng âm vang trong những dịp Tế lễ, hội làng, … sẽ là những nét văn hóa truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Ka Dong ở huyện Sơn Tây.

Những nét văn hóa đặt trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi cần phải được gìn giữ, tôn tạo và phát huy hơn nưa những gì đang có và sẽ có. Từ đó, tiềm năng của du lịch Sơn Tây sẽ ngày được mở rộng, được biết đến nhiều hơn với những du khách yêu thiên nhiên, yêu thích cảnh núi non yên tĩnh, sông suối hiền hòa và ưa thích khám phá. Sẽ thu hút nhiều khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, du lịch.

  1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Theo các sách sử đã viết thì vung đất huyện Sơn Tây từ đầu thế kỷ XV nằm trong địa phận Cỗ Luỹ  động, thuộc lãnh thổ quốc gia Đại Ngu dưới triều Nhà Hồ. Sau nhiều thế kỷ biến đổi, năm 1832 (niên hiệu Minh Mạng thứ 13), Cổ luỹ động trở thành tỉnh Quảng Nghĩa, về sau gọi là tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi gồm 6 phủ, huyện trung châu và bốn nguồn thượng du, trong đó có nguồn “Cù Bà” sau được đổi tên “nguồn Thanh Cù” có đặt thủ sở cách huyện Bình Sơn 23 dặm về phía Tây. Năm 1899 (niên hiệu Thành Thái thứ 11), nguồn thanh cù đổi thành “Tổng ca dong” nằm trong châu “Sơn Hà”. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ca Dong.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đổi các Phủ, Huyện, Châu thành đơn vị huyện thuộc tỉnh; ghép nhiều làng, sách, nóc nhỏ thành đơn vị xã thuộc huyện, bỏ cấp tổng. Châu Sơn Hà đổi thành huyện Sơn Hà. Các làng thuộc tổng Ca Dong được ghép lại thành một xã mang tên xã Sơn Tinh trực thuộc huyện Sơn Hà; phía Bắc sông Rin gọi là bắc Sơn Tinh, phía Nam sông Rin gọi là Nam Sơn Tinh.

Năm 1952, Uỷ ban kháng chiến hành chính Mìên Nam Trung bộ chuẩn y đề nghị của huyện Sơn Hà và tỉnh Quảng Ngãi, chia xã Sơn Tinh thành 2 xã: Bắc sông Rin gọi là xã Sơn Liên; nam sông Rinh gọi là xã Sơn Tinh, đến cuối năm 1952, xã Sơn Liên chia thành 3 xã: Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Sơn Liên; xã Sơn Tinh chia thành 4 xã: Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu và Sơn Long. Cũng trong năm này tỉnh Kon Tum giao xã Sơn Bua cho huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của liên khu uỷ Khu V “Xây dựng căn cứ địa miền núi” phục vụ kháng chiến, ngày 20/7/1957, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi quyết định tách 8 xã vùng cao Sơn Hà (Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Bao, Sơn Tinh, Sơn Dung, Sơn Màu, Sơn Long) thành lập Khu 7, một đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Giữa năm 1959, tỉnh Kon Tum giao cho tỉnh Quảng Ngãi 6 làng của huyện Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi đem 6 làng này nhập với 3 làng của xã Sơn Màu và 1 làng của xã Sơn Kỳ  hình thành xã Sơn Lập thuộc Khu 7.

Năm 1959, tỉnh Kon Tum tiếp tục giao làng Dũi, làng Tinh, Làng Xăng, làng B´reo, làng Dật, làng Lũ, làng Rễ, làng Gĩô, làng Trăng cho khu 7 lập thành xã Sơn Tân. Từ đây khu bảy có 10 xã. Đến năm 1965, khu bảy chính thức được gọi là huyện Sơn Tây.

Năm 1970, huyện Sơn Tây cùng các xã Tây Trà Bồng, Đông Trà Bồng (trừ các xã Trà Xuân, Trà Phú, Trà Hoà) lập thành khu Sơn Trà trực thuộc khu V. Đến cuối năm 1972, khu Sơn Trà giải thể, huyện Sơn Tây trở về đơn vị hành chính như trước.

Từ năm 1976, thực hiện chủ trương của TW Đảng và chính phủ, huyện Sơn Tây hợp nhất với huyện Sơn Hà thành một huyện, mang tên huyện Sơn Hà. Sau đó 10 xã trên địa bàn huyện Sơn Tây hợp nhất thành 4 xã: Sơn Mùa, Sơn Tinh, Sơn Tân và Sơn Dung.

Đánh giá đúng đặc thù vùng đất cư trú của dân tộc Ca dong và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng: chú trọng đúng mức đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa; Thủ Tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của HĐND tỉnh Quảng Ngãi ra Nghị định số 83/NĐ-CP, ngày 06/8/1994, chia huyện Sơn Hà thành 2 huyện: Sơn Tây và Sơn Hà. lúc bấy giờ Sơn Tây trở về đơn vị hành chính cấp huyện với tổng diện tích 41.893 ha; nhân khẩu 13.315 người; gồm 04 xã (Sơn Tân, Sơn Mùa, Sơn Dung và Sơn Tinh).

Sơn Tây là huyện miền núi, nằm về phía Tây tỉnh Quảng Ngãi; phía Đông và Đông Nam giáp huyện Sơn Hà, phía Tây Nam giáp với huyện Kon Plông (tỉnh kontum), phía Bắc giáp huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tây Trà.

Huyện Sơn Tây nằm từ 14 0 – 14 đến 14 0 – 46 độ vĩ bắc; từ 108 0 – 22’  đến  108 0 – 24’  độ kinh đông, có độ cao từ 400m đến 1.900m so với mặt nước biển. Về khí hậu, Sơn Tây nằm trong vùng gió mùa á nhiệt đới, có 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8; mùa mưa từ cuối tháng 8 đến tháng 12, sớm hơn hai, ba tháng so với đồng bằng. Lượng mưa trung bình hằng năm là 2.700mm. Nhiệt độ thường thấp hơn 1- 2C so với đồng bằng, trung bình hằng năm là 23,5 C; cao nhất là 36- 2 C (vào tháng 4,5,6 ); thấp nhất là 14 – 15C (vào các tháng 11, 12). Độ ẩm trung bình hàng năm từ 88 – 99%. Nói chung khí hậu Sơn Tây rất thích hợp cho sức khoẻ con người; thích hợp cho nhiều loại cây, vật nuôi phát triển. Nhưng cũng có những năm Sơn Tây phải chịu những đợt hạn hán, lụt bảo khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Qua nhiều lần điều chỉnh, hiện nay (theo số liệu thống kê năm 2010) huyện Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiên là 382,2168 km, trong đó diện tích đất Lâm nghiệp 25.676,2ha, chiếm 67,17%. Địa hình Sơn Tây gắn liền với bắc Kon Tum, là một khối đá biến chất rất cổ, có nhiều mạch granit cắt ngang. Các khối đá tạo nên những ngọn núi khá cao như Hoăn Plây 1.900m (ở Sơn Tân, Sơn Tinh) núi Wang Rét 1.794m, núi Gò Tăng 1.608m (ở Sơn Mùa), núi Hà Neng 1.483m(ở Sơn Dung Sơn Tây), núi Ain 1.477m (ở Sơn Mùa giáp với Nam Trà My), núi Và Rẫy 10437m, núi Adin 1.406 (ở Sơn Tinh, Sơn Dung) và hàng chục ngọn núi khác cao từ 500m đến trên 1.000m.

Các khối núi granit này tuy không bị ảnh hưởng của đợt vận động địa chất ở đại tân sinh, nhưng bị nhiều nứt gãy, làm bazan trào ra bao phủ một số vùng. Rừng núi Sơn Tây lại nối liền với dãy Ngọc An, Ngọc Linh ở bắc Kon Tum, tạo thành thế liên hoàn hiểm trở nên có vị trí chiến lược quan trọng về mặt Quốc phòng.

Rừng núi Sơn Tây có nhiều loại gỗ quý như Lim, Sến, Sơn, Chò, Hương, Gõ…có nhiều loại thú quý như Hổ, Gấu, Sơn Dương, Trăn, Dộc, Khỉ….trước đây có cả Voi; có nhiều dược liệu, lâm đặc sản quý như mật ong, trầm hương, trầm kỳ…Sơn Mùa có mỏ đá vôi có thể sử dụng làm nguyên liệu xây dựng. Vùng ngã ba Đắc Tà Meo – Ra Manh – sông rinh ở thôn 2 xã Sơn Mùa, giáp giới xã Đắc Rin, xã Đắc – Nân (huyện Kon Plông) có suối  nước nóng từ 50C đến 70C có tác dụng chữa bệnh tốt. Đất đồi, rừng và triền núi Sơn Tây thích hợp cho phát triển nhiều loại cây công nghiệp như Cau, Quế, Song mây…Đây còn là địa bàn tốt để phát triển chăn nuôi Trâu, Bò, Dê, Heo, Gà…

Sơn Tây có 2 con sông lớn bắt nguồn từ Kon Tum: Sông Rinh (Đắc Krin) và sông Xà Lò (Đắc XêLo). Sông Rinh chảy qua Sơn Dung, Sơn Mùa và Sơn Tân có hai 2 phụ lưu ở phía bắc: Suối nước Bua và suối nước Lác; 4 phụ lưu ở phía Nam: Sông Ra Manh, suối Ra Pân, suối Huy Măng và suối nước Màu. Sông Xà Lò cùng với nước Xà Ruông bắc nguồn từ núi Adin ở Sơn Tinh đổ dọc xuống địa giới Đông Nam Sơn Tây, chảy xuống huyện Sơn Hà, sông Rinh và sông Xà Lò góp phần tạo nên đầu nguồn của sông Trà Khúc – con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Sông suối Sơn Tây thường cắt sâu vào lớp đất bazan vụn bỡ, luồn qua các khe núi tạo nên những bờ dốc đứng và mực nước thấp hàng chục mét so với những vùng đất tương đối bằng trong huyện; thời gian có nước lớn chỉ một vài tháng (tháng 10,11) còn các tháng khác nước cạn đến tận đáy. Ở sông, suối Sơn Tây có loại cá niêng rất ngon, một số nơi có vàng sa khoáng, nhiều đoạn có độ dốc cao, nước chảy mạnh nên có điều kiện tận dụng nguồn nước để làm thuỷ lợi, thuỷ điện. Về mùa mưa lũ, nước chảy xiết thường gây xói mòn, sạt lỡ đôi bờ.

Từ địa thế tự nhiện, rừng núi và sông suối Sơn Tây có nhiều tài nguyên quý giá, nhưng vì là vùng đất hiểm trở, dân cư thưa thớt nên chưa khai thác được nhiều. Ở Sơn Tây có nhiều cảnh đẹp làm nao lòng người. Đó là những thác nước trắng xoá, sáng chiều in đậm bảy sắc cầu vòng, những dòng suối trong veo lượn lờ cá lội, soi bóng những ngôi nhà sàn rộn tiếng cồng chiêng. Suối nước nóng Tà Meo bốc hơi nghi ngút sẵn sàng mời đón du khách tham quan. Tiêu biểu nhất là thắng cảnh suối Huy Măng chảy giữa hai ngọn núi Kylin và Yoc – Ra – Lung ở Sơn Dung. Suối và thác nước trải dài hàng ngàn mét, len lỏi qua những khối đá muôn hình muôn vẻ, khi thì êm ả lững lờ, lúc thì tuôn trào dữ dội trông rất ngoạn mục. Đến đây du khách có thể leo núi, tắm nước suối mát rượi, thưởng thức nhiều loại trái cây chín mọng; có thể chiêm ngưỡng những loài phong lan thắm sắc, ngát hương. Suối Huy Măng không chỉ là một thắng cảnh mà còn là nơi ghi lại bao sự tích anh hùng của nhân dân Sơn Tây.

  1. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1.Lĩnh vực kinh tế:

Người Ca Dong trước kia chủ yếu sinh sống bằng sản xuất ở nương rẫy, săn bắn, hái lượm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng bào sống theo lối du canh du cư. Đất đai thuộc sở hữu tập thể nhỏ (theo plây) tồn tại trong nhiều thời kỳ. Khi chọn được đất, làng làm dấu chiếm dụng hình chữ thập (+) gọi là “kíp”. Mọi người tôn trọng triệt để dấu đó. Khi có sự vi phạm đất đai giữa hai làng thì thương lượng hoặc phạt bằng vật quý (chiêng, ché, trâu) hoặc dùng vũ lực.

Người ca dong thích chọn những sườn đồi thoáng đãng, có suối nước để ở và ở theo từng làng (Plây), mỗi làng là một cộng đồng cùng hay không cùng huyết thống, có nhiều nhà. Tất cả chủ nhà họp thành hội đồng già làng, đứng đầu là người có uy tín nhất gọi là “chủ làng” (Ka rá – Plây). Tên chủ làng cũng thường trở thành tên của làng. Chủ làng là người đại diện cho cả làng, thể hiện nguyện vọng của toàn dân, chăm nom bảo vệ làng khi có giặc, giao thiệp với khách, tiếp xúc với các làng buôn hay thương lái, tổ chức các đoàn buôn của làng, giữ gìn phong tục, tập quán, đôn đốc việc sản xuất, chủ trì các lễ thức tín ngưỡng trong làng, xử lý các vụ tranh chấp, kiện tụng, vi phạm luật tục…

Ruộng, rẫy, vườn gia đình nào khai phá thì thuộc gia đình đó, khi gia đình chấp nhận là thành viên của làng. Rẫy ở đây chỉ có một loại gọi là “diếc” hay “dếc” đựoc khai phá theo chu kỳ, trồng tỉa một hoặc hai, ba vụ rồi bỏ hoang 10, 12 năm mới phát đốt, trồng tỉa lại. Công cụ phát nương, làm rẫy chủ yếu là rìu, rựa. Khi trồng tỉa đàn ông dùng gậy nhọn chọc lỗ, đàn bà theo sau bỏ hạt. Trên các rẫy lúa, mảnh vườn đồng bào thường trồng xen bầu, bí, rau, đậu, cây có củ, bón phân cho cây trồng, trừ việc phát đốt rẫy thành tro để nuôi cay lúa và hoa màu. Đồng bào thường bảo vệ hoa màu ở rẫy bằng cách rào rẫy, săn bắn, đặt bẫy, chông, thò…để chống thú rừng phá hoặc dùng những giàn ống nứa, ống lồ ô đặt dưới suối, treo trên nương, nhờ sức nước, sức gió đẩy tạo nên âm thanh xua đuổi thú rừng. Khi thu hoạch lúa thì đồng bào dùng hai bàn tay để gặt vì lúa rẫy dễ rụng và còn do mê tín, sợ dùng liềm cắt thì “hồn lúa bị đau” và “chạy mất”, mùa sau thu hoạch sẽ kém.

Từ sau năm 1945, đồng bào ở dọc sông Rin và các suối lớn nhờ học tập kinh nghiệm các trại sản xuất của cách mạng đã biết canh tác số đất ít ỏi ở hai bên bờ sông, suối để sản xuất lúa nước. Công trình thuỷ lợi lúc bấy giờ còn rất thô sơ. Đồng bào biết dùng cày, bừa do trâu kéo và cuốc lưỡi bằng sắt để làm ruộng lúa nước.

Cùng với làm rẫy, lúa nước, người ca dong còn trồng một số loài cây công nghiệp; đó là các đồi quế lâu đời, nhiều vườn cau, thuốc lá, gai quanh các làng. Quế cau, thuốc lá Sơn Tây là những mặt hàng có giá; những vườn gai góp phần duy trì, phát triển truyền thống dân tộc.

Đi đôi với trồng trọt, đồng bào Sơn Tây còn nuôi trâu, bò, dê, heo, gà. Đàn gia súc, gia cầm cùng với thịt thú rừng săn bắn được là nguồn thực phẩm chủ yếu để làm vật trao đổi và cúng thần trong lễ hội ăn Trâu (Ká Kapơ).

Để tự cấp tự túc và có sản phẩm trao đổi, đồng bào ca dong còn làm các nghề đan lát, dệt, rèn… Hàng đan lát của đồng bào thường bền, đẹp, thể hiện sắc thái riêng của dân tộc mình, nhất là các gùi lúa có hình chuông đặt ngửa, các léc đựng tên, các nong, nia tinh xảo. Nghề dệt do phụ nữ đảm nhiệm; hầu hết chị em kế thừa nghề dệt cổ truyền từ xưa, biết dùng chỉ gai dệt những tà muồng, xà bôn, pel, cà tu…, biết dùng lá, rễ, vỏ cây, củ rừng làm thuốc nhuộm chỉ, có màu sắc rực rỡ để dệt nên những tấm vải với các kiểu hoa văn đẹp. Các hoa văn được dệt cùng một lúc, hay có thể nói họ vừa là thợ dệt vừa là thợ thêu. Người Ca dong ưa thích màu đỏ, màu xanh, màu vàng. Theo đồng bào thì màu đỏ biểu hiện cho sự vươn lên, cho khát khao tình yêu, màu xanh biểu hiện cho sông núi, màu vàng biểu hiện cho ánh sáng. Kết hợp hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

Để thoả mãn nhu cầu cuộc sống, hình thức kinh tế chiếm đoạt còn chiếm một vị trí nhất định như khai thác lâm sản, hái lượm rau quả, săn bắn thú rừng, đánh bắt cá. Trong săn bắn, đồng bào hay dùng tên, nỏ, giáo, mác và các loại bẫy để bắt thú rừng, chim muông. Đồng bào dọc sông, suối thì dùng lưới, dao phóng, đơm hoặc ngăn bờ tát cạn để bẳt cá.

Xưa kia, hàng năm mùa thu hoạch , đồng bào các làng thường mang sản phảm dư thừa sang các làng khác, vùng khác để trao đổi, mua về những nhu yếu phẩm thiết yếu như vải, muối, cá khô, mắm, nông cụ, rượu… Ngược lại đồng bào các làng cũng đón tiếp trao đổi hàng với những thương lái, người bán hàng từ nơi khác đến. Đồng bào Ca dong mua rượu ít vì chủ yếu là uống rượu cần, rượu đoát tự làm, tuyệt đối không xuất lúa gạo ra ngoài, không nhập heo, gà, vịt. Trong việc trao đổi, đồng bào đã dùng một số sản phẩm làm vật quy ước ngang giá như ché, chiêng, nồi đồng…mà giá trị của nó dường như thống nhất trong vùng và cả khu vực bắc Tây Nguyên.

Thực hiện Nghị định 83/NĐ-CP, ngày 06/8/1994 của Chính phủ về việc lập lại huyện Sơn Tây; ngày 20/8/1994 Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra 02 Quyết định số 789-QĐ/TU và 790-QĐ/TU Thành lập Đảng bộ huyện Sơn Tây, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện do đồng chí Lê Văn Đường làm Bí thư, đồng chí Cao Trung Tín làm Phó Bí thư thường trực; UBND lâm thời huyện Sơn Tây do đồng chí Lê Văn Đường – Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch.

Trong điều kiện Đảng bộ và Chính quyền mới được thành lập, điều kiện kinh tế – xã hội của huyện mới tái lập còn nghèo nàn, lạt hậu, trình độ dân trí thấp; tỷ lệ đói – nghèo và mù chữ chiếm khá cao, trên 92% dân số. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, được sự ủng hộ, hỗ trợ của các sở, ngành trong tỉnh; Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân toàn huyện đã quyết tâm, đồng lòng vượt khó. Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, khắc phục khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các kỳ Đại hội lần thứ VIII – IX, X Đảng bộ huyện, đó là: “Tập trung phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ vững An ninh – Quốc phòng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cấp chính quyền, cũng cố vai trò Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo”.

Sau hơn 17 năm xây dựng và phát triển (1994 – 2011), huyện Sơn Tây đã từng bước vững chắc đi lên; các chỉ tiêu kinh tế – xã hội qua các kỳ đại hội đều đạt và vượt Nghị quyết đã đề ra; điển hình (giai đoạn 2005 – 2010) giá trị sản xuất tăng bình quân 16,6%; trong đó Nông – Lâm nghiệp 15,9%, Công nghiệp – xây dựng 27,7%, Thương mại – Dịch vụ 17,3%…Về cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng Nông – Lân nghiệp chiếm 75,1%,, Công nghiệp – xây dựng chiếm 5,7%, Thương mại – dịch vụ chiếm 19,2%; lương thực bình quân đầu người 332,5 kg/người/năm. Về kết cấu hạ tầng thuộc ngân sách nhà nước (giai đoạn 2005 – 2010) 450 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn (2001 – 2005); tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực Giao thông, thủy lợi, diện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế….

Về giao thông: Nhiều công trình dự án được Nhà nước đầu tư xây dựng như đường Đông Trường Sơn đi qua 04 xã có chiều dài trên 33 km đã tạo điều kiện giao thông thông suôt với các huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Konplong, tỉnh Kon Tum. Thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông của huyện, tính đến thời điểm này toàn huyện có 27/99 km đường được cứng hóa, 32 km đường huyện với quy mô đường cấp VI miền núi, mặt đường thấm nhập nhựa; 52,5 km đường xã, mặt đường thâm nhập nhựa 11 km; trên 145 km đương liên thôn, xóm do dân tự làm.

Về thủy lợi, thủy điện: Đầu tư xây dựng 24 công trình phục vụ tưới trên 292 ha ruộng và hoa màu các loại. Lợi dụng điều kiện tự nhiên, Nhà nước đã tiến hành đầu tư xây dựng các công trình thủy điện có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt có công trình  Thủy điện Đăk D´rinh với tổng công suất thiết kế trên 100 megawatt.

Hoàn thành công tác điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chi tiết trung tâm huyện lỵ Sơn Tây giai đoạn 2010 – 2015 tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt.

 THỐNG KÊ  HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT

 Đơn vị tính: ha

CHỈ TIÊU Năm 2009 Năm 2010
TỔNG DIỆN TÍCH 38.221,68 38.221,68
Trong đó:
I.-Đất Nông – Lâm nghiệp: 31.939,57 31.979,46
1.Đất sản xuất Nông nghiệp: 6.325,82 6.294,05
– Đất trồng cây hàng năm 2.770,16 2.949,37
– Đất trồng cây lâu năm 3.465,66 3.344,68
2.Đất Lâm nghiệp 25.694,4 25.676,2
– Đất rừng sản xuất 8.399,1 8.382,39
– Đất rừng phòng hộ 17.295,3 17.293,78
3.Đất nuôi tròng thủy sản 8,35 8,24
4.Đất Nông nghiệp khác 1,00 1,00
II.-Đất phi Nông nghiệp: 1.418,81 1.466,68
1.Đất ở 122,99 124,73
2.Đất chuyên dùng 637,76 683,89
3.Đất Nghĩa trang, nghĩa địa 46,01 46,01
4.Đất sông suối và mặt nước 612,05 612,05
III.-Đất chưa sử dụng 4.863,3 4.775,54

   TÌNH HÌNH THU – CHI NGÂN SÁCH 

CHỈ TIÊU Năm 2009 Năm 2010
TỔNG SỐ
Trong đó:
1.Thu trên địa bàn:
-Thu từ doanh nghiệp nhà nước huyện 947.760.594 2.117.708.614
-Thu từ kinh tế tư nhân
-Thuế tài nguyên 63.311.864 134.011.735
-Thuế sử dụng đất nông nghiệp 3.202.000 8.166.320
-Các khoản phí và lệ phí 132.596.505 142.162.268
-Thu tiền sử dụng đất 48.800.000 0
-Thu đóng góp tự nguyện 0 0
-Các khoản thu khác 706.523.979 265.020.714
2.Thu chuyển giao ngân sách 84.081.686.400 77.923.564.400
3.Thu kết dư năm trước 1.768.558.121 377.939.476

2.Lĩnh vực Văn hóa – Xã hội:

  1. Văn hóa – Tín ngưỡng và Lễ Hội:

Cộng đồng cư dân ở Sơn Tây bao gồm các tộc người Ca Dong, Cor, Hrê, Kinh. Cư trú lâu đời nhất là tộc người Ca dong, một chi của dân tộc Xơ – Đăng ở bắc Tây Nguyên. Sách sử đã viết: “Trên sườn Đông dãy Trường Sơn, cao nguyên rộng lớn phía Tây và xen kẽ ở vùng đồng bằng có nhiều thành phần dân tộc thiểu số thuộc ngôn ngữ môn Khơ – me như: Người Ba Na, Xơ – Đăng, Mơ – Nông…(miền Tây Nguyên); người Chăm – Rê, Tà Ôi, Cà Tu…(khoảng giữa trung bộ)”.

Dân tộc Xơ – Đăng có năm chi chính: Xơ – Teng, Tơ Đrá, Mơ Nâm, Ca Dong, Hà Lăng, Chi Ca Dong cư trú chủ yếu ở huyện Đắc Hà, Đắc Tô, Kon Plông (tỉnh Kon Tum), huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam), vùng Manh Xinh huyện Tây Trà và huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).

Người Ca Dong chưa có chữ viết nhưng có tiếng nói; phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nhạc khí mang bản sắc dân tộc của mình. Người kinh đến vùng Ca Dong muộn hơn đến Sơn Hà, vào khoảng đầu thế kỷ XX mới có một ít người đi buôn qua lại. Vì vậy, (trước năm 2005) người Ca Dong ít thạo tiếng kinh bằng người H´rê và rất ít người biết chữ quốc ngữ. Một thương lái người kinh kết hôn với một phụ nữ Ca Dong ở vùng Huy Măng. Sự hoà huyết giữa người Ca Dong và người kinh bắt đầu từ đó. Từ sau cách mạng tháng tám 1945, người kinh đến vùng Ca Dong ngày càng nhiều. Tính cách, phong tục, tập quán người Kinh ở Sơn Tây cũng giống như người kinh ở vùng đồng tỉnh Quảng Ngãi. Giữa hai tộc người Ca Dong và Kinh ngày càng học được nhiều tiếng nói của nhau, ngày càng hiểu biết nhau hơn và việc giao lưu kinh tế văn hoá ngày càng phát triển.

Người Ca dong xưa kia nặng về chế độ mẫu hệ, vai trò người phụ nữ được đề cao. Bà chủ gia đình là người duy nhất được chăm sóc các Lễ thức liên quan đến hồn lúa. Nữ thần dệt ban ân truyền cho nữ giới thuộc chi Ca Dong nghề dệt đáng quý, được trồng gai, trồng bông để dệt vải (trong khi đó có chi chỉ được nữ thần dệt cho phép dùng một thức vỏ cây trong rừng để dệt). Ngày nay quan hệ nam, nữ trong gia đình và xã hội là bình đẳng, không còn nặng mẫu hệ và cũng không quá nặng phụ hệ như một số dân tộc khác.

Tộc người Ca dong có đời sống văn hoá tinh thần đa dạng, phong phú. Đồng bào có tính cần cù, nhẫn nại, thật thà, chất phác, từ xưa có phong tục “gác chòi để chứa thóc gạo. Để của ở ven khe, không lấy trộm của nhau; dẫu nghèo cực vẫn không ăn xin. Đồng bào có tinh thần thượng võ, có ý chí chiến đấu cao, trọng danh dự, tự tôn, tự lập, phổ biến tục kết nghĩa anh em; tính cách thuần phác, trung thực, trọng danh dự của người Ca dong biểu hiện rõ nhất là nói như “thắt gút”, như “rựa chém cột”, đã tin là theo, đã ưng cái bụng là làm, đã không ưng là chống đến cùng.

Ngoài lễ tết, người Ca dong còn có lễ hội ăn Trâu (Ká Kapơ) nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đồng thời cũng là dịp để gia đình khoản đãi bà con họ hàng, người cùng làng; khi gia đình mình tai qua nạn khỏi, người ốm hết bệnh, làm ăn khấm khá. Tuy là lễ của gia đình, nhưng cả làng góp chung sức chăm lo. Mọi người giúp gia chủ ủ rượu cần, hái rau, bắt cá, dựng nêu, tìm hoa rừng. Riêng Klung để trang trí cây Nêu và sừng Trâu. Cây nêu và lễ hội ăn Trâu của người Ca dong có nhiều chi tiết khá độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Cùng với thịt trâu, rượu cần, chủ nhà còn mổ heo, gà để đãi mọi người no say, tận hưởng niềm vui, đánh chiêng, múa hát tâm tình thâu đêm suốt sáng hai ba ngày liền. Lễ tết và lễ hội ăn Trâu của người Ca dong ngày trước thường tốn nhiều lương thực, gia súc. Thời gian gần đây, ngày lễ hội ăn trâu được giảm bớt thủ tục, thu nhỏ khoản chi dùng dần dần khắc phục tệ lãng phí.

Trong lễ tết, lễ hội ăn trâu, lễ tạ thần, cầu an hoặc những lúc nhàn rỗi, người Ca Dong thường đánh chiêng, túc chinh, đánh đàn, múa hát, kể chuyện đến tận đêm khuya. Dàn chiêng Ca dong có 2 loại: loại sáu chiếc gọi là chinh kan, loại 12 chiếc gọi là chinh hlinh. Trống thì có hơ – gâr. Đàn thì có broocjiêng hai dây, broóctru ba dây, broócgoong tám dây, broóckrâu từ tám đến mười sáu dây… có đàn kéo rdoong, rơ úk, đàn môi rngoi, đàn gõ trên nứa trưng, đàn nứa đặt dưới suối akhung. Kèn thì có aben, klang hlôm. Dân ca thì có hát đối đáp, ra nghé, hát trữ tình Hoi, hát tự do Plét..Chuyện kể Ca Dong gồm nhiều chuyện thần thoại về thiên nhiên, cây cối, loài vật, cây và vật biết nói tiếng người, hoà quyện với người…Chuyện thường ca ngợi lòng dũng cảm, tình yêu đôi lứa, tình chung thuỷ vợ chồng, cái thiện thắng cái ác..

Quan hệ hôn nhân của người Ca Dong theo nguyên tắc nam nữ tự do tìm hiểu kết hôn, một vợ một chồng. Quan hệ tính giao trước hôn nhân bị cấm chặt. Tội hủ hoá bị phạt vạ nặng, thậm chí vợ chồng sinh con năm đầu mới cưới cũng bị xem như ngoại tình. Người Ca dong không chấp nhận hôn nhân giữa những người huyết thống trong phạm vi ba đời cả phía cha lẫn phía mẹ.

Là cư dân nông nghiệp ở vùng cao, tộc người Ca dong có những lễ thức tín ngưỡng theo thuyết “vạn vật hữu linh”, thường thờ thần mặt trời, thần núi, thần sông, hồn ma, hồn lúa…nhất là thờ thần mặt trăng (y cổ, y cả), cầu mong các siêu linh phù hộ che chở cho cuộc sống yên lành, mùa màng tốt tươi. Cây đa được người Ca dong cho là thần linh trú ngụ, tượng trưng cho sự trường sinh bất tử. Họ lấy lá đa treo vào tóc, mong đựơc sống vĩnh hằng.

Thu hoạch xong mùa màng, đồng bào tổ chức sửa chữa lại máng nước, dựng nêu, làm lễ cúng máng nước, cầu mong một năm mới thịnh vượng hơn. Máng nước tượng trưng cho cả làng. Cúng máng nước là hình thức có kết cộng đồng.. Chủ làng đứng ra cúng thần làng và các siêu nhân khác, cầu xin cho dân làng khoẻ mạnh, mùa màng tốt tươi, đàn gia súc phát triển. Cả làng góp đồ đến cúng và ăn chung ở máng nước rồi về tổ chức ăn uống ở từng nhà.

Điểm qua một vài nét về đời sống văn hoá tinh thần đa dạng phong phú như trên để khẳng định dân tộc Ca dong chẳng những cần cù lao động sản xuất trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để tự túc kinh tế mà còn sáng tạo trong văn hoá văn nghệ. Đó là những lễ hội, nhạc khí dân tộc, hoạt động ca múa nhạc dân gian, nhiều chuyện cổ tích…khá độc đáo, mạng đậm bản sắc dân tộc, góp phần làm cho dân tộc trường tồn và ngày càng hoàn thiện mình, đồng thời cũng nhờ đó mà từng bước đẩy lùi những phong tục tạp quán lạc hậu, mê dị đoan.

Trong những năm gần đây hoạt động văn hóa – thông tin, thể dục – thể thao có bước phát triển và đổi mới các hoạt động tuyên truyền phục vụ tốt công tác truyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các phong trào thi đua trong quần chúng nhân dân được phát huy có hiệu quả, cụ thể là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã có sức lan tỏa được ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư; phong trào từng bước lớn mạnh, đi vào chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả; tính đến cuối năm 2010 tổng số hộ gia đình được bình xét đạt tiêu chẩn gia đình văn hóa là 2.717 hộ, đạt 57,15%/ tổng số hộ đăng ký; tổng số thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa là 13/42 thôn, chiếm 30,95% số thôn trên địa bàn huyện; tổng số cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa năm 2010 là  46 cơ quan; số cơ quan đạt tiêu chuẩn 3 năm liên tục có 12 cơ quan, số cơ quan đạt tiêu chuẩn 5 năm liên tục có 25 cơ quan.

Các công trình văn hóa thể thao từ huyện đến xã từng bước được quan tâm đầu tư, tại trung tâm huyện có Nhà văn hóa huyện, hội trường Nhà văn hóa được đầu tư khang trang, có sức chứa tối đa là 350 người; tổng kinh phí đầu tư trên 04 tỷ đồng, ngoài ra đối với các công trình văn hóa ở cơ sở đước các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng; tính đến thời điểm này có 02/9 Nhà văn hóa xã, 12/42 Nhà sinh hoạt văn hóa thôn, 02 khu sinh hoạt văn hóa thể thao cơ sở. Ngoài ra, huyện cũng đã đầu tư trên 02 tỷ đồng xây dựng Phù điêu di tích lịch sử chiến thắng Tà Mực tại trung tâm huyện và đang đầu tư xây dựng tượng đài chiến thắng Bãi Màu tại xã Sơn Tân.

  1. Về giáo dục và đào tạo:

Công tác giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến tích cực; tổng số học sinh các bậc học trong toàn huyện có 5.253 học sinh, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ dạy và học được đầu tư hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 27 đơn vị trường học, trong đó có 01 trường trung học phổ thông, 08 trường trung học cơ sở, 09 trường tiểu học, 09 trường mẫu giáo, trong đó 01 trường đạt chuẩn Quốc gia; chất lượng dạy và học ngày một nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, trung học cơ sở, chống tái mù chữ trong độ tuổi được quan tâm đúng mức; đến cuối năm  2008 huyện được công nhận đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên từng bước đã được bổ sung đủ số lượng và từng bước được chuẩn hóa.

  1. Về Y tế, dân số KHH gia đình:

Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng từng bước được tăng cường đầu tư, củng cố, mạng lưới y tế từ xã đến huyện đề có Y, bác sỹ phục vụ; các chương trình y tế Quốc gia triển khai có hiệu quả nên thời gian qua trên địa bàn huyện không có xảy ra tình trạng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, tất cả các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đề được cấp thể khám chữa bệnh theo quy định.

Công tác dân số KHH gia đình thời gia qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng dân số ngày một nâng cao; tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ 3 giảm đáng kể, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hằng năm 1,28%;

  1. Về chính sách xã hội:

 Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng kể, tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 39% (theo chuẩn cũ). Các chính sách an sinh xã hội luôn được đảm bảo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo chương trình 134, 167 của chính phủ đã tạo cho người nghèo có nhà ở ổn định; hiện nay trên địa bàn huyện cơ bản đã xóa được nhà ở tạm bợ.

Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công luôn được chú trọng, tổ chức điều tra và giải quyết 797 đối tượng được hưởng chính sách theo Quyết đinh 290 của Chính phủ, kịp thời giải quyết các chính sách đối với các nạn nhân nhiểm chất độc da cam. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1.124 đối tượng được hưởng chế độ chính sách hàng tháng; hỗ trợ đầu tư nâng cấp sửa chữa 141 nhà tình nghĩa; Chương trình 167, hỗ trợ nhân dân xây dựng hoàn thành 2.220 nhà; giải quyết cho trên 3.500 hộ nghèo được vay vốn sản xuất. Thực hiện chính sách lao động – Xuất khẩu lao động, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện đã có  115 nam, nữ thanh niên trong độ tuổi được đào tạo và đi lao động ở nước ngoài.

Tóm lại, qua 17 năm tái lập, xây dựng và phát triển Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Tây đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng huyện Sơn Tây giàu, mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 16,6%/năm(chỉ tiêu:15,15%/năm), trong đó:

Ngành Đạt tỉ lệ/năm Chỉ tiêu/năm
Nông-Lâm nghiệp 15,9% 16%
Công nghiệp-Xây dựng 27,7% 23,1%
Thương mại-Dịch vụ 17,3% 9,1%

Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2010 là 70,2 tỷ đồng, tăng 37,63 tỷ đồng so với năm 2005.  Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng năm 2005 lên 4,08 triệu đồng năm 2010 (Nghị quyết là 3,76 triệu đồng.

img 106 - Giới thiệu khái quát huyện Sơn Tây

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây