Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và chiến thắng Hàm Tử – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và chiến thắng Hàm Tử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục quân đội) tại Di tích lịch sử Cây đa Sài Thị cũng là khu vực Đại Mang Bộ nơi căn cứ hậu cần nhà Trần đánh Nguyên Mông.

Trần Nhật Duật (1255-1330), danh tướng thời Trần. Quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Con thứ 6 của vua Trần Thái tông. Trần Nhật Duật học rộng biết nhiều, am hiểu phong tục tập quán và biết nhiều thứ tiếng của các dân tộc và ngoài nước. 1280, dẹp loạn Trịnh Giác Mật (tù trưởng đạo Đà Giang) bằng cách thuyết phục quy hàng. 1285 chỉ huy quân Trần với sự tham gia của gia tướng Triệu Trung cùng một số tướng sĩ người Tống, đánh bại quân Nguyên – Mông trong trận Hàm Tử (5.1285), góp phần đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên – Mông. 1297, Trần Nhật Duật chỉ huy dẹp loạn cát cứ ở sách A Lộc. Trần Nhật Duật soạn thảo văn thư triều đình ở các thời: Trần Nhân tông, Trần Anh tông, Trần Minh tông và Trần Hiến tông. Được nhà Trần phong Thái úy Quốc công và Tá thánh Thái sư. 1329 được phong Đại vương. Trần Nhật Duật còn là nhà văn, nhà soạn nhạc. Tác giả sách: “Lĩnh Nam dật sử”.

Trong hàng ngũ tướng lĩnh kiệt xuất của vương triều Trần góp phần tạo nên các võ công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc, Trần Nhật Duật được biết đến như một danh tướng độc đáo và đặc sắc bậc nhất. Trong các mặt trận then chốt, quyết định, Trần Quốc Tuấn bao giờ cũng giao trọng trách cho Trần Nhật Duật và ông đã không phụ sự trọng dụng của triều đình. Chính sử đã ghi nhận tài quân sự của ông trong chiến thắng Hàm Tử (tháng 5-1285).

Trong kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai, lần ác liệt nhất, lần mà thử thách mọi mặt của toàn dân tộc được đặt ở tình thế hiểm nghèo nhất cũng là lần các tướng lĩnh Đại Việt đã hiển lộ được những phẩm chất siêu việt nhất.

Nha van Phung Van Khai tai Di tich lich su Cay da Sai Thi cung la khu vuc Dai Mang Bo noi can cu hau can nha Tran danh Nguyen Mong 2 - Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và chiến thắng Hàm Tử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục quân đội) tại Di tích lịch sử Cây đa Sài Thị cũng là khu vực Đại Mang Bộ nơi căn cứ hậu cần nhà Trần đánh Nguyên Mông.

Khi rút khỏi kinh thành Thăng Long, các vua Trần và Trần Quốc Tuấn ở vào thế bốn bề thọ địch. Việc tránh giao chiến lớn, bảo toàn lực lượng chờ đợi thời cơ có ý nghĩa sống còn với cả vương triều. Trong lúc khó khăn nhất, đã có không ít quan quân, tôn thất hàng địch khiến tình thế càng trở lên nguy ngập.

Để tạo được một cục diện chiến lược có lợi, các tướng lĩnh thuộc quyền Hưng Đạo vương đã phải căng mình trên nhiều mặt trận. Tướng quốc Trần Quang Khải (như ở vị trí thủ tướng ngày nay) đã phải đích thân cầm quân bản bộ vào Nghệ An, Thanh Hoá cầm chân đội quân Toa Đô đang đánh nống ra phía Bắc hội sư với đại quân của Thái tử Thoát Hoan.

Ngay cả viên tướng giỏi nhất của Trần Quốc Tuấn là Phạm Ngũ Lão cũng đã được Quốc công Tiết chế điều vào Thanh Hoá chặn giặc, đủ thấy tình thế chiến tranh khi ấy là hết sức phức tạp. Bản thân Hưng Đạo vương vừa phò tá hai vua vừa điều binh khiển tướng mà chủ yếu là lui binh chiến lược, đánh nhỏ xé lẻ, dắt mũi các đạo quân lớn của địch để chúng dần mất phương hướng, kiêu mạn, chủ quan, mới có thể tạo được bước ngoặt chiến lược cho cuộc chiến tranh.

Khi ta và địch đã vào cái thế ổn định, quân tướng Toa Đô bị cầm chân và hãm vào các vùng đất theo chủ ý của ta, cũng là lúc Hưng Đạo vương quyết định một đòn đánh chiến lược để tạo bước ngoặt.

Đó chính là trận đánh đã đi vào lịch sử: Trận Hàm Tử.

Người được giao trọng trách đánh trận then chốt này là Trần Nhật Duật.

Trong chiến công lừng lẫy Hàm Tử (nay thuộc huyện Khoái Châutỉnh Hưng Yên) khi Trần Nhật Duật được giao tổng chỉ huy trận đánh với sự tin tưởng tuyệt đối của hai vua và Trần Quốc Tuấn.

Trận đánh này có ý nghĩa quyết định tạo đà cho chuỗi chiến thắng tiếp theo đuổi giặc Bắc ra khỏi biên giới Đại Việt.

Nha van Phung Van Khai tai Di tich lich su Cay da Sai Thi cung la khu vuc Dai Mang Bo noi can cu hau can nha Tran danh Nguyen Mong3 - Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và chiến thắng Hàm Tử - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục quân đội) tại Di tích lịch sử Cây đa Sài Thị cũng là khu vực Đại Mang Bộ nơi căn cứ hậu cần nhà Trần đánh Nguyên Mông.

Cục diện chiến tranh trước trận Hàm Tử ta và địch đang ở thế giằng co. Khi ấy, địch mạnh hơn ta kể từ khi Toa Đô phá vỡ ải Nghệ An đang tính nước cờ hội sư với Thoát Hoan tại đất thang mộc Thiên Trường, cũng là ý đồ bắt sống hai vua cùng toàn bộ bộ chỉ huy vương triều Trần. Khi ấy, với thông tin và diễn biến từ các mặt trận, Trần Quốc Tuấn tính tới cuộc tổng phản công, nhưng vấn đề là phải có một chiến thắng mang tính đột phá khẩu ngay trên đất Bắc và chiến thắng đó phải đủ sức làm thay đổi cục diện chiến tranh mang thế có lợi cho ta. Trong số các tướng lĩnh tài danh, Trần Quốc Tuấn và hai vua đã trao trọng trách cho Trần Nhật Duật đánh trận then chốt này, đánh thẳng vào Hàm Tử! Hàm Tử khi ấy bao gồm toàn bộ binh thuyền, quân tướng của Toa Đô và một bộ phận sinh lực quân được Thoát Hoan cử đến do nguyên soái Toa Đô, hổ tướng Ô Mã Nhi cùng nhiều viên tướng lão luyện chỉ huy. Nhận mệnh lệnh lên đường, Trần Nhật Duật ngả cờ im trống lặng lẽ tiến quân. Bộ phận tiền quân xuất phát trước đó gom các chiến thuyền đã được giấu trong dân trong cuộc lui binh chiến thuật. Sức mạnh lòng dân thật lớn lao như trời biển. Không những không thiếu một chiếc thuyền nhỏ nào, mà dân còn đóng sẵn hàng trăm chiếc thuyền sung cho đội quân chính nghĩa. Nơi các đình chùa, nhân dân nô nức sửa soạn tòng quân. Khí giới, quân nhu nhiều như nước chảy và đặc biệt là khí thế đánh giặc vô cùng sôi sục. Nhận mệnh lệnh lên đường với hơn một vạn quân, nhưng khi đến Hàm Tử, đội quân của Trần Nhật Duật đã lên tới trên năm vạn người với gần bốn trăm thuyền chiến lớn nhỏ. Chiêu Văn vương vô cùng xúc động trỏ xuống lòng sông thề rằng: Ta sẽ đại phá địch ở khúc sông này! Thề sống chết với giặc ở đây! Các ngươi hãy nhớ lấy!

Tiếng hô sát Thát vang rền rờn rợn mặt sông.

Trận Hàm Tử là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong lịch sử chiến thắng Nguyên – Mông lần thứ hai. Kởi ấy địch còn rất mạnh, quân ta tác chiến lớn trận đầu tiên trong công cuộc tổng phản công. Tương quan lực lượng quân địch có phần nhỉnh hơn (quân ta khoảng năm vạn, quân địch khoảng hơn bảy vạn). Đội quân Toa Đô rất thiện chiến đường thủy (Toa Đô được cử đi đánh dẹp Chiêm Thành bằng đường thủy vừa phá vỡ ải Nghệ An, Ô Mã Nhi là một danh tướng thủy quân của Nguyên – Mông). Trận đánh đã phải kéo dài suốt từ mờ sáng tới nửa đêm, khi chủ tướng giặc bỏ chạy, giặc đầu hàng và bị bắt rất nhiều. Trận này cho thấy khả năng đánh địch đôi công tổng hợp thủy – bộ của Trần Nhật Duật là hết sức kiệt xuất. Ông đã không tung toàn bộ lực lượng giáp chiến năm ăn năm thua mà chuẩn bị thành nhiều thê đội (Triệu Trung – Chiêu Thành Vương – Nguyễn Khoái…) lần lượt tung vào tác chiến. Toa Đô dù thiện chiến và lão luyện (cũng chuẩn bị thê đội dự bị là Ô Mã Nhi) vẫn chịu thảm bại trước. Phong cách lặng lẽ tiến quân, bổ sung quân, bổ sung chiến thuyền, chuẩn bị hậu cần của Trần Nhật Duật là rất độc đáo và sáng tạo. Đây cũng là nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của Trần Nhật Duật, của các danh tướng Đại Việt trước kẻ địch mạnh phương Bắc. Chỉ riêng việc vừa vận động hành quân vừa tập hợp và biên chế một đội chiến thuyền hàng trăm chiếc ngoài sức dân, lòng dân, sự lão luyện của binh lính triều Trần thì việc tổ chức một đội chiến thuyền để làm nên chiến thắng đã thể hiện tài năng hơn người của Trần Nhật Duật. Chiến thắng Hàm Tử có ý nghĩa chiến lược quan trọng, dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền từ đầu não đến binh lính của đạo quân xâm lược, dẫn đến một vết nhơ trong lịch sử của kẻ mạnh và dấu son trong trang vàng lịch sử của một dân tộc anh hùng.

Tóm tắt chiến thắng Hàm Tử, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội Nhân dân năm 2004 ghi: “Tháng 5 năm 1285, trận tiến công của quân nhà Trần (Đại Việt) diệt quân Nguyên – Mông đóng giữ căn cứ Hàm Tử (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), trong giai đoạn phản công của kháng chiến chống Nguyên – Mông lần II (1285). Trận đánh diễn ra khoảng cuối tháng 5 năm 1285, do Trần Nhật Duật chỉ huy có một bộ phận binh lính nhà Tống (trốn sang Đại Việt từ trước) tham gia, đã nhanh chóng giành thắng lợi, diệt và bắt phần lớn quân Nguyên – Mông. Cùng với trận diệt đồn Tây Kết, chiến thắng Hàm Tử tạo điều kiện cho các cánh quân khác tiến công Chương Dương (trận Chương Dương tháng 6 năm 1285), đập tan toàn bộ tuyến phòng thủ của địch trên sông Hồng, áp sát Thăng Long, trực tiếp uy hiếp đại bản doanh Thoát Hoan từ phía Nam”.

Không phải ngẫu nhiên mà các sử gia hàng đầu đều xếp ông là một trong bốn tướng giỏi nhất của vương triều Trần (Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư và Trần Nhật Duật). Tài cầm quân của ông, đặc biệt là tài điều binh khiển tướng các chủng quân, dân binh, đội quân Tống, quân bản bộ của các tù trưởng nơi biên giới, đã cho thấy phong cách cầm quân độc đáo của Trần Nhật Duật. Ông đánh giặc nhàn nhã, trước giặc mạnh thì điềm tĩnh an nhiên mà đối với tướng sĩ thì ân cần khoáng đạt. Ông cũng biết rất nhiều các thứ tiếng, có thể trò chuyện với người nước ngoài dễ dàng lại rất hiểu phong tục tập quán mọi vùng đất. Trời đã cho ông những thuộc tính bẩm sinh như vậy cũng là cử người hiền gánh vác trọng trách quốc gia.

Năm 1302, Trần Nhật Duật được phong Quốc công Thái úy. Năm 1324 được phong Tá thánh Thái sư. Năm 1329, trước khi mất một năm, ông được phong tước Đại vương. Ông mất năm 1330, thọ 76 tuổi, một tuổi thọ được cho là hiếm đối với thời bấy giờ càng cho thấy sự tráng kiện về tinh thần và thể chất được rèn luyện nghiêm ngặt của ông.

Trần Nhật Duật, vị danh tướng độc đáo của vương triều Trần chắc chắn sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với cốt cách của người hiền, của người chiến thắng.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây