Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 1

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 1

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 1

Tác phẩm điêu khắc gỗ Mẹ Rừng của nghệ nhân Bh’riu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang.

 

Lời nói đầu

Văn hóa một tộc người là tấm gương phản chiếu hệ thống kiến thức, tín ngưỡng và những câu chuyện truyền khẩu của họ về quá trình tồn tại và phát triển. Đây là chìa khỏa mở ra kho tàng tri thức tộc người và những phong tục tập quán của họ hiện tồn tại đến ngày nay. Cho tới hiện tại, sự phát triển văn hóa tộc người Cơ Tu không tự động diễn biến theo sự cập nhật và phát triển; đồng thời văn hóa đó cũng không phát triển bằng sức mạnh cả các điều kiện tự nhiên, con người mà vốn văn hóa cổ truyền tộc người Cơ Tu tồn tại và giữ gìn đến ngày nay nhờ vào các hoạt động của con người mà có hiện tượng lịch sử của tiến bộ được duy trì và lưu truyền đến ngày nay.

Trong các công trình, đề tài nghiên cứu, biên khảo về tộc người Cơ Tu, các nhà nghiên cứu thể hiện nhiều cách viết khác nhau về tộc người: Ka-tu, Ka tu, Katu, K’tu, C’tu, Cờ Tu, Cơ Tu. Trong sách này chúng tôi thống nhất viết Cơ Tu. 

Người Cơ Tu ở Việt Nam đã có một số học giả ngoài nước và trong nước tìm hiểu, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực từ hoạt động kinh tế, đến tập tục, các lễ hội, ẩm thực, tín ngưỡng dân gian, kiến trúc nhà cộng đồng, nhà ở,… Những kết quả nghiên cứu này đã được công bố như chuyên luận Les chasseurs de sang (1938) của Le Pichon, một tác giả người Pháp được in trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế (Bulletin dé Amis du vieux Hue (BAVH)), số 20, tháng 4/1938, mặc dầu chưa là tất cả.

Nghiên cứu về văn hoá người Cơ Tu ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ giữa thế kỷ XX mà chủ yếu là các học giả nghiên cứu Dân tộc học người Pháp, Mỹ, như L.Bezacier, K.Sulivan, N.Costello,…Các công trình nghiên cứu của các học giả trên chủ yếu đề cập về lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng, lịch sử tộc người, kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng,… Đây thực sự là nguồn tư liệu hết sức quý giá, có thể giúp chúng tôi so sánh các giá trị văn hoá truyền thống đã tồn tại trong cộng đồng và nó cũng là cơ sở khoa học để so sánh những biến đổi của nghi lễ chu kỳ vòng đời của người Cơ Tu trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, từ năm 1975 đến năm 2000, có nhiều học giả nghiên cứu về người Cơ Tu dưới góc độ Dân tộc học, Nhân học, Lịch sử, Văn hóa. Tuy các công trình nghiên cứu này đã thể hiện văn hóa dân gian Cơ Tư có hệ thống, nhưng vẫn còn những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần người Cơ Tu cần quan tâm, khai thác. Đề tài này, chúng tôi đưa “giọng nói” hay “ý kiến” của chủ thể văn hoá và nhất là sự biến đổi văn hóa dân gian Cơ Tu trong xây dựng nông thôn mới lan tỏa đến vùng nông thôn, miền núi, cùng với quá trình hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến đổi các thành tố văn hóa dân gian Cơ Tu là thế nào.

Công trình sưu tầm, nghiên cứu chúng tôi chú ý tiếp cận sự biến đổi của các thành tố văn hóa trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu, những nguyên nhân tác động. Theo đó, tập trung vào văn hóa dân gian Cơ Tu, truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng của người Cơ Tu tại Quảng Nam – Đà Nẵng, trong cuộc sống hiện nay.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người Cơ Tu đã đóng góp sức người, sức của và tạo ra các giá trị văn hóa trong bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú và đa dạng. Kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu được lưu truyền trong cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một diện mạo bản sắc riêng của tộc người. Mặc dầu cộng đồng người Cơ Tu nói chung đã và đang luôn ý thức được việc giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa tộc người cho đời sau, nhưng hiện nay do tác động của “toàn cầu hóa”, hội nhập khu vực và quốc tế trong xã hội đương đại có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của người Cơ Tu và xu hướng đang bị thâm nhập từ văn hóa dân gian người Kinh làm biến đổi theo chiều hướng hội nhập ngày càng rộng dần. Các thiết chế xã hội truyền thống cũng dần bị thu hẹp, tan rã, đời sống văn hóa cá nhân có sự biến đổi mạnh mẽ theo hướng hội nhập, dẫn đến tiếp nhận văn hóa dân gian người Kinh và văn hóa ngoại lai đang từng bước thâm nhập rất dễ nhận dạng.

Bởi vậy, đề tài nghiên cứu về “Văn hóa dân gian Cơ Tu, truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng” hướng tới phản ảnh hiện thực văn hóa dân gian Cơ Tu trong không gian văn hóa tộc người đang dần biến đổi theo hướng giao thoa, tiếp biến và thâm nhập lẫn nhau.

Trên cơ sở vận dụng phương pháp thể hiện phù hợp và nhất là chúng tôi tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của những nhà nghiên cứu, các học giả đi trước, hy vọng chỉ ra được hai mặt truyền thống và biến đổi; đồng thời nhận ra được năng lực thích ứng trong văn hóa Cơ Tu để có thể hội nhập nhưng vẫn giữ được những thành tố đặc trưng trong văn hóa dân gian tộc người Cơ Tu Quảng Nam, Đà Nẵng.

VÕ VĂN HÒE

 

PHẦN THỨ NHỨT          

KHÁI QUÁT KHÔNG GIAN SINH TỒN NGƯỜI CƠ TU

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

CHƯƠNG I

ĐỊA BÀN CƯ TRÚ

1. Không gian sinh tồn

Chủ yếu là vùng núi non hiểm trở dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ miền Trung Việt Nam được người Cơ Tu chia thành hai vùng cư trú:[1] Cơ Tu vùng cao gọi là Cơ Tu đal, Cơ Tu vùng thấp hơn gọi Cơ Tu ếp (Cơ Tu phương), mặc dầu về ranh giới không rõ ràng giữa hai vùng cư trú.[2] Điều này cho thấy có sự khác nhau (không nhiều) trong thực hành phong tục, tập quán trong cộng đồng làng giữa hai vùng cư trú. Tại tỉnh Quảng Nam [3], người Cơ Tu cư trú tập trung các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang và tại ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, họ sống tập trung tại huyện Nam Đông, A Sao, A Lưới.

2. Điều kiện tự nhiên

Người Cơ Tu có tập quán cư trú trên vùng núi cao. Tại Quảng Nam, họ sinh sống dọc theo sườn đông dãy Trường Sơn. Trước kia địa hình đồi dốc, hiểm trở thường được chọn lựa lập làng. Nay, đã có sự thay đổi căn bản trong chọn đất lập làng, những điểm thuận lợi được ưu tiên chọn lựa, đường giao thông thông thoáng, mở ra nhiều hình thức giao lưu kinh tế văn hóa với các làng lân cận và với miền xuôi. Theo đó, hiện nay làng của người Cơ Tu tuy có nơi vẫn trong điều kiện khó khăn, do đường sá xa xôi nhưng căn bản đã thuận lợi hơn trước.

 Đối với người Cơ Tu tại thành phố Đà Nẵng, với lát cắt địa hình theo chiều ngang, cho thấy địa bàn cư trú của người Cơ Tu thuộc các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thì người Cơ Tu ở đây được cho là Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu phương/ếp). Đây là nhóm Cơ Tu trong quá trình di trú và định cư, họ đã tiến xuống gần biển. Địa bàn gần biển, theo đó, trong quá trình phát triển, người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang đã từng bước thiết lập mối quan hệ nhiều mặt với người Kinh và có phần khác so với người Cơ Tu tại các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Và vì thế nên người Cơ Tu ở tại hai xã cánh tây huyện Hòa Vang sớm tiếp cận với đô thị hiện đại nhiều hơn, với tốc độ phát triển toàn diện nhanh hơn. Bởi địa bàn cư trú của họ thuộc thành phố Đà Nẵng – một thành phố hiện đại đang trong quá trình phát triển toàn diện kinh tế – văn hóa – xã hội, theo đó, các mối quan hệ trong kinh tế xã hội đã có sự thâm nhập lẫn nhau mà phần vượt trội là sự thâm nhập văn hóa người Kinh; đồng thời quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã tạo nên lực hút tiếp thu mạnh mẽ từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, trong đó văn hóa đóng vai trò quan trọng tại địa bàn này.          

3. Môi trường sinh sống

Người Cơ Tu là tộc người sinh sống lâu đời miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam và phía tây nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiếp nối với Cơ Tu bên nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào. Các nhà dân tộc học thống nhất đây là cư dân sinh sống lâu đời tại vùng núi Trường Sơn và Tây nguyên.

Sinh sống trên vùng rừng núi, nhiều gò đồi và dốc đứng nên nhận được nhiều khó khăn hơn thuận lợi, nhất là trong xây dựng phát triển kinh tế văn hóa. Địa hình vùng rừng núi thường chia cắt chạy ra đến biển nên việc đi lại, giao thông không mấy thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng.

Khí hậu đặc trưng gió mùa mưa nắng quanh năm, nhiệt độ cao, lượng mưa hằng năm đổ xuống rất lớn, đôi khi tạo nên lũ ống, lũ quét, lụt lội, sông suối tràn đầy nước rất khó khăn cho cuộc sống người Cơ Tu dọc theo sườn núi. Sông ngắn và dốc. Mưa nắng quanh năm đổ xuống với liều lượng lớn nên nhiệt độ thường cao và độ ẩm lớn. Vùng núi quanh năm mưa ẩm, thảm thực vật nhiệt đới phân bố đa dạng tạo nên những khu rừng rậm với nhiều loài thực vật tre nứa, gỗ, cây bụi, dây leo chằng chịt. Các loài động vật nhiệt đới đa dạng cư trú trên các các triền núi và núi cao, có thuận lợi cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, nhưng mặt khác để săn bắt được phải băng vào địa hình hiểm trở.

Tỉnh Quảng Nam địa hình có độ nghiêng từ tây sang đông, theo đó hình thành ba kiểu cảnh quan sinh thái thiên nhiên rõ rệt:

1/ Kiểu núi cao phía tây: chiếm 72% diện tích tự nhiên có nhiều ngọn núi cao trên 2.000 mét như ngọn Lum Heo (2.045m), núi Tion (2.032m), núi Gole Lang (1.855m), núi Ngok Linh (2.598m, cao nhất miền Trung và dãy Trường Sơn);[4]

2/ Kiểu trung du ở giữa: gồm các gò đồi thấp như tô úp của vùng trung du Tiên Phước, Đại Lộc.

3/ Kiểu dải đồng bằng ven biển: phía đông là cồn cát chạy dài từ Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn đến xã Tam Quang huyện Núi Thành. Địa hình chia cắt do hệ thống sông ngòi của các con sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ và sông Trường Giang.

Về khí hậu, tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chủ yếu là hai mùa mưa và nắng khô. Hằng năm chịu ảnh hưởng gió mùa đông-bắc lạnh. Nhiệt độ trung bình 25,60C, mùa đông có nơi nhiệt độ 120C, miền núi mùa đông nhiệt độ thấp hơn. Do vùng nhiệt đới gió mùa nên độ ẩm 84%.

Mưa trung bình trong năm từ 2.000 – 2.500 mm, kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 12. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 6. Miền núi lượng mưa đổ về nhiều hơn, lưu vực sông Boong/Bung các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang lượng mưa thấp hơn, trong khi đó vùng núi phía tây nam thuộc lưu vực sông Thu Bồn lượng mưa thường cao hơn tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, huyện Tiên Phước và Hiệp Đức. Huyện Nam, Bắc Trà My hằng năm nhận lượng mưa lớn nhất tỉnh với trên 4.000mm, theo đó nước dâng cao, lũ các sông dâng lên nhanh chóng.

Rừng núi Trường Sơn bao gồm các quần thể thực vật nhiệt đới nhiều loài cây quý hiếm, các loại gỗ thuộc nhóm tốt phân bố đều khắp kéo dài từ Nam Giang qua Tây Giang xuống Đông Giang và vùng tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng. Một số loài nấm quý hiếm: lim xanh, các loài sâm có chất lượng dinh dưỡng cao phân bố đều khắp. Hơn 45.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có gần 1.200 cây có giá trị dùng làm dược liệu, có hơn 7.000 loài cây lấy gỗ, cây lấy củ, lấy quả, lấy lá như song mây, đùng đình, tre, giang, lồ ô, nứa… Vùng núi rừng Quảng Nam còn là địa bàn phân bố cây sâm Ngọc Linh – loại cây quý hiếm – loài thông pơ mu (fokiemia hodginsii). Tại xã A Xan, và xã Tr’hy huyện Tây Giang là địa bàn phân bố có số lượng pơ mu tương đối cao, có nhiều cây cao từ 20 – 30 mét, chu vi đạt từ 2,4 – 7,5 mét. Có 720 cây/1.300 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2015. Rừng cây pơ mu đã được người Cơ Tu chăm sóc và giữ gìn. Ngoài ra rừng núi miền Tây Quảng Nam nhiều loại gỗ quý hiếm như trắc (dalbegia cochinchinsis), gỗ cẩm lai (oliveri), gỗ gụ (sindora siamensis), giáng hương (pterocarpus macro carpus), kiền kiền (hopia pierrei), gỗ mun (diospyros), thông đỏ (taxus vallichiana), dầu rái (dipterocarpus alatas), gỗ cà chít (shorea obtusa), …

Rừng cây cao, lá to, lá nhỏ, lá kim và dây leo đan nối phủ kín là nơi thuận lợi tạo môi trường sinh sống cho các loài động vật to lớn: voi, bò (psevnovilp bos spirales), trâu rừng, nai, sao la (pseudoryx), mang, heo rừng, thỏ vằn (isolagus timminsii), các loài chuột, rắn, gà rừng…phong phú và đa dạng…[5] tham gia vào nuôi sống người Cơ Tu vùng núi cao sườn đông Trường Sơn. Điều kiện sinh thái quý hiếm là nguồn tài nguyên vô tận mà người Cơ Tu đã giữ gìn, khai thác nuôi sống cộng đồng tộc người qua bao thăng trầm của lịch sử, chính đó gắn liền đời sống văn hóa – xã hội người Cơ Tu với đặc trưng văn hóa rừng mà về lâu dài không có gì thay thế được nguồn tài nguyên vô tận này.

Do địa hình đồi núi, dốc dựng nên trong sản xuất, người Cơ Tu thường lựa chọn những sườn đồi, khai hoang đốt rẫy lấy đất sản xuất. Và vì sinh sống trong môi trường rừng núi nên rừng núi đối với người Cơ Tu là cứu cánh của họ để tồn tại và phát triển. Họ sinh sống thường phải dựa vào rừng cùng với các điều kiện khác do rừng cung cấp từ nước uống được lấy tự nhiên từ các khe suối đến các loại sản phẩm thiên nhiên từ rừng: mật ong, cây quế, cây sâm, cây nấm, các loại gỗ, … các loài động vật phong phú cũng đem lại nguồn thức ăn cho họ.

Vùng sinh thái Trường Sơn trong phát triển kinh tế điều dễ nhận ra đến nay diện tích rừng nguyên sinh thu hẹp dần, rừng đầu nguồn và sự đa dạng sinh học rừng ngày càng suy giảm nghiêm trọng, nghèo dần, các loài thực vật quý hiếm khó tái sinh, hoặc các loài nấm, cây lấy quả, lấy lá và một số động vật ngày càng hiếm thấy. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc khai thác rừng đã đem lại những khó khăn nhất định cho tộc người Cơ Tu đang sinh sống miền rừng núi phía Tây Quảng Nam, Đà Nẵng.

Người Cơ Tu ở Hòa Vang là vùng ngoại thành nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển phía tây thành phố, nơi đây có ba cộng đồng người Cơ Tu sinh sống ở ba thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), Giàn Bí và Tà Lang (xã Hòa Bắc). Đây là các cộng đồng thiểu số sinh tụ trong một đô thị lớn, là trung tâm kinh tế – văn hóa của khu vực miền Trung – Tây nguyên.[6] Huyện Hòa Vang nằm bao bọc quanh phía tây khu vực nội thành Đà Nẵng, có tọa độ từ 15055’ đến 16013’ vĩ độ Bắc và từ 107049’ đến 108013’ kinh độ Đông. Phía bắc giáp các huyện Nam Đông, A Lưới và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Phía nam giáp huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam. Phía đông giáp quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu của thành phố Đà Nẵng. Phía tây giáp huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe     

 


[1] Theo một số nhà nghiên cứu, cho rằng người Cơ Tu sinh sống trên ba vùng cư trú: người Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đ’riu), Cơ Tu vùng trung (Cơ Tu nal) và người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu phương/ếp).

[2] Có tài liệu cho rằng chỉ có hai vùng: Cơ Tu vùng nal và Cơ Tu vùng phương/ếp mà không có vùng Cơ Tu đ’riu. Những lần điền dã đến xã Lăng, huyện Tây Giang được già làng Bh’riu Pố (thôn A Rắh), cho biết Cơ Tu chỉ có 2 vùng chủ yếu như đã nêu. Theo Bh’riu Pố, tộc người Đhơ riu không thuộc Cơ Tu. Họ là một trong số dân tộc thiểu số của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, thường hay qua lại dân tộc  Cơ Tu trao đổi hàng hóa có biết chút ít tiếng Cơ Tu. Người Cơ Tu hầu như không biết tiếng nói của họ.

[3] Toàn tỉnh có 2 thành phố (Tam Kỳ, Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành và Phú Ninh). Tổng diện tích của tỉnh là 1.057.474 ha, với dân số gần 1.5 triệu người. Theo Tổng điều tra dân số ngày 01.4.2019, có 37 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó đông nhất là người Kinh (91,1%), người Cơ Tu (3,2%), người Xơ đăng (2,7%), người Giẻ triêng (1,3%). 29 tộc người còn lại chiếm 0,9% dân số. Tính đến ngày 01.4.2019, toàn tỉnh có 11 tôn giáo đạt 168.977 người, nhiều nhất là Phật giáo 92.670 người, Công giáo 57.526 người, Tin Lành 11.730 người, Cao Đài có 6.970 người. Còn lại các tôn giáo khác như: Baha’i có 36 người, Phật giáo Hòa Hảo 17 người, Minh sư đạo có 13 người. Bà La Môn có 7 người. Hồi giáo có 5 người. Minh Lý đạo có 2 người và 1 người theo Bửu Sơn Kỳ Hương. Hiện tại (2019), Quảng Nam là một trong những địa phương có số dân theo đạo Công giáo thưa nhất miền Trung Việt Nam với 57.526 tín hữu, chiếm 2% dân số toàn tỉnh và cũng là địa phương có số dân theo đạo Phật đông nhất miền Trung Việt Nam với hơn 92.000 Phật tử.

[4] Mặc dầu sinh sống phía Tây dãy Trường Sơn, điều kiện tự nhiên nhiều khắt nghiệt, nhưng người Cơ Tu xưa nay không liên quan đến dãy núi Ngok Linh trong phát triển kinh tế, và theo người Cơ Tu vùng cao, họ cũng không liên quan gì đến con sông Thu Bồn trong quá trình phát triển của họ. Có chăng là hai bến, bến Hiên, bến Giằng, nơi trao đổi sản phẩm miền xuôi miền ngược mà thôi.

[5] Theo khảo sát thống kê của các nhà động vật học, thú rừng có 220 loài thuộc 30 họ, 14 bộ trong đó 80 loài có tên trong sách Đỏ (2007). Chim có 540 loài thuộc 48 họ, 15 bộ, nhiều loài quý: gà lôi, khướu Ngok Linh, công, trĩ, … Loài bò sát có 400 loài ếch nhái, thuộc 18 họ, 4 bộ: rùa ba vạch, trăn đất, trăn gấm, cá sấu, kỳ đà, rắn hổ chúa, rắn mai gầm,…Các loại côn trùng có 3.290 loài, có 400 loài cá nước ngọt, tôm, ốc, sò sống ao hồ, suối ven sông. Nhiều loài nấm có giá trị cao: lim xanh, nấm mèo, …

[6] Theo báo cáo kết quả điều tra, khảo sát tình hình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của Ban Tôn giáo thành phố, đến thời điểm tháng 12/2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 19 thành phần dân tộc gồm: Hoa, Cơ Tu, Tày, Thái, Khơ Me, Mường, Nùng, H-rê, Chăm, Sán-dìu, Gia-rai, Dao, Vân Kiều, Xơ Đăng, Thổ, Giẻ Triêng, Ê-đê, Cho-ro và Cor. Với 1514 hộ và 3.999 nhân khẩu. (Số liệu tại Báo cáo số 502/BTG-DTTN ngày 03/12/2014 của Ban Tôn giáo tp. Đà Nẵng). Như vậy so với số dân 1.046.876 người[6] của toàn thành phố tại thời điểm tháng 01/2015 thì các thành phần dân tộc thiểu số chỉ chiếm 0,382 % dân số toàn thành phố (3.999 khẩu/1.046.876 khẩu). Đây là mức cực thấp. Trong 19 thành phần dân tộc trên toàn địa bàn thành phố thì các tộc người Hoa và Cơ-tu chiếm vị trí chủ đạo với tỷ lệ dân số lần lượt là: 59,23% (2.369 khẩu/3.999 khẩu) và 28,3% (1.132 khẩu/3.999 khẩu); 17 thành phần dân tộc còn lại chỉ chiếm 12,47 % (498 khẩu/3.999 khẩu) trong đó chỉ có 03 thành phần là Thái (143 khẩu), Mường (103 khẩu) và Nùng (108 khẩu) là có dân số trên 100 người còn lại 14 thành phần chỉ có dân số từ vài khẩu đến vài chục nhân khẩu. (Xem: Báo cáo Khảo sát tình hình dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tháng 4/2015).

                                                      

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây