Tác giả Đà Linh

Đà Linh

ĐÀ LINH

(1958 – 2013)

Tên thật: Nguyễn Đức Hùng. Sinh năm 1958. Quê quán: Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994. Nguyên Phó giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng. Phó tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng khóa I (2002-2007). Nói đến Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng là nói đến bản lĩnh của người làm xuất bản. Lòng yêu văn chương và khát khao sự thật, tận tâm với sự nghiệp xuất bản đã để lại những dấu ấn không thể quên sau này. TÁC PHẨM: Giấc mơ của dòng sông (truyện vừa), 1988. Nàng Kim Chi sáu ngón (tập truyện ngắn), 1992. Truyện của người (tập truyện ngắn), 1996. Vĩnh biệt cây vông đồng (tập truyện ngắn), 2001. Lấp lánh đất Quảng (tiểu luận), 2003. Hoàng Ngọc Hiến…viết (biên soạn), 2012. DỊCH THUẬT: Người bắn cung Bassari  (Modibo Sounkalo Keita, dịch cùng Vưu Hữu Chánh), 1999. Kẻ độc tài chiến thắng (Daniel Pennac, dịch cùng Nguyễn Thanh Xuân), 2006. Tương lai văn học (Frédéric Badré, dịch cùng với Nguyễn Thanh Xuân), 2006. Cám ơn (Daniel Pannac), 2006. Hoa trái của niềm đắm say (Daniel Pannac, dịch cùng Phạm Dõng), 2008. Sự bảo vệ và minh giải đa ngôn ngữ (Francois Ost, dịch và hiệu đính cùng Phạm Dõng), 2011. Triết sống (F.Jullien), 2013. GIẢI THƯỞNG: Tặng thưởng truyện ngắn 1990. Giải thưởng Tạp chí Đất Quảng, 1996. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng (1885-1995). Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng, 2003. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của UBND TP. Đà Nẵng (1998-2005).

 

LINH MIÊU
(Truyện ngắn)

– Con vẽ mèo đen! Tôi hỏi ngạc nhiên. Khi bước vào phòng cháu để lấy đồ đi giặt.
– Có sao đâu mẹ, con hay dùng màu trắng và đen. Màu đen bình thường mà mẹ. Cháu gái lớn của tôi đang học trung học, nhưng say mê hội họa kỳ lạ, cháu đã thuyết giảng với tôi: trắng, đen là những màu nào tương phản, nào giàu chất suy tư nếu được thể hiện đúng mức. Cháu còn khẳng định không bao giờ chịu chụp ảnh màu. Nhưng điều khiến tôi có cử chỉ bất ngờ lại là chuyện con mèo.
Chúng tôi quen nhau đã lâu, từ lần đầu chị ấy đến trạm sức khỏe do tôi phụ trách. Chị ấy khá đẹp, mũi cao, vóc người cân đối, vẻ ngoài kín đáo, đôi chút rụt rè của chị khiến tôi có thiện cảm. Cũng dễ hiểu, nhiều người đến khám thật ồn ào, có người lại nhổ cả nước miếng trong phòng đợi, có người chưa bước vào cửa đã biết họ cần gì: Thuốc bổ, ít ngày nghỉ, hợp thức hóa, chứng nhận để giám định thuận lợi, có người đi khám nhưng xin thuốc cho người khác… Thời bao cấp, họ có tiêu chuẩn, mình phục vụ.
– Chị vẫn tiền đình à? Tôi hỏi qua cửa phát thuốc.
– Vâng, không hiểu sao vẫn rất đau, nhất là buổi tối. Đau lắm chị biết không! Có khi muốn đập đầu vào thành giường.
– Seduxen không tác dụng?
– Vâng! Tôi không thấy buồn ngủ tí nào, đầu rất nóng.
Rời phòng phát thuốc, tôi kéo chị vào phòng khám. Tôi quyết định sử dụng biện pháp châm cứu, ngón nghề cha tôi dạy. Lần tìm huyệt, cùng với những thao tác đưa kim quen thuộc, tôi động viên chị cần tĩnh tâm, cần để cho cơ thể thật thoải mái. Cứ vậy, sau khi từ chỗ tôi về, chị đỡ được ít ngày, nhưng một thời gian lại đau lại, thường lần sau tệ hơn lần trước.
– Chị quên lời tôi dặn sao? Tôi nói.
– Không, tôi đã rất cố gắng, nhưng không được. Những hình ảnh của anh ấy… hình ảnh ấy nó cứ lặp lại trong giấc ngủ.
Tôi thấy vui khi được chị gửi gắm tâm sự. Để tìm hiểu kỹ hơn, tôi động viên:
– Hình ảnh gì?
Nhìn quanh phòng một lượt, chị nói nhỏ:
– Thật ghê tởm, anh ấy quấn quýt với hai cô gái một trắng bóc, một đen thui. Những gưong mặt ấy thật khó xác định và tôi chưa gặp bao giờ. Thân thể của họ thật quái đản, có chỗ không giống người. Có người đã đuổi tôi, muốn giết tôi!
– Anh ấy là ai? Tôi hỏi.
– Chồng tôi!
– Có lẽ do chị quá yêu anh, nên bị ám ảnh. Tôi nêu một nhận xét khá chung chung.
– Tôi thấy ghê sợ, chưa bao giờ ở bên tôi anh ấy lại thể hiện như vậy. Giọng nói của chị đã lớn hơn.
– Nhưng đó là chuyện không thực, do chị tự nghĩ ra. Tôi khẳng định để tự trấn an.
Chị đưa hai bàn tay lên thái dương, lắc đầu nói:
– Không phải, mà tự hiện trong đầu. Tôi đã bị như vậy đôi lần trước đây. Hồi còn nhỏ, đang học giờ Toán, hình ảnh mẹ tôi gọi tôi trong lúc hấp hối hiện ra, tôi chạy về thục mạng nhưng không kịp. Sau này những điều mọi người nói lại hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh hiện lên trong giờ Toán. Nước mắt chị ngấn ra, sau vài giây im lặng, chị nói tiếp. Không có cách nào xóa đi nổi, có lẽ chỉ có đập vỡ đầu mình đi. Tôi bị bệnh ư? Không, mọi chuyện còn lại vẫn bình thường, đôi phần thuận lợi trong cuộc sống và công việc. Tôi đâu có thời gian rảnh để nghĩ bậy!
– Xin lỗi chị! Đã khi nào chị bắt gặp hay nghe ai nó về điều đó trong thực tế chưa? Tôi hỏi và để lên tay chị.
– Chưa thấy. Chị khẳng định.
– Theo chị anh ấy có phải là người chồng tốt không?
– Tốt xấu không liên quan ở đây. Chị nói ngay. Có điều gì đó không tài nào hiểu nổi ở anh ta.
Câu chuyện giữa chúng tôi tạm dừng, tôi phải tiếp người bệnh khác. Nắm tay đưa chị ra về, tôi không quên dặn chị phải cố vượt qua nỗi ám ảnh đó, nếu không sẽ rất tồi tệ cho sức khỏe.
Hôm ấy, khi về nhà, tôi thử nhớ lại những bệnh nhân trong thời gian qua đã gặp. Có người bệnh tình nan giải, thậm chí đôi ba trường hợp biết cuộc sống của họ có thể kéo dài bao lâu, hoặc những dị tật rất lạ lùng ngấm ngầm hành hạ một số người… Nhưng chưa trường hợp nào giống chị ấy. Tôi đã nghĩ, trong đầu chị ta có một bộ phận nào đó không ổn, có lẽ phải chuyển nơi khác điều trị.
Ngày qua ngày, tiếp xúc với những bệnh nhân mới, tôi đã quên chị ấy. Bẵng đi một thời gian dài chị ấy không đến. Không hiểu sao, một buổi chiều mưa tầm tã, mưa tối trời, phòng khám trống vắng, hình ảnh thanh thoát, xinh đẹp và phúc hậu của chị ấy lại hiện ra. Tôi bỗng muốn gặp lại chị. Liền đó, tôi đã nghĩ hay chị ấy xấu hổ. Nhưng căn bệnh chị ấy sao rồi nhỉ? Có tồi tệ hơn không? Tôi mở lại cuốn sổ theo dõi bệnh nhân, biết được nhà chị nằm trong một con hẻm cạnh trường con gái tôi học. Đắn đo một chút, tôi quyết định ăn cơm tối xong sẽ đến nhà chị. Tôi sẽ đến bởi chị ấy đã tin tôi, giữa chúng tôi không chỉ là quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
Sau khi hỏi thăm, tôi đã xác định được ngôi nhà của gia đình chị. Không lớn lắm nhưng có không gian thoáng, mảnh đất nhỏ giữa cổng và ngôi nhà hình như có trồng nhiều cây. Dựng chiếc xe ở cổng, tôi nhìn vào trong nhà. Qua hệ thống cửa kính, không khí gia đình đầm ấm hiện ra, một cháu trai nhỏ tuổi hơn con gái tôi ngồi giữa vợ chồng họ, họ vừa ăn trái cây vừa xem ti vi, cười, chỉ… Tôi cố nhìn người phụ nữ lần nữa, và xác định đúng là chị ấy. Họ thật hạnh phúc. Tôi dắt xe ra về.
Khoảng một năm sau, chị mới đến lại. Lần này chị gầy đi nhiều, những ngón tay như dài thêm và những đường gân xanh nổi rõ hơn, nhưng gưong mặt vẫn giữ được vẻ đẹp cùng cái nhìn sâu lắng.
– Chị ốm hơn dạo trước! Tôi nhận xét.
– Vâng! Chị trả lời.
– Chắc bệnh cũ đã hết? Tôi dò hỏi.
Chị giật mình, rồi im lặng, gương mặt hơi tái đi, kéo tay tôi nói nhỏ:
– Đứa da đen mới biến mất, bây giờ chỉ còn đứa da trắng!
– Đứa nào? Tôi thụ động hỏi lại.
– Chị quên à, trước đây hai đứa bên chồng tôi, sau đấy chỉ thấy đứa đen và thô, nay chỉ còn đứa trắng.
– Chị đang nghĩ gì vậy? Vừa nói, tôi vừa kéo chị vào phòng khám riêng, sau đó hỏi nhỏ. Chị thấy anh ấy có biểu hiện gì khác thường trong sinh hoạt không?
– Tôi không rõ! Chị trả lời một cách gượng ép.
– Vậy tại sao chị cứ nghĩ không hay về anh ấy? Tôi thẳng thắn góp ý.
– Tôi đã nói không nghĩ, điều đó tự nhiên hiện lên trong đầu. Nhiều tối, tôi không tài nào nhắm mắt được. Có người khuyên tôi tập Yoga, ngồi thiền trước khi ngủ, tôi làm theo, nhưng không xua được những hình ảnh trong đầu. Có lần tôi kín đáo theo dõi anh ấy… mọi việc không thay đổi được!
– Chị không nên làm vậy. Tôi nói theo phản xạ.
– Vậy phải thế nào!
– Tôi sẽ cố gắng giúp chị.
Tôi đã thực hiện lời hứa của mình, khi nhận rõ sự bất lực của chị. Tôi đã tìm hiểu và biết anh ta là người đàn ông không có gì nổi bật. Tôi đến phòng làm việc của anh đột ngột và đề nghị được gặp riêng anh ít phút. Anh bình tĩnh tiếp tôi.
– Xin tự giới thiệu, tôi là bạn vợ anh. Tôi vào đề.
– Xin lỗi, tôi chưa gặp chị lần nào.
– Vâng! Đúng ra tôi là bác sĩ ở trạm sức khỏe gần đây, nơi chị nhà thường đến khám bệnh.
– À, ra vậy. Chị nói vợ tôi thường đến khám?
– Chứng bệnh đau đầu của chị ấy thật là lạ!
– Đúng! Vợ tôi có bệnh khó ngủ, đôi khi nhức đầu ghê gớm, cả sốt cao, có lẽ đau tiền đình. Tôi đã nhắc cô ấy đừng gội đầu buổi tối.
– Anh có thấy chị sút đi nhiều không?
– Thấy rõ quá, bạn bè tôi đã hướng dẫn cô ấy tập thở trước khi ngủ, một phương pháp rất hay. Cô ấy đang tập. Dùng thuốc tây, thật tình tôi không muốn lắm.
– Nguyên nhân anh nói có thể là một phần. Qua theo dõi tôi thấy có nguyên nhân khác.
– Xin chị cho tôi biết. Anh nói với sự chú ý.
– Nhưng tôi biết anh chưa sẵn sàng để nghe. Tôi nói mạnh dạn mà trong người thấy khang khác, hình như hơi run.
Anh mắt của anh thay đổi, nhưng vẻ chững chạc không thay đổi, anh nói khá gọn:
– Tôi sẵn sàng nghe chị nói.
Và thế là tôi đã bật ra từng lời rõ ràng:
– Anh xem lại bản thân, có điều gì trong sinh hoạt cá nhân khiến chị ấy buồn phiền?
Đến đây thì anh nghiêm mặt lại, nói dứt khoát:
– Xin lỗi, tôi không trả lời chị, chị đã đi quá rồi!
– Tôi biết anh là người đứng đắn, nhưng có thể vẫn là người chồng vô tình. Anh cần tìm hiểu những suy nghĩ trong đầu chị ấy. Điều này ngành y chúng tôi bất lực. Tôi biết rất rõ, chỉ có anh mới giúp được chị ấy thoát khỏi những cơn đau đầu. Đó là nguyên nhân tôi đến đây.
Sau khi ra khỏi phòng anh ta, tôi đã thở phào cho sự mạo hiểm và ít nhiều vô duyên của mình. Tôi có cảm giác xấu hổ. Dẫu sao anh ta cũng là người đàn ông biết kiềm chế, nếu không, tôi đã bị đuổi ra khỏi phòng như một kẻ ngồi lê xấu xa.
Qua sự kiện đó, nhiều khi tôi giật mình với những ý nghĩ của mình, rằng người đàn ông không có gì nổi bật lại rất đáng sợ. Như một vũng sâu bất ngờ ở bờ biển cạn… nhiều ý tưởng hiện ra trong đầu tôi không theo thứ tự nào cả. Hình như tôi đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Cũng may, chị đã tới, nếu không tôi phải tìm cách xin lỗi anh.
Lần này thật đặc biệt, anh chở chị tới. Chị bước vào với thần sắc thật tươi tỉnh và chào tôi từ xa. Đến gần, chị nắm chặt tay tôi, bàn tay chị thật ấm áp.
– Vợ chồng tôi mời anh chị đến nhà, nhân dịp 15 năm xây dựng gia đình. Vừa nói, chị vừa chỉ tay vào chỗ anh dựng xe.
Tôi đã nhận lời và dự bữa cơm thân mật cùng gia đình anh chị (hôm đó chồng tôi đi công tác xa). Trong bữa ăn, chị hé lộ rằng đầu chị đã cảm thấy nhẹ hẳn. Anh đã nhờ thầy chỉ và đào cái hố khá sâu trong nhà, đúng chỗ giường nằm, lấy được hai bộ xương mèo. Nhìn xương, thầy đã phán đó là hai con mèo cái: một đen, một trắng. Tôi đã há hốc mồm, thán phục ông thầy. Thật tài tình làm sao!
– Mẹ ơi, xem này!
Tiếng gọi của cháu gái đã cắt ngang những gì đang diễn ra trong đầu tôi. Mới ít phút, cháu đã vẽ xong một con mèo nữa.
Và thật lạ: Con mèo trắng. Làm gì có chuyện cháu biết tôi đang nghĩ gì. Tôi vơ đống quần áo bẩn của cháu, rồi đi thẳng ra cửa phòng.
– Mẹ! Mẹ không thích mèo à? Cháu chưa chịu buông tha.

MẸ VÀ CON
(Truyện ngắn)

Ông ấy hơn ba tôi khá nhiều tuổi, sống ở căn nhà bên cạnh, cùng người mẹ rất già. Cửa nhà ông thường xuyên đóng kín. Ngược lại, nhà tôi khá đông: Ba, mẹ, và ba chị em tôi, lại mở tiệm ăn, nên gần như mở cửa cả ngày. Tôi là chị đầu, giống mẹ, hai đứa em pha trộn.
Hồi còn nhỏ, tôi không ít lần thắc mắc rằng ba mẹ tôi luôn nói ông ấy là nghệ sĩ! Thực sự tôi không thấy điều gì ở ông có dáng dấp là nghệ sĩ như theo tưởng tượng. Ngoại trừ một dấu ấn tình cảm giữa hai nhà, theo lời kể của ba mẹ tôi: khi gia đình tôi chuyển về đó thì ông ấy trồng một cây bàng giữa hai nhà, tự ông xây bờ bảo vệ cẩn thận. Ông ấy đã nói để kết giao tình xóm giềng. Cũng là sự ngẫu nhiên, cây đó lớn bao nhiêu, tôi chừng đó tuổi.
Có thể ba mẹ tôi nói đùa vì buổi sáng ông thường pha trò, hài hước ở nhà tôi. Khi đôi ba chuyện Tây, Tàu, khi danh nhân, mỹ nhân… Nhưng cũng có khi ông ngồi im lặng, bàn tay gầy guộc gân xanh không ít lần để ly dính luôn vào miệng dù không còn giọt nào. Có đôi ba người đến tiệm cũng kêu ông là nghệ sĩ. Không rõ ông ta nghĩ gì về những lời chào như vậy, còn tôi đã có lúc nghĩ nó giống như lời trêu nghịch của tụi con trai ở lớp, không hơn không kém.
Có lần đang học ở nhà, tôi nghe tiếng ồn ào ở nhà bên, rồi tiếng ông la hét. Tôi tò mò chạy ra xem, thấy nhiều người đứng trước nhà ông. Nhìn lên gác không khỏi nhịn cười, hóa ra mẹ ông đang cầm roi đánh ông, người ông ta gầy gò, tóc tai lõa xõa, mặt nhăn nheo, cái quần xà lỏn rộng thình. Ông vừa né, vừa gập mình trên ban công chịu đòn, tay quẹt nước mắt. Có người còn cổ vũ “đánh nữa đi! đánh cho chừa!”.
Ông ấy không có vợ, trong nhà có một người ở. Có lần mẹ tôi nói: “Bà già ấy dâu nào sống nổi, chỉ có ông ta mới thương mẹ như vậy!”. Tôi biết vậy. Dù sao đó cũng là nhà bên. Có lần tôi nghe một bà gánh hàng rong lầm bầm trước cửa: “Gọi người ta, lại không trả lời… như ma… kinh bỏ mẹ!”.
Đôi lúc tôi giáp mặt ông ấy khi đứng tiệm thay mẹ. Đúng là chỉ có mẹ tôi mới để ông nợ nhiều và lâu như vậy. Tính cho ông cũng rẻ hơn mọi người. Có lần hình như tôi đã làm ông phật lòng khi nhắc đến số tiền nợ của ông. Lúc ấy ông cau mày một chặp rồi đưa tay chỉ lên gác nhà ông. Tôi lại nghĩ ông ra hiệu nói nhỏ, kẻo mẹ ông nghe được. Khi kể lại, mẹ tôi đã cười đến chảy nước mắt và giải thích: “Ông đã đệ trình, mẹ ông chưa chịu chi”. “Trình gì mẹ?” tôi hỏi lại. Mẹ tôi đã nói thêm: “Ông đệ trình mua vật liệu để vẽ, chi phí này thì mẹ ông chịu, rồi ông san bớt ra trả nợ”. Từ đó tôi mới biết ông là họa sĩ.
Đang năm thứ hai đại học thì mẹ tôi mất, đúng tuổi 49. Một thứ bệnh quái ác gì đó thuộc tim mạch đã cướp mẹ tôi đi, khi mẹ tôi đã thực sự coi tôi như một người bạn. Mẹ tôi hay nhắc: “Chị cả luôn chịu thiệt thòi”. Tôi luôn tự hào vì ai cũng khen tôi giống mẹ. Mẹ tôi có lẽ là người đẹp nhất, tốt nhất. Nghĩ đến mẹ, tôi thấy đau đớn, thật khó tin mẹ tôi có thể chết… Năm đó tôi học hành chuệch choạc, phải rất lâu sau mới bắt kịp bạn bè.
Trước tình hình đó, ba tôi đã quyết định nghỉ hưu để thay mẹ điều khiển tiệm điểm tâm, có vậy mới nuôi nổi ba chị em tôi ăn học.
Vừa dứt kỳ thi năm cuối, tôi ào về nhà thật nhanh để kịp ngày giỗ ba năm mẹ tôi. Đứng trước phòng mẹ, tôi thấy mẹ hiện về tràn ngập không gian, tôi thấy cả cái cây bàng rợp bóng trước nhà, nơi mẹ tựa vào và đưa tay… Tôi đã hét “mẹ! mẹ!…” rồi ngã quỵ vào lòng mẹ. Tôi đã khóc rất nhiều, nói với mẹ đủ điều. Không rõ sau bao lâu, tiếng ba tôi vang lên:
– Đây là bức tranh của ông họa sĩ bên cạnh tặng gia đình ta. Ông ấy nói còn nợ mẹ rất nhiều!
Bừng tỉnh, tôi chạy sang bên hàng xóm. Trước căn nhà im ỉm ấy, tôi đã đập cửa rầm rầm gọi ông. Đáp lại tôi khá lâu là giọng the thé của bà già: “Cho chúng bay đi hết, đi theo nhau đi…”. Vừa nói, bà vừa giậm chân. Sau đó là tiếng động trên ban công, bà già vừa thở vừa kéo lê một tấm tranh khá lớn, ném xuống hè, sát chỗ tôi đứng, mắt nhìn nảy lửa như muốn ăn sống nuốt tươi tôi.
Đúng lúc đó, người ở mở cửa, chào tôi và nói:
– Mời cô vào, ông ấy mới mất sáng nay, sau khi từ nhà cô về chừng hai giờ.
– Ông ấy đâu? Tôi nói như ra lệnh.
– Đó. Người ở chỉ chiếc giường trong góc nhà, nói tiếp. Chờ thầy đến cô ạ.
Tôi tiến đến chiếc giường, run run tay, kéo tấm chăn phủ mặt ông ấy, rồi để tay lên trán ông. Cái lạnh từ đâu ùa vào người tôi, tôi thấy không đủ sức lực để đứng thêm được nữa. Tôi lảo đảo đi trở ra, tai nghe câu được câu mất của người ở: “Bất ngờ quá… bà già như vậy…”. Đến ngưỡng cửa, người ở giữ tôi đứng lại thì thầm: “Ông dặn tôi mang tất cả tranh qua nhà cô, chỉ để lại bức chân dung mẹ ông thời còn trẻ”.
Sau khi mai táng ông chu tất, chị em tôi đã treo tranh của ông khắp các phòng trong nhà. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến lượng khách tăng vọt. Từ tiệm điểm tâm nhỏ, nhà tôi bỗng trở thành hội quán lớn ở Đà Nẵng. Bằng cử nhân của tôi lại có ý nghĩa thiết thực. Trong số tranh của ông, có đến một nửa vẽ về người phụ nữ “hao hao như tôi” – như một số người nhầm lẫn. Điều này cũng thật tự nhiên, sắp đến sinh nhật của tôi và cây bàng trước cửa, ba tôi bảo tôi đã đến lúc đặt tên cho hội quán này, tôi thực sự băn khoăn: Nếu đặt là Nghệ sĩ, ông ấy sẽ nghĩ gì nhỉ?

 

NÀNG KIM CHI SÁU NGÓN
(Truyện ngắn)

Tôi đã có dịp đến Phúc Yên vào đầu những năm 80. Trước kia, khi người Pháp sang đô hộ, nơi đây là thị xã nghèo. Khi ra đi, họ chỉ để lại dấu vết của sự chiếm đóng. Tôi muốn nói đến nơi đóng quân của lính. Người dân ở đây thì quá quen thuộc với cái tên Thành Đỏ, nó nằm cũ rích tại trung tâm thị xã. Khi Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành một tỉnh lớn Vĩnh Phú, thì thị xã nghèo Phúc Yên đang trở nên một thị trấn sầm uất. Lúc tôi có mặt, cuộc sống nơi đây náo nức, nhộn nhịp với những cơ sở mới hoàn thiện: cửa hàng bách hóa, cửa hàng sách, điểm tâm giải khát, khu chợ mới và rạp xi nê đang xây dựng… một bầu không khí thật lý tưởng đối với miền trung du hồi đó. Cùng với hàng loạt trường học – nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm học sinh, sinh viên. Tôi đã lang thang trên bờ sông Cà Lồ…
Trời về tối, gió biển thổi mát lạnh. Đề phòng ho sau mấy ly bia, tôi gài khuy cổ lại.
– Chị Kim Chi chưa về, anh thông cảm!
– Sao? Chưa về?
– Dạ! Tối nay chị ấy bận, có việc bên Mỹ Khê. Hay là tối mai anh lại.
Cô nhân viên trẻ trung nói thêm:
– Em ngồi với anh được không?
– Xin lỗi, hôm nay tôi muốn ngồi thế này.

*

Một gương mặt sắc cạnh, thanh thoát, rồi dần dần cả thân hình cân đối, dong dỏng hiện ra, Kim Chi của hơn mười năm về trước.
– Chỗ anh có ai ngồi chưa?
– Chưa, em ngồi xuống đi.
Tàu dừng trước khi vào ga Yên Viên một đoạn, bất ngờ, mọi người xô nhau theo quán tính. Tiếng ồn ào, chửi bới ầm ĩ, một cái bọc khá lớn ngay trên đầu tôi rơi xuống. Tôi giật mình, còn Kim Chi đã kịp đưa tay đỡ. Chính giây phút đó, bàn tay sáu ngón của cô đã hiện ra với đầy đủ sự nhanh nhẹn và sức mạnh của nó.
Tôi đã cùng cô ấn cái bọc nặng về lại vị trí cũ. Ngồi xuống ghế, chúng tôi bắt đầu nói chuyện vui vẻ. Thỉnh thoảng, tôi đảo mắt tìm kiếm bàn tay cô, có những giây phút tôi đã bắt gặp lại nó: một bàn tay trắng mịn, thuôn dài, đầy đặn, nhưng trên một bàn tay có ngón thứ sáu mọc ra, cong queo, vẹo vọ, nó phá đi cái vẻ hoàn thiện của một bàn tay. Khi biết là đồng hành Phúc Yên, chúng tôi càng nói chuyện rôm rả. Ngón thứ sáu đôi khi mọc giữa chúng tôi, nhưng không ngăn cản được sự thân mật đang gia tăng.

*

Kim Chi mang ngón thứ sáu từ thuở ấu thơ, mỗi ngày ngón thứ sáu mỗi lớn trông càng vẹo vọ tợn. Cha mẹ cô định đưa đến bệnh viện cắt đi, nhưng có ông già giỏi nghề thuốc ở làng Ngọc Hà khuyên đừng nên cắt, sẽ ảnh hưởng sau này, thậm chí có thể chết non. Còn để trông xấu xí tí thôi, lại gặp may mắn. Hình như ông còn nói đó là dấu ấn của đấng cao quý.
Càng lớn, Kim Chi càng xinh đẹp, ngón thứ sáu cũng lớn lên theo, không ít lần nó đã hành hạ cô, cô quen dần với sự hành hạ đó. Khi chỉ có một mình, cô hay chăm chú đến ngón thứ sáu. “Bỗng ngày nào đó, nó biến mất, khi đó thì sao nhỉ?”. Những lúc như thế, ông già làng Ngọc Hà lại hiện thoáng qua trong đầu, gọi cho cô biết bao giấc mơ đẹp. Lần nào cô cũng thấy mình bay lên cung trăng, người nhẹ lâng lâng, quấn quýt cùng ai đó. Ngón thứ sáu kỳ dị tạo nơi cô những cá tính ai hiểu được.
Thời phổ thông, cô thường bị trêu chọc, có khi nghe chín mười cái mồm cùng hét “con sáu ngón!”. Có lần một cậu học sinh cùng trường đùa dai, la hét khản cổ cô không quay lại. Trong lúc bốc đồng, cậu ta lấy hòn cuội ném vào lưng cô. Chưa kịp hét tiếp, cô quay lại, thấy đôi mắt cô, cậu ta sợ quá bỏ chạy, vấp phải dây điện trong khi một tay ôm cặp cùng chiếc khăn nhàu nhò, còn tay kia đang giữ lưng quần, thế là mặt đập xuống nền gạch, máu mồm, máu mũi tóe loe. Từ đó trở đi ít đứa trêu Kim Chi, sợ cô có ma thuật.
Từ sự chịu đựng, dần dần nảy sinh trong cô những suy nghĩ lạ lùng về con người. Cô cho rằng ai sinh ra trên đời cũng đều có cố tật, nếu không lộ ra ở tay, chân, thân thể thì sẽ lộ ra ở phần khác. Chính có cố tật mới là con người, với cố tật, người ta mới nhận ra nhau, hiểu biết nhau.

*

Trường đại học ở Phúc Yên vào đầu những năm 80 còn cảnh nhà lá, giường tầng. Những lớp học bằng ván ép, những dãy nhà tranh, vài dãy nhà gạch cấp 4, mọc lổn nhổn không đều trên những khu đồi nhấp nhô cao thấp. Sông Cà Lồ khi trong, khi đục là nguồn nước chính của toàn trường. Nơi trũng nhất trong trường, thung lũng giữa những mảng đồi cao là sân chơi, có sân bóng rổ, sân khấu, phần nền sân còn lại là đất và gạch xỉ. Chỉ có khoảng gần nhà tắm, một vài nhóm cỏ mọc xanh rì, lác đác mấy cây cao vống. Loài cỏ vươn cao hơn nòi giống thật đáng thương, luôn bị bàn chân của các cô sinh viên dẫm gãy gục. Cuộc sống vật chất của nhà trường mới chỉ có vậy là do trường phải di chuyển biết bao lần qua những đợt Mỹ ném bom phá hoại.
Hàng ngày, trên con đường mòn từ dãy nhà Kim Chi xuống những bậc xi măng mép sông Cà Lồ, cứ vào khoảng 5-6 giờ chiều là các cô sinh viên đi lại tấp nập để vệ sinh, giặt giũ, gánh nước. Dường như Kim Chi luôn là người đi sau cùng. Tối đến, các bạn cùng phòng cô đều bận rộn cả: kẻ học, người tâm tư riêng… Kim Chi hết học lại đan lát. Không bao giờ thấy Kim Chi bay nhảy, hát hò vui đùa như chị em. Cô cứ ru rú ở nhà, ít thổ lộ. Riêng ngón thứ sáu làm không ít chàng trai gai gai trong người, nó trở thành đề tài trong những câu chuyện đêm khuya của các cậu sinh viên.
Những câu chuyện đàm tiếu về Kim Chi không hiểu sao lại tác động đến Nhật. Quy luật của trường học thường lớp dưới biết lớp trên, chứ các anh chị khóa trước ít để ý đến khóa sau. Tất nhiên, cần loại trừ các chàng trai hay “chim chuột”, những chàng này thường săn lùng và “tăm” của lạ, càng mới càng tốt. Nhật không ở trong số đó, cậu không có bạn gái nào cả.
Tự nhiên mọi người thấy Nhật thay đổi, bạn bè thấy cậu sao nhãng với quán chè ông Mảnh, ít tụ tập hơn với băng của cậu. Tránh xa hội hè, đàn hát và cậu đã chú ý hơn đến con đường mòn xuống sông Cà Lồ. Chính cậu cũng không rõ tại sao như vậy. Nhiều tối cậu tha thẩn, hết đường mòn ra sông, rồi lộn lại, đến những mảng đồi cao. Nhiều đêm khi về, cậu kéo Sơn qua ngủ cùng, hình như những đêm đó cậu sợ mình bị cô đơn. Có đêm Nhật tâm sự rằng cậu cảm thấy ngột ngạt, phải thay đổi tí chút không khí thường ngày, giữa canh ba cậu rảo bước trên những vùng đồi cao nhất. Tại đó, dưới chân là đồi, xung quanh là không gian tinh khiết, trên đầu là trăng sáng trong đến kỳ lạ. Đang thụ cảm ánh trăng thì cậu giật mình sợ hãi vì cái bóng của mình chạy dài tận mép sông Cà Lồ, qua những vùng đồi thấp, qua các mái nhà. Một cái bóng không ra hình thù gì cả, thật quái gở, vậy mà nó làm tối cả một vùng rộng lớn. Cậu định chạy, nhưng mặt trăng bỗng cười, thật độ lượng, soi sáng con đường cho cậu về lại phòng ngủ.
Vài hôm sau, cậu lại đến vùng đồi ấy vào lúc trời chạng vạng, trên triền đồi còn nhiều tốp ngồi chơi. Bất giác, dưới chân đồi hai cô gái đi lên. Bên hông người đi đầu là chậu men lớn đựng áo quần đã giặt, người đi sau xách một thùng nước. Nhật chú ý ngay đến người xách nước, thùng nước nặng, vai phải cô hơi trĩu, người cô hơi cúi, tóc xõa xuống. Cô vuốt nhẹ làn tóc ra sau tai cho gọn gàng. Nhật nhìn thấy cái má hồng qua kẽ những ngón tay thuôn dài. Có lẽ dẫm phải hòn cuội lớn, đột ngột cô lao người về phía trước, thùng nước sóng sánh, làm ướt một vạt quần. Một chiếc dép văng lại phía sau. Cô đứng lại trong tiếng cười của một số người, với tiếng xì xào về một bàn chân sáu ngón nào đó. Đôi má cô đỏ dừ, đặt thùng nước xuống, đầu quay lại lúi chúi tìm dép. Nước trong thùng đã lặng, cô vẫn cúi tìm dép như muốn giấu cái mặt khỏi những tiếng ồn ào. Đúng lúc đó, Nhật đi từ phía đám cỏ rậm, chỗ có tảng đá to, tay cầm chiếc dép đến chỗ Kim Chi, cúi xuống đặt dép ngay chân cô. Kim Chi giật mình, hai bàn tay vô tình chạm nhau, một cảm giác kỳ lạ từ ngón thứ sáu lan đi khắp người Nhật.
– Dép của Kim Chi đây, tình cờ tôi thấy.
– Ồ! Anh…
Khi ngẩng lên, Nhật đã đi một đoạn dài, triền đồi không còn những tiếng ồn ào nữa. Ngón thứ sáu tiếp tục xách thùng nước, nước lại sóng sánh, nhưng không giọt nào văng ra ngoài, nó chao đảo trong lòng chiếc thùng, khi cao khi thấp, bầu trời nghiêng ngả theo bước chân Kim Chi. Còn Lan, cô bạn đi trước không hay biết gì, tưởng họ cười mình nên đã đi nhanh về phòng.
Cuộc sống ở vùng đồi bên dòng Cà Lồ dần dần đã khoác cái áo quen thuộc lên các cô cậu sinh viên. Trong phòng cũng như toàn trường, Kim Chi chỉ gần gũi, thân thiết với Lan. Hai cô đều con em tập kết, gốc đất Quảng. Phòng Kim Chi ở có sáu cô với ba giường tầng. Mới năm thứ hai nhưng năm cô kia đã làm tốt “hai nhiệm vụ chiến lược”: học tốt, yêu cừ. Người lập kỷ lục là Lan. Công khai đã có bốn, năm anh đến phòng. Nào anh Thông gió xây dựng, anh Dân dụng kiến trúc, anh Quang Cối Quân sự… toàn những anh quen trên tàu cả. Tại trường thì còn anh Cường Sạch sẽ (sạch sẽ là nhược điểm của sinh viên Vĩnh Phú!). Lan và Cường hay nhắc về quan hệ của họ. Khi Cường đàn và hát những bản tình ca ướt át, Lan ngây người nghe xao xuyến, đó là buổi bén duyên. Nghe nói khi ấy mặt trời đang lặn với một màu vàng đặc biệt. Khi họ tỏ tình là lúc gió ngưng, sông lặn, mọi vật im lìm. Không biết sao, sau đúng một tuần lễ họ chán nhau. Kim Chi yếm thế thì Lan sống dồi dào, vốn tình không bao giờ cạn. Ngay sau khi chấm dứt với Cường, “mối tình qua những bức thư” với anh Lượng nào đó đang học bên Đức, nhiều phen làm con tim Lan như vỡ từng mảnh. Anh Lượng này, nghe nói ba cô đã dấm cho khi tạo điều kiện cho anh ta du học, chứ cô chưa biết mặt. Người cha bao giờ cũng sáng suốt.

*

– Lâu nay cậu vắng đâu?
– Ôn thi tốt nghiệp bác Mảnh ạ. Cho cháu ấm chè và bao Sông Cầu.
Khi Nhật vào trường, ngôi quán khang trang, tường gạch bao quanh này còn là một túp lều lụp xụp, ông Mảnh còn đi gắp phân trâu. Cái dáng khệnh khạng bây giờ đã thay thế cái tướng còm nhom, sợ sệt hồi ấy. Còn những thằng sinh viên như cậu thì vào trường chẳng thiếu thứ gì, sức sống tràn trề, đến năm cuối chỉ còn vẻn vẹn một, hai bộ quần áo không lành lặn với bộ xưong cùng cái đầu “nguy hiểm chết người”.
– Chúng nó ký sổ nhiều quá. Cậu nhắc thằng Son Thần Chết, thằng Thanh Lùn trả bớt một nửa. Bán chác kiểu này tôi lỗ vốn.
– Vâng!
Tiếng “vâng” đơn giản, nhưng cậu đổi được không khí yên lành. Cậu lại nghĩ về mình, về khái niệm bạn gái. Rồi một cảm giác lạ xâm chiếm, giống như sự quyến rũ vậy, từ ngón thứ sáu đang lan ra… lần này nó buộc cậu quyết định.
– Bác ghi cho cháu.
– Lần cuối đấy nhé, cậu còn nợ kha khá đấy!
Rời quán, trời đã tối, trăng sáng, gió mát, Nhật đi thẳng đến phòng Kim Chi.
Lan mở cửa, thoáng ý đùa cợt.
– Đấng mày râu nào vậy, cho biết quý danh!
– Tôi cần gặp Kim Chi. Nhật nói từ tốn.
Nét mặt Lan thay đổi lập tức, nàng như bị kích động, thụt ngay vào phòng, đến giường Kim Chi.
– Kim Chi ra có người gặp!
Im lặng, Kim Chi nhìn thẳng mặt Lan.
– Kim Chi ra có người gặp, mình nói nghiêm túc đấy!
– Tốt bụng thì rõ rồi, chứ nghiêm túc thì phải xem lại.
– Mình xin thề đấy. Ra nhanh đi kẻo họ chờ.
Người Kim Chi bắt đầu nóng ran lên, hai má ửng hồng, một cảm giác ngỡ ngàng xâm chiếm lấy cô, như lần đầu tiên chuẩn bị vào phòng vấn đáp: Gặp ai? Cần phải làm gì? Người ta hỏi mình những gì? Sự lúng túng, khiến cả phòng cười ồ lên. Nhưng Kim Chi nào có thấy gì rõ ràng. Cô từ giường tầng 2 bước xuống với cánh áo nâu ưa thích, tiến thẳng ra, mở cửa với động tác dứt khoát. Tự nhiên cô chùn lại, trước cửa là một chàng trai, rõ nhất là đôi mắt. Đôi mắt ấy đang chờ đợi. Cô đã thấy đôi mắt đó ở đâu rất kỹ rồi. Một cơn gió nhẹ từ phía sông Cà Lồ tốc vô những ngôi nhà tranh ọp ẹp, giúp Kim Chi ngả nhẹ vào tấm liếp cửa, đèn điện trong phòng chao đảo, cánh cửa sập vào. Nơi Kim Chi đứng là chỗ giao thoa giữa ánh đèn điện vàng nhạt và ánh trăng xanh nhạt mọi ngày. Nhưng lúc này chỉ có ánh trăng. Họ nhìn thấy rõ nhau nhờ ánh trăng. Ánh trăng tối nay sáng trong, huyền bí, bầu trời thăm thẳm giấu kín mọi ý định của ngày mai. Từ ngọn đồi khoa này thấy rõ ngọn đồi khoa kia. Đứng bên này có thể đếm được từng gian nhà bên đó. Ánh trăng làm sáng cả thung lũng, sân bóng rổ nổi bật lên như viên đá lát khổng lồ sinh ra từ miền Non Nước, phẳng lì, nhẵn bóng trên nền đất và gạch xỉ đen ngòm. Trên nền phẳng và bóng ấy, có hai cột rổ đứng ở hai đầu chiều rộng, đứng im và cũng chờ đợi. Vài phút trôi qua, hai người hết nhìn lại cúi, cảm xúc lẩn quất dưới ánh trăng. Khi Kim Chi ngước nhìn lên, trăng in trong đôi mắt, trong sáng, dịu hiền, sâu lắng. Đôi mắt cô chứa trọn cả vầng trăng quyến rũ tối nay. Nhật muốn lao đến xiết chặt lấy cô, hôn lên mắt, môi cô. Họ nhìn nhau, chẳng nói lời nào, ánh trăng đang tan trong đôi mắt họ, không thấy gì nữa, ngoài hai tấm thân đang run rẩy.
Tối hôm sau Nhật đến thật vững tin, Kim Chi cũng đón nhận mọi điều thật bình tĩnh. Người con trai đó Kim Chi chưa hiểu hết, nhưng đôi mắt ấy khiến cô xao xuyến. Họ lại gặp nhau ngay trước cửa phòng dưới ánh trăng huyền bí, nói chuyện tự nhiên, xoắn xuýt như hai người bạn cũ. Họ đã thấy nhau trong mơ. Họ đã ở bên nhau, cầm lấy tay nhau bay lơ lửng trong khoảng trống bao la trên nền trời tối cùng các vì sao bé nhỏ. Hai thân thể cùng trắng xóa như các vì sao, đùa giỡn vẫy vùng làm các vì sao xao động. Cả bầu trời náo nức, mặt trăng núp sau những đám mây tươi cười hỉ hả. Họ từ từ rời các vì sao trở về trái đất, thật nhẹ nhàng. Khi sực tỉnh, ngón thứ sáu đang nằm trong lòng tay Nhật. Ông già làng Ngọc Hà đã đúng, họ đã tìm thấy nhau dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong hôm đó.

*

– Thằng Thanh Lùn, thằng Hưng Tồ lớp cậu nợ chồng chất, sắp ra trường tôi mất trắng. Tôi sẽ làm giấy gửi nhà trường.
– Nó đã bán sạch để ngồi quán bác. Nhiều lần cháu nhắc bác không để chúng nó ký tiếp.
– Tôi sẽ làm đến khi nhà trường kỷ luật thì thôi.
– Dồn chúng nó vào đường cùng, lại trong lúc ôn thi tốt nghiệp là không hay bác ạ. Chúng nó không chịu đâu.
– Tôi lạ gì chúng nó, quân ăn cướp, tôi sẽ báo nhà trường.
– Bọn cháu sống xa quê, tiền nhận cũng có đợt, chúng nó đã quỵt bác bao giờ đâu. Cháu nghe nói tháng trước thằng Thanh, thằng Hưng trả hết rồi cơ mà. Số nợ còn lại chúng nó nói bác ghi nhầm, trả rồi bác quên không gạch.
– Đúng là quân ăn cướp! Tôi sẽ trừng trị.
– Bác không sợ bị đốt quán à?

*

– Chị Kim Chi đã về, anh chờ một lát.
– Đã về, ồ! Cảm ơn em.
Tôi dõi mắt ra cửa hiệu, một phụ nữ dong dỏng trong bộ đồ nâu bước vào.
– Chào anh! Người phụ nữ đó ngồi xuống.
– Chào chị, chị là Kim Chi?
– Vâng! Xin lỗi cho em hỏi…
– Tôi là Linh, người được cô giải thoát khỏi bao hàng nặng của một gã đi buôn nào đó toan đè xuống đầu tôi trên chuyên tàu Hà Nội – Phúc Yên.
– Anh Linh, lâu quá rồi… anh còn là giáo viên hướng dẫn môn Kinh tế xây dựng cho lớp em nữa chứ. Rồi sau đó mất hút, không thấy ở trường, nhiều đứa tiếc rẻ mãi, một thầy giáo trẻ nhảy tàu rất xịn.
– Ừ, lúc đó anh kiến giảng. Nhưng đủ thời gian để nghe nói về quan hệ của Kim Chi và Nhật.
– Nhật không còn nữa!
– Quá bất ngờ về tin đó, tôi đã thốt ra.
– Tại sao?
Lúc này, tôi nhìn kỹ Kim Chi hơn. Cô khác quá nhiều. Bàn tay cô đang bắt chéo trên bàn, không thấy ngón thứ sáu, cả hai bàn tay thật hoàn thiện.

*

Ông Mảnh lấn đất của nhà trường, một khoảng khá rộng, bằng cách ông cắm tiếp một cái chòi vào đất nhà trường. Kế hoạch của ông là vài năm tới, ông sẽ quy hoạch cơ ngơi của ông rộng cũng phân nửa nhà trường. Nhà trường dạy sinh viên, còn ông nuôi heo gà, theo ông đó là những việc quan trọng như nhau, không những vậy heo gà còn có tác dụng thiết thực cho xã hội, ông hay lẩm bẩm: “Sinh viên gì như những thằng ăn cướp, những con đĩ, ra trường làm trò trống gì?”. Vì vậy ông quyết định mở rộng cả sang lĩnh vực đầu tư vốn sản xuất, cho vay lấy lãi nhất là khi biên giới của nhà trường chưa được xác định rạch ròi. “Chà! Cái đồi rộng mênh mông thả đàn bò thì hay biết mấy. Nuôi heo không sợ lỗ, bán thẳng cho bếp của nhà trường”. Bằng sức lao động cần mẫn ông sẽ nổi cơ đồ. Hai thằng con trai lớn tồng ngồng không cần học, cứ ở nhà lao vào sản xuất, khi chết có miếng đất cắm dùi. “Học để trở thành ăn cướp, học làm gì”.
Sau sự kiện ông Mảnh cùng hai đứa con lột áo mới của Thanh giữa quán đông người, để nó cởi trần ra về, ít lâu, chòi ông Mảnh bốc cháy. Cái mốc ranh giới ông đổ bao mồ hôi dựng nên không còn. Toàn trường chứng kiến cảnh gia đình ông la hét, nguyền rủa và hứa trả thù. Nhật bị kỷ luật vì lời nói dại mồm bữa nào, cậu không hề bào chữa, nhận kỷ luật cải tạo chăn bò một năm. Được ít lâu, nghe tin má cậu ở Cam Phúc hấp hối. Cậu lao ra tàu, nhảy bám ở cửa. Tàu quá chật chội, quanh gánh, hàng hóa chật cứng, người đứng chật cả cửa, cả cầu thang lên xuống. Cậu chỉ đứng được một chân và vịn một tay. Đến cầu Thạch Lỗi cậu bị đập đầu vào thành cầu, rớt xuống sông.
Trên mô đất bên cầu Thạch Lỗi, hàng mộ giờ đây lại thêm một sinh viên yên nghỉ, dãy mộ mỗi năm một dài thêm. Người qua lại nhìn thấy dãy mộ đó thường kháo nhau nhiều chuyện về những sinh viên rủi ro. Có người khẳng định cái chết của những người trẻ tuổi này là lời cảnh báo của Trời Phật, họ là những thần đồng, đáng sống hơn bất cứ ai. Theo Kim Chi thì họ chỉ nghĩ đến các vì sao, chính thế không vượt qua nổi thanh sắt.
– Em không còn là Kim Chi sáu ngón nữa anh Linh ạ. Đúng khi Nhật ngã xuống cầu Thạch Lỗi, ngón thứ sáu của em co giật và teo lại. Nhật là người đầu tiên và duy nhất đã âu yếm nó và hình như cả thèm khát nó. Em đã chôn ngón tay đó vào phần mộ Nhật trong một đêm xuống ga Thạch Lỗi. Sau đó em bỏ học luôn. Chỉ có Lan mới biết quyết định của em.
Sau khi Nhật chết, Kim Chi bỏ học vào tận Cam Ranh nơi mẹ Nhật ở. Không có ai, ngoài cô đã ở bên bà suốt thời gian còn lại, đến khi bà tắt thở. Khi hấp hối một ý nghĩ vẫn lẩn quất trong bà: Tại sao những điều không hay lại giáng xuống gia đình bà? Hai mươi năm trước chồng bà đã hy sinh, rồi con trai độc nhất, nay là bà. Để giúp bà đi vào cõi chết thanh thản, Kim Chi nói rằng cô đã có mang với Nhật. Cô đã phải về Đà Nẵng một thời gian, sau khi nhờ người trông nom bà, để trở lại với đứa bé ở Cô Nhi viện. Lúc đó bà đã ánh lên tia nhìn mãn nguyện.
Cô về lại Đà Nẵng, đúng lúc Lan ra trường, được phân về quê công tác. Một thời gian, Lan được đề bạt trưởng phòng, rồi phó giám đốc một công ty. Lan thường xuyên đi lại với Kim Chi, cô đã thuyết phục được Kim Chi nhận quản lý một cửa hàng lớn thuộc công ty.
– Hiện nay em là giám đốc Trung tâm dịch vụ Sông Hàn?
– Không, cửa hàng em kinh doanh đủ thứ. Nhưng dịch vụ bia tại chỗ em nổi tiếng, chiếm hơn nửa doanh thu. Em sẽ yêu hết mọi người, như Lan nói, để bù cho thời thơ ấu bị hắt hủi. Cô cười đầy ý nghĩa, rồi tiếp: – Ở đây mọi người gọi em là bà chủ “ôm” chứ chẳng ai gọi “giám đốc” như anh.

*

Tôi lại thấy mình lang thang trên bờ sông Cà Lồ nhỏ bé, hiền hòa, uốn quanh co theo những vùng đất mới khai hoang. Những lời ca bay lên từ dòng sông, từ miền trung du tràn ngập trong tôi. Một ý nghĩ cứ len lỏi, lớn dần trong đầu – ta chưa hiểu những quanh co uẩn khúc, ta còn vô tâm, ký ức sống lại, tôi đã thấy trong cơn giận dữ dòng Cà Lồ đã vượt qua sức lực có hạn của con người, để nuốt trôi những cánh đồng phì nhiêu. Khi đó, một màu đất đục ngầu sẽ bao phủ lên những màu xanh mơn mởn.

 

NGÔI NHÀ SÁNG TẠO
(Truyện ngắn)

Tôi học ngành xây dựng, nên nói về nhà cửa là phải. Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây lại liên quan đến một đại học giả, mà mỗi khi nghĩ đến tôi không giấu nổi niềm tự nào rằng mình đã góp phần cùng Đảng và nhân dân vun đắp cho tài năng của ông.
Cách đây ít năm, vợ chồng tôi tình cờ mua được một ngôi nhà sát bờ biển Nam. Nhà rộng, thoáng mát với giá ba cây. Khi mới mua cũng nghe nhiều chuyện, nào là trước đây có mấy ông văn sĩ trí thức đã từng sống, sau đó đều rời đi cả. Một trường hợp đau đớn là nhà thơ Phạm Phú chết đuối ngay gần bờ, như có người dìm, bà vợ sau đó bị tâm thần, ngôi nhà được đứa con bán đi. Người ta còn nói cúng tế chẳng ăn nhằm gì đâu, cái ám khí ở đây chưa thầy cao tay nào trị nổi.
Đó là miệng thiên hạ. Vợ tôi thì thích chí lắm, từ ngày ở nhà này việc buôn bán ở chợ Cồn phát đạt, sạp hàng của vợ tôi bỗng tấp nập bạn hàng. Từ anh kỹ sư làng nhàng, lẹt đẹt ngày hai buổi tới cơ quan (tôi công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) nay cũng cảm thấy phấn chấn lên.
Sau khi ra trường (cách đây hơn mười năm), tôi trở thành cán bộ, lấy vợ và hài lòng với cuộc sống chồng kỹ sư, vợ chạy chợ. Thậm chí tôi cho rằng chúng tôi là cặp lý tưởng, lý lẽ khá giản đơn, cả hai vợ chồng đều làm nhà nước cả chỉ có bốc cám! Tất nhiên trừ những trường hợp ô dù, đút lót, gian lận để được chui vào chỗ “thơm”. Chúng tôi có một cháu gái xinh và ngoan, từ từ dấn thêm thằng cu sau. Tôi khoái câu nói “Việc gì phải vội vã, tất cả đều đến Gò Cà”. Nên thấy bạn bè đồng nghiệp cứ xăng xái hết công trình này nọ, rồi bon chen, hãm hại nhau… Ôi! Thật não lòng.
Tôi khá tin số mình an nhàn, đặc biệt có người coi tướng đã khẳng định tôi luôn có quý nhân phù trợ và ông ta rất khen tôi có cái miệng tốt, nghĩa là hay được mời ăn và ăn toàn thứ ngon vật lạ. Do vậy trong cuộc sống cũng như trong công tác, tôi chưa bao giờ khước từ lời mời đi ăn hoặc liên hoan – bởi số mình là vậy, thoát sao được!
Nếu cứ vậy trôi qua thì hẳn đã không có câu chuyện này. Giờ ngồi nhớ lại đêm đó tôi vẫn còn ngột thở, gai ốc đầy. Đang đêm khuya, không có tiếng chó sủa, không một tiếng nổ của động cơ nào, kể cả tàu biển, chỉ có tiếng rì rào đều đều nhưng cũng rất nhẹ của sóng biển. Rất lạ, trời không có gió, cái màn tôi nằm cũng không đung đưa. Nhìn qua cửa, cù lao phía trước như đang trôi dần vào đất liền, sừng sững. Tôi đang khó chịu, bỗng thót tim khi thấy một người đứng ở cửa sổ, sát chỗ tôi nằm. Tôi định la lên, nhưng như bị nghẹn. Người đó giơ bàn tay xua xua trước mặt, rồi đưa ngón tay lên miệng, một tiếng nói thì thầm phát ra: “Đừng hoảng hốt, đây là ngôi nhà của tôi, tên nó là NGÔI NHÀ SÁNG TẠO nhưng ai sáng tạo thì sẽ không ở nổi hoặc phải chết”.
– Trời! Có phải ông Phạm Phú không?
Không có tiếng đáp lại. Người đó từ từ bước về phía cù lao và mất hút.
Vợ tôi quả quyết đó là cơn mê sảng, tôi thì không cho như thế, bằng chứng là đêm đó vợ tôi ngủ ngáy ò… ò không biết gì (cũng đành phải nói một nhược điểm của vợ tôi mà tôi đã giấu gần chục năm nay). Được cái vợ tôi dễ quên, mọi việc rồi cũng qua. Sạp hàng ở chợ mỗi ngày mỗi khá, công việc của tôi ở cơ quan vẫn đều đều. Anh em phòng tín dụng xây lắp địa phương chỗ tôi thường xuyên đi cơ sở, tôi làm tổng hợp đi lại có ít hơn, có lúc tài liệu đọc không xuể, nhất là định kỳ báo cáo.
Đùng một cái, trong việc chuyển đổi cơ chế quản lý, vấn đề cho vay được xới lại, chiếm lĩnh nhiều phạm vi của cấp phát ngân sách trước đây, hình như đến lúc này ai cũng thấy đồng tiền không phải là vỏ hến và các nhà lãnh đạo mới thực sự thấy lo tiết kiệm được xây dựng cơ bản là thế nào, vai trò phòng tôi được đề cao hơn. Cấp trên bổ nhiệm giám đốc mới thay giám đốc cũ đã có quyết định nghỉ hưu. Giám đốc mới là tiến sĩ kinh tế bậc một, tốt nghiệp ở Rumani, tiếng Pháp nói như gió và làm việc có bài bản. Chúng tôi đâm ớn, một công văn do bất cứ phòng nào thảo ra, thì khi đánh máy đã phải sửa tệ cũng bảy lần. Tiếp theo là việc cải cách hệ thống quản lý, xếp đặt lại nhân sự, phòng ban, xây dựng lại cách luân chuyển, ghi chép chứng từ, thay đổi hàng loạt các báo cáo theo hướng quản lý năng động, chất lượng, hiệu quả. Thay đổi báo cáo là việc hết sức khó khăn, bởi đây là vấn đề quản lý tập trung thống nhất, việc này không chỉ là việc nội bộ mà sẽ động đến Trung ương. Ông tiến sĩ quyết tâm làm, ông nói sẽ báo cáo ra Trung ương để chúng tôi làm thí điểm. Nếu tốt, sẽ nhân toàn ngành. Công trình nào đáp ứng được yêu cầu quản lý mới, sẽ đi báo cáo toàn ngành và đề nghị đặc cách bảo vệ luận án phó tiến sĩ.
Tôi được giao phần việc phải nói là quan trọng, đó là biên soạn lại các báo cáo có liên quan đến khối lượng và giá thành xây lắp. Thế là bắt đầu chuỗi ngày động não, căng thẳng một cách nghiêm túc kể từ khi ra trường. Làm việc quên ngày đêm, mất điện thì thắp đèn dầu, thường xuyên đến thư viện sưu tầm đủ loại tư liệu liên quan, căn phòng của tôi sách vở bày la liệt. Có hôm từ chợ về vợ tôi mỉa mai: “Giá mà các thứ của nợ trong phòng này là hàng hóa trên sạp thì cũng có ích cho khối người”. Sau gần một tháng miệt mài, trong óc tôi đã lóe ra được một hệ thống sơ đồ làm tôi phấn khích lắm, vấn đề chỉ còn xử lý các chi tiết, đưa một số phép thử rồi đáp lại. Thì người đó lại đến vào một đêm khuya như đêm trước, tôi lại được phen hoảng hồn, rõ ràng người đó chưa rời bỏ tôi.
– Mấy ngày nữa nhà này sẽ sập, bởi cậu không nghe tôi.
Lần này giọng nói của người đó nghe đanh hơn, cổ tôi vẫn như bị chẹn, tôi cố vùng vẫy, người đó lại biến mất về phía cù lao. Không rõ sau bao lâu tôi mới ngồi dậy được, người thấy nhẹ hơn khi nhận được luồng gió lạnh từ biển thổi vào, ngoài khơi sóng vỗ ào ào, ánh trăng theo những đợt sóng tràn bờ tung tóc, lúc này ngọn cù lao phía trước thấy nhỏ hơn.
Xung quanh im lặng, tiếng ngáy ò… ò của vợ tôi vẫn đều đặn. Tôi lại nằm xuống.
Ba ngày sau, nhà tôi bị sập thật, cát phía trước nhà lún xuống, cả bờ kè đá và một căn phòng bị sụt xuống, thiệt hại một số hàng hóa của vợ tôi. Nhìn mấy cây vải hoa Bắc Kinh chìm dần trong cát và nước. Tiếc. Cũng may chưa ai chết, câu “của đi thay người” quả có lý. Công trình biểu mẫu phải dừng lại, vợ tôi phải nhờ người trông hàng vài ngày. Chúng tôi tốn hàng chục xe đá và dây thép để kè lại, ngăn không cho cát sụt tiếp. Lạ nhất là những nhà ven biển kế đó không nhà nào bị sao. Thiên nhiên hay có kẻ khiêu khích?
Sau gần một tuần, tình hình tạm ổn, vợ tôi tiếp tục ra chợ theo lệnh của thị trường, thực ra ở nhà chỉ quẩn chân, thêm to tiếng. Tôi xin cơ quan nghỉ luôn hai năm phép, gọi thêm ông cậu là thợ mộc, hai cậu cháu còng lưng gần hai tháng trời lo sửa chữa lại nhà. Nhiều lúc kiệt sức, ngủ luôn ngoài trời.
Thằng cha đó vẫn chưa tha tôi, hắn lại đến với cái mặt ngắn. Lần này thì tôi không sợ, nhưng vẫn có gì chẹn ở cổ, tôi ú ớ chửi, hắn không thèm nghe còn lạnh lùng nói:
– Mất một phòng còn hai, lại còn cả miếng đất rộng. Bây giờ cậu nên xây tầng lên. Chắc chắn có người hỏi mua, cậu phải bán ngay để lấy lại vốn.
– Ông lừa tôi để tôi sạch tay sao? Tôi lí nhí phản đối.
– Không nghe tôi cậu mới sạch tay. Chào cậu!
Khi tôi vùng dậy được thì người đó đã biến khỏi khung cửa sổ. Gió biển lồng lộng thổi mà người tôi đầy mồ hôi. Tôi sốt.
Nỗi lo lắng đã thực sự tràn vào đầu tôi, đẩy lùi công trình biểu mẫu ra ngoài. Dứt cơn sốt, hai vợ chồng tôi bắt tay vào việc lên tầng hai, sau cuộc cãi vã kịch liệt và tôi quả quyết sẽ thu lại số tiền bỏ ra. Lần này vợ tôi chi phí khoảng một cây, cộng với sự giúp đỡ của hai đơn vị xây lắp phòng tôi quản lý (không rõ bao nhiêu), ngôi nhà được hoàn thành khá khang trang, không còn chút tì vết của tai họa vừa xảy ra.
Quả thật, nhà vừa được làm xong, đã có người đến hỏi mua. Tôi đang muốn thưởng thức hương vị tầng lầu mới sau biết bao cực nhọc, rồi còn thủ tục đãi bạn. Nhưng vợ tôi lại khác, lúc này là lúc cần tiền để hốt đợt hàng của thằng em họ đi tàu biển sắp cập bến. Hai bên thương lượng xong, nhất trí cái giá bốn cây hai, giấy tờ người mua lo tất. Chỉ trong một tuần ông ta làm xong cả. Ngôi nhà của tôi đã về tay học giả Quýt như vậy. Sổ nghiệp chủ đứng tên ông, ông gia hạn thêm cho chúng tôi một tuần để thu xếp chuyển đồ đạc về nhà mẹ tôi cũng như giải quyết những vấn đề liên quan cần thiết.
Ông hài lòng ra mặt, sau khi cuộc mua bán chấm dứt.
– Em không ngờ mọi việc giải quyết nhanh như vậy. Tôi nói.
– Đó là một khi tôi ra tay. Thế cậu chưa biết rõ về tôi à?
– Dạ! Trước đây em chỉ biết tiếng anh.
– Cậu biết thế nào?
– Ở cơ quan em nhiều người đồn anh là một đại học giả, được chính quyền ưu ái nhiều năm nay để làm cái gì to lắm thì phải.
Ông cười độ lượng và nhỏ nhẹ nói:
– Phê bình là công việc rất khó, nghề của cậu có đơn giản hơn. Các anh ở trên biết rõ khả năng tôi. Qua mười lăm năm tôi mới làm được một phần nhỏ. Bây giờ tôi hiểu cần phải có một ngôi nhà thật yên tĩnh, chắc chắn tôi sẽ hoàn thành được một công trình để đời.
Chẳng lẽ trong Larousse không có tên tuổi một nhà phê bình Việt Nam nào?
Trước đại học giả, tôi đâm e dè, nếu thành thật sợ ông thay đổi ý kiến, không mua nữa. Dù sao cũng phải nói, để lỡ sau này có mệnh hệ gì, ông không đưa vợ chồng tôi vào công trình phê bình để đòi của ông như những kẻ lừa đảo.
– Ở đây chưa chắc đã yên tĩnh, biển ồn ào. Nền nhà có vẻ không vững lắm, em mới kè lại bờ.
Ông cố vươn khổ người thấp bé, chấn chỉnh tôi ngay.
– Cậu làm sao hiểu thiên nhiên, con người ở đây như tôi. Sắp tới vùng bờ này sẽ được bồi thêm. Vùng biển Bắc có thể bị lõm vào đôi chút, chứ ở đây dứt khoát phải bồi thêm. Hôm qua tôi đã viết một bài lên án việc khai thác bừa bãi đá và san hô ở Cù Lao phía trước biển Nam, làm dòng hải lưu bị uốn, gây áp lực vào bờ Nam. Việc này sẽ có kết quả ngay. Tại sao cậu biết không? Trước đây chính tôi đã mở đường cho việc khai thác này, cậu ở ngành xây dựng biết quá, xi măng chúng ta luôn khan hiếm, nhà máy xi măng Thủy Tú, Quân khu luôn đói nguyên liệu. Nên khi tôi lên tiếng là các đồng chí lãnh đạo tiếp thu ngay.
Ông rút bài viết, giơ cho tôi xem, dòng chữ đậm đầu thể hiện ra: “Việc khai thác tùy tiện dẫn đến sụt lở vùng bờ biển Nam – ai phải chịu trách nhiệm?”. Lúc này mặt tôi tái mét, vừa kinh hãi vừa thán phục ông ta.
– Cậu thấy chưa, nghề chúng tôi thì coi đó là sự phát hiện. Trước đây ca ngợi, nay chê trách cũng là hành động phát hiện, tính cách mạng ở đây được phát lộ khá triệt để, không phải ai cũng dám từ bỏ quan điểm của chính mình trước đây để phù hợp với cái mới. Đấy cậu xem, nghề các cậu, xây nhà lên rồi thấy xấu, liệu có dám đập đi xây lại không?
Sự uyên bác của ông khiến tôi bình tĩnh lại đôi chút và mạnh dạn thừa nhận:
– Mới về đây, chưa ở hẳn mà anh đã bắt tay vào sáng tạo. Ngôi nhà này thật có duyên với sự sáng tạo. Anh ở đây là đúng rồi.
– Tôi sẽ đặt tên nó là “NGÔI NHÀ SÁNG TẠO”, cậu thấy thế nào?
Đêm cuối cùng trước khi chuyển đi hẳn, người đó lại xuất hiện, đúng chỗ bậu cửa sổ, trời đêm cũng ngột ngạt, cái mặt ngắn áp sát vào song cửa. Người đó chưa chịu rời tôi ư? Khác mọi lần trước, lần này một ánh chóp bỗng lóe lên làm cho chỗ tối trên khuôn mặt trở nên sáng rõ, giúp tôi nhìn rõ khuôn mặt ngắn ấy. Tôi đã thét lên trong đêm: “Ông Quýt!”. Không biết tiếng vọng to đến đâu, bỗng ông Quýt từ trên gác chạy xuống. Lúc đó tôi không còn phân biệt được gì, sau này nghe kể lại, được biết ông lo lắng cho tôi suốt đêm đó. Điều này hoàn toàn đúng, bởi sáng đó khi dậy, trên trán tôi còn nguyên một chiếc khăn bông ướt lạnh.
Hiện nay, ngôi nhà của ông Quýt được phủ lớp vôi mới, miếng đất còn lại trước đây đã trở thành một góc công viên. Nhà kín cổng cao tường và đặc biệt từ ngày ông ở, đất mỗi ngày một bồi ra xa, cổng vào nhà ông có tấm biển với bốn thứ tiếng Anh – Pháp – Trung – Việt. Dòng chữ Việt cuối cùng NGÔI NHÀ SÁNG TẠO của NHÀ PHÊ BÌNH QUÝT.
Tuần vừa qua có một cơ quan đại diện của nước ngoài đến hỏi mua với giá 30.000 đô la (khoảng sáu mươi cây vàng). Biết tin đó, vợ tôi rống lên: “Anh thấy chưa, com cóp bao năm, phơi mặt suốt ngày ở chợ mà sống còn vất vưởng, chưa mua lại nổi một căn nhà để ở riêng. Người ta chỉ cần một phút là có hàng chục cây”.
Thật là các bà, lúc nào cũng tiền… tiền! Không thấy cái lớn lao hơn là chúng ta đã cung cấp cho xã hộ một NGÔI NHÀ SÁNG TẠO, đó là trách nhiệm của ngành nghề chúng tôi. Còn đứng về lương tâm nghề nghiệp mà nói, đến phút này, tôi hoàn toàn tin tưởng đại học giả của chúng ta sẽ trị được cái ám khí ở đây.

 

TRÒ CHƠI TIẾP TỤC
(Truyện ngắn)

Chúng tôi có năm thành viên họp thành một băng, gắn bó suốt những năm phổ thông. Bốn anh bạn tôi quê phía Bắc, gia đình ở Hà Nội, riêng tôi quê ở bên kia vĩ tuyến 17. Tôi tốt nghiệp phổ thông, đúng lúc miền Nam giải phóng, tôi vào Đà Nẵng học, Mạnh và Đình đi bộ đội, Tùng và Bách vào Đại học Bách khoa.
Gần đây tôi mới có dịp gặp lại bạn bè. Ra đúng thời tiết thu se lạnh, vui mừng khi thấy cuộc sống của bạn bè đều ổn định.
Trước đây, chúng tôi thường tụ tập ở nhà Tùng, lần này cũng vậy, bởi không gian thoáng đãng, cửa sổ mở thẳng ra Hồ Gươm. Cha mẹ Tùng là những trí thức, tôn trọng sở thích con cái.
– Thiếu Mạnh?
Tôi bỗng nhớ đến Mạnh, rồi bố Mạnh “Bác sẽ tặng cháu một bộ nhãn vở cho năm học mới, do bác và bạn Mạnh cùng làm”. Tôi nhớ đã thích thú ra sao khi ngắm nhìn chiếc nhãn có hình ngôi nhà của cáo và thỏ con. Trong khi bạn bè tôi thi nhau nói:
– Dạo này nó lầm lì, không giao tiếp với ai!
– Ở bệnh viện tâm thần, lại có vẻ nặng hơn!
– Hình như sau mối tình với con Hiền, nó chán đời!
Sau đó cuộc chơi trong khuôn viên nhà Tùng thật vui, dường vẫn nối tiếp không khí những cuộc chơi thuở phổ thông không bao giờ có con gái, đơn thuần là cuộc chơi của những nam nhi hợp gu.
Tùng học giỏi nhất băng, có năm đi thi toàn quốc, tận tình trong các cuộc vui: nào chụp, rửa ảnh, ghi âm các cuộc “trà đạo” cần thiết, nào giới thiệu nhạc mới… Tùng am hiểu khá nhiều lĩnh vực kỹ thuật tân tiến. Hiện Tùng vừa bảo vệ xong một dự án cấp quốc gia, đồng thời là giám đốc một trung tâm có tầm cỡ về điện tử. Có thể nói Tùng là đứa thành đạt nhất trong băng.
Sau cuộc tụ tập ở nhà Tùng, tôi đến thăm Mạnh. Đứng trước ngôi nhà, cách đó chừng hai chục năm tôi thường thập thò gọi Mạnh đi học, tôi thấy hồi hộp. Tôi nhớ lại gương mặt khắc khổ, đôi chút lầm lì của bố Mạnh, hình ảnh ông đang cầm que hương giơ lên trước điện thờ có câu đối chữ nho còn in trong đầu tôi. Lần này ngôi nhà im ắng lạ, chờ một lúc, tôi đi vào cổng phụ bên cạnh, đến cuối nhà, gặp một chú bé, tôi hỏi nhỏ và biết “chú Mạnh suốt ngày trên gác”.
Tôi cẩn thận cúi lách trên cầu thang nhỏ hẹp, đầy mạng nhện. Gặp cánh cửa, tôi gõ đến hai lần.
– Linh đấy hả, cứ mở cửa vào!
– Trời! Gần hai chục năm mà chỉ với tiếng chân lên cầu thang, tiếng gõ cửa mà Mạnh lại nhận ra tôi. Mạnh nở nụ cười dễ mến như ngày nào và mời tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ, dường chưa có ai ngồi và không còn chắc, ở một bên tường, một số khung tranh xếp úp vào nhau, mạng nhện giăng đầy. Chúng tôi nói ít, nhưng phần nào cảm nhận được về nhau. Tôi được biết bố Mạnh mất trong trạng thái ngặt ngoèo, sau khi truyền xong nghề gia truyền làm văn hoá phẩm cho Mạnh. Ông mất đi, quầy văn hoá phẩm trước đền Ngọc Sơn không còn, hèn gì tôi có cảm giác trống vắng. Quầy văn hoá phẩm của gia đình Mạnh đã hiện hữu trong tôi từ thuở ấu thơ, hồi đó tôi cứ ngỡ nó ra đời cùng Hồ Gươm. Chỉ ở đó mới có loại nhãn vở ngôi nhà của cáo và thỏ con. Cạnh quầy có một khoảng đất trống, nơi chúng tôi nhiều lần chơi bóng. Học sinh qua lại quầy rất nhiều, không bao giờ ông để các em thất vọng bước ra.
Mạnh quyết định rồi “ồ”, mời tôi ra quán cà phê góc đường. Quán vắng, cà phê ở Hà Nội thật ngon, bà chủ chọn cà phê cũng thật khéo. Đã lâu rồi, một mùa thu Hà Nội lại lặn ngập trong tôi. Ngả ra ghế im lặng hồi lâu, tôi lên tiếng:
– Sau khi đi lính về, cậu có thi trường nào không?
– Tôi chuẩn bị khá kỹ và thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Nhưng lại không đi. Mạnh trả lời chậm chạp.
– Nghe nói cậu có quen một cô bạn?
– Hồi đi lính, nhưng thôi rồi. Để khẳng định thêm và chấm dứt đề tài này, Mạnh nói, không có gì cả, Linh ạ.
Tôi không thấy cái bệnh “bất ổn” ở Mạnh, nhưng điều tôi quan tâm thì Mạnh có vẻ thờ ơ. Ngược lại, Mạnh hỏi tôi lại đầy vẻ suy tư về gia đình, cuộc sống trong Nam và má tôi. Cảm động nhất là có lần Mạnh vào tận Đà Nẵng tìm tôi, nhưng không được.
Tôi chuyển hướng qua bạn bè, Mạnh không mấy tập trung, trả lời qua loa. Nhưng khi tôi vừa nói gặp Tùng, Mạnh bỗng thay đổi sắc mặt, như vừa bị ai quật cho một cái bất ngờ.
– Chắc nó nói với cậu, tôi bị tâm thần!
– Không! Ai cũng nhắc đến cậu.
– Không đúng!
– Đó là sự thật Mạnh à. Tôi khẳng định.
– Cậu nói sự thật nào? Sự thật… chỉ có sự thật…

*

Bố tôi đã nhận cái chết đau đớn kéo dài. Có một việc từ lâu lắm ông không giải quyết được, việc đó, khi có tuổi, ông thấy nó trở thành tội lỗi. Ông không nói được với ai kể cả tôi. Mạnh hít thật sâu rồi nói tiếp. Trước khi mất, ông đã dặn tôi “cần phải sống trong sạch, lỡ vấy, phải tẩy bằng được”. Muốn cầm vào nghề gia truyền và phát huy nó phải luôn nhớ lời ông. Khi tuổi cao, ông càng lầm bầm trước điện thờ nhiều hơn. Nhiều ngày, tôi đứng quầy thay ông, ông như nhập vào tôi, cả nỗi lo lắng và cách ứng xử. Nhiều người qua lại đã thốt lên về sự giống nhau này. Khi ông qua đời, tôi bỗng thấy cần phải làm trong sạch mình. Việc đầu tiên là nỗi ám ảnh trong nhiều năm qua cần phải được giải quyết. Đó là việc thằng Tùng nhờ tôi làm giấy tờ giả để chiếm đoạt một khu đất rộng, trong đó có một căn nhà nhỏ, tính ra giá trị khá lớn. Lúc đầu tôi không rõ, nghe Tùng nói là của ông bà nó trước đây. Xong việc, tôi có nhận ít tiền. Thời gian ở quân ngũ, tôi luôn có cảm giác mình đang trốn chạy, tôi đã vứt và hủy tất cả các dụng cụ làm giả. Nhưng việc đó cứ theo đuổi tôi. Số tiền ít ỏi đó tôi dùng vào việc chạy chữa cho ông, chỉ kéo dài chứ không khỏi. Sau đó tôi đã nghĩ, những đồng tiền kiểu này sẽ không chữa khỏi bệnh cho ai cả. Quả có lúc tinh thần tôi khủng hoảng. Tôi định kết cuộc đời với Hiền, nhưng không thành. Sự bất thường của tôi khiến Hiền khó hiểu, rồi chúng tôi chia tay. Khi được biết miếng đất và ngôi nhà đó không phải của ông bà Tùng trước đây, tình tiết khá vòng vèo, nhưng lúc đó là vô chủ, tôi đã hoảng loạn, mất hai tháng liền ở bệnh viện tâm thần. Ra viện, tôi quyết định làm đơn tự thú trước pháp luật. Để có thêm cơ sở, tôi đến chỗ Đình, buộc nó phải làm chứng, vì nó là người thứ ba biết việc này. Đình lập tức coi tôi là “đầu óc có vấn đề”, nói tôi có ý hại bạn bè. Câu cuối cùng tôi nhớ mãi: “Mày suy nghĩ dở hơi, bỏ ngay những ý tưởng điên rồ đó”. Trời! Chúng nó lạnh lùng từ khi nào vậy.
Công an gọi tôi lên, tôi trình bày tường tận. Hồ sơ đã quá lâu, nhập nhằng, Người theo dõi trước không còn làm việc ở đó, vả lại cái tài giả mạo đã hại tôi, chính tôi đã không phân biệt nổi đâu là giấy tờ, dấu do tôi làm. Trong khi Tùng quen biết khá rộng. Kết cục là câu trả lời: “Đơn của người tâm thần không có giá trị pháp lý”, còn Đình coi như không biết gì. Tùng vẫn đương nhiên là chủ sở hữu hợp pháp miếng đất và căn nhà đó. Bây giờ, nó đã trở thành một trung tâm điện tử khá đồ sộ.

*

Không khí lặng lẽ kéo dài, tôi chợt buột miệng:
– Tôi cũng khó tin đó là chuyện có thật!
– Cậu nói như pháp luật. Mạnh lạnh lùng.
– Về tình tôi cũng không ủng hộ việc làm của cậu. Tùng là thằng bạn tốt, nó sống hết lòng với bọn mình.
– Tình… cái tình đó đã nghiến nát một phần đời của tôi.
Câu nói đó đập quá mạnh vào tôi, khiến ký ức dội lại. Có lần tôi thu học phí của cả tổ, bỗng nhớ đến lá thư và địa chỉ của cậu tôi (anh ruột má tôi mới ở trong Nam ra, an dưỡng tại Hải Phòng), thế là ý kiến đi Hải Phòng – Đồ Sơn được cả băng ủng hộ. Tìm không được chỗ cậu tôi ở, cả băng tiêu sạch sẽ số tiền học phí, lại trễ học một ngày. Khi về, ngày nộp tiền cho cô chủ nhiệm cận kề, cả bọn hoảng lên. Mạnh đã ra tay kịp thời vào trận bóng quốc tế giữa Thể công – Sachio. Chúng tôi run run cầm xấp vé giả trên tay, mà giá trị mỗi tấm ngang một chiếc áo len. Với những chiếc vé pơluya xanh mỏng, đủ các con dấu nổi có, chìm có, chúng tôi chia lẻ ra, đứng tản xa sân Hàng Đẫy. Vậy mà vẫn bán hết sạch. Số tiền không những trả đủ cô giáo mà còn kha khá để sung quỹ băng. Nhưng việc đó lặn sâu trong quá khứ, nó là trò chơi mang tính phiêu lưu nhiều hơn, một trò tinh nghịch bất đắc dĩ, đầy phấp phỏng. Bán xong một chiếc vé, mặt chúng tôi tái không còn hạt máu. Tôi còn nhớ Tùng run lẩy bẩy, chạy thốc tháo và té như thế nào. Sau đó không còn lặp lại.
Nhớ lại chuyện trong quá khứ, tôi thản nhiên:
– Cứ tạm cho sự thể như vậy, nhưng Tùng đã tin cậu!
– Không phải! Đó là một kiểu ăn cướp mới, mà tôi đã trở thành phương tiện. Nó đã biến trò chơi thời nhỏ của bọn mình thành việc sinh lợi cho nó. Nó cần cái quá khứ có lợi, chứ không phải là một quá khứ mà chúng ta sống như ruột thịt. Người như nó sẽ nghiền nát những điều to lớn hơn nữa. Mạnh nói khá lớn tiếng và dứt khoát.
Tôi bàng hoàng, đã đến lúc không thể chấp nhận để Mạnh kết luận về Tùng như vậy, bởi tôi cũng có chính kiến của mình, chưa nói giữa tôi và Tùng còn biết bao kỷ niệm sâu nặng.
– Cậu cần nói lời cuối cùng về Tùng, chắc chắn sẽ khác nhiều so với những suy nghĩ cực đoan vừa rồi. Chính cậu đang quên đi quá khứ.
– Nếu vậy, chúng ta chia tay. Mạnh nói khá bình tĩnh và đứng lên.

*

Tôi tạm biệt Hà Nội lần ấy, thấy mình có lỗi hoặc không phải một việc gì đó, không tài nào xác định được. Tôi lặng lẽ ra tàu với tâm trạng nặng nề. Tiếng còi tàu hú lên, rồi cả đoàn tàu lao đi, tôi mới chợt giật mình – ta lại thêm một lần xa Hà Nội, xa Hồ Gươm. Nhìn qua lớp kính mờ cửa sổ, tôi thấy bố Mạnh, ông cầm xấp nhãn vở, tay vẫy và gọi tôi: “Cháu, cháu để quên ngôi nhà của cáo và thỏ con à?”. Bóng ông nhỏ dần rồi mất hút.

 

TRUYỆN CỦA NGƯỜI
(Truyện ngắn)

– Xin lỗi. Cho hỏi vợ chồng anh Mão có nhà không?
– Ở đây không có ai là Mão cả.
– Nhà này số 10?
– Vâng.
Người bị hẫng, nhìn xung quanh, không thấy gì thay đổi. Định ra cổng, thấy nhà gần đó mở. Người mạnh dạn tiến đến. Lúc sau, một bà già đi ra.
– Ai đấy?
– Cháu.
– Cậu hỏi gì?
– Cháu hỏi nhà anh Mão.
– Mão nào?
– Dạ. Ở số 10.
– À. Chết rồi, cô vợ đi nơi khác.
– Chết rồi?
– Ừ, gần năm. Lần sau cậu phải gõ cửa.
Cánh cửa đóng sập lại trước mặt Người. Người thấy lành lạnh. “Chết rồi”, tại sao? Vợ con nó đi đâu? Tiếng guốc xa dần, định thần lại, Người rảo bước đến cơ quan Mão.
– Anh gặp ai? Tiếng nói từ phòng thường trực vọng ra.
– Tôi xin được gặp… Người lắp bắp.
– Gặp ai? Giấy tờ anh đâu?
– Mão… Anh Mão.
– Mão nào?
– Mão làm việc ở tầng hai, phòng Kế hoạch.
– Không có ai ở tầng hai, đường lên đó đã đóng đinh, ở đây không có phòng Kế hoạch.
Người nhớ lại, mạnh dạn nói:
– Mão nghe nói đã chết.
– Lại thế nữa, không có người chết nào làm việc ở đây cả. Thật vớ vẩn.
Người tiếp tục đi, lục trí nhớ, chợt mỉm cười, tự tin, đến xí nghiệp của Mùi (vợ Mão).
– Cho tôi gặp đồng chí giám đốc.
– Hôm nay Giám đốc đi họp.
– Còn đồng chí Phó giám đốc?
– Mời anh vào, phòng đầu, tầng ba.
Người vừa đi lên cầu thang vừa nhẩm, đến tầng ba thở phào. Phòng phó giám đốc có khách, một lúc khách ra, Người bạo dạn bước vào.
– Chào anh.
– Chào đồng chí.
Phó giám đốc nhìn Người một chặp, băn khoăn, nên đưa tay cho Người nắm không. Người lên tiếng:
– Xin lỗi anh, tôi từ xa đến, muốn gặp chị Mùi.
– Chị Mùi nào? Phó giám đốc uể oải.
– Chị Mùi vợ anh Mão làm kế… (chuông điện thoại).
– Đây. Sửu đây. Được, cứ cho đánh bốn bản, gửi cả liên hiệp, à Mùi này, ông xã em tên gì nhỉ?
– Ô, thủ trưởng quan liêu quá. Bình… Bình bịch ấy mà, anh hỏi có việc không?
– À không.
Người hết phập phồng rồi lại cụt hứng, vẻ mặt bi quan.
– Không biết cơ quan ta có mấy Mùi?
– Được, giúp cậu lần nữa.
Cầm điện thoại, quay số, ông Sửu tỏ vẻ khó chịu.
– Dậu đấy hả, cơ quan ta có mấy Mùi?
– Thưa anh, chỉ có chị Mùi ở văn phòng.
– Chắc không?
– Sao lại không ạ, sổ lương em thuộc lòng, hay mang lên để anh kiểm tra?
– À thôi.
Người đề nghị:
– Anh hỏi giúp luôn có đúng chị Mùi mà chồng chết gần năm nay.
– Tôi có việc bận, muốn kỹ hơn, mời cậu xuống tầng hai, gặp tổ chức.
Người đi xuống tầng hai, dáng thất thểu.
– Cho tôi hỏi, đây có phải là phòng Tổ chức xí nghiệp?
– Đây là cơ quan Viện, đi đến cuối dãy, tòa nhà này gồm bốn cơ quan.
Đến phòng cuối, Người gõ cửa.
– Ai đó?
– Tôi.
– Tôi là ai?
– Tôi là Người.
– Ha… ha. Người cần gì?
– Tôi là bạn của chị Mùi.
– À, mời vào.
– Xin phép được hỏi anh.
– Được, cứ hỏi.
– Chị Mùi văn phòng có phải là vợ anh Mão chết cách đây gần năm không ạ?
– Ô, không phải. Còn cô Mùi cậu nhắc, thì sau khi cậu Mão chết, cô ta làm ít tháng rồi xin nghỉ, tôi đã ký cho cô ta nghỉ, nhận tiền một lần. Khó khăn quá, nuôi con không nổi, lại làm ca. Nghe đâu cô ta vào miền Nam, cuộc sống bình thường. Úi dào, nhiều bà nhà chồng chết đi coi là xong, như thoát nợ. Đấy, vụ tai nạn máy bay, có bà được hàng chục ngàn đô la, không biết mếu hay cười. À này, lúc nãy cậu trêu tôi hay cậu là Người thật?
– Dạ. Tôi là Người. Anh có biết địa chỉ?
– Cái đấy thì chịu.
– Xin hỏi thêm anh Mão chết vì lý do gì?
– À, ốm đau thì chết.
– Nhưng mới gần bốn mươi.
– Ừ thì còn trẻ, cơ quan có vòng hoa, cử người đi đám, chỉ thiếu thuê người khóc. Vào hòm là xong, giờ thì còn ai nhớ. Tôi làm tổ chức mới nhớ chút ít.
– Không biết anh ấy chết ở bệnh viện hay ở nhà?
– Ở bệnh viện… À không, ở nhà. Tôi nhớ là ở nhà. Nhưng ở đâu chả là chết rồi, bây giờ chắc chỉ còn nắm xương.
– Muốn biết địa chỉ chị Mùi thì hỏi ai anh nhỉ?
– Ở đây chắc không ai biết hơn tôi. Cả năm nay, cơ quan giảm 70%.
Người không kiềm chế nổi nóng, nói to:
– Khi sống biết bao nơi quản lý anh Mão, vậy mà muốn biết tại sao chết mà khó quá.
Ông Dậu cười thông cảm.
– Người ta chỉ quản lý người sống, chứ ai quản lý người chết. Hàng tỉ, hàng tỉ thành đất. Đến chủ tịch cũng chỉ đôi dòng cáo phó “đau tim đột xuất”, chứ ai đi tìm hiểu kỹ làm gì. Hay cậu hỏi lãnh đạo cơ quan cậu Mão.
Người lại đi đến cơ quan Mão, chuẩn bị tư thế, xem lại giấy tờ. Qua thường trực, Người đi vào phòng giám đốc, chào hỏi và nêu lý do.
– Anh với Mão quan hệ thế nào?
– Là bạn bè… Người ngập ngừng (định nói Mão còn giữ số hàng tương đương 2.000 đô la mà cậu em từ Đức gửi về qua Mão, có lá thư cậu em mang theo, để Người có tiền lập gia đình), Xin được hỏi, anh Mão chết thế nào?
– Trúng phong, trên bụng vợ.
– ?
– Anh nên đến chỗ chị Mùi, chắc chị ta biết rõ hơn.
– Chị Mùi đã nghỉ, không ai biết gì cả.
– Chúng tôi cũng chịu. Nhưng thế này, anh có thể đăng báo.
Đang bế tắc, Người cho đây là một ý kiến sáng suốt. Người hồi hộp trên đường đi tới tòa soạn.
– Cho tôi gặp lãnh đạo tòa soạn.
– Anh có việc gì, để tôi điện thoại?
– Tôi muốn đăng một tin nhỏ tìm người nhà.
– Mời anh đi thẳng vào Ban Bạn đọc, gặp đồng chí đeo kính.
Tại phòng Bạn đọc, Người thấy vững vàng.
– Tôi muốn nhắn tìm người quen cũ.
– Được, anh cho biết nội dung, cần ngắn gọn.
– Thế này anh Báo ạ: “Muốn tìm chị Mùi, vợ anh Mão (anh Mão đã mất gần một năm), hiện tôi ở độc thân tại số nhà 19… thành phố Đà Nẵng. Chi phí đi lại, ăn ở tôi chịu hết. Ký tên: Người”.
Về Đà Nẵng, Người chờ hồi âm. Trong thời gian này, có lần Người mơ đến đám cưới của mình, khi tỉnh dậy buồn rười rượi. Lại nhận được tin em trai lấy vợ bên Đức, nay thất nghiệp. Người thấy số hẩm hiu. Vào một đêm khuya, khi hy vọng sắp tắt, có tiếng gọi cửa.
– Có Người ở nhà không?
– Có tôi đây.
– Mùi đây.
Người bật dậy như lò xo, bật công tắc, mở cửa.
– Mời chị, chị là chị Mùi?
– Đúng tôi.
– Chị đã đọc lời nhắn tin trên báo?
– Có đọc.
Đêm đó, Mùi bò xuống sàn nhà ngủ với Người, mặc Người phản đối, Mùi cứ quặp chặt, tỏa hơi ấm lên khắp thân thể Người giữa đêm đông lạnh giá. Mùi cất tiếng nói thật trữ tình:
– Thật không uổng tôi phải “băng ngàn vượt suối” để tới đây. Thấy Người cô đơn mà thương. Lúc này đây, chỉ có chúng ta mới là có thật, mọi thứ trên đời đều là phù phiếm.
– Còn 2.000 đô la anh Mão cầm của tôi? Người thắc mắc.
– Xuống mồ mà đòi.
Người sởn gai ốc khắp mình, thiếp đi với đám cưới của mình, một đám cưới linh đình dưới mồ.

 

VIÊN ĐẠN LẠC
(Truyện ngắn)

Tôi cầm máy từ Bệnh viện Chợ Rẫy, gọi ra Hà Nội cho gia đình. Từ một gia đình thân thiết, ở cạnh gia đình tôi trong khu tập thể quân đội những năm chiến tranh ác liệt nhất. Ba Tú và ba tôi cùng tốt nghiệp sĩ quan đầu những năm 60, khi vào Nam chiến đấu, họ cùng chụp một bức ảnh lưu niệm rất đẹp ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm. Tấm hình đó luôn để trang trọng trong chiếc tủ búp phê, sau có ghi dòng chữ viết rất cẩn thận của ba tôi: K và mình trước khi đi Nam.
– Cháu, cháu cái gì. Tú đây! Tủn đây mà, Thu không nhận ra sao?
– Tú đấy à…
Tôi chưa kịp nói tiếp, Tú đã thông báo việc bác K chuẩn bị được phong hàm cấp tướng. Tú nói rất nhớ tôi và ba mẹ tôi, và nói luôn là bác K chuẩn bị tuần sau vào thành phố Hồ Chí Minh thăm ông bạn cố tri.
– Bác có khỏe không Thu, tình hình có gay go lắm không, nửa người vẫn liệt hả, cả nhà hay nhắc đến bác trai.
Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ qua máy và hầu như năm nào cũng gặp nhau. Nhưng nghe Tú hỏi, tôi rất xúc động. Tôi đã không chần chừ, báo ngay tin ba tôi mới mất.
Tôi sinh trước Tú hai tháng, có lẽ là con gái nên hồi đi học tôi lớn xác hơn Tú. Tú hơi thấp, béo nên tôi hay trêu “Tun”, mẹ Tú hồi đó cứ hay nhầm “Kìa! Chị Thu gọi con đi học kìa”. Ngoài giờ học, chúng tôi hay sang nhà nhau, chơi bài, chơi cờ quân sự, chơi chuyền, trốn tìm. Khi lên cấp 3, Tú càng hay sang chơi và khi chơi cờ cứ cố ý đan các ngón tay vào trong tay tôi, có lần tôi rụt về, có lần tôi cứ để như vậy. Khi gần gũi nhau hình như cả hai đứa đều đỏ mặt.
Tú rất tự hào về ba mình, nào oai phong lẫm liệt, đã từng ở chiến trường Lào 9 năm, nói tiếng Lào rất giỏi, chỉ huy nhiều trận đánh thắng lợi. Tôi cũng nghĩ như vậy, nhất là khi thấy Tú chơi cờ quân sự rất giỏi. Tôi đi quân thế nào đó mà tướng, tá cứ bị dẫm mìn hoài. Cứ trốn tìm, cờ quân sự là Tú hay thắng. Còn nhảy dây, chơi chuyền thì tôi hạ Tú nốc ao.
– Thu là con gái, chắc ít quan tâm đến chiến trường. Trận Mậu Thân đánh sân bay địch vừa rồi, hình như ba cậu cầm đầu mũi thu hút lưới lửa địch cho mũi quân ba mình thọc sâu để kéo thương binh ra. Khi đến bờ sông, ba mình phát hiện tiếng động, cùng đi với ba mình có mấy chú nữa, chú vác AK, chú vác B40, ba mình đeo khẩu K59… Đèn từ sân bay quét ra, ba mình thấy một tên Mỹ ôm một cái gì đó nhảy chúi xuống ruộng. Thế là ba mình liền “đọp, đọp, đọp” ba phát. Sau đó chú vác AK tiệm tiến bồi thêm ba báng súng rất mạnh vào đầu. Giết được tên Mỹ, còn cứu được một thương binh ở sát chân ruộng bên cạnh…
– Ba phát, ba báng súng mới giết được. Thu thật sự không hiểu.
– Ừ, nó mặc áo giáp chắc lắm. Sau trận đó hình như ba tớ được phong vượt cấp. Mẹ tớ mới nhận được thư mà. Tú tỏ vẻ nắm chắc.
Ba tôi sau trận Mậu Thân 68 ấy thì không có tin tức gì. Phải gần hai năm sau, mới biết ba được chuyển ra ngoài Bắc để chữa trị. Ba tôi bị liệt nửa người.
Sau giải phóng đáng lẽ gia đình tôi về quê, nhưng bác sĩ Thương, bạn ba tôi, trước đây là trạm xá trưởng ở tiền phương, sau đó là trưởng khoa một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, rất biết trường hợp bị thương của ba tôi, ông ấy khuyên gia đình nên chuyển vào thành phố, nhà cửa lúc đó thì dễ, cái chính là ông sẽ trực tiếp chăm sóc, điều trị.
Mẹ tôi đã quá vất vả và khổ sở, không nói ai cũng biết việc chăm sóc nuôi chồng trong tình trạng như vậy. Nhiều khi mẹ tôi cằn nhằn, ca thán “Sao ông không chịu ký đơn như anh Thương hướng dẫn để hưởng chính sách ưu đãi, người gì mà không biết đòi hỏi gì cả, ông không nghĩ đến ông thì xin cho mẹ con tôi cũng có sao đâu, ai thắc mắc nào!”… Những lúc ấy ba tôi chỉ nói “Có ai quên mình đâu, huân huy chương chống Pháp, chống Mỹ đủ cả… còn bao anh em có còn sống đâu mà nhận”.
Sự xuất hiện của Tú trong lúc liệm ba tôi khiến mẹ tôi rất cảm kích. Cả nhà tôi có lẽ ai cũng yêu quý Tú, kể cả ba tôi dù rất ít dịp tiếp xúc, trừ lúc Tú còn nhỏ, mẹ tôi và tôi hay nói chuyện cho ba về gia đình và từng người nhà Tú. Ba tôi biết Tú là cậu bạn trai ngoan giỏi, hiếu thảo, biết quan tâm mọi người, nhất là quan hệ giữa tôi và Tú, ông biết nên tỏ ra ủng hộ.
Tú mang thông điệp từ Hà Nội vào, nói ba mẹ Tú sẽ vào sau, mẹ tôi thì nức nở và cũng nói thực tình trạng kinh tế hiện nay của gia đình, tiền dành dụm được bao nhiêu đều dồn hết vào chữa trị cho ba tôi, nay muốn có đất chôn phải có 3 triệu, tiền chưa đủ nên phải để số hộ khẩu thế chỗ. Tú liền lo tất cả và lấy sổ hộ khẩu về cho gia đình tôi.
Việc chôn cất ba tôi diễn ra hết sức cảm động, nhiều người rơi nước mắt khi ông trưởng ban tang lễ đọc bài điếu. Hầu hết những người dự lễ tang đều theo xe tang ra tận nghĩa trang.
Sau đám tang, không rõ tại sao bác sĩ Thương lại vội vã đến ngay, ông đã hỏi nhỏ mẹ tôi:
– Anh có trối trăng gì không chị?
– Trong túi ông có đúng 20.000 đồng, ông có tiêu gì đến tiền đâu. Ông chỉ nắm tay mẹ con tôi và ứa nước mắt. Trước đó ông cứ nhắc đi nhắc lại là đốt bộ hồ sơ bệnh tật của ông để ở tủ con riêng mà chìa khóa ông luôn giắt trong người. Ông đã đưa chìa khóa cho tôi. Nói trộm vía, tôi lên cất và nói là đã đốt rồi. Khuya hôm đó tôi có xem qua hồ sơ, có một tờ giấy đã cũ, mực đã mờ lắm, ở trạm xá tiền phương đã xác định một viên đạn K59 đã làm vỡ đốt cột sống, cùng đó là mấy con số gì đó…
– À vâng! Số hiệu của viên đạn, để sau này có thể xác định rõ hơn. Chính tôi là người lập hồ sơ bệnh án để chuyển đi.
– Có cần lắm không?
Suy nghĩ hồi lâu, trán bác sĩ Thương vã mồ hôi…
– Cháu Tú và cháu Thu nhà ta thật đẹp đôi phải không? Bác sĩ vừa nói, vừa nhìn vào góc nhà nơi chúng tôi đang thu xếp đồ đạc. Bây giờ anh ấy đã đi rồi, bộ hồ sơ bệnh tật không cần nữa. Chị có thể hủy.

 

VĨNH BIỆT CÂY VÔNG ĐỒNG

Tôi và Hạnh làm việc tại cơ quan nghiên cứu ở thành phố này. Chúng tôi cùng học một trường, về đây một đợt. Nhà tôi ở một xóm nhỏ ven biển, cuối một con hẻm nhỏ và ngoằn ngoèo, xe máy cũng khó đi vào, đôi khi thèm tiếng động cho sinh hoạt bớt trầm. Chẳng lẽ để loài côn trùng độc quyền mãi vào ban đêm!
Không bù cho Hạnh, gia đình cậu ta lại ở trong xóm phố trung tâm, tuy nhỏ nhưng lại lọt giữa chợ trời. Ban ngày hàng quán nhan nhản, nơi tụ tập của dân anh chị, giới doanh thương. Bên trong các quán cà phê thường xuất hiện những sếp lớn, sếp nhỏ, các sĩ quan mặc quân phục tử tế, những nhà thầu quen thuộc, ông bầu các ban nhạc… Ban đêm thì ăn nhậu ồn ào từ trong các quán tràn lan ra vỉa hè, xen lẫn hoạt động của các dịch vụ giải trí. Cái phức tạp bên ngoài ấy dội vào khiến sinh hoạt ở các căn hộ tự nó đã căng thẳng lại thêm phần bực bội, khó chịu. Đi làm cả ngày về, nhiều khi không muốn bước vào nhà. Nhiều căn hộ như cất giữ bom nổ chậm bên trong, có thể nổ bất cứ lúc nào. Đám đông tụ tập là chuyện thường nhật: Ông A đánh bà B, con đánh bố, cháu cầm dao rượt chú, vợ chồng đuổi nhau trên các nóc nhà như tài tử điện ảnh. Riêng dân nhậu xị đế thì càng về khuya càng hăng, tiếng chai, ly loảng xoảng mặt đường, la hét gầm vang, nhiều khi giải quyết xung đột bằng dao chặt đá. Đường đã chật, nhưng không hiểu nguyên do nào mà nhiều xe máy cứ đến xóm phố đó lại rú lên, đặc biệt giữa đêm khuya tiếng rú ga càng lớn…
– Nào đã nói hết những tích tuồng ở đây! Hạnh nói vào buổi tối tôi đến chào Hạnh để đi công tác huyện.
– Cậu sống ở đây đến 15 năm rồi? Tôi hỏi sau khi tính nhẩm trong đầu.
– Đến rồi, cũng may có cái gác xép lụp xụp để mẹ con nó nghỉ ngơi, tôi còn có chỗ rúc đầu làm việc.
Một ông khách đường bệ bước vào, câu chuyện chúng tôi tạm ngừng. Nhà Hạnh chật, nên phải lau chùi luôn, giày dép phải để ngoài. Có lẽ ông khách không để ý, thửa luôn đôi giày vào nhà và nhìn Hạnh hỏi liền:
– Nhà tôi có gửi khóa bên anh không?
Sau khi nhận khóa, ông hơi gật đầu và đi ra, đôi giày của ông thật sạch sẽ, nền nhà không có vết bẩn nào.
– Ai vậy? Tôi hỏi.
– Hàng xóm, mới mua nhà bên cạnh tôi cách đây một năm. Thỉnh thoảng mới về, đi suốt, nghe nói là giám đốc của cơ quan nào đó. Đấy là căn nhà thứ ba, bà vợ thường trực ở đây không rõ có phải bà đầu không!
Nhìn cái bụng, cặp má phúng phính của ông ta, tôi nhớ lại câu nói của chị bán thuốc lá truớc cửa cơ quan “Nhìn là biết sếp”.
– Nhà ba tầng bên cạnh ấy à? Tôi ngạc nhiên.
– Ừ, mới làm, bà vợ ông ta đã nói sẽ mở một công ty riêng tại đây, bà ta đứng tên giám đốc.
Cuộc nói chuyện lại bị cắt ngang, khi một người ngồi bệt xuống cửa nhà Hạnh. Người đó quay đầu nhìn tôi cười và chào. Nét mặt bụi bặm, tự tin của người đó tôi thấy quen quen.
– Anh Hạnh hôm nay có khách nên đóng cửa muộn nhỉ? Người đó lên tiếng.
– Sin đấy à, vào nhà chơi, ai lại ngồi ở cửa. Hạnh vui vẻ nói.
– Nhà sạch chán, ngồi đây cho mát. Có việc muốn nói riêng với anh. Giọng Sin uể oải.
– Đây là anh Vinh, bạn thân của mình, Sin đừng khách sáo.
– Tôi mà khách sáo. Có người muốn chặt cây vông đồng trước cửa nhà anh!
– Sao! Sin đùa đấy à? Hạnh thốt lên.
– Không đùa đâu, đây là lần thứ ba họ thuê tôi, hai lần trước tôi tiêu béng hết tiền. Hôm nay họ lại đưa tiền. Nhưng tôi không làm điều đó, tôi hiểu vợ chồng anh hơn ai hết ở đây. Cái cây này gắn bó với gia đình anh thế nào. Con tôi, con anh vẫn chơi nhảy dây dưới gốc cây. Tôi đã thấy cháu nhà anh rưng rưng nước mắt khi một cành cây bị gãy. Cái cây này như một thành viên trong gia đình anh vậy.
– Chẳng lẽ có ai muốn chặt cây! Để làm gì? Hạnh thắc mắc.
– Điều này tôi không thể nói ra được. Nói xong, Sin đứng dậy chào chúng tôi.
Sau khi Sin đi khỏi, tôi mới hỏi Hạnh:
– Người đó là ai vậy?
– Đó là Sin, sống rất gắn bó với khu phố này, dân anh chị đấy. Không có Sin khu phố này còn khốn khổ nhiều. Tự tay Sin dẹp yên khá nhiều vụ. Các gia đình ở đây quý mến Sin. Sin cứ lang bang, làm tất cả mọi việc khi có người cần. Sin có vợ và ba đứa con.
Hạnh nói đến đây, tôi bỗng nhớ ra.
– Có phải Sin là người mà cách đây khá lâu, vợ anh lấy cồn rửa vết thưong do dao chém. Và băng bó lại đúng lúc tôi đến nhà anh không!
– Đúng rồi, Hạnh khẳng định.
– Vậy tại sao Sin nhận tiền chặt cây? Tôi hỏi.
– Sin đã nói vậy, thì sẽ không chặt. Sin luôn cần tiền, nhất là lúc này hai đứa con đều bị sốt xuất huyết. Ngủ có treo mùng bao giờ đâu.
Đã quá khuya, tôi xin phép Hạnh về nhà, để lo sáng mai đi huyện sớm. Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ: Nếu điều ấy xảy ra, nhà Hạnh chếch hướng tây, thiếu bóng cây đó thì gay go.
Sau đúng một tuần, đi huyện về, tôi tới lại nhà Hạnh, mang theo ít quà cho cháu. Đến xóm phố đó tôi tưởng mình lạc. Nhìn cả dãy nhà tôi đâm nghi ngờ trí nhớ của mình. Nhiều căn có cửa sắt kéo giống nhau. Chỉ khi phát hiện ra ngôi nhà ba tầng sừng sững với tấm bảng hiệu Công ty Thịnh Vượng Ltd, tôi mới xác định đó là nhà ông sếp đường bệ nọ. Dắt xe đến nhà bên cạnh, tôi gọi cửa. Không ai trả lời. Tôi đập cửa, chờ một lúc con gái của Hạnh từ trên gác đi xuống.
– Ba cháu không có nhà, mẹ cháu đến nhà ông tổ trưởng an ninh. Cháu nhìn tôi qua khe cửa, mếu máo.
– Cây vông đồng đâu rồi? Tôi hỏi cháu.
Con bé òa khóc, không trả lời.
– Ai chặt, cháu biết không? Tôi gặng hỏi.
– Không! Cả nhà cháu ngủ trên gác xép không biết, họ chặt xong từ đêm qua, chỗ xi măng trám ấy. Cháu vừa nói vừa chỉ tay qua khe cửa.
Tôi đưa quà cho cháu, dắt xe ra định đi tìm Hạnh. Từ nhà ba tầng, Sin bước ra với bộ trang phục mới, thấy tôi Sin chào và thái độ đã mất vẻ tự tin, nói ngắt khúc:
– Chào anh Vinh! Tôi bất lực. Bây giờ tôi là nhân viên của Công ty Thịnh Vượng… Tôi không chặt! Không bao giờ chặt! Nói đến đây Sin quay đi.
Khi Sin bị chém, tôi không hề thấy Sin mất bình tĩnh, lúc này Sin lại có vẻ xúc động. Tôi bước lên xe, đạp ngang qua Công ty Thịnh Vượng, Sin chạy theo nói trong hơi thở.
– Cây vông đồng linh lắm, ai chặt người đó sẽ gặp rủi ro!
Không trả lời Sin, tôi tiếp tục đạp xe. Qua khỏi khu chợ trời, tôi lại nghĩ: Có lẽ vì tấm bảng Thịnh Vượng mà phải đốn đi cây vông đồng rợp mát, xum xuê. Hay vì cần có đường để xe ô tô lên? Đi một đoạn nữa, xa thêm nhà Hạnh, tôi chậc lưỡi: – Biết làm sao, đây là khu chợ trời, Thịnh Vượng là cần thiết, còn cái cây vông đồng xanh mát, thôi Hạnh ơi phải chia tay với nó thôi!

 

KAZIK – NGƯỜI BẠN LỚN

Chúng tôi quen Kazik vào thời gian đầu khi Nhà xuất bản Đà Nẵng mới thành lập, thời kỳ đó ông cũng mới đến Đà Nẵng công tác – 1985. Với Kazik, có thể bất kỳ người Việt Nam nào đều có thể gần gũi với ông, dù giao tiếp ngôn ngữ ở mức độ nào. Đơn giản là ông luôn cố gắng hiểu thấu đáo con người và vùng đất ông đến, đặc biệt Việt Nam – với những di thắng nổi tiếng, lâu đời còn nhiều bí ẩn đối với ông – những tháp Chàm, cố đô Huế, Hội An… đã nằm sâu trong trái tim ông từ lúc nào đó, tôi không rõ, song ông rất yêu, yêu như chính quê hương ông vậy.
Nhà văn Thái Bá Lợi thời kỳ đó gắn với ông như “bồ bịch”, chỉ đôi ba tiếng qua lại mà mức độ cảm thông thật sâu sắc. Giữa chúng tôi có những người bạn: anh Bảo người đi xe đạp xuyên Việt, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, và sau này là Nguyễn Xuân Lâm.
Từ những mối quan hệ như vậy, ông đã nhận lời với anh Nguyễn Văn Giai (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng) sẽ thiết kế kiến trúc trụ sở làm việc của Nhà xuất bản Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. Cùng sự cộng tác của Vinh, Kazik đã hoàn chỉnh thiết kế kiến trúc của mình chỉ trong vòng một tuần. Có thể nói: ông là người sâu sắc và tinh tế thể hiện trong từng chi tiết, ý tưởng tạo dáng bố cục thật độc đáo. Bản vẽ của ông khiến nhiều người đồng nghiệp thật sửng sốt với lối kiến trúc Đông Tây hài hòa, nhà cao tầng lại thoáng nhẹ, phần trên như khiến ta nhớ tới nhà Rông ở Tây Nguyên, lại tận dụng triệt để những lợi thế, khoảng hở và không gian, khí hậu, gió, che nắng, cây cối… Toàn khối nhà là quyển sách mở ra từ bờ sông Hàn – ý tưởng thật không chê vào đâu được. Trong cuộc họp xét chọn dự án, thì phương án của ông đã được chọn trong gần mười phương án tham gia thi, Ban xây dựng cơ bản tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (hồi đó ông Lê Lập trưởng ban, ông Hồng Quang Lâm phó ban) đã chính thức đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh (ông Phạm Đức Nam) phê chuẩn.
Hồi đó tôi nhớ đã có câu hỏi đặt ra với ông: “Liệu một tòa nhà như vậy dù đẹp có phá vỡ kiến trúc của cả con đường?”. Ông đã trả lời ngay bằng những con đường lượn chữ chi, những nét vẽ sắc sảo về kiến trúc nhà lâu dài trên con đường Quang Trung. Mọi người đã nhận ra ngay con mắt tổng thể của kiến trúc sư Kazik – một bậc thầy trong nghề. Tất nhiên không phải những ý tưởng tuyệt vời nào cũng được đưa ra thực thi.
Ông ở Đà Nẵng lâu, từ Ba Lan qua lại nhiều lần, tôi được tiếp xúc với ông cũng nhiều, căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh hồi ấy của gia đình tôi cũng đã mở cửa đón tiếp ông đôi ba lần, ông rất thích trẻ con. Lúc bảy tám người, khi ba bốn người, đôi khi ngồi suốt từ chiều đến tối “nhậu lai rai”, ông cầm đũa rất thạo và thích ăn vịt lộn, tré. Nhiều nhận định suy nghĩ của ông về kiến trúc cổ phương Đông khiến chúng tôi kinh ngạc: nào là yếu tố kết dính giữa các lớp gạch tháp Mỹ Sơn, sự khác biệt giữa kiến trúc Hội An và Trung Hoa, vấn đề tâm linh trong kiến trúc, di chỉ khác ở vùng Đông Nam Á.
Chúng tôi đã gặp ở ông những kiến thức về dân tộc học. Với Mỹ Sơn, khát khao “chinh phục” của ông luôn rõ ràng, ông thường xuyên đánh trần trên những đống đổ nát quá khứ, dưới trời nắng chang chang. Còn đối với Hội An, một tình yêu thật nồng say, dịu dàng, ông coi Hội An như một cô gái đẹp thật hoàn mỹ. Suốt cả Tết Nguyên đán năm 1986, ông luôn ngắm như với người tình Hội An, ông say sưa với nhịp thở của người tình. Râu tóc mọc dài lởm chởm ông cứ để vậy, trong đêm giao thừa, ông uống liền 5 ly rượu.
ZA TWOJE ZDROWIEITWOJA
PIEKNOSC WYPIJE 5 WODEK
Ông đã viết như vậy sau tấm bưu ảnh, mà tôi còn giữ để chúc sức khỏe và sắc đẹp của Người tình – Hội An.
Do một sự ngẫu nhiên khi sắp xếp lại tủ gương, một cái chai đẹp trong tủ bị bể, tôi cầm những mảnh vỡ mà nhoi nhói, tiếc nuối – đó là chai rượu Vodka nhỏ xinh mà Kazik mang từ Ba Lan qua, ông đi cùng họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đến nhà tôi tặng. Đây là món quà thật cảm động mà tôi không bao giờ quên, chính thế khi uống, chúng tôi dành lại một phần chai quyết không uống cạn.
Một thời gian sau, nghe điện thoại của nhà văn Thái Bá Lợi rằng ông qua đời tại Huế, chúng tôi đã đi ngay ra Huế. Đứng trước vong linh ông, nhưng thật khó tin là ông đã chia tay vĩnh viễn. Bởi biết bao công việc còn ngổn ngang đón chờ ông, những công việc chỉ có ông mới yêu, mới hiểu, mới gắn bó như vậy. Bởi biết bao người còn duyên nợ, biết bao tình cảm chưa được tỏ bày cùng ông…
Vĩnh biệt ông – KAZIMIERZ KWIATKOWSKI, người bạn lớn của chúng tôi.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây