Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội

Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022)

Cả cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cho nhân dân, cho đất nước. Đặc biệt là Hà Nội, với vị thế là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, bởi theo Người: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”…

Chu tich Ho Chi Minh voi Thu do Ha Noi min - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà NộiChủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội, ngày 16-10-1954. Ảnh: Tư liệu.

1. Ngày 2-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân. Hà Nội tưng bừng sắc đỏ. Gần 50 vạn người vui mừng kéo tới Quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử trọng đại. 14h, Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để quốc tế công nhận nền độc lập của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu việc cải tổ Chính phủ lâm thời, đồng thời tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, lập ra một chính phủ chính thức. Trong quá trình chuẩn bị bầu cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ lời với đồng bào Hà Nội: “… Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội…”. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức trên cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử đại biểu Quốc hội với 98,4% số phiếu bầu.

Để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt. Ngày 6-3-1946, lễ ký Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt được tổ chức tại Hà Nội. Hiệp định chưa ráo mực, thực dân Pháp đã đòi ta nộp vũ khí, đánh úp quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc tiến nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện của Pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng. Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách thượng khách. Trước khi đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá: “… Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân…”.

Chiều 21-10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ga Hàng Cỏ. Hàng vạn nhân dân Hà Nội đã tập trung tại đây hân hoan đón Người. Sau khi nói chuyện với toàn thể đồng bào và bộ đội, Người lên xe về Bắc Bộ Phủ giữa tiếng hò reo và cờ hoa của đồng bào Thủ đô. Tuy đã ký Tạm ước, nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp vẫn liên tiếp gây ra nhiều vụ xung đột để tạo cớ phát động chiến tranh. Tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” – áng hùng văn lịch sử. 20h03 phút đêm 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

2. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về Thủ đô. Người quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên về chính trị – tư tưởng, đạo đức – lối sống để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Người kêu gọi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể! Tôi xin chúc toàn thể đồng bào Hà Nội đoàn kết, phấn đấu và thắng lợi. Tôi riêng chúc các cụ phụ lão sống lâu và mạnh khỏe để đôn đốc con cháu tiến tới”. Người căn dặn: “… Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, và nhấn mạnh: “… Nói chung, Hà Nội là Thủ đô của cả nước ta. Nói riêng, Hà Nội là thành phố của tất cả những người dân Hà Nội. Nói tóm lại: mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta”.

Ngày 16-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật tiếp đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô đến chào mừng. Trong không khí vui mừng cảm động, Người nói: “… Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển Thủ đô với mục đích: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Tuy lúc đó còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Ngày 29-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Người nêu rõ: “Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí…”. Ngày 12-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Người nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp. Ngày 16-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành. Người căn dặn, trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện…), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh – nhiều – tốt – rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên.

Từ năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Để chi viện có hiệu quả cho miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời lãnh đạo chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, tăng cường lực lượng quốc phòng, chăm lo công tác giáo dục, văn hóa, giải quyết khó khăn của nhân dân cho phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung, cũng như Đảng bộ, nhân dân Hà Nội nói riêng vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người để đưa sự nghiệp cách mạng mà Người để lại vươn tới những tầm cao mới, thực hiện mong muốn cuối cùng của Người là “đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Th.S Nguyễn Văn Dương

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây