‘Chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa’

'Chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa'
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

VSD – TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định: ‘Lịch sử đã chứng minh chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa’.

Ngày 28/8/1945, chỉ sau ít ngày khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập nội các quốc gia với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa – Thông tin (và nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ đó, ngày 28/8 trở thành ngày khai sinh của Ngành Văn hóa Thông tin Việt Nam, ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin cách mạng.

Chinh phu Viet Nam dan chu cong hoa lam thoi min - 'Chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa'Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lâm thời (Ảnh tư liệu)

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục); Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, sự ra đời của ngành văn hóa là rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó thể hiện sự quan tâm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với văn hóa và cũng thể hiện yêu cầu, nhu cầu của cách mạng lúc bấy giờ.

“Không phải đơn giản mà Bác Hồ đặt vấn đề ‘Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến’ và cũng không phải đơn giản mà Bác nói ‘Văn hóa soi đường cho quốc dân đi’, TS. Nguyễn Viết Chức nói và nhấn mạnh, văn hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vị trí, vai trò là một bộ phận cấu thành của cuộc cách mạng, vì nếu không có văn hóa thì cách mạng không thể thành công được. Lịch sử đã chứng minh chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa.

“Những nếp sống, quan điểm từ xa xưa của cha ông, lòng yêu nước của người dân Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn, trở thành những nền tảng của văn hóa… Và suy cho cùng toàn bộ công cuộc giữ nước và dựng nước của đất nước từ thời cha ông đến bây giờ thành công là bởi vì có văn hóa.

Đến McNamara “kiến trúc sư trưởng” của chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng phải khẳng định Mỹ thua Việt Nam là vì không hiểu văn hóa Việt Nam. Điều đó càng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, ngày nay muốn phát triển bền vững, muốn đạt được khát vọng lớn thì dứt khoát phải coi trọng văn hóa. Bởi thế kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa thúc đẩy chúng ta ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn văn hóa và đồng thời phát huy văn hóa để xây dựng con người, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Viết Chức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngay từ ngày đầu thành lập ngành văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, tức là văn hóa đưa lại những giá trị tốt đẹp, đưa lại những nhận thức đúng đắn để từ đó chúng ta có được sức mạnh. Sức mạnh này có thể đến từ tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết hay là những giá trị khác được kết tinh trong truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời chúng ta kế thừa những giá trị mới của thời đại để từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

“Từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn hóa đã thực hiện rất tốt sứ mệnh của văn hóa cách mạng khi các tác phẩm văn hóa nghệ thuật đã truyền cảm hứng, tạo ra tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết để từ đó chúng ta vượt qua được rất nhiều khó khăn trong kháng chiến và cả những giai đoạn khó khăn trong kinh tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS TS Bui Hoai Son Uy vien Thuong truc Uy ban Van hoa Giao duc cua Quoc hoi min - 'Chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa'PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế của chúng ta phát triển, văn hóa lại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là những mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động tiêu cực từ sự phát triển của truyền thông đại chúng trong đó có mạng xã hội, hay mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế. Nếu không có bản lĩnh văn hóa, chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó chính là lý do tại sao phải nhấn mạnh thông điệp văn hóa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, văn hóa là sự điều tiết cho sự phát triển của đất nước.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa vì có phát triển kinh tế, xét cho cùng kinh tế cũng chỉ là phương tiện để tạo ra sự phát triển văn hóa, con người. Và khi đã xác định phát triển văn hóa, con người là mục tiêu ở những năm sắp tới thì phải tập trung nhiều hơn nữa cho sự phát triển này.

“Thực tế trong những năm vừa qua chúng ta cũng đã tập trung rất nhiều đến lĩnh vực văn hóa mà đỉnh cao có thể kể đến là việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Trong Hội nghị, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của đất nước, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Chính những điều đó giúp cho chúng ta một lần nữa ý thức sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Tu tuong cua Chu tich Ho Chi Minh Nen van hoa cua nuoc nha lay hanh phuc cua dong bao cua dan toc lam co so min - 'Chúng ta giữ nước được, xây dựng đất nước được là bởi vì chúng ta có văn hóa'Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở (Ảnh tư liệu)

Để phát triển văn hóa trong bối cảnh đất nước hiện nay, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta còn phải làm rất nhiều điều. Trong đó, việc đầu tiên là phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam để từ đó định hướng sự phát triển văn hóa được đúng hướng, đúng đích. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, chúng ta rất dễ bị lãng tâm bởi những xao động, bởi tốc độ rất nhanh trong phát triển của kinh tế xã hội, nếu không bình tĩnh lại, không có định hướng thì rất dễ chệch hướng và khó để chúng ta có sự phát triển bền vững.

Tiếp đó, cần xây dựng môi trường văn hóa tích cực để phát triển cá nhân, phát triển con người, phát triển gia đình và phát triển xã hội. Nếu có một môi trường tốt thì sẽ dễ dàng tạo ra được điều tích cực, sự hỗ trợ cho sự phát triển của con người và ngược lại.

Tiếp theo nữa là phải xây dựng và phát triển nền tảng các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Xét cho cùng muốn định hướng sự phát triển con người là phải thông qua những sản phẩm văn hóa cụ thể, các dịch vụ văn hóa cụ thể như các bộ phim, những bài hát, những câu chuyện hay là những tác phẩm sân khấu.

“Đó là những sản phẩm tác động trực tiếp lên mỗi người. Thông qua việc xem phim, nghe nhạc chúng ta thêm yêu đất nước, có thêm tình cảm gắn bó đoàn kết, chúng ta thấu hiểu những giá trị, truyền cảm hứng cho người khác, làm những việc tốt trong xã hội, những điều hướng đến giá trị chân thiện mỹ trong xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quân tâm đến câu chuyện đạo đức trong xã hội. Phải có những tấm gương tốt, tấm gương truyền cảm hứng để truyền đi những điều tích cực tốt đẹp, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền cần phải làm tốt hơn, phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ quy tắc đạo đức, quy tắc ứng xử để từ đó tạo ra một hành lang pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ để chúng ta xây dựng con người và xây dựng văn hóa Việt Nam trong những năm sắp tới./.

Xuân Trường

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây