Xuân Diệu : Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù – Nhà văn Vu Gia

Nhà văn Vu Gia

XUÂN DIỆU

CHÚNG TA NAY TRONG CUỘC THẾ AO TÙ

Nhà văn Vu Gia

Theo tổng kết của các nhà nghiên cứu, sưu tầm sau này, thì sinh thời, Xuân Diệu được xuất bản 15 tập thơ: 1- Thơ thơ (1938), 2Gửi hương cho gió (1945), 3Ngọn quốc kỳ (1945), 4Hội nghị non sông (1946), 5Dưới sao vàng (1949), 6Sáng (1953), 7Mẹ con (1954), 8Ngôi sao (1955), 9Riêng chung (1960), 10Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), 11Một khối hồng (1964), 12Hai đợt sóng (1967), 13Tôi giàu đôi mắt (1970), 14Hồn tôi đôi cánh (1976), 15Thanh ca (1982).

Sau ngày Xuân Diệu qua đời, một số người cho biết ông còn mấy trăm bài thơ tình chưa in báo, chưa in sách. Cụ thể, Huy Cận thông tin: “khi ra đi anh để lại cho chúng ta ngót 400 bài thơ tình chưa đăng báo, chưa xuất bản, 400 bài còn trinh” [72, 232]. Ngô Văn Phú viết: “Di sản thơ tình của ông lên tới 450 bài” [119, 248]. Mã Giang Lân cho hay: “Chỉ tính riêng sau Cách mạng, thơ tình của ông đã có đến năm trăm bài” [109, 119]. Theo Hà Minh Đức thì Xuân Diệu “viết thơ tình với một khiếu năng và tài năng đặc biệt. Khác với một số nhà thơ viết thơ tình bằng chính cuộc đời riêng của mình, Xuân Diệu viết thơ tình cho mình, nhưng đúng hơn là cho tuổi trẻ và cho cuộc đời. 522 bài thơ đã viết và đã in được 428 bài thơ tình, con số khổng lồ ấy đã nói lên bao xúc động trong trái tim yêu đương của Xuân Diệu” [51, 108-109] … Với số liệu Hà Minh Đức cung cấp cho bạn đọc, thì thơ tình của Xuân Diệu còn 94 bài chưa in. Trước đó, Hà Minh Đức thông báo con số hoành tráng hơn: “Sáu bảy trăm bài thơ tình, con số khổng lồ ấy đã nói lên bao xúc động trong trái tim yêu đương của Xuân Diệu” [276, 133]. Tin ai? Không biết! Số thơ tình của Xuân Diệu chưa in còn được mấy bài? Không biết! Tôi chỉ biết qua thực tế 15 tập thơ của Xuân Diệu, ngoài 2 trường ca Ngọn quốc kỳHội nghị non sông, Xuân Diệu được in vào sách cả thảy 547 bài thơ (tính chi li thì 550 bài, vì Thơ bát cú là chùm thơ có 4 bài, viết vào 4 thời điểm khác nhau, được đánh số từ 1 đến 4). Toàn tập Xuân Diệu không có in những di cảo thơ tình của ông, nên tôi cũng không biết thực hư ra sao. Có những bài nổi tiếng được nhiều người nhắc đến đã được đưa vào Tuyển tập, như Thơ duyên, Hoa đêm, Hy Mã Lạp Sơn,… tôi cũng không thấy trong “Toàn tập”.

Thật lòng mà nói, thơ Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám đã để lại ấn tượng mạnh trong lớp trẻ chúng tôi. Và như đã nói, bản thân tôi và bạn bè hầu như không mấy ai thuộc trọn vẹn thơ Xuân Diệu, dù một vài bài, mà chỉ thuộc một số câu mình thích. Những người thật sự yêu văn chương, và khi vào bậc trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông ngày nay) chọn học ban C (ban Văn chương), thì mới quan tâm nhiều, hiểu nhiều về thơ văn của một thời. Phần lớn chúng tôi biết hoặc biết thêm được một số câu thơ hay của Xuân Diệu và của một số nhà thơ mới cùng thời với Xuân Diệu cũng từ những người này. Từ những câu thơ góp nhặt ấy, ai nấy đều thấy thơ Xuân Diệu hay, thơ Xuân Diệu đã nói giúp mình rất nhiều điều… Khi trái tim đủ lớn và có điều kiện đọc trọn vẹn hai tập Thơ thơGửi hương cho gió, tôi thấy những câu thơ mà chúng tôi đã thuộc, đã biết ứng dụng phù hợp vào những lúc “nghe tim mình loạn nhịp” là đủ lắm rồi, bởi có nhiều câu thơ, nhiều bài thơ không cần thiết phải nhớ.

Trong những ngày tập hợp tư liệu để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu, tôi đọc lại Thơ thơGửi hương cho gió, mới thấy 97 bài thơ trong hai tập này không phải bài nào cũng hay, thậm chí có bài dở, chứ không phải chỉ có “bài hay xen lẫn với bài vừa” như nhà thơ Hồ Chí Minh nhận xét tập thơ sau này của Huy Cận.

Những ý kiến chê tập Thơ thơ của Xuân Diệu trước 1945 phần lớn tập trung vào những thứ tưởng như “lai căng”, “Tây hóa”, “ngô nghê”… mà tôi đã trích dẫn ở chương trước, còn những ý kiến chê cụ thể câu thơ nào, bài thơ nào trên mặt báo, thì thú thật rất khó tìm cho đầy đủ. Sau khi tập Thơ thơ ra mắt bạn đọc không lâu, Trần Thanh Mại viết: “Điều đáng trách ở Xuân Diệu là tính bất thuần nhất của ông. Trong quyển Thơ thơ có chỗ có những câu thật tài tình, thật điêu luyện, nâng cao vì một âm điệu chắc chắn hồn nhiên, nhưng lại có chỗ ở đó người ta thấy rõ ràng sự cẩu thả của tác giả, sự vội vàng và sự dễ dãi” [212, 205]. Trần Thanh Mại dẫn những câu thơ hay trong tập Thơ thơ, rồi viết tiếp: “Và những bài hoàn toàn, tràn ngập một niềm cảm hứng cao siêu tinh túy như bài Cảm xúc, khêu gợi như bài Sắt tha thiết, say sưa như bài Phải nói, du dương thanh khiết như bài Trăng v.v… người ta gặp phải những đoạn khắc khổ như thế này: …Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành/ Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật… (Xa cách); Vì vội đến kiếm tìm nhau, tôi sẽ/ Chỉ thấy người thương nhưng chẳng thấy tình thương/ Và như màu theo nắng nhạt, như hương/ Theo gió mất, tình người đà tản mác… (Dối trá)” và còn một số câu thơ khác mà theo Trần Thanh Mại là “tầm thường, xấu xa, chán nản” [212, 205-206] … như mấy câu: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian, v.v… (Vội vàng).

Trần Thanh Mại viết tiếp: “Ông Xuân Diệu thường hô hào sự bỏ lối sáo cũ. Nhưng lắm khi ông đã mâu thuẫn, tự dối mình. Ấy là những khi ông chen vào tác phẩm những bài tai hại như bài Hoa nở để mà tàn, Bài thơ tuổi nhỏ, Mùa thi, Mười chữ v.v…

Hoa nở để mà tàn/ Trăng non để mà khuyết/ Bèo hợp để mà tan/ Người gần để ly biệt…

Sao mà thật thà thế, dễ dãi thế? Sao mà tối thế?” [212, 206].

Trần Thanh Mại dẫn chứng thêm: “Bài thơ mà ông Xuân Diệu đã tiêu đề bằng một cách long trọng và kiêu căng Mười chữ nó như vầy: Mưa dầm – thu dưới nguyệt/ Máng chảy – Suối trên nhà.

Ấy đấy! Mười chữ! Quả mười chữ thật! Không kém không dư và rất dễ nhận. Nhưng mười chữ ấy phỏng có ngụ ý gì cao xa, thâm thúy, hay là có một âm điệu gì lâm ly hùng tráng? Thơ xưa ta vẫn có những câu: Nước chảy – khe súc miệng/ Mưa tuôn – núi gội đầu cũng là “mười chữ”; hay là: Đất e bể cạn bù thêm nước/ Non sợ trời nghiêng, đỡ lấy mây thì còn thú vị hơn biết bao nhiêu? Khi thấy ông Xuân Diệu đặt tiêu đề bài thơ ông như thế, trong trí người đọc tự nhiên sinh ra cái ý rằng bài thơ nhất định phải tuyệt tác, và nếu kém một chữ hay dư một chữ, nó sẽ hóa ra vô nghĩa ngay.

Đời xưa và cả đến đời nay cũng vậy có nhiều nhà trưởng giả có một tập quán quái gỡ lắm: răng họ rụng ra, họ đem gói gắm cất kỹ, móng tay họ cũng thế. Không phải vì họ mê tín, sợ khi chết về âm phủ không đủ răng mà nhai hay không đủ móng tay mà gãi. Chỉ vì họ quá yêu họ đi! Vật gì trong người họ lìa ra khỏi, là họ không nỡ bỏ rơi, bỏ rớt, bỏ tồi, bỏ tàn. Chỉ thiếu chút nữa là họ cất cả những vật thường ngày họ đi tiện mà thôi!

Ông Xuân Diệu cũng gần như mấy nhà trưởng giả ấy. Chỉ vì ông quá tiếc một vật mà óc não ông đã cấu tạo ra nên ông không nỡ bỏ nó đi, mặc dầu nó chỉ gồm có mười chữ, mười chữ sáo!” [212, 207]. Cách nói có phần không được nhã, nhưng tôi cũng đồng ý với Trần Thanh Mại, đó là những bài kém, không xứng đáng gọi là thơ dù được đứng trong tập thơ đã làm nên tên tuổi Xuân Diệu.

Sau đó, Vũ Ngọc Phan cũng viết: “Xuân Diệu là một người có tâm hồn thi sĩ. Ông làm thơ với sự nồng nàn, tha thiết, nên ông không phải một tay thợ thơ, một tay có tài gọt dũa từng chữ từng câu. Cũng vì thế mà trong tập Thơ thơ của ông, đã có những đoạn thật du dương xen với những đoạn quá tầm thường về cả ý lẫn lời và âm điệu, chỉ kéo lại được cái thành thật mà thôi” [244, 720]. Vũ Ngọc Phan dẫn hai câu thơ trong bài Yêu. Tôi không đồng tình với nhận xét ấy, nên đã “nói lại” ở chương trước, thành thử không nhắc lại ở đây. Vũ Ngọc Phan viết tiếp: “Rồi nàng Thơ cũng đã có lần bị ông ruồng rẫy vì điều lợi. Thi sĩ đã mê công danh nhiều hơn là mê nàng Thơ. Đó cũng là một sự tính toán thiệt hơn, và đó cũng tỏ ra Xuân Diệu không theo gót được Verlaine và Rimbaud, tuy có lần ông đã ca tụng cái tính hào hoa phóng dật của hai nhà thơ này. Hãy đọc bài Mùa thi của ông: Thơ ta hơ hớ chưa chồng/ Ta yêu, muốn cưới, mà không thì giờ/ Mùa thi sắp tới! – em Thơ/ Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau! (Thơ thơ, in lần thứ nhất, trang 52).

Như vậy, nàng Thơ không khỏi sốt ruột, có lẽ nàng đành đi đánh bạn với những người như Verlaine hay Rimbaud, những anh không cần thi cử, không cần danh lợi” [244, 720-721]. Nếu trong cuộc sống, có “nàng Thơ” bằng xương bằng thịt nào đó mà mới nghe người yêu nói “Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau” đã vội vội vàng vàng “đi đánh bạn” với “những anh không cần thi cử, không cần danh lợi”, thì tôi khuyên nên tránh xa, càng xa càng tốt để về sau khỏi hối hận bởi “bỏ thì thương vương thì tội”. Riêng về mấy câu thơ trong bài Mùa thi, cụ thể là hai câu cuối được lớp học trò của chúng tôi rất thích. Nó nhắc nhở chúng tôi muốn mơ thì cứ mơ, muốn mộng thì cứ mộng song phải nhớ tới tương lai của mình, nhất là giữa thời loạn lạc, cánh cổng quân trường luôn rộng mở. Đọc đây đó, tôi thấy thời của Xuân Diệu có câu nói nhắc nhở lớp trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường: Phi cao đẳng bất thành phu phụ; thời của chúng tôi có câu: Muốn có người yêu phải đỗ tú tài. Xưa nay, sắc không mê người mà chỉ có người mê sắc. Và “sắc” có chịu yêu người hay không lại là vấn đề phải suy nghĩ. Trong tình yêu trai gái, tôi nghĩ thời nào, đời nào cũng là chuyện gái ham tài, trai ham sắc. Đó là thực tế của cuộc sống. Nhà Phật nói: “Đời là bể khổ”, nhưng từ thực tế bản thân, tôi thấy trong cái bể khổ ấy chỉ có ba chuyện tình tang trai gái là khổ nhất. Và cũng không phải vô cớ mà người xưa nói: “Dịch cầu vô giá bảo, nan đắc hữu tình lang”, nghĩa là “Bảo vật vô giá dễ tìm, người tình xứng đôi khó kiếm). Không biết người khác thế nào, chứ qua một số bài thơ trong tập Thơ thơ rồi chiếu rọi với những gì đã trải qua, đã biết thì tôi thấy khi thích một người, giọng nói và dáng điệu của người ấy lúc nào cũng sẽ hiện lên trong đầu mình; bất kể mùa đông hay mùa hạ, mùa xuân hay mùa thu, mình đều sẽ nhớ đến người ấy, mong nhớ người ấy ngày đêm, thương nhớ đến người ấy, ví như uống rượu, càng uống càng say. Và càng nhớ thì phải càng biết làm cho cái nhớ ấy thêm hương vị, chứ nhớ để mà nhớ là nhạt phèo, chán lắm. “Nhưng chính vì có cả cái hay lẫn cái dở, cả những cái rất thấp với những cái rất cao, nên đọc Thơ thơ tôi thấy thú vị hơn đọc những tập thơ tuy không có dở, nhưng đến hay cũng không có nốt” [244, 721], lại là một nhận xét thú vị.

Sau một thời gian dài, “các thế hệ bạn đọc mới không được tiếp xúc vì sách không tái bản; những sách đã in thì bị cấm, không được đọc trong các thư viện” [175, 25], nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã “nhìn lại” hai tập Thơ thơ Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, nhất là sau ngày Xuân Diệu về cõi vĩnh hằng, thì đời thơ của Xuân Diệu được “soi rọi” dưới nhiều góc độ. Khi nhìn lại hai tập Thơ thơGửi hương cho gió, Hà Minh Đức cho rằng: “Nhà thơ của “tình yêu và tuổi trẻ” này trước cách mạng đã một thời say đắm và tự đóng khung mình lại trong thế giới yêu đương và mộng tưởng. Tuy nhiên trong xã hội cũ, tình yêu không phải là một lối thoát, một vương quốc riêng tư để cho hạnh phúc tìm đến và yên nghỉ” [47, 186-187]. Tình yêu trong xã hội cũ như thế, còn tình yêu trong xã hội mới như thế nào? Yêu mà không “say đắm”, không “mộng tưởng”, thì làm sao gọi là yêu?

Theo Hoàng Trung Thông, “những nhà thơ Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đau thương có thừa, nước mắt có thừa, thậm chí nỗi đau thắt ruột, nước mắt tràn mi mà họ không khóc nổi, khóc không ra tiếng, còn có nước mắt đâu nữa mà khóc” [61, 23]. Ý này là “nổ” cho sướng miệng, cho thấy lòng căm thù giặc sâu sắc…, vì nếu thật vậy thì làm gì có chuyện “sức hấp dẫn của thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945, là ở lòng yêu da diết cuộc sống, ở sự chân thực của tình cảm, và ở nghệ thuật làm thơ vửa giản dị, vừa tinh vi và đúc đọng” [61, 23]. Ý kiến này cũng của Hoàng Trung Thông trong cùng một bài viết, chứ không phải của tôi hoặc của ai khác, hoặc ở một bài viết khác của Hoàng Trung Thông. Nhưng với Hoàng Trung Thông, sau hai mươi năm giã biệt cõi đời (1993-2013), GS Nguyễn Huệ Chi vẫn… Đi tìm con người Hoàng Trung Thông. Đây là tham luận của Nguyễn Huệ Chi đọc tại Tọa đàm khoa học “Sự nghiệp văn học Hoàng Trung Thông” do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngày 22-4-2013, tại Hà Nội; sau đó được đăng trên Tạp chí Thế giới mới. Trong tham luận này, Nguyễn Huệ Chi có đưa ra hai chi tiết khá thú vị: 1- “trong lần bầu Giáo sư năm 1980, cả viện đều bỏ phiếu chức danh Giáo sư cho ông, trong khi một số người tai mắt ở Viện khá nhiều năm chỉ được bầu Phó Giáo sư mà thôi” [141], thế nhưng “Ông khước từ chức vị Giáo sư ngay khi được cả Viện tín nhiệm, vì theo ông, làm một nhà thơ cũng đã là đủ lắm” [141]. 2- Mùa đông năm 1980, Nguyễn Huệ Chi đi cùng Hoàng Trung Thông dự hội thảo khoa học và thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Hai người đến thăm Viện sĩ Nauman và GS Kortum. Hai bên chuyện trò bằng ngôn ngữ trung gian: tiếng Pháp. Sau đó, gia đình GS Kortum mời Hoàng Trung Thông và Nguyễn Huệ Chi tới nhà dùng bữa và trò chuyện… “Đột nhiên trong một cơn hứng khởi bột phát, ông (Hoàng Trung Thông – V.G) đưa mắt nhìn khắp mọi người một cách khác thường rồi bỗng cất tiếng hỏi: “Permettez-moi de poser une question directe: y a-t-il ce qui s’appelle le réalism socialiste en réalité?” (Cho phép tôi hỏi thẳng, trong thực tế có cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không?). Cả hai vợ chồng Giáo sư và ông Viện sĩ người Đức ngơ ngác, dồn mắt nhìn Hoàng Trung Thông. Nhưng khi họ chưa kịp nói câu gì thì ông đã tự trả lời, giọng kéo dài của người say, cũng có vẻ tự tin khác lạ: “Non, jamais, Il n’y a rien de si difficile à avaler” (Không, chưa hề có. Không có một cái gì “khó nhá” đến như vậy cả). Cả hai người đàn ông reo lên, hưởng ứng lập tức: “Ah! C’est juste! Avis bien judicieux!” (Ồ! Đúng! Ý kiến quá đúng!)” [141]. Nhưng theo lời kể của GS Nguyễn Huệ Chi, những người bạn Đức cũng… không hơn gì ta. Sau lời tán thưởng, thì… “Kể cả ông Thông nữa, ai nấy đều kịp thời dừng lại rồi chuyển sang những chủ đề khác, như chê trách việc Trung Quốc bất ngờ đánh thọc vào biên giới Việt Nam, coi là chuyện vô sỉ… Không một ai nhắc lại điều vừa bất chợt nói với nhau thêm một lời nào” [141], v.v. Từ tham luận của Nguyễn Huệ Chi, tôi nghĩ, nếu có điều kiện, tôi cũng… “Đi tìm con người Hoàng Trung Thông” để hiểu thêm mẫu số chung nhân cách trí thức của một thời đoạn lịch sử.

Qua hai “cụm hoa đầu mùa” của Xuân Diệu, Lưu Khánh Thơ nhận thấy: “Có những lúc ông muốn níu kéo thời gian, níu kéo sự vận hành của trời đất để được hưởng niềm vui trong hiện tại” [274, 23]. Khi yêu ai chẳng muốn thế? Và cũng chính vì thế, nhà Phật mới cảnh báo: “Sắc dục là xiềng cùm của đời vậy, phàm phu say đắm, không thể tự cứu. Sắc dục là bệnh nặng nhứt của đời vậy, phàm phu khốn khổ đến chết chẳng khỏi. Sắc dục là tai họa của đời vậy, phàm phu gặp nó, lâm nguy khó tránh” [45, 57]. Nhưng hàng ngàn năm qua, lời cảnh báo ấy vẫn mãi là lời cảnh báo, bởi hầu hết loài người đều phải chìm nổi ở chốn phong trần cặn đục này; nếu ai ai cũng tránh được “tai họa” ấy, thì các tôn giáo không còn tồn tại ở thế gian và chúng ta cũng không có Xuân Diệu. Sắc không mê người, chỉ có người mê sắc, vì thế mới nên chuyện.

Lê Đình Kỵ là người viết sau so với nhiều người, nhưng đưa ra một ý kiến không mới: “Tiếp theo Thế Lữ, thơ Xuân Diệu ra đời đem lại luồng gió mới, tưởng như chưa từng có cái gì giống với thơ ca trước đó” [85, 206], bởi nếu “giống với thơ ca trước đó” thì làm sao gọi là Thơ mới, làm gì có phong trào Thơ mới. Hà Minh Đức thì cho rằng: “Thơ thơ Gửi hương cho gió chủ yếu là tình cảm đắm say với hiện tại nhưng giờ ở vào thời điểm mà cuộc sống hiện tại trở nên tù túng bế tắc, nhà thơ không khỏi ngao ngán mà nhận ra sự thật đắng cay: Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù.

Hình ảnh ao tù biểu trưng cho cuộc đời cũ cũng đã được Xuân Diệu nhắc đến trong văn xuôi. Tính chất tù đọng, vây hãm của cuộc đời cũ làm mất đi sự trong trẻo và sinh lực của cuộc sống” [47, 169]. Trong đời, không ai mãi trong trẻo, mãi tràn đầy sinh lực, mãi hát ca cả đâu. Một khi Xuân Diệu nói riêng, con người nói chung đã ý thức được: Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ, thì đã thấy cái ao tù đang vây chặt mình. Đó là sự thách thức của tạo hóa. Ai đủ bản lĩnh cộng thêm chút may mắn thì vượt lên, còn ngược lại thì mãi ngụp lặn trong đó cho đến hết kiếp người. Sau Cách mạng Tháng Tám, Hà Minh Đức có thì giờ nhìn lại mới thấy thời điểm đó là “thời điểm mà cuộc sống (của Xuân Diệu) trở nên tù túng bế tắc”, chứ khi viết những vần thơ đó chắc chắn Xuân Diệu không nhìn ra cái “thời điểm” ấy mà chỉ phản ánh cuộc sống Xuân Diệu đang phải đối mặt. Bây giờ, những câu thơ ấy cũng còn cựa quậy, vì nó vẫn tươi roi rói đối với phần lớn lớp trẻ, nhất là lớp trẻ cầm viết hôm nay, kể cả những cử nhân, kỹ sư phải làm những việc trái với ngành nghề đào tạo, nhằm nuôi sống được bản thân.

Là người có nhiều lần gặp gỡ, trao đổi về Thơ mới, nhất là hai tập Thơ thơ Gửi hương cho gió, và được Xuân Diệu nói về… thơ Xuân Diệu, Hà Minh Đức viết: “Thơ thơGửi hương cho gió hai thi phẩm mang dấu ấn của một tài năng sáng tạo thơ nhưng cũng lại chứa đựng nhiều phẩm chất riêng. Thơ thơ là niềm vui, ánh sáng, nụ cười của tuổi trẻ yêu đời, khát khao hạnh phúc. Và Gửi hương cho gió với giọng điệu trầm sâu hơn và đã thấm hương vị đời xót xa, cay đắng trong những năm tháng đất nước có nhiều chuyển động để thay đổi” [47, 172]. Nói thế là hơi quá. Phần lớn các văn nghệ sĩ Việt Nam ngày đó không ai biết trước rằng tháng 8 năm 1945, Việt Nam giành được độc lập từ tay bọn đế quốc sài lang. Nhưng suốt cả đời người, mà không một vài lần nếm chút “hương vị đời xót xa, cay đắng” thì… nhạt lắm và cũng chắc chẳng có văn chương, thơ phú gì; nếu có cũng như nước ốc thôi. Do đó, tôi thích ý kiến đánh giá của Huy Cận về hai tập thơ Thơ thơ  và Gửi hương cho gió: “Trước hết thơ tình của Xuân Diệu thật sự là thơ tình, tình yêu của những người yêu. Cái rạo rực, thiết tha, nồng cháy trong Thơ thơ, ai mà đã không trải qua, không sống qua ít nhất là dăm ba lần trong tuổi trẻ của mình. Cái da diết, cái đằm thắm xen lẫn vị đắng cay trong Gửi hương cho gió có phải riêng gì của Xuân Diệu! Riêng chăng là sự cảm quan đặc biệt sâu sắc – sâu sắc đến đau đớn – của tác giả trước những đe dọa mất, còn của tình cảm nữa. Sở dĩ như vậy là vì: Thơ tình của Xuân Diệu trước hết “nói” về tình, nhưng thông qua tình yêu “nói” lên cảm xúc sâu thẳm về cuộc sống, về đời người” [72, 231].

Nhưng có phải thơ Xuân Diệu trước năm 1945, là “Cô đơn lạc loài vì không tìm được phương hướng, lối đi trong cuộc đời: Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối.

Câu trả lời nằm ngoài khả năng của những cá thể lẻ loi, yếu đuối. Với những nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… thì đó là câu hỏi về lối đi, hướng đi cho dân tộc. Câu hỏi ấy ám ảnh biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Với các nhà thơ lãng mạn câu hỏi đó được đặt ra ở phạm vi nhỏ hẹp hơn: phạm vi cá nhân” [154, 343], như nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Nam?

Lên giọng làm gì cao thế? Nếu Xuân Diệu và những nhà thơ lãng mạn khác biết được “lối đi, hướng đi cho cả dân tộc” thì họ là Phan Bội Châu, là Hồ Chí Minh cả rồi, chứ đâu còn là những nhà thơ quèn. Nhưng tại sao buộc họ phải là Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh? Đó là điều không tưởng. Nguyễn Du không làm vua, nhưng so với những ông vua trước và sau ông, thì nhân dân nhắc đến ai nhiều hơn? Mỗi người đều có vai trò của mình ở cõi đời này, đừng nên buộc người ta phải giống mình hoặc giống ai đó. Nếu có buộc thì họa chăng chỉ giống dáng vẻ bên ngoài thôi, chứ đừng lầm tưởng sẽ giống cả con tim khối óc. Nguyễn Thị Hồng Nam còn viết: “Trong thơ Xuân Diệu nói riêng và trong Thơ mới nói chung, đâu đâu cũng thấy sự biệt ly và xa cách” [154, 345]. Nói đến biệt ly và xa cách thì đã sao? Trong đời người, ai không gặp phải biệt ly và xa cách? Đã sống qua một vòng hoa giáp, tôi thấy trong đời người luôn có thời khắc ly biệt, mà lúc ly biệt lại luôn làm cho người ta thương cảm. Biệt ly luôn là bi thương nhất của đời người, là thời khắc sầu khổ nhất, dễ rơi nước mắt nhất và… dễ đi vào văn chương nhất. Theo tôi, người ta nhớ tới thơ Xuân Diệu, nhớ tới Thơ mới, vì họ đã nói giúp người đọc những thời khắc ấy. Mà nào chỉ Thơ mới. Hồi thời trung học, không biết tôi đọc ở đâu đó bài Khiêu Hổ nhi ca. Ngày đó, tôi không để ý tên tác giả cũng không để ý tên dịch giả, nhưng đọc qua vài lần nó cứ ghi vào trong trí đến bây giờ vẫn còn nhớ. Bài đó như vầy: “Nhớ lại hồi bé, chàng ở đầu Trường Giang, thiếp ở cuối Trường Giang, cùng uống nước sông Trường Giang. Nhớ ngày đó, chàng cưỡi trúc mã, thiếp lộng thanh mai, ngày ngày vui đùa, hai nhỏ vô tư. Chàng có nhớ, hẹn nhau bờ sông, trâm cài hẹn thề: núi chưa mòn, sông chưa cạn kiệt, mới cùng chàng biệt ly. Ai ngờ, ý trời khó đoán, có một ngày sinh ly tử biệt.

Ngày chia tay, trời thu lạnh heo may, không thấy bóng chàng, nghe đêm chợt buồn. Đêm dài đèn cô, gối chiếc khó ngủ, lệ nhòa chăn gối, thổn thức canh thâu.

Chợt một ngày gặp lại, lòng không biết làm sao, chàng đã như người dưng, thiếp là phụ nhân, tình này đã tuyệt. Dẫu biết gương vỡ khó lành, nước đổ khó hốt, nhưng lòng này vẫn nhớ, tình đó chưa phai, chưa thể đoạn tuyệt, gửi chàng thư này, tái tục tiền duyên”.

Nhớ lại, ghi vào đây để thấy sự biệt ly từ thời nảo thời nao mà mấy chục năm rồi, tôi vẫn chưa quên, dù lắm thứ đã quên.

Đọc thơ Xuân Diệu trước 1945, Nguyễn Thị Hồng Nam cho rằng: “Xuân Diệu sống trong hiện tại nhưng luôn phấp phỏng về tương lai, nhìn thấy trong hiện tại tương lai buồn thảm” [154, 345]. Ở đời, nào ai có thể lập được thời khóa biểu cho mình? Hy vọng càng lắm thì thất vọng càng nhiều. Nhìn về tương lai buồn thảm mà sự thực không buồn thảm, thì hạnh phúc được nhân lên gấp bội, còn ngược lại thì thất vọng cũng sẽ được nhân lên gấp bội, dễ dẫn đến những quyết định không hay. Sự thật ở đời là thế! Với bài thơ Hoa nở để mà tàn chẳng phải là bài thơ hay, thậm chí nó như những câu nói có vần: Hoa nở để mà tàn/ Trăng tròn để mà khuyết/ Bèo hợp để mà tan/ Người gần để ly biệt, mà Nguyễn Thị Hồng Nam cho là nó “thể hiện quan niệm độc đáo của Xuân Diệu về quy luật sinh thành của sự vật” [154, 345], thì tôi đành… botay.com thôi.

Trong lúc đó, người cùng thời với Xuân Diệu, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, cho biết: “Cái thực rất tự nhiên mà anh đang sống, những tương tự nuối tiếc của ngày qua, mộng đẹp bồi hồi, hay trong giấc chiêm bao đang còn và chút nữa đây rồi sẽ mất, đôi trầm tư và triết luận về đời, về bạn, về người yêu, về những mối tình, về bản thể con người anh và về trăn trở yêu thương, về ngày mai sắp ửng rạng ở chân trời…” [160, 407-408]. Nguyễn Xuân Sanh còn nói thêm: “Cuộc đời thi sĩ của Xuân Diệu không phải không gắn liền từ lúc còn thơ trẻ với xã hội nói chung và với xã hội loài người. Anh thấy xã hội mãi mãi là một ngôi vườn bát ngát bông hoa” [160, 407].

Hoàng Trung Thông có cách nhìn không mấy thiện cảm đối với các trường phái thơ không phải hiện thực xã hội chủ nghĩa và mừng cho Xuân Diệu: “Anh say mà không đắm, anh mơ mà không màng. Dầu có lúc thoát ly thực tế, nhưng anh không đi vào siêu hình” [61, 25]. Chẳng lẽ làm thơ siêu hình là bậy bạ, hoặc là chỉ dành cho những người không phải là người? Nhưng không chỉ mỗi mình Hoàng Trung Thông có cách nhìn như vậy. Lý Hoài Thu có viết: “Điều đáng quý là nỗi cô đơn dù lớn cũng không đưa Xuân Diệu đến chỗ bi quan, bế tắc như Vũ Hoàng Chương, đau đớn tuyệt vọng như Hàn Mặc Tử…” [104, 303]. Mỗi người viết đều phải tạo cho mình một phong cách riêng, một bản sắc riêng, chứ chẳng có gì “đáng quý” với không đáng quý. Nếu Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử… giống nhau như hai giọt nước thì còn gì là Xuân Diệu, còn gì là Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử… Nhưng “bế tắc như Vũ Hoàng Chương” thì đã sao?, “đau đớn tuyệt vọng như Hàn Mặc Tử” thì đã sao? Nói như Lý Hoài Thu thì thơ của Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử không đáng đọc? Nguyễn Đăng Mạnh cũng thấy Xuân Diệu… rất vững lập trường, và rất chi tài giỏi (!?): “Ta hiểu vì sao ngay trước Cách mạng tháng Tám dù có lúc hoang mang bế tắc, Xuân Diệu vẫn không chấp nhận những trường thơ Điên, trường thơ Loạn, các thứ triết lý siêu hình rắc rối, cũng như lối thơ gọi là “chủ nghĩa kín mít” (hermétisme) của Xuân Thu nhã tập. Anh cần có người giao cảm, thật hiểu người, nên nhất quyết không nói bằng thứ tiếng nói nào khác tiếng nói của đồng loại” [131, 128].

Nói vậy chưa hẳn đúng và chưa mấy hiểu về các trường phái thơ ấy. Mỗi người cầm bút đều có cái “tạng” riêng, có cách nhìn đời riêng, có cách cảm riêng, có cách ứng xử riêng, có cách thể hiện mình riêng… Nếu Xuân Diệu nhảy vào những trường phái thơ ấy, dẫu có thành công cũng chỉ là những bóng mờ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh… Nếu nói Xuân Diệu “nhất quyết không nói bằng thứ tiếng nào khác tiếng nói của đồng loại” là không chỉ coi thường người đọc, mà còn đánh giá thấp khả năng sáng tạo của các tác giả ấy. Họ đều nói bằng “tiếng nói của đồng loại” cả đấy, chứ có lúc nào nói bằng tiếng của loài cầm, loài thú đâu.

Hoàng Nhân cũng có ý tương tự: “Gặp gỡ Baudelaire nhưng Xuân Diệu vẫn giữ nguyên vẹn hồn thơ dân tộc, khác hẳn với Đinh Hùng và Bích Khê. Nếu Baudelaire lăn lóc trong khoái lạc và phát hiện ra sự sa đọa dẫn đến cái ác, thì Xuân Diệu chỉ dừng lại mơn man vẻ đẹp của thân xác, khát khao chiêm ngưỡng cái “tòa thiên nhiên” ấy mà thôi, cho nên hồn thơ của anh vẫn cao cả, thanh thoát lạ thường” [58, 337]. Tuổi mới lớn, chưa có mảnh tình vắt vai, chỉ biết mơ mộng mộng mơ, thì biết gì đến khoái lạc, sa đọa mà viết. Ba thứ này mà tưởng tượng là hỏng bét, vì… người đọc rất dễ kiểm chứng. Vả lại, Xuân Diệu muốn như Đinh Hùng, Bích Khê chẳng dễ, nhất là với Baudelaire, vì mỗi người đều có cảm nhận riêng về cuộc sống, về con người, đều có cái “tạng” khác nhau. So sánh như vậy không ổn. Thơ Đinh Hùng, Bích Khê không giữ được hồn thơ dân tộc, nghĩa là lai căng ư? Xin mời đọc lại.

Tôi là một trong nhiều người được sống qua hai chế độ: chế độ thực dân mới ở đô thị miền Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa sau ngày giải phóng (30-4-1975), được sống vắt qua hai thế kỷ, lại sống bằng ngòi bút, vì thế, tôi thấy mọi thứ lãng mạn, hiện đại, hậu hiện đại, cổ điển, tân cổ điển, siêu thực, ấn tượng, tượng trưng…, kể cả sau này thêm nhiều thứ gì đó mà đầu óc ngu muội của tôi không nghĩ ra được cũng nhằm làm cho cuộc sống, cho thơ phong phú thêm lên, chứ chẳng đưa loài người đến chỗ diệt vong. Do đó, chúng ta hãy mở lòng chào đón để đời thêm vui. Theo suy nghĩ thiển cận của tôi, một người khỏe mạnh sẽ không kiêng cử bất kỳ món ăn nào. Món ăn nào mà người ta ăn được thì mình cũng ăn được, nếu có thứ không chịu tiêu hóa để biến thành dưỡng chất nuôi cơ thể, thì nó sẽ bị thải ra thôi. Khoa học cũng đã chứng minh, người nào kiêng cữ quá sẽ bị suy dinh dưỡng, không đủ sức để chống chọi với bệnh tật. Nhìn ở góc độ văn học, thì đến nay không ai phủ nhận văn học giai đoạn 1930-1945 rất phong phú và đa dạng, trong đó Xuân Diệu là một trong những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời văn học Việt Nam.

Vì quý Xuân Diệu, trọng Xuân Diệu, thương Xuân Diệu, nên Nguyễn Đăng Mạnh lên án mạnh mẽ cái xã hội kim tiền đáng phỉ nhổ: “Đối với xã hội ấy (xã hội đế quốc sài lang thống trị trước Cách mạng Tháng Tám – V.G), phải có tiền mà anh chỉ có tình. Lúc ấy hình như anh đã hiểu được phần nào rồi đấy. Anh chẳng tự trách là Dại khờ đó sao: Người ta khổ vì thương không phải cách/ Yêu sai duyên, và mến chẳng nhầm người/ Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi…

Cho nên tình của anh, dù chân thành mãnh liệt đến thế nào cũng chỉ như Nước đổ lá khoai (“Lòng ta là một cơn mưa lũ – Đã gặp lòng em là lá khoai”). Tình yêu thành ra chỉ có một chiều như Phấn thông vàng như bông hoa rừng Gửi hương cho gió” [131, 129]. Đúng là cái xã hội chó chết, nên “tình của anh, dù chân thành mãnh liệt đến thế nào cũng chỉ như Nước đổ lá khoai”. Nếu Xuân Diệu được sống sớm trong lòng xã hội chủ nghĩa, thì chắc chắn yêu ai được nấy. Tiếc cho Xuân Diệu và cũng… tiếc cho đời cái thằng tôi. Nhưng nghĩ cho cùng, chuyện hờn trách trong tình yêu trai gái chứ nào phải chuyện quốc gia đại sự đâu, hay là nói như Xuân Diệu “đắc nhân tâm tức là được chính trị” [102, 292]? Chuyện to lớn quá, tôi không biết. Với tôi, đụng tới ba chuyện đực cái này, thì phải biết cười, biết khóc, biết giận, biết hờn mới gọi là… biết yêu, còn ngược lại thì trớt huớt. Thơ Xuân Diệu đến được với lớp trẻ của nhiều thế hệ, vì ai cũng từng Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người, vì Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá khoai, vì những rung động đầu đời ấy, và hầu hết đều… gửi hương cho gió.

Qua hai tập Thơ thơ Gửi hương cho gió, Hoàng Trung Thông cũng bức xúc giùm Xuân Diệu: “Hầu như tất cả tâm hồn của anh đã dành cho mơ và yêu, mặc dầu anh biết rằng trong cái xã hội cũ của đồng tiền làm chủ” [61, 24]. Thời miền Bắc xã hội chủ nghĩa ra sao, tôi không được trực tiếp sống nên không dám lạm bàn, nhưng chắc chắn là không phù hợp với quy luật tự nhiên của cuộc sống, nói đúng hơn là lạc hậu với đà tiến hóa của xã hội loài người, nên từ năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam mới mạnh dạn xóa bỏ, tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Hiện nay, chúng ta vẫn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, thậm chí còn đến dạy cho đất nước Cuba anh em (tháng 4-2012) biết cách tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn Việt Nam. Thế nhưng vào những ngày này, tôi thấy đồng tiền làm chủ còn mạnh hơn gấp nhiều lần so với hồi những năm 30 của thế kỷ trước. Nếu Hoàng Trung Thông còn sống đến bây giờ, tôi tin ông sẽ không viết như thế.

Theo Nam Chi, hai tập Thơ thơ Gửi hương cho gió “Về ý lẫn lời, Xuân Diệu là người tạo sinh lực cho Thơ mới – hiểu theo nghĩa một trào lưu trong lịch sử văn học.

Những đóng góp của Xuân Diệu, trước 1945, có tính cách tự nhiên như một quy luật của bản năng sáng tạo, của con chim “ngứa cổ hót chơi”” [116, 192]. Qua hai tập thơ đầu tay của Xuân Diệu: Thơ thơGửi hương cho gió, người đọc dành cho Xuân Diệu mỹ từ nào cũng xứng đáng, nhưng “quá” một chút sẽ không hay. Nếu không có Xuân Diệu, thì phong trào Thơ mới sẽ giãy chết vì thiếu sinh lực ư? Tôi cho rằng dù có hiểu theo nghĩa nào thì Xuân Diệu cũng chỉ là người “thêm” sinh lực cho Thơ mới, chứ không phải “tạo” sinh lực cho Thơ mới.

Cuối đời nhìn lại, và thấy nhiều ý kiến đánh giá về hai tập thơ trước 1945 của Xuân Diệu, Huy Cận nói: “Thơ tình Xuân Diệu có cần giới thiệu nữa không? Vì nó đã thành một sự kiện trong đời sống tình cảm của nhiều thế hệ. Lời giới thiệu thấm thía nhất, ấy là những mối tình đã được thơ Xuân Diệu làm môi giới, đã nhờ thơ Xuân Diệu bắc cầu, và đã được thơ Xuân Diệu bồi đắp cho rễ thêm sâu, cho thêm sum suê cành lá” [72, 230]. Chuyện “thơ Xuân Diệu bồi đắp cho rễ thêm sâu, cho thêm sum suê cành lá” thì tôi không biết, nhưng “những mối tình đã được thơ Xuân Diệu làm môi giới, đã nhờ thơ Xuân Diệu bắc cầu”, thì thế hệ chúng tôi ở đô thị miền Nam, cụ thể bản thân tôi và bạn bè biết rất rõ và tôi đã viết đã kể ở chương Xuân Diệu – Ấn tượng của một thời tuổi trẻ. Do đó, ở chương này, tôi không “đụng” đến hai tập thơ: Thơ thơGửi hương cho gió, chỉ tập trung “nhìn lại” những gì người ta đã “nhìn lại” thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám và điểm qua cũng như “nhìn lại” những gì người ta đã viết về thơ Xuân Diệu ở giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, với hy vọng dựng lên được phần nào “chân dung thơ” Xuân Diệu. Và những ngày này, tôi thích thú với nhận xét của Huy Cận: “Thơ tình Xuân Diệu vang lên, bừng lên trong ký ức của bao nhiêu người có tuổi như một hoài niệm thân yêu, như hình ảnh đằm thắm của chính tuổi thanh xuân của họ, như những năm tháng tuổi trẻ của họ còn sống lại, còn sống mãi trong những dòng thơ” [72, 230], dẫu trước đó khá lâu (những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX), Vũ Ngọc Phan đã viết: “Với những nguồn hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù là lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía” [244, 719].

“Nhưng vì sao lúc nào Xuân Diệu cũng ảo tưởng trong tình yêu? Vì ông quá cả tin, ngây thơ, kỳ vọng quá nhiều ở tình yêu. Bởi ông, yêu là một phương cách lánh né thực tại” [154, 342]. Lý giải như Nguyễn Thị Hồng Nam là không hiểu Xuân Diệu, nhất là chưa hiểu những rung động đầu đời của lứa “gà trống te te”, và cũng… chưa hiểu gì về yêu. Những rung động đầu đời phải như thế, và nhờ như thế thì thơ Xuân Diệu mới đi vào lòng người đọc trẻ tuổi. Với những bạn đọc lớn tuổi, thì những vần thơ ấy kéo họ trở về với lứa tuổi chớm mộng chớm mơ của mình để thấy đời đáng yêu hơn. Đơn giản vậy thôi, chứ chẳng phải “phương cách lánh né thực tại”. Ở tuổi mới lớn mà Xuân Diệu biết “yêu là phương cách lánh né thực tại”, thì đã là thánh chứ không phải là người, và chắc chắn chúng ta không có Xuân-Diệu-mau-với-chứ-vội-vàng-lên-đi-chứ… Nhưng làm gì có chuyện “yêu là một phương cách lánh né thực tại”. Động vật cũng biết yêu, biết kết hợp với nhau để duy trì loài, huống gì con người. Một nửa quả cầu thì không thể nào lăn được, phải có hai nửa mới có thể lăn tròn, cho nên mỗi người trưởng thành có nhiệm vụ trọng yếu chính là tìm được một nửa xứng đôi với mình.

Hoàng Trung Thông thì lại cho rằng: “Cái khao khát của tuổi trẻ trong thơ Xuân Diệu thì rất thú vị nhưng cái tiêu cực cũng lại nằm trong đó vì xã hội lúc bấy giờ không giải quyết nổi và ngay chính nhà thơ cũng không thể giải quyết nổi bằng thơ” [61, 59-60]. Nhà thơ lớn – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều cũng chỉ mong “Mua vui cũng được một vài trống canh”, và không biết “Ba trăm năm nữa về sau/ Tố Như ai nhỏ lệ sầu khóc thương”, huống gì Xuân Diệu và những nhà thơ cùng thời. Tôi đã đọc lại hai tập thơ Thơ thơGửi hương cho gió, tôi không biết tiêu cực gì trong ấy. Và nếu có tiêu cực, tiêu sướng gì đó, tại sao bắt nhà thơ phải giải quyết? Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây làm gì có một xã hội chỉ toàn có tích cực, không có tiêu cực? Và nhà thơ chỉ là nhà thơ thôi.

Với Đoàn Thị Đặng Hương, thì “Thơ ca của ông trước cách mạng là tấm bi kịch của giới trí thức, giới nghệ sĩ Việt Nam – đứa con non yểu của cuộc hoài thai cuỡng hiếp giữa một nền văn hóa thực dân (chứ không phải nền văn hóa Pháp vĩ đại trong tình yêu và sự kính trọng của nhân loại) với một tâm lý văn hóa nô lệ (chứ không phải nền văn hóa của dân tộc Việt) – cái bi kịch tâm hồn của đứa con yếu đuối và bị bỏ rơi ấy (chứ không nên tô vẽ cho nó những sắc màu tươi sáng), nhưng trong nghệ thuật việc ông đã miêu tả một cách dũng cảm và cay đắng cái bi kịch ấy, bây giờ đọc lại, ta thấy nó mở rộng nhãn quan của chúng ta về tấn bi kịch tâm hồn của một tầng lớp, của một thời đại” [35, 142]. Tội nghiệp! Đọc đoạn văn này, tôi thấy lạnh xương sống và thương cho dân tộc mình quá. Cái “tấn bi kịch” ấy (nếu có) thì không chỉ có vào thời Xuân Diệu mà có từ thuở ông cha. Pháp mới đến Việt Nam mới mấy chục năm mà đã thế, thì cả hàng ngàn năm Bắc thuộc và sau đó thì những tác phẩm của ông cha để lại đều là “đứa con non yểu của cuộc hoài thai cưỡng hiếp” cả sao? Trong cuộc đời thường, không ít lần trò chuyện, tôi chưa nghe Xuân Diệu nói điều ấy, chỉ nghe ông nói mấy lần với vẻ tự hào mình là… tham tá nhà đoan (còm-mi đoan). Chuyện này không phải chỉ có mỗi mình tôi biết. Một lần vô tình, tôi cũng nghe nhà văn Nguyễn Bản (Hà Nội) nói như thế, rồi cũng một lần vô tình, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, PGS Ninh Viết Giao (TP Vinh) cũng nói như thế. PGS Ninh Viết Giao kể mỗi khi có dịp đến Nghệ An, Xuân Diệu đều ghé thăm Ninh Viết Giao và lắm lần ngủ lại nhà (căn hộ) Ninh Viết Giao. Xuân Diệu thường tự hào bằng một câu tiếng Pháp: Moi, j’ai été commis douane! Lúc tôi viết điều này, cả Nguyễn Bản và Ninh Viết Giao đều còn sống và minh mẫn dù đã qua tuổi tám mươi. Tôi nghĩ, Xuân Diệu tự hào cũng phải, bởi ngày ấy muốn thi vào ngạch tham tá, phải có bằng tú tài toàn phần trở lên, và là thi tuyển nên không phải ai thi cũng đỗ, thậm chí có người có bằng cử nhân cũng bị hỏng như thường. Và lúc đó, Xuân Diệu đang là sinh viên trường Luật, nghĩa là nhà trường bọn đế quốc sài lang đã cung cấp cho Xuân Diệu một số vốn kiến thức căn bản để ông có thể trở thành công chức và biết vận dụng sở học vào công việc của mình. Nếu không có số vốn kiến thức ấy, thì chắc chắn lịch sử văn học Việt Nam không có một-Xuân-Diệu-như-thế! Mấy chục năm qua, chúng ta tập trung xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa – nền giáo dục tiên tiến nhất của mọi thời đại, hết phong trào thi đua này tới phong trào thi đua khác, hết “hai không” đến “ba không”, “bốn không”… Đặt biệt, qua mấy mùa đại hội, nghị quyết nào cũng ghi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng không biết vì sao nền giáo dục ta cứ tụt hậu. Bây giờ, chắc chắn không ai dám nói những người tốt nghiệp cử nhân các ngành khoa học xã hội và nhân văn dưới mái trường xã hội chủ nghĩa giỏi hơn (có kiến thức hơn) những người đỗ bằng thành chung (tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngày nay) của thời ấy, chứ nói gì đến cỡ tú tài toàn phần như Xuân Diệu. Đôi lúc, tôi thấy mình có “ý nghĩ phản động” là không biết đến lúc nào nhà trường xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của ta đào tạo được nguồn nhân lực tầm tầm như những “đứa con non yểu của cuộc hoài thai cưỡng hiếp” mà bọn đế quốc sài lang đã đào tạo cách đây trên dưới tám mươi năm là sướng lắm rồi. Mặc dù tầng lớp cán bộ của ta cực kỳ thông minh, công việc ngập đầu mà nhoắng một cái, ai cũng có vài ba

bằng đại học, lắm người còn có cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Giỏi hơn, có người không biết ngoại ngữ là gì nhưng cũng có bằng tiến sĩ nước ngoài. Trong lúc đó, con em chúng ta chỉ có mỗi việc học, ấy mà thi rớt lên rớt xuống; nhiều em vào được giảng đường đại học nhưng kham không nổi phải về kiếm việc làm với hy vọng ít năm sau sẽ được thông minh như lớp cha chú. Thấy rứa cũng mừng, nhưng cũng lo bởi người xưa nói: Con hơn cha là nhà có phúc, mà việc học ở xứ mình thì ngược lại.

Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ tầm xàm tầm láp, tôi thấy cái “giống” của “nền văn hóa thực dân” sao mà tốt thế, và cái “tâm lý nô lệ” sao mà vững thế để “cuộc hoài thai cưỡng hiếp” đẻ ra những “đứa con non yểu” mà chẳng thấy yểu chút nào. Tôi không vững lập trường như Đoàn Thị Đặng Hương, nên có ý nghĩ tào lao là nếu được nhiều những “đứa con non yểu” như thế, chắc chắn lịch sử văn học Việt Nam sẽ rực sáng hơn. Cái vui ở đây là tác giả nói loanh quanh nào là “bi kịch”, nào là “đứa con non yểu của cuộc hoài thai cưỡng hiếp giữa một nền văn hóa thực dân với một tâm lý nô lệ”, nào là “cái bi kịch tâm hồn” và dặn mọi người “đừng tô vẽ cho nó những sắc màu tươi sáng”, v.v. lại vững tin “ngày nay và cả sau này mỗi chúng ta và các thế hệ độc giả kế tiếp vẫn đọc thơ ông thời kỳ này – thời kỳ ông còn là một trong những chủ tướng của phong trào “Thơ mới” – mà không để nó vào sọt rác của lịch sử (có lúc bản thân ông đã nghĩ như thế)” [35, 142].

“Đứa con non yểu” mà được như vậy thì còn có ước mơ nào hơn? Qua đây, tôi lại nghĩ bậy mà cũng vững tin rằng, người phụ nữ nào muốn được làm người mẹ hạnh phúc khi nhìn về tương lai, đều mong muốn những cuộc “cưỡng hiếp” như thế để có được những “đứa con non yểu” như thế. Không biết Đoàn Thị Đặng Hương có đồng thuận với ý nghĩ bậy bạ của tôi không?

Đoàn Thị Đặng Hương còn viết: “Và chính ông, cũng giống như những nhà thơ cùng thời với ông (những nhà thơ đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới) đã kế thừa những thành tựu không thể chối bỏ được cũng như khắc phục được chính những nhược điểm và cả những khuyết điểm của chủ nghĩa lãng mạn thời kỳ đầu của ông, tuyên chiến với chủ nghĩa lãng mạn ấy là gột rửa tâm hồn thi sĩ khỏi những tàn tích của nó, cũng như phá vỡ những nền móng cũ để xây dựng nên những hình tượng mới của cách mạng Việt Nam, tạo ra một nền thơ tương lai” [35, 140]. Tốt quá! Nhưng “nền thơ tương lai” ấy ở đâu? Bây giờ, tôi đang sống, đang là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đây, và cũng có tham gia vào việc viết lách, vậy mà tôi không biết, không thấy cái “nền thơ tương lai” ấy tròn hay méo, hoặc hình thù gì. Quả thật, Xuân Diệu có viết, có “tuyên chiến với chủ nghĩa lãng mạn”, nhưng tôi tin Xuân Diệu nói không thực lòng. Vì sao? Vì có người xác nhận đến nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ ngoài cái vui được nghe nhà thơ lớn nói chuyện, còn “được nghe “chui” một số bài thơ xưa của ông ít có dịp tái bản” [96], hoặc lần nói chuyện thơ ở Trường Cấp III Tam Dương, vào tháng 12-1973, Xuân Diệu trả lời câu hỏi của một giáo viên, và vững tin “dòng Thơ Mới, trong đó có cả Xuân Diệu sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa chỉ dăm năm nữa thôi. Các thầy hãy tin điều tôi nói” [127]. Và có phải “Ông là một trong những nhà thơ đầu tiên đã không rời xa những thành tựu trong quá khứ của mình” [35, 141], như nhận xét của Đoàn Thị Đặng Hương?

Năm 1960, Xuân Diệu có viết: “Các Mác đã từng nói cái xã hội tư bản đặc biệt hà khắc với một số ngành nghệ thuật, ví dụ như thơ. Nhiều khi, có những anh bạn nhanh nhẩu đoảng giới thiệu tôi là “thi sĩ” ở giữa một số người, làm tôi tức, cảm thấy bị nhục, như ai đem vứt một cành hoa xuống đất. Những khi đứng giữa bọn nhà buôn, bọn ông quan, tôi chỉ mong chúng đừng biết mình là “thi sĩ”” [265, 25]. Như vậy, Xuân Diệu không phải “không rời xa những thành tựu trong quá khứ của mình”. Nhưng trong chuyện này, tôi dám khẳng định Xuân Diệu nói không thật lòng mình. Đọc Hồi ký song đôi, tôi thấy nhiều chi tiết liên quan đến chuyện này, và xin trích vài ba mẩu do Huy Cận kể: “Nói thật ra, với uy tín của báo Ngày nay lúc đó và danh tiếng của nhà thơ Xuân Diệu bắt đầu nổi lên, với cách nói có lý có tình trong bài bênh vực, cho nên sau bài báo này cũng không thấy báo nào có thêm bài công kích Đoàn Phú Tứ hoặc trả lời bài của Xuân Diệu nữa” [71, 276]; “Tôi có được xem những bức thư ấy: Quả thực là một tâm hồn đẹp, say đắm mà trong trẻo, nhưng rõ ràng cô K. không phải chỉ yêu nhà thơ Xuân Diệu, mà còn là yêu anh chàng Xuân Diệu đẹp giai” [71, 280]; “Cô Kh. L. là một người có trình độ học vấn khá cao, và rất say mê văn chương, đặc biệt là văn thơ Tự lực văn đoàn. Cô mê Xuân Diệu qua thơ văn, qua Thơ thơPhấn thông vàng, và viết cho anh Xuân Diệu hàng chục bức thư, bắt đầu là đàm luận về văn chương, rồi dần dần là tỏ tình với nhà thơ, một mối tình say đắm, nồng cháy, rạo rực không kém gì thơ tình của Xuân Diệu” [71, 281] … Cuối những năm 30 đầu những năm 40, Nguyễn Xuân Sanh hay đến chơi với Xuân Diệu và trao đổi về công việc làm thơ, về mài giũa văn ngôn, trau dồi mỹ cảm…, và Xuân Diệu nói: “Đó là đức độ và sự tao nhã trong nếp sống nghệ thuật của chúng mình là bọn nhà thơ của thế kỷ hai mươi” [160, 408], v.v. Chẳng lẽ, qua những việc cụ thể như thế, Xuân Diệu “thấy bị làm nhục” khi ai đó biết mình là “thi sĩ”?

Đoàn Thị Đặng Hương còn cho biết: “Chính đọc thơ ông và các nhà thơ khác đương thời lúc đó, ta hiểu được một phần bi kịch của xã hội cũ và ở trong đó cái lõi thật sự, cái lõi cơ bản của thơ ca Xuân Diệu cũng như các nhà thơ lãng mạn lúc đó là: vì sao thế giới cũ cần phải sụp đổ” [35, 142]. Trên cả tuyệt vời! Xuân Diệu và các nhà thơ lãng mạn ngày đó đã cho Đoàn Thị Đặng Hương biết “vì sao thế giới cũ cần phải sụp đổ”? Cái thế giới cũ của bọn đế quốc sài lang ấy sụp đổ là phải, nhưng tại sao những nhà thơ lãng mạn ngày ấy đã biết như thế mà không theo Đảng sớm sớm có đỡ hơn không, hay là nói như nhà Phật, có khi tại nghiệp cả thôi? Nhưng có phải vì “cái lõi cơ bản của thơ ca Xuân Diệu cũng như các nhà thơ lãng mạn lúc đó là: vì sao thế giới cũ cần phải sụp đổ”, “mà các thế hệ độc giả hôm nay và cả mai sau nữa sẽ tiếp tục đọc và trân trọng thơ ông cũng như của các nhà thơ lãng mạn thời kỳ 1930-1945 và tiếp nhận những đóng góp to lớn của nó, đặc biệt về mặt thi pháp. Dòng thơ ấy thật sự đã đặt nền móng cho nền thi ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX (và nhiều nhà thơ lớn của cách mạng đương thời và sau này thật sự chịu ảnh hưởng của nó, trong đó có nhà thơ Tố Hữu)” [35, 142]? Chịu! Những “đứa con non yểu” của “cuộc hoài thai cưỡng bức” ấy lại “thật sự đã đặt nền móng cho nền thi ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX”!? Thú vị thật! Và có phải “Là một nhà thơ như hàng trăm nhà thơ Việt Nam sống dưới chế độ thực dân Pháp, Xuân Diệu có lòng yêu nước chống chế độ thực dân và muốn hướng tới một lý tưởng cao đẹp giải phóng Tổ quốc” [61, 27]? Ý này cũng… mới, nhưng tôi không thấy Xuân Diệu ghi gì trong lý lịch hoặc nói ở diễn đàn nào. Tôi không biết Hoàng Trung Thông dựa vào tư liệu nào để cho rằng “Xuân Diệu có lòng yêu nước chống chế độ thực dân và muốn hướng tới một lý tưởng cao đẹp giải phóng Tổ quốc”? Nếu đúng như thế mà đến năm 1950, Xuân Diệu mới đứng vào hàng ngũ của Đảng là chậm, và tổ chức Đảng cơ sở cũng có phần trách nhiệm, hoặc trong quá trình tham gia cách mạng, Xuân Diệu phạm nhiều lỗi lầm…

Đọc lại hai tập thơ xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám của Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông viết: “Xuân Diệu trước kia mơ và yêu; và anh cũng buồn, cái buồn của một thế hệ nhà thơ bị bế tắc chưa tìm ra con đường đi chân chính của mình” [61, 24]. Tội nghiệp cho một thế hệ nhà thơ. Họ buồn như thế, bế tắc như thế mà họ đã làm nên một phong trào Thơ mới, góp phần làm nên một cuộc cách mạng văn học ở thế kỷ XX, đáng phục, đáng trọng thay! Sau 1945, cũng từ những con người ấy, cộng thêm mấy thế hệ trẻ khác, đã có “con đường đi chân chính của mình”, đã hát vang hết bài ca này tới bài ca khác, bởi “Đời vui quá khi ta làm chủ” (thơ Tố Hữu) thì họ đã làm được gì hơn cho lịch sử văn học nước nhà so với cái thời buồn và bế tắc ấy?

IMG 2873 min - Xuân Diệu : Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù - Nhà văn Vu Gia
Bàn thờ Xuân Diệu và vợ chồng Huy Cận tại nhà riêng ở Hà Nội.

Nhìn lại Thơ thơ sau nhiều năm “lưu lạc”, Nguyễn Xuân Sanh cũng thừa nhận: “Tập thơ đầu của Xuân Diệu ca ngợi tình yêu và cái bơ vơ cô quạnh đượm những thoáng buồn xao xuyến của tình người, ca ngợi cái không gian và thời gian man mác của mùa thu, gửi hết lòng mình và cuộc sống mình vào những khám phá trong văn phong, bút pháp, tu từ, giữ gìn cho đến cuối đời giá trị và tiền đồ xán lạn tiếng Việt, bảo toàn sự vô giá của nhân bản, nhân văn, và trau dồi phẩm chất cao đẹp của cái đẹp con người, nhân cách cũng như trách nhiệm của nhà thơ tác giả” [160, 403]. Và trong những lúc đối diện với lòng, Xuân Diệu không thể chối bỏ “núm ruột” của mình. Qua một số lần nói chuyện thơ và tâm sự với Hà Minh Đức, mà tôi đã trích dẫn cho thấy điều ấy.

Khi viết bộ lịch sử văn học Việt Nam, Dương Quảng Hàm đã dành cho Xuân Diệu những dòng rất đẹp: “Tâm hồn đầy thơ mộng, nên tác giả hay tả những cảnh gây nên sự mơ màng, như tả “trăng” sáng, “núi xa”, cảnh nước chảy mây trôi (Đi thuyền), cảnh mùa thu thê lương ảo não (Đây mùa thu tớiÝ thu), cảnh buổi chiều đìu hiu vắng vẻ (Chiều). Tác giả cũng thích ca vịnh tiếng âm nhạc du dương, huyền diệu (Huyền diệuNhị hồ) và cái sắc đẹp tươi thắm yêu kiều (Nụ cười xuân).

Lòng tác giả khao khát yêu đương: yêu một cách say đắm nồng nàn (Vô biên) đến nỗi cùng người yêu gần gũi mà vẫn thấy xa cách (Xa cách), được người yêu tha thiết mà vẫn thấy lạnh lùng (Phải nói); nhiều khi lại yêu vơ vẩn (Vì sao), yêu vu vơ (Gặp gỡ), yêu người không muốn yêu mình (Bên ấy bên này), yêu người đã yêu kẻ khác (Muộn màng). Bởi thế sinh ra nỗi sầu vơ vẩn (Chàng sầu), nỗi buồn vô cớ (Chiều)” [26, 444]. Đọc những dòng này, tôi thấy Thế Lữ thật giỏi. Ngay từ buổi đầu, Thế Lữ đã thấy: “Cảnh sắc của sự vật, nỗi âm thầm của tình ái, dáng tươi cười của mùa xuân, nỗi tiếc thương lạnh lẽo của mùa thu, lời van xin, khuyên nhủ của tấm lòng yêu thấm thía nhưng rụt rè, tất cả những tình cảm ấy đều tả trong thơ của Xuân Diệu một cách mới lạ, ý nhị vừa đơn giản, vừa đầy đủ; gợi cho ta thấy những hình ảnh, những tư tưởng bát ngát và tươi đẹp không ngờ” [196].

Nhưng có phải “Khi Xuân Diệu, với trái tim si mê và rạo rực, với hồn thơ “Âu hóa” rõ rệt hơn xuất hiện thì những tháng năm “đại náo” trong làng thơ đã đi qua. Thơ mới vừa toàn thắng, ngọn cờ phong trào từ chủ tướng Thế Lữ được chuyển giao ngay sang bàn tay mới, và chàng thanh niên Xuân Diệu quả không phụ công sức của những người giành giật, khai phá, đã giương cao hơn nữa ngọn cờ, mau chóng trở thành vị đại biểu ưu tú nhất của một thời đại thi ca” [88, 261], như Lê Quang Hưng đã nhận xét? “Âu hóa” thì đã rõ, mà chưa hẳn đúng. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, “Anh đã học nghề thơ thật là kiên tâm, bền chí và đã tập tành qua đủ mọi thể tài của thơ ca truyền thống. Anh giải thích: cái máu ông đồ Nghệ đã truyền cho anh đức tính cần cù ấy, hòa với dòng máu bên ngoại nồng nàn cái gió biển Quy Nhơn. Bốn, năm quyển vở thời học sinh anh còn giữ được ghi đặc những sáng tác của nhà Thơ mới tương lai: nào thơ thất ngôn bát cú, niêm luật nghiêm minh tề chỉnh, nào thơ tứ tuyệt, thơ trường thiên cổ thể, thơ lục bát, song thất lục bát. Cả văn tế, hát nói, hát xẩm, ca dao… Dịch cả thơ Tô Huệ đời Tấn. Đặc biệt làm rất nhiều từ khúc, cứ dựa theo những bài mẫu trên báo Nam phong mà làm hết điệu nọ đến điệu khác, hàng vài ba chục điệu. Lại phỏng theo một số bài của Tản Đà, Trần Tuấn Khải (Thề non nước, Gánh nước đêm…) tập làm những bài tương tự về vần điệu, về cách láy âm v.v… Tập theo thơ truyền thống rồi lại tập theo thơ Tây. Từ dịch đến mô phỏng, rồi sáng tác. Con chim non vẫy vẫy đôi cánh vụng về tập theo mẹ, rồi cứ chuyền xa, chuyền xa dần, cuối cùng cất mình bay bay vào không trung” [131, 125-126].

Dẫn lại như vậy để thấy ý kiến nhận xét của Lê Quang Hưng còn phiến diện. Nhưng qua những gì Nguyễn Đăng Mạnh viết, tôi thấy sự khổ công ấy của Xuân Diệu thật đáng quý, song trong công việc sáng tạo chỉ có khổ công thôi thì chưa đủ đâu. Thời đi học, trong bạn bè, kể cả lớp đàn anh quen biết với tôi, có lắm người khổ công tuy không bằng Xuân Diệu, nhưng cũng miệt mài lắm lắm, đến lúc đầu ai cũng đã có hai thứ tóc, và không ít người đã nhắm mắt xuôi tay, tôi chưa thấy ai thành nhà văn, nhà thơ cả. Trong bạn bè tôi, lắm người “giả thơ Xuân Diệu” như đã dẫn ở chương đầu, tôi thấy cũng không tệ, ấy mà lớn lên chẳng có một ai theo nghiệp văn chương. Do vậy, sự khổ công chưa đủ điều kiện để trở thành nhà văn, nhà thơ, còn để trở-thành-nhà-thơ-Xuân-Diệu thì chỉ có một mà thôi.

Sau này, đọc lại thơ của Xuân Diệu viết trước Cách mạng Tháng Tám, Lưu Khánh Thơ cho rằng: “Xuân Diệu trong Lời kỹ nữ là Xuân Diệu hóa thân để qua mối giao tình của người kỹ nữ với du khách mà nói mối quan hệ nhà thơ với người yêu, và với cuộc đời” [97, 288], nhưng qua bốn câu cuối của bài thơ Đây mùa thu tới mà nói: “Ở đây nhà thơ đã hóa thân vào hình ảnh người thiếu nữ để thể hiện một tình yêu e ấp và trinh nguyên, vừa gần gũi vừa xa vời. Sự hóa thân không có gián cách về mặt cảm xúc thẩm mỹ này đã làm nên cái hồn riêng, cái duyên riêng trong thơ Xuân Diệu” [97, 289] là không đúng lắm, bởi tác giả nhìn cảnh và mượn hình ảnh con người để nói cảnh trên tinh thần: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh đó vui đâu bao giờ. Cảnh và người quyện vào nhau. Khi mùa thu về là lúc cây rút toàn bộ nhựa xuống bộ rễ để giữ sự sống qua khỏi mùa đông. Kiếp người cũng thế thôi. Tôi đồng thuận với ý kiến của Hà Minh Đức: “Khổ thơ kết gợi nhiều về tâm trạng. Xuân Diệu miêu tả tâm trạng buồn một cách tĩnh lặng cho hòa hợp với cảnh thu. Hình ảnh thiếu nữ “tựa cửa nhìn xa” như đang mong đợi, mơ ước một điều gì chưa đến. Câu thơ khép lại bằng những hình ảnh đẹp của con người với chiều sâu của nội tâm” [46]. Khi bài thơ xuất hiện, thì người đọc có quyền quyết định số phận của nó, chứ tác giả cũng không có quyền bắt người đọc phải hiểu theo ý của mình. Tôi cũng có làm thơ, in thơ, nên theo tôi, tác giả chẳng “hóa thân” gì cả. Lúc viết mà nghĩ sẽ hóa thân thế này, hóa thân thế kia thì lộn kiếp cũng chưa viết ra thơ. Và thơ thì có đặc trưng của ngôn ngữ thơ, nên tùy theo tâm trạng, tấm lòng của người đọc lúc ngâm nga, nghĩ ngợi về nó, vì thế chẳng thể nói ai bình đúng, ai tán sai (ngoài trừ việc tán tào lao quá)… Với tôi, đây là đoạn kết hay của một bài thơ hay. Tác giả không kết luận gì rõ rệt, nhưng gợi cho người đọc chiêm nghiệm phần đời của mình trước cảnh thu, trước không gian rộng mở… Nói như Lê Đình Kỵ, ở giai đoạn ấy, “Cảm hứng sáng tạo gắn liền với cá nhân tự ý thức, tự khẳng định đưa đến một bước ngoặt quyết định trong lịch sử thơ ca Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại – Thơ mới là thơ của cái tôi” [85, 46].

Theo Vũ Quần Phương, “Bài thơ của Xuân Diệu có khung cảnh Việt Nam, nhưng nếu đổi là Đây mùa đông tới chắc hợp hơn. Không hiểu các bạn thế nào chứ tôi, khi đọc bài thơ, tôi cứ mường tượng lại những ngày rét đầu mùa đã trải qua đời mình” [247, 242]. Trong lúc đó, Đỗ Lai Thúy cho rằng mùa thu trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu “là mảnh đất bị xâm lược từ cả hai phía. Mùa hè chưa “cắt cầu” (đang còn màu xanh, đang còn “Đây mùa thu tới…”) thì khuôn mặt mùa đông đã thấp thoáng phía xa xa: Đã nghe rét mướt LUỒN trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò” [41, 87]. Trong suy nghĩ của Đỗ Lai Thúy: “Người Việt xưa nay chỉ quen gọi gió lùa, gió luồn vào một cái gì đó. Còn Xuân Diệu, nhà thi sĩ – cách tân, thì lại nghe được rét mướt luồn trong gió. Luồn vào một thứ chuyên đi luồn, chẳng những nghe ngộ nghĩnh, tân kì, mà chộp đúng được cái thần thái lén lút của mùa đông đang xâm nhập trái phép vào lãnh địa của mùa thu” [41, 86]. Tôi tán thành cách nhận xét này, dẫu mỗi người có cách cảm như thế mới là thơ, và mới hiểu hết thế nào là thơ đi vào lòng người.

Qua bài Đây mùa thu tới, Đỗ Lai Thúy còn thấy: “Ở Xuân Diệu, cũng như ở nhiều nhà thơ khác, mùa thu thường choán một chỗ đặc biệt trong thơ. Phải chăng bởi tính giao mùa? Hè đã qua nhưng nắng tháng tám còn rám cùi bưởi. Đông chưa đến mà tín hiệu đã nườm nượp phía chân trời. Nằm áp giữa hai khối nóng lạnh đó, thu là một lãnh thổ bị lấn cả đôi đầu nên hay có những trở trời. Những khi không có sự đảo chiều thời tiết này, không gian lửng lơ treo một cân bằng mỏng mảnh, thu là khoảng ngưng kỳ diệu thuận cho tạo vật bừng sắc một lần trước khi đi vào héo úa. Các nhà thơ xưa thường chớp lấy cái giây phút an lạc vĩnh hằng này của trời đất để nương gửi cái hài hòa của tâm hồn mình (Nguyễn Khuyến: Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm). Xuân Diệu, ngược lại, cảm ứng mạnh với các trạng huống trở trời của mùa thu. Sự tồn tại kép, thậm chí tam trùng của khí hậu (hè, thu, đông) và trạng thái đang tàn phai (chứ chưa phải đã mất, hết, thiếu, vắng) của tạo vật làm cho con người dễ cảm nhận được sự hiện diện của thời gian. Bài thơ Đây mùa thu tới với điệp khúc Đây mùa thu tới – mùa thu tới! không chỉ là tiếng báo mùa, mà là sự hối thúc của thời gian” [42, 271]. Vũ Quần Phương thì cho rằng: “Thơ thu mở đầu bằng liễu, cũng là một ước lệ của văn chương một thời, không phải là một khám phá gì mới mẻ. Cây liễu không nhiều ở ta, nhưng lại nhan nhản trong thơ cổ điển bên Tàu. Cảm xúc của Xuân Diệu đã bị định hướng của văn chương cổ nên thơ mới chọn liễu của Đường, Tống. Liễu trong thơ Đường, Tống chỉ là liễu, thế thôi (cũng như núi là sơn, trăng là nguyệt) không kèm theo đặc tính xác định nào khác, chỉ đơn thuần khái niệm một loài cây. (Đây cũng là bút pháp độc đáo của Đường thi, tước hết chi tiết mà thơ cũng gợi cảm – các nhà thơ hiện đại ít người học được – viết như nén lại mà khi đọc lại mở ra không cùng). Liễu, dưới mắt Xuân Diệu, có dáng đứng như chịu tang, bởi lá rủ xuống như tóc xõa, như lệ rơi, lệ ngàn hàng. Bài thơ sẽ phát triển trong không khí ảm đạm ly tán được gợi nên từ hình ảnh mở đầu này” [247, 242].

Cả hai ý của Đỗ Lai Thúy và Vũ Quần Phương đều hay, song chưa hẳn như thế. Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, có lẽ mùa thu là mùa làm cho thi sĩ xúc động hơn cả, nên phần lớn những vần thơ hay đều vút lên từ mùa thu. Và thu trong thơ Đường, Tống không chỉ có liễu. Đọc không được nhiều, nhưng tôi thấy Bạch Phác có một tán khúc nói về Thu. Và thật lòng, tôi thích bài này: Cô thôn lạc nhật tàn hà/ Khinh yên lão thụ hàn nha/ Nhất điểm phi hồng ảnh hạ/ Thanh sơn lục thủy/ Bạch thảo hồng diệp hoàng hoa (Cô thôn dưới ráng chiều tà/ Khói bay quạ đậu cành xa/ Cánh hồng một bóng là đà/ Non xanh nước biếc/ Trắng cỏ đỏ lá vàng hoa), hoặc bài Thu hoài của Trương Khả Cửu: Tây phong tín lai gia vạn lý/ Vấn ngã quy kỳ vị?/ Nhạn đề hồng diệp thiên/ Nhân túy hoàng hoa địa/ Ba tiêu vũ thanh thu mộng lý (Tin nhà vạn dặm gió tây đưa/ Hỏi ta: Về hay chưa?/ Nhạn kêu trời đỏ lá/ Người say đất vàng hoa/ Nương tiếng thu nhập mộng về nhà), hoặc Tám bài Cảm hứng mùa thu (Thu hứng bát thủ) của Đỗ Phủ, không có chữ nào nói đến liễu, v.v.

Qua nghiên cứu của mình, Đỗ Lai Thúy thấy “Xuân Diệu làm nhiều thơ xuân: Nụ cười xuân, Xuân rụng, Xuân đầu, Xuân không mùa… Và có lẽ, cái tên Xuân Diệu (Sự kỳ diệu của mùa xuân?) cũng nằm trong chuỗi cảm xúc ấy!” [42, 277]. Chẳng lẽ hết chuyện để viết? Xuân Diệu là tên cha mẹ đặt, ghi vào sổ hộ tịch từ nhỏ, chứ phải là bút danh khi bước vào làng văn chương đâu. Cha của Xuân Diệu là ông tú kép, đâu phải là nhà tiên tri mà đoán biết con mình sau này làm thơ và “làm nhiều thơ xuân”, nên đặt tên cho con mình là Xuân Diệu? Xưa nay, nhiều nhà thơ làm thơ xuân mà không có tên Xuân Diệu chẳng lẽ không hay, vì không “nằm trong chuỗi cảm xúc ấy”?

Và có phải “Biểu tượng cho sự vĩnh cửu của cái đẹp, của nghệ thuật thơ Xuân Diệu là Trăng. Thi sĩ làm nhiều thơ về trăng: Trăng, Ca tụng, Nguyệt cầm, Buồn trăng. Thơ Xuân Diệu nói chung và các bài thơ trăng nói riêng tồn tại hai phong cách, khi thì tách riêng ra, khi thì xen kẽ nhau: phong cách lãng mạn và phong cách tượng trưng. Phong cách lãng mạn trực tiếp bày tỏ ý nghĩ, tâm trạng, cảm xúc như bài Ca tụng. Phong cách tượng trưng tác giả ẩn mình đi để cho biểu tượng tự phát ngôn, ví như Nguyệt cầm… Sự xen kẽ hai phong cách này ở các bài Trăng, Buồn trăng… Cái nhìn tượng trưng phản ánh một thế giới của những bản chất. Nó vượt lên trên kinh nghiệm để thành những chủng loại của một Thơ, một cái Đẹp, một Lý tưởng…” [42, 281]? Nếu Xuân Diệu không làm thơ về Trăng, thì Xuân Diệu không phải nhà thơ, không có “sự vĩnh cửu của cái đẹp, của nghệ thuật thơ Xuân Diệu”? Và phải chăng “Ngòi bút Thơ mới trữ tình cảm xúc, tràn đầy cảm giác, luôn thức nhọn giác quan cũng là nhận thức và biểu hiện được những cảm giác rất tinh tế trong cõi vô thức của con người: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn (Chiều)” [150, 115-116]? Một nhận xét khá thú vị, song trong tôi cũng thấy… lo lo, vì theo Hoài Thanh, “Con người hay buồn là con người yếu đuối” [55, 9]. Và có phải sở dĩ thơ cũ thường nói buồn như thế, “là vì nó đã tách cái tôi riêng của nó, hay đúng hơn, cái tôi riêng của giai cấp nó ra ngoài cái ta chung của dân tộc, của nhân loại. Câu thơ thành ra lời của nhà thơ thì thầm một mình, người xem thơ hình như cũng cần phải ngâm rất nhỏ” [55, 9]? Viết ý ấy, có khi Nguyễn Quốc Túy cũng “chưa thấm nhuần được sâu sắc những chính sách của cách mạng, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà thơ và quần chúng công nông binh” [55, 139].

Đọc đây đó, tôi thấy Nguyễn Thị Hồng Nam có “thấm nhuần” dẫu chưa được “sâu sắc” lắm: “Nếu như trong cuộc sống Xuân Diệu không chấp nhận lối sống lưng chừng, lãnh đạm thì trong tình yêu ông không chịu nổi tình yêu lặng lẽ, không tỏ bày. Ông đòi hỏi tình yêu phải được bộc lộ một cách nồng nhiệt, bằng cả hành động và lời nói.

Quan niệm yêu đó chi phối cách sử dụng những từ: tỏa, ôm, quấn, cắn, riết, hút… Dường như ông muốn dùng sức mạnh thể chất để lưu giữ cái phi vật thể, và cũng để tỏ bày tình cảm mãnh liệt của mình.

Thế nhưng dù người yêu có nồng nhiệt đến đâu thì với Xuân Diệu, thế vẫn còn chưa đủ. Ông chưa bao giờ thỏa mãn với cái hiện có, ông đòi hỏi cái Vô biên, Tuyệt đích tức đòi hỏi cái hoàn mỹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Xuân Diệu cô đơn” [154, 348]. Tội nghiệp! Nếu còn sống, chắc Xuân Diệu phải rung đùi ngâm thơ Đỗ Phủ: Văn chương là chuyện ngàn đời/ Thành công, thất bại lòng này biết thôi (Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất thốn tâm tri). Lấy sự rung động đầu đời mà áp đặt vào cuộc đời Xuân Diệu là chưa thỏa đáng lắm, bởi Xuân Diệu không phải là thầy bói, chẳng phải là nhà tiên tri và thơ Xuân Diệu không phải là sấm truyền về cuộc đời ông.

Có khi đọc từ những ý kiến tương tự như thế, Nguyễn Quốc Túy dẫn hai câu thơ: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, hoặc Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi, rồi viết: “Có không ít người khi bình Thơ mới Xuân Diệu cho rằng cách dùng từ “cắn” và “ngon” ở trường hợp hai câu thơ trên là Xuân Diệu đã học được từ ngôn ngữ thơ Pháp. Thật ra không đúng như vậy. Ở đây, là một dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ Thơ mới Xuân Diệu: Cách dùng từ để biểu hiện những cảm xúc mãnh liệt, những cảm giác quá kích, quá cỡ” [150, 126-127]. Cách viết này là kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” cho vui thôi, chứ chẳng có làm mới gì hơn cho thơ Xuân Diệu. Cái “cắn”, cái “ngon”, cái “quấn”, cái “riết”… sao vào thơ lại rắc rối như thế. Nguyễn Quốc Túy còn viết: “Còi thét như gươm tay hoảng đứt/ Khói đùn mây bạc, lệ lên ngươi (Hết ngày, hết tháng). Hai câu thơ này không biểu hiện được cảm xúc nào, không lay động được giác quan nào, vì “tay hoảng đứt” còn hiểu được là “hốt hoảng như tay bị chém đứt”. Nhưng “lệ lên ngươi” thì phi lý, không đúng với “sự thật”, sự thật là “lệ tràn mi”, “nước mắt chảy dài trên má”, chứ làm gì có chuyện “lệ lên ngươi”. Câu thơ muốn biểu hiện cảm xúc, cảm giác, đánh thức giác quan, nhưng lại khó hiểu và siêu thực” [150, 129].

Cụm từ “lệ lên ngươi” mà Nguyễn Quốc Túy khẳng định là “phi lý”, bởi “làm gì có chuyện “lệ lên ngươi””, thì kém quá. Theo tôi, và rất nhiều người có thể biết “lệ lên ngươi” là nước mắt mới rưng rưng, mới rân rấn nước mắt, chứ chưa chảy ra khỏi mi mắt, khác với “lệ tràn mi”, càng rất khác với “nước mắt chảy dài trên má” như Nguyễn Quốc Túy đã viết. Hiểu và bình thơ kiểu ấy, thì người đọc chỉ còn biết… hả họng kêu trời!

Đọc Thơ thơ Gửi hương cho gió, Hà Minh Đức nhận thấy: “Xuân Diệu tỏ ra tha thiết, nồng nhiệt, vội vã trong tình yêu, nhưng chính anh cũng lại tự cảm thấy chua chát, chán chường. Cái tập thể nhỏ của đôi lứa tưởng như có thể chan hòa bằng trăm ngàn sợi dây thương mến và niềm đồng cảm sâu xa nhất, nhưng chính ngay ở nơi ấm cúng này có lúc lại thấm thía cô đơn và con người vẫn tự chia sẻ ra nhiều ngăn cách: Em là em mà anh vẫn là anh/ Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành” [47, 187]. Xin thưa, tình yêu của tuổi trẻ là như thế và phải như thế, chứ một khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì chỉ là tình nghĩa (nếu có trách nhiệm) chứ không phải tình yêu. Nói như Thế Lữ: “Thơ ông không phải là “văn chương” nữa; đó là lời nói, là tiếng reo vui hay năn nỉ, là sự chân thành cảm xúc, hoặc là những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm…” [196]. Và đó mới là thơ dành cho tuổi trẻ mới rụt rè đặt mấy ngón chân vào con đường tình ái, chứ không phải thơ dành cho những người kinh nghiệm tình trường.

Lê Đình Kỵ viết: “Yêu trăm bận nghìn lần” nhưng hình như không có đối tượng, không có địa chỉ cụ thể, chẳng qua yêu để mà yêu. Thơ tình của Xuân Diệu say đắm nhưng ít khi để lại ấn tượng của những thời khắc đã sống qua, nó nói với tâm hồn nhiều hơn là mang cái thổn thức, cái nhịp đập của những trái tim đang yêu” [85, 197]. Với tôi, Lê Đình Kỵ hiểu Xuân Diệu, nhưng hiểu chưa tới. Tình yêu của Xuân Diệu không phải “không có đối tượng, không có địa chỉ cụ thể” đâu. Có đấy, nhưng Xuân Diệu cũng như bao bạn trẻ khác mới biết thế nào là rung động đầu đời, nên chỉ mơ tưởng, tự mình vẽ vời bao điều tốt đẹp, tự mình tưởng tượng mà trải lòng mình ra giấy, chứ không dám trực diện nói rõ lòng mình. Xuân Diệu cũng không phải “chẳng qua yêu để mà yêu”. Xuân Diệu yêu thật lòng, song không dám ngỏ lời. Nói thật, yêu đương của lứa tuổi mới lớn, hầu như không ai đủ can đảm thốt lên mấy tiếng: “Anh yêu em”, dù đó là người đoạt giải nhất trong các cuộc thi hùng biện ở trường.

Theo Nguyễn Đăng Mạnh, “Là nhà thơ của mùa xuân và tình yêu, của sự sống trần thế trần tục này, Xuân Diệu đã tạo ra một thế giới nghệ thuật mà chuẩn mực của cái đẹp là con người ở giữa tuổi trẻ và tình yêu, một thế giới hồng tươi mơn mởn, bốn mùa xuân sắc, vĩnh viễn xuân thì” [129, 47]. Ý này, Thế Lữ cũng đã viết, nhưng qua tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, tôi thấy Thế Lữ là người hiểu thơ Xuân Diệu nhất: “Xuân không dài dặc, Tình có bền đâu! Xuân với Tình cũng vô định như sự thực không bền, và lại còn mong manh hơn cuộc đời chảy trôi. Bởi thế, Xuân Diệu vội vàng, bao giờ cũng lo âu thắc mắc. Luôn luôn tận tâm, siêng năng mà sống, ông mau mau đem hết cả tâm hồn mà tặng cho đời, và ông cũng đòi hết cả tâm hồn của người yêu dấu, trời đất, của mọi vật trên trần gian” [198, X]. Về sau, Lê Đình Kỵ được trang bị lập trường, tư tưởng vững vàng hơn, nên cũng có cái nhìn “mới” hơn: “Ru với gió, mơ theo trăng, để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây, bởi muôn tình yêu mến thì cũng tốt thôi, đó là thân phận muôn đời của thi sĩ. Cái vườn thơ cho chim đến nhả hạt mười phương cũng là điều đáng mong ước cho sự giàu có của thơ ca Việt Nam. Nhưng để cho trái độc chen vào khu vườn đầy hương sắc thì là điều không nên, chứng tỏ Xuân Diệu nói riêng, thơ mới nói chung không vượt quá quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật lỗi thời” [85, 205-206]. Đây là ý kiến được Lê Đình Kỵ viết trong cuốn Thơ mới, những bước thăng trầm được ra mắt bạn đọc vào năm thứ ba của công cuộc Đổi mới (1989). Cùng thời điểm này, Nguyễn Trác – Đái Xuân Ninh cũng cho rằng hai tập thơ Thơ thơGửi hương cho gió có “quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, thái độ thoát ly cuộc sống” [156, 35]. Nhưng khi đi sâu vào tác phẩm, thì đồng tác giả lại nói: “Với Xuân Diệu, yêu là để yêu, yêu là mục đích, là cứu cánh [sic]. Yêu không phải là một nhịp cầu bắc tới hôn nhân. Tình yêu là một cái trục. Tình người xoay quanh cái trục ấy. Và tình người, ấy là tâm hồn, ấy là cuộc sống” [156, 38]. Đã “thoát ly cuộc sống”, thì làm sao “Tình yêu là một cái trục. Tình người xoay quanh cái trục ấy” được? Vả lại, tình yêu trong Thơ thơGửi hương cho gió là tình yêu giữa người con trai và người con gái. Với tình yêu trai gái thì chỉ biết Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!/ Những cánh tay! hãy quấn riết đôi vai!/ Hãy dâng cả tình yêu lên ánh mắt!/ Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt… (Xa cách), chứ làm gì vào những giây phút đó lại có “Tình người xoay quanh cái trục ấy”?

Có phải vì “Xuân Diệu là người đã đem đến cho thi ca Việt Nam nhiều cái mới nhất” [244, 716], nên Lưu Khánh Thơ cho rằng: “Cũng giống như một số nhà thơ trong phong trào Thơ mới, trước Cách mạng Xuân Diệu thường sử dụng nhiều hình ảnh ảo và sau này dùng nhiều hình ảnh thực, nhìn chung là ngày càng gần đến với khuynh hướng hiện thực” [274, 26-27]? Thời ngồi ghế nhà trường trung học, lớp trẻ chúng tôi chẳng biết hình ảnh ảo, hình ảnh thực, khuynh hướng hiện thực là gì, nhưng đọc thơ Xuân Diệu, chúng tôi thấy cứ như gan ruột của mình: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu, hoặc Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…/ Im lìm, không dám nói năng chi, hoặc Êm đềm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn…, hoặc Mau với chứ! vội vàng lên với chứ!/ Em, em ơi! tình non sắp già rồi…, hoặc Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì, v.v… Những câu thơ ấy là hình ảnh thực hay hình ảnh ảo? Nói đơn giản như Thế Lữ, người đọc trẻ tuổi dễ chấp nhận: “Người ta đoán thấy dáng điệu đê mê bát ngát của người thi sĩ đa tình trong lúc say sưa đau đớn, người ta hưởng những vị chua chát kỳ dị đằm thắm của nỗi xót thương. Có phải không, ông đã gợi ra hết được những điều mong manh u ẩn trong lòng người và cùng với chúng ta cùng chung những lời thở than tuyệt vọng.

Bởi vì nhà thi sĩ biết yêu, theo nghĩa rộng rãi nhất của tình yêu. Ông có tấm lòng đắm đuối của tất cả mọi người: yêu nhan sắc, yêu non sông, yêu thơ ca, và yêu cả những nỗi buồn thương, nhớ tiếc. Mà yêu là yêu chứ không nghĩ đến tại sao yêu?” [196]. Tình yêu của tuổi mới lớn là như thế, bởi tôi tin, ai đã qua rồi thời tuổi trẻ đều thấy ngày đó Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì. Rung động đầu đời thường không cần “được sự chấp thuận của tổ chức và hai bên gia đình”, cũng không cần sự giáo huấn của ai.

Qua Thơ thơGửi hương cho gió, không biết Phạm Tiến Duật đọc thêm tư liệu nào hoặc nghe ai kể mà viết: “Anh là một trong những người có tài và quyết liệt nhất, bằng thơ, tấn công vào lề lối thơ mòn sáo và trì trệ của thứ thơ hủ nho thuở đó” [169, 371]. Với tôi, nói vậy là… vượt ngưỡng, và chắc Xuân Diệu cũng không vui gì. Lúc Xuân Diệu mới rụt rè bước vào làng thơ, thì Thơ mới đã chiếm lĩnh văn đàn rồi. Xin nhắc lại một chút: Bài thơ đầu tiên của Xuân Diệu được ra mắt bạn đọc là bài Với bàn tay ấy, đăng trên báo Phong hóa, ngày 18-10-1935. Trong lúc đó, tháng giêng năm 1935, nhà xuất bản Đời nay đã ấn hành tập thơ Mấy vần thơ của Thế Lữ. Nói như Hoài Thanh là “Tác giả Mấy vần thơ liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ và nhờ thế đã lập được công lớn, đã mở đường cho các nhà thơ mới sau này” [56, 34]. Vì sao? Vì “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ” [56, 58]. Nghĩa là trước đó, người ta đã “quyết liệt” lắm rồi, đã “tấn công vào lề lối thơ mòn sáo và trì trệ của thứ thơ hủ nho thuở đó” rồi; nghĩa là trước khi Xuân Diệu trình làng bài thơ Với bàn tay ấy, Thế Lữ đã “như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam” [56, 58] rồi.

Hoài Thanh cũng là người đầu tiên phân biệt sự khác nhau giữa thơ mới và thơ cũ. Ông viết: “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa – hay thơ cũ – và thời nay – hay thơ mới – có thể gồm lại trong hai chữ tôi ta. Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi” [56, 52]. Ý này, về sau được nhiều người tiếp nhận và triển khai theo cách nghĩ, cách hiểu của mình qua thơ Xuân Diệu. Với Nguyễn Quốc Túy, thì “Trong Thơ mới Xuân Diệu, mọi tư tưởng, tình cảm, cảm nghĩ của các nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình của nhà thơ đều được cảm nhận và biểu hiện bằng cảm xúc, cảm giác, bằng sự thức nhọn giác quan, kể cả tình yêu” [150, 114].

Lưu Khánh Thơ cho biết: “Trong toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu trước 1945, thơ tình yêu là mảng đề tài ông chú tâm nhiều nhất và đồng thời nó cũng đem lại cho thơ ông một giọng điệu riêng. Hơn ở bất cứ lĩnh vực tình cảm nào khác trong thế giới thơ trước Cách mạng, cái tôi trữ tình của nhà thơ đã được bộc lộ một cách đầy đủ và trọn vẹn, trước hết và chủ yếu qua mảng lớn những bài thơ tình yêu” [97, 288], và khẳng định thêm: “Xuân Diệu đã bộc lộ trong thơ một cái tôi trữ tình phong phú và độc đáo, được biểu hiện dưới nhiều phương thức khác nhau” [274, 22]. Trong lúc đó, Nguyễn Hoành Khung lại thấy: “Cái “tôi” đã đào tới tận đáy của nó, nó bỗng cảm thấy tất cả sự nhỏ bé, trơ trọi của nó trong một thế giới bao la xa lạ. Cuối cùng, nó sợ bắt gặp chính nó: “Cho để riêng em phải gặp lòng em” – tức là nó mơ hồ hiểu rằng không thể lấy cá nhân làm cứu cánh cho cá nhân. Vậy là, với Xuân Diệu, Thơ mới đã lên đến đỉnh cao để rồi bắt đầu đi vào khủng hoảng, bế tắc” [139, 160]. Thương cho Xuân Diệu, rồi cũng mừng cho Xuân Diệu là vừa “bắt đầu đi vào khủng hoảng, bế tắc”, thì Xuân Diệu gặp ngay nền văn học mới, chứ không thì không biết ra sao. Mà nghĩ cho cùng, có khủng hoảng, bế tắc mới có đổi mới, có cách tân. Và trên mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại, chứ không riêng gì thơ, nếu cứ ổn định và bằng lòng với sự ổn định thì làm gì có tiến bộ. Nếu ai cũng bằng lòng với việc đi bộ, đi ngựa, với xe tam mã, tứ mã…, thì làm gì có xe đạp, xe gắn máy, xe hơi… Nhưng Thơ mới ở xứ ta chưa hẳn đã như thế, bởi ảnh hưởng của Thơ mới vẫn còn bàng bạc trong thơ chống Pháp, chống Mỹ, kể cả ngày hôm nay – thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI.

Từ câu thơ Chớ để riêng em gặp phải lòng em trong bài Lời kỹ nữ của Xuân Diệu, thì hơn nửa thế kỷ trước (so với bài viết của Nguyễn Hoành Khung), Hoài Thanh đã cho rằng: “Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố. Người thanh niên Việt Nam được dịp ngó trời cao đất rộng, nhưng cũng nhân đó mà cảm thấy cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người. Họ tưởng có thể nhắm mắt làm liều, lấy cá nhân làm cứu cánh cho cá nhân, lấy sự sống làm mục đích cho sự sống. Song đó chỉ là một cách dối mình. “Chớ để riêng em phải gặp lòng em”, lời khẩn cầu của người kỹ nữ cũng là lời khẩn cầu của con người muôn thuở. Đời sống của cá nhân cần phải vin vào một cái gì thiêng liêng hơn cá nhân và thiêng liêng hơn sự sống” [56, 120-121]. Điều này không ai chối cãi, nhưng nếu không biết mình là ai giữa cõi đời này mà lo “vin vào một cái gì thiêng liêng hơn cá nhân và thiêng liêng hơn sự sống”, thì suốt đời chỉ biết nô lệ cho những thứ thiêng liêng ấy, chứ không thể vượt qua chính mình.

Không chỉ đọc thơ Xuân Diệu mà còn đọc cả thơ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ đã xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, Lê Quang Hưng thấy cái tôi tiểu tư sản của Xuân Diệu rất chi là… bậy bạ. Lê Quang Hưng viết: “Với Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, người yêu còn như “bông hoa phong kín ý yêu đương”. Đến Xuân Diệu, “kẻ uống tình yêu dập cả môi” mà vẫn không lúc nào nguôi nỗi khát thèm. Rõ ràng, tình yêu của cái tôi tiểu tư sản này mang nặng triết lý hưởng thụ” [88, 263]. Nói thế, thì cái tôi của Lưu Trọng Lư là cái tôi tư sản, hay cái tôi vô sản, hay cái tôi nào khác? Trên đời, có nam nhân nào khỏe mạnh khi yêu gái mà không nghĩ tới chuyện “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!”, không muốn “uống tình yêu dập cả môi”?… Nếu “cái tôi tiểu sư sản” là như thế, còn cái tôi của các giai cấp khác, trai gái yêu nhau không muốn “Hình eo, dáng lả, sắc xinh xinh”, không muốn “đòi em cho được”, không muốn “đến kiếm trên môi đẹp/ Một thoáng cười yêu thỏa khát khao”,… nghĩa là “mang nặng triết lý hưởng thụ”, thì tôi tin ngoài một số vị quyết chí xa lánh cõi trần còn tất thảy đều muốn chọn “cái tôi tiểu tư sản” thôi. Với tôi, đó cũng là một trong những biệt thú của đời người.

Lưu Khánh Thơ viết: “Xuân Diệu ra đời như một đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Hơn bất cứ nhà thơ nào khác, ông đã bộc lộ trong thơ một cái tôi trữ tình phong phú và độc đáo” [97, 287]. Chắc Lưu Khánh Thơ không xem lại bản thảo của mình, hoặc đã xem lại nhưng là bài của mình nên không phát hiện cái sai sơ đẳng của người cầm bút. Thơ Xuân Diệu ra đời như một đỉnh cao của phong trào Thơ mới còn nghe được, chứ Xuân Diệu ra đời (1916) thì chỉ biết cất tiếng khóc oe oe thôi, chứ làm sao “như đỉnh cao của phong trào Thơ mới” được. Sai một ly đi một dặm là thế. Nhưng có phải “Cái tôi tự nhận thức, cái tôi thức tỉnh khi con người biết phân thân, biết biến mình thành đối tượng miêu tả của chính mình đã diễn ra trong suốt quá trình của Thơ Mới từ Thế Lữ đến Huy Cận (Chàng Huy Cận xưa nay hay sầu lắm). Nhưng ở Xuân Diệu, có lẽ hơn ai hết, đã tự thể hiện cái tôi của cá nhân – cái tôi riêng của mình một cách phong phú nhất – qua nhiều sự biến hóa nhất, và mỗi hóa thân là một góc, một khía cạnh của con người thơ” [97, 290]? Chuyện này, Nguyễn Huệ Chi cho rằng “chính vì cái “tôi” trước sau vẫn là một thế giới bên trong nên khát khao khám phá ngoại giới cũng không có gì mâu thuẫn với khát khao đi vào cõi lòng sâu thẳm, bước đến tận cùng bản ngã của mình – thuộc địa hạt tâm linh huyền bí của nhà thơ, đúng như cách diễn đạt của Jean-Michel Maulpoix: “Thơ, tự truyện của một khát vọng” (Poésie, autobiographie d’un soif). Thơ là tự truyện vì đây là những chuyện riêng tư của cái “tôi” nhà thơ gửi trao cho người khác. Nhưng khác xa những trải nghiệm đời tư dàn ra theo trật tự thời gian mà nhà thơ – con người thật từng sống, thơ là câu chuyện của những khát vọng ấp ủ và lên men trong tưởng tượng vô cùng giàu có của thi nhân. Tình yêu và sự đam mê, tình cảm mơ mộng, ước ao một chốn Bồng Lai tiên cảnh, hồi tưởng về một dĩ vãng trong trẻo vàng son với sắc màu rực rỡ, nỗi thất vọng giữa lý tưởng và hiện thực, những giây phút ngập ngừng, những nỗi buồn vô duyên cớ, ám ảnh rợn ngợp về cái chết, mặc cảm về thời gian và tuổi trẻ mất đi, sự phẫn nộ đi đến hủy hoại phá phách chính mình, sự tìm kiếm bản thể của mình và cảm giác ngất ngây điên loạn trước những ảo ảnh đảo ngược cả thực tại,… Tất cả, đều là đề tài bất tận để “thơ mới” bộc lộ hết các ngóc ngách khát vọng của cái “tôi”” [142, 77].

Ý kiến của Nguyễn Huệ Chi, tôi thấy về cơ bản đã bao trùm được cái “tôi” của Thơ mới, song cái “tôi” trong thơ Xuân Diệu viết trước Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nhiều ý kiến không kém phần thú vị trong quá trình “nhìn lại”. Lưu Khánh Thơ viết: “Giữa sầu muộn, cô đơn và khao khát đến với đời, giữa tình cảm vừa như đối lập và đơn độc, vừa như gắn bó ấy, hiện lên thật rõ cốt cách Xuân Diệu – một cái tôi khát khao yêu, yêu từ khi chưa có tuổi và yêu cho đến chết, một đời yêu và suốt đời yêu; đau khổ vì yêu và hạnh phúc vì yêu… Một tình yêu vừa vật chất vừa tinh thần, vừa trần tục vừa lý tưởng, vừa đắm say vừa ngờ vực, vừa gần gũi vừa cách xa” [97, 292]. Nhưng chính vì “Trong đời thực không có, nhà thơ đành tìm hạnh phúc tình yêu trong tưởng tượng. Tưởng tượng ở nơi người trần và trong cõi trần. Nhưng cõi trần và người trần không có, thì tưởng tượng tìm sang cõi ma: Hồn đông thế tôi sợ gì cô độc/ Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau/… Kẻ đa tình không cần đủ thịt da/ Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma” [97, 292-293]. Qua thực tế bản thân, tôi nghĩ những ai chưa được yêu, đang tưởng đến người tình trong mộng, mà đọc những chuyện ma, chuyện mị, chuyện hồ… của Bồ Tùng Linh, chắc chắn sẽ thấy Xuân Diệu hiểu mình lắm!

Hoàng Nhân sau khi đọc thơ Xuân Diệu viết trước Cách mạng Tháng Tám, rồi đọc thơ của Lamartine, của Hugo, của Musset, rồi… bênh vực cho Xuân Diệu: “Một chủ đề nổi bật trong thơ anh là khát vọng yêu đương, là tình yêu của tuổi trẻ rạo rực, thiết tha, nồng cháy nhưng không phải là tình yêu u hoài của Lamartine, tình yêu thỏa nguyện của Hugo, tình yêu tuyệt vọng của Musset chỉ dừng lại ở cái cá nhân cái tôi của chính mình” [58, 335-336]. Tôi không biết Xuân Diệu có cần những lời bênh vực này không nhỉ? Nếu thơ Xuân Diệu viết về tình yêu u hoài, tình yêu thỏa nguyện, tình yêu tuyệt vọng… thì đã sao? Chẳng lẽ ba thứ tình yêu đó chỉ dành cho phương Tây, còn người Việt Nam chúng ta không có, hoặc không được phép có? Trong lúc đó, Lưu Khánh Thơ lại thấy “Ý thức cá nhân và một quan niệm thẩm mỹ – nhân sinh mới: quan niệm về cái Tôi được Xuân Diệu biểu hiện tập trung, cao độ nhất ở lĩnh vực tình yêu. Có lẽ đó cũng chính là lĩnh vực bộc lộ tương đối đầy đủ những phẩm chất mới của con người cá nhân tư sản. Với Xuân Diệu bản lĩnh nghệ thuật được bộc lộ rõ rệt nhất ở mảng thơ tình yêu” [274, 21]. Nhận xét này chẳng có gì sai, nhưng tôi cắc cớ thắc mắc: Xuân Diệu làm thơ tình, mà “cái tôi” không “được Xuân Diệu biểu tập tập trung, cao độ nhất ở lĩnh vực tình yêu”, thì tập trung ở đâu? Và “phẩm chất mới của con người cá nhân tư sản” có gì là sai? Chẳng lẽ, chỉ có “con người cá nhân tư sản” mới biết “tập trung, cao độ nhất ở lĩnh vực tình yêu”? Vậy thì qua mảng thơ tình yêu của Xuân Diệu, được ca ngợi suốt thời gian dài như thế, hóa ra chúng ta ca ngợi “con người cá nhân tư sản” à?

Mặc dù không rành lắm về “cái tôi tiểu tư sản”, song thấy Lê Quang Hưng viết: “Đến Xuân Diệu, cái tôi tiểu tư sản ngang nhiên đòi hỏi được thỏa mãn một cách tối đa những nhu cầu của cuộc sống vật chất, của những tình cảm, cảm giác phức tạp, mãnh liệt” [88, 261-262], tôi cũng thấy… oai, vì “cái tôi tiểu sư sản” có bản lĩnh! Nhưng có phải “Dù mộng tưởng quá nhiều ở tình yêu, cuộc đời và không được đáp ứng như mong ước cho nên nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Diệu hay thất vọng, buồn chán và cô đơn” [154, 342]? Xin hỏi, có ai yêu người trong mộng – thứ tình yêu đơn phương, mà không “hay thất vọng, buồn chán và cô đơn”?

Lê Quang Hưng khẳng định: “Không ít nhà Thơ mới có những lần cảm thấy thú vị khi trầm mình trong nỗi cô đơn. Xuân Diệu rất sợ sự lẻ loi, sợ thờ ơ lạnh nhạt” [88, 262], nghĩa là “Xuân Diệu rất sợ sự lẻ loi, sợ thờ ơ lạnh nhạt”, chứ không “hay thất vọng, buồn chán và cô đơn” như nhận định của Nguyễn Thị Hồng Nam mà tôi vừa trích dẫn. Vương Trí Nhàn cũng có bài viết với nhan đề: “Xuân Diệu: Chưa ai thông cảm hết nỗi cô độc của tôi” [254, 251]. Điều này, tôi thấy cũng đúng mà cũng… chưa mấy đúng. Sự cô đơn, cô độc trong thơ, nhất là thơ dành cho những rung động đầu đời thì không thể tin được. Nếu đem những nỗi cô đơn, cô độc trong tình yêu của tuổi mới lớn gắn vào đời họ, thì chắc chắn là… trật lất, bởi nói vậy mà không phải vậy. Tuổi mới lớn mà! Còn nói cả đời thơ Xuân Diệu, thì ai cũng biết Xuân Diệu không vợ, không con, ngày ngày chỉ biết vui với công việc; lấy công việc làm mục đích sống, nhưng không thể nói là Xuân Diệu cô đơn, cô độc. Cô độc là chỉ có một mình, tách khỏi mọi liên hệ với chung quanh. Do vậy, nói Xuân Diệu cô độc là không đúng. Cô đơn là chỉ sống một mình, không có người thân, không nơi nương tựa. Điều này đối với Xuân Diệu cũng chưa hẳn đúng. Sự cô đơn nào cũng dẫn đến nỗi thống khổ cho người chịu đựng nó, còn sống một mình lại không hẳn như thế. Sống một mình còn hơn dự buổi dạ tiệc đầy người nhưng lạc lõng. Nhiều nghiên cứu cho thấy cô đơn không phải đến từ các tác động ngoại lai mà là một trạng thái tâm lý. Gần đây, nhiều tài liệu y học phương Tây nói về “dịch bệnh cô đơn” (epidemic of loneliness). Cô đơn có thể đến vào một thời điểm nào đó và chỉ trong hoàn cảnh đó. Cô đơn ảnh hưởng đến các chức năng cơ bản của tâm sinh lý con người. Trong tác phẩm Loneliness (Sự cô đơn), xuất bản năm 2008, ông John Cacioppo, Giám đốc Trung tâm Nhận thức và Khoa học thần kinh tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết: “Sự cô đơn xâm nhập đến tế bào và thay đổi cả chức năng của gien. Nó không chỉ ảnh hưởng đến não mà ảnh hưởng cả đến ADN”, và ông đã tìm thấy mức epinephrine cao hơn, hormone stress cao hơn trong nước tiểu của người cảm thấy cô đơn vào buổi sáng. Vì thế, những ý kiến nhận xét về vấn đề này chỉ là nhận xét theo cảm tính, thiếu thực tế. Nhưng có phải “Tính chất biện chứng trong quá trình phát triển của chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản ở xã hội thực dân nửa phong kiến thời đó là: khi ý thức sâu sắc được bản ngã của mình đồng thời cũng là lúc cảm thấy đầy đủ nỗi cô đơn, sự vô nghĩa lý của tồn tại bản thân. Sáng tác của Xuân Diệu thể hiện rõ đặc điểm này. Có thể xem Xuân Diệu như chiếc bản lề khép mở hai chặng đời của cái tôi Thơ mới: ở đỉnh cao nhất nó đồng thời bắt đầu khủng hoảng” [88, 263-264], bởi “Từ Thơ thơ (xuất bản năm 1938) đến Gửi hương cho gió (xuất bản năm 1945) cái tôi tiểu tư sản ở Xuân Diệu ngày một lún sâu vào bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ” [88, 264]? Đáng thương cho Xuân Diệu vì sinh không gặp thời. Phải chi Xuân Diệu sinh trễ chừng mươi lăm, vài chục năm, hoặc trễ hơn chút nữa sẽ được học, được trưởng thành dưới nhà trường cách mạng đầy tính ưu việt gấp nhiều lần hơn các nhà trường của bọn đế quốc sài lang thì hay biết bao nhiêu. Nhưng nghĩ lại, nếu đúng chỗ như Lê Quang Hưng mong muốn, chắc chắn chúng ta cũng không có Xuân Diệu của những vần thơ rạo rực đó.

Trong khi ấy, Lý Hoài Thu không thương cảm cho “cái tôi tiểu tư sản” của Xuân Diệu, cũng không chịu thấy “Xuân Diệu ngày một lún sâu vào bi kịch” như Lê Quang Hưng nói, mà chỉ thấy: “Xuân Diệu bước vào thế giới tình yêu là đã mang theo một trái tim nhân hậu: rất mực chân thành và vị tha” [104, 302]. Ý này không sai, song có tình yêu đơn phương/ tình yêu trong mộng nào lại không chân thành? Tình yêu trong mộng thường là tình yêu đơn phương, luôn rất chân thành, nhưng chẳng mấy khi được đền đáp; nếu không vị tha thì Xuân Diệu làm gì? Hại người ư? Nếu Xuân Diệu xử sự như vậy là cách xử sự của bọn côn đồ, chứ không phải cách xử sự của nhà thơ và chúng ta không có nhà-thơ-Xuân-Diệu.

Hà Minh Đức cũng có nhận xét tương tự, nhưng… dễ nghe hơn: “Trong thơ Xuân Diệu tình yêu đôi lứa được biểu hiện với nhiều mẫu hình và tâm trạng nhưng nhất quán đều in đậm bản sắc riêng: nhiệt tình, gắn bó, khao khát, nhưng không được thỏa mãn” [47, 167]. Yêu trong mộng, người tình trong mộng, thì chỉ có mộng chứ làm sao có thực được mà thỏa mãn. Còn nói: “Đã gần gũi nhưng vẫn thấy còn xa cách, đã yêu đương nhưng không thể lạnh lùng mà phải nói, phải bộc lộ. Tác giả đi tìm tuyệt đích và vô biên nhưng chỉ gặp hữu hạn” [47, 167-168], là làm khó cho Xuân Diệu. Đã là mộng thì mọi thứ vuốt ve, hôn hít, cầm tay… đều là sự tưởng tượng của tuổi mới biết rung động trước người khác phái. Nếu Xuân Diệu đến được tuyệt đích, thì có khi phải tìm tới “say”: Em ơi lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai (Say), tìm tới hận: Là thế, là thôi, là thế đó!/ Mười năm thôi thế mộng tan tành/ Mười năm trăng cũ ai nguyền ước/ Tố của Hoàng ơi! Tố của Anh” (Mười hai tháng sáu), tìm đến điên loạn: “Tay gõ vào bia mười ngón giập/ Mười năm theo máu hận trào rơi/ Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp/ Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi” (Mười hai tháng sáu)… Trong cái rủi đã nẩy mầm cái may, trong cái may có nẩy mầm cái rủi, nên chưa biết thế nào là may, thế nào là rủi. Nhờ vậy, mà mỗi đời người đều có cái thú riêng về may và rủi, người ngoài khó hiểu được tường tận.

Chuyên gia đầu ngành của một thời về văn học Việt Nam (giai đoạn 1930-1945), Phan Cự Đệ cho rằng: “Cái “Tôi” trong Thơ mới trốn vào nhiều nẻo, có nhiều màu sắc phức tạp khác, nhưng ở đâu nó cũng buồncô đơn. Không có lối thoát, không thấy tương lai, chỉ thấy đất trời tối tăm mù mịt, cho nên Thơ mới vừa cất tiếng chào đời đã buồn ngay trong bản chất. Nỗi buồn vẩn vơ, nỗi buồn “mênh mông”, “xa vắng” đó đã kết tinh lại trong hình tượng một tiếng gà gáy trưa buồn rười rượi giữa một buổi nắng hè vắng lặng: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng…” (Lưu Trọng Lư); “Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa/ Chết không gian khô héo cả hồn cao” (Xuân Diệu)” [171, 564]… Cái anh Thơ mới kể cũng rách việc, và cái bọn đế quốc sài lang kể cũng thâm. Chúng đào tạo ra một lớp người không chịu làm thơ cách mạng mà lao vào làm Thơ mới khiến cho người ta cứ bàn tới bàn lui hết đời này tới đời khác, tốn giấy, tốn mực, tốn sức suy nghĩ, tốn thời gian người đọc… Đủ thứ tốn, mà những tốn kém ấy đều quy được thành tiền đống cả đấy, chứ phải lời nói gió bay đâu. Tiền ấy là tiền mồ hôi nước mắt của dân mình, chứ phải của bọn chúng đâu. Nghĩ tới mà kinh! Nhưng mới rồi, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – tác giả có thơ trong sách giáo khoa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – lại nói: “Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói dối… Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm… nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người” [62]. Tôi tin lập trường chính trị của Phan Cự Đệ chắc chắn không bằng Nguyễn Khoa Điềm, bởi nếu sự tái sinh có thật thì Phan Cự Đệ có tái sinh mười kiếp, lên gân bảo vệ chế độ gấp triệu triệu lần hơn cũng chưa chắc vào được Bộ Chính trị như Nguyễn Khoa Điềm. Do đó, khi đọc những dòng viết của Phan Cự Đệ, tôi thấy… sượng sượng, rồi lại thấy thương thương cho thân phận người được gọi là trí thức của một thời.

Nguyễn Thị Hồng Nam cho hay: “Các nhà thơ lãng mạn muốn thay đổi hiện tại bằng cách thay đổi không gian. Đó là điều không tưởng. Những chuyến giang hồ của các nghệ sĩ: Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính… là cách hướng tới cái gì đó ngoài thực tại, nhưng dù có trải qua nhiều những chuyến giang hồ đến đâu thì đó cũng chỉ là “giang hồ vặt”. Rút cuộc họ vẫn phải quay về với thực tại” [154, 342]. Đây là suy nghĩ không đúng. Những chuyến giang hồ ấy, dù là “giang hồ vặt” cũng thú lắm. Tôi tin chắc, những chuyến “giang hồ vặt” đó, họ không lên trời sống với chị Hằng, với tiên nữ mà sống và vui buồn với con người ở cõi đời ô trọc này. Ông cha ta thường dạy: Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn; Đi ngày đàng, học sàng khôn; Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường thấy lắm kẻ giòn hơn ta… Tuổi trẻ thường muốn những chuyến đi như thế, và rất nên, rất nhiều lần “thay đổi không gian” như thế để tầm nhìn ít ra cũng vượt quá bờ tre quanh nhà, nếu không thì… chán lắm. Bản thân tôi bây giờ đã quá lục tuần, ấy mà khi có điều kiện là đi ngay và luôn thích thú với những chuyến đi ấy dù ngắn ngày hay dài ngày. Vì vậy, nói như Nguyễn Thị Hồng Nam là gán ghép cho có chuyện để nói, chứ không đúng với thực tế cuộc sống, nhất là cuộc sống của những thanh niên không chịu ẩn mình trong ốc đảo gia đình, dù đó là tháp ngà hạnh phúc. Chẳng lẽ đòi họ đi làm cách mạng mới gọi là đi, còn ngược lại chỉ là “giang hồ vặt”? Đời người rất cần những chuyến “giang hồ vặt” ấy, còn chuyện to lớn xin dành cho những người muốn làm việc to lớn, chứ mấy anh nhà thơ, nhà văn được những chuyến giang hồ vặt như thế là vui rồi.  Theo Hà Minh Đức, “Xuân Diệu là người viết có ý thức về các phạm vi biểu hiện về thơ, về hình ảnh ngôn từ, nhạc điệu. Nhà thơ ghi nhận và miêu tả đối tượng trong không gian và thời gian cụ thể của cuộc đời và của nghệ thuật. Đó là không gian trần thế rất gần gũi, không hề xa lạ. Không gian thấm vị đời nhưng được gạn lọc không náo động, xô bồ mà thanh cao, gợi cảm, thích hợp cho đôi lứa trong yêu đương” [47, 169-170].

Là người cùng thời và là bạn thơ của Xuân Diệu trong nhiều chục năm (trước và sau Cách mạng Tháng Tám), Nguyễn Xuân Sanh viết: “Tôi thấy trong thơ Xuân Diệu giai đoạn đầu của anh, thời gian và không gian đi lẫn với nhau, cuộn vào nhau, có khi xen kẽ hòa tấu thành bản nhạc ca ngợi cái đẹp, cái mới, cái tình của cuộc đời. Cụ thể hơn là ca ngợi sự sống của con người, của tình yêu, của đôi sự lẻ tẻ thường ngày mà đã được bàn tay và tâm hồn nghệ thuật của Xuân Diệu nâng lên tầng thẩm mỹ của việc đời, của sự lo đời mà không phải con người thiết thực và giàu tâm tưởng như Xuân Diệu không hằng để tâm khai thác” [160, 407]. Hà Minh Đức cũng thấy: “Thời gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là thời gian của hiện tại. Hiện tại luôn được miêu tả trong tương quan với quá khứ, so sánh với quá khứ. Chưa có nhà thơ nào trong phong trào Thơ mới có ý thức về thời gian rõ rệt như Xuân Diệu. Khi đã chán nản và quay lưng lại với cuộc đời hiện tại, khi đã thoát ly hiện thực và đắm chìm trong những thế giới xa xôi và xa lạ thì thời gian cũng bị xóa nhòa ranh giới và ít có khả năng tạo giao cảm và biểu hiện. Xuân Diệu yêu đời, quan tâm đến thời khắc, nhịp đời và những phút giây hạnh phúc nhưng vẫn rất lo lắng về sự mong manh và ngắn ngủi của thời gian và hạnh phúc hiện tại: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần/ Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân/ Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất (Vội vàng)” [47, 165-166]. Tôi đọc không được nhiều, nhưng thấy các nhà thơ trong phong trào Thơ mới đâu chỉ có mỗi Xuân Diệu mới có ý thức về thời gian như vậy. Thái Can có viết: Một ngày là một đóa hoa tươi/ Sớm với bình minh mỉm miệng cười/ Theo bóng tà dương chiều đã tạ/ Trông thời gian mãi lững lờ trôi (Những ngày qua), hoặc Lòng em một phút yêu anh thế/ Cũng thể yêu anh suốt một đời (Phút yêu đương); J. Leiba viết: “Má đỏ, xuân em chỉ có thì/ Xuân qua, phó nhẽ đợi anh về/ Tương tư lệ nhỏ phai màu phấn/ Anh hỡi! yêu nhau há đợi gì?” (Năm qua), hoặc “Hoa mai đã tạ, lá mai vàng/ Vàng úa đầu cành, ủ bóng dương/ Lác đác mai già rơi mặt đất/ Hoa xưa thành quả, quả nay tàn!” (Mai rụng); Lưu Trọng Lư viết: “Mời anh cạn hết chén này/ Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn/ Tiếng gà đã rộn đầu thôn/ Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay” (Giang hồ), v.v.

Chính Hà Minh Đức cũng thấy điều này: “Trong phong trào Thơ mới, mỗi nhà thơ có một thế giới nghệ thuật và phong cách riêng thể hiện sức sáng tạo của cá nhân không trộn lẫn với cái chung mờ nhạt và công thức” [47, 169]. Và chính điều này đã làm cho Thơ mới nói riêng, văn chương ở giai đoạn này nói chung có những thành tựu đáng kể, nếu không nói là thành tựu lớn trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Nhưng có phải “Xuân Diệu đã nói được tình yêu lứa đôi của thời kỳ hiện đại với nhiều trạng thái tình cảm, nhiều cung bậc trong tình yêu, hợp với tâm lý của tuổi trẻ hôm qua và cả của ngày mai, hay nói đúng hơn Xuân Diệu đã mở được cánh cửa của quy luật tình yêu muôn đời” [47, 168]? Xuân Diệu quả có đóng góp quan trọng trong mảng thơ viết về tình yêu lứa đôi từ xưa tới nay, nhưng nói “Xuân Diệu đã mở được cánh cửa của quy luật tình yêu muôn đời”, thì hơi quá, bởi tình yêu trai gái chẳng có quy luật nào cả. Với tôi, trong thơ tình, Xuân Diệu nói được những tâm trạng của lớp người mới lớn – những rung động đầu đời của những con tim mới biết loạn nhịp khi thấy người khác phái. Nhờ vậy, thơ Xuân Diệu tồn tại được với thời gian, chứ không phải vì “Xuân Diệu đã mở được cánh cửa của quy luật tình yêu muôn đời”.

Và cũng có phải “Khó nói hết vai trò cách tân to lớn của Xuân Diệu đối với thơ ca Việt Nam khi đó” [139, 160]? Nói khó thì cũng khó, song không thể cầu toàn. Thế Lữ, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan,… kể cả một số nhà nghiên cứu sau này đã nói như thế đối với một tác giả cũng đã nhiều rồi, tương đối rõ lắm rồi. Khi viết công trình này, phần thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám, tôi cũng không biết viết gì, vì những gì muốn nói, muốn viết đã có người nói rồi, viết rồi, nên chỉ nhắc lại những kỷ niệm của một thời với thơ Xuân Diệu là chính.

Với nhận định của Lê Đình Kỵ: “Xuân Diệu đã xuất hiện trong phong trào thơ mới với tất cả lòng say mê yêu đời, khao khát cảm thông, đòi yêu và được yêu” [85, 194], tôi xin được thêm một từ: đòi – đòi được yêu, bởi đã “được yêu” rồi thì mất đi cái chất “non tơ” trong thơ tình Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám. Vả lại, âm hưởng chủ đạo trong hai tập Thơ thơGửi hương cho gió là đòi yêu, mời yêu và… đòi được yêu.

Tóm lại, thời của chúng tôi, chữ quốc ngữ đã đi vào ổn định, nên việc “cách mệnh” chữ nghĩa của Xuân Diệu như cách nói Vũ Ngọc Phan hồi những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, hầu như không còn ai để ý. Nhưng chúng tôi thấy những nhận định về thơ Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám của Vũ Ngọc Phan cứ như nói hộ cho mình: “Với những nguồn hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù là lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía” [244, 719], và “thơ ông là cả một bầu xuân, thơ ông là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ” [244, 719]. Đơn giản thế thôi!

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây