Đối tượng ưu tiên khi tìm đến đặc trưng nghệ thuật – Tiến sĩ Lâm Vinh

đặc trưng nghệ thuật

ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN KHI TÌM ĐẾN ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT

Đặc trưng nghiêng về chủ thể – chủ thể là ai?

Hình mẫu: : từ âm nhạc và thơ.

Mác nói về “cái khó” giải thích trong nghệ thuật.

  1. Tìm một thước đo

Một nhà triết học đã nói: dùng giải phẩu con người để hiểu giải phẩu con khỉ. Nghĩa là, lấy trình độ phát triển của cơ thể con người làm thước đo trình độ phát triển của những hình thức thấp hơn, và cũng chỉ về mặt giải phẩu cơ thể mà thôi. Nói cách giản đơn, lấy một cấu trúc lý tưởng để làm thước đo trình độ của những cấu trúc khác cùng chủng loại.

Vậy ta thử tìm một cơ chế đặc trưng nghệ thuật để làm thước đo phân biệt những hình thức khác nhau trong quá trình thẩm mỹ hóa và nghệ thuật hóa.

Phần trình bày ở chương này về đặc trưng của nghệ thuật đơn tính không phải hình thức viết lại đầy đủ như giáo trình, mà chỉ nhằm mục tiêu đối chiếu, so sánh, theo góc độ hình thái học: hệ thống hóa những yếu tố đặc trưng của loại nghệ thuật thuần túy, đơn tính, nhằm làm một thứ thước đo, để tìm ra sự khác biệt giữa nghệ thuật, phi nghệ thuật và tiền nghệ thuật. Nếu có những tri thức thông thường nào đó, như “nghệ thuật là tình cảm”, “là hình tượng” v.v…, cũng cố gắng tìm thêm một cách trình bày khác đôi chút, so với các tài liệu trước đây.

Một phạm trù nào đó, như “tính hình tượng” chẳng hạn, hay một câu định nghĩa thật súc tích,  cũng chỉ nói lên được một phương diện của đặc trưng nghệ thuật mà thôi. Đặc trưng của nghệ thuật là cả một cơ chế, cũng có thể nói là một hệ thống, những khái niệm, phạm trù, những quy luật.

Trước nay các công trình dẫn luận về mỹ học thường dành cho đặc trưng nghệ thuật vị trí trọng yếu. Có hai loại công trình dẫn luận mỹ học: một loại chỉ tập trung nói về nghệ thuật, chủ yếu là đặc trưng của nghệ thuật, tiêu biểu nhất là giáo trình của Hegel, một loại khác có hai phần rõ rệt: phần đầu nói về các phạm trù mỹ học cơ bản (cái đẹp, cái bi…) phần thứ hai là phần đặc trưng nghệ thuật. Hegel cũng có đề dẫn về phạm trù cái đẹp, nhưng chỉ là mở đầu, để chuẩn bị nói về “cái đẹp trong nghệ thuật”.

Có những cách trình bày khác nhau về đặc trưng nghệ thuật: hoặc trình bày nhấn mạnh một phạm trù cơ bản, như tính hình tượng ( Timopheev); hoặc trình bày một hệ thống vấn đề (Pospelov, và một số giáo trình mỹ học); hoặc tách thành hai nội dung: đặc trưng xã hội, đặc trưng thẩm mỹ, với hai mục riêng: Đặc trưng nghệ thuật, Bản chất xã hội của nghệ thuật (Giáo trình mỹ học LX 1973,1983).

Nội dung chương này được triển khai trên 4 bình diện: sinh thành, cấu trúc, chức năng, sự vận động.

  1. Đặc trưng – nghiêng về chủ thể – Chủ thể là ai?

Hình như trước những hiện tượng quá thông thường, quá hiển nhiên người ta không quan tâm, không đặt nó vào đối tượng nghiên cứu. Cũng vì vậy mà trong đời sống văn học nghệ thuật, đời sống thẩm mỹ, khi đặt câu hỏi về một sự kiện thông thường, hiển nhiên, liền thấy những ngỡ ngàng, lúng túng, hoặc trả lời chiếu lệ.

Thí dụ một vài câu hỏi loại đó:

Vì sao một bức tranh của họa sĩ Hà Lan Van Gogh đã bán tới 50 triệu, 80 triệu đô la (như bức Vườn hoa diên vĩ), trong khi phiên bản giống y hệt những bức tranh đó, ,mắt thường không thể phân biệt được là tranh gốc hay phiên bản, lại chỉ có một vài trăm đô la?

Vì sao cùng một cốt truyện, cùng một câu chuyện trùng nhau đến từng chi tiết, nhưng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân chỉ là một tác phẩm bình thường, còn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du lại là một kiệt tác?

Cả hai sự kiện trên, đều giống nhau về so sánh giữa kiệt tác và cái giống như kiệt tác. Có nhiều hiện tượng tương tự, trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật. Cùng sử dụng một cốt truyện, một nhân vật trong truyền thuyết hoặc nhân vật lịch sử, nhưng tác phẩm (văn học, điêu khắc, hội họa…) này trở thành kiệt tác, còn các tác phẩm khác thì không. Một cách trả lời đơn giản và rất đúng, nguyên nhân thuộc về chủ thể sáng tạo. Sự hơn kém được đối chiếu phân tích ngay từ trong tác phẩm, tác phẩm nói cái gì, như vậy cũng đúng. Nhưng sự phân tích tìm những lý do nơi quá trình sáng tạo từ chủ thể đến tác phẩm, ai đã nói và nói như thế nào, thì ít làm trước đây. Và quá trình tạo ra những kiệt tác, những chính phẩm nghệ thuật như vậy mới được một số ít nhà nghiên cứu lao động sáng tác và tâm lý sáng tác thực hiện một cách hạn chế. Chủ thể sáng tạo vẩn luôn là đối tượng ở phía trước, và nhiều phương diện của quá trình từ chủ thể đến tác phẩm vẩn chưa được nghiên cứu đúng mức.

Để bổ khuyết tình trạng trên, chưa bao giờ mỹ học và khoa học phụ cận (tâm lý học nghệ thuật, xã hội học nghệ thuật) lại quan tâm đến việc nghiên cứu chủ thể nghệ thuật như vài ba thập niên cuối thế kỷ này, quá trình này cũng được đưa vào hoạt động nghiên cứu – giảng dạy, thay vì trước đây chỉ chăm chắm vào tác phẩm và những gì được kể trong tác phẩm.

“Do chỗ phương thức nhận thức nghệ thuật vốn có ở các quá trình tâm thần, nên không những phải nói tới các đặc điểm của việc ghi nhận về đối tượng trong dạng tác phẩm, mà còn phải nói tới cả bản thân “cơ chế tâm thần” của sáng tạo và cảm thụ, vì nằm ngoài cơ chế đó mà nghệ thuật sẽ là vô hiệu”. (M. Markov – Nghệ thuật là một quá trình, MTK, 1970).

Nếu xem văn học nghệ thuật là hoạt động nhận thức, vấn đề nghiên cứu chủ thể là quan trọng; chưa nói văn học đồng thời là một hoạt động giá trị (axiologie). Nhận thức hay giá trị đều là quan hệ tương tác giữa chủ thể và khách thể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh viết:

“Trong lý luận văn chương nghệ thuật cũng có thời gian hầu như không có nói đến hoặc rất ngần ngại khi phải nói đến cá tính sáng tạo và chức năng tự biểu hiện trong văn chương nghệ thuật.”

Và dẫn lời Tolstoi:

“Tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật không phải do sự thống nhất của ý định sáng tạo, cũng  không  phải do việc xây dựng các nhân vật  v.v… mà do tính sáng sủa xác định trong thái độ của chính tác giả đối với cuộc sống,thái độ đó, xuyên thấm toàn bộ tác phẩm.” ( Nguyễn Văn Hạnh – Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, HN, 1995)

Một tác giả khác cũng viết về vấn đề này trên báo Văn nghệ:

“Cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu lấy chủ thể làm đối tượng suy tư. Hãy để phạm vi hiện tượng khách thể cho khoa học. Văn học cần bước thêm một bước nữa thực hiện chủ thể trong bản thân con người.” (Nguyễn Thanh Hùng: “Chủ thể phân ly trong văn học” Báo Văn nghệ số 32 – 1995)

Ai là chủ thể sáng tạo nghệ thuật?

Câu đầu tiên của tác phẩm Nghệ thuật thơ ca của Boileau:

“Nếu không cảm thấy được ảnh hưởng thầm kín của trời, nếu lúc sơ sinh không có sao đào hoa chiếu mệnh, thì một nhà thơ không thể có ý nghĩ táo bạo rằng trong nghệ thuật thơ ca, mình lại có thể đạt tới đỉnh cao của Thái Sơn được.”

Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên ra tập thơ đầu tiên, Hoài Thanh đã viết:

“Quyển “Điêu tàn” đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” (Thi Nhân Việt Nam). Không rõ người thiếu niên 17 tuổi có được ảnh hưởng thầm kín của trời, có được sao đào hoa chiếu mệnh như thế nào, đã táo bạo viết nên những câu thơ làm kinh ngạc cả một thế hệ độc giả như vậy. Chế Lan Viên và Xuân Diệu, Huy Cận bấy giờ được xem như những tài năng hiếm có, đã tạo nên “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh).Thế kỉ XX sắp khép lại, công đầu tạo nên nền thơ đẹp nhất của thế kỷ là thuộc về họ. Có những thiên tài thì mới có thơ ca thực sự, nhưng điều đó đã từng được nhắc tới như thế nào trong lý luận.

Người ta đã định nghĩa rất nhiều nghệ thuật là gì, nhưng ít người quan tâm đến một định nghĩa đơn giản nhất: “Nghệ thuật là hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ”, hoặc: “Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm được sáng tạo bởi những tài năng (những thiên tài) nghệ thuật”. (Xem chú thích trang 199)

Chức danh nghệ sĩ, tài năng, thiên tài đích thực về nghệ thuật vốn được nhắc tới nhiều trong lịch sử nghiên cứu nghệ thuật, nhưng cũng nhiều lần bị lãng quên .Trong các tài liệu mỹ học, kể cả những cuốn sách giáo khoa quan trọng nhất, chỉ bàn đến vấn đề này một cách chiếu lệ. Trong khi đó, nếu không có những nghệ sĩ, những thiên tài nghệ thuật, thì cũng sẽ không lấy đâu ra những nền văn hóa nghệ thuật cho các nhà mỹ học dày công nghiên cứu .Trong giáo trình mỹ học của các trường đại học Liên Xô cũ (xuất bản năm 1973 và 1983) có một tiểu mục “Tài năng nghệ thuật” nằm trong mục “Quá trình sáng tạo”. Với hơn một trang sách, vấn đề tài năng, được nhấn mạnh là “có ý nghĩa lớn” nhưng chỉ là tiền đề cho những phân tích theo khuynh hướng quyết định luận về mặt xã hội. Tại Việt Nam, một đôi lần được các nhà lãnh đạo nhắc tới, còn trong các công trình lý luận hầu như rất hiếm có trường hợp bàn đến vấn đề này.[1]

Việc phê phán tư tưởng thần bí duy tâm về thiên tài, việc xác định vai trò của lao động rèn luyện, của giáo dục xã hội và gia đình để góp phần nuôi dưỡng thiên tài, là những việc làm cần thiết. Nhưng trong khi đó làm giảm tính quan trọng có ý nghĩa tiền đề của nhân tố bẩm sinh, là phủ định trên thực tế ý nghĩa của thiên tài. Vì nếu không có nhân tố đó thì không thể có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương trước đây, và không có Xuân Diệu, Chế Lan Viên sau này.

Trước hết cần nói rằng khi trình bày những luận điểm về bản chất đặc trưng của nghệ thuật, các công trình mỹ hoc và lý luận văn học không phân tích đúng mức tầm quan trọng của chủ thể nghệ thuật, trong đó vấn đề chủ thể là nghệ sĩ, là thiên tài càng không nói hoặc nói rất ít, chiếu lệ. Trong khi đó, lý thuyết về thiên tài, về cảm hứng của thiên tài nghệ thuật, là một bí ẩn luôn trở thành mảnh đất tranh luận của đủ loại quan điểm và khuynh hướng.

Khi nêu nguyên nhân làm nảy sinh ra nghệ thuật thơ ca, Aristotle cho rằng nguyên nhân đầu tiên là sự bắt chước. “Sự bắt chước vốn sẵn có ở con người từ thuở nhỏ và con người khác giống vật chính ở chỗ họ có tài bắt chước” (Nghệ thuật thơ ca – chương 4). Năng lực gọi là “bắt chước” này chính là năng lực sáng tạo nghệ thuật, đã có sẵn từ thời thơ ấu đồng thời là đặc tính để phân biệt người và vật, có nghĩa là hiện tượng di truyền và bẩm sinh.

Trong phần đầu giáo trình mỹ học, Hegel đã phân tích vai trò của tài năng và thiên tài.

“Xuất phát từ đó, người ta bắt đầu thừa nhận tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của tài năng và thiên tài và khẳng định những mặt tài năng  và thiên tài có được nhờ tự nhiên. Một phần điều đó là hoàn toàn đúng. Bởi vì tài năng là một loại đặc biệt và thiên tài là một khả năng toàn diện, là những cái con người không thể chỉ dùng hoạt động có ý thức mà đạt được.” (Hegel nhấn mạnh)

Sau đó Hegel đã phân tích một cách hợp lý tác dụng của tài năng và thiên tài có khác nhau giữa các nghệ thuật: với âm nhạc nó có tác dụng to lớn ngay từ thơ ấu, nhưng với văn học nó cần được tiếp tục bồi đắp rèn luyện nhiều trong trường đời thì mới đạt được thành công. Ông lấy dẫn chứng ngay trong trường hợp Goethe, F.Schiller, và cả Homer.

Nhà mỹ học Trung Hoa Chu Quang Tiềm cũng nêu ba yếu tố hình thành tài năng nghệ thuật: năng khiếu, hoàn cảnh và sự tự học hỏi rèn luyện.

Hiện tượng thiên tài cũng như cái đẹp và nghệ thuật, luôn luôn ẩn chứa những bí mật và định nghĩa nào cũng chỉ đạt tới một phần ý nghĩa. Những phát minh khoa học cũng do những bậc thiên tài, nhưng nếu không có Acsimet hay Newton, thì sau đó cũng sẽ có người tìm ra những định luật y hệt như vậy. Còn tác phẩm của Homer, của Hugo hay của Hàn Mạc Tử thì chỉ có một lần duy nhất.

Khoa học tiến bộ, phát triển tuần tự theo thời gian, nhưng nghệ thuật, thiên tài không nhất thiết thời đại sau thì hơn thời đại trước.

Một điều đơn giản, có văn chương đích thực thì đã có những nhà văn, nghệ sĩ đích thực. Nhà văn, nghệ sĩ đích thực là những người có tài, mà “Những người không có tài thì nên đi làm nghề khác hơn là làm văn nghệ” (Phạm Văn Đồng, sđd). Vậy “tài” là gì đây, sao không đi sâu giải thích (về lịch sử quan niệm của “tài”, tài năng, thiên tài, về cấu trúc đích thực của nó, nếu không còn là hiện tượng thần bí).

Ở đây không có ý định lý giải những vấn đề lý thuyết về thiên tài, chỉ cốt nêu vấn đề về chủ thể nghệ thuật, để từ đó phân biệt với hai loại chủ thể thẩm mỹ – phi nghệ thuật và thẩm mỹ – tiền nghệ thuật.

Khái niệm thiên tài ở đây sử dụng với ý nghĩa rộng, chỉ loại người có năng khiếu bẩm sinh, có những thiên tư đặc biệt khác những tài năng khác, không sử dụng như những trường hợp chỉ nói về những nghệ sĩ vĩ đại, đó là dùng theo nghĩa hẹp.

“…muốn đạt đến cái trình độ ở đấy nghệ thuật thật sự bắt đầu thì phải có một tài năng nghệ thuật bẩm sinh to lớn”. [Hegel, Bản Roneo, HN, 1973]

Nhưng: “Kể ra khả năng bẩm sinh vẫn chưa nói hết bản chất của tài năng và thiên tài, bởi vì sáng tác nghệ thuật còn là một hoạt động tinh thần tự giác nữa”. [Hegel, Bản Roneo, HN, 1973]

Riêng với thiên tài trong ngành văn, Hêgel nhấn mạnh nhiều đến sự tự tu dưỡng về văn hóa, đòi hỏi đó hơn cả với những ngành mà vai trò của năng khiếu rất nổi bật, như âm nhạc. [2]

“Tài năng âm nhạc phần lớn xuất hiện vào lúc tuổi thơ, khi đầu óc còn trống rỗng và tâm hồn chưa từng trải bao nhiêu, thậm chí đôi khi tài năng âm nhạc có thể đạt đến một trình độ cao đáng kể trước khi nghệ sĩ có bất kỳ kinh nghiệm nào về tinh thần và về cuộc đời… Đối với thơ vấn đề khác hẳn. Ở thơ sự biểu hiện đầy đủ nội dung, phong phú về tư tưởng của con người, những hứng thú sâu sắc nhất và những động lực của con người có một tầm quan trọng to lớn về tư tưởng. Chính vì vậy mà bản thân trí tuệ và tình cảm của thiên tài cần phải được những cảm nghĩ tinh thần, kinh nghiệm và sự suy nghĩ làm cho phong phú và sâu sắc thêm” [Hegel, Bản Roneo, HN, 1973]

Hegel dẫn chứng trường hợp Goethe và F.Shiller, về những sáng tác lúc còn trẻ và khi cao tuổi của họ: “Những tác phẩm đầu tiên của Goethe và F.Shiller là không thành thục một cách rõ rệt và có thể nói thô lỗ và dã man. Chỉ khi đạt tới tuổi trưởng thành, hai thiên tài này, có thể nói, mới có cấp cho dân tộc ta lần đầu tiên những tác phẩm thực sự nên thơ… Homer cũng đến lúc già mới có cảm hứng và sáng tác những bản trường ca muôn đời bất tử” [Hegel, Bản Roneo, HN, 1973]

“Sự thật là sự đặc sắc… hoàn toàn không phải công việc của bản năng hay trực giác, như một số người thường nói. Nói chung, để có nó thì nên tìm nó bằng lao động thực sự” [Edgar Poe]

Sự phân biệt nghệ sĩ – nghệ nhân liên quan đến cặp khái niệm khác là thiên tài và nhân tài (hoặc tài năng).

Nghệ sĩ là người có năng khiếu, thiên tư, có tài năng đặc biệt, là một loại thiên tài, có thể gọi là “kiểu nghệ sĩ”.

Nghệ nhân là người có tài năng, có “bàn tay vàng”, là một loại nhân tài, nhưng không nhất thiết phải có năng khiếu, thiên tư, gọi là “kiểu nghệ nhân”.

Tóm lại có thể nói, nghệ thuật thuần túy, đơn tính, có được là nhờ có một loại chủ thể sáng tạo riêng biệt – người nghệ sĩ. Còn nghệ thuật ứng dung – lưỡng tính là địa bàn chủ yếu của những chủ thể – nghệ nhân. Có những người sáng tác cả hai loại nghệ thuật, sắm một lúc cả hai vai nghệ sĩ và nghệ nhân.

Cũng có những nghệ nhân có tâm hồn nghệ sĩ.Sự “phân công” này là tự nhiên, do họ đi vào lĩnh vực sáng tác nào. Cũng như ranh giới không rạch ròi giữa hai loại nghệ thuật, sự phân biệt nghệ sĩ và nghệ nhân cũng không có tính tuyệt đối. Dù sao vẫn cần phải phân biệt. Sự phân biệt này cũng chỉ có ý nghĩa hình thái học, không có ý nghĩa đẳng cấp, ngôi thứ về văn hóa hay xã hội. Năng lực năng khiếu phải xem xét từ hiệu quả những gì mà con người nào đó đã tạo ra, nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự hay chỉ là một sản phẩm đẹp.

Thế là khoa học hình thái học nghệ thuật không chỉ phân loại nghệ thuật, đến đây còn thêm việc, thêm mục phân loại chủ thể sáng tạo: đây cũng là việc không kém phần quan trọng, vì sản phẩm làm ra cần có chủ sở hữu tương ứng.

Vậy ba bậc thang mỹ hóa có ba loại chủ sở hữu – ba dạng chủ thể như sau:

  • Chủ thể thẩm mỹ – phi nghệ thuật: đây là dạng “mỗi con người có một Raphael trong mình” (Marx, Engels), “con người bẩm sinh là nghệ sĩ” (Herder, Gorkij), những khả năng thể hiện cái đẹp tiềm tàng ở mỗi con người, cũng là vườn ươm cho mọi tài năng và thiên tài nghệ thuật.
  • Chủ thể thẩm mỹ – tiền nghệ thuật: đây là dạng những nghệ nhân, những “bàn tay vàng” của các ngành nghệ thuật, những tác giả của ca dao, dân ca, truyện kể dân gian, và những tác giả của văn chương ứng dụng (ký, luận văn học) thời hiện đại. Dạng chủ thẻ này cũng có những khả năng từ tài năng vươn tới tài năng đặc biệt – thiên tài nghệ thuật.
  • Chủ thể thẩm mỹ – nghệ thuật: đây là dạng những nghệ sĩ, có tài năng đặc biệt – những thiên tài nghệ thuật, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật thuần nhất – đơn tính.

Vậy ta cũng có một số sơ đồ như sau:

(Cũng có thể sử dụng khái niệm tài năng đối với cả nghệ nhân – sáng tác ứng dụng, và nghệ sĩ – sáng tác nghệ thuật thuần túy, nhưng trường hợp thứ nhất nên gọi là tài năng, trường hợp thứ hai là tài năng đặc biệt – cũng có nghĩa là thiên tài)[3]

  1. Hình mẫu: từ âm nhạc và thơ

Nếu muốn tìm một thước đo, nếu muốn tìm một hình mẫu, nơi tập trung những đặc trưng quan trọng nhất của nghệ thuật – trước hết là đặc trưng về vai trò của chủ thể nghệ thuật – thì có thể tìm đến với âm nhạc và thơ.

Không phải ngẫu nhiên mà người Hy Lạp xưa lấy tên chung các nữ thần nghệ thuật để gọi âm nhạc: muydơ (muses). Không phải ngẫu nhiên khi cần đến hình ảnh tượng trưng cho sự quyến rũ, sức mạnh của nghệ thuật, người ta mượn hình ảnh huyền thoại về tiếng đàn Orphé, tiếng sáo Trương Lương, tiếng đàn Thạch Sanh, tiếng hát Trương Chi. Tiếng đàn Orphé làm sông ngừng chảy, lá ngừng rơi, mãnh thú trở nên hiền lành, quỷ sứ không còn hung hãn.

Không phải ngẫu nhiên mà thời nguyên hợp, nhạc kết duyên cùng thơ, cho đến khi chia thành đôi ngã, chiếm lĩnh hai ngành nghệ thuật. Vẫn còn giữ lại một hình thức vừa nhạc vừa thơ, không bao giờ rời nhau nữa, trở thành một trong những bạn đời gắn bó hàng ngày của nhân loại, đó là những bài ca. Và kỷ vật còn lưu lại của mối tình này là Trữ tình (lyrique), đặc tính của thơ, chính là tên một cây đàn (lyre). Khi thơ mượn hồn nhạc để định hình thể loại thì nhạc cũng mượn hồn thơ, chất thơ, để đặt tên thể tài (Giao hưởng thơ).

Khái niệm “tri âm” xuất xứ từ chuyện người chơi đàn người nghe đàn Bá Nha – Tử Kỳ, không còn là khái niệm dành riêng cho âm nhạc, mà cho nghệ thuật nói chung, chưa nói nó còn trở thành ngôn ngữ đời thường.

Thơ và nhạc kết duyên với nhau vì cả hai cùng chung một sở trường tình cảm, đều có khả năng giúp con người tự bộc lộ tình cảm một cách trực tiếp.

Vì nó có sở trường đặc biệt, bảo bối mà các nghệ thuật khác không có, đó là thứ tín hiệu gợi cảm và biểu hiện tâm trạng một cách trực tiếp, có hiệu quả nhất: là âm thanh, nhịp điệu của nhạc và những lời nói tình cảm có âm thanh, nhịp điệu của thơ.

Dù các hình thức thể loại có phân chia đến đâu, thì yếu tố cốt lõi, hạt nhân của mọi hình tượng nghệ thuật, vẫn là chất cảm xúc – cá biệt (của chủ thể sáng tạo), gọi là chất biểu hiện. Và, biểu hiện chính là đặc trưng bản chất của nhạc và thơ. Khi nói đến hai nhóm nghệ thuật tạo hình và biểu hiện, thì nhóm thứ hai, đầu tiên phải kể nhạc và thơ. Còn chất biểu hiện là hạt nhân, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả mọi nghệ thuật, nếu không, nghệ thuật không còn là nó nữa.

Không phải ngẫu nhiên “ca”, không chỉ là ca hát, “bài ca” không chỉ là một thể loại âm nhạc mà còn là từ gọi chung, cho mọi nghệ thuật, những dạng tác phẩm có nhạc hoặc không liên quan gì với nhạc, nhưng có cái chung là năng lượng tình cảm: từ trường ca, anh hùng ca cổ đại đến trường ca hiện đại; từ những bài ca bằng thơ hiện đại (Bài ca chim Chơ rao, Bài ca mùa xuân 61) đến những bài ca trong điện ảnh (Bài ca người lính, Bài ca ra trận). Đến lượt hội họa cũng mượn cách gọi gam màu, giai sắc, và cả lý luận: tiểu thuyết phức điệu.

Vì sao có thể xem nhạc và thơ là một nơi quy tụ những đặc trưng nghệ thuật, là nghệ thuật của nghệ thuật? Chỉ cần gọi lên một số điều, xem như quy luật bản chất của nghệ thuật thì thấy ngay kẻ ra ứng thí đầu tiên sẽ là âm nhạc hoặc thơ trữ tình:

Nghệ thuật:    – Tiếng nói tình cảm tư tưởng của con người với con người.

– Sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc, thái độ của người nghệ sĩ khi tái tạo và đánh giá cuộc sống.

– Sự trình bày, giao lưu của người sáng tác, biểu diễn, và sự tiếp nhận bằng tri âm của người cảm thụ.

– Dùng những phương tiện cảm tính – những tín hiệu có khả năng biểu hiện, ẩn dụ, đa nghĩa và gợi cảm.

Vậy là không một nghệ thuật nào có thể hơn nhạc và thơ khi thực hiện những đặc trưng hàng đầu đó của nghệ thuật.

Cũng hỏi thêm vì sao nhạc và thơ làm được vai trò tiêu biểu đó?

Nghệ thuật là sản phẩm do những nghệ sĩ có tài năng đặc biệt – những thiên tài sáng tạo nên. Âm nhạc và thơ chứng minh rõ nhất điều đó: khi nói về những thần đồng nghệ thuật, người ta đầu tiên chỉ ra trong lịch sử âm nhạc và thơ:

Cha ông xưa, Trần Hưng Đạo, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát (thánh Quát)… làm thơ từ tuổi lên 6; ngày nay, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu… 16, 17 tuổi đã có thơ hay. Không nghệ thuật nào có nhiều thần đồng bằng âm nhạc. Hai nhà tâm lý học Đức V. Heck và I. Xiehen đã nghiên cứu 441 nhạc sĩ và thấy rằng năng khiếu âm nhạc của 401 người (trên 90%) đã bộc lộ trước 10 tuổi.

Từ cội nguồn, nghệ thuật ra đi từ nhạc và thơ, qua bao thế kỷ mở rộng bến bờ sáng tạo, rồi cũng phải quay trở về, không phải với chất liệu xưa kia mà với những yếu tố siêu chất liệu, đó là hồn nhạc và hồn thơ.

Cũng có thể nói rằng, nơi thân xác của mọi loại hình và loại thể của nghệ thuật đích thực, nghệ thuật đơn tính, đều có mang cái hồn nhạc và hồn thơ. Và không có một nghệ sĩ đích thực nào dấn thân vào con đường nghệ thuật mà trong mình không mang nặng hồn của nhạc và hồn của thơ.

Hegel có cho rằng sau thời đại của “nghệ thuật lãng mạn”, của nhạc và thơ, thì nghệ thuật sẽ đi vào diệt vong. Nhưng ở đây, ta có thể nói, không thể có ngày tận thế của nghệ thuật, vì nghệ thuật có mang hồn của nhạc và thơ.

Vậy cho nên, Mai sau dù có bao giờ, thì ta vẫn đinh ninh: Hồn còn mang nặng lời thề. Vì có nhạc, có thơ.

Vậy đi tìm thước đo để phân biệt nghệ thuật thuần nhất với các hình thức nghệ thuật khác, trước hết nên nghĩ tới nhạc và thơ.

LV

(Trích trong mục “Nghệ thuật đơn tính, sách “Văn học nghệ thuật và chức năng”, sắp xuất bản)

[1] Muốn có tác phẩm đẹp phải có khiếu, có tài năng, có thiên tài” (Trường Chinh: Bàn về văn hóa văn nghệ, NXB Văn hóa – Nghệ thuật, HN, 1996, trang 232).

“Làm văn nghệ phải có khiếu, có tài… Làm các nghề khác không có tài năng cũng có thể làm được, nhưng làm văn học mà không có tài, có khiếu thì khó khăn lắm… nếu không có tài năng gì đặc biệt anh nên đi làm việc khác chứ làm văn nghệ khổ lắm” (Phạm Văn Đồng: “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”. NXB Văn học Hà Nội, 1969, trang 108)

[2] Thiên tài có nhiều tiếng tăm nhất như Mozart, 3 tuổi đã có nhạc cảm như người lớn (biết bấm hợp âm trên đàn), 6 tuổi sáng tác khí nhạc, 14 tuổi là viên sĩ thông tấn,… nhưng cũng vấn là con đẻ của thời đại những thiên tài, thời đại ánh sáng.

Những người cùng thời với Mozart (1756 – 1791) là: F. Shiller, Voltaire, Diderot, J. Rousseau, Hagdn, C. Gluck, Lessing, Beaumarchaik, Kant, V. Goethe, L. Beethoven…

[3] Về vấn đề thiên tài, trong bản luận văn được bảo vệ năm 1997 này chưa nêu được ý kiến của Kant vì mãi đến năm 2007 cuốn “Phê phán năng lực phán đoán” của Kant mới được phép dịch và xuất bản. Trong sách này, Căng giành 5 trang với đề mục “Mỹ thuật là nghệ thuật của tài năng thiên bẩm (genic), với những lý giải như sau: “tài năng thiên bẩm là tố chất bẩm sinh của tâm thức, qua đó Tự nhiên mang lại quy tắc cho nghệ thuật”, “mỹ thuật chỉ có thể có được như là sản phẩm của tài năng thiên bẩm” v.v… (Phê phán năng lực phán đoán, Bùi Văn Nam Sơn dịch, từ trang 26 đến 269, Nxb Tri Thức, 2007).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây