Đến với bài thơ hay – Bồng mắt thỏ

Nhà thơ, Nhà báo Lê Anh Dũng

Đến với bài thơ hay :

Bồng mắt thỏ

Tặng P.H

Một chén
bồng mắt thỏ
hai chén
mắt thỏ bồng
non xanh
và biển rộng
tráng sĩ
khà
mênh mông

Tráng sĩ
thích chạy rông
hết ngang
rồi tới dọc
như ngựa thả dây cương
lông bông
và phiêu bồng

Bỗng một chiều
lữ thứ
non với nước hữu tình
mắt ai bồng mắt thỏ
tráng sĩ
hề
đắn đo

Tráng sĩ
thề vung roi
rong chơi miền hoang dã
thế mà
chiều rớt lặng
trong đáy mắt thỏ bồng
thế mà
đêm hẫng tiếc
chén
chén
tràn hư không

Tác giả: Nhà thơ, Nhà báo Lê Anh Dũng

     

Mênh mông, đất nước, quê nhà…                         

Bồng mắt thỏ là chiếc cốc nhỏ như hạt mít và tất nhiên là  đẹp. Rượu rót vào đấy phải là rượu ngon. Người uống rượu phải là người hào hoa, biết thưởng thức chất men say nồng nàn chứa đựng trong chiếc bồng nhỏ bé mà kiêu kỳ đến lạ.

Không rõ từ đâu, đọc bài thơ Bồng mắt thỏ của Lê Anh Dũng, tôi lại thấy bóng dáng những tráng sĩ – thi tửu của thời xa xưa hiện về. Bàn tay cầm yên cương, roi ngựa của họ cũng là bàn tay dựng ngọn bút đề thơ vào sông núi, vào hư không và vào…đôi mắt của giai nhân.

Mà thôi, sao tôi lại vội vàng đến thế. Trước hết, phải trở về với trạng thái ban đầu và từ đó mà dấn bước theo diễn biến tâm trạng của nhân vật tráng sĩ trong bài thơ Bồng mắt thỏ, kẻo Dũng lại bảo là tôi cắt xén cái tiên khởi nhẹ nhàng  phơi phới, đầy hứng chí của  nhân vật tráng sĩ  trong thơ anh. Không, tôi biết, biết lắm chứ. Ngay từ lần đầu  đọc bài thơ này, tôi đã nảy sinh cái nhìn nhị phân, đem nhân vật của anh ra mà đối chiếu với các nhân vật trong thơ của một số nhà thơ khác, cả xưa và nay. “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” trong Chinh phụ ngâm ra trận trong một không gian đầy chất lãng mạn, trữ tình mà oai phong lẫm liệt:”Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt/ Khói cam tuyền mờ mịt thức mây/ Chín lần gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh”. Trái lại, người “Ly khách” trong Tống biệt hành của Thâm Tâm “gĩa gia đình” đi vào con đường nhỏ với chí lớn trong bóng chiều không thắm không vàng vọt vào cuối mùa hạ với tâm thế buồn:“Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say…”. Nhân vật “Tráng sĩ “ của Lê Anh Dũng không khoát áo nhung dưới trăng, không thề một đi không trở lại, không xác định  hướng đến là một chiến trường cụ thể hay một chân trời xa xăm nào đó. Người “tráng sĩ” trong Bồng mắt thỏ của Dũng đang ở trong thời bình; trận mạc của chàng là sự bình yên của Tổ quốc; chàng lãng mạn, hào hoa, ham chơi, nhưng chiều kích của cái nhìn lại vô cùng rộng lớn:“non xanh/và biển rộng/tráng sĩ/khà/ mênh mông”. Chàng ngồi trên lưng ngựa “lông bông và phiêu bồng” hết chốn này đến chốn khác, cả chiều dọc và chiều ngang của mênh mông đất nước quê nhà.      

Bồng mắt thỏ là chung rượu của chàng – một người còn phảng phất cốt cách của các tráng sĩ ngày xưa, có khí phách, thích ngao du, ưa nhìn hiện thực qua lớp sương mù siêu thực, để thấy hiện thực đẹp hơn trong cái nhìn non nước bao la. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nếu dừng lại ở đây, Bồng mắt thỏ của Lê Anh Dũng chưa thể làm nên một cơn địa chấn ở người đọc. Bài thơ của Dũng sẽ là bình thường nếu không có một biến cố của một buổi chiều kia –  một big bang khai sinh một vũ trụ đầy bất ổn trong lòng trai tráng: “Bỗng một chiều/ lữ thứ/ non với nước hữu tình/ mắt ai bồng mắt thỏ/ tráng sĩ hề/ đắn đo”. Giữa thiên nhiên phóng khoáng và giai nhân dường như xảy ra sự xung đột. Đi tiếp hay dừng lại. Non nước hữu tình hay mỹ nhân. Cuộc đấu tranh nội tại bắt đầu. Con người tráng sĩ có thắng nổi trái tim đang có những rung động mãnh liệt nhất trong cuộc đời. Con người thích rong chơi miền hoang dã ngỡ như  mình đã làm được điều đó, chàng vung roi và ngựa chàng lại phi nước đại, nhưng xung đột nội tâm vẫn tiếp tục xảy ra mạnh mẽ ở chàng:”thế mà/ chiều rớt lặng/trong đáy mắt thỏ bồng/ thế mà/ đêm hẫng tiếc/chén/ chén/ tràn hư không”.Giai nhân hiện về trong đáy bồng mắt thỏ, hiện về trong chiều rớt lặng và trong đêm sâu là những khoảng thời gian dễ lay động tình cảm nội tâm của con người. Mô típ hình ảnh giai nhân hiện lên trong cốc rượu không còn là mới. Nhà thơ Quang Dũng đã thành công rồi. Mấy nươi năm nay chưa ai có thể vượt qua những câu thơ tài hoa này của ông:” Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ”. Thế sao ta vẫn yêu sự lặp lại này ở Lê Anh Dũng?. Tôi nghĩ, có lẽ vì Dũng sử dụng mô típ ấy nhưng không lặp lại nguyên bản của người đi trước và ở anh còn có những nét sáng tạo riêng của mình. Về hình ảnh, cốc rượu của Lê Anh Dũng là chiếc bồng mắt thỏ – mà chỉ với tên gọi của nó đã gợi nên một hình ảnh đẹp và một tiếng ngân vang nhẹ nhàng lạ tai đối với nhiều người. Lại nữa, giai nhân của Lê Anh Dũng không chỉ hiện về trong đáy cốc mà còn hiện về trong hư không của buổi chiều rớt lặng và đêm hẫng tiếc của tráng sĩ. Trong nỗi nhớ của mình, nhân vật tráng sĩ của Lê Anh Dũng không chỉ ngồi lặng yên đối diện với giai nhân trong mắt thỏ bồng, mà ngược lại khi nỗi nhớ dâng lên cao trào, tráng sĩ đã uống cạn chén rượu này đến chén rượu khác. Giai nhân của Bồng mắt thỏ thoát ra ngoài chén rượu hoà nhập vào hư không… Xung đột nội tâm, tình yêu và nỗi nhớ vì thế mà càng lớn, hoà nhập với cả đất trời. 

Khi đọc bài thơ của Lê Anh Dũng còn ở dạng bản thảo tôi đã nói với anh rằng “Bồng mắt thỏ” sẽ là một bài thơ hay của anh. Cấu tứ  là chỗ dụng công nhất và là cái sở đắc nhất của bài thơ. Dũng biết mở, biết thắt gút và biết thả lỏng những diễn biến tâm trạng của nhân vật tráng sĩ – đối tượng trữ tình trong bài thơ và để dành gần như trọn vẹn cho độc giả sự suy ngẫm và lựa chọn các giải pháp: một trong hai hay là cả hai giữa tình yêu non  nước và tình yêu lứa đôi… của người “tráng sĩ”. Và Lê Anh Dũng đã thành công với sự  nỗ lực đó của anh.                                                                                                                                                                   

Nhà thơ Bùi Xuân    

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây