Giới thiệu khái quát huyện Tam Dương

huyện Tam Dương - Tỉnh Vĩnh Phúc

Giới thiệu khái quát huyện Tam Dương

1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường

1.1. Điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Tam Dương là một huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, được giới hạn bởi toạ độ 21018’đến 21025’ vĩ độ Bắc 105036’ đến 105038’ kinh độ Đông. Huyện có đường Quốc lộ 2A, Quốc lộ 2C đi qua và nối với huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang. Huyện Tam Dương có vị trí địa lý như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Tam Đảo.

– Phía Đông giáp huyện Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên.

– Phía Nam giáp huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc.

– Phía Tây giáp huyện Lập Thạch.

Trung tâm huyện lỵ của huyện Tam Dương nằm ở khu vực ngã tư Me thị trấn Hợp Hoà, cách trung tâm tỉnh lỵ 9 km. Đứng trước điều kiện đó, Tam Dương có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế – xã hội làm thay đổi bộ mặt nông thôn, song huyện sẽ phải sử dụng nhiều quỹ đất nông, lâm nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp, vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện cần phải có chiến lược sử dụng quỹ đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

b. Địa hình, địa mạo

Huyện Tam Dương có địa hình bán sơn địa, nằm ở vùng miền núi, trung du nối tiếp với đồng bằng. Do vậy địa hình tương đối phức tạp và đa dạng, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Vùng núi cao chủ yếu nằm ở các xã sát dãy núi  Tam Đảo. Các xã thấp thuộc vùng trung du nằm ở phía Nam của huyện. Có độ cao trung bình từ 19m đến 20m so với mặt nước biển, còn lại một số xã là đồng bằng (Hợp Thịnh, Vân Hội).

Với địa hình, địa mạo như vậy, cùng với vị trí địa lý của huyện là nằm trong cụm phát triển du lịch phía Nam của tỉnh với nhiều dự án tầm cỡ quốc gia đầu tư cho phát triển công nghiệp và các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, huyện Tam Dương có thể khai thác tiềm năng đất đai ở nhiều mặt như: phát triển trồng cây ăn quả ở vùng các xã trung du hoặc phát triển nông lâm kết hợp. Vùng đồng bằng có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp có trình độ thâm canh cao với các giống cây trồng cho năng suất cao.

c. Khí hậu

Huyện Tam Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là mùa đông và mùa hạ. Ngoài ra còn mùa xuân và mùa thu là 2 mùa chuyển tiếp với thời gian không dài.

Lượng mưa bình quân hàng năm là 1.348,87mm. Mưa nhiều vào các tháng từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Nhiệt độ không khí trung bình trong năm là 24,10C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 300C (tháng 6), thấp nhất là 16,30C (tháng 1).

Số giờ nắng trung bình trong năm là 1.441,82 giờ, số giờ nắng trung bình  tháng cao nhất 205,7 giờ (tháng 5), thấp nhất là 27,4 giờ (tháng 2).

Độ ẩm không khí trung bình năm 82,33%, độ ẩm trung bình tháng cao nhất là 86% (tháng 4, tháng 8). Độ ẩm trung bình thấp nhất là 76% (tháng 12).

Gió theo 2 mùa chính trong năm.

– Mùa hạ: Gió mùa Đông Nam thịnh hành thổi từ tháng 3 đến tháng 10.

– Mùa Đông: Gió mùa Đông Bắc thịnh hành thổi từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Huyện Tam Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho việc bố trí cơ cấu cây trồng. Do dãy núi Tam Đảo chắn hướng gió mùa Đông Bắc nên gây mưa nhiều, ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp.

d. Thuỷ văn

Chế độ thuỷ văn của huyện Tam Dương chịu ảnh hưởng chính của sông Phó Đáy là ranh giới giáp huyện Lập Thạch và một phần hệ thống kênh Liễn Sơn thuộc xã Đồng Tĩnh và hệ thống kênh Bến Tre ngoài ra còn một số ao, hồ, sông, suối nhỏ nằm dải rác trong toàn huyện. Tạo nên nguồn nước khá dồi dào cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp nên việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nước sinh hoạt trong khu dân cư chủ yếu là giếng khơi và giếng khoan, nguồn nước này rất dồi dào với chất lượng tốt. Tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống và sức khoẻ của nhân dân.

Dân số

   – Dân số huyện Tam Dương tính đến năm 2009 là 98.272 người ( Số liệu tổng điều tra dân số – 2009),  mật độ dân cư 918 người/1km2, tốc độ tăng tự nhiên 11,5%, thuộc tốp trung bình của tỉnh. Lao động nông nghiệp hiện chiếm 86% số lao động trong độ tuổi lao động, dân cư sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn.

– Một vài năm trở lại đây theo xu thế phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, một bộ phận lao động trẻ Tam Dương chuyển dịch sang khu vực sản xuất công nghiệp.

Vài nét khái quát về kinh tế huyện Tam Dương

2. Về kinh tế – xã hội

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất  trên địa bàn huyện đạt 10,02%, tăng khá so cùng kỳ xong giảm 4,8% so chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó: Công nghiệp –  xây dựng tăng 14,26%, giảm 4,74% so chỉ tiêu kế hoạch; Nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng 8,26%, tăng 4,26% so chỉ tiêu kế hoạch; Thương mại – dịch vụ tăng 5,83%, giảm 12,17% so chỉ tiêu kế hoạch.

2.1. Về kinh tế

a. Sản xuất nông – lâm nghiệp – thủy sản

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, giá nguyên liệu và diện tích đất canh tác giảm, nhưng do đẩy mạnh ứng dụng KHKT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp tăng năng suất nên giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn vượt mục tiêu đề ra, bình quân tăng 4,4%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Về trồng trọt: Đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá ổn định, hiệu quả kinh tế cao như: gạo Long Trì (Hợp Hoà), rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Vân Hội, cánh đồng mẫu lớn ở Hợp Thịnh,… Nhiều giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; các hoạt động khuyến nông, bảo vệ cây trồng được đẩy mạnh. Năng suất lúa bình quân đạt 52,31 tạ/ha, ngô đạt 40,26 tạ/ha.

Về chăn nuôi: các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại vừa và nhỏ theo hướng an toàn tiếp tục tăng nhanh, giảm mạnh số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, toàn huyện hiện có 186 trang trại chăn nuôi; 25 trang trại tổng hợp, trong đó đàn gia cầm vẫn giữ thế mạnh với tổng đàn lớn nhất tỉnh (năm 2016 đạt 2,6 triệu con, tăng 1,1 triệu so năm 2010); cơ cấu giống vật nuôi chuyển dịch tích cực, một số giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao được người dân phát triển mở rộng. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Lâm nghiệp: Công tác trồng và chăm sóc rừng được duy trì ổn định. Năm 2016 trồng được 9,8 ha; Số cây trồng phân tán trồng được 38.400 cây. Diện tích được chăm sóc 82 ha. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 24,5 ha. Xảy ra 3 vụ cháy rừng do người đốt sau khai thác cây chồi bạch đàn. Diện tích cháy 1,7 ha tại núi Đinh xã Kim Long đã được dập tắt kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

b. Sản xuất Công nghiệp – xây dựng

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp xây dựng năm 2016 đạt 1.668.560 triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp xây dựng chiếm 40,55% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng có sự đóng góp của nhà máy sản xuất Gạch ốp lát VITTO đã cho sản phẩm ổn định, công suất đạt 35.000 m2/ngày, tăng gấp 2 lần so với thời gian bắt đầu đi vào sản xuất năm 2015, doanh thu cả năm đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm công nghiệp của các ngành chế biến thực phẩm, may mặc, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim trên địa bàn tiếp tục được duy trì và phát triển. Ngoài ra còn có sự đóng góp của một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn mới đi vào sản xuất đóng góp vào giá trị sản xuất ngàng công nghiệp trên địa bàn (giầy da, may mặc).

Các công trình hạ tầng đấu giá được gấp rút đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu và đã khởi công: Hạ tầng khu đấu giá đất Đồng Quao, thị trấn Hợp Hòa; Hạ tầng khu đấu giá đất Gò Xoan, xã Thanh Vân; Hạ tầng khu đấu giá đất đồng Canh Nông, xã Duy Phiên… trong các tháng cuối năm đã tiến hành đấu giá từng phần để thu hồi vốn cho Ngân sách.

c. Các hoạt động thương mại – dịch vụ

Tổng giá trị sản xuất ngành Thương mại – Dịch vụ ước đạt 959.457 triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành Thương mại – Dịch vụ chiếm 24,43% cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn.

Hoạt động thương mại dịch vụ có nhiều khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng xã hội hàng năm đều tăng. Một số mặt hàng lương thực, thực phẩm giữ giá ổn định, giá mặt hàng rau xanh tăng cao vào thời điểm Tết Nguyên đán. Hoạt động của các chợ trên địa bàn tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dung, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong và ngoài địa bàn huyện.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng: Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách tiền tệ, lãi suất. Mặt bằng lãi suất trên địa bàn cơ bản ổn định, vốn huy động vào ngân hàng tăng, đạt 864.000 triệu đồng, tăng 170.000 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2015. Dư nợ tín dụng đạt 955.000 triệu đồng.

2.2. Về phát triển Văn hóa – Xã hội

a. Công tác Giáo dục – Đào tạo

Năm học 2015 – 2016 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chất lượng giáo dục được nâng lên. Duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục, đến nay 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí NTM được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo. Số phòng học kiên cố bậc mầm non tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 158 phòng bằng 82,7%; Bậc tiểu học tăng 6,2%, đạt 281 phòng học kiên cố và 20 phòng học bán kiên cố. Các trường trung học cơ sở: Tổng số phòng học 175 phòng, trong đó 166 phòng học kiên cố, đáp ứng được nhu cầu về phòng học..

Đến nay, toàn huyện có 41/51 trường được công nhận đạt CQG, chiếm tỷ lệ 80,4%, tăng 4 trường so với năm 2015.

b. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh được chú trọng. Hệ thống y tế cơ sở được tập trung củng cố, quan tâm về đội ngũ và cơ sở vật chất. Toàn huyện có 10/13 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới, 100% Trạm y tế có bác sĩ; đạt tỷ lệ 25 giường bệnh và 4,5 bác sĩ/1 vạn dân, hiệu suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện đạt 120%; xã hội hóa về y tế được đẩy mạnh.

Tổ chức triển khai các chương trình dân số – KHHGĐ. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 62% số bà mẹ mang thai, vượt kế hoạch đề ra; Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 30% số trẻ em sinh ra; Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 73%.

c. Giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm được quan tâm. Năm 2016 đã triển khai 157 dự án có vốn vay quỹ giải quyết việc làm với số tiền 4.234 triệu đồng; 1.788 người được đào tạo học nghề; 05 lao động xuất khẩu được vay 250 triệu đồng. Kết quả trong năm 2016 đã giải quyết việc làm cho 3.268 lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch; Phối hợp với các đơn vị đưa 173 người hợp đồng đi lao động xuất khẩu nước ngoài.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tốt, thực hiện đầy đủ các chính sách cho các đối tượng chính sách: Hỗ trợ tiền điện cho 1.630 hộ hộ nghèo là  718.830.000đ, hộ thuộc đối tượng BTXH : 60.074.000 đồng; Giải quyết chế độ mai táng phí theo quy định.

d. Hoạt động văn hóa  thông tin, thể thao

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được phát triển sâu rộng và có nhiều kết quả tích cực. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở từng bước được đầu tư. Đến năm 2016, toàn huyện có 13 nhà văn hóa xã kiêm hội trường, có 86% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt văn hóa công sở. Việc quản lý lễ hội từng bước đi vào nề nếp, một số lễ hội truyền thống được phục dựng. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể thao thu được nhiều kết quả tích cực. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển.

Các hoạt động thông tin, phát thanh – truyền hình được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn được tăng cường.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây