Điển cố cũng là ‘cổ mẫu’ chỉ những biểu tượng, câu chuyện xa xưa nhưng được đặt trong văn cảnh mới để vẫn có thể ‘đẻ’ ra ý nghĩa mới (tiếng Pháp gọi là ‘archétype’ được ghép từ âm tiết ‘arche’: khởi đầu, cơ sở… và ‘type’: hình ảnh, mô hình…). Đặc trưng của điển cố là tính liên tưởng, như cây cầu ‘liên văn hóa’ chuyên chở ý nghĩa nguyên thủy từ miền xa xưa về thời hiện tại.
Các chữ “bình chú”, “giảng văn” trong văn học trung đại gắn liền với hệ thống điển cố. “Truyện Kiều” có hẳn một “từ điển” là như vậy. Đi vào khu rừng bạt ngàn điển cổ của văn học trung đại, thấy cảnh đẹp thì dễ chịu, thú vị. Nhưng đi lạc thì mất phương hướng, bối rối… Xin tìm hiểu sự hay dở của nó qua trường hợp thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585).
Tượng danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Là nhà Nho uyên bác, tinh thông Dịch lý, sâu sắc cảnh đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng điển cố như một “liên văn bản”, “lấy xưa nói nay” sâu sắc, thâm thúy. Trong bài thơ mừng bạn (Trần Lâm) nhận chức mới (tri huyện Vĩnh Lại), có câu: “Độc thanh hề hạ cưỡng huyền ngư” (Riêng mình thanh bạch, gượng treo cá trước cửa – Vĩnh Lại huyện tri huyện Trần Lâm).
Điển cố “huyền ngư” (treo cá) kể Dương Tục làm quan Thái thú ở Lô giang được lính hầu soạn cỗ có cơm thơm cá ngon. Ông nhận nhưng không ăn mà treo lên trước cửa phòng. Hôm sau người hầu vẫn làm tiếp như thế, ông lại đưa lại như cũ. Người hầu thẹn, từ đó không dám làm cỗ ngon nữa. Điển này về sau chỉ tính thanh liêm của quan lại. Đấy là Trạng Trình nhắc bạn nhớ điển “huyền ngư” mà cố học tập, tu dưỡng theo tấm gương trong sáng của đời trước… Thơ như thế ngắn gọn, nói ít hiểu nhiều.
Hình tượng âm thanh “tiếng gà” từ các “cổ mẫu” vọng về trong văn bản “Quán kê thi” (Bài thơ về gà trống) của Trạng Trình: “Ngũ đức hữu chí tình/ Tam hào phi ác thanh/ Tư tư khuyến vi thiện/ Thời hướng hiểu song minh” (Năm đức đều trọn vẹn/ Ba lần gáy hết lòng/ Khẩn khoản khuyên điều tốt/ Tiếng gọi đón mai hồng). Bài thơ là một “liên văn bản” hội tụ từ nhiều luồng văn hóa. Phật giáo quan niệm “gà” mang phẩm chất tốt lành, hướng thiện ở mọi nơi chốn, thời gian nên thường dùng từ “kim kê” (gà vàng) để nói về tính thanh tịnh, trong sáng của chúng sinh.
Trong nghệ thuật tạo hình, “mặt gà” là một nguyên tắc (không phổ biến) để hình dung khuôn mặt của Bồ Tát. Trong Nho giáo, hai chữ “đại kê” (gà trống) gần âm với “đại cát” (tốt lành nhất). “Đại cát” lại là một quẻ bói chỉ mức tốt đẹp cho công việc hoặc tương lai của con người… Nho gia lấy “gà trống” biểu trưng cho “ngũ đức” (5 đức tính) của người quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thể hiện ở: bảo vệ, nhường mồi cho gà mái, gà con; khôn ngoan, mưu mẹo khi gặp đối thủ; gáy báo sáng đúng giờ, đập cánh gáy ba lần (tam hào) thì trời sáng.
Rất có thể quan niệm này được “thơ Nôm hóa” bởi dân gian (khuyết danh, trong chùm “Lục súc tranh công”: “Gia súc tự khoe, chỉ Dậu ta/ Nam nhi ngũ đức đáng vinh ca/ Đuôi cong, giò cứng, kiêu hùng dũng/ Mào đỏ, cựa dài: văn võ hòa/ Có thóc, gọi đàn: nhân với bạn/ Canh giờ, gáy sáng: tín cùng nhà/ Thác rồi lông vẫn còn lưu dụng/ Giỗ chạp, mâm xôi chẳng thiếu gà”.
Luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian, biểu tượng được bồi đắp, tích lũy thêm các lớp ý nghĩa mới xếp chồng lên nhau. Vì lẽ này biểu tượng luôn mang tính mơ hồ, trừ biểu tượng nguyên thủy, còn lại rất khó rạch ròi đường biên tiếp xúc, vì các ý nghĩa lẫn vào nhau, ở trong nhau, tạo thành “hợp chất” không thể phân tích. Tiếng gà của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm ở vị trí nào? Rõ ràng là không mới nhưng đọc lên vẫn thấy thú vị vì nó gợi lên trường liên tưởng hóm hỉnh về một hình tượng quen thuộc mà có nhiều ý nghĩa.
Không có vốn không đọc hiểu được thơ cổ, vì có khi tứ thơ tựa vào một điển cố, như bài “Hạc thi”: “Phong lệ Trường Hoài trợ Tấn uy/ Ngoạn vật y thùy khinh lộc vị/ Thừa hiên quá sủng mạn di ky” (Tiếng gió rít trên Trường Hoài giúp cho uy lực nhà Tấn/ Thưởng ngoạn cảnh vật, ai đó coi nhẹ tước vị?/ Quá yêu quý cho ngồi xe, để tiếng chê cười về sau).
Trong “Tấn thư”, truyện “Tạ Huyền” kể: trận chiến ở Trường Hoài quân Bồ Kiên có đến trăm vạn, Tạ Huyền chỉ có tám nghìn quân. Thế mà quân Bồ Kiên thua tháo chạy, sợ đến mức nghe tiếng gió rít, hạc kêu cũng tưởng là quân đối phương đến. Ý này giễu: khi đã sợ thì nhìn/nghe thấy cái gì cũng sợ. Trong “Tả truyện” lại kể: Vệ Ý Công hiếu hạc, hạc hữu thừa hiên giả (Vệ Ý Công thích hạc, hạc cũng được đi xe dành cho đại phu). Khi có biến, Vệ Ý Công khởi binh, các tướng đều nói: cho chim hạc đi (mà) đánh, vì đó mới là đại phu! Tiếng cười trong điển cố hướng về người quá yêu chim hạc. Nhắc lại điển này để giễu những ai quá yêu một cái gì dễ dẫn đến họa, nên phải biết chừng mực.
Hình minh họa chiến tranh Sở – Hàn.
Như vậy điển cố như cái bản lề mở ra cánh cửa không gian văn chương quá khứ để kiến tạo một văn bản có ý mới. Về thực chất đây là “lối tập cổ” – một biểu hiện của quan niệm “thuật nhi bất tác” (kể lại chứ không tạo mới), khuyến khích đọc nhiều, biết nhiều (Cao Bá Quát tự hào có “bồ chữ” là từ căn cứ này) nhưng thiếu sáng tạo, bởi luôn lấy cái đã qua làm “mẫu mực”. Dùng đúng đủ, phù hợp thì hay, nhưng lạm dụng sẽ dẫn đến sự nặng nề, gây cảm giác tác giả “khoe chữ”. Không ít bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm sa vào hạn chế này.
Trong bài “Ngụ ý 5” có câu: “Tiếu tha mại lý dữ phân hương” (Cười kẻ bán giày với chia mùi hương). Rất khó hiểu. Phải tìm về điển tích, trước khi chết Tào Tháo (thời Tam quốc) có di lệnh, đại ý: “hương thừa” chia cho các phu nhân; các thê thiếp không có việc làm thì tết giày đem bán. Về sau điển “mại lý dữ phân hương” (bán giày với chia mùi hương) để cười những kẻ như Tào Tháo sắp chết mà vẫn quyến luyến thê thiếp, tiếc sắc dục nơi cõi trần. Vẫn có cách hiểu khác, ngầm khen Tào Tháo có lòng thương những người từng phục vụ mình!?
Đóng góp lớn của thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là vạch trần sự thối nát về đạo lý. Cũng chỉ khi viết về chủ đề này thơ ông mới phát huy hết được cái ý thâm sâu của điển cố như ở bài “Cảm hứng”: “Sự quân thần bất thần/ Sự phụ tử bất tử/ Tạ kiên thị nhẫn vi/ Phân canh diệc võng quý” (Thờ vua tôi chẳng ra tôi/ Thờ cha con chẳng ra con/ Bắn vào vai còn nỡ lòng làm/ Chia bát canh không thấy thẹn). “Tam cương” là ba mối quan hệ cơ bản của xã hội, nhưng quan hệ “vua tôi” thì “Thờ vua tôi chẳng ra tôi”; quan hệ “cha con” thì “Thờ cha con chẳng ra con”; quan hệ bạn bè thì “Chia bát canh không thấy thẹn”.
Ý thơ lấy từ điển tích: Hạng Vũ và Lưu Bang từng coi nhau như anh em để chống Tần. Tần bị diệt, anh em lại mâu thuẫn muốn giết nhau. Một lần Hạng Vũ bắn trúng vai Lưu Bang. Lần khác Lưu Bang vây Hạng Vũ, Vũ bắt cha Bang lên mặt thành và nói Bang không rút sẽ cho cha vào nồi nấu canh. Bang nói: cha ta cũng như cha ngươi, nếu nấu cho ta bát canh. Tích này mỉa mai cay đắng những kẻ từng coi nhau như anh em rồi bất nghĩa tráo trở tàn hại lẫn nhau. Nói bao điều giáo huấn cần đến sắc thái trang trọng mà chỉ gói trong mấy câu thơ, không thể không dùng điển cố. Đó phải là tài năng, uyên bác, uyên thâm!
Nhà thơ mỉa mai những kẻ háo danh (trong “Nguyên đán ngẫu thành 2”) qua một điển cố đích đáng: “Tề môn cổ sắt tiếu vương thông/ Sĩ chỉ tùy thì chước thử trung” (Gảy đàn sắt ở cửa nước Tề, cười thay không vào được cửa vua/ Giữ chữ “trung”, ra làm quan hay lui đều nên tùy thời). Mượn điển tích vua nước Tề thích nghe thổi sênh, có kẻ muốn làm quan bèn mang đàn cầm đến cửa cung gảy, ba năm liền vẫn không được vào hầu vua. Câu chuyện chế giễu cay độc những kẻ hám danh đến mức ngu muội và bán rẻ danh dự của chính mình.
Ngu ở chỗ nhà vua thích nghe sênh thì lại đem đàn cầm đến gảy. Bật ra một quy luật: sự hám danh sẽ làm ngu muội những đầu óc vốn bình thường (biết chơi đàn cầm). Hám danh còn dẫn đến sự coi thường chính mình: đứng cửa cung chơi đàn ba năm, vẫn đứng. Đây không phải vấn đề kiên trì mà là sự trơ trẽn thảm hại. Còn toát lên một ý: nghệ thuật là địa hạt của sự vô tư trong sáng vẫn có thể là chỗ để kẻ cơ hội lợi dụng!
Như cái chìa khóa mở ra các mã văn hóa, không thể không hiểu điển cố để nắm bắt ý nghĩa của các tác phẩm chữ Hán. Theo quy luật tiếp biến, điển cố đi vào cả văn thơ chữ Nôm. Bài học rút ra cho hôm nay: chỉ nên chọn những tác phẩm nào có điển cố mang tính thông dụng, phổ biến đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông.