Độc đáo xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Lự
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc sinh sống, trong đó có người dân tộc Lự. Người Lự Lai Châu có nhiều món ẩm thực độc đáo, nhưng nổi bật là món xôi ngũ sắc. Món xôi được người dân gìn giữ đến tận nay và trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách khi đặt chân đến nơi đây.
Dân tộc Lự là một trong 16 dân tộc ít người ở Việt Nam, với số dân dưới 10.000 người. Hiện nay, dân tộc Lự ở Lai Châu có trên 6.700 người, chiếm 1,49% dân số toàn tỉnh. Người Lự phân bố tập trung ở 2 huyện Tam Đường, Sìn Hồ và sống xen kẽ với người Thái, Khơ Mú ở huyện Than Uyên. Tại huyện Tam Đường, người Lự tập trung chủ yếu ở xã Bản Hon, nơi các giá trị văn hóa truyền thống người Lự vẫn còn lưu giữ được những nét nguyên bản.
Khu Du lịch Cộng đồng Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 15 km về phía Đông Nam là điểm đến vô cùng thú vị cho du khách. Có gần 70 gia đình người Lự sinh sống, Bản Thẳm nằm ẩn mình giữa những vạt rừng xanh thơ mộng, có mây bao phủ, có núi non hùng vĩ và có những vườn hoa luôn ngát hương thơm cùng với những điệu múa truyền thống, những món ăn độc đáo làm say đắm du khách mỗi khi ghé thăm.
Từ lâu, xôi ngũ sắc được biết đến là món ăn truyền thống của người Lự và mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Trong các dịp lễ, Tết của người dân nơi đây, nhất là trong đám cưới, đám giỗ, không thể thiếu món xôi này. Xôi ngũ sắc tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Lự nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.
Nguyên liệu dùng để làm ra món xôi ngũ sắc gồm gạo nếp thơm và các loại cây rừng. Công dụng của những lá cây này là để nhuộm màu cho xôi. Thông thường, màu đỏ sẽ được làm từ quả gấc, màu xanh được lấy từ lá gừng hoặc lá dứa, màu vàng làm từ màu của củ nghệ già giã lấy nước, màu tím của xôi lấy từ lá cẩm. Cuối cùng, màu trắng là màu của xôi tự nhiên, không cần thêm bất kì loại lá nào.
Chị Lò Thị Pầu, dân tộc Lự ở Bản Thẳm cho hay: Mỗi gia đình người Lự trong bản đều trồng quanh nhà các loại cây để làm xôi. Cách làm xôi ngũ sắc cũng khá đơn giản, gần giống với làm món xôi thông thường. Trước khi đem gạo nếp đi nhuộm màu thì phải ngâm gạo trong nước lã từ 6 đến 8 tiếng. Sau đó chia nếp thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần tương ứng với một màu. Để đảm bảo màu đẹp, người nấu phải tránh không được để lẫn các loại cây màu với nhau. Tiếp đó là sự cầu kỳ trong khâu nấu, giã lá, củ để lấy nước màu trộn vào gạo nếp. Các loại cây, lá màu phải được nấu ở các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.
Sau khi nhuộm màu, xôi sẽ được mang đi đồ. Khâu này tùy, thuộc vào mức độ khéo tay và kinh nghiệm nấu của mỗi người mà cho ra một món xôi như ý. Một lưu ý quan trọng để làm thành công món xôi ngũ sắc chính là gạo màu nào dễ phai nhất thì phải cho vào đồ đầu tiên, tiếp đến tới các màu khác. Xôi được nhuộm màu từ lá, củ, khi ăn sẽ rất thơm và mang đặc trưng hương vị của núi rừng.
Theo quan niệm của người Lự, hình ảnh xôi ngũ sắc mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành. Tuy là một món ăn bình dân, nhưng với người Lự lại thể hiện những giá trị tinh tế trong quan niệm, ứng xử của con người với tự nhiên; thể hiện tinh thần lao động hăng say để làm nên những hạt gạo, lòng hiếu thảo và ứng xử đẹp của con người. Giống như sự đa dạng trong các mối quan hệ xã hội của con người, xôi ngũ sắc là sự kết hợp đa dạng, tinh tế của nhiều loại cây, củ, quả để tạo thành món xôi thơm, ngon độc đáo.
Đối với đồng bào nơi đây, ngũ sắc là tên gọi của 5 màu chủ đạo gồm: trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Món xôi này thể hiện cho tình yêu son sắt, thủy chung và lòng yêu mẹ, kính cha. Xôi màu đỏ sẽ tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh, thể hiện mong ước cho cuộc sống yên bình của người dân. Xôi màu xanh sẽ tượng trưng cho màu của núi rừng Tây Bắc, của cây cối, rừng rậm và nương rẫy. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung và tình thương đối với cha mẹ.
Mặc dù cách nấu xôi ngũ sắc không khó nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Vì thế mà loại xôi này cũng được ví như sự tinh tế của người phụ nữ Tây Bắc. Xôi muốn thơm ngon phải chọn nếp tốt, nấu từ nước suối tinh khiết và giữ lửa đều. Có như vậy thì xôi mới mềm dẻo, chín đều và mang một hương vị đặc trưng. Xôi ngũ sắc của người Lự tại Bản Thẳm mang những hương vị riêng biệt bởi nơi đây có những khe núi với mạch nước ngầm sạch, trong lành. Khi đồ xôi xong, người phụ nữ sẽ khéo léo lấy từng tầng xôi để không bị lẫn màu, công đoạn này đòi hỏi phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ.
Du khách gần xa khi được thưởng thức xôi ngũ sắc của người Lự sẽ ấn tượng với hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt của món ăn này. Du khách Hoàng Ngọc Diệp đến từ tỉnh Lạng Sơn hào hứng nói “lên Lai Châu được 2 ngày, khi đặt chân tới Bản Thẳm mình cảm thấy nơi đây thật bình yên, thoải mái và là điểm đến thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc mệt mỏi. Con người ở đây rất gần gũi, thân thiện, bà con còn giữ được nét bản sắc văn hóa dân tộc. Đến đây, mình được thưởng thức các món ăn, trong đó có xôi ngũ sắc và các điệu múa mà bình thường mình chỉ được xem trên ti vi”.
Anh Tạ Ngọc Lâm, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Lần đầu tiên tới thăm Bản Thẳm, tôi thấy không khí mát mẻ, trong lành, quang cảnh đẹp. Được chứng kiến người dân làm món xôi ngũ sắc thấy rất thú vị, lạ lẫm và khi thưởng thức, món xôi này dẻo thơm khác hẳn món xôi mà hàng ngày tôi vẫn ăn. Sau khi về, tôi sẽ rủ bạn bè và gia đình lên thăm quan Bản Thẳm để cùng thưởng thức món ăn dân tộc đặc sắc.
Việt Hoàng – Đinh Thùy