Giới thiệu khái quát huyện Cẩm Khê
Huyện Cẩm Khê nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, là một trong 13 đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Có 30 xã, 1 Thị trấn (Thị trấn Sông Thao), với tổng dân số 128.879 người; tổng diện tích tự nhiên là 23.425ha. Phía Đông tiếp giáp huyện Thanh Ba; phía Tây tiếp giáp huyện Yên Lập; phía Nam tiếp giáp huyện Tam Nông; phía Bắc tiếp giáp với huyện Hạ Hòa.
- Sự hình thành huyện Cẩm Khê:
Huyện Cẩm Khê nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, là một trong 13 đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Với địa hình bán sơn địa, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, miền đất hiền hòa này được hình thành bởi hai vùng khá rõ rệt: vùng đồi núi và ven sông.
Với tổng diện tích tự nhiên là 23.425ha, chiều dài của huyện là 45km, chiều rộng trung bình 4 km, Cẩm Khê tiếp giáp với huyện Thanh Ba về phía đông với danh giới là dòng sông Thao quanh năm nước đỏ phù sa; giáp huyện Yên Lập về phía Tây, ranh giới là dãy núi vòng cung thuộc dãy Hoàng Liên Sơn chạy dọc từ Tây Bắc xuống Đông Nam; phía Nam giáp huyện Tam Nông, ranh giới là dòng sông Bứa chảy từ Tây sang Đông đổ ra sông Thao; phía Bắc tiếp giáp với huyện Hạ Hòa, ranh giới là ngòi Giành – một chi lưu nhỏ của dòng sông Thao.
Huyện Cẩm Khê chính thức được xác lập năm 1841 (năm Thiệu Trị thứ nhất – phong kiến nhà Nguyễn) với 6 tổng, 41 làng. Ngược dòng thời gian, từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước, vùng đất Cẩm Khê ngày nay thuộc bộ Văn Lang cổ đại.
Năm 938, khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, nước ta trở thành Quốc gia phong kiến tự chủ với đơn vị hành chính địa phương là các quận. Lúc này, đất Cẩm Khê (còn có tên gọi là Hồi Hồ) thuộc quận Giao Chỉ.
Đến thế kỷ XI – XII, triều đình nhà Lý chia nước ta thành 24 Lộ, dưới lộ có các Phủ (tên gọi đơn vị hành chính ở vùng đồng bằng) và các Châu (tên gọi đơn vị hành chính ở vùng miền núi), đất Cẩm Khê lúc ấy thuộc Châu Thao Giang, phủ Tam Giang với tên gọi là Ma Khê.
Vào thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) huyện Ma Khê được đổi tên là huyện Hoa Khê, thuộc phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây.
Năm 1831, nhà Nguyễn đổi tên trấn Sơn Tây thành tỉnh Sơn Tây, huyện Hoa Khê thuộc tỉnh Sơn Tây.
Sau gần 400 năm mang tên Hoa Khê, đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vì kỵ húy nhà Nguyễn đổi tên Hoa Khê thành Cẩm Khê, lúc này huyện Cẩm Khê có 6 tổng, 41 thôn, làng, thuộc Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây (Vào thời điểm này huyện Cẩm Khê mới chính thức được xác lập). Lỵ sở của huyện đặt ở xã Nga Hà, từ năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), lỵ sở được chuyển về xã Đông Phú (Thị trấn Sông Thao ngày nay) .
Tháng 4 năm 1886, toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định cắt huyện Cẩm Khê (lúc này thuộc tỉnh Sơn Tây) về tỉnh Hưng Hóa.
Ngày 9 tháng 9 năm 1891, toàn quyền Đông Dương lại tách huyện Cẩm Khê khỏi tỉnh Hưng Hóa, đưa vào địa bàn tiểu quân khu Yên Bái, thuộc Đạo Quan binh 3.
Ngày 9 tháng 12 năm 1892, huyện Cẩm Khê được chuyển trở lại tỉnh Hưng Hóa.
Năm 1903, tỉnh lỵ Hưng Hóa chuyển lên làng Phú Thọ (Thị xã Phú Thọ ngày nay) và tên tỉnh được đổi là tỉnh Phú Thọ. Huyện Cẩm Khê, thuộc tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ này, huyện Cẩm Khê có 6 tổng với 48 làng, đến năm 1927 thêm làng Trung Hà là 49 làng, với số dân là 36.184 người.
Sau cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công, chính quyền cũ bị xóa bỏ, xây dựng chính quyền mới. Các làng được sáp nhập thành liên xã, thay tên làng thành thôn. Thời điểm này, Cẩm Khê từ 49 làng được sáp nhập thành 9 liên xã (Vạn Thắng, Hùng Việt, Nhật Tiến, Nỗ Lực, Minh Tân, Phong Thịnh, Phấn Đấu, Toàn Thắng và Xung Phong). Đầu năm 1948 huyện Cẩm Khê có 15 liên xã, với 50 làng. Năm 1953 các liên xã được chia tách để thành lập 31 xã (địa giới 31 xã thuộc huyện Cẩm Khê cơ bản được ổn định từ đó đến nay).
Sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Trung ương Đảng chủ trương điều chỉnh quy mô hầu hết các tỉnh và huyện phục vụ cho công cuộc sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Nghị định 178/CP ngày 5/7/1977 của Chính phủ, tháng 10/1977 huyện Cẩm Khê, huyện Yên Lập và 10 xã thuộc vùng hữu ngạn sông Thao của huyện Hạ Hòa được sáp nhập lại thành lập huyện mới lấy tên là huyện Sông Thao. Trên quy mô mới, huyện Sông Thao có 58 xã, trong đó có 31 xã của huyện Cẩm Khê cũ, 17 xã của huyện Yên Lập cũ và 10 xã hữu ngạn sông Thao của huyện Hạ Hòa. Ngày 22 tháng 12 năm 1980, theo chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, 17 xã của huyện Yên Lập cũ được tách ra khỏi huyện Sông Thao để tái lập huyện Yên Lập như cũ. Đến ngày 07 tháng 10 năm 1995, tách 10 xã của huyện Hạ Hòa cũ trở về huyện Hạ Hoà; huyện Sông Thao lúc này trở lại phạm vi địa giới của huyện Cẩm Khê cũ với 30 xã và 1 thị trấn (Thị trấn Sông Thao). Đến ngày 08 tháng 4 năm 2002, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, Chính phủ đã đồng ý cho đổi tên huyện Sông Thao trở lại tên gọi huyện Cẩm Khê như trước khi có Nghị định 178 của Chính phủ.
- Điều kiện tự nhiên, tiềm năng và sự phát triển về kinh tế – xã hội ở Cẩm Khê.
Cẩm Khê có cảnh quan đặc thù của vùng trung du miền núi gắn với những đặc trưng của vùng “văn minh sông Hồng”. Theo các tài liệu địa lý – địa chất, có thể khẳng định nơi đây là vùng đất cổ, có kiến tạo địa chất khá đa dạng với nhiều loại đất và thổ nhưỡng khác nhau, điển hình như than nâu (Tiên Lương); quặng sắt (Tam Sơn, Phượng Vỹ, Hương Lung, Tiên Lương); quắc zít (Tam Sơn, Hương Lung, Tạ Xá); cao lanh (Phượng Vỹ, Ngô Xá, Tiên Lương, Văn Bán); đá vôi (Xương Thịnh, Sơn Tình, Hương Lung, Phượng Vỹ)… Bên cạnh đó, ở nhiều nơi trong huyện còn có trữ lượng cát, sỏi, đất sét khá lớn để làm vật liệu xây dựng và đồ gốm, tập trung nhiều ở các xã Ngô Xá, Phượng Vỹ, Hương Lung, Đồng Lương, Tuy Lộc, Phùng Xá, Tiên Lương, Thị trấn Sông Thao, Phú Lạc, Phú Khê … Trải qua hàng nghìn năm, dưới bàn tay khai khẩn, cải tạo của nhiều thế hệ người Cẩm Khê, vùng đất vốn hoang vu này ngày càng trở nên trù phú, ẩn chứa trong mình nhiều tiềm năng và sự phát triển.
Một đặc điểm khác là hệ thống sông ngòi ở Cẩm Khê được hình thành do quá trình biến động của thiên nhiên từ hàng nghìn năm về trước tạo ra như sông Bứa ở phía Nam; ngòi Giành ở phía Bắc; ngòi Cỏ, ngòi Me cùng hàng trăm khu đầm, ao, hồ. Khí hậu ở Cẩm Khê tương đối đồng nhất nhưng do đặc điểm địa hình có nhiều vùng đồng, đầm, ao hồ trũng thấp như trên nên trước đây ngập, úng thường xuyên xảy ra và kéo dài, làm cho giao thông đi lại, sản xuất và đời sống của nhân dân có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít trở ngại.
Theo các tài liệu còn lưu giữ và qua các lời kể của các bậc cao niên, xưa kia Cẩm Khê là vùng đất hoang vu với những khu rừng núi nguyên sinh chưa có dấu chân người, ở đó có nhiều loại gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi như: đinh, lim, sến, táu, trò, vàng tâm v.v… Bên cạnh đó, rừng núi ở Cẩm Khê còn có hàng chục loại cây lấy quả ép dầu như sở, trẩu, dọc ngọt, dọc chua, dọc mỡ … Các loại cây họ tre mọc thành rừng, thành bụi lớn như: tre, bương, mai, diễn, vầu, giang, nứa…; các loại dây leo như: song, mây, dây vải..; các loại cây cho củ như: củ mài, củ nâu, củ khúc khắc … Cùng với hệ thống sản vật thực vật phong phú đó, trong lòng những cánh rừng bạt ngàn ở Cẩm Khê còn có nhiều loại thú hoang dã như: hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng, chồn, tê tê, trăn, rắn, gà rừng, ong mật v.v… Từ thập niên 50 của thế kỷ XX trở về trước, chuyện hàng đêm hổ từ rừng mò vào làng bắt lợn là chuyện thường xảy ra.
Từ cuối thế kỷ XIX, khi đặt chân lên đất Cẩm Khê, người Pháp đã cho xây dựng nhiều đồn điền chè rộng lớn tới hàng trăm ha, như đồn điền Đồng Lương, đồn điền Tình Cương, đồn điền Suông, đồn điền Vân Thê… Đến nay, cây chè được người dân tiếp tục coi trọng, được huyện quy hoạch thành những vùng chuyên canh lớn, hình thành những làng nghề và trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hệ thống các đầm, ao, hồ … với diện tích hàng trăm ha đã giúp Cẩm Khê có nguồn thủy sản cũng vô cùng phong phú. Câu ví “Cá đầm Meo, beo Yên Dưỡng” không biết có từ bao giờ, nhưng theo các bậc cao niên kể lại thì xưa kia các đồng nước ở Cẩm Khê có đủ loại thuỷ sản gồm: cá, tôm, cua, ốc, ba ba, rùa… Trong đó có nhiều loại cá đặc sản như trắm đen, cá chuối, cá măng, cá chép… Hàng năm về mùa nước cạn, người dân ở những vùng đồng Đào (Tiên Lương); đồng Mèn (Sơn Nga – Xương Thịnh); đầm Meo, đầm Dộc Gạo (Điêu Lương, Đồng Lương)…, nhiều người đánh bắt được những con cá nặng tới 20 kg. Ngày nay, hầu hết diện tích mặt nước đã được quy hoạch theo các chương trình dự án nuôi trồng thủy sản mới, được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đem lại sản lượng thủy sản thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn trước gấp nhiều lần.
Ngành sản xuất chính của người dân Cẩm Khê là làm ruộng, trong đó chủ yếu là sản xuất lúa nước và trồng rau màu. Trên dải đất Cẩm Khê, có hàng trăm cánh đồng lớn nhỏ cùng nhiều triền ruộng bậc thang chạy theo các chân đồi, ngách dộc. Điển hình là những cánh đồng lớn, được xem như “vựa thóc của Cẩm Khê” như cánh đồng Ba thuộc địa bàn các xã Tuy Lộc, Phương Xá, Đồng Cam; đồng Láng Chương thuộc các xã Văn Khúc, Chương Xá, Tình Cương, Phú Lạc, Hiền Đa… Còn có những cách đồng, chất lượng thổ nhưỡng được coi là “Bờ xôi, ruộng mật” của các xã đồng bằng vùng ven sông Thao đã đem lại sản lượng lương thực to lớn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống cho người dân Cẩm Khê. Đến nay trên 80% diện tích đất ruộng ở Cẩm Khê đã đưa máy cày, máy bừa vào làm đất thay cho tập quán lâu đời là con trâu đi trước cái cày theo sau. Hơn thế nữa, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều “cánh đồng 50- 60 triệu đồng/ha” với khả năng đa canh ngày càng cao. Bởi thế, mặc dù diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhưng tổng sản lượng lúa trong huyện vẫn đảm bảo vững chắc nhu cầu lương thực trên địa bàn.
Cũng như cây lúa, các loại hoa màu, rau đậu ngày càng được người dân quan tâm. Từ bao đời nay, cây sắn, cây ngô, cây khoai, cây lạc, cây đậu, các loại rau xanh đã gắn chặt với đời sống của người dân nơi đây. Nhìn chung có thể thấy, về chủng loại rau, màu ở Cẩm Khê hiện nay không khác mấy so với ngày xưa, nhưng điều quan trọng ở đây là chất lượng cây giống đã có nhiều bước tiến vượt bậc do có sự tác động mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ lai tạo tìm ra tính ưu việt cho từng loại cây sắn, cây khoai, cây lạc, cây đậu… để phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của từng vùng; qua đó tổng sản lượng của các sản phẩm ngày một tăng lên đáng kể.
Cũng xuất phát từ những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, một bộ phận người dân Cẩm Khê có thêm nhiều nghề thủ công được duy trì từ lâu đời. Điển hình như: làm mộc, làm nón, mây tre đan, rèn, làm gạch ngói, sản xuất vôi, thợ xây dựng … Các nghề thủ công trên hầu hết được hình thành trên đất Cẩm Khê từ bốn trăm đến năm trăm năm.
Họp chợ là một hoạt động kinh tế mà trong đó biểu hiện rõ nét màu sắc văn hóa trao đổi của người dân Cẩm Khê. Đến nay, hầu hết các xã ở Cẩm Khê đều có chợ, trong đó có nhiều chợ được hình thành trên dưới 100 năm, như chợ Cầu Tây (Phương Xá), chợ Áo (Tuy Lộc), chợ Ngô Xá, chợ Phượng Vỹ, chợ Văn Bán, chợ Sai Nga, chợ Đông Phú (Thị trấn Sông Thao), chợ Trò (Cát Trù), chợ Đồng Lương… Ngày nay, do sản lượng nông sản, hàng hoá ngày càng phong phú, nhu cầu trao đổi mua bán ngày càng lớn, nhiều chợ họp tới 2, 3 buổi/ tuần, có chợ họp hàng ngày. Hàng hóa ở mỗi chợ phản ánh khá rõ nét tình hình kinh tế của nông thôn Cẩm Khê. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX trở về trước, khi kinh tế nông thôn chưa phát triển, nhất là thời kỳ mà mọi hoạt động kinh tế đều dựa vào sự điều chỉnh của cơ chế bao cấp, hàng hóa được bày bán và trao đổi ở các chợ đều rất đơn sơ. Hàng nông sản chủ yếu là sắn, khoai, lạc, đỗ, rau xanh, gia cầm. Vài chục năm trở lại đây, cơ chế kinh tế hàng hóa ngày càng đi vào chiều sâu, hàng hóa ở các chợ nông thôn Cẩm Khê cũng phong phú hẳn lên; theo đó hoạt động mua bán, trao đổi ở các chợ cũng tấp nập nhộn nhịp, cả trong các mặt hàng nông sản cũng như hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ra chợ, người ta có thể mua được bất cứ sản phẩm hàng hoá nào mà mình cần. Rõ ràng, sự đa dạng và phong phú sản phẩm hàng hóa trên các chợ nông thôn Cẩm Khê đã toát lên một cách sinh động về đời sống người dân trên vùng quê miền núi trung du giàu tiềm năng này.
- Dân cư và truyền thống văn hóa – xã hội.
* Dân cư:
Với tổng dân số 128.879 người hiện nay, Cẩm Khê là một trong những huyện có số dân đông nhất tỉnh Phú Thọ. Nhìn lại quá trình hình thành dân cư ở Cẩm Khê cũng có những nét đặc trưng lịch sử riêng. Theo các tài liệu khoa học của ngành khảo cổ, cách đây trên một vạn năm, vùng đất Cẩm Khê đã có người Việt cổ sinh sống, bằng chứng là những di vật thuộc nền văn hóa đồ đá cũ Sơn Vi phát hiện được ở xã Điêu Lương. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, trên vùng đất lịch sử này liên tục có các cộng đồng người sinh tụ, cư dân đông đúc dần lên. Từ thế kỷ thứ X trở lại đây, trước những biến cố của lịch sử xã hội và sức hấp dẫn của vùng đất yên bình “thủy, hạn vô tai”, đất đai trù phú này đã cuốn hút nhiều dòng người từ nhiều miền, trong đó chủ yếu là cư dân thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ đến sinh cơ lập nghiệp. Để xây dựng cuộc sống, người dân nơi đây đã đoàn kết, cộng sức cùng nhau khẩn hoang đất đai, chế ngự thiên nhiên và hình thành nên những xóm làng đông đúc, yên vui. Trên nền tảng đó là sự giao thoa, hòa quyện giữa các nét văn hóa hài hòa và đa dạng.
Một bộ phận dân cư khác góp phần vào sự phát triển dân số ở Cẩm Khê là đội ngũ tá điền – những nông dân các tỉnh miền xuôi được các chủ điền người Pháp chiêu lên làm cu ly đồn điền trên đất Cẩm Khê những năm đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như phong trào khai hoang, phong trào xây dựng vùng kinh tế mới được phát động rầm rộ ở đầu thập niên 60 của thể kỷ XX cũng tác động đáng kể vào quá trình tăng dân số ở Cẩm Khê. Năm 1927 Cẩm Khê có 36.184 người, đến năm 2010 đã tăng lên 127.282 người. Mật độ dân số năm 2010 là 560,7 người/km2 .
Cơ cấu dân tộc trong cư dân ở Cẩm Khê từ xa xưa đến nay chủ yếu là người kinh. Đến năm 2011, huyện Cẩm Khê có 864 người dân tộc thiểu số (Mường, Dao, Tày, Nùng…). Những người con các dân tộc thiểu số đến với Cẩm Khê chủ yếu vì lý do hôn nhân gia đình hoặc điều kiện công tác.
Gắn với đặc điểm chung cơ cấu gia đình Việt Nam, cơ cấu gia đình ở Cẩm Khê từ xưa đến nay chịu ảnh hưởng to lớn của điều kiện lịch sử cụ thể. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX về trước, cơ cấu gia đình ở Cẩm Khê có từ 3 thế hệ trở lên, gọi là “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”… Do quá trình vận động xã hội và sự thay đổi nhận thức, từ 4-5 thập niên trở lại đây, mô hình gia đình nhiều thế hệ đã giảm đáng kể và thay vào đó là mô hình gia đình một hai thế hệ. Cơ cấu gia đình ở Cẩm Khê nằm trong mối quan hệ tổng thể giữa gia đình và họ tộc, với thôn xóm, làng xã bằng tình cảm chân thành, đầm ấm, thân thương.
” Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
* Đời sống dân cư, tập quán sinh hoạt và truyền thống văn hóa.
Sản xuất nông nghiệp là ngành chủ đạo trong đời sống kinh tế của người dân Cẩm Khê. Trong quá trình sản xuất, trước những tác động khó lường của thiên nhiên, người dân Cẩm Khê luôn giữ vững những truyền thống, những phẩm chất cao đẹp, đó là: cần cù, chịu thương, chịu khó; tiết kiệm, chắt chiu; kiên trì, sẵn sàng vượt qua khó khăn…
Sinh sống trên một vùng đất có kiến tạo địa chất đa dạng nhưng khá phức tạp, bị cắt xẻ bởi hệ thống ao, hồ, sông ngòi, khe suối được hình thành tự nhiên trải khắp địa bàn, từ nhiều đời nay, các thế hệ người Cẩm Khê đã từng tiến hành bao cuộc chinh phục, cải tạo thiên nhiên, qua đó đã kiến tạo cho nên những cánh đồng, những thửa ruộng mầu mỡ. Theo các cứ liệu lịch sử, công cuộc quai đê trị thủy ở Cẩm Khê được tiến hành từ thế kỷ XVIII – XIX, tiêu biểu nhất là đê sông Thao có chiều dài gần 40km (từ năm 1954 gọi là đê 24). Với triệu triệu công sức của nhiều thế hệ người Cẩm Khê đã ngăn chặn thành công sự đe dọa khủng khiếp của sông Hồng qua mỗi mùa mưa lũ. Mặc dù, cuối thập niên 60 đầu 70 của thế kỷ XX, có một vài đoạn sung yếu của đê 24 bị vỡ, gây thiệt hại cho đồng ruộng một số địa phương, song sau đó đã nhanh chóng được hàn khẩu vững chắc hơn để con đê sẵn sàng đối mặt với mùa mưa lũ năm sau. Trong nội đồng, hàng nghìn bờ vùng, bờ thửa dần được hình thành từ xưa đến nay. Công cuộc xây dựng đập Ba Vực, đập Vực Ẩu, đập Dộc Gạo, đập nhà Chắp, trạm bơm tưới tiêu đồng Láng Chương, trạm bơm tưới Tuy Lộc và hàng trăm hồ đập, mương máng trên địa bàn đã chứng minh những quyết tâm không mệt mỏi trong công cuộc chế ngự thiên nhiên của các thế hệ người Cẩm Khê.
Gắn với quá trình “trị thủy”, kiến thiết đồng điền để phát triển sản xuất nông nghiệp, người dân Cẩm Khê còn đặc biệt quan tâm đường đi lối lại từ xã nọ đến xã kia, từ làng này đến làng khác. Có thể thấy, hầu hết những con đường trong huyện đã được hình thành từ những thế kỷ trước với sức lao động thủ công cực nhọc trong nhiều năm của người dân Cẩm Khê. Trong thời đại mới, những con đường ấy liên tục được đắp cao, mở rộng thành những con đường có tên có số, được nhựa hóa, bê tông hóa. Nếu 15 – 20 năm về trước, ít ai nghĩ rằng những con đường từ đê Ngô Xá đi xã Tiên Lương lại được trải bê tông nhựa hiện đại và cây cầu qua ngòi Giành trong địa bàn Tiên Lương được xây dựng rộng, dài, vững chãi thì ngày nay, thực tế đó đã hiện hữu rõ ràng để từ đó vĩnh viễn chấm dứt cảnh thuyền đò trắc trở qua mỗi mùa nước nổi ở vùng quê bán sơn địa này. Những thành quả của ngày hôm nay đều được bắt nguồn từ niềm mơ ước và quyết tâm cao độ từ thế hệ này sang thế hệ khác của người dân Cẩm Khê.
Đời sống kinh tế gắn liền với tập quán sinh hoạt của cư dân Cẩm Khê được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Nhìn chung trong các tập quán sinh hoạt thường ngày, đại bộ phận cư dân Cẩm Khê, dù ở vùng nào trong huyện cũng có nét tương đồng chung.
Thờ cúng tổ tiên là một phong tục truyền đời mang tính nhân văn sâu sắc, được thể hiện phổ biến trong mọi gia đình để qua đó tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu được may mắn. Trong mỗi gia đình ở Cẩm Khê, bàn thờ tổ tiên được lập ở nơi trang trọng nhất và luôn được giữ gìn trang nghiêm. Với đạo lý kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; theo phương châm “sống tết, chết giỗ”, từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, khi cha mẹ còn sống, cứ đến ngày lễ, ngày tết, dù to hay nhỏ (tết Nguyên đán, tết Hàn thực mồng 3 tháng 3, tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5, giằm tháng 7, mồng 10 tháng 10 âm lịch…), những người con, dù trai hay gái, đã đi xây dựng gia đình đều sắm một mâm cỗ chín, kính biếu cha mẹ. Mấy chục năm gần đây, vì nhiều lý do, con cái không nhất thiết phải sắm cỗ chín mà có thể biếu cha mẹ bằng các loại quà bánh, thực phẩm phù hợp và tiện lợi mà quan trọng là trong đó chứa đựng tình cảm thiêng liêng, mong cha mẹ sống lâu, vui khỏe với tâm niệm “Bao nhiêu vàng ngọc trên đời, cũng không mua được nụ cười mẹ, cha”. Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời, vào ngày giỗ hàng năm, con cháu dù ở đâu, làm gì đều cố gắng cao nhất để trở về tề tựu bên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong cho gia đình bình an may mắn. Nét văn hóa, nhân văn sâu sắc đó từ bao đời nay và mãi mãi là một phần quan trọng trong đời sống của người dân Cẩm Khê.
Cùng với phong tục thờ cúng tổ tiên, cư dân Cẩm Khê luôn trân trọng, tôn thờ người có công với làng với nước. Đạo lý đó được thể hiện dưới hình thức mang tính cộng đồng với nghi thức phong phú, trang nghiêm tại các hội đình làng hàng năm; trước đây, gần như làng nào cũng có đình. Trên địa bàn Cẩm Khê hiện nay còn hàng chục ngôi đình cổ kính, được công nhận là những di tích lịch sử, văn hoá, tiêu biểu như: Đình Thổ Khối – xã Phương Xá; Đình Phương Xá – xã Phương Xá; Đình Trình Khúc – xã Văn Khúc; Đình Hội – xã Tuy Lộc; Đình Hạ Khê – xã Phương Xá; Đình Ba Nóc – xã Hiền Đa; Đình, chùa Hiền Đa – xã Hiền Đa; Đình, chùa Sơn Cương – xã Sai Nga; Đình, đền Huân Trầm – xã Điêu Lương; Đình Thượng – xã Chương Xá v.v…
Đa số Lễ hội đình làng ở Cẩm Khê được tổ chức vào tháng giêng, tháng hai hàng năm và đều mang một ý nghĩa chung là tôn thờ những bậc “thánh nhân” linh thiêng cao cả và là điểm nhấn cho hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng và mỗi người. Về cách thức tổ chức lễ hội đều mang đậm dấu ấn trong nếp sống của cư dân nông nghiệp vùng trung du miền núi. Sự đa dạng trong thống nhất ấy đã tạo cho không khí mùa xuân hàng năm ở Cẩm Khê từ ngàn xưa đến nay mang đậm âm hưởng của mùa lễ hội.
* Đạo Thiên Chúa giáo được du nhập vào Cẩm Khê từ cuối thế kỷ XIX. Cùng với quá trình di cư, sinh cơ lập nghiệp, một bộ phận đồng bào công giáo từ miền xuôi đã mang theo tôn giáo của mình lập thành các giáp và sau đó lập nhà thờ họ giáo. Cho đến nay, trên địa bàn Cẩm Khê có 6 Hội đồng giáo xứ với 20 nhà thờ, 20 Ban hành giáo, tổng số gần 33 nghìn giáo dân, chiếm gần 26% dân số trong huyện và là huyện có số giáo dân đông nhất tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh một số xã, một số làng công giáo toàn tòng, thì ở nhiều xã, đồng bào giáo, lương sống xen kẽ bên nhau. Sự gắn kết đã tạo nên quan hệ đoàn kết như một truyền thống cao đẹp xuyên suốt lịch sử Cẩm Khê. Do các điều kiện địa lý, tự nhiên và lịch sử, các mối quan hệ dòng họ, làng xã đã cố kết cộng đồng dân cư ở Cẩm Khê một cách tự nhiên. Tính công bằng, nhân ái “Thương người như thể thương thân”, không phân biệt tôn giáo còn thể hiện khá đậm nét trong đời sống của những người nông dân từng chung sức, chung lòng chế ngự thiên nhiên, chống giặc giã xâm lược.
* Phật giáo ở Cẩm Khê, do cách thức và nội dung hành đạo có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian truyền thống tạo nên sự phân định giữa người có hoặc không có đạo Phật dường như không rõ. Trên thực tế, số cư dân là “phật tử” thực thụ ở các địa phương trong huyện không nhiều, song hầu như đại bộ phận bà con nhân dân đều có tâm lý tin ở Phật và tự coi mình là “con của Phật” với quan niệm “Phật ở trong ta”. Đến năm 2011 trên địa bàn huyện có 34 ngôi chùa, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XVII – XVIII với kỹ thuật kiến trúc cầu kỳ và được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, như chùa Khánh Long và chùa Thổ Khối (xã Phương Xá), chùa Sơn Cương (xã Sai Nga), chùa Hiền Đa (xã Hiền Đa)… Riêng chùa Khánh Long hiện còn lưu giữ hầu hết các pho tượng cổ, được sắp xếp theo triết lý đạo phật mà người đời rất đỗi tôn thờ. Bên cạnh đó, còn có hàng chục ngôi chùa mới được khôi phục, tôn tạo trên nền móng cũ.
Giá trị đạo đức là ý nghĩa chủ đạo trong hoạt động tôn giáo. Bởi thế bản chất hướng thiện, tu nhân tích đức của đạo Phật cũng như đạo Công giáo đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Cẩm Khê một cách tự nhiên, gắn với tín ngưỡng truyền thống và nhu cầu văn hóa cộng đồng. Cũng từ bản chất hướng thiện trong sinh hoạt tôn giáo đã làm cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong xây dựng cuộc sống qua bao thế hệ luôn được nuôi dưỡng, trở thành truyền thống đáng tự hào của người dân Cẩm Khê.
Trong lịch sử phát triển và gìn giữ sắc màu văn hóa quê hương, người dân Cẩm Khê không ngừng bồi đắp, tô điểm làm phong phú thêm bức tranh bình dị muôn màu. Xuất phát từ điều kiện lao động và khát vọng cuộc sống, từ ngàn xưa người dân Cẩm Khê đã “sáng tác” nên những câu vè, câu thơ, trong đó diễn tả những điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh ngay trên miền đất quê hương, nhằm động viên, khích lệ mọi người cùng chung tay xây dựng cuộc sống. Chẳng hạn, khi tự hào về chiếc nón lá quê mình:
“Nón ai nón bạc nón vàng / Nón em lá cọ che ngang mặt trời”.
“Đi đâu nón chẳng đội đầu / Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che”.
Để động viên nhau trong lao động sản xuất, những thanh niên nam, nữ nông thôn xưa đã sáng tác ra những câu thơ thật dí dỏm:
“Em làm cỏ sắn trên nương / Anh thì gánh củi trong rừng gánh ra”.
“Tháng ba hoa trẩu trắng trời / Tiếp là hoa sở tháng mười khoe tươi”.
“Bên này gò, bên ấy cũng gò / Muốn ăn dọc chín thì mò sang đây
Dọc chín còn ở trên cây / Muốn ăn dọc rụng, sang đây cùng tìm”.
Từ xưa, cây chè và cây sơn đã được người nông dân Cẩm Khê rất quan tâm và sản xuất với diện tích đáng kể trên các vùng đồi. Sự chí thú trong sản xuất được toát lên trong các câu vè mộc mạc:
“Cách nhau có nương chè thưa / Những lời em nói anh chưa nghe tường”.
“Lạ lùng anh mới tới đây / Thấy gốc chè mạn, thấy cây chè đồi”.
“Trước nương sơn, sau lại nương chè / Ước gì em được đi về cùng anh”.
“Hỡi người gánh nước quang tre / Cho tôi một gáo tưới chè cho vui”.
“Rủ nhau lên núi hái chè / Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi”.
Qua những vần thơ, câu vè bình dị đó đã cho ta thấy cây chè từ ngàn xưa đã hòa quyện vào đời sống tinh thần của người dân Cẩm Khê.
Bên cạnh những dòng ca dao mang tính ngẫu hứng độc đáo đó, trên quê hương Cẩm Khê cũng sản sinh những “danh nhân” văn hóa mà tên tuổi của họ được đi vào sử sách, làm tự hào thêm truyền thống người và đất quê mình. Theo sách “Đại Nam tích niên sử”, từ thế kỷ XVII, phong trào học hành thi cử ở Cẩm Khê đã khá mở rộng và đã có người thi đỗ Tiến sĩ . Bên cạnh đó, còn có những ” hiền tài ” nhờ công học hành đỗ đạt mà trở thành nhà giáo tên tuổi còn lưu danh đến ngày nay. Truyền thống hiếu học luôn là niềm tự hào và không ngừng được người dân Cẩm Khê nuôi dưỡng, vun đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, trong làng văn nghệ dân gian của tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Cẩm Khê nói riêng đã xuất hiện nhà thơ Bút Tre mà các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ đánh giá là “hiện tượng thơ Bút Tre” với sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Nối tiếp truyền thống hiếu học rất đáng tự hào đó, ngày nay, danh sách, tên tuổi những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân khoa học đã không ngừng được các thế hệ cháu con nối dài một cách đầy thuyết phục. Đến nay, quê hương Cẩm Khê giàu truyền thống hiếu học đã có hàng trăm người con có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và hàng ngàn cử nhân khoa học thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, công tác trên mọi miền của đất nước.
Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đô hộ, nhân dân Cẩm Khê đã thể hiện rõ tinh thần kiên cường, bất khuất. Người dân Cẩm Khê sẵn sàng tập hợp các ngọn cờ chính nghĩa; nhiều người đã trở thành những thủ lĩnh giỏi trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Cẩm Khê cũng từng là xăn cứ địa, là nơi diễn ra những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm như: Các nữ tướng hợp binh chiến đấu ở Van Bán Trang trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng; khởi nghĩa Tiên Động của tướng quân Ngô Quang Bích trong phong trào Cần Vương; khu du kích Vạn Thắng, chiến thắng Chủ Chè trong kháng chiến chống Pháp….
Những truyền thống tốt đẹp trên là nền tảng cơ sở để Cẩm Khê sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng, trở thành cái nôi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Thọ./.
Biên tập: Nguyễn Dũng