Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Thành phố Việt Trì thành lập ngày 4/6/1962, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ, nơi có Đền Hùng – Khu Di tích Lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi người về thăm công trường xây dựng khu công nghiệp Việt Trì: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, nay ta xây dựng đất Tổ thành một khu công nghiệp lớn, làm cơ sở của CNXH. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của đất nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng đất Tổ…”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì đã đoàn kết, kiên cường, năng động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Thành phố liên tục phát triển nhanh, bền vững và vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ

Việt Trì nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, là thành phố du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là kinh đô Văn Lang – kinh đô đầu tiên của người Việt và là cửa ngõ của vùng Tây Bắc Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 11.175,11ha, gồm 13 phường nội thành và 10 xã ngoại thành; dân số khoảng 285 ngàn người; phía Đông giáp với huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc); phía Nam giáp huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), huyện Ba Vì (Hà Nội); phía Tây giáp huyện Lâm Thao; phía Bắc giáp huyện Phù Ninh. Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, Việt Trì ngày nay được biết đến là “hành phố hai di sản” (Tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn khấp)

Việt Trì là vùng đất nằm ở vị trí chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang đại hình đồng bằng, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng. Từ trung tâm Thành phố nhìn về phía Tây Nam là núi Ba Vì, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo. Ở phía  Tây- Tây Bắc Thành phố là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các vua Hùng.

Về mặt địa chất, đất đai ở Việt Trì thuộc vùng đất cổ có niên đại cách đây từ 50 đến 200 triệu năm. Theo tài liệu khảo cổ học cách ngày nay khoảng 2 vạn năm, ở đây đã có sự định cư của người Việt cổ. Khoảng 4000 năm trước Vua Hùng đã chọn nơi này làm đất đóng đô của nhà nước Văn Lang. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Việt Trì đã nhiều lần thay đổi ranh giới hành chính và sự phân cấp quản lý hành chính.

* Thời đại Hùng Vương, vùng Việt Trì- Bạch Hạc là trung tâm chính trị- kinh tế, được coi là kinh đô của Nhà nước Văn Lang. Dưới thời thuộc Hán, vùng Việt Trì thuộc về huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ. Thời Tam Quốc- Lưỡng Tấn và thời Tuỳ (thế kỷ III đến thế kỷ VI) thuộc huyện Gia Ninh, quận Tân Xương. Đời Đường, vùng Việt Trì thuộc huyện Thừa Hoá, quận Phong Châu; thời Thập Nhị sứ quân (944- 967), Việt Trì nằm trong khu vực chiếm giữ của tướng Kiều Công Hãn. Thời Lý Trần, Việt Trì thuộc về châu Thao Giang, lộ Tam Giang. Thời nhà Lê, Việt Trì là một thôn thuộc xã Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Đầu thời Nguyễn, địa giới Việt Trì cơ bản vẫn giữ như thời Hậu Lê. Năm 1832, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, đổi tất cả các trấn trong cả nước thành tỉnh. Thôn Việt Trì thuộc về xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đái; sau đổi thành phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây.

Untitled 1 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

* Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp xáo trộn lại các đơn vị hành chính cũ, lập ra những tỉnh mới nhỏ hơn trước để dễ quản lý và đàn áp. Việt Trì tách khỏi xã Bạch Hạc, trở thành một làng trong tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì; còn xã Bạch Hạc vẫn nằm trong huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nhận rõ Việt Trì là cửa ngõ án ngữ các tuyến đường giao thông thủy, bộ ở phía Bắc Việt Nam, không chỉ có vị trí quan trọng về mặt kinh tế mà còn là tiền đồn trọng điểm về quân sự, ngày 22/10/1907, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Việt Trì và đặt trung tâm huyện lỵ Hạc Trì tại đây.

* Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Việt Trì thuộc liên xã Sông Lô bao gồm các xã: Lâu Hạ, Hạ Giáp, Thuần Lương, Việt Trì làng và Việt Trì phố. Tháng 2/1945, thị trấn Việt Trì được tái lập gồm ba khu phố: Thuần Lương, Việt Hưng và Việt Lợi. Ngày 7/6/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định cho sáp nhập xã Phong Châu thuộc thi trấn Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phúc về thị trấn Việt Trì và chuyển thành thị xã Việt Trì. Ngày 1/9/1960, Chính phủ quyết định sáp nhập 4 xã: Minh Khai, Minh Phương, Lâu Thượng, Tân Dân cảu huyện Hạc Trì vào thị xã Việt Trì.

* Ngày 4/6/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 65/CP thành lập Thành phố Việt Trì trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Cũng trong năm này, Chính phủ ra quyết định giải thể huyện Hạc Trì, chuyển 2 xã: Hùng Thao (nay là xã Cao Xá) và xã Thống Nhất (nay là xã Thụ Vân) nhập vào huyện Lâm Thao, những xã còn lại nhập vào Thành phố Việt Trì. Đến lúc này, thành phố Việt Trì gồm: thị trấn Bạch Hạc, thị xã Việt Trì  và 7 xã: Quất Thượng, Chính Nghĩa (nay là địa bàn phường Tiên Cát, Thọ Sơn, Thanh Miếu và Bến Gót), Minh Khai (nay là xã Minh Phương), Tân Dân, Dữu Lâu, Lâu Thượng, Minh Nông.

* Ngày 26/1/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, có tỉnh lỵ là Thành phố Việt Trì; các xã: Quất Thượng, Lâu Thượng và Sông Lô hợp nhất thành xã Trưng Vương.

* Ngày 5/7/1977, Hội đồng Chính Phủ ra Quyết định hợp nhất và điều chỉnh địa giới 1 số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Các xã Vân Phú, Phượng Lâu của huyện Phù Ninh, xã Thụy Vân của huyện Lâm Thao, thôn Mộ Chu Hạ, thôn Lang Đài của xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường sáp nhập về thành phố Việt Trì.

* Ngày 13/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định phân vạch địa giới xã, phường của thành phố Việt Trì. Theo đó, thị trấn Bạch Hạc giải thể để thành lập phường Bạch Hạc; đồng thời chia lại các phường cũ, lập các phường mới. Thời điểm này, thành phố Việt Trì gồm 8 phường là: Bạch Hạc, Thanh Miếu, Thọ Sơn, Tiên Cát, Gia Cẩm, Nông Trang, Vân Cơ, Tân Dân và 8 xã là: Thuỵ Vân, Minh Nông, Minh Phương, Vân Phú, Phượng Lâu, Dữu Lâu, Sông Lô và Trưng Vương.

* Ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX ra Nghị Quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Thành phố Việt Trì tiếp tục là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hoá của tỉnh Phú Thọ. Ngày 8/4/2002, Chính phủ ra Nghị định số 39- NĐ/CP, thành lập phường Dữu Lâu và phường Bến Gót thuộc thành phố Việt Trì.

Sau nhiều năm tập trung đầu tư xây dựng và phát triển, ngày 14/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 180/QĐ- TTg công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại 2. Mở rộng diện tích, tăng quy mô dân số, thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã: Chu Hoá, Hy Cương, Thanh Đình (huyện Lâm Thao); Hùng Lô, Kim Đức (thuộc huyện Phù Ninh); Tân Đức (huyện Ba Vì) được sáp nhập về TP Việt Trì. Thành phố cũng đã thực hiện đầu tư nâng cấp xã lên  phường là Minh Nông, Minh Phương và Vân Phú.

* Ngày 4 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Phú Thọ.

Như vậy, đến thời điểm này, thành phố Việt Trì có 23 đơn vị hành chính gồm 13 phường là: Bạch Hạc, Bến Gót, Thanh Miếu, Thọ Sơn, Gia Cẩm, Tiên Cát, Tân Dân, Nông Trang, Vân Cơ, Dữu Lâu, Minh Phương, Minh Nông, Vân Phú và 10 xã gồm: Sông Lô, Trưng Vương, Phượng Lâu, Thuỵ Vân, Thanh Đình, Chu Hoá, Hy Cương, Kim Đức, Hùng Lô và Tân Đức.

VIỆT TRÌ TRONG CÁC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

          Trong những năm Pháp thuộc, từ năm 1930 tại Bạch Hạc đã có tổ chức Nông Hội Đỏ, một tổ chức quần chúng của Đảng với nhiều hoạt động “ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ” “phản đối thực dân Pháp đàn áp công nông Nghệ Tĩnh”. Trong thời kỳ mặt trận dân chủ (1936- 1939), đã hình thành một số tổ chức quần chúng như: Đoàn thanh niên dân chủ, Hội truyền bá quốc ngữ, Nghiệp đoàn, Hướng đạo sinh…thực hiện mục tiêu đòi quyền dân sinh, dân chủ, đấu tranh đò tăng lương, không được đánh đập và cúp lương công nhân.

IMG 3417 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

          Từ năm 1939- 1945, thực hiện chủ trương của Đảng, nhiều cán bộ Trung ương Xứ uỷ và Khu uỷ đã về 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phú Thọ để xây dựng cơ sở Đảng. Từ khi có chi bộ Đảng ở Việt Trì, phong trào công nhân Việt Trì đã có sự chuyển biến rõ rệt về chất và cuối cùng đã cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

          Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, toàn dân Việt Trì bắt tay ngay vào việc giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách đó là: chống nạn đói, xoá mù chữ và đối phó với âm mưu chống phá cách mạng của kẻ địch và bè lũ tay sai. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, quân dân Việt Trì đã đánh 462 trận lớn, nhỏ, diệt 186 tên địch, bắt sống 13 tên và làm bị thương nhiều tên khác, đồng thời đóng góp được hàng vạn ngày công, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu. Với những thành tích đó, quân và dân Việt Trì đã được Đảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 190 huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, 214 hạng Hai, 314 hạng Ba, và 402 Huy chương, Nhân dân xã Chính Nghĩa được tặng cờ danh hiệu “Anh hùng du kích” của Liên khu Việt Bắc.

Untitled 2 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

 Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Hạc Trì đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế- xã hội. Từ tháng 11/1958, Khu công nghiệp Việt Trì được khởi công xây dựng; sau đó là một loạt các nhà máy đã ra đời như: Xưởng xẻ Bạch Hạc, xí nghiệp gạch Bồ Sao, xưởng xẻ Việt Trì, gạch Minh Khai, Kho xăng dầu, nhà máy Xay…với tổng số 322 hạng mục công trình lớn nhỏ; hệ thống các công trình: nhà ga, bến cảng và các dịch vụ văn hoá, y tế, giáo dục cũng được xây dựng.

 Giữa lúc nhân dân Việt Trì đang ra sức phấn đấu hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất thì Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đãnh phá miền Bắc. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân Việt Trì đã chi viện hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, động viên gần 1 vạn con em lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Ghi nhận những đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Việt Trì đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng 38 Huân chương các loại cho các tập thể và 5.500 Huân, Huy chương cho cá nhân; Quốc hội và Chính phủ đã phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.

          Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Trì tiếp tục bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 2, lần thứ 3. Nhân dân Thành phố đã vượt qua những khó khăn thử thách giành được những kết quả to lớn, toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Đặc biệt từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, đến nay, tình hình kinh tế- xã hội Thành phố đã có bước phát triển khá và luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong hầu hết các lĩnh vực; đời sống nhân dân thành phố từng bước được ổn định và nâng cao.

THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI NỔI BẬT

Kể từ ngày thành lập đến nay, sau gần 55 năm xây dựng và trưởng thành, kinh tế- xã hội của thành phố liên tục phát triển, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tăng cường và củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững. Thành phố Việt Trì được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đặc biệt là kể từ sau khi được công nhận là đô thị loại I, thành phố đã thực sự chuyển mình, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh.

Untitled2 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, những năm gần đây, thành phố Việt Trì luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,71%/ năm (giai đoạn 2010- 2015). Thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010- 2015 về phát triển dịch vụ đã đạt kết quả khá, các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 12,4%/ năm; kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt 445 triệu USD, tốc độ tăng bình quân đạt 6,4%/ năm. Quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ hoạt động du lịch gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng. Hàng năm, thu hút trên 6 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 720 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa cận đô thị. Chú trọng công tác khuyến nông và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn và trồng hoa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp cận đô thị. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được triển khai tích cực và có hiệu quả. Đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực tham gia. Tính đến hết năm 2015, thành phố có: 02 xã đạt chuẩn, 08 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều tiến bộ, quản lý chặt chẽ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 20,4%/năm, chi ngân sách nhà nước tăng 14,2%. Đặc biệt, thành phố đã huy động vốn đầu tư phát triển tăng khá, khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đạt kết quả tích cực.Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011- 2015 đạt 21.578 tỷ đồng, chiếm 32,2% so với toàn tỉnh, tăng bình quân 13,6%/năm. Các tuyến đường giao thông nội thành, các tuyến quốc lộ, cầu và đường đối ngoại được đầu tư xây dựng; hệ thống đê điều kết hợp phục vụ giao thông được củng cố, mở rộng. Nhiều công trình thuỷ lợi quy mô lớn, đa mục tiêu, áp dụng công nghệ tiên tiến được triển khai xây dựng.

                Các thành phần kinh tế phát triển đa dạng. Khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục được sắp xếp, đổi mới; tiến hành cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đến năm 2015, khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 95%. Hoạt động kinh tế đối ngoại được tăng cường và có hiệu quả. Trong 5 năm đã thu hút 09 dự án, nâng số dự án FDI được cấp phép lên 38 dự án, tổng vốn đăng ký 182,7 triệu USD. Công tác quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và môi trường được tăng cường. Năm 2012, Thành phố được công nhận là đô thị loại I, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch; đã xây dựng Quy hoạch thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030 và tập trung quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các phường, xã; sửa đổi và triển khai thực hiện Quy chế quản lý đô thị Thành phố năm 2013. Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn ngày càng chặt chẽ, ý thức chấp hành của nhân dân dần đi vào nề nếp. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, diện mạo đô thị được đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Sequence%2001 Still007 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Công tác quản lý đất đai bảo đảm theo quy hoạch, kế hoạch; việc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất cơ bản bảo đảm đúng quy định. Đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình hành động về bảo vệ môi trường và nước sạch. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đạt nhiều kết quả khá. Các loại hình đào tạo phát triển đa dạng, phong trào khuyến học, khuyến tài được chú trọng. Việt Trì luôn là đơn vị dẫn đầu toàn Tỉnh và trong tốp đầu các đô thị cùng loại về số lượng, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Xây dựng trường chuẩn quốc gia hoàn thành vượt kế hoạch, có 71 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 16 trường so với giai đoạn trước. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn có nhiều cố gắng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Các chương trình y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả, các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cơ sở vật chất y tế được đầu tư hiện đại, thái độ phục vụ người bệnh, chất lượng khám và chữa bệnh có nhiều tiến bộ; đã có 14/23 phường, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn II, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình được chỉ đạo, vận động có hiệu quả; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,42%. Công tác chăm sóc trẻ em được thực hiện tích cực, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 9,1%; tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đạt 100%.

Sequence%2018 Still002 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắcThành phố đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, gắn kết các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Đất Tổ và giá trị các di tích lịch sử. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm trên 94%, tỷ lệ Khu dân cư có nhà văn hóa đạt 100%. An sinh xã hội được bảo đảm. Năm năm qua đã giải quyết việc làm mới cho trên 18.400 lao động, xuất khẩu lao động 2.276 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm  còn 1,8% vượt mức kế hoạch đại hội. Công tác chăm sóc, thực hiện chế độ, chính sách với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, thực hiện chính sách bảo trợ xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời.

khai%20mac%20 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực.    Tổ chức thực hiện tốt các phương án tác chiến, kế hoạch phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Hàng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Không để xảy ra phức tạp về trật tự xã hội, giảm trọng án, tỷ lệ điều tra phá án bình quân đạt trên 87,8%/năm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả. Nghiêm túc thực hiện quy định về minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định.

     Hoạt động của chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên.Hội đồng nhân dân thành phố và các phường, xã tiếp tục khẳng định vai trò và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, sát thực tế. Hoạt động giám sát được tăng cường, quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ủy ban nhân dân các cấp được quan tâm kiện toàn, đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển kinh tế- xã hội và đô thị. Nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân các cấp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có chuyển biến thiết thực, hiệu quả, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dânBám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết 20 –  NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân“. Tăng cường củng cố về tổ chức, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên, đoàn viên, khẳng định vai trò nòng cốt trong việc phát huy dân chủ, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội cao, góp phần tích cực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

 

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

VÀ ĐÔ THỊ VIỆT TRÌ ĐẾN 2020:

  Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, thành phố xác định cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao trình độ, trách nhiệm và nếp sống của nhân dân; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung thực hiện ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

cvvanlang - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Từ nay đến năm 2020, Việt Trì sẽ tập trung phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.  Tập trung thực hiện khâu đột phá phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng.Đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bảo tồn, phát huy tối đa lợi thế du lịch tâm linh hướng về cội nguồn và du lịch gắn với hai Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, thân thiện, mến khách. Phấn đấu thu hút 11 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020.  

Sequence%2001 Still001 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công tư để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phấn đấu trong nhiệm kỳ thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 33.000 đến 34.000 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng Thành phố cơ bản trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

 Xây dựng Đô thị văn minh, văn hóa gắn với mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt NamPhát động phong trào thi đua thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, phong cách công dân Thành phố Việt Trì: thanh lịch, mến khách, thân thiện, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người đất Tổ, phát huy giá trị các di sản văn hóa cội nguồn mang đậm bản sắc dân tộc, với kiến trúc đặc sắc kết hợp tính dân tộc và hiện đại tạo sự hài hòa, liên kết hợp lý giữa các chức năng của Thành phố lễ hội du lịch.

 Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư xã hội, tạo động lực phát triển.Thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch, dịch vụ, nông nghiệp cận đô thị. Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư FDI theo hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh. Huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng giúp các nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ và tạo quỹ đất sạch. Chủ động, chính xác trong bố trí tái định cư, bồi thường, hỗ trợ.

Sequence%2001 Still005 - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11). Phát triển quy mô, mạng lưới các ngành học, cấp học theo Quy hoạch mạng lưới trường lớp thành phố Việt Trì đến năm 2030. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong học đường. Khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bảo tồn, giữ gìn, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là 2 di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”, các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Vận động kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, luyện tập, rèn luyện nâng cao sức khỏe góp phần xây dựng phong trào thể thao quần chúng sâu rộng trong nhân dân. Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình. Giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách tư pháp, tích cực thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.  

thanhphoviettri - Giới thiệu khái quát thành phố Việt Trì

Tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất chính trị trên cơ sở làm tốt công tác cán bộ và đào tạo cán bộ.  Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; góp phần đưa thành phố Việt Trì phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ, xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây