Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

huyện Châu Thành - Tỉnh Tây Ninh
BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH TÂY NINH

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

Huyện Châu Thành nằm trên tuyến biên giới phía tây nam của tỉnh Tây Ninh và của cả nước, có chung đường biên giới với tỉnh Svây Riêng (Campuchia) dài 48 km, có cửa khẩu Phước Tân và nhiều đường tiểu ngạch thông thương  giữa hai nước.

Đặc điểm biên giới đất liền đất, rừng liền rừng, sông có đoạn từ Vàm Trảng Trâu đến Bến Ra được coi là đoạn biên giới phân cách.

Là một trong 5 huyện biên giới có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là về quốc phòng, an ninh của tỉnh. Huyện Châu Thành phía đông giáp Thị xã Tây Ninh; phía nam giáp hai huyện Bến Cầu và Hòa Thành; phía Bắc giáp huyện Tân Biên. Có diện tích tự nhiên 571, 25km2  , dân số: 141.875 người. Mật độ dân số 248,36 người/km2

 Địa hình vừa có đồng bằng vừa có rừng. Phía Tây-Tây Bắc rừng xen kẽ trảng trống và đồng ruộng. Phía Nam-Tây Nam chủ yếu là rừng (rừng thưa, rừng chồi). Sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc huyện chia diện tích huyện thành hai vùng xấp xỉ nhau. Rạch Sóc Om và Rạch Vàm Dình là 2 thượng nguồn của sông Vàm Cò Đông.

Nguồn nước ngọt quanh năm không cạn rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên sông Vàm Cỏ Đông mang đặc tính bán nhật triều nên khi triều dâng cao nhất thì vụ lúa mùa có thể bị thiệt hại ở những vùng trũng sâu, ven sông Vàm Cỏ Đông.

Hiện quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp (bao gồm diện tích đất phát triển CCN-TTCN) trên địa bàn huyện đến năm 2020 khoảng 270ha.

Tài nguyên khoáng sản của huyện có các khoáng sản chủ yếu như sản xuất vật liệu xây dựng cát, sỏi; sét gạch ngói (Trí Bình); đá Letarit (Lò Ho); than bùn phân bố rãi dọc theo sông Vàm Cỏ Đông ở Trí Bình, Thanh Hàm (xã An Bình), Ninh Điền, là nguyên liệu cho sản xuất phân bón với điều kiện khai thác khá thuận lợi; cao lanh (Thái Bình). Ngoài ra, xã Ninh Điền có 01 mỏ nước khoáng đã được thăm dò chi tiết và được hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước cấp giấy phép khai thác.

Kinh tế -Xã hội và Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp

Kinh tế huyện Châu Thành giai đoạn từ năm 2010 đến nay có mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất các lĩnh vực chủ yếu năm 2014 ước thực hiện 8.666 tỷ đồng, tăng 9,56% SCK. Trong đó: Nông-lâm-thủy sản: ƯTH 4.342 tỷ đồng, tăng 5,5% SCK; Công nghiệp-xây dựng: ƯTH 3.329 tỷ đồng, tăng 14,04% SCK; Thương mại-dịch vụ: ƯTH 995 tỷ đồng, tăng 13,69% SCK.

Kinh tế có sự chuyển biến khá rõ nét, theo hướng phát triển bền vững. Cơ cấu Nông nghiệp, Công nghiệp-xây dựng, Thương mại-dịch vụ ƯTH năm 2014: 50,11%-38,41%-11,48%.

Về công nghiệp-TTCN, toàn huyện có khoảng 856 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thu hút trên 7.000 lao động.

Hiện tại ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thực phẩm và ngành dệt may-da giày chính là những ngành công nghiệp thể hiện thế mạnh của huyện.

DI TÍCH LỊCH SỬ

Gò Cổ Lâm thuộc ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích khảo cổ học tại Quyết định số 3211/QĐ-BT ngày 12/12/1994. Đây là khu di chỉ gồm nhiều phế tích, đền tháp đã được khai quật năm 1990.

  Trên đỉnh gò có một ngôi chùa được xây dựng cách nay trên 100 năm, còn gọi là gò Chùa Cổ Lâm. Mặt gò hình chữ nhật rộng trên 5.000m2, cao khoảng 3m so với mặt ruộng. Phía Đông là con đường cao hơn mặt ruộng 0.5m, rộng 3m, dài 150m từ gò chạy thẳng đến “Bàu Vuông” nơi lấy đất để đắp gò.

   Toàn bộ kiến trúc chùa xây trên nền tháp chính, bằng gạch nằm theo trục Bắc Nam trên chiều dài 50m. Trong đợt khai quật năm 1990, đã thực hiện sáu hố chân tháp ký hiệu từ H1 đến H5 và M1. Trên mặt gò rải rác khắp nơi còn nhiều viên gạch của tháp đổ xuống, cùng nhiều phiếm đá màu xanh xám. Ở phía Tây gò, chạy theo hướng Bắc Nam là những vỉa gạch lộ lên mặt đất với những viên gạch có kích thước 37 x 12 x 7 cm. Đó là những phế tích chân móng  5 ngôi tháp đã bị sụp đổ từ xa xưa. Các chân  tháp từ H1 đến H5 đều có cạnh hình vuông.

Ngôi chùa trên Gò Cổ Lâm

  Gò Cổ Lâm là di tích khảo cổ lớn nhất trong tổng số 11 di chỉ thuộc xã Thanh Điền, và là một trong những di tích có qui mô khá lớn đã phát hiện ở Tây Ninh. Các phế tích kiến trúc ở gò Cổ Lâm khá giống các kiến trúc gạch ở di tích Vườn Dầu , Miễu Bà và các di tích khác trong tỉnh. Căn cứ vào những di tích được khai quật và so sánh với một số công trình kiến trúc trên vùng đất Nam Bộ, về gạch, tượng đá, các tư liệu sản xuất … các nhà khảo cổ học đã khẳng định di tích khảo cổ học Gò Cổ Lâm có niên đại khoảng thế kỷ thứ VIII sau Công Nguyên.

                            DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHIẾN THẮNG TUA HAI

   Di tích thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nằm về hướng Bắc cách thị xã Tây Ninh 7 km. Tại đây, đêm 25 rạng 26/01/1960, thực hiện Nghị quyết 15 TW theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, lực lượng vũ trang cách mạng cùng với nhân dân Tây Ninh đã tiến hành trận tập kích tiêu diệt căn cứ Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy tại Tua Hai – Trận đánh mở màn phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam đã đi vào lịch sử và trở thành một di tích lịch sử cách mạng.                                                                              

     Chiến thắng Tua Hai, mở màn phong trào đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành cái mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn cách mạng miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Sau chiến thắng Tua Hai, phong trào đồng khởi đã lan rộng các tỉnh miền Nam, chứng minh rằng nghị quyết 15 TW Đảng được phát ra đúng thời điểm và thời cơ. 

 Trận đánh Tua Hai là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài, sự tích tụ căm thù của bao hy sinh mất mát bởi quốc sách “Tố cộng diệt cộng và luật phát xít 10/59 của Mỹ-Diệm đã gây cho đồng bào ta. Trận đánh làm rệu rã tinh thần của binh lính địch và Diệt cộng không còn khó khăn gì khi lấy lại Thị xã và toàn tỉnh.

     Trận đánh Tua Hai đêm 25 rạng 26/01/1960 ỏ Tây Ninh trận đánh lớn diệt trên 500 tên địch, thu 1.500 súng các loại, phát huy chiến thắng Tua Hai, nhân dân Tây Ninh đã nổi dậy đồng loạt giải phóng hai phần ba số xã trong tỉnh.

    Với giá trị lịch sử đó. Địa điểm chiến thắng Tua Hai được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số: 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993.​

   Chiến thắng Tua Hai, mở màn phong trào đồng khởi vũ trang đi vào lịch sử và trở thành mốc đánh dấu sự chuyển giai đoạn cách mạng miền Nam, mở ra phương thức đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang. Sau chiến thắng Tua Hai, phong trào Đồng Khởi đã lan rộng các tỉnh miền Nam, chứng minh rằng nghị quyết 15 TW Đảng được phát ra đúng thời điểm và thời cơ. 

    ĐỊA ĐIỂM THÀNH LẬP CƠ SỞ ĐẢNG TẠI GIỒNG NẦN

    Cơ sở Đảng Cộng sản tại Giồng Nần (nay thuộc ấp Long Đại, xã Long Vĩnh) là cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập ở Tây ninh sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930). Hoạt động của cơ sở Đảng Giồng Nần tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của cơ sở Đảng ở Quán cơm, Chi bộ Đảng ở Phước chỉ…, cũng từ đó chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, nâng cao ý thức cách mạng của nhân dân, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng tám 1945 thành công ở Tây Ninh. Với ý nghĩa lịch sử đó, “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

ĐỊA ĐIỂM VÀNH ĐAI DIỆT MỸ TRẢNG LỚN

   Trảng lớn được đế quốc Mỹ chọn làm căn cứ quân sự loại lớn, vừa là hậu cần cho nhiều căn cứ như: Đồng Pan, Thiện Ngôn… lại vừa là căn cứ chỉ huy tiền phương nhằm triệt phá căn cứ của cách mạng. Cuối năm 1965, Tỉnh ủy Tây Ninh đã chủ trương thành lập thế trận bao vây xung quanh căn cứ Trảng Lớn và tạo thành vành đai diệt Mỹ. Với 2250 ngày chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Châu Thành lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần đánh bại hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của Mỹ, Ngụy. Để lưu niệm một thời chiến đấu oanh liệt, huyện Châu Thành đã chọn khu đất tại ngã tư đường Tua Hai Đồng Khởi và hương lộ 3 thuộc khu phố 1, Thị trấn Châu Thành làm “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” và đã được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

     Ngày 12.11.2013, hai di tích “Địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần” và “Địa điểm vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây